VỊ QUÊ TRONG MIẾNG CHẢ GÀ TIỂU QUAN

Nhắc đến những món ăn đặc sản của đất Hưng Yên, người ta không thể không nhắc đến chả gà Tiểu Quan. Món ăn dân dã mà độc đáo, được tạo nên từ sự tinh tế, tỉ mỉ của những người dân đất Hưng Yên xưa. Để rồi cho đến nay, miếng chả gà vẫn mang đậm hồn phách của một vùng quê có lịch sử lâu đời.

Tiểu Quan là một thôn thuần nông, nay thuộc xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tại nơi này hiện nay, đến cả các vị cao tuổi nhất trong làng cũng không ai biết được gốc tích của món chả gà nổi tiếng. Họ chỉ biết rằng từ khi còn bé đã thấy những người trong làng tạo nên và thưởng thức món ăn này vào những dịp lễ hay Tết.

Để có được món chả gà ngon, người dân Tiểu Quan phải kỹ lưỡng ngay từ khâu chọn gà. Khác với món chả thịt lợn, chả gà nướng không để miếng mà là thịt gà nạc tinh. Gà thịt để làm chả phải là loại gà trống tơ nặng khoảng 1,2 – 1,5kg, chưa thiến và chưa đạp mái. Gà làm sạch, chọn chỗ thịt nạc nhất, bỏ hết gân xương rồi thái miếng nhỏ con chì, sau đó cho vào cối giã như giã giò lụa truyền thống. Khi thịt gần nhuyễn thì trộn thêm lòng đỏ trứng gà, nước mắm ngon, bột nêm, hạt tiêu, gừng và một chút mỡ lợn thái hạt lựu rồi giã tiếp.

Chả gà Tiểu Quan

Theo những người có kinh nghiệm thì món chả gà truyền thống, thịt phải được giã bằng cối đá. Nhìn cách giã ai cũng tưởng rất đơn giản nhưng nếu không phải là một người khéo léo, tỉ mẩn “có nghề” thì khó có thể làm tròn được công việc này. Từng nhịp chày đều đặn được đưa lên đưa xuống, nhát nào chắc nịch nhát đấy nhưng thịt gà không hề bị bắn ra ngoài cối chút nào. Trong lúc một người đang giã thịt gà, thì một người khác tìm một chiếc mo cau mới rụng, cắt ra thành các miếng nhỏ.

Giã xong lấy miếng mo cau phết thịt lên phên để nướng. Việc phết thịt lên phên cũng không phải dễ dàng, nếu phết quá mỏng thịt sẽ chảy sệ và rơi xuống hoả lò, nếu dày quá thịt sẽ không chín đều. Chả gà Tiểu Quan phải được nướng bằng than hoa (than củi) và nếu có thêm vài quả thông khô vào thì càng tăng thêm độ thơm. Dùng than của những cành hay gốc nhãn khô (một loại cây đặc sản của mảnh đất Hưng Yên) thì có mùi vị thơm ngon nhất

Ăn chả gà cũng là một cách thưởng thức từ tốn như để cảm nhận hết vị ngon trong từng miếng chả nhất là khi được nhấp cùng chén rượu Trương Xá vào ngày trời thổi cơn gió mát.

Nếu ai có dịp qua nơi đây và thưởng thức món chả gà Tiểu Quan ắt hẳn không thể quên được hương vị đậm đà của món ăn này đem lại. Chả gà Tiểu Quan góp phần làm phong phú đa dạng nền ẩm thực Hưng Yên.

 

 

ĐẾN HƯNG YÊN KHÁM PHÁ TỪ MÓN DÂN DÃ TỚI MÓN TIẾN VUA

Đất Hưng Yên, xưa gọi Phố Hiến, là vùng đất có nền văn hóa lịch sử lâu đời. Đến với Hưng Yên là để thả mình vào khung cảnh làng quê mộc mạc, phố phường cổ kính, đến với dấu vết của những truyền thuyết Tiên Dung, Chử Đồng Tử hay những di tích lịch sử quan trọng. Đến Hưng Yên, du khách còn được thưởng thức những món ăn cổ truyền rất độc đáo, trong đó có những món được liệt vào hàng “thượng phẩm” dâng Vua, có những món lại rất dân dã mà đậm đà tình quê.

