K300: Góc Huế giữa Sài Gòn

Ẩm thực có thể xếp vào hạng nhất trong những thứ quyến rũ nhất của cố đô Huế, thật vậy, với những người chưa tới Huế thì những tấm ảnh sông Hương núi Ngự hay kinh thành cổ kính xưa có khi không gợi được cảm giác gì, nhưng khi nghe nhắc tới bún bò Huế, cơm hến, bánh bèo, bánh ướt cuốn thịt luộc, bún mắm nêm…rất ít ai tránh khỏi bị nôn nao trong dạ.

Những món đó, thật sự thì không khó tìm ở các nhà hàng rải rác trong Sài Gòn. Nhưng với rất nhiều người, nhà hàng không phải là chỗ thích hợp để thưởng thức những món ăn dân dã. Họ muốn có 1 không gian quán xá thoải mái với chút xộc xệch của bàn ghế và lơ là của người phục vụ. Rồi thì không biết từ bao giờ, khu K300 đã hình thành nên một tổ hợp quán xá Huế để đáp ứng cho nhu cầu đó.

K300 là khu vực quân đội, nằm trên đường Cộng Hòa, thuộc quận Tân Bình. Vào chốn này tìm đường A4 đi thẳng tới gần hết đường, là sẽ gặp khu ẩm thực Huế với những bảng hiệu: O Lan, O Nhớ, Huế Thương, Thanh Trà, Anh Mãi… nhưng cho dù không để ý bảng hiệu thì vẫn phải biết được một chút gì rất Huế đang lơ lửng quanh đây, qua mùi khói tỏa ra từ những bếp lò. Đó là mùi thơm đậm đà của bún bò, dịu dàng của bánh canh, nhưng cũng có cả mùi tanh tao khêu gợi của hến. Bún bò Huế là món quá quen thuộc, nhưng ăn ở đây thì hơi khác, do chính người Huế nấu, hình như là nấu cho người Huế ăn, nên hương vị nhẹ nhàng hơn, mà tô bún cũng khiêm tốn hơn.

Không nổi danh bằng bún bò huế, nhưng món trụ cột ở khu vực này lại là bánh canh cá lóc. Các quán Anh Mãi, O Nhớ, Huế Thương được dân tình yêu mến bởi món bánh canh này. Bánh canh Huế khác bánh canh Sài Gòn ở chỗ sợi vuông, làm từ bột gạo trộn bột năng, cá lóc thường dùng loại cá đồng, bỏ hết xương, để từng miếng bự sắp lên tô nước cái lẫn lộn sóng sánh sền sệt, sau đó rắc hành một lớp xanh rì. Khi ăn phải rắc tiêu và hơi nhiều ớt bột thì mới ngon, mới cay, mới đậm đà vị Huế. Kiểu bánh canh này mới ăn thấy lạ, nhưng khi đã thấm rồi mới thấy thật sướng bụng. Ăn xong nếu chưa no, thì kêu thêm dĩa bánh khoái, nem lụi, bánh bèo, nậm, lọc, len cho chặt dạ dày, cắn thêm miếng vả giòn, khế chát, miếng ớt hiểm cay túa mồ hôi hột… toàn những thứ nhỏ nhỏ mà khó quên.

Nói món Huế mà không nói tới hến là một sự thiếu sót. Người Huế làm được nhiều món ngon từ hến: hến trộn, hến xào, cơm hến, bún hến. Đúng điệu phải ăn bún hến, cơm hến vào buổi sáng, lúc đó bụng dạ còn phơi phới tươi nguyên, mới có thể hòa trộn ưng ý những cái lạt lẽo của cơm nguội, mặn mòi của mắm ruốc, cay xè của ớt và hương vị khó tả của hến, vô nhau, làm thành một thứ có thể chui vô hết mọi ngóc ngách của khẩu vị loài người. Tuy chỉ là những món dân dã rẻ tiền, nhưng cơm hến, bún hến, hến trộn trường tồn theo năm tháng, vẫn giữ nguyên nét giản dị của mình.

Đó là nói trên lý thuyết, còn thực tế thì tại khu này hiếm có quán hến nào có thể làm vừa lòng những người khó tính. Là vì hến không phải lấy từ cồn Hến ở sông Hương, rau cũng mua từ các chợ Sài Gòn, lá to bản và nhạt mùi… Nhưng ai dễ chịu thì thấy chừng đó là ổn rồi, ít ra cũng có một nửa hương vị Huế mà không cần phải đi thêm 1000 km.

Từ chiều đến gần nửa đêm, khu vực này rất đông đúc với những khách ruột. Từ trẻ tới già, từ bia tới nước ngọt, không gian trở nên phù hợp với những người sôi nổi. Lúc này cũng là lúc các món hột vịt lộn xào me, chân gà muối ớt…đi vào các bàn ăn để làm hài lòng khách ẩm thực Sài Gòn.

Nói chung muốn tìm một nơi giống Huế giữa Sài Gòn hay bất cứ nơi đâu trên thế giới này là điều không thể. Khách tới đây để ăn chơi, để đổi khẩu vị, hay để ôn lại một vài hương vị Huế xưa đã trở thành kỉ niệm. Nhiều người thậm chí không tới để ăn, chỉ là dạo một vòng quanh khu ẩm thực để đọc thầm những bảng hiệu O Nhớ, Huế Thương, rồi vội vàng đem những khoảnh khắc Huế chóng tan ấy ra về.

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

 



You Might Also Like