Tờ Huffington Post vừa đưa ra danh sách 20 món ăn đường phố không thể không thử, trong đó đứng đầu bài viết là bánh mì của Việt Nam.
Bánh mì (Sài Gòn, Việt Nam): Nói đến bánh mì, thường người ta nghĩ tới loại bánh mì kẹp ngon lành. Món ăn này là sự kết hợp giữa nguyên liệu phương Đông và phương Tây, giữa ẩm thực Pháp và ẩm thực truyền thống Việt Nam. Thông thường, bánh mì có nhân thịt, dưa chuột, rau mùi, cà rốt, patê gan và một chút Mayonnaise. Nơi tuyệt nhất để thưởng thức món ăn ngon này là trên đương phố Sài Gòn. |
Dürüm (Istanbul): Món này bao gồm vỏ bánh mì bọc ngoài nhân được làm từ thịt nướng (thường là thịt cừu), cà chua, hành, dưa chuột, rau diếp, sữa chua và tương ớt. |
Supplì (Rome, Ý): Món ăn này được làm từ gạo, thịt bò, cà chua và phô mai Mozzarella. Trước đây Supplì chỉ được bày bán ở các hàng rong, nhưng ngày nay bạn có thể thưởng thức ở các cửa hàng pizza và hàng tạp hóa ở Rome. |
Roujiamo (Tây An, Trung Quốc): Được coi là Döner Kebab phiên bản Trung Quốc, Roujiamo là một trong những món bánh mì kẹp lâu đời nhất thế giới với lịch sử gần 2.000 năm. Roujiamo truyền thống có nhân thịt lợn hầm cay, rau ngò và ớt. |
Satay thịt lợn (Bangkok, Thái Lan): Món thịt xiên nướng khá phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á, ở Thái Lan nguyên liệu của món này chủ yếu là thịt lợn. Các lát thịt mỏng được nhúng vào nước cốt dừa, nghệ và các gia vị khác trước khi đem nướng. Món này thường được ăn kèm salad dưa chuột và sốt đậu phộng cay ngọt. |
Tacos al Pastor (thành phố Mexico, Mexico): Như nhiều món ăn đường phố khác trên thế giới, Tacos al Pastor là kết quả của sự giao thoa văn hóa. Phiên bản truyền thống thường có thịt cừu quay, còn tại các địa phương, thịt cừu có thể được thay bằng thịt lợn tẩm gia vị và dứa. Thịt quay chín được cho lên trên bánh ngô cùng hành, rau mùi và đôi thi là thêm một ít dứa. |
Tagine (Marrakesh, Morocco): Nguyên liệu chính của món này là thịt (cừu, gà hoặc bò), rau, rất nhiều rau thơm và gia vị, đôi khi có cả trái cây và các loại hạt nữa. Món ăn này rất phổ biến ở Morocco, từ các quầy hàng trên phố tới các nhà hàng hạng sang. |
Choripan (Buenos Aires, Argentina): Món bánh mì xúc xích này có nguyên liệu rất đơn giản, bao gồm xúc xích bò heo nướng, xẻ đôi và đặt trên bánh mì giòn, rưới sốt Garlicky Chimichurri. Món này thường được bán tại các sự kiện thể thao, nhưng bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy nó trên các đường phố. |
Bhel Puri (Mumbai, Ấn Độ): Bhel Puri có ở hầu hết các vùng của Ấn Độ, nhưng ngon nhất là ở Mumbai. Món này gồm mì gạo rán, rau, gia vị và tương ớt, tạo ra hương vị hài hòa, chua chua, ngọt ngọt, cay cay. |
Arepas (Bogotá, Colombia): Arepas bao gồm vỏ bánh làm từ bột ngô hoặc bột mì nướng hay rán, phủ trên là bơ, phô mai, trứng, sữa đặc, xúc xích rán và một loại sốt làm từ hành có tên Hogao. |
Bánh kếp (Paris, Pháp): Đến Paris mà không thử bánh kếp thì là một uổng phí lớn. Những chiếc bánh kếp mặn thường được làm từ bột kiều mạch, ăn kèm với thịt và phô mai trong bữa trưa hoặc tối. Bánh kếp ngọt được làm từ bột mì với đường, trái cây sấy khô, trứng và bơ lạc hay được phục vụ vào bữa sáng hoặc tráng miệng. |