Sau đây là những món đặc sản du khách có thể tìm ăn khi ghé thăm Hưng Yên:

 

Từ xa xưa tương Bần Hưng Yên là thứ sản vật ngon dùng để tiến vua. Ngày nay, tương Bần vẫn nổi tiếng khắp nơi và trở thành một loại nước chấm đặc sản khiến nhiều người “mê mẩn”. Chỉ cần gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối là đã có thể làm tương. Ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và phơi tương (ủ tương). Tương Bần Hưng Yên có hương vị khó diễn giải. Cái vị ấy ẩn dưới độ sánh rất đậm đà, chìm trong vị ngọt ngon đặc trưng.
Cùng với tương Bần, nhãn lồng trở thành niềm kiêu hãnh của mảnh đất Hưng Yên. Mùa tháng 7, tháng 8 đang là mùa nhãn lồng Hưng Yên chín rộ. Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước, bóc một lớp vỏ mỏng láng để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà, bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai.

Nhắc đến đặc sản Phố Hiến, phải nói đến bún thang lươn. Bát bún như một thang thuốc quý bồi bổ cho sức khỏe và như bức tranh nghệ thuật sống động với đủ màu sắc của bún, lươn, trứng, giò, hành, răm… Người thưởng thức ẩm thực sành điệu sẽ tấm tắc khi cảm nhận vị ngọt đậm đà của nước dùng.
Nhắc đến đặc sản Hưng Yên, người ta sẽ nghĩ ngay đến món giò nổi tiếng – giò bì phố Xuôi. Giò bì có độ giòn và dai đặc trưng nên rất thích hợp để nhâm nhi trên bàn tiệc.
Chè sen long nhãn là sự kết hợp tinh túy giữa hương vị trời và đất, vị ngọt thơm của long nhãn quyện lẫn vị bùi của hạt sen, tạo thành hương vị riêng biệt.
Sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến một món ăn đậm đà hương quê – chả gà Tiểu Quan. Gắp miếng chả gà giòn thơm, nhấp thêm chút rượu cay thực khách sẽ không quên món ăn dân dã này.
Là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo còn được gọi là gà chân voi đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch. Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Gà Đông Tảo có thể được nấu thành nhiều món, nhưng độc đáo nhất là món “vảy rồng hầm thuốc bắc” làm từ đôi chân to quá khổ của chúng.
Không nổi tiếng bằng bánh cuốn Thanh Trì, không ồn ào như bánh cuốn trứng Cao Bằng, bánh cuốn Phú Thị lặng lẽ hơn nhưng đã nếm thử thì không thể quên. Lớp vỏ bánh không bóng bằng nơi khác vì nó không được bôi một lớp mỡ mỏng. Lớp nhân cuộn bên trong lá bánh cũng đặc biệt với thịt lợn nạc băm nhỏ xào với hành khô. Bát nước chấm thêm một chút nhân thịt băm trở nên đậm đà và đẹp mắt hơn. Ăn một lần sẽ nhớ mãi miếng bánh mềm mịn cùng với vị bùi thơm.
Từ bao đời nay, bánh dày làng Gàu đã được xếp ngang với tương Bần. Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, gạo vo kỹ, ngâm với nước sạch và đồ chín. Nhân bánh là đỗ xanh đãi sạch vỏ, thổi chín, giã nhuyễn, nắm thành từng nắm nhỏ. Nếu làm bánh mặn thì dùng nhân thịt nạc, làm bánh ngọt, trộn đỗ xanh với đường cát.
Người Hưng Yên rất tự hào với đặc sản cá mòi. Dù đi làm xa hay khách ẩm thực ở các tỉnh, thành lân cận cứ tháng Hai, tháng Ba âm lịch hàng năm lại tìm về Hưng Yên để được thưởng thức món đặc sản hấp dẫn này.

“Đi thì nhớ vợ cùng con/ Về nhà lại nhớ ếch om Phượng Tường”. Những chú “gà đồng” này có thể dùng để chế biến thành hai món là ếch om và ếch mọc. Nhưng món ếch om mới ngon và làm được nên thương hiệu ở Hưng Yên.

 

theo LINH AN (doisongphapluat)

NHỮNG MÓN ĐẶC SẢN KHÔNG THỂ KHÔNG THỬ KHI ĐẾN SƠN LA

Đến với “xứ Thái” Sơn La, là dịp để bạn tham thú cảnh quan xinh xắn hữu tình của những bản làng, ruộng vườn, nhà sàn…cũng là dịp để khám phá nét ẩm thực nổi tiếng là ngon và độc đáo của đồng bào Thái cũng như những dân tộc miền cao khác.

Sau đây là 9  món đặc sản Sơn La du khách không thể bỏ qua:

Nộm da trâu


Da trâu rất dày, cứng và dai nên thường là nguyên liệu để làm mặt trống. Ở mảnh đất Sơn La, da trâu lại là một món ăn đặc sản vô cùng lạ miệng và độc đáo. Món ăn nổi tiếng của người Thái ở Sơn La là món thấu da trâu và nộm ra trâu.

