Cách làm CÀ CHUA NHỒI TÔM THỊT

CÀ CHUA NHỒI TÔM THỊT không chỉ trông hấp dẫn, bắt mắt mà còn ngon miệng dễ ăn với vị chua ngọt của sốt cà. Bạn có thể cho nấm mèo, nấm hương và miến vào nhồi chung tùy thích.

Nguyên liệu:

  • 250gr thịt nạc dăm xay nhuyễn
  • 200gr tôm
  • Miến và nấm mèo (mộc nhĩ) ngâm mềm, thái sợi. (số lượng tùy thích, không thích ăn thì không cần bỏ vào)
  • 4 trái cà chua to
  • 1/2 củ hành tây băm nhỏ, 1 muỗng cafe tỏi băm, vài cọng ngò
  • Muối, tiêu, đường, bột ngọt, nước mắm, dấm, dầu ăn
  • Bột năng

Cách Làm:

– Tôm làm sạch, lột vỏ bỏ đầu, rút chỉ đen rồi rửa lại bằng nước muối, lau cho khô rồi cho vào cối giã nát cùng với 1 muỗng cafe tỏi băm (hoặc cho vào máy xay xay nhuyễn).

– Thịt heo trộn chung với tôm xay nhuyễn, nấm mèo, miến, hành tây băm, ướp với 1/2 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe tiêu, 1 chút bột ngọt trong 15 phút.

– Cà chua lấy 3 trái bổ đôi theo chiều ngang (là được 6 miếng), khoét hạt bỏ đi, khoét ruột ra băm nhỏ. Quả còn lại bỏ hạt, băm nhỏ cả quả.

– Thoa một  ít bột năng vào những quả cà chua đã khoét ruột chẻ đôi, sau đó nhồi nhân tôm thịt đã ướp vào.

– Bắc chảo cho vào ít dầu, chảo nóng lần lượt cho từng phần cà chua nhồi thịt vào chiên. Khi chiên úp mặt có thịt xuống chiên trước chín rồi mới trở mặt khác.

– Bắc chảo dầu, phi thơm hành tỏi rồi cho vào ít dấm, đường, nước mắm. Sau đó trút tất cả ruột cà chua và cà chua băm nhuyễn chuẩn bị khi nãy vào xào cho nát nhừ, lấy 1 muỗng cafe bột năng hòa nước lạnh cho tan rồi đổ vào hỗn hợp nước sốt để tạo độ sền sệt. Nêm nếm lại cho vừa ăn.

– Khi ăn xếp cà chua nhồi thịt chiên trước rồi chan nước sốt lên, rắc ngò trang trí. Ăn nóng với cơm.

Bảo Tố

4 hiểu lầm tai hại khi ăn tôm

Tôm là một trong những thực phẩm ngon nhất thế giới. Nó được tôn vinh là vua của các loại hải sản vì những giá trị dinh dưỡng cũng như hương vị mà nó mang lại. 

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người còn có những nhận thức sai lầm về tôm, dẫn đến việc chế biến và sử dụng món tôm chưa hợp lí.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số những lưu ý để chị em bổ sung vào kiến thức về dinh dưỡng của mình.

1. Ăn mắt tôm bổ mắt

Đó là lí do vì sao nhiều người dù không thích nhưng vẫn ăn cả đầu tôm. Ngoài quan niệm là “ăn gì bổ nấy” ra, còn có người có quan niệm mắt tôm có tác dụng tăng cường sức khả năng “đàn ông” như một lợi viagra tự nhiên cho đàn ông nên ra sức ăn đầu tôm. Thực tế, chưa có nghiên cứu cụ thể và đáng tin cậy nào chứng tỏ tác dụng của đầu tôm cũng như mắt tôm đối với sức khỏe con người. Thực tế thì đầu tôm có ít chất dinh dưỡng hơn thịt, chân và càng tôm. Đó là chưa kể, nếu không để ý, khi ăn đầu tôm bạn còn ăn cả túi chất thải của tôm nằm ngay trên đầu.