Bánh quế trứng (Hong Kong, Trung Quốc): Xuất hiện trên đường phố Hong Kong từ những năm 1950, món bánh quế trứng đã trở nên phổ biến tại đây. Món bánh này thường được ăn nóng, ngoài hương vị trứng truyền thống, nhiều hàng còn cho thêm trái cây, sô-cô-la, trà xanh hoặc gừng. |
Espetinho (Rio de Janeiro, Brazil): Bạn có thể thấy món này được bày bán trên các bếp nướng nhỏ khắp Rio và các thành phố khác của Brazil. Nguyên liệu thường thấy là thịt bò hoặc thịt gà, ngoài ra còn có nhiều loại khác như xúc xích, tôm, cá, thậm chí cả một loại phô mai không chảy có tên Queijo Coalho. |
Currywurst (Berlin, Đức): Currywurst mới xuất hiện vào năm 1949 nhưng đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Đức. Món ăn đường phố đậm đà này gồm xúc xích heo hấp rồi rán, tương cà chua và bột cà-ri được ăn kèm khoai tây chiên hoặc bánh mì. |
Falafel (Tel Aviv, Israel): Món ăn này có vai trò quan trọng trong ẩm thực Israel và được coi là món ăn truyền thống của quốc gia này. Falafel bao gồm một bánh mì nhỏ có nhân salad, rau muối, tương ớt, gia vị và sốt Tahini. Dù món này khá phổ biến trên thế giới, bạn sẽ thấy không đâu có hương vị tuyệt vời như ở Tel Aviv. |
Hokkien Mee (Singapore): Singapore là một trong các quốc gia có ẩm thực đường phố tuyệt nhất thế giới, và Hokkien Mee là món bạn không thể bỏ qua khi tới đây. Hokkien Mee được làm từ mì gạo và mì trứng, thịt lợn, trứng, tôm, mực, tỏi, giá và xì dầu. Món này thường được dùng kèm chanh và một loại tương ớt có tên Sambal. |
Món gà nướng than (Jamaica): Đây là món ăn nổi tiếng nhất của Jamaica, nếu chưa thử thì coi như là bạn chưa tới quốc đảo này. Bất cứ ai cũng có thể làm nước sốt (gồm hạt tiêu Jamaica, húng tây, ớt, hành, gừng tươi, dầu ăn hoặc xì dầu) để ướp gà trước khi nướng, nhưng chỉ ở Jamaica món này mới ngon đến vậy. Thịt gà tẩm ướp được nướng trên than hoa, tạo ra vị ám khỏi và độ giòn. |
Xúc xích (Reykjavik, Iceland): Cửa hàng xúc xích nổi tiếng nhất ở Reykjavik là Bæjarins Beztu Pylsur, nghĩa là “xúc xích ngon nhất thành phố”. Mở cửa từ năm 1937, quầy hàng này từng phục vụ nhiều người nổi tiếng như cựu tổng thống Bill Clinton. Xúc xích Iceland đặc biệt là vì chúng được làm chủ yếu từ thịt cừu, thêm chút thịt bò và thịt lợn với lớp vỏ tự nhiên. Món này thường được ăn kèm tương cà, mù tạt và Rémoulade (sốt trứng gà trộn dưa muối thái nhỏ). |
Ceviche (Lima, Peru): Được bày bán khắp Peru, Ceviche được coi là món ăn quốc gia, thậm chí còn có cả một ngày lễ dành riêng cho món này. Công thức của nó rất đơn giản: những miếng cá tươi được ướp nước quýt, sau đó trộn với hành thái nhỏ, hạt tiêu, muối và ớt, dọn ăn cùng khoai lang, rau diếp, ngô hoặc quả bơ. |
Halo-halo (Philippines): Dịch ra có nghĩa là “trộn-trộn”, Halo-halo là một trong những món kem hoa quả điên rồ nhất thế giới với nguyên liệu chính là đá bào và sữa đặc. Điều đặc biệt là sự phong phú của những nguyên liệu phụ, bao gồm đậu tây, đậu Garbanzo, quả cọ ngọt, dừa, quả mã đề, mít, bột sắn, khoai lang, gạo nghiền và kem. |
Ảnh: Huffington Post
Nguồn: http://news.zing.vn/Banh-mi-Viet-vao-top-20-mon-an-duong-pho-ngon-nhat-the-gioi-post500304.html