Ẩm thực Việt rất đa dạng và đặc sắc, và dĩ nhiên trong đó có không ít những món khó làm quen. Những món từ sâu sau đây là một ví dụ.
Rươi
Rươi là một giống hải trùng có nhiều ở Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… Tuy vậy, món ăn lại nổi tiếng và quen thuộc với người Hà Nội. Về hình dáng, rươi trông gần giống đỉa lai rết bởi thân hình nhũn nhũn nhưng rất nhiều chân. Khi sống, rươi mềm mềm đủ mầu xanh, đỏ, vàng, xám vằn vện trong lớp nhớt quánh như hồ, sặc mùi tanh. Với hình dáng đó, nó không chỉ khiến trẻ em mà du khách cũng phải xanh mặt.
Thế nhưng, sau khi qua chế biến, kết hợp cùng một số nguyên phụ liệu khác, con rươi đáng sợ chuyển mình thành đặc sản thơm ngon khó quên với các món như chả rươi, rươi hấp, rươi xào củ niễng, rươi kho, mắm rươi, rươi khô, rươi đúc trứng…
Sâu măng
Sâu măng là loại sâu sống trên cây măng và là đặc sản của huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Sâu măng to bằng đầu đũa, dài cỡ 2 đốt ngón tay. Cách săn sâu khá đơn giản, vào khoảng tháng 9, tháng 10, người săn sâu chỉ cần mang theo dao và giỏ đi một vòng quanh rừng nứa. Những bụi nứa có cây măng nào cao khoảng đầu người có biểu hiện héo ngọn, thân cong, mắt u thì hạ xuống, rồi đổ sâu trong ống nứa vào giỏ.
Có nhiều cách chế biến sâu măng nhưng món ngon nhất, đơn giản và hấp dẫn là xào lá chanh. Giá bán sâu măng ngay tại thị trấn Mường Lát vào mùa thu hoạch có giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg.
Sâu chít
Sâu chít là côn trùng sống trong cây chít và là niềm tự hào về đặc sản đặc biệt địa phương của người dân Tây Bắc. Với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, sâu chít được xưng tụng là “đông trùng hạ thảo của Việt Nam”.
Cách bắt sâu chít khá đơn giản. Người thu hái sẽ lựa chọn những cây chít có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa, chẻ đôi ngọn để moi sâu ra, thả vào chậu rượu nhạt để sâu không bị biến chất. Cách sử dụng phổ biến nhất của sâu chít là ngâm rượu, ngoài ra còn có thể sao khô, nấu cháo.
Sâu cát (sá sùng)
Gọi là sâu cát vì nó thường sống sâu trong cát và có hình dáng giống với loài giun, còn gọi là trùn biển, sá sùng. Sâu cát được tìm thấy nhiều ở vùng bờ biển Quảng Ninh, nhất là các xã Minh Châu, Quan Lạn.
Muốn bắt được sá sùng, bạn phải ra biển thật sớm, rồi lần theo hàng triệu vết bò ngoằn ngoèn đến hang và đào đào sâu từ 10 – 20 cm là có (gần trưa có lúc phải đào sâu tới 60 – 70 cm). Khi còn sống, trùn biển màu nâu đỏ có ánh bạc; con to dài khoảng 4 tấc, con nhỏ dài hơn 2 tấc; trên thân có nhiều bó cơ nên di chuyển linh hoạt.
Thoạt trông con trùn biển còn sống ngọ ngoậy trong thùng, chưa chắc ai dám ăn song sau khi qua chế biến như sá sùng xào với tỏi tươi, người dân vùng biển Hạ Long gọi là mồi xào hay rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau dấp cá, rau thơm và uống với bia thì ăn hoài không ngán. Nếu không thích các món sá sùng tươi sống, bạn có thể phơi khô rồi chế biến tùy ý.
Đuông
Đuông, ấu trùng của sâu, là một trong những đặc sản khó cưỡng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có hai loại đuông là đuông dừa và đuông chà là với kích thước và màu sắc khác nhau.
Cách bắt đuông khá đơn giản, cứ thấy cây dừa nào héo ngọn, vàng lá chặt đi là sẽ tìm thấy đuông. Mỗi cây dừa/chà là như thế có hàng trăm con đuông. Cách thưởng thức kinh dị nhất của đặc sản này là đuông sống “tắm” nước mắm – dành cho những tay sành ăn hay “kiên gan”. Riêng với những người mới tập ăn hay “yếu vía”, các món như đuông lăn bột chiên, đuông nướng, đuông luộc nước dừa, đuông hầm… là món tủ.