Người dân Sơn La thường phải sơ chế qua nhiều giai đoạn như hơ qua lửa, ngâm nước lã rồi khéo léo lọc da thật mỏng, thật đều tay mới có thể làm mềm nguyên liệu khó chiều này.

Người vùng cao không dùng chanh hay giấm để bóp nộm mà kết hợp da trâu với nước măng chua tạo thành hương vị khác lạ. Khi thưởng thức, bạn sẽ có cảm nhận, da trâu sần sật, đanh đanh, có hương thơm củ rau mùi tàu, mùi ta, vị bùi bùi của đậu phộng cùng vị chua thanh của măng rừng ngâm ngấu rất thú vị. Nộm da trâu là món nhắm rượu tuyệt vời ở nơi vùng cao này.

Pa pỉnh tộp


Nếu một lần lên Sơn La mà chưa thưởng thức món cá nướng gập, thì cuộc hành trình của bạn thật sự chưa trọn vẹn. Nhiều người thích món cá nướng nổi tiếng này không chỉ bởi giá trị ẩm thực của nó mà còn bởi bàn tay khéo léo của người chế biến.

Để chế biến được món pa pỉnh tộp, người ta cho rất nhiều các loại gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng và nhất thiết không được thiếu mắc khén, một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Cá chép, cá trắm hoặc cá trôi khoảng vài lạng được mổ dọc sống lưng để nguyên nội tạng, bỏ mật và nhồi vào bụng cá cùng các loại gia vị vào tẩm ướp cho ngấm đều. Sau đó, người ta gập đôi lại, cho cá vào một đoạn tre để kẹp chặt, nướng trên than củi đã hồng.

Người nướng cá phải rất khéo léo để làm sao cho cá chín, không bị ám khói mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên. Miếng cá chín vàng đều, tỏa mùi thơm cay cay của mắc khén, vị béo ngọt của cá, vị cay của các loại gia vị nơi đầu lưỡi khiến du khách ăn một lần mà nhớ mãi.

Thịt gác bếp


Món thịt gác bếp vốn là đặc sản của vùng núi Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Đến với Sơn La, bạn có thể được thả mình trong không khí trong lành, dễ chịu. Vào những buổi sáng tươi mát hay buổi tối lạnh se, cả mảnh đất chập chờn trong sương, bên ngọn lửa bập bùng, thưởng thức những miếng thịt gác bếp ngòn ngọt, dai dai, vẫn còn ngai ngái mùi khói thật thú vị.

Thịt gác bếp sơ chế không quá cầu kỳ. Thịt dùng để hun khói chủ yếu là trâu, bò hay heo được thả rông trên các sườn núi, sườn đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Khi thịt đã thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, vương vấn trong từng thớ thịt vậy mà chẳng gây khó chịu. Chính mùi khói ấy đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của món ăn trên vùng núi, cao nguyên quanh năm sương phủ, mây mù này.

Cơm lam


Với những người yêu Tây Bắc, không ai lạ lẫm gì món cơm lam, một món ăn đặc trưng của vùng cao. Cơm lam ngon phải được chế biến từ gạo nương, ngon nhất là gạo cẩm và nếp cái hoa vàng sau khi thu hoạch lúa xong vào tháng 9, tháng 10 âm lịch. Gạo cho thêm một chút muối, gừng được ngâm ủ qua đêm, đãi sạch rồi cho vào ống tre, thêm chút nước và nút lại bằng lá chuối, sau đó cho lên bếp lửa đốt.

Khi ăn, người ta nhẹ nhàng tách từng phần tre bó chặt vào từng cây cơm trắng nõn. Mùi thơm của gạo nếp nương mới, lẫn với chút hương vị của tre, của khói bếp, làm cho miếng cơm thật sự mang hương vị của núi rừng.

Cũng tùy từng sở thích của mỗi người mà người ta chọn châm cùng muối vùng hay chẳm chéo, món ăn đặc trưng của dân tộc Thái. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của nước ống nứa, vị thanh thanh lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ.

Cháo mắc nhung

Sau mùa gặt, quả mắc nhung gieo vãi trên nương bắt đầu chín mọng, bà con hái đem về rửa sạch, thêm gừng xả, trộn với gạo tấm, tưới ít nước đủ chín, túm vào lá chuối buộc chặt vùi trong tro bếp nóng, hoặc đồ xôi, chỉ 30 phút sau sẽ có ngay một món ăn sền sệt, ngăm ngăm đắng, thơm cay là lạ đầy hấp dẫn và chấm với xôi rất hợp khẩu vị.

