20 NĂM CHIẾN ĐẤU VỚI BỆNH TIM, UNG THƯ, DẠ DÀY… NHỜ ĂN GẠO LỨT MUỐI MÈ

Mang rất nhiều bệnh tật, bà Nguyễn Minh Thu 54 tuổi, Hà Nội, tưởng chừng không sống được bao lâu. Kiên trì áp dụng phương pháp thực dưỡng gạo lứt muối mè và tập yoga, người phụ nữ vẫn sống khỏe.

Sinh ra không được may mắn như những đứa trẻ khác, bà Thu bị bệnh tim bẩm sinh. Năm 1972, do uống thuốc tim không đúng cách, đúng liều, mới nhỏ xíu mà bà đã mắc thêm bệnh khớp. Tuổi thơ của bà gắn liền với thuốc thang và bệnh viện. Lên lớp 6, bà bị chảy máu dạ dày lần đầu tiên. 14 lần chảy máu dạ dày, tuổi thơ của bà trôi qua được đánh đổi bằng máu và nước mắt.

Bà Nguyễn Minh Thu. Ảnh: L.N.

Năm 1992, bà Thu kết hôn. Bà từng nghĩ lấy chồng sẽ kết thúc những chuỗi ngày cô đơn, nỗi ám ảnh, sự sợ hãi trong ngần ấy năm qua. Thế nhưng, vì sức khỏe không tốt mà bà chẳng thể làm mẹ, quan hệ vợ chồng chẳng còn được như trước.

4 năm sau, bà cảm thấy mệt mỏi, hay hoa mắt chóng mặt, ra máu vùng kín, ban đầu chỉ nghĩ do bệnh tim. Ngày càng mệt và gầy đi nhanh chóng, bà đi khám và phát hiện bị ung thư tử cung. Sau 7 tháng trời điều trị bằng hóa chất, cơ thể bà bị tàn phá nghiêm trọng. Nỗi buồn về gia đình, nỗi đau bệnh tật khiến người phụ nữ này nghĩ đến cái chết. Một lần lang thang vô định trên đường, bà tình cờ mua được cuốn sách “Phương pháp tự chữa bệnh nhịn ăn nên biết” của tác giả Malakhov người Nga và quyết tâm làm theo.

Cuốn sách bà Thu vận dụng. Ảnh: L.N.

Cách chữa theo phương pháp này rất đơn giản: Ăn gạo lứt với muối mè, nước uống hàng ngày là trà gạo lứt có thêm một ít lá chè bancha già, loại trà cổ thụ ở Hoàng Su Phì. Bà tìm hiểu biết bệnh tim bẩm sinh là bệnh âm nên phải ăn các món ăn mang tính dương như cà rốt, củ ngưu báng, củ sen… để cân bằng âm dương, bổ sung vitamin cho cơ thể.

Ăn theo phương pháp này gần 20 năm trời, bà Thu chưa biết đến miếng thịt là gì, có đi đâu chơi xa cũng tự chuẩn bị đồ ăn riêng cho mình. Bà cũng nhịn ăn để chữa bệnh theo hướng dẫn của sách. Ban đầu bà nhịn ăn 3 ngày, dần dần lên tới 5 ngày, sau đó ăn trở lại vẫn với cơm gạo lứt, muối mè. Quá trình nhịn ăn cũng theo từng đợt, mỗi đợt kéo dài theo khả năng. Có lần bà nhịn được 9 ngày rồi lên tới 15 ngày. Năm 2005, bà nhịn ăn nhiều nhất là 28 ngày.

“Khi tôi áp dụng phương pháp nhịn ăn này, gia đình phản đối kịch liệt vì lo tôi chưa chết vì bệnh thì đã chết vì ăn uống thiếu chất dinh dưỡng”, người phụ nữ chia sẻ. Thế nhưng, trong hai năm đầu áp dụng phương pháp thực dưỡng đó, cơ thể bà có phần khá hơn, các cơn đau không còn quặn như trước. Vì thế, bà luôn tin tưởng và hy vọng vào cách chữa đặc biệt này. Từ đó gia đình cũng không can thiệp vào cách ăn chữa bệnh của bà nữa.

Về sau bà tham gia Câu lạc bộ Yoga Hà Nội, học và vận dụng yoga chữa bệnh cho mình. Bà cho biết: “Trước khi tập yoga tôi bị thoái hóa đốt sống, mọi hoạt động, nhất là khi cúi người xuống rất khó khăn. Kiên trì tập mãi, cuối cùng trán và mũi tôi chạm được sàn nhà, cảm giác như thấy mình được tự do”.

