NHỮNG THỰC PHẨM ÂM THẦM “GIẾT” TRÍ THÔNG MINH CỦA BÉ

Chế độ dinh dưỡng góp phần hỗ trợ cho khả năng tiếp thu, ghi nhớ và tư duy của con người, tuy vậy mặt khác, nó cũng mang đến tác dụng ngược lại nếu làm sai cách.

Mẹ cần tránh cho con những món ăn dưới đây để bé có một hệ thần kinh khỏe mạnh, não bộ hoạt động hiệu quả và phát triển tốt:

Đồ ăn nhiều mì chính

Các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm cho các tế bào não tiếp xúc với mì chính, sau đó rửa sạch thì sau khoảng một giờ, các tế bào này nhanh chóng bị chết. (Ảnh minh họa)

Mì chính rất hay được dùng để làm tăng vị ngon ngọt của đồ ăn nhưng loại gia vị này lại tiềm ẩn nguy cơ tấn công tế bào thần kinh, ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ. Các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm cho các tế bào não tiếp xúc với mì chính, sau đó rửa sạch thì sau khoảng một giờ, các tế bào này nhanh chóng bị chết. Khá nhiều người gặp phải hiện tượng “say mì chính” – cảm giác đau đầu, tức ngực, chóng mặt, thậm chí là có những giấc mơ kì lạ, dữ dội sau khi ăn thức ăn cho quá nhiều mì chính.

Đồ ăn quá mặn

Mọi người đều biết thức ăn quá nhiều muối sẽ ảnh hưởng đến huyết áp và hại thận. Tuy nhiên, các nhà khoa học còn khuyến cáo rằng hàm lượng muối cao trong thức ăn còn ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và tư duy của não bộ. Do đó, thói quen nấu đồ ăn mặn lâu ngày cho con sẽ làm giảm trí thông minh của trẻ.

Đồ ăn nhiều chất béo chuyển hóa

Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo được hình thành bằng phương pháp hydro hóa dầu ăn, nhằm giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn, bắt mắt và hấp dẫn người tiêu dùng hơn. Chất này rất hiếm trong tự nhiên mà đa phần được sử dụng trong các thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm chiên đi chiên lại nhiều lần, thức ăn nhanh, thức ăn đóng gói, chế biến sẵn, kể cả các loại bánh ngọt, bánh quy,… Trong các nghiên cứu khoa học, những người có quá nhiều chất béo chuyển hóa trong não có khả năng nhận biết kém hơn đáng kể, kích thước bộ não vật lý cũng nhỏ hơn.

Thức ăn nhanh

Ăn nhiều đồ ăn nhanh không tốt cho não bộ của bé. (Ảnh minh họa)

Đồ ăn nhanh vốn đã có rất nhiều “tội” liên quan đến sức khỏe con người, từ gây ra béo phì, da xấu đến làm tăng huyết áp, ảnh hưởng tim mạch,… Mới đây, một nghiên cứu khoa học còn chỉ ra việc ăn đồ ăn nhanh thường xuyên còn làm chậm hoạt động của não. Theo nghiên cứu này, những trẻ em ăn nhiều đồ ăn nhanh có kết quả làm bài kiểm tra toán, khoa học và văn thấp hơn so với những trẻ ít khi ăn đồ ăn nhanh. Giả thuyết đặt ra là do đồ ăn nhanh chứa quá nhiều chất béo chuyển hóa, muối – những chất có hại cho não bộ, trong khi đó lại thiếu sắt, nguyên tố vi lượng rất cần cho bộ não hoạt động hiệu quả.

Đồ ăn chứa chất làm ngọt nhân tạo

Cho trẻ ăn quá đà các loại thực phẩm chứa hàm lượng chất làm ngọt nhân tạo như bánh kẹo, nước ngọt có ga,… có thể dẫn đến việc não bộ bị tổn thương và suy giảm khả năng nhận thức.

Đồ ăn chứa protein đã qua xử lí

Xúc xích, thịt hộp,… là món khoái khẩu của nhiều bé nhưng đều chứa hàm lượng protein đã qua xử lí cực kì cao, có hại cho não bộ. (Ảnh minh họa)

Đạm (protein) rất cần thiết để tạo nên cơ bắp và giúp cơ thể hoạt động hiệu quả nhưng đạm đã qua xử lí  lại rất có hại cho não bộ. Cần hạn chế cho bé ăn những món chứa protein đã qua xử lí như xúc xích, thịt hộp, thịt xông khói,… Hãy cung cấp cho bé nguồn đạm tự nhiên từ cá, thịt, trứng, đậu phụ, các loại hạt,…, vừa an toàn vừa có lợi cho hệ thần kinh.