2. Ăn vỏ tôm mới có canxi

Đa số mọi người thường quan niệm vỏ tôm cứng nên giàu canxi nhất, vì vậy, khi ăn họ thường cố gắng ăn cả vỏ bất chấp vỏ rất cứng, lại chẳng hề có “mùi mẽ” gì. Tuy nhiên, thực tế thì nguồn canxi chính của tôm tập trung chủ yếu ở thịt, chân và càng. Nếu bạn cứ cố tình ăn vỏ tôm thì kết cục, chúng sẽ được bài tiết ra ngoài hết vì vỏ tôm chỉ là chất kittin, caasi tạo nên vỏ của các loại giáp xác chứ không chứa nhiều canxi.

3. Sản phụ mới sinh không được ăn tôm

Thay vì cho sản phụ ăn đa dang các loại thức ăn trong đó có tôm để bổ sung dinh dưỡng, vừa để phục hồi sức khỏe sau khi sinh, vừa để bổ sung canxi cho con bú thì các bà lại cho sản phụ kiêng ăn tôm vì quan niệm ăn tôm gây lạnh bụng, đau bụng. Nếu sản phụ sinh mổ thì còn khiến gây ra sẹo lồi. Thực tế thì không phải như vậy. Sẹo lồi hay lõm hoàn toàn là do cơ địa của mỗi người quyết định. Bản thân tôm rất giàu giá trị dinh dưỡng và lành tính, rất tốt cho sản phụ. Chỉ cần lưu ý là cần cho sản phụ ăn tôm còn tươi, ăn với một lượng vừa phải để tránh bị dị ứng hay bị ngộ độc tôm.

4. Trẻ mới tập ăn không nên ăn tôm

Nhiều bà mẹ khi tập cho con ăn dặm thường loại trừ món tôm khỏi thực đơn vì quan niệm ăn tôm tanh, dễ khiến trẻ đi ngoài quen dạ. Tuy nhiên, thực ra nấu bột tôm có mùi vị rất thơm ngon, lành tính, hợp khẩu vị với nhiều trẻ và nấu được với nhiều loại rau, đặc biệt tốt cho trẻ tập ăn dặm. Tuy nhiên, nếu cho trẻ ăn nhiều, ăn liên tục hoặc ăn tôm đã ươn thì trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa.

Cách chọn tôm ngon– Đối với tôm tươi: chỉ chọn những con còn tươi sống. Những con chết bắt đầu mềm nhũn ra, đầu tôm dễ tách khỏi mình, màu trở thành sẫm, có nhiều nhớt.

Tôm tươi khi nấu chín có vỏ đỏ, thịt chắc, mùi vị thơm ngon. Tôm đã ươn thịt nhũn.

– Đối với tôm khô: cũng có thể quan sát hình dáng, màu sắc, mùi vị bên ngoài để xác định tốt hay xấu.

Tôm khô tốt thường có màu hồng nhạt đến hồng, sáng, không trắng nhợt cũng không thâm đen.

Nếu là tôm khô cả vỏ phải nguyên con, không dập nát.

Nếu là tôm nõn khô không có đầu thì phải nguyên mình, không vụn nát, không có sâu mọt, mốc meo, mùi vị thơm ngon tự nhiên của tôm khô, không có mùi khác lạ.

T.T (Tổng hợp từ Trí thức trẻ/ Khám phá)

Cách làm TÔM CHẤY

Tôm chấy là nguyên liệu tuyệt vời, giữ vai trò quyết định cho sự thơm ngon của các món như Bánh bèo Huế, bánh ít trần, bánh ướt, bánh hỏi…Có 2 cách làm, làm bằng tôm tươi và làm bằng tôm khô.  

  1. CÔNG THỨC 1: LÀM BẰNG TÔM TƯƠI

Nguyên liệu:

  • 350g tôm bạc tươi
  • Muối, tiêu
  • Nước của 2 trái dừa khô

Cách làm:

– Tôm làm sạch, bỏ chân và râu.

– Bắc nồi đổ vào 1 chén nước dừa, nấu sôi với nửa muỗng cafe muối. Sau đó cho tôm vào luộc chín. Tắt bếp, lấy tôm ra lột vỏ bỏ đầu.

– Cho tiếp vào nồi 1 chén nước dừa tươi, rồi cho tôm vào nấu tiếp với lửa nhỏ. Đến khi cạn còn 2/3 nước thì tắt bếp. Lấy tôm ra ngoài để nguội.

– Cho tôm vào máy xay sinh tố hoặc cho vào cối giã từ từ, thật nhuyễn.

– Bắc chảo chống dính lên bếp (không bỏ dầu ăn), vặn lửa vừa. Cho tôm đã giã nát vào rang đều tay, thêm chút xíu muối. Tôm vừa khô thì nhắc xuống, lấy cái chén ăn cơm hoặc vá chà khi tôm còn nóng để tôm được bấy ra.

– Sau đó lại bỏ chảo lên, rang tôm lại lần 2 với lửa nhỏ, đảo đều tay tới khi tôm khô hẳn thì tắt bếp. Để nguội là dùng được.

  1. CÔNG THỨC 2: LÀM BẰNG TÔM KHÔ

Nếu làm bằng tôm khô thì bạn ngâm tôm khô cho mềm, rồi cho vào máy xay sinh tố hoặc dùng cối giã nát với chút bột ngọt (cho đỡ mặn). Sau đó cho lên chảo không bỏ dầu, rang trên lửa nhỏ (coi chừng cháy) cho tới khi khô vụn rời ra là được.

Bảo Tố.

Cách làm món Bún tôm Hải Phòng

Món bún tôm đẹp mắt và ngon miệng rất thích hợp trong những ngày trời nóng nực, chán cơm thèm bún.

Nguyên liệu:

  • Tôm sú hoặc tôm giảo: 3 lạng
  • Cà chua: 2 quả
  • Thịt ba chỉ: 200gr
  • Nấm mèo (mộc nhĩ): 2 cái
  • Nấm hương: 5 cái
  • Thìa là: 1 bó
  • Rau cần: 1 bó
  • Hành củ
  • Bún
  • Xương gà hoặc xương heo để nấu nước xương (không dùng xương đầu vì sẽ dễ hôi).

Cách làm:

  • Chuẩn bị:

Nấu nước xương: Bắc nồi nước sôi, cho xương chần qua rồi đổ nước đó đi. Xong lại đổ vào nồi một lượng nước vừa đủ ăn với bún. Cho vào chút muối. Nấu với lửa to cho tới khi sôi thì vặn nhỏ lại. Hớt bọt và váng béo cho nước trong. Đun nhỏ lửa từ 2-3 giờ. Xong thì trút ra để riêng phút cuối cùng mới dùng tới.

– Tôm rửa sạch, rút chỉ đen vứt đi, lột đầu và vỏ bỏ qua một bên. Phần thân tôm đem ướp với 1 muỗng cafe muối. Phần đầu và vỏ đem rang cho chín khô, sau đó cho vào cối giã nát. Trút vỏ tôm đã giã này vào cái rây rồi lọc lấy nước tôm.

– Thịt heo thái miếng mỏng, to vừa ăn.

– Mộc nhĩ rửa vò nhẹ nhiều lần bằng nước muối cho sạch. Ngâm mộc nhĩ và nấm hương vào nước ấm, cho thêm tí đường (1 đường + 4 nước), thời gian ngâm từ 20-30 phút, thấy mềm vừa đủ ăn thì lấy ra, thái sợi to bản khoảng 1cm.