Sau ngần ấy năm, tưởng chừng thoát khỏi căn bệnh ung thư tử cung thì năm 2005 bà lại sốt về chiều, ho và mệt. Lần đi khám này cho kết quả buồn. Bác sĩ cho biết bà bị ung thư phổi do di căn từ ung thư tử cung rồi những khối u nhỏ ở trực tràng. Bà lại tiếp tục đối phó với sự thật kinh khiếp của cơ thể này bằng yoga và gạo lứt, muối mè.

Hiện bà Thu vẫn kiên trì thực dưỡng và luyện tập yoga. Sáng sớm bà dậy từ 4h sáng tập yoga rồi mới đi làm công việc. Bà cũng nhịn ăn theo yoga, nghĩa là một tháng nhịn ăn 4 ngày theo chu kỳ tuần trăng. “Đã lâu lắm rồi tôi không còn quan tâm đến hai chữ ‘ung thư’ nữa”, người phụ nữ tâm sự.

Linh Nga (vnexpress)

Nguồn: http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/20-nam-chien-dau-voi-benh-tat-nho-an-gao-lut-muoi-me-3251866.html

KHÔNG NÊN NHAI KẸO CAO SU QUÁ 10 PHÚT

Nhai kẹo cao su là thói quen của nhiều người. Việc nhai kẹo có thể giảm căng thẳng, mang lại cho bạn hơi thở thơm, đôi khi làm sạch răng miệng, nhưng nếu nhai một thời gian trên 10 phút, nó có thể có hại.
Trên Health, bà tiến sĩ nha khoa Uchenna Okoye người Anh đưa ra cảnh báo đối với những người có thói quen nhai kẹo cao su, rằng răng dùng để nhai những vật cứng hơn, trong khi kẹo cao su càng nhai lâu càng mềm, điều đó khiến cho răng va đập mạnh vào nhau, gây nên sứt vỡ.
“Bộ răng bạn cũng giống như một cái cối và một cái chày, khi chúng hoạt động, cần một thứ nằm giữa, nếu không chúng sẽ đập mạnh vào nhau” – bà cho biết thêm.

Theo phản xạ bình thường trong cơ thể, khi bạn nhai một thứ gì đó, dạ dày sẽ ở trạng thái kích hoạt để chờ cho thức ăn trôi xuống, và lúc này nó đang tạo ra acid.

 

Điều này gây kích thích đến niêm mạc dạ dày, tạo ra nguy cơ viêm loét dạ dày nguy hiểm.

Theo tiến sĩ Uchenna kết luận, mọi người chỉ nên nhai kẹo từ 10 phút đổ lại, đây cũng là thời gian để viên kẹo hết mùi vị. Nếu không bạn sẽ có nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe.

Triều Châu

MÙI VỊ LẠ TRONG MIỆNG CÓ THỂ LÀ BIỂU HIỆN CỦA BỆNH TẬT

Mặc dù bạn thường xuyên vệ sinh răng miệng, nhưng đôi khi trong miệng lại xuất hiện những mùi vị bất thường. Điều đó có thể làm bạn rất khó chịu và thiếu tự tin trong giao tiếp. Và bạn hãy thận trọng hơn vì đó có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm.

Đắng miệng

Đây là một dấu hiệu rõ ràng nhất về hiệu quả hoạt động của gan và túi mật. Đặc biệt là sau những bữa tiệc trong các ngày nghỉ, ngày cuối tuần, và ăn nhiều thực phẩm gây mùi và nóng. Ngoài cảm giác khô và đắng miệng nếu bạn cảm thấy bồn chồn, lo lắng và tức ở phần gan và dạ dày thì cần phải nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe để tránh nguy cơ gây bệnh. Loại bỏ chế độ ăn nhiều dầu mỡ, quá cay hoặc quá mặn, đồ hộp và bỏ rượu vì rất có thể khiến gan bạn bị tổn thương.