Ngày nay, cháo mắc nhung đã trở thành món ăn đặc sản được mọi người ưa chuộng. Để có món cháo mắc nhung (tiếng Mường gọi là plải ngố), người chế biến phải biết chọn loại tẻ thơm, nếu được tấm đầu vụ gặt non (như cốm) thì càng tốt. Dùng thịt sương sườn lợn nướng khô hay hun khói, băm nhỏ nấu nhuyễn với cháo tấm. Khi cháo chín tới cho quả mắc nhung vào, đập dập củ gừng, ớt nướng và xả cả củ bỏ vào đáy nồi cháo, khuấy đều. Vài phút sau, đã có ngay món cháo mắc nhung đặc sản thơm nồng, đặc sánh.

Chẳm chéo

Với mùi vị đặc trưng của rất nhiều loại gia vị chỉ có ở núi rừng Tây Bắc, chẳm chéo là một món chấm cổ truyền của người Thái luôn mang đến cho du khách một cảm giác lạ lẫm khi thưởng thức. Đây được coi là “linh hồn ẩm thực của vùng Tây Bắc”.

Người Thái ở Sơn La sử dụng chẳm chéo trong bữa ăn hàng ngày, ngoài ra họ còn dùng để tiếp khách. Nó là món ăn dân dã nhưng cũng là đặc sản của vùng núi rùng.

Chế biến chẳm chéo khá đơn giản với nhiều nguyên liệu quen thuộc như: tỏi, ớt tươi, vài lá tỏi tươi, rau mùi, mắm, đường… và nhất là không thể thiếu bột mắc khén, loại gia vị đặc trưng của người Thái. Tất cả được giã nhuyễn trộn đều vào nhau thành một loại nước chấm sền sệt với dư vị đặc biệt.

Canh mọ

Ngày lễ Tết của người Khơ Mú không thể thiếu được món canh mọ, được chế biến từ các loại thịt chuột, chim, sóc sấy khô băm nhỏ trộn với hoa chuối, các loại rau thơm, ớt chỉ thiên, mắc khén, tấm gạo nếp cho vào ống tre, bương bánh tẻ, đổ nước vào đem đốt (như đốt cơm lam). Khi sôi lấy que tre vót nhọn sọc liên tục đến khi nhuyễn. Khi đổ ra bát nó sền sệt, sánh dùng xôi nếp nắm chấm quệt ăn rất thơm ngon.

Ngoài ra, người Thái cũng thường hay làm món mọ gà, được chế biến từ cổ, cánh, bộ lòng mề gà, băm nhỏ, mắc khén, ớt khô, củ sả giã nhỏ, bột gạo nếp trộn với nhau cho vào lá chuối túm lại bỏ vào chõ xôi sôi lên. Khi chín, vớt ra ta có một món canh đặc sánh, sền sệt, ăn với xôi hoặc cơm lam thì tuyệt vời biết mấy…

Nậm pịa

Nếu như người Mông có món thắng cố được coi là món ăn đặc trưng thì người Thái có món nậm pịa. Vì vậy đến Sơn La, bạn đừng quên thưởng thức món nậm pịa nổi tiếng.

Để chế biến được món này cần có ruột non của con trâu, bò, dê. Người ta đem tuốt hết phần ruột bên trong, dùng vải bông sạch lọc nước lấy từ ruột non sau đó đập gừng, xả, mắc khén, ớt, lá chanh băm thêm một ít thịt bạc nhạc, thái thêm ít tiết tươi, đuôi, dạ dày, cuống tim… của bò hay dê cho vào nồi đun sôi khoảng 5 phút tạo thành món ăn sền sệt.

Nậm pịa thưởng thức khi nóng sẽ rất ngon. Du khách nào mới ăn sẽ thấy có vị đăng đắng nơi cổ họng, nhưng lúc sau lại thấy ngòn ngọt và thơm thơm của mắc khén, của các loại gia vị như xả, lá chanh, gừng, ớt.

Người ta thường thưởng thức nậm pịa với thịt bò hoặc dê luộc, khi chấm những miếng thịt luộc vào bát nậm pịa sẽ cảm nhận được hương vị của các loại gia vị lan tỏa ngào ngạt, tạo nên một món ăn hấp dẫn.

Ốc Suối Bàng

Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt, chúng thường bò ra để ăn lá cây. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất. Ốc này thường chỉ có ở những khu rừng rậm, nhiều cây cối, ẩm thấp, vì vậy, lên Sơn La được thưởng thức món ốc Suối Bàng béo ngậy trong ngày rét mướt thì không gì tuyệt bằng.

Món ốc luộc của người Sơn La được chế biến rất đơn giản, nhưng vị ngon ngọt của nó sẽ khