NHỮNG ĐẶC SẢN HẤP DẪN KHÔNG THỂ BỎ QUA Ở TUYÊN QUANG

 

Đất Tuyên Quang đã đi vào câu thành ngữ “Chè Thái – gái Tuyên” như một trong những “miền gái đẹp” khiến cho bao người không khỏi ước mong được khám phá. Nhưng khi đến được nơi đây, bên cạnh việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp trang nhã của cô gái Tày, nét ban sơ của cô gái Dao, còn một điều mà du khách không được quên đó là khám phá những sản vật phong phú của vùng đất có địa hình đa dạng ở trung tâm lưu vực sông Lô này.

1. Rượu ngô Na Hang

Rượu ngô Na Hang không chỉ dễ “say như điếu” bởi chất ngô ngọt lử mà còn bởi công thức gây men đặc biệt từ lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 20 loại thảo dược quý có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp, thấp khớp… Chỉ cần một nhấp rượu ngô Na Hang, bạn có thể cảm nhận được hương thơm vị mát lan tỏa khắp cơ thể.

 

2. Cam sành Hàm Yên

Cam sành đã được trồng từ rất lâu đời trên đất Hàm Yên và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của huyện. Cam được trồng trên núi cao, khí hậu mát mẻ, cho vị ngọt mát và giá trị dinh dưỡng cao.

3. Gỏi cá bỗng sông Lô

Cá bỗng để chế biến món gỏi phải là cá nuôi được 1,5-2 năm, trọng lượng đạt 2,5-3kg, thịt chắc. Gỏi cá Tuyên Quang không dùng thính gạo mà dùng chính xương cá băm nhỏ rang vàng, cán mịn rồi trộn đều với lạc rang giã rối, ăn cùng những lát cá thái mỏng kèm theo gia vị, rau thơm và các loại lá rừng nước sốt gia vị sánh ngọt hấp dẫn, thích thú vô cùng.

 

4. Cơm lam

Cơm lam đất Tuyên Quang không có nhiều khác biệt với các miền vùng cao khác nhưng rất phổ biến và cũng là một nét ẩm thực khó quên của mảnh đất này. Ai đã từng thưởng thức cơm lam nơi đây sẽ không bao giờ quên được hương vị dẻo thơm của nếp. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của nước ống tre, vị thanh thanh lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ. Cơm lam có thể ăn ngay hoặc để cả tuần mà vẫn mềm, ngon mà không bị hỏng, và có thể ăn cùng với nhiều thức ăn khác.

5. Thịt trâu gác bếp

Một đặc sản lừng danh Tuyên Quang khác là thịt trâu gác bếp. Thịt trâu ở vùng núi Tuyên Quang nổi tiếng là sạch và ngọt thịt. Khi trâu được mổ, lấy nguyên thịt nạc, dần cho mềm và ướp với tỏi, ớt, gừng, sả và những gia vị khác, sấy trên than củi hoặc hun khói trên gác bếp. Khi ăn, có thể cuốn thịt trâu khô với lá rau cải, chấm thêm với ma-gi, mù tạt, uống với bia.

Ảnh: monngonmiennui

 

6. Mắm cá ruộng Chiêm Hoá

Đây vừa là món ăn truyền thống, cũng vừa là một vị thuốc độc đáo của đồng bào dân tộc Tày từ bao đời nay.Để làm ra một hũ mắm cá đòi hỏi khá công phu, phải mất 3 tháng nuôi cá ở ruộng và 10 tháng ủ men làm mắm, hương vị đặc trưng của thứ đặc sản này khiến cho ai đã từng một lần thưởng thức sẽ khó quên.

7. Măng

Măng là món quà hương rừng tinh tuý của mảnh đất miền núi. Từ măng nứa, măng tre, măng mai… có thể chế biến thành nhiều món như măng xào, măng cuốn, măng nhồi thịt, măng đắng luộc chấm mẻ… Món nào cũng có hương vị riêng, đậm đà, khó quên. Măng còn để ngâm chua, xào cùng thịt trâu, một món ăn rất đặc biệt của đồng bào dân tộc vùng núi cao.

8. Bánh gai Chiêm Hoá

Ngoài mắm cá, bánh gai Chiêm Hoá cũng đóng góp hương vị đặc sắc vào văn hoá ẩm thực đất Tuyên Quang.Bánh gai được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tơi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn. Muốn có chiếc bánh thơm ngon, phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước và xay thành bột. Lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ, đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn, trộn với bột và mật mía làm vỏ bánh. Hương vị của lá gai quyện vào mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô, tạo nên hương vị rất đặc trưng.

9. Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc (5 màu, gồm trắng, xanh, đen, đỏ, vàng) được làm để dâng tế thần linh. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tày, đây là biểu tượng của “ngũ hành”, tượng trưng cho kim, mộc, thủy, hỏa, thổ – 5 yếu tố vật chất tạo ra sự sống. Thưởng thức món xôi ngũ sắc, du khách không chỉ cảm nhận được hương vị thơm ngon mà còn được chiêm nghiệm những triết lý sâu xa về thuyết ngũ hành trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày.