Chua miệng

Có thể đây là dấu hiệu cảnh báo của bệnh viêm loét dạ dày. Các triệu chứng trào ngược axit vào buổi sáng, chỉ số axit clohydric quá cao trong dạ dày dẫn tới dư thừa gây trào ngược, ợ nóng khiến chúng ta rất khó chịu. Nguyên nhân của chứng bệnh này có thể là do ăn quá nhiều, hệ tiêu hóa không tốt khiến thức ăn không được vận chuyển tới dạ dày và không được lên men. Một nguyên nhân khác là do xuất hiện một số kim loại có khả năng ôxy hóa trong khoang miệng có thể gây ra vị chua đặc trưng. Ngoài ra, tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc cũng gây ra vị chua trong miệng, kích thích tăng nồng độ axit trong dạ dày và chắc chắn sẽ phát triển các triệu chứng viêm ở dạ dày.

Khô miệng và mặn

Thiếu nước chính là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Khi đó, cơ thể thiếu độ ẩm và chất dịch trong cơ thể chúng ta nên sẽ gây ra cảm giác luôn khát nước và có vị mặn trong miệng. Trong thành phần của nước bọt có chứa muối, nếu cơ thể thiếu nước nồng độ muối sẽ cao hơn thậm chí khiến chúng ta khát và khó thở. Và để tuyến nước bọt không bị ảnh hưởng và hoạt động tích cực bạn không nên ăn nhiều đồ ăn mặn và uống khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày.

Ngọt lợ trong miệng

Một dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm-bệnh tiểu đường. Đối với bệnh nhân tiểu đường thì lượng đường trong máu cao sẽ làm cho miệng chúng ta có vị ngọt lợ. Ngoài ra, viêm tụy mãn tính và dùng thuốc tránh thai cũng gây nên vị ngọt trong miệng vì nó ảnh hưởng đến quá trình sản sinh insulin. Lưu ý rằng, bệnh tiểu đường xuất hiện ở mọi lứa tuổi và có xu hướng di truyền nên bạn cần xét nghiệm để tránh nguy cơ mắc bệnh.

Mùi trứng thối

Với một người “bẩm sinh” bị mắc chứng bệnh này, nguyên do là không sản xuất đủ lượng axit trong dạ dày trong khi cần tiêu hóa thức ăn và nồng độ của H2S sẽ tăng gây ra một mùi vị rất khó chịu như trứng thối. Do vậy, bạn cần xử lý, chế biến các món ăn của mình phù hợp với hệ tiêu hóa để tránh tình trạng khiến bạn mất tự tin.

Mùi tanh

Một mùi vị tanh tanh như “sắt” xuất hiện là dấu hiệu của chảy máu chân rằng, nướu vì trong máu có một lượng lớn hemoglobin mà thành phần chính là sắt. Mùi tanh xuất hiện cũng cảnh báo chức năng hoạt động bị giảm của hệ tuần hoàn, trao đổi chất, thay đổi nội tiết tố, các bệnh về dạ dày, đường ruột và bệnh tiểu đường.

Theo Trần Biên (An ninh thủ đô)
Nguồn: http://m.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/doan-benh-qua-mui-vi-la-trong-mieng-c62a546160.html

Người bị bệnh dạ dày nên ăn uống như thế nào?

Đau dạ dày là chứng bệnh thường gặp, khi bị bệnh này, ngoài việc dùng thuốc cho đúng cách, thì chế độ ăn uống cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Bệnh dạ dày là bệnh thường gặp, trước kia bệnh được coi là nan y vì có nhiều biến chứng và hay đau tái phát. Những năm gần đây do tiến bộ trong y khoa bệnh đã được điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài việc dùng thuốc thì chế độ ăn cũng quyết định kết quả điều trị và giúp bệnh không bị tái phát.

Gánh nặng của niêm mạc dạ dày: Bắt đầu từ một đợt đau cấp tính, có thể do nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori) hoặc ngộ độc thức ăn và các thuốc kháng viêm được coi là các yếu tố quan trọng làm việc tăng lực tấn công lên hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày. Vì vậy, niêm mạc dạ dày có thể bị trợt, sung huyết thậm chí xuất hiện ổ loét. Tùy vị trí viêm hoặc loét khác nhau mà có các tên gọi viêm dạ dày, viêm hang vị, viêm tâm vị, bờ cong nhỏ, hoặc loét bờ cong nhỏ, loét hang vị, viêm tá tràng… Nếu không chữa trị kịp thời dứt điểm, niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương nặng nề dẫn đến hệ quả tất yếu là bệnh nhân bị viêm loét mạn tính. Người bệnh phải chung sống với cảm giác đau khi công việc căng thẳng, lo lắng buồn rầu, tức giận hoặc sợ hãi, nhất là khi ăn uống thất thường, không đúng bữa hoặc không được nghỉ ngơi. Hơn nữa, thói quen của người bệnh là uống kháng sinh, khi thấy đỡ lại dừng, nhưng triệu chứng giảm không có nghĩa là dạ dày hoàn toàn bình phục. Trong khi đó ngày nào cũng phải tiếp xúc với từng ấy thức ăn, chất kích thích, thậm chí đồ nhiễm khuẩn, niêm mạc dạ dày có thể lại kích ứng tái phát viêm bất cứ lúc nào. Điều đó giải thích tại sao bệnh hay tái phát.

