Chợ lá dong Ngã ba Ông Tạ

Như tên gọi, chợ nằm ở ngay ngã ba ông Tạ, tức là chợ chồm hổm, chợ trời.
Đây là chợ bán Lá Dong lớn nhất Sài Gòn và chỉ tồn tại từ khoảng giữa tháng Chạp cho tới thật gần ngày Tết. Vào những ngày này, một đoạn đường Cách mạng tháng Tám chỗ giao cắt với Phạm Văn Hai lại được khoác lên một màu xanh mướt mắt của lá dong, xen kẽ với những bó lạc trắng nõn nà. Người ta phải thích thú với điều này, vì trải qua mấy chục lần họp chợ, nghĩa là mấy chục năm qua, chợ đã trở thành một dấu hiệu dễ hiểu nhất của Tết. Sâu xa hơn nữa, chợ còn là bằng chứng cho sự tồn tại của tục gói bánh chưng, bánh tét ở Sài Gòn, ở đây nhấn mạnh chữ “gói”, nghĩa là tự làm lấy, chớ không phải đi mua.

Không thể chấp nhận được nếu Tết Việt Nam mà không có bánh chưng, bánh Tét. Bánh chưng được cho là món quà của Lang Liêu tặng cho dân tộc, không biết ở thời Vua Hùng nó được gói bằng gì, nhưng trong những thứ lịch sử ta nhìn thấy được, thì nó được gói bằng lá dong. Vô miền Trung, miền Nam, bánh chưng có bạn đồng hành là bánh Tét, và thường gói bằng lá chuối, có lẽ vì dễ tìm hơn. Nhưng lá chuối, muôn đời chỉ là phương án hai, dùng tạm khi không có lá dong. Người miền Nam tính khí dễ dãi, có lẽ đã chấp nhận dùng tạm trong một thời gian rất dài, mãi cho tới khi người miền Bắc vô Nam trong thập niên 1950, tập trung ở khu vực chợ ông Tạ.

Người Bắc kỹ tính, thịt chó phải ăn với củ riềng, thuốc lào phải hãm bằng trà Thái Nguyên, thì bánh chưng phải gói bằng lá dong. Theo truyền miệng, và có lẽ là đúng, thì chợ lá dong ông Tạ xuất hiện ở Sài Gòn cùng lúc với sự định cư của những người gốc Bắc.

May mắn cho người gốc Bắc và cho cả bánh chưng, vì lá dong trồng tốt ở Nam bộ. Lá dong bán ở chợ ông Tạ không phải là thứ lá dong tha phương, mà được hái ngay tại Sài Gòn, đó là lá dong Bà Điểm, nhích ra một chút thì có lá dong Phương Lâm, lá dong Long Khánh, lá dong Gia Kiệm ở tỉnh bạn Đồng Nai. Chỉ nhích ra một chút, vậy mà đã có sự phân chia giai cấp rõ ràng: lá dong Bà Điểm được ưa chuộng hơn, vì lá mềm, giữ màu xanh tốt sau khi luộc chín, các loại lá ở Đồng Nai cứng, đậm màu, sau khi luộc không được tươi tắn, nên người ta không mê bằng. Giá cả của từng loại cũng được định đoạt theo tiêu chí đó. Lá dong Bà Điểm vốn cao giá nhất, mỗi năm giá lại càng lên cao, phần là bởi miền đất Mười tám thôn Vườn Trầu đang đô thị hóa rất nhanh, đất trồng lá, dù là lá trầu hay lá dong, cũng dần dần khan hiếm.

Giá cao thì mặc giá cao, có người làm bộ nhăn mặt trả giá, nhưng trong lòng luôn sẵn sàng đầu hàng người bán, vì mỗi năm chỉ có một lần và mỗi đời chỉ có vài chục lần thôi. Có khi chưa tới vài chục lần, vì biết đâu mai đây thôi, phố phường nhiều chiều vắng quê hương, đất trồng lá đi vào sách đỏ.

Chợ lá dong ông Tạ, vì nhu cầu, vì tình cảm, vì ý thức của người mua, nên nó luôn hút hàng. Chợ họp từ giữa tháng Chạp, ban đầu lác đác vài người ngắm nghía, hỏi han, rồi mỗi ngày mỗi đông khách, cho tới sau ngày tiễn ông Táo, thì người mua đã nhiều hơn người ngó, tới những ngày cuối cùng, chỉ còn lá xấu, lá nhỏ, lá bị chê, được bán với giá thanh lý, thì lại xuất hiện lứa khách hàng khác, những người dễ tính hoặc tiết kiệm. Nói chung là chợ luôn luôn nhộn nhịp, luôn luôn Tết.

Lá dong được bán theo bó, mỗi bó được tính theo số lượng lá. Mỗi sạp lưu động như vậy, phải có tới vài ngàn lá. Bán kèm với lá dong là lạc, thường được chẻ sẵn thành cọng, bó thành từng bó. Tuy hình bóng của bó lạc nhỏ nhoi, không được nêu trong tên chợ, nhưng xét cho kỹ thì lạc cũng là một thành phần tối quan trọng. Không cần nói nhiều về ưu điểm của việc gói bánh bằng lạc, chỉ cần nghĩ tới một cái bánh chưng, dù gói bằng lá dong hảo hạng vài trăm ngàn một bó đi nữa, mà được buộc bằng dây nilon, ta đã cảm thấy có gì đó thất lễ.

Và như thế, chợ sống vui từng ngày, từng tháng, từng thế kỷ…

Chợ lá dong ông Tạ, chợ lá dong ông Tạ, chợ lá dong ông Tạ, người Sài Gòn sẽ nhắc nhau nhớ mãi cái tên hơi bị khúc khuỷu này. Cũng như nhắc nhau về cội nguồn dân tộc, về bản sắc dân tộc, về tinh hoa dân tộc, những thứ dễ dàng lẩn trốn trước vẻ hào nhoáng của các vấn đề trong thời công nghiệp, thời hội nhập. Nhắc để làm, để giữ, nhưng cũng để một khi không giữ được, không làm được, thì cũng còn một chút gì để nhớ, để thương.

Nhưng khoan hãy lan man chóng mặt, ta hãy ghé chợ trời lá dong ở ngã ba ông Tạ một lần, vào một dịp xuân thì, để mua, để thấy, để sờ, để cảm nhận, sướng trước đã tính sau.

 Mỹ Mạnh (MAV.vn)



You Might Also Like