9 MÓN CẦN KHÁM PHÁ KHI ĐẶT CHÂN ĐẾN VĨNH PHÚC

Đi Vĩnh Phúc, ngoài việc xem cướp phết, chọi trâu, ghé thăm Tam Đảo, Đại Lải… Bạn còn phải khám phá cho được 9 món ăn sau để cho cuộc du ngoạn được trọn vẹn.

1. Cá thính Lập Thạch

 

Cá thính hay cá muối chua là đặc sản của huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc)

Nguyên liệu làm món cá thính chua đơn giản nhưng công đoạn hết sức công phu và cầu kỳ. Đầu tiên, sau khi bắt hay mua về, cá được làm sạch ruột, bỏ đầu, để ráo nước. Xếp cá vào vại hay lọ thủy tinh theo thứ tự một lớp cá, một lớp muối. Tỷ lệ muối và cá là 10kg cá/1,5kg muối. Lớp trên cùng của vại phủ kín muối và dùng nan tre đậy thật kín. Để vại cá muối trong nhà khoảng 4 – 7 ngày, thì gỡ cá ra khỏi muối, dùng tay ép cho cá chảy hết nước và mang đi phơi nắng cho cá se lại.

Dùng tay nhồi bột thính (được làm từ ngô và đỗ tương rang xay thành bột) khắp mình cá từ trong ra ngoài thật đều. Rồi xếp vào vại sành đã rửa sạch. Đậy vại bằng nan tre đan thật kín rồi úp ngược vào bát nước sôi để nguội. Khoảng 2 tuần sau sẽ có món cá thính chua có mùi thơm nức của thính gạo, vị chua chua của thính lên men và đặc biệt, thịt cá phải có màu hồng ngấu chín.

Có thể chế biến cá thính chua thành nhiều món nhưng ngon nhất là đem nướng trên than hoa. Miếng thịt cá nóng hôi hổi thơm phưng phức, không chỉ “thổi bay” nồi cơm một cách nhanh chóng mà còn khiến cánh đàn ông uống đến “cạn chai”.

2. Dứa Tam Dương

 

Tam Dương là huyện trồng nhiều dứa nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Các loại dứa ở đây đều có đặc trưng riêng như dứa mật nhiều nước và rất ngọt. Dứa mỡ gà ruột màu vàng nhạt, vị chua. “Dứa Hướng Đạo” quả nhỏ, ruột dòn, vị ngọt mà dốt dốt chua, ăn ngon nhất.

 

Đến đây, ngoài việc tha hồ “ăn” dứa đến no bụng với hai cách. Một là gọt hết cả mắt và thịt dứa bên ngoài, chỉ còn ít ruột bên trong (độ nửa quả) mà ăn thì không rát lưỡi; Hoặc đập đập dứa vào gốc cây hay thớt gỗ, vừa đập vừa xoay cho cho ruột dứa nát ra nước mật, sau đó dùng dao nhọn khoét một lỗ và ghé miệng vào uống. Du khách còn có dịp ngắm nhìn rừng dứa bạt ngàn. Đẹp nhất là vào mùa quả chín, mỗi cây dứa cứ như một bông hoa xanh khổng lồ với nhụy là quả dứa vàng ươm có túm tóc xanh xanh dựng đứng trên đầu.

3. Tép Dầu đầm Vạc

 

Đầm Vạc, nơi sản sinh ra loại tép được tán tụng “Cỗ chín lợn, mười trâu/ Cũng không bằng tép Dầu Đầm Vạc”.

 

Đầm Vạc là một hồ nằm ở giữa trung tâm Thành phố Vĩnh Yên. Diện tích mặt nước rộng gần 500ha, đáy sâu nhất 4,5m, trung bình 3,8m. Đầm Vạc là nơi cung cấp một lượng lớn hải sản cho Vĩnh Phút, nổi bật nhất là tép Dầu, có người viết là “giầu”, và giải thích rằng tép giầu đầm Vạc khi rán và kho khô nó có màu sắc và hình dáng giống cái bã giầu – bã trầu, các bà các chị ở nông thôn ăn giầu vứt bỏ.

 

Tép Dầu đầm Vạc có chiều dài của từ 5-7cm, chiều ngang chừng 1cm. Mùa thu hoạch tép Dầu từ tháng 8 – 10, khi đó, bụng tép Dầu chứa đầy trứng. Tép dầu đầm Vạc xương ít và mềm, rán ăn ròn tan, béo ngậy, kho tương vừa ngọt vừa bùi. Các cụ ngày xưa đã tán tụng “đặc sản tép dầu đầm Vạc” còn ngon hơn cả thịt trâu, thịt lợn.

4. Chè kho Tứ Yên Lập Thạch

 

Tương truyền vào thế kỷ 6, làng Tứ Yên, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đầm Miêng được sử sách ghi là hồ Điển Triệt, nơi Lý Bí đắp thành chống giặc nhà Lương. Nhân dân thường tiếp tế lương khô, trong đó có món chè kho cho quân lính của Lý Nam Đế. Chè kho có thể để được 10-15 ngày không bị thiu ôi nên được nghĩa quân tích trữ làm lương khô, mang theo trận mạc dài ngày, đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Cách nấu chè kho khá đơn giản. Đậu xanh, đồ chín, giã nhuyễn. Hòa đường trắng với nước đun sôi để nguội. Trộn đậu và nước đường với nhau rồi nhào cho thật đều tay. Hay bạn có thể cho đậu xanh giã nhuyễn vào nước đường đun sôi, nấu từ từ cho đường và đậu hòa quyện vào nhau. Đơm chè bằng muỗng ra đĩa nhỏ qua miếng lá chuối đã chuẩn bị sẵn, dùng tay nén cho đĩa chè kho được tròn, mịn và chặt.

Đĩa chè có màu vàng tươi, mịn màng của đỗ giã nhuyễn, lấm tấm màu nâu của vừng phủ bên trên, vị chè ngọt đậm khác hẳn với những loại chè khác. Thưởng thức chè kho đúng cách nhất là nhâm nhi với trà sen.

5. Rượu dừa Tiên Tửu Ngọc Hoa (Yên Lạc)

 

Rượu dừa được chế biến như sau: Sau khi sơ chế phần vỏ, quả dừa được tiêm vào hỗn hợp gồm nếp cái và men theo một tỷ lệ nhất định hàn kín lại đem ủ cho đến khi có đủ hương cay nồng đặc trưng của rượu và vị thơm ngọt từ nước dừa.

Đặc trưng của một bầu rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa ngon là khi ngửi có mùi thơm mát đặc trưng của hương dừa, khi uống có vị ngọt nhẹ, đặc biệt không gây cảm giác háo nước, đau đầu.

6. Bánh trùng mật mía Vĩnh Tường

 

Bánh trùng quyến rũ mọi người với vị ngọt đậm của mật mía, mùi thơm nhẹ của gừng hòa cùng lớp bánh trắng dẻo bên trong, lẫn trong hương thơm của vừng.

Cách làm bánh trùng khá đơn giản. Gạo nếp ngon đãi sạch, ngâm qua đêm, xay mịn, để ráo. Tạo hình bánh bằng cách nắm bột thành những nắm có hình giống quả trám. Mật mía mua về, pha với nước lọc, đem đun sôi rồi thả từng viên bánh vào. Khi nước mật sôi trở lại, bánh trong là đã chín. Múc bánh ra đĩa, phủ nước mật vừa đun lên, rắc thêm một chút vừng đã rang thơm, món bánh đã sẵn sàng để thưởng thức.

7. Bánh nẳng và bánh gạo Lập Thạch

Bánh nẳng và bánh gạo rang cũng được làm bằng gạo nếp hoa vàng nhưng cách làm khác nhau.

