MÙI VỊ LẠ TRONG MIỆNG CÓ THỂ LÀ BIỂU HIỆN CỦA BỆNH TẬT

Mặc dù bạn thường xuyên vệ sinh răng miệng, nhưng đôi khi trong miệng lại xuất hiện những mùi vị bất thường. Điều đó có thể làm bạn rất khó chịu và thiếu tự tin trong giao tiếp. Và bạn hãy thận trọng hơn vì đó có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm.

Đắng miệng

Đây là một dấu hiệu rõ ràng nhất về hiệu quả hoạt động của gan và túi mật. Đặc biệt là sau những bữa tiệc trong các ngày nghỉ, ngày cuối tuần, và ăn nhiều thực phẩm gây mùi và nóng. Ngoài cảm giác khô và đắng miệng nếu bạn cảm thấy bồn chồn, lo lắng và tức ở phần gan và dạ dày thì cần phải nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe để tránh nguy cơ gây bệnh. Loại bỏ chế độ ăn nhiều dầu mỡ, quá cay hoặc quá mặn, đồ hộp và bỏ rượu vì rất có thể khiến gan bạn bị tổn thương.

Chua miệng

Có thể đây là dấu hiệu cảnh báo của bệnh viêm loét dạ dày. Các triệu chứng trào ngược axit vào buổi sáng, chỉ số axit clohydric quá cao trong dạ dày dẫn tới dư thừa gây trào ngược, ợ nóng khiến chúng ta rất khó chịu. Nguyên nhân của chứng bệnh này có thể là do ăn quá nhiều, hệ tiêu hóa không tốt khiến thức ăn không được vận chuyển tới dạ dày và không được lên men. Một nguyên nhân khác là do xuất hiện một số kim loại có khả năng ôxy hóa trong khoang miệng có thể gây ra vị chua đặc trưng. Ngoài ra, tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc cũng gây ra vị chua trong miệng, kích thích tăng nồng độ axit trong dạ dày và chắc chắn sẽ phát triển các triệu chứng viêm ở dạ dày.

Khô miệng và mặn

Thiếu nước chính là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Khi đó, cơ thể thiếu độ ẩm và chất dịch trong cơ thể chúng ta nên sẽ gây ra cảm giác luôn khát nước và có vị mặn trong miệng. Trong thành phần của nước bọt có chứa muối, nếu cơ thể thiếu nước nồng độ muối sẽ cao hơn thậm chí khiến chúng ta khát và khó thở. Và để tuyến nước bọt không bị ảnh hưởng và hoạt động tích cực bạn không nên ăn nhiều đồ ăn mặn và uống khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày.

Ngọt lợ trong miệng

Một dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm-bệnh tiểu đường. Đối với bệnh nhân tiểu đường thì lượng đường trong máu cao sẽ làm cho miệng chúng ta có vị ngọt lợ. Ngoài ra, viêm tụy mãn tính và dùng thuốc tránh thai cũng gây nên vị ngọt trong miệng vì nó ảnh hưởng đến quá trình sản sinh insulin. Lưu ý rằng, bệnh tiểu đường xuất hiện ở mọi lứa tuổi và có xu hướng di truyền nên bạn cần xét nghiệm để tránh nguy cơ mắc bệnh.

Mùi trứng thối

Với một người “bẩm sinh” bị mắc chứng bệnh này, nguyên do là không sản xuất đủ lượng axit trong dạ dày trong khi cần tiêu hóa thức ăn và nồng độ của H2S sẽ tăng gây ra một mùi vị rất khó chịu như trứng thối. Do vậy, bạn cần xử lý, chế biến các món ăn của mình phù hợp với hệ tiêu hóa để tránh tình trạng khiến bạn mất tự tin.

Mùi tanh

Một mùi vị tanh tanh như “sắt” xuất hiện là dấu hiệu của chảy máu chân rằng, nướu vì trong máu có một lượng lớn hemoglobin mà thành phần chính là sắt. Mùi tanh xuất hiện cũng cảnh báo chức năng hoạt động bị giảm của hệ tuần hoàn, trao đổi chất, thay đổi nội tiết tố, các bệnh về dạ dày, đường ruột và bệnh tiểu đường.

Theo Trần Biên (An ninh thủ đô)
Nguồn: http://m.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/doan-benh-qua-mui-vi-la-trong-mieng-c62a546160.html

NHỮNG THỰC PHẨM BỔ MẮT NÊN ĂN HÀNG TUẦN

Không cần phải nói nhiều  về tính chất quan trọng của cơ quan được ví như “cửa sổ tâm hồn”. Để giữ được con mắt lành mạnh, sáng suốt, ngoài việc bảo vệ chúng với những thói quen đọc, nhìn hợp lý, chúng ta còn nên quan tâm tới chế độ dinh dưỡng.

Dưới đây xin giới thiệu một số loại thực phẩm có tác dụng tốt mà hằng ngày chúng ta vẫn thường gặp:

– Củ cà rốt: Cà rốt chứa nhiều beta carotene – một chất chống ôxy hóa giúp làm giảm nguy cơ gây bệnh đục thủy tinh thể.

– Ớt chuông, bông cải xanh, bắp cải nhỏ: Ba loại rau củ này chứa nhiều vitamin C, là chất chủ lực chống ôxy hóa giúp bảo vệ đôi mắt.

– Thịt đà điểu: Thịt đà điểu rất ngon và bổ dưỡng, có thể dùng thay thế các loại thịt hằng ngày như thịt bò, gà, gà tây, heo và cừu trong các món ăn ưa thích của bạn. Thịt đà điểu cung cấp nhiều chất đạm, sắt và kẽm – những thành phần chủ lực để duy trì đôi mắt luôn khỏe mạnh. Đặc biệt, chất kẽm có trong võng mạc của mắt đóng vai trò như là chất xúc tác sinh học (enzyme) tốt cho mắt. Đối với bệnh nhân bị đục thủy tinh thể, lượng kẽm trong võng mạc rất thấp, do đó ăn các thực phẩm giàu chất kẽm sẽ là bước đầu tiên trong việc ngăn chặn bệnh đục thủy tinh thể.

– Thịt gà tây: Thịt gà tây cũng chứa nhiều chất kẽm và vitamin B – có chức năng đặc biệt chống lại bệnh đục nhân mắt. Thịt gà tây còn là nguyên liệu tuyệt vời có thể thay thế cho thịt bò chất lượng cao, cung cấp chất béo tốt cho cơ thể.

– Khoai lang củ: Đây là loại củ chứa nhiều chất beta carotene có trong màu vàng của nó. Khoai lang có thể được chế biến theo kiểu nướng, luộc hoặc nghiền rồi trộn với sữa ăn rất ngon và tốt cho đôi mắt.

– Rau chân vịt: Rau chân vịt cung cấp 4 thành phần dinh dưỡng bảo vệ mắt là vitamin C, beta carotene, một số lượng lớn lutein và zeaxanthin… Đây là những chất chống ôxy hóa được tìm thấy trong các mô của điểm vàng. Do hấp thu 40%-90% các ánh sáng xanh với cường độ mạnh nên những chất dinh dưỡng này hoạt động như màng bảo vệ đôi mắt của bạn.

Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy việc ăn thực phẩm giàu chất lutein và zeaxanthin sẽ làm gia tăng mật độ sắc tố của tế bào có trong điểm vàng. Mật độ sắc tố của tế bào càng dày đặc thì càng bảo vệ cho võng mạc mắt tốt hơn, như vậy sẽ giảm nguy cơ bị đục thủy tinh thể.

– Thịt cá hồi và cá mòi: Thịt cá hồi và cá mòi chứa rất nhiều chất béo omega-3 tốt cho cơ thể cũng như đối với đôi mắt.

 

Các nghiên cứu khoa học cho thấy việc sử dụng thường xuyên thực phẩm giàu chất béo omega-3 sẽ giúp bảo vệ các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng mắt. Thịt cá hồi và cá mòi là một trong số các nguồn cung cấp dồi dào chất béo omega-3. Nên dùng từ 3-4 phần món thịt cá hồi và cá mòi trong mỗi tuần.

BS HOÀNG XUÂN ĐẠI (Người Lao Động)