– Nhặt rửa rau cần cho sạch, cắt khúc vừa đủ bỏ vô tô bún ăn. Chần sơ qua nước sôi cho mềm, để qua một bên.

– Cà chua bổ múi cau.

– Hành củ lột vỏ, xắt lát mỏng

– Thìa là rửa sạch, cắt thành cọng nhỏ vừa ăn.

  • Thực hiện:

– Bắc cái nồi to vừa đủ nấu nước dùng lên bếp, cho một ít hành củ xắt nhỏ vào phi thơm, sau đó cho tôm đã lột vỏ vào xào chừng 3 phút, tôm chín, săn thì vớt ra ngoài.

– Cho tiếp 1 ít hành củ xắt lát vào nồi, phi tiếp cho thơm rồi cho thịt vào xào, nêm chút nước mắm, bột ngọt, muối cho có vị. Phần thịt này săn chín thì trút ra bỏ vào chung với phần tôm vừa xào trước đó.

– Tiếp tục cho 2 loại nấm đã thái sợi vào nồi, xào khoảng 3 phút, nêm chút nước mắm. Nấm săn, ngấm thì trút ra 1 cái chén riêng.

– Phần hành củ xắt lát còn lại cho hết vào nồi, phi thơm rồi cho cà chua vào xào cho chín, ra nước, thì đổ nước dùng đã nấu ở bước chuẩn bị vào. Trút hết nước lọc tôm khi nãy vào trong nồi luôn.

– Đun sôi nước, sau đó nhỏ lửa nêm nếm lại. Nêm sao cho hơi nhạt một tí vì tôm thịt nấm khi nãy đã hơi mặn rồi.

  • Trình bày:

– Trước khi ăn thì trụng sơ bún qua nước sôi.

– Cho bún vào tô, xếp rau, tôm, thịt, nấm, thìa là lên mặt bún rồi chan nước dùng vào ăn nóng.

– Món này không quá phức tạp, chỉ là chuẩn bị nhiều nguyên liệu nên mới thành ra nhiều công đoạn. Nếu có nhiều thời gian chuẩn bị, bạn có thể thêm cá rô chiên giòn, chả lá lốt vào ăn chung, rất ngon nhé!

Bé Thúi.

Gỏi ngó sen là món ăn quen thuộc trong các bữa tiệc. Bên cạnh đó, trong bữa ăn thường ngày, gỏi ngó sen cũng là một món cực kỳ hao cơm.

Nguyên liệu:

  • + Ngó sen: 4 lạng (chọn loại cọng chắc, nhỏ)
  • + Tôm sú: 3 lạng
  • + Thịt ba chỉ: 2 lạng
  • + Cà rốt thái sợi
  • + Rau răm thái nhỏ
  • + Ớt thái sợi.
  • + Đậu phộng (lạc) giã sơ.
  • + Nước mắm, đường, giấm trắng.

Cách làm:

– Ngó sen rửa sạch, tước ra làm đôi rồi cắt khúc vừa ăn. Sau đó ngâm trong nước với chút muối, chanh để giòn và không bị thâm. Nên ngâm trước khoảng 1 đêm trong tủ lạnh.
– Tôm hấp chín, lột vỏ, chẻ đôi dọc sống lưng.
– Thịt heo luộc chín trong nước có tí muối. Sau đó xắt ra thành cọng to bằng ngó sen.
– Pha 1 chén gồm 100ml nước mắm, 2 lạng đường, vắt miếng chanh. Nêm nếm lại vừa ăn.
– Trộn tôm, thịt, ngó sen, cà rốt, rau răm, ớt vào nhau, rồi rưới từ từ nước trộn vào trộn tiếp, vừa trộn vừa nếm đến khi vừa miệng thì ngưng.
– Cho gỏi ngó sen ra dĩa, rắc đậu phộng giã sơ lên.
– Món gỏi ngó sen tôm thịt đã hoàn thành. Chúc cả nhà ngon miệng!

Bé Thúi.