 

Gạo nếp làm bánh nẳng được ngâm qua đêm trong nước Nẳng, vốn là tro của các cành xoan tươi, cành bưởi tươi (cả lá), trã vừng, lá dáng, lá si, tầm gửi cây dọc… Sau đó, vớt gạo ra để ráo nước, rồi gói bằng lá chít đã luộc và rửa sạch. Luộc bánh khoảng từ 5- 6h.

 

Bánh gạo rang được ngâm trong nước quả vàng dành cùng ruột cỏ bấc đèn, cây dáy và tro cây vừng đốt ra trong ba ngày đêm. Sau đó, vớt nếp ra để ráo rồi cho chõ xôi. Xôi chín đem trộn đều với mỡ heo, rải ra nia rồi dùng vồ đập đi đập lại trong vài giờ cho hạt xôi bẹt ra. Sau đó lại phơi khô, rồi để nguội, trộn mỡ heo mới cho vào chảo rang cho nổ bung ra. Đun sôi mật, rồi đổ gạo rang vào đun, quấy đều rồi đổ ra, dàn mỏng trong mâm. Dùng đoạn cây tròn lăn đi lăn lại cho bánh lèn chặt. Dùng thước và dao sắc cắt thành từng cái rồi đem gói trong giấy bóng kính.

8. Bánh gio làng Tây Đình – Tam Hợp – Bình Xuyên

 

Bánh gio Tây Đình còn gọi là bánh nắng. Cách làm món bánh như sau: Vo gạo nếp đã sang sảy thậy kỹ đến khi nước trong, để ráo rồi đem ngâm vào nước vôi trong khoảng 2 tiếng. Vớt nếp ra, để ráo nước mới đem ngâm vào nước nắng (gio than của ba loại cây: Tầm gửi cây dọc, thân lá cây vừng khô và thân cây sương song) qua một đêm, vớt ra để ráo nước.

Dùng muôi xúc gạo đó cho vào giữa lá chít đã luộc vài nước, dàn gạo đều và dài ra, gói lại lăn tròn vấn bẻ hai đầu lá kín lại dùng lạt mềm buộc chặt. Mỗi cái bánh gio chỉ dài chừng hơn gang tay. Nấu bánh trong khoảng 3 tiếng.

Lưu ý trong quá trình làm bánh gio, tất cả nguyên liệu và dụng cụ đều không được dính dầu mỡ.

9. Bánh ngõa Lũng Ngoại

Trong các món bánh của Vĩnh Phúc, bánh ngõa có công đoạn chế biến cầu kỳ và công phu nhất.

Gạo nếp vo đãi sạch, để ráo nước rồi nghiền thành bột nhỏ mịn. Đậu xanh xay vỡ đôi ngâm qua nước để vỏ đỗ bong ra, đãi sạch vỏ rồi để khô. Lấy một phần đậu xanh nấu với mật thành chè kho, phần còn lại sao trên lửa khi hạt đậu có màu vàng hạt dẻ; để nguội đem nghiền thành bột nhỏ mịn.

 

Trộn nước với bột gạo nếp nhào dẻo thành một cục, chia thành các viên nhỏ, rồi dàn mỏng từng cục, cho chè kho vào giữa làm nhân rồi vê kín bánh. Đun sôi nước, thả bánh vào luộc. Khi bánh nổi lên là đã chín. Vớt nhẹ từng cái, chờ ráo nước rồi cho vào mâm đã rắc bột đậu làm áo. Trở đều hai mặt bánh sao cho càng ngấm nhiều bột áo, càng tốt.

Theo An Huỳnh (Infonet)

CÁCH LÀM BÁNH RÁN ĐÔRÊMON

Bánh rán (dorayaki) là món ăn ưa thích của Doraemon và có lẽ cũng là món ăn ưa thích của rất nhiều bạn thuộc thế hệ 8x-9x tuy rằng không phải ai cũng đã có dịp ăn. Bánh rán làm theo khẩu vị truyền thống của Nhật sẽ ngọt lịm đường…nếu bạn không thích ăn ngọt thì nên giảm lượng đường trong nguyên liệu.

Nguyên liệu:

Phần vỏ

  • Bột mì: 150g
  • Trứng gà: 2 trái
  • Đường cát: 50g
  • Mật ong: 25ml
  • Bột nở: 5g
  • Rượu trắng: 15ml
  • Nước: 50ml

Phần nhân

  • Đậu đỏ: 100g
  • Đường: 80g

Thực hiện:

Làm phần nhân:

1. Đậu đỏ ngâm nước qua đêm cho nở, rồi bắc nồi nước cho đậu vào, vặn lửa nấu cho tới khi nước sôi, nổi bọt thì tắt lửa. Sau đó đổ hết nước đi, trút đậu ra rổ xả qua với nước lạnh cho đỡ chát.

2. Bắc nồi nước mới cho đậu vào luộc và xả 2 lần nữa (mỗi lần mỗi thay nước). Sau đó trút hết đậu vào nồi cơm điện, châm nước ngập mặt đậu (chừng 1 lóng tay) rồi bật nồi nấu như nấu cơm cho tới khi đậu chín mềm, cạn nước là được. (Không thích dùng nồi cơm điện thì bạn nấu nồi thường cũng được).

3. Đậu còn nóng, ta cho vào máy xay nhuyễn. Có thể thêm ít nước (tốt nhất là nước đun đậu còn thừa) vào xay cho dễ xay hơn. Lưu ý không châm nhiều nước kẻo đậu bị loãng. Xay đến khi nào đậu nhuyễn, sánh là được.

4. Cho đậu này vào nồi hoặc chảo chống dính, trút lượng đường làm nhân vào rồi đảo đều cho bay hơi nước, nhân đậu se lại. Đảo đến khi thấy hỗn hợp hơi sánh lại thì tắt bếp. Để nguội. Nếu để lâu thì phải bỏ tủ lạnh kẻo nhân bị khô.

Làm phần vỏ:

1. Trứng đập vào tô, đánh tan với đường, sau đó cho thêm dầu ăn, mật ong cùng rượu vào đánh chung.

2. 2 loại bột đem trộn chung rồi rây cho mịn. Sau đó trộn hỗn hợp bột này vào hỗn hợp trứng mật ong ở bước 1. Quậy đều, vừa quậy vừa châm nước từ từ (chừng 50ml) cho đến khi hỗn hợp bột sánh mịn và khi múc lên đổ xuống nó có thể chảy thành một dòng liên tục là được. Làm xong thì cho vào tủ lạnh 20 phút cho bột nghỉ.

3. Bắc chảo (tốt nhất là dùng chảo chống dính) cho vào một ít dầu ăn (thật ít) và tráng đều, mỏng. Chuẩn bị sẵn bên cạnh một cái khăn thấm nước lạnh. Đun cho chảo nóng rồi nhấc chảo ra đặt lên cái khăn ướt này để làm cho chảo nguội.

4. Vặn bếp nhỏ lửa hết cỡ, tiếp tục đặt chảo lên rồi dùng vá to múc bột đổ vào chảo. Nên đổ bột từ khoảng cách 20cm, đổ một dòng đều và dứt khoát thì bột sẽ tượng hình một cái bánh tròn đẹp. Sau khi đổ bột bạn vặn lửa to lên một chút để rán. Rán bánh trong khoảng 3-4 phút cho tới khi mặt bánh se lại, xuất hiện các lỗ nhỏ thì lật úp lại rán tiếp mặt kia tầm 2 phút là được. Nếu chảo to có để đổ bột rán nhiều cái bánh một lúc (đừng đổ bột dính vào nhau là được)

5. Lặp lại các bước 3-4 với lượng bột còn lại (lưu ý có đun và làm nguội chảo, to lửa nhỏ lửa, tuy nhiên bỏ qua (không cho thêm) dầu ăn).

6. Xếp bánh lên vỉ chờ cho nguội. Bây giờ thì trét nhân đậu đỏ vào một miếng bánh sau đó úp miếng thứ 2 lên là bạn đã có một cái bánh Dorayaki ngon lành.

