Cách nấu XÔI NGŨ SẮC

Xôi ngũ sắc là sự phối hợp giữa những loại đậu quen thuộc tạo nên một hương vị “đầy đủ”, ngon miệng và cũng thật bổ dưỡng.

Nguyên liệu:

  • – Nếp: 1kg
  • – 2 lạng hạt sen
  • – 2 lạng lạc
  • – 2 lạng đỗ đen
  • – 2 lạng đỗ xanh cà còn vỏ
  • – 2 lạng đỗ xanh cà không vỏ
  • – 1 kg dừa nạo, vắt lấy nước cốt
  • – 200g dừa tươi nạo sợi
  • – 1 lít nước dừa
  • – Hành phi, lạc rang giã dập, vừng rang, lá chuối

Cách làm:

– Nếp ngâm qua đêm, đãi sạch rồi ngâm nước dừa chừng 30 phút. Vớt ra để ráo, xóc với tí muối.

– Đậu xanh không vỏ luộc chín, chia làm 2 phần bằng nhau. 1 phần tán nhuyễn, trộn với ít muối, đường. 1 phần để đó.

– Bốn loại đậu còn lại đem ngâm rửa sạch rồi luộc chín.

– Đậu phộng và mè rang giã sơ để làm muối đậu.

– Dừa sợi chuẩn bị sẵn.

– Chia nếp làm 5 phần, trộn với 5 loại đậu. Đem tất cả vào xửng hấp chín. Trong khi hấp nhớ rưới nước cốt dừa đều cho xôi chín mềm ngon.

– Xôi chín rắc muối mè đậu, hành phi, dừa nào lên, ăn nóng cho ngon.

theo Khánh Hòa

Cách nấu CHÈ ĐẬU XANH CỦ SEN

Chè đậu xanh củ sen không chỉ ngon bởi cái kết cấu giòn của củ sen, bùi bùi của đậu xanh, mà nó còn là món chè thuốc, có tác dụng bổ tỳ, phổi, giải nhiệt rất tốt.

Cách làm chè đỗ xanh củ sen rất đơn giản chỉ với 3 nguyên liệu.

Chuẩn bị:

  • – 4 lạng đậu xanh còn vỏ
  • – 2 củ sen
  • – 150g đường

Thực hiện:

– Đậu xanh mua về đãi sạch, ngâm nước nhặt hạt nổi lềnh bệnh, hạt hỏng vứt đi. Sau đó chuyển đậu qua ngâm trong nước sạch trong ít nhất 5 tiếng.

– Củ sen rửa sạch bùn đất, cạo bỏ vỏ, sau đó cắt thành miếng vừa ăn.

– Cho đậu xanh và củ sen vô nồi, đổ nước ngập mặt nguyên liệu. Bặn lửa nấu sôi rồi vặn lửa vừa, ninh cho đậu thật mềm, rồi mới rắc đường vào khuấy tan, tiếp tục đun lửa nhỏ tới khi đường ngấm vào chè.

– Nêm nếm lại vừa miệng rồi múc ra chén ăn nóng, hoặc để nguội ăn với đá.

Bảo Tố

Cách nấu CHÈ BÍ ĐỎ ĐẬU XANH

Thường được coi là “nhà vô địch” về hàm lượng sắt, bí đỏ cũng rất giàu vitamin, các acid hữu cơ và muối khoáng. Từ lâu bí đã được dùng trong nấu ăn như một nguyên liệu ngon và bổ dưỡng trong các món: Canh bí, bí xào… và chè bí đỏ đậu xanh cũng là một trong những món siêu ngon từ loại quả siêu bổ này.

Nguyên liệu 

  • + Bí đỏ: 5 – 7 lạng tùy ăn
  • + Nếp cái hoa vàng: 2 lạng, đãi sạch
  • + 1 lạng đậu xanh nguyên vỏ đã bể đôi, đãi cho sạch.
  • + 1 chút muối hạt
  • + Đường mật mía (đường phên, đường thẻ).

 

Thực hiện:
– Bí gọt vỏ, bỏ hột, rửa sạch rồi xắt miếng to cỡ bao diêm.

– Cho bí, nếp, đậu và chút muối vô nồi (nồi thường hoặc nồi cơm điện). Trút nước lọc  vào sao cho nước ngập gấp 2-3 lần lượng cái. Bật lửa vừa đun nấu như nấu cháo. Trong lúc nấu lưu ý nếu nước cạn quá thì châm thêm nước.

– Nếu nấu bằng nồi cơm điện thì khi chè sôi, ta chuyển sang chế độ hâm nóng chừng 1-2 tiếng để ninh cho nguyên liệu mềm nhừ. Sau đó ta mới chuyển sang chế độ nấu cho sôi trở lại một lúc, khuấy chè xem có quá đặc hoặc quá loãng hay không. Lưu ý khuấy nhẹ kẻo nát bí.

– Tiếp tục đun cho tới khi phần cái nềm, nở, ta cho đường phên vào quấy nhẹ cho tan. Nếm lại thấy vừa miệng là được.