Theo Gia Thành (prevention) (Khám phá)

Nguồn: http://afamily.vn/suc-khoe/nhung-thuc-pham-lam-giam-tri-nho-nhanh-chong-20130310101634359.chn

Những lầm tưởng thường thấy về bột ngọt

Bột ngọt là một trong những loại gia vị quen thuộc nhất trong các bữa ăn. Tác dụng gia vị của bột ngọt là điều ai cũng công nhận, tuy vậy, người ta cũng mang nhiều ngộ nhận về loại gia vị này.

1. Sử dụng bột ngọt có ảnh hưởng đến trí não?

Các tài liệu khoa học cập nhật cho đến nay cho thấy bột ngọt khi sử dụng trong nấu nướng không ảnh hưởng đến trí não của người. Thông tin trên có thể xuất phát từ thí nghiệm trên chuột vào năm 1969. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy liều lượng và cách thức tiêm bột ngọt vào máu chuột sử dụng trong thí nghiệm này lại khác biệt hoàn toàn với việc con người sử dụng bột ngọt dưới dạng gia vị cùng với thực phẩm.

Cơ thể con người về mặt khoa học mà nói có sự bảo vệ chặt chẽ của hàng rào máu não và chính hàng rào này bảo vệ não chúng ta khỏi sự xâm nhập của các chất lạ. Vì thế, các nhà khoa học ghi nhận không có sự tổn thương não khi con người sử dụng bột ngọt và thực tế là các tổ chức y tế và sức khỏe hiện nay cũng không có bất kỳ khuyến cáo nào về điều này.

2. Sử dụng bột ngọt gây độc cho người dùng?

Ủy ban khoa học về thực phẩm của cộng đồng chung châu Âu đánh giá “không có bằng chứng nào cho thấy bột ngọt gây độc cho người sử dụng” vào năm 1991 và Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ cũng tái xác nhận “bột ngọt là gia vị an toàn như muối, tiêu, giấm…” vào năm 2001.

Tại Việt Nam, một số người sử dụng cũng cho rằng bột ngọt gây ra một số biểu hiện tê lưỡi, môi.. khi ăn phở, bún. Tuy nhiên, theo Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế Codex, bột ngọt không phải là thành phần gây dị ứng. Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhà khoa học Mỹ Geha năm 2000 được thiết kế chuẩn theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ xác nhận bột ngọt không phải là nguyên nhân gây ra hội chứng kể trên. Việc một số ít người gặp phải một vài biểu hiện mẫn cảm kết thúc nhanh sau khi ăn món ăn nêm nhiều bột ngọt (bún, phở) là theo cơ địa từng người (tương tự như phản ứng xảy ra khi uống nhiều rượu, bia) hoặc cũng không loại trừ cảm giác, hay bị ảnh hưởng tâm lý khi sử dụng bột ngọt.

3. Bột ngọt có hại khi nấu ở nhiệt độ cao?

Nhiệt độ đun nấu thông thường nằm trong khoảng từ 100 đến 200oC. Các món ăn dùng nhiều nước như canh, súp…có nhiệt độ dao động từ 130 – 135oC. Các món chiên, rán dùng dầu thực vật có nhiệt độ trong khoảng 175 – 199oC. Một vài món ăn đặc biệt nhiệt độ có thể cao hơn, nhưng cũng không vượt quá 260oC.

Trong khoảng nhiệt độ nấu ăn thông thường này, các nhà khoa học nghiên cứu cho thấy bột ngọt hoàn toàn không bị biến đổi thành những thành phần không tốt cho sức khỏe con người. Chỉ khi đưa nhiệt độ lên mức trên 300oC, bột ngọt mới bị biến đổi thành một vài thành phần khác không có vị ngọt nữa và có thể không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ở nhiệt độ cao như vậy, bản thân những thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm như chất đạm, chất đường…cũng bị cháy và biến đổi thành thành các chất độc hại.