​Người bệnh dạ dày cần tránh ăn các thực phẩm ngâm muối.

Quy tắc ăn uống trong bệnh dạ dày

Bệnh đau dạ dày có liên quan tới chế độ ăn uống, do đó việc ăn uống đối với người mắc căn bệnh này cũng quan trọng như việc chữa trị bệnh của các bác sĩ. Vậy rốt cuộc nên ăn gì và nên kiêng ăn gì?

Ăn uống điều độ: Nghiên cứu cho thấy, ăn uống điều độ đúng giờ, có định lượng sẽ hình thành phản xạ có điều kiện, hỗ trợ bài tiết tuyến tiêu hóa, có lợi cho tiêu hóa.

Đúng giờ, đủ lượng: Bạn cần ăn đầy đủ 3 bữa/ngày và ăn đúng giờ, cho dù đói hay không đói. Tuyệt đối không được để dạ dày quá đói hoặc quá no vì khi đó các axit trong dạ dày sẽ tiết ra, gây ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa.

Ăn chậm nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày: Khi bạn nhai kỹ, nước bọt cũng sẽ tiết ra nhiều hơn. Điều này rất có lợi cho việc bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Ăn ít thực phẩm chiên rán: Do các loại đồ ăn này không dễ tiêu hóa nên có thể làm gia tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa. Ăn nhiều có thể khiến máu nhiễm mỡ, không tốt cho sức khỏe.

Ăn ít thực phẩm ngâm muối: Trong các thực phẩm như dưa, cà muối, mắm, cá khô… chứa nhiều muối cũng làm cho dạ dày “vất vả” hơn trong khâu xử lý. Hơn nữa, chúng còn chứa một số chất gây ung thư (chẳng hạn dưa muối chua có chứa nitric gây ung thư) nên bạn càng không nên ăn.

Hạn chế đồ sống, lạnh: Đồ ăn sống, lạnh và kích thích mạnh có tác dụng kích thích khá mạnh đối với niêm mạc đường tiêu hóa, nhất là niêm mạc dạ dày nên dễ gây tiêu chảy hoặc viêm dạ dày.

Uống nước đúng cách: Thời điểm uống nước tốt nhất là lúc ngủ dậy vào sáng sớm và một giờ trước khi ăn. Uống nước ngay sau bữa ăn sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, càng dễ gây ra chứng   đau dạ dày. Uống quá nhiều nước canh cũng sẽ ảnh hưởng tới việc tiêu hóa thức ăn trong và sau bữa ăn.

Tránh các chất kích thích: Không hút thuốc, bởi vì hút thuốc khiến mạch máu trong đó có mạch máu hệ tiêu hóa bị co lại, ảnh hưởng tới việc cung cấp máu cho tế bào thành dạ dày, khiến sức đề kháng của niêm mạc dà dày giảm. Bạn cũng nên uống ít rượu, ăn ít các món cay như ớt, hạt tiêu… để bảo vệ dạ dày.

Bổ sung vitamin C: Vitamin C có tác dụng bảo vệ dạ dày nếu tiêu thụ trong mức cho phép. Duy trì hàm lượng vitamin C bình thường trong dịch dạ dày có thể phát huy hiệu quả chức năng của dạ dày và tăng cường sức đề kháng cho dạ dày. Bạn nên bổ sung vitamin C từ các loại rau củ quả.

Cuối cùng là chú ý giữ ấm vùng bụng: Vùng bụng sau khi bị lạnh sẽ khiến chức năng dạ dày kém đi. Vì vậy, người bị bệnh dạ dày càng nên chú ý giữ ấm cơ thể nhất là vùng bụng, đừng để nhiễm lạnh.

BS.Trần Quang Nhật

Nguồn: Sức khỏe đời sống