***Bánh thành phẩm phải mềm, xốp, mịn, có độ đàn hồi, không gãy khi gấp lại.


***Nếu ăn không hết bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh.


***Trên là hướng dẫn làm bánh truyền thống với nhân đậu đỏ. Bạn có thể tùy biến phần nhân đậu đỏ thành nhân kem, nhân đậu xanh, trà xanh, chocolate, hoa quả, nhân mứt… tùy theo sở thích của mỗi người.

Cách làm BÁNH SỮA DỪA

Cách làm BÁNH SỮA DỪA sau đây rất đơn giản nhưng thành quả lại rất hấp dẫn. 

Nguyên liệu:

  • Sữa đặc: Khoảng 1/2 lon
  • Cơm dừa sấy khô (mua ngoài siêu thị): 250g*** Nếu không có cơm dừa khô thì dùng dừa già, dùng bàn nạo có đầu nạo vụn, nạo lấy phần cùi trắng, vắt nước ra rồi cho lên chảo rang khô là được.
  • Bột năng: 1 thìa cafe

Cách làm:

– Chia dừa sấy ra 2 phần, 200g dùng làm bánh, 50g dùng làm áo bánh. Phần làm áo bánh có thể giã vụn thêm để cho dễ bám vào bánh.

– Cho phần 200g dừa sấy vào chảo chống dính, sau đó chế sữa đặc vào. Vặn lửa vừa trộn đều hỗn hợp lên khoảng 5 phút cho vón lại thành một khối là được.

– Sau đó lấy cục hỗn hợp ra chờ cho nguội bớt rồi vo thành từng viên vừa ăn. Sau mỗi lần vo thì lăn viên bánh qua phần dừa làm áo bánh, để bánh bớt dính và hấp dẫn hơn.

– Tuy cách làm đơn giản nhưng bánh rất ngon với vị thơm đặc trưng của dừa và ngọt béo của sữa. Bánh này bảo quản trong tủ lạnh. Bạn có thể cho từng viên bánh vào đế lót như trong ảnh để trông lịch sự hơn.

Bảo Tố (theo rakskitchen)

Cách làm BÁNH THUẪN

BÁNH THUẪN (có nơi kêu là bánh thửng) là món ăn Tết phổ biến ở các tỉnh miền Trung. Cách làm bánh thuẫn bằng bột bình tinh sẽ cho ra bánh có vị mát ngậy, nặng tay, mang hương vị cổ truyền, chứ không có nhẹ hều và ăn xốp rộp như bánh làm bằng bột mì ngoài chợ.

Nguyên liệu:

  • 10 hột vịt (hoặc gà)
  • 800g bột bình tinh mịn
  • 200g bột năng rây mịn
  • 1kg đường
  • 1 ống vani
  • Khuôn đúc bánh thuẫn (ra chợ mua, 1 khuôn thường làm được 6-8 bánh 1 lần)
  • Dầu phộng hoặc dầu ăn
  • Lò than

Cách làm:

1. Hột vịt đánh mạnh tay cho nổi bông, sau đó cho đường vào đánh tan đường, sao cho hỗn hợp nổi bông đặc, nhỏ thử 1 giọt vào chén nước thấy không bị tan là được. Tiếp theo cho tất cả bột và vani vào quậy đều theo 1 chiều tới khi nào tất cả nguyên liệu hòa quyện vào nhau mịn màng.

2. Để khuôn lên lò than đã đỏ, đậy nắp lại, gắp than nóng để lên nắp để làm cho nóng cả 2 mặt khuôn. Mở nắp ra, lấy miếng vải cột vô đầu đũa (hoặc dùng cọ sơn, cọng lá chuối đập dập đầu) nhúng tí dầu phộng (dầu ăn) rồi quết lên mấy lỗ đúc bánh trên mặt khuôn cho trơn.

3. Khi khuôn nóng, ta múc bột đổ vào hết lỗ làm bánh trên khuôn, canh đổ sao cho bột vừa tới mép khuôn là được, rồi đậy nắp khuôn lại. Tiếp tục lấy kẹp gắp than đang đỏ dưới lò bỏ lên nắp cho cái bánh chín đều. Khoảng 4-5 phút là bánh chín. Thử bằng cách đâm cây tăm vô coi bột có dính đầu tăm không, không dính là chín. Bánh chín dùng cây nhọn khều ra.


4. Lúc này bánh đã ăn ngon rồi. Tuy nhiên để bảo quản bánh được lâu ta cần xếp bánh lên nong rồi hong lên bếp nhỏ lửa hoặc bếp tro nóng tới khi nào vỏ bánh khô giòn. Làm vậy bánh săn chắc ngon miệng mà còn khó bị mốc hơn.

5. Bảo quản bánh trong túi kín.

*** Nếu muốn bánh nở bung xòe ra thì cho thêm xíu bột nổi khi quậy bột.

*** Pha bột năng vô để bánh có độ giòn xốp, nếu không thích thì khỏi dùng bột năng, tất cả bằng bột bình tinh cũng không sao, thậm chí là nhiều người thấy ngon hơn.

Bảo Tố

Công thức làm BÁNH DÀY

BÁNH DÀY không chỉ là món ăn truyền thống trong lễ, tết, mà nó còn là món ăn vặt độc đáo ở trên mọi nẻo đường Việt Nam. Miếng bánh dai dai, hương vị đơn điệu nhưng lại hấp dẫn rất nhiều người, nhất là khi nó được ăn kèm với miếng giò (chả lụa). Có ít nhất là 2 cách để làm nên món bánh thú vị này:

CÁCH 1: LÀM BẰNG GẠO NẾP

Nguyên liệu:

  • 1kg gạo nếp
  • Chút muối
  • Lá chuối
  • Dầu ăn

Cách làm:

– Gạo nếp nhặt bỏ trấu, thóc, vo kỹ cho sạch để bánh được trắng.
– Ngâm gạo 1 đêm, sớm mai rửa lại vài lần cho hết mùi chua. Để ráo một chút. Trộn với chút xíu muối. Sau đó đem cho vào chõ thổi chín. Khi đang nấu nếu thấy nếp khô thì vẩy thêm nước cho xôi được mềm dẻo. Đồ cho tới khi nếp chín đều.
– Xôi chín đem để ra ngoài cho bốc bớt hơi. Bắt đầu giã xôi khi xôi còn đang nóng:
– Lót cái vỉ buồm dưới nền, thoa một lớp mỏng dầu ăn rồi đổ xôi lên giã. Dùng chày to giã cho xôi nát mịn, nhuyễn mới thôi.
– Giã xong thì chuẩn bị sẵn mấy miếng lá chuối cắt tròn (nếu muốn làm tròn đẹp thì úp cái ly lên rồi nương dao kéo theo mà cắt). Sau đó bốc một nắm xôi đã giã bỏ, vo tròn, bỏ lên lá chuối, nặn vê nhẹ nhàng cho thành miếng bánh dẹp, mịn màng. Để 12 giờ trở lên ăn mới ngon.

CÁCH 2: LÀM BẰNG BỘT

Nguyên liệu:

  • 600g bột nếp
  • 1 muỗng cafe muối.
  • 2 chén nước
  • Dầu ăn
  • Lá chuối.

Thực hiện:

– Bột nếp trộn chung với muối và nước, nhồi cho kỹ. Sau đó để bột nghỉ khoảng 1 giờ là bắt đầu nặn bánh được rồi.
– Nặn bánh tương tự như cách trên: lá chuối ở dưới rồi nặn bột lên trên, nặn dẹp vừa phải vì khi hấp bánh sẽ bè ra thêm. Lần lượt cho hết bột.
– Chuẩn bị nồi hấp nước sôi. Bôi ít dầu ăn lên mặt bánh rồi cho tất cả bánh lên xửng, cho vào nồi hấp. Hấp chừng 7 phút, mặt bánh trong lên là được.
– Hấp xong lấy bánh ra để nguội.