4. Không thể sử dụng bột ngọt cho trẻ em?

Liên quan đến khía cạnh sử dụng bột ngọt cho trẻ em, dựa vào những tài liệu khoa học mới nhất và đáng tin cậy, Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (JECFA) đã đưa ra kết luận “quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau và không có bất kỳ mối nguy nào trên trẻ em được chỉ ra”. Bên cạnh đó, các nghiên cứu toàn diện trên trẻ em từ giai đoạn bào thai, giai đoạn trẻ bú mẹ và sau bú mẹ cho thấy bột ngọt không thể hiện ảnh hưởng tiêu cực nào tới sức khỏe của trẻ.

5. Bột ngọt là thành phần dinh dưỡng?

Bột ngọt là một loại gia vị nên chỉ có vai trò làm tăng thêm vị ngon cho món ăn, chứ không cung cấp chất dinh dưỡng. Các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như chất đạm, đường, chất béo, vitamin, khoáng chất…cần được cung cấp từ các nguồn thực phẩm thịt, cá, rau, củ, quả… Không nên xem bột ngọt là 1 chất dinh dưỡng thay thế chất đạm cần thiết hàng ngày.

Một số lưu ý để sử dụng bột ngọt đúng cách

– Tránh nhiệt độ cao khi nấu ăn : Nêm bột ngọt ở nhiệt độ cao dễ làm thay đổi thành phần hóa học trong bột ngọt, không những thay đổi hương vị mà còn có hại cho sức khỏe. Nhiệt độ 70-90 độ C là tốt nhất để bột ngọt hòa tan trong các món ăn. Vì vậy thời gian tốt nhất để cho loại gia vị này vào là khi đã tắt bếp và món ăn hơi nguội.

– Kiêng các món ngọt khi nấu các món có độ ngọt hay đã sử dụng các loại rau củ quả có vị ngọt tự nhiên như củ cải, cà chua…Không nên cho thêm bột ngọt vào những món này, nó sẽ dễ phá hủy hương vị ngọt sẵn có. Lượng vừa đủ một người/ngày không nên tiêu thụ quá 6g bột ngọt. Qúa lượng này dễ gây đau đầu, sốt, buồn nôn, lượng đường trong máu cao và các triệu chứng khác. Người cao tuổi và bị cao huyết áp, viêm thận, phù nề nên cẩn thận khi dùng bột ngọt.

– Tránh nhiệt độ thấp : Nêm bột ngọt khi món ăn đã nguội quá cũng không tốt, bột ngọt sẽ khó hòa tan hết, ảnh hưởng nhiều đến vị giác khi thưởng thức, tránh các món chua. Khi nấu các món có vị chua không nên cho bột ngọt vì những thực phẩm có tính acid cao dễ làm thành phần trong gia vị này thay đổi. Nếu cho bột ngọt vào món có độ chua càng cao càng dễ ảnh hưởng đến sức khỏe nội tạng cơ thể.

– Cấm kỵ với các món chiên : Với các thực phẩm chiên vàng, cháy xém cạnh, không nên cho trực tiếp bột ngọt lên trên bề mặt vừa mất hương vị đặc trưng lại tổn hại cho dạ dày.

– Thời điểm để nêm bột ngọt vào món ăn : Khi được đun tới nhiệt độ trên 120 độ C, bột ngọt có thể bị chuyển hóa thành sodium glutamate, làm mất hương vị tự nhiên của các món ăn và gây độc hại cho người sử dụng. Không những thế, việc cho bột ngọt vào trước khi nấu còn làm cho món ăn có vị đắng rất khó ăn và không tốt cho sức khỏe. Cách tốt nhất là nêm bột ngọt khi món ăn đã được chế biến xong. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn cho chúng ta mà nó còn làm tăng hương vị cho món ăn. Đối với các món trộn hoặc nộm, có thể hòa tan bột ngọt với một chút nước rồi mới cho vào.

Phụ nữ Today.

Sử dụng gia vị đúng cách

Không nên nêm mì chính vào lúc thức ăn đang sôi ở nhiệt độ cao, chỉ tầm 70 – 80 độ C là vừa phải.

Tỏi, hành

Đây là gia vị có mùi hăng nên bạn cần cẩn thận về liều lượng khi dùng. Nếu ướp hành, tỏi quá tay bạn sẽ làm mất mùi vị đặc trưng của thực phẩm.

Khi rán trứng với hành, các bà nội trợ thường trộn đều hành với trứng rồi đổ cùng lúc vào chảo rán. Thói quen này sẽ không tận dụng được mùi thơm của hành, làm trứng và hành chín không đều. Cách làm đúng là cho hành, tỏi vào dầu trước, xào đến khi hành tỏa mùi thơm rồi cho trứng vào sau.