10. Bánh nếp nhân trứng kiến

Đến với những ngôi nhà sàn người Tày thuộc Tuyên Quang để thưởng thức những món ngon dân dã và độc đáo trong đó có món bánh nếp nhân trứng kiến.Người ăn nếm từng miếng nhỏ để cảm nhận mùi vị thơm ngon của nếp, vị ngậy béo của nhân trứng kiến quyện lẫn hành và thì là. Tuy nhiên cũng có người vì nhạy cảm, thì có thể bị dị ứng khi ăn món bánh này giống như người bị dị ứng khi uống rượu ong.

 

(Theo Depplus.vn/MASK)

NHỮNG MÓN BÁNH ĐẶC SẢN NGON NHƯNG ÍT AI BIẾT

Nền ẩm thực của Việt Nam rất phong phú, do đó, bên cạnh những món ăn nổi tiếng, phổ biến, thì còn có những món ăn vì nhiều lý do như: địa lý, hoàn cảnh sống, cách làm cầu kỳ, nguyên liệu khó tìm… mà đã trở nên rất ít phổ biến, rồi dần dần bị thất truyền. 

Sau đây là những món bánh mà khi nhắc đến tên, hiếm ai biết được nó là gì, có hương vị ra sao.

Bánh ngải​ nhân vừng

Bánh ngải là món ăn truyền thống của người Tày, Nùng, nhưng ngày nay ít có ai biết. Đây là loại bánh rất đẹp, khuôn dạng như bánh dày nhưng có màu xanh ngọc. Bánh làm từ lá ngải cứu nấu với nước tro, rồi trộn chung với cơm nếp sau đó giã nhuyễn. Bánh được gói bằng lá “mác rạng” để không bị khô. Bánh có nhân từ đường phên và vừng.

Bánh bảy lửa

Bánh Bảy lửa, ảnh Vũ Phương Thảo.

Tương truyền bánh do 1 người vợ ở Quảng Nam sáng tạo ra như một loại lương khô để chồng đem theo trên đường ra Huế ứng thí.  Nghe tên bảy lửa đủ biết mức độ công phu của món bánh này. Bánh được làm từ bột gạo, đường, gừng, trải qua bảy lần lửa, nhiều công đoạn rang, giã, sấy kĩ… Thành phẩm là món bánh có thể trữ hàng nhiều tháng. Bánh giòn tan và ngon miệng, từng là món ăn tết phổ biến ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy vậy ngày nay còn ít nhà làm bánh này, một phần vì công phu, tốn sức.

Bánh chông Giao Tiến

Bánh chông là một món ăn ngày tết của cư dân ở xã Giao Tiến, huyện Xuân Thủy, Nam Định. Cách nấu bánh có một công đoạn tương tự như xôi gấc, nhưng sau khi chín xôi thì tộn đường vào rồi giã cho nhuyễn. Sau đó ép lại, cắt thành miếng hình thoi cỡ ngón tay, phơi khô, rang giòn lên rồi mới ăn. Do miếng bánh hình thoi nhọn hai đầu giống cây chông nên gọi là bánh chông.

Bánh nghệ

Từ “Nghệ” ở trong món bánh Nghệ là tỉnh Nghệ An, tuy vậy bánh đã thất truyền ở quê hương của nó. Đã có một thời, bánh nghệ phổ biến ở Sài Gòn- Chợ Lớn như một món ăn chơi, nhưng đến nay thì chắc ít dân Sài Gòn nào biết món bánh này. Bánh làm từ bột gạo nguyên chất, quấy lên rồi nén thành sợi như bánh canh, công đoạn này rất cực vì phải dùng cái nia hứng hàng chục cái bánh một đợt. Bánh ăn nguội với mắm pha, tép mỡ, xoài xanh, chả lụa, chả cá… Ngày nay, may mắn là tại đường Trương Gia Mô, thành phố Phan Thiết vẫn có một nhà biết làm món bánh này, đó là gia đình chị Ngọc Minh, với nghề làm bánh nghệ gia truyền đã được 60 năm.

Bánh cơm nếp mật

Một món ăn ngon của người dân quê Nam Định, làm từ gạo nếp nấu chín trộn với mật mía và gừng. Cơm này có thể để nguội rồi cán thành miếng ăn như ăn bánh.

Bánh khổ

Bánh khổ của người Mường rất dễ ăn và có cách làm khá đơn giản. Bánh làm từ xôi nếp giã nhuyễn, vắt ra từng miếng rồi đặt lên lá chuối, hong gió cho khô. Khi ăn, người ta phải chế biến lần nữa: nướng hoặc rán bánh lên cho thơm, dẻo. Bánh rán xong sẽ phồng lên rất ngon mắt. Bánh từng là món lễ vật thông dụng cho ngày cưới hỏi.

Bạnh Bư tổng hợp.