MẸO:

*** Bánh dày để lâu nên dùng màng nylon thực phẩm gói kín để bánh khỏi bị khô.

*** Bánh dày có nhiều cách ăn. Thông dụng nhất là ăn kèm với miếng giò (miền Nam gọi là chả) và chút muối tiêu. Hoặc nếu muốn ăn kiểu nướng hoặc chiên, thì để bánh vài ngày cho bánh tự khô đi (không bọc màng nylon), rồi xắt ra từng miếng nhỏ, cho lên vỉ nướng vàng hoặc cho vào chảo chiên phồng lên. Ăn với đường hoặc cái gì tùy bạn. Rất ngon.

*** Bánh dày nếu bị khô thì đem hấp cách thủy là bánh mềm lại.

Bảo Tố

Cách làm BÁNH CHUỐI HẤP

BÁNH CHUỐI HẤP là món bánh ngọt dễ ăn, thích nhất là làm ăn vào những buổi tối rảnh rỗi bên người thân, bạn bè. 

Công thức làm bánh:

Chuẩn bị:

  • Chuối sứ: 12 trái
  • Nước cốt dừa: 500g để làm bánh và 2 chén để làm nước cốt ăn kèm (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
  • Bột năng: 250g để làm bánh và 1 muỗng canh để làm nước cốt.
  • Đường: 200g làm bánh và 2 muỗng canh làm nước cốt.
  • Chút xíu muối để làm nước cốt.
  • Vani
  • Mè (vừng) rang giã sơ.

Thực hiện:

– Chuối bỏ vỏ cắt ngang thành khoanh tròn, dày độ 1/2 phân. Sau đó xếp vào nồi, cho nước vào xâm xấp mặt chuối, đun lửa riu riu tới khi nước cạn thì trút chuối ra, để nguội.

– Nước cốt dừa đem hòa với bột năng và đường, rắc 1 chút vani. Khuấy cho đều, kĩ. Sau đó cho chuối vào trộn chung.

– Chuẩn bị cái khuôn để hấp bánh. Thoa lớp dầu mỏng vào khuôn để lấy bánh ra cho dễ. Cho hỗn hợp trên vào khuôn. Muốn đẹp thì sắp vài lát chuối lên mặt bánh.

– Chuẩn bị xửng hấp cách thủy. Đun cho nước sôi rồi cho khuôn bánh vào hấp khoảng 20 phút là được. Trong khi hấp nhớ mở nắp lau nước đọng trên nắp đi.

– Kiểm tra bánh chín chưa bẳng cách lấy tăm chọt vào rồi rút ra, tăm không dính bột là bánh đã chín. Bánh chín lấy ra xắt lát nhỏ, có thể chan thêm nước cốt (hướng dẫn làm phía dưới) và rắc ít mè rang giã sơ lên ăn nếu thích.

Cách thắng nước cốt dừa ăn kèm:

– Chuẩn bị 2 chén nước cốt dừa, rồi cho vào đó 1 muỗng canh bột năng, 2 muỗng canh đường, chút xíu muối.

– Cho hỗn hợp trên vào nồi, đun trên bếp, vừa đun vừa quậy đều tới khi hỗn hợp hơi quánh lại là được. Để nguội chan lên bánh ăn.

 

Bảo Tố

Cách làm BÁNH PHỒNG TÔM

Bánh phồng tôm là món bánh ăn chơi thú vị, trong dân gian bánh này thường dùng vào dịp cỗ, đám, tiệc. Bánh hấp dẫn bởi kết cấu giòn tan, vị mặn dịu thơm thoang thoảng mùi tôm. Công thức làm bánh này không khó.

Nguyên liệu:

  • Tôm: 500g
  • Bột năng: 500g
  • Hột vịt: 2 lòng trắng (không dùng lòng đỏ)
  • Tỏi: 2 tép
  • Hành lá: 5 cây
  • Muối: 2 muỗng cafe
  • Tiêu hột trắng: 1/2 muỗng cafe
  • Bột ngọt: 1/2 muỗng cafe
  • Đường phèn: 1 muỗng cafe
  • Miếng vải thưa để gói.

Thực hiện:

– Tôm lột vỏ, rửa sạch, chà muối cho trắng. Bóc hết màng quanh tôm. Thấm tôm cho ráo rồi đập dập.

– Hành tỏi cho vào cối giã nát rồi cho tôm vào giã chung cho nhuyễn. Sau đó cho bột ngọt, muối, tiêu, đường vào giã quết tiếp cho mịn.

– Tiếp theo cho lòng trắng trứng và bột năng vào hỗn hợp, dùng tay nhào đều rồi tiếp tục quết cho thật đều.

– Trút hỗn hợp bột tôm ra mặt phẳng, se thành cây hình lăng trụ tròn dài (đường kính khoảng 6 cm). Nhớ se cho kĩ, chắc. Dùng vải bọc lại như bọc bánh tét.

– Bắc xửng hấp cách thủy. Cho đòn bột vào hấp khoảng 1 giờ, rồi lấy ra để nguội rồi cho vào tủ lạnh khoảng 5 tiếng đồng hồ. Sau đó lấy ra cắt thành từng lát thật mỏng.

– Cắt xong thì đem phơi dưới nắng to. Nếu không có nắng thì cất vào tủ lạnh đợi có nắng.

– Bánh phơi xong, chiên giòn nở xốp là ăn được. Có thể ăn với GỎI NGÓ SEN rất ngon. Xem Cách làm Gỏi ngó sen

Bảo Tố

Cách làm BÁNH ÍT TRẦN NHÂN MẶN

Bánh ít (bánh ích) trần là món ăn chơi rất hấp dẫn vì cái dai, dẻo mà thơm của bột nếp, hòa quyện với phần nhân tôm thịt và nước mắm chua ngọt.

Nguyên liệu:

Phần vỏ:

  • Bột nếp: 300g
  • Nước ấm: 1 tô
  • Bột ngọt: 1/2 muỗng cf
  • Muối: 1/2 muỗng cf

Phần nhân:

  • Tôm thẻ: 100g
  • Thịt nạc dăm: 100g
  • Nấm mèo: 4 cái
  • Hành lá
  • Bột ngọt, muối, đường, mỗi thứ một chút.

Bánh này ăn kèm với mắm chua ngọt, nên chuẩn bị thêm nước mắm và chanh để làm.

Cách làm:

Làm bột:

– Bột nếp hòa với bột ngọt, muối và nước ấm, khuấy tan rồi để khoảng 20 phút cho bột nghỉ. Sau đó nhồi nhuyễn lại cho  tới khi nào bột mịn, không dính tay nữa là được (Dùng tay cảm nhận nếu Bột nhão thì thêm bột, bột khô thì thêm nước).

Làm nhân:

– Tôm để vỏ (cho ngọt), xắt từng khúc nhỏ cỡ hạt lựu. Thịt băm hơi vụn. Hành xắt nhỏ. Nấm mèo ngâm nước ấm rồi rửa sạch, băm vụn.

– Bắc chảo cho ít dầu, phi thơm hành, tiếp đó cho nấm, tôm, thịt vào xào thơm. Nêm thêm tiêu, muối, bột ngọt, đường, nếm thử vừa miệng là được. Tắt bếp nhắc nồi xuống.

Nặn bánh:

– Ngắt một cục bột nhỏ cỡ trái vải, vo tròn rồi ấn cho bẹp. Cho nhân vào giữa rồi gấp mí bọc kín lại. Xoa qua bên ngoài một chút dầu ăn hoặc mỡ. Làm lần lượt cho hết bột, hết nhân thì xếp vào xửng đem hấp cách thủy. Nhớ lót xửng bằng lá chuối bôi dầu để bánh khỏi dính.

– Hấp 5 phút thì mở nắp để xửng bay bớt hơi. 15 phút là bánh chín.

Bánh ít trần ăn với mắm chua ngọt, rảnh thì làm thêm tôm chấy nữa rất ngon. Xem: CÁCH LÀM MẮM CHUA NGỌTCÁCH LÀM TÔM CHẤY.

Ai thích bỏ thêm đồ chua thì xem: Cách làm ĐỒ CHUA.

Bảo Tố.

Cách làm BÁNH BÒ TRONG

Bánh bò là món ăn hấp dẫn đối với mọi lứa tuổi. Bánh bò có nhiều loại, trong đó Bánh bò trong là loại bánh phổ biến vì dễ ăn, khó ngán.

Nguyên liệu:

  • Bột gạo 300g
  • Bột năng 50g
  • Bột nổi Calumet: 2 muỗng cafe
  • Cơm rượu: khoảng 3 muỗng canh (cả cái lẫn nước), tán nhuyễn.
  • Nước dừa: 150g (không có thì dùng nước lã cũng được)
  • Đường: 200g
  • Muối: 1/2 muỗng cafe
  • Nước cốt dừa: 200g (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
  • Khuôn làm bánh.
  • Vani.
  • Muối mè: đường, đậu phộng & mè giã nhuyễn, chút muối. Trộn đều.

Công thức làm Bánh bò trong:

– Cho bột gạo, bột năng vào thau, cho cơm rượu vào rồi châm nước dừa vào, trộn đều. Đậy lại ủ qua đêm, sủi tăm là được.

– Bắc cái nồi hoặc chảo, cho nước cốt dừa và đường vào chảo thắng cho tới khi đường tan hết là được. Để nguội. Sau đó đổ nước dừa thắng này vào hỗn hợp bột gạo đã ủ xong (có mùi hơi chua chua). Cho thêm bột nổi, vani và muối vào, ủ tiếp trong 2 tiếng cho sủi tăm lại.

– Chuẩn bị khuôn làm bánh, quết 1 ít dầu ăn vào đáy khuôn để dễ gỡ.

– Sau đó múc bột cho vào khuôn (chiều dày 2/3 khuôn thôi vì bánh sẽ nở), cho vào nồi hấp khoảng 7-10 phút là được. Nhớ đậy kín nồi trong khi hấp.

– Để biết bánh chín chưa ta lấy cây tăm đâm v ào bánh rồi rút ra, nếu bột không bám đầu tăm là ok rồi.

– Bánh làm xong để nguội là ăn được. Chấm với muối mè ăn sẽ ngon hơn. Ai thích thì chấm với nước cốt dừa cũng ngon.

*** Ai thích màu thì chia bột ra nhuộm màu rồi hấp bình thường. Có thể dùng màu thực phẩm hoặc màu tự nhiên, ví dụ màu xanh làm bằng lá dứa, lá rau ngót, màu đỏ làm bằng gấc, màu tím làm bằng lá cẩm.

Bé Thúi / MAV.

CÁCH LÀM BÁNH GIÒ

Bánh giò là món ăn miền Bắc nhưng nay đã có mặt ở khắp ba miền Việt Nam, và ở cả 3 miền thì hương vị của bánh cũng không có khác nhau nhiều lắm. Riêng về phần nguyên liệu, thì bánh giò trong Nam thường có thêm trứng cút.

 

Nguyên liệu:

Phần bánh:

  • 400g gạo tẻ
  • 100g bột năng
  • 2 lít nước (nếu có nước xương thì dùng nước xương sẽ ngon hơn)

Phần nhân:

  • Nửa kí thịt nạc vai, băm vụn
  • 100g nấm mèo – rửa sạch, ngâm trong nước ấm 30 phút, rồi băm vụn.
  • 1 của hành tây, băm vụn
  • 4 củ hành hương, băm vụn
  • Tiêu, nước mắm, gia vị
  • 20 quả trứng cút, luộc chín bóc vỏ.

Ngoài ra:

  • Lá chuối, lạt để gói bánh.

Cách làm:

– Nước hoặc nước xương để nguội, rồi hòa tan tất cả bột vào. Bắc hỗn hợp này lên bếp, đun lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy cho bột khỏi vón cục. Đun đến khi nào bột đặc sánh, có màu trắng đục.

– Bắc chảo phi thơm hành tây với chút dầu ăn, sau đó trút thịt và hành tím vào xào liền tay, cho đến khi thịt chín.
Trút nấm mèo vào xào tiếp khoảng 2 phút. Nêm nước mắm, gia vị cho vừa miệng. Cuối cùng cho 1 muỗng cafe tiêu vào trộn đều.

Cách gói bánh:

Có nhiều cách gói bánh khác nhau miễn sao gói cho kín, đẹp, buộc lạc cho chặt là được. Có thể gói theo cách của Mulan trong blog mulanbepnha.blogspot.com theo ảnh sau:

– Gói xong thì cho bánh vào xửng hấp trong 30 phút là bánh chín.

– Ăn bánh với tương ớt, dưa leo hoặc dưa góp càng ngon. Tại miền Bắc, có chỗ bán bánh giò ăn kèm với chả cốm, giò lụa… rất ngon.

– Trước khi ăn hấp lại cho nóng.

Bé Bủm.

Cách làm BÁNH SỮA TƯƠI CHIÊN GIÒN

Bánh sữa tươi chiên là món ăn nổi tiếng của Tây Ban Nha, tuy vậy khi sang Việt Nam, món ăn này có khác biệt một tí, nhưng vẫn đảm bảo ngon miệng.

Nguyên liệu:

Phần ruột:

  • 400g sữa tươi không đường
  • 50g bột bắp
  • 1/2 muỗng cafe muối
  • 1 muỗng canh đường

Phần vỏ:

  • 1 hột gà
  • 100g Bột mì
  • Chút bột nổi.
  • Vani.

Cách làm:

  • Làm bột:

– Cho sữa, đường, muối, bột bắp vào chung 1 cái nồi, đun trên lửa nhỏ.
– Hỗn hợp bắt đầu sôi (đừng để sôi sùng sục), thì ta lấy cái vá gỗ khuấy đều theo một hướng. Khuấy liền tay kẻo cháy.
– Khuấy đến khi nào cảm giác hỗn hợp sánh mịn thì tắt lửa.
– Trút hỗn hợp bột sữa vào một cái khay vuông rồi bỏ vào tủ đá cho cứng lại.
– Trong khi chờ đông thì ta cho bột mì vào cái bát, đập một quả trứng, rắc chút vani, châm tí nước rồi khuấy đều cho thành hỗn hợp bột sền sệt như bột chuối chiên. Sau đó để qua một bên trong 30 phút cho bột nghỉ.
– Phần hỗn hợp bỏ tủ lạnh sau khi đông chắc lại, ta tách khỏi khay rồi dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
– Sau đó nhúng tất cả vào hỗn hợp bột mì.

  • Chiên: 

– Chuẩn bị chảo dầu đủ chiên ngập miếng bánh. Dầu nóng, ta cho bánh đã nhúng vào chiên cho chín đều như chiên chuối chiên. Sau khi chiên có thể tẩm bánh qua một lớp áo đường mịn để gia tăng độ ngọt.
– Vậy là xong. Ăn nóng rất ngon.

*** Bạn có thể thêm hương vị cho bánh bằng cách thay vani khi làm bột vỏ bằng hương vị khác, ví dụ Chocolate, Trà xanh, Quế…
** Có thể làm sẵn bột ruột cất tủ lạnh, khi nào ăn thì mới làm bột áo rồi chiên.
* Công thức này giành cho ai không ăn quá ngọt. Nếu bạn muốn ăn ngọt thì tăng lượng đường, hoặc chấm sữa đặc khi ăn, rất ngon.

Bé Thúi / MAV.

Cách làm Bánh Chuối, Bánh Khoai, Bánh Ngô

Món bánh chuối chiên rất thích hợp với thời tiết lạnh. Trong khi ở miền trung và miền nam quen với bánh chuối chiên, khoai chiên, thì ở miền bắc, ngoài hai loại trên còn phổ biến bánh ngô (bắp), và khi ăn bánh ngô thường ăn kèm tương ớt.

Về hương vị và kết cấu của bánh, thì ba miền có hơi khác nhau về cách cân chỉnh bột gạo, bột mì và hương vị vani (thường thì bánh miền Bắc thơm mùi vani hơn, bột dẻo hơn).

Công thức sau đây cho ra bánh có hương vị miền bắc.

Nguyên liệu:

Phần vỏ:

  • Bột gạo: 100g
  • Bột mì: 150g
  • 50g đường, hòa tan với tí nước.
  • 1 quả trứng gà
  • 1 ống vani
  • Muối, dầu ăn.

Phần ruột:

  • Nếu làm bánh chuối: 10-15 quả chuối sứ
  • Nếu làm bánh khoai: 10 củ khoai lang hoặc
  • Nếu làm bánh ngô: 8 quả bắp ngô sống (không khô) hoặc đã luộc chín.

Nếu làm cả ba thứ thì cứ canh lại phân lượng, vì ba thứ này dùng chung một loại bột.

Quấy bột:

– Trộn bột mì và bột gạo trong một cái thau nhỏ, trút nước đường, đập 1 quả trứng gà vào, khuấy bột nhanh và đều tay cho mịn. Vừa khuấy vừa châm thêm nước cho tới khi nào hỗn hợp bột mịn màng, hơi sánh là được, đừng loãng hoặc đặc quá. Rắc thêm 1 ống va ni và chút muối để có hương vị.
– Khi bột được rồi thì để bột nghỉ trong 30 phút.

Trong lúc đó thì chúng ta làm phần ruột:
+ Nếu làm bánh chuối: Xẻ chuối ra làm đôi hoặc để nguyên trái, dùng vật cứng to ép cho dẹp. Khi ép có thể lót và đậy lên chuối miếng giấy kiếng cho khỏi dính chẹp nhẹp.
+ Nếu làm bánh khoai: Khoai lang gọt vỏ xắt lát mỏng, lát dày, hoặc xắt sợi, hoặc cọng to như cọng khoai tây chiên.
+ Nếu làm ngô (bắp), thì nạy hạt ra khỏi cùi.

1381799_675320692480616_1817826824_n

Chiên bánh:

– Chuẩn bị chảo nóng, đổ dầu vào rồi rắc một ít vani vào chảo dầu. Vặn nhỏ lửa.
– Sau đó dùng dụng cụ vớt hoặc gắp lần lượt từng miếng chuối, khoai nhúng vào bột cho bám đều, rồi thả vào chảo chiên.
– Nếu làm bánh ngô thì cho một nắm hạt ngô vào cái vá (muôi) múc canh, sau đó múc một ít bột rồi đổ vào chảo chiên.
– Chiên từ từ với lửa nhỏ cho vàng đều hai mặt là ngon.

Thành phẩm:

– Bánh giòn mỏng ở ngoài, bên trong mềm, thơm mùi vani và các nguyên liệu củ quả bên trong.

Bé Thúi.

Cách làm BÁNH FLAN mềm mịn thơm ngon

Bánh flan (hay kem caramel) là món ăn chơi luôn luôn hấp dẫn đối với mọi người, nhờ vào hương vị thơm ngon và kết cấu béo mịn, mềm đặc trưng của trứng và sữa khi hấp lên. Cách làm bánh flan không quá phức tạp nhưng đòi hỏi bạn phải cẩn thận ở các công đoạn khuấy hỗn hợp, hấp bánh để bánh được mịn ngon. Công thức sau đây của Huyền Trân sẽ giúp bạn có được món bánh flan ngon lành và đẹp mắt để chiêu đãi người thân, bạn bè.

Nguyên liệu:

  • 8 trứng gà ta
  •  300ml whipping cream
  •  600ml sữa tươi không đường
  •  5 muỗng canh sữa đặc có đường
  •  2 muỗng canh đường

* Nếu không có gà ta bạn có thể dùng gà công nghiệp, nhưng chỉ dùng 8 lòng đỏ, 4 lòng trắng để bánh không bị tanh.
** Whipping cream giúp bánh béo hơn, nguyên liệu này có bán ở các siêu thị hoặc tiệm làm bánh, nếu không mua được hoặc không thích béo, bạn có thể bỏ qua whipping cream, thay bằng sữa tươi.
*** Lượng đường này giành cho khẩu vị hơi ngọt, nếu bạn không ăn ngọt thì có thể giảm bớt.

Chuẩn bị hỗn hợp:

– Đầu tiên cho hết lượng trứng đã chuẩn bị vào cái tô lớn, dùng cây đánh trứng đánh cho tan. Đánh nhẹ tay, không đánh mạnh kẻo nổi bọt làm bánh bị rỗ.
– Dùng rây lược vài lần để trứng mịn. Sau đó để đó một lúc cho bớt bọt (không làm ngay sau khi đánh trứng vì bánh sẽ bị rỗ do bọt còn nhiều. Tốt nhất là bạn đi làm việc gì đó một lát rồi làm tiếp).
– Bắc cái nồi đun hỗn hợp gồm sữa tươi, whipping cream, sữa đặc và đường cho ấm lên (đừng nóng quá kẻo đổ trứng vào làm trứng bị chín luôn là hỏng).
– Dùng cái rây hứng, đổ hỗn hợp trứng đã đánh qua rây vào chung với hỗn hợp sữa, vừa đổ vừa quấy đều, nhẹ tay.

Thắng caramel:

– Cho khoảng 5 muỗng canh đường và chút nước xâm xấp, nấu cho tới khi lên màu cánh gián thì cho tiếp chút nước, đợi đường tan hết thì tắt bếp. (Cho nhiều đường để cho caramel mau đông lại, đổ vào khuôn sẽ không bị hòa vào hỗn hợp trứng sữa làm bánh bị rỗ).
– Đổ caramel vào khuôn thành một lớp mỏng dưới đáy khuôn, chờ cho cứng lại.
– Tiếp theo, nhẹ nhàng đổ hỗn hợp trứng sữa đã hòa tan ban nãy vào từng khuôn đã tráng caramen. Sau đó chuẩn bị hấp bánh.

Hấp bánh:

– Chuẩn bị cái nồi để hấp cách thủy, lưu ý đun cho nước sôi, vặn lửa nhỏ nhất rồi mới cho bánh vào hấp.
– Dùng một cái khăn đậy lên nắp vung khi hấp để hơi nước không bị nhỏ vào bánh.
– Hấp khoảng 10-20 phút tùy theo khuôn bánh to hay nhỏ, bánh dày hay mỏng. Kiểm tra xem bánh se mặt lại là chuẩn bị chín, lúc này ta lấy cây tăm đâm vào thử, nếu thấy bánh không dính vào tăm là được rồi.
– Nhấc bánh ra, để nguội, nếu có tủ lạnh thì cho vào tủ lạnh làm mát trước khi ăn.

Huyền Trân Nguyễn.

Những món bánh truyền thống ngon của miền Bắc

Bánh cuốn:

Bánh cuốn được làm rất công phu. Bột làm bánh phải làm từ thứ gạo ngon, được xay thật nhuyễn thì bánh mới không nồng, sắc bánh mới trắng.

Nồi tráng bánh phải rửa thật sạch, thường giống như chiếc nồi đồ xôi, bên dưới đựng nước, bên trên để tráng bánh. Tráng bánh phải mỏng như tờ giấy, mướt như mạ non, mỡ thoa phải đều tay cho mướt mặt bánh để khi nếm vào thì thanh nhẹ, mát rượi. Phết nhân bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo sao cho bánh không thô, nhân đều từng cái.

Sau khi xếp lần lượt hết vào đĩa, một ít ruốc tôm sẽ được rắc lên trên các miếng bánh cuốn và trên cùng điểm vài cọng rau thơm như rau bạc hà, rau mùi…

Nước chấm được pha đủ vị chua, cay, ngọt… (có pha thêm chút nước sôi nên bao giờ cũng nóng). Chả ăn kèm với bánh cuốn cũng có vị rất đặc biệt, không giống với bất kỳ loại chả phổ thông nào bày bán ngoài thị trường, bởi nó vừa beo béo, vừa giòn, ngọn lịm, lại thơm phưng phức. Khi ăn bánh cuốn sẽ kèm theo 1 đĩa nhỏ rau thơm bày ra bàn ăn.

Bánh cuốn Thanh Trì

Bánh cuốn Thanh Trì được làm từ gạo gié cánh, tám thơm, tráng mỏng như tờ giấy. Món ăn ấy đã trở thành đặc sản được yêu thích nhất của vùng ngoại thành này.

Gọi là bánh cuốn mà chẳng cuốn thứ gì hết, ấy là bánh cuốn Thanh Trì. Đó chỉ thuần là những lá bánh được tráng mỏng như tờ giấy, mướt như mạ non, xếp gọn gàng ngay ngắn từng lớp từng lớp trong lòng một chiếc thúng, trên phủ tờ lá sen hay lá chuối, lá dong. Bánh cuốn Thanh Trì không bao giờ nằm tòng teng trên hai đầu quang gánh. Người bán luôn đội thúng bánh trên đầu, ve vẩy đôi tay mà đi khắp ba mươi sáu phố phường Hà Nội.

Bánh tẻ Phú Nhi

Bánh tẻ có nơi còn gọi là bánh răng bừa, là thứ bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng, ít nhiều khác nhau. Có thể kể ra một số loại bánh tẻ nổi tiếng như bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh), bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Tây), bánh tẻ ở Văn Giang, Hưng Yên (hay còn gọi là bánh răng bừa), bánh lá ở Khoái Châu, Hưng Yên. Ở Mỹ Đức, Hà Tây cũng có bánh tẻ nhưng ít nổi tiếng hơn.

Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gói bằng lá dong hay lá chuối và được luộc cho chín. Bánh tẻ chấm với nước mắm rắc hạt tiêu xay hoặc chấm với tương. Ở một số nơi thực khách còn dùng thêm món chả gà và một ít dầu cà cuống cho vào nước mắm để tăng thêm hương vị của món bánh.

Bánh Gio

Có nơi còn gọi là bánh Gio, thứ bánh làm bằng gạo nếp gói lá dong, có màu vàng trong suốt như hổ phách, ăn thấy mát và dẻo. Muốn làm loại bánh này phải lựa loại gạo nếp ngon, nhặt hết các hạt tẻ lẫn trong gạo rồi để ráo. Điều thiết yếu nhất trong bánh này là gạo phải ngâm với nước gio mới thành bánh gio được.

Gạo nếp ngâm với nước gio qua một đêm vớt ra để ráo rồi gói lại bằng lá dong non đã luộc chín. Có thể gói thành bánh dài, ghép hai mép lá với nhau rồi gấp hai đầu lại buộc lạt cho vào nồi luộc chín.

Bánh gio thơm, thoang thoảng mùi vôi, vị ngọt thanh và mát. Ngoài bánh gio ở Phủ Từ còn có bánh gio Yên Thái cũng là những nơi có tiếng làm bánh gio ngon nhất đất kinh thành xưa.

Ngày nay bạn có thể qua chợ Hôm Đức Viên, cổng ra phía phố Huế có bày bán rất nhiều thứ bánh dân dã này. Và ở đây bạn sẽ được thưởng thức vị ngọt mát của mật mía.

Bánh đúc

Chỉ cần một lần được thưởng thức là đã biết bánh đúc có phong vị đặc trưng rất riêng rồi. Cái vị ngon của bất cứ loại bánh đúc lạc hay bánh đúc dừa, bánh đúc chay, bánh đúc om chua, bánh đúc sốt cũng đều phải khởi đầu là thứ bột xay thật nhuyễn, nước vôi gia vừa tay, bánh khuấy thật kỹ để nguội ăn không bị nồng và bẻ ra từng tấm bánh thì giòn dai mà không cứng.

Bánh đúc khuấy khéo ăn trơn tuột, khi nhai thấy thơm ngát, thi thoảng sậm sựt một vài sợi dừa bùi hoặc miếng lạc. Muốn cho đậm đà thì chấm bánh đúc với muối vừng hay nước tương cũng rất thi vị.

Bánh gai

Bánh gai là một loại bánh ngọt truyền thống của miền Bắc, bắt nguồn từ vùng Đồng bằng Bắc bộ ở Việt Nam. Vỏ bánh làm bằng gạo nếp xay mịn cán mỏng rồi cắt thành từng mảng vuông đều nhau và đặt nhân vào giữa mảng bột, vo lại bao kín lấy nhân. Sau đó lăn lên lớp vừng rang đã xát vỏ rắc sẵn trên măt mâm. Lăn vừng xong là gói bánh. Bánh có dạng hình vuông, màu đen, gói trong lá gai xám.

Khi ăn bánh gai có vị ngot hao hao của mùi bánh dẻo mềm kết hợp với vị ngọt mát của nhân đỗ xanh đồ chín giã nhuyễn nấu với đường ính. Ngoài ra còn có vị bùi béo của cùi dừa nạo nhỏ nhai giòn và mét bí vụn cùng với mứt sen bở tan trong vị ngọt thơm cùng với vị béo ngây của miếng mỡ thái vuông nhỏ hạt lựu có pha thoang thoảng mùi thơm dầu chuối khiến cho người thưởng thức đã ăn một lại muốn ăn thêm hai.

Bánh khúc

Bánh khúc hay còn gọi là xôi khúc là loại bánh có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, đươc làm từ lá rau khúc, gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt lợn mỡ. Bánh thường ngon nhất là làm vào mùa có rau khúc – dịp tháng 2, tháng 3 Âm lịch.

Ở Hà Nội, bánh thường được rao bán vào các buổi tối, người bán (thường là nam) đội thúng bánh trên đầu đi dọc các phố và rao “Khúc đê…” với một âm điệu rất đặc biệt.

Nguyên liệu chủ đạo làm nên hương vị đặc trưng của món bánh này là lá khúc. Lá khúc tươi non được hái từ buổi sớm rồi giã nhuyễn trộn với bột gạo để làm vỏ bánh. Vào mùa không có rau khúc, có người dùng lá su hào để thay lá khúc, nhưng bánh làm từ lá su hào không thể có được hương thơm đặc trưng của bánh làm từ lá khúc.

Nhân bánh được làm từ đậu xanh bỏ vỏ, ngâm nước cho bở, đồ chín tới, giã thật mịn, viên lại bằng quả trứng gà cùng với thịt ba chỉ thái hạt lựu, rắc thêm chút hạt tiêu cho dậy mùi.

Bánh trôi, bánh chay

Bánh trôi – bánh chay, xuất phát từ bánh Trung Quốc [1] là hai loại bánh cổ truyền tại miền Bắc Việt Nam. Hai loại bánh này thường đi liền với nhau, phổ biến nhất trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, còn gọi là “ngày bánh trôi bánh chay”.

Nhưng riêng ở Hà Nội thì “tục” đó đã kéo dài trong suốt một năm bởi bánh trôi bánh chay đã liệt vào hạng quà ở Hà Nội. Người Hà Nội ăn thứ bánh này vào bất kỳ lúc nào trong ngày cũng được. Nhìn viên bánh trôi trắng muốt xếp hàng liền nhau trên chiếc đĩa con con phảng phất mùi nước hoa bưởi làm dậy lên sự ham muốn được thưởng thức thứ bánh ngon, ngọt, mềm dẻo này.