Không nên dùng hành tây, tỏi tây để trang trí món ăn. Chỉ dùng nấu chung với các nguyên liệu khác để tận dụng hết mùi thơm.

Giấm

Giấm giúp khử mùi và tăng hương vị cho món ăn. Một số người làm món sườn xào chua ngọt hay cho giấm vào sớm. Như thế, mùi giấm sẽ át mất vị ngọt, thơm đặc trưng của thịt và đường khi rán vàng. Chỉ pha giấm với nước sốt cà và rưới lên sườn đã chín vàng, đun sôi vài phút, nhấc xuống.

Khi chế biến các món nộm gỏi, trộn có thịt, bạn nên dùng chanh thay giấm.

Quế và hồi

Khi dùng dạng cây, bạn cho chúng vào lúc ướp nguyên liệu và lúc nấu để tận dụng hết hương thơm. Nếu dùng dạng bột, bạn nên hòa với một ít nước.

Không cho quế, hồi vào dầu đang nóng vì sẽ gây cháy, món ăn có mùi hăng và vị đắng.

Hạt tiêu

Các bà nội trợ hay ướp tiêu vào thức ăn trước khi chế biến để tạo mùi thơm. Tuy nhiên, hạt tiêu nấu ở nhiệt độ cao sẽ mất mùi thơm đặc trưng. Tốt nhất, chúng ta chỉ nên rắc hạt tiêu khi thức ăn đã chín.

Ngoài ra, trong hạt tiêu có một lượng dầu rất nhỏ để giữ hương thơm. Tiêu xay sẵn sử dụng tiện lợi nhưng sẽ bị mất mùi nhanh chóng. Do đó, các bà nội trợ muốn giữ tiêu dùng lâu dài nên để nguyên hạt, cất nơi khô thoáng. Khi cần dùng mới lấy tiêu ra xay nhuyễn. Như vậy, tiêu sẽ đảm bảo thơm ngon.

Mật ong

Trong mật ong có nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe như carbohydrate, chất chống ôxy hóa, axít béo, axít amin, các vitamin và khoáng chất. Các chất này dễ bị phân hủy khi ta đun nóng, chưng cất mật ong ở nhiệt độ cao. Chỉ nên pha mật ong vào nước ấm, trà hoặc sữa ở khoảng 40 độ C trở xuống.

Khi bảo quản mật ong, nên để trong lọ thủy tinh, nơi tránh nắng. Không nên để trong lọ kim loại vì dễ bị biến chất và có thể gây ngộ độc khi dùng. Khi thấy trong lọ mật có nhiều bọt khí nghĩa là đã biến chất, nên bỏ đi.

Gừng

Gừng thường được dùng để ướp thịt, cá và khử mùi tanh. Trong gừng có chứa men zingibai làm thịt mau mềm. Khi sử dụng, bạn nên rửa sạch và để cả vỏ vì có tác dụng chữa bệnh và tăng hương vị.

Không nên dùng những củ gừng để lâu vì có chứa độc tố lưu huỳnh gây hại cho gan.

Mù tạt

Gia vị này giúp khử mùi tanh của thủy hải sản và kích thích vị giác. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên dùng mù tạt để ướp thực phẩm hoặc làm sốt cho các món trộn vì chất enzyme tạo mùi của mù tạt rất dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Bạn không nên dùng mù tạt thay ớt khô hoặc ớt bột trong các món lẩu cay.

Đường, mì chính (bột ngọt)

Khi thực hiện các món rán và nướng, bạn chỉ nên dùng ít đường để ướp thực phẩm. Nếu dùng nhiều, món ăn rất dễ cháy khét, bị sậm màu gây mất thẩm mỹ và có vị đắng.

Khi nêm mì chính, chúng ta không nên cho vào lúc thức ăn đang sôi ở nhiệt độ cao. Theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, chỉ nên cho mì chính vào khi thức ăn để khoảng 70 – 80 độ C. Đồng thời, người nội trợ nên nêm một lượng nhỏ mì chính vừa đủ để kích thích vị giác. Không nên cho quá nhiều loại gia vị này vào thức ăn vì một số người dị ứng với bột ngọt có thể bị đau đầu, chóng mặt, thậm chí bị ngộ độc.

NS