Nếu có dịp đến với đất Kinh Bắc, bên cạnh việc thăm thú những di tích lịch sử, văn hóa lừng danh như di tích Yên Thế, chùa Vĩnh Nghiêm…hay các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, thì du khách cũng không nên bỏ qua những đặc sản của vùng đất có văn hóa lâu đời.
Rượu Làng Vân, Cam Bố Hạ, Mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế… là những đặc sản gắn liền với đất Bắc Giang.
Rượu Làng Vân
Rượu làng Vân là một trong những đặc sản danh tiếng không chỉ của Bắc Giang mà của cả miền Bắc. Đây là loại rượu nếp nấu bằng nếp cái hoa vàng trồng ở làng Vân Xá, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Rượu làng Vân ngon nhờ men rượu bí truyền từ bao đời truyền lại. Ngày xưa đây là loại rượu được chọn để dâng Vua tiến Chúa, cũng như là loại rượu chính trong các bữa tiệc của triều đình. Vua Lê Hy Tông đã sắc phong cho loại rượu này bốn chữ “Vân Hương Mỹ Tửu” vào năm Chính Hòa thứ 24.
Ngày nay đây là loại đặc sản thường được khách du lịch mua làm quà khi đến Bắc Giang.
Cam Bố Hạ
Cam sành Bố Hạ từng đi vào dân gian trong những câu thành ngữ, tục ngữ. Được coi là loại cam ngon đệ nhất trong nước, đã từng nổi tiếng khắp vùng tại các kỳ thi đấu xảo quốc gia được tổ chức ở cố đô Huế, đã từng một thời là niềm tự hào của người dân xứ Bắc, nhưng đến ngày nay một vùng cam quý đang dần mai một và có nguy cơ chìm vào lãng quên.
Mỳ Chũ
Mỳ Chũ được chế biến từ hạt gạo Bao Thai Hồng trồng trên vùng đất đồi Chũ. Những sợi mỳ dẻo dai, đậm đà có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào khi thưởng thức.
Bánh đa Thổ Hà
Bánh đa Thổ Hà căng tròn những miếng lạc vàng thơm, điểm thêm dừa nạo có vị bùi bùi. Bánh khi phơi khô xong được xếp theo từng chồng, bán với giá khoảng 8.000 đến 15.000 đồng một chiếc.
Gà đồi Yên Thế
Ở Yên Thế, món gà đồi chính hiệu mới là thứ đáng để nhớ bởi “Yên Thế đệ nhất gà đồi. Thịt thơm lại chắc, ăn rồi thì mê”. Món gà đồi ngon nhất chỉ nên luộc chín tới, thịt gà còn chắc, giòn để chấm với muối trộn lá chanh, nước luộc ngọt lịm dùng để ăn kèm với cơm.
Vải thiều
Trong số các sản vật nổi tiếng của Bắc Giang không thể không nhắc tới vải thiều mà đặc biệt hơn là vải thiều Lục Ngạn. Quả vải thiều Lục Ngạn có đặc điểm khi chín có màu đỏ, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày khi ăn có vị ngọt đậm khiến người ăn cứ muốn thưởng thức thêm.
Bún Đa Mai
Bún Đa Mai có sợi dẻo, ăn mát, để cả ngày không chua lại trắng muốt như bột lọc. Bún Đa Mai có 4 sản phẩm chính, đó là: bún rối, bún vẩy ốc, bún con ba, bún vẩy (còn gọi là bún lá). Nghề làm bún ở Đa Mai xuất hiện tương đối sớm (khoảng 400 năm), là một trong bốn làng nghề làm bún cổ xưa của miền Bắc.
Chè kho Mỹ Độ
Chè kho Mỹ Độ có màu vàng hơi sậm – màu của đỗ với những hạt vừng tấm trắng rang thơm được rắc lên mặt đĩa chè như là vì sao sa. Hương đậu xanh, hương vừng, vị ngọt thanh của đường kính, vị béo thoang thoảng của mỡ, chất đậm đà của đậu xanh hòa quyện vào nhau. Ăn một miếng chè đỗ đãi ta thấy cái cảm giác thật khó tả: vị ngòn ngọt tan từ từ trong miệng.
Xôi trứng kiến
Bất kỳ ai một lần được thưởng thức xôi trứng kiến Lục Ngạn cũng sẽ nhớ mãi. Có nhiều món làm từ trứng kiến nhưng thông thường người dân sử dụng trứng kiến để đồ xôi. Món xôi trứng kiến được làm từ gạo nếp nương, có thêm mỡ, hành và hạt tiêu, gia vị.
Cua da
Cua da chỉ xuất hiện và khoảng đầu đông trong thời gian khoảng 2 tháng (tháng 9 và tháng 10 âm lịch) hằng năm, ở các ghềnh đá đoạn sông Cầu chảy qua địa phận một số xã ven sông huyện Yên Dũng. Ăn cua da ngon nhất và đơn giản nhất là đem hấp bia. Khi cua chín có màu vàng cam rất hấp dẫn. Thịt cua ngọt, lớp vỏ ở chân và càng cua khá mềm, chấm bột canh pha mù tạt kèm nửa quả chanh vắt vào thì không gì thú vị bằng.
Bánh đúc Đồng Quan
Bánh đúc làng Đồng Quan được nhiều người yêu thích bởi bánh vừa dẻo, vừa mát. Nhìn miếng bánh đúc trắng ngần, bóng mịn, lấm tấm mấy hạt lạc bùi bùi, giòn sần sật làm ta chẳng thể cưỡng lại mà cầm lên thưởng thức. Ăn bánh đúc phải chấm với tương bần. Khi đó, cái vị ngọt của gạo, vị nồng của vôi, vị béo của dừa, vị mặn của tương, tất cả hòa quyện thành vị quê nồng đượm.
Bánh vắt vai
Bánh vắt vai là loại bánh lạ từ hình thức đến tên gọi. Món ăn độc đáo này của đồng bào dân tộc Cao Lan, Lục Ngạn. Để làm nên những chiếc bánh vắt vai thơm ngon, ngọt bùi cần thực hiện nhiều công đoạn: gạo nếp nghiền nhỏ bằng cối xay đá; lá ngải cứu luộc lẫn nước vôi trong cho bớt vị chát, đắng, sau đó nghiền nhỏ trộn cùng bột nếp. Sau khi nặn và gói xong, bánh được luộc cách thủy khoảng hai giờ đồng hồ, vớt ra để ráo nước là có thể dùng được.
Theo Mimi (ngoisao.net) và tổng hợp thêm một số nơi.