Bánh cốm

Bánh cốm là một trong những đặc sản Hà Nội. Trước năm 1945 đã có nhiều nhà làm bánh cốm nhưng giới sành ăn thường kém bánh cốm Nguyên Ninh.

Bánh cốm Nguyên Ninh được kén từ nguyên liệu cốm đặc biệt của làng Vòng. Nên khi đã mua được cốm rồi thì đem giã cốm cho nhuyễn, hồ nước lá riềng, lá mây cho có màu xanh lá mạ rồi đem xào với đường trắng. Nhân bánh làm từ đậu xanh đồ chín giã nhuyễn điểm thêm những sợi dừa tươi trắng muốt nên khi ăn bánh có vị ngọt đậm lại có vị bùi ngây của dừa và thoang thoảng mùi thơm quyến rũ của vị cốm non.

Bánh dày Quán Gánh

Bánh dày Quán Gánh đã từ lâu nổi tiếng ngon thơm, mềm dẻo, có màu sắc hương vị rất riêng. Tấm bánh hinh tròn và dẹt chỉ to bằng một khoanh cam. Vỏ bánh dày làm từ gạo nếp cái giã mịn, mượt mà, giữa ở mờ mờ nổi lên màu vàng nhạt của nhân đậu xanh. Mỗi chiếc bánh đều có một vòng lá chuối tươi xanh mướt nhẵn bóng lót dưới. Mỗi lần bóc lá bánh ta đều phải nhẹ nhang, tước lần lượt từng mảnh nhỏ để cho bánh khỏi dính.

Cách làm BÁNH KHOAI MÌ NƯỚNG

MAV.vn – Chắc ai cũng đã có một thời thích mê cái bánh khoai mì mềm ngon mà thơm lừng, beo béo này!

Nguyên liệu

  • 2 củ khoai mì
  • 150ml sữa đặc
  • 2 muỗng canh bột năng
  • 400ml nước cốt dừa
  • 1 muỗng cafe muối
  • 1 ống vani

Thực hiện:

Khoai mì ngâm qua đêm (>5 tiếng) cho hết nhựa, khỏi độc. Rửa lại cho sạch.

Mài khoai thành sợi nhuyễn, sau đó gom lại vắt nước vào một cái tô

Phần nước này lắng lấy phần tinh bột ở dưới, bỏ phần nước vàng ở trên.

Khoai mì còn lại cho vào tô, thêm nước cốt dừa, bột năng, tinh bột nước dừa, sữa, muối, vani vào rồi trộn đều.

Chuẩn bị khuôn nướng. Lót giấy nến dưới đáy, thoa bơ quanh thành khuôn, sau đó cho khoai mì vừa trộn vào

Bật lò 150 độ trước khoảng 5 phút cho nóng. Sau đó cho bánh vào nướng trong khoảng 1 tiếng. Bánh vàng đều thì lấy ra, để nguội là ăn được.

banh-khoai-mi_F7TK1nobvTdTRDCNsT8B

***Nếu không có lò nướng có thể bỏ vào nồi cơm điện nấu trong khoảng 30-50 phút tùy nồi. Nồi mà nhảy qua chế độ HÂM thì đợi 10 phút rồi bấm lại qua chế độ NẤU, vài lần như thế, tới chừng nào chín thì thôi. Làm bánh bằng cách này thì mặt bánh không vàng do không có lửa ở trên, bạn có thể thử xem bánh chín chưa bằng cách lấy que tăm chọt vào bánh rồi rút lên, nếu bánh bám vào tăm bết bết là chưa chín, nếu bám sơ sơ là ok.

Bé Thúi (MAV.vn)

NHỮNG MÓN BÁNH ĐẶC SẢN NGON NHƯNG ÍT AI BIẾT

Nền ẩm thực của Việt Nam rất phong phú, do đó, bên cạnh những món ăn nổi tiếng, phổ biến, thì còn có những món ăn vì nhiều lý do như: địa lý, hoàn cảnh sống, cách làm cầu kỳ, nguyên liệu khó tìm… mà đã trở nên rất ít phổ biến, rồi dần dần bị thất truyền. 

Sau đây là những món bánh mà khi nhắc đến tên, hiếm ai biết được nó là gì, có hương vị ra sao.

Bánh ngải​ nhân vừng

Bánh ngải là món ăn truyền thống của người Tày, Nùng, nhưng ngày nay ít có ai biết. Đây là loại bánh rất đẹp, khuôn dạng như bánh dày nhưng có màu xanh ngọc. Bánh làm từ lá ngải cứu nấu với nước tro, rồi trộn chung với cơm nếp sau đó giã nhuyễn. Bánh được gói bằng lá “mác rạng” để không bị khô. Bánh có nhân từ đường phên và vừng.

Bánh bảy lửa

Bánh Bảy lửa, ảnh Vũ Phương Thảo.

Tương truyền bánh do 1 người vợ ở Quảng Nam sáng tạo ra như một loại lương khô để chồng đem theo trên đường ra Huế ứng thí.  Nghe tên bảy lửa đủ biết mức độ công phu của món bánh này. Bánh được làm từ bột gạo, đường, gừng, trải qua bảy lần lửa, nhiều công đoạn rang, giã, sấy kĩ… Thành phẩm là món bánh có thể trữ hàng nhiều tháng. Bánh giòn tan và ngon miệng, từng là món ăn tết phổ biến ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy vậy ngày nay còn ít nhà làm bánh này, một phần vì công phu, tốn sức.

Bánh chông Giao Tiến

Bánh chông là một món ăn ngày tết của cư dân ở xã Giao Tiến, huyện Xuân Thủy, Nam Định. Cách nấu bánh có một công đoạn tương tự như xôi gấc, nhưng sau khi chín xôi thì tộn đường vào rồi giã cho nhuyễn. Sau đó ép lại, cắt thành miếng hình thoi cỡ ngón tay, phơi khô, rang giòn lên rồi mới ăn. Do miếng bánh hình thoi nhọn hai đầu giống cây chông nên gọi là bánh chông.

Bánh nghệ

Từ “Nghệ” ở trong món bánh Nghệ là tỉnh Nghệ An, tuy vậy bánh đã thất truyền ở quê hương của nó. Đã có một thời, bánh nghệ phổ biến ở Sài Gòn- Chợ Lớn như một món ăn chơi, nhưng đến nay thì chắc ít dân Sài Gòn nào biết món bánh này. Bánh làm từ bột gạo nguyên chất, quấy lên rồi nén thành sợi như bánh canh, công đoạn này rất cực vì phải dùng cái nia hứng hàng chục cái bánh một đợt. Bánh ăn nguội với mắm pha, tép mỡ, xoài xanh, chả lụa, chả cá… Ngày nay, may mắn là tại đường Trương Gia Mô, thành phố Phan Thiết vẫn có một nhà biết làm món bánh này, đó là gia đình chị Ngọc Minh, với nghề làm bánh nghệ gia truyền đã được 60 năm.

Bánh cơm nếp mật

Một món ăn ngon của người dân quê Nam Định, làm từ gạo nếp nấu chín trộn với mật mía và gừng. Cơm này có thể để nguội rồi cán thành miếng ăn như ăn bánh.

Bánh khổ

Bánh khổ của người Mường rất dễ ăn và có cách làm khá đơn giản. Bánh làm từ xôi nếp giã nhuyễn, vắt ra từng miếng rồi đặt lên lá chuối, hong gió cho khô. Khi ăn, người ta phải chế biến lần nữa: nướng hoặc rán bánh lên cho thơm, dẻo. Bánh rán xong sẽ phồng lên rất ngon mắt. Bánh từng là món lễ vật thông dụng cho ngày cưới hỏi.

Bạnh Bư tổng hợp.