– Ăn nóng ngon hơn ăn lạnh.

Theo Huyền Chi

Cách làm CHÈ ĐẬU XANH NẤU PHỔ TAI

CHÈ ĐẬU XANH tính mát, giải độc, rất tốt và ngon miệng cho mọi người. Phổ tai vị sần sật hấp dẫn lại có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, cầm máu lúc bị chảy máu động mạch và còn giúp giảm huyết áp…Ngoài ra các nguyên liệu như trần bì, gạo tẻ, đường đỏ trong món chè này đều là những vị thuốc tốt. Món ăn bổ dưỡng và ngon miệng, có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho người bị bướu cổ, mỡ trong máu, cao huyết áp, rối loạn tiêu hóa…

Nguyên liệu:

– 1 lạng đậu xanh nguyên vỏ (vỏ đậu xanh giúp thanh nhiệt), nửa lạng phổ tai ngâm nở, 1 lạng gạo tẻ, vài miếng trần bì (vỏ quýt), đường đỏ đủ ăn.

Thực hiện:

– Phổ tai ngâm nở rửa sạch rồi thái sợi nhỏ.

– Đậu xanh và gạo tẻ vo sạch.

– Bắc chảo lên bếp, cho gạo tẻ, phổ tai, đậu xanh rồi đổ nước vào nấu chung đến khi đậu nở mềm, thì cho đường đỏ vào khuấy đều, đường tan hết, nếm vừa miệng là xong.

Bảo Tố

11 BÀI THUỐC TỪ ĐẬU XANH

– Đậu xanh là vị thuốc thanh nhiệt, giải độc có tiếng nhưng ít người biết đậu xanh còn là vị thuốc ứng dụng ngay trong sơ cứu và điều trị ngộ độc thức ăn tại nhà.

– Chữa trúng nóng, sốt: Dùng lượng đậu xanh vừa phải nấu canh và cho thêm chút đường, ăn khi còn ấm. Cũng có thể lấy 60g đậu xanh nấu thật nhừ, vớt đậu ra cho vào nồi vài cái hoa mướp tươi đun sôi và ăn khi còn ấm.

– Gây nôn khi ngộ độc thức ăn: Ngâm đậu xanh trong nước cho nở, sau nghiền nát đậu và hòa với nước vừa ngâm đậu và cho uống để nôn những thức ăn gây độc.

– Giải trừ chất độc khi ngộ độc thức ăn: Hòa bột đậu xanh với nước sôi để nguội, cho uống 1 cốc; hoặc có thể sử dụng 100g đậu xanh, 100g cam thảo sống, đổ nước vào đun lấy nước uống 2 lần/ngày.

– Chữa trị viêm đường ruột: Những người bị kiết lỵ hay viêm ruột có thể lấy bột đậu xanh trộn đều với nước mật lợn, để khô lại cho chút nước ấm vào nhào đều và sao vàng, sau nghiền bột mịn, chia 3 lần uống trong ngày.

– Chữa bí tiểu: Ăn canh đậu xanh. Nếu thấy đau rát bỏng ở đường niệu đạo có thể dùng 500g giá đậu xanh giã nát lấy nước cho thêm đường vào uống.

– Chữa rôm sảy, ngứa ngáy: Lấy 15 g bột đậu xanh, 30 g bột hoạt thạch nghiền vụn, trộn đều để xoa lên những chỗ bị rôm sảy thay cho phấn rôm. Khi bị ngứa ngáy khó chịu, có thể lấy một tàu lá sen tươi thái nhỏ nấu với chút đậu xanh để ăn. Có thể dùng nước này uống thay nước trà cho đến khi hết ngứa.

– Chữa nhiễm trùng đường niệu: Ép giá đậu xanh lấy nước uống, sẽ có tác dụng tốt ngay.

– Tiểu đêm, tiểu buốt, tiểu rắt nhiều: Lấy nước luộc giá đỗ pha với đường chia làm nhiều lần trong ngày để uống. Tốt nhất là uống một ngày 5 – 6 lần. Bài thuốc này không chỉ trị được bệnh đi tiểu nhiều lần mà còn có thể trị được bệnh tiểu rắt.

– Chữa trúng độc hơi than: Khi buồn nôn, nôn mửa do trúng độc hơi than, có thể nấu canh đậu xanh lên ăn hoặc lấy 30 g bột đậu xanh hòa với nước sôi uống.

– Cháo đậu xanh: Đậu xanh xay nấu cả vỏ cùng gạo. Đây là món ăn rất tốt cho mùa hè, có thể ăn cháo đậu xanh với đường hay muối (nước mắm). Cháo đậu xanh trị tiêu khát, uống nhiều nước, giải độc, nóng, lợi tiểu, thanh nhiệt, hạ khí.

Kết hợp đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, mỗi thứ 300 g nấu chung với cam thảo, ăn cả bã lẫn nước trong vòng 7 ngày, dùng phòng các chứng bệnh mùa hè.

Nguồn: Soha.vn [ http://soha.vn/song-khoe/cong-dung-cua-dau-xanh-20140107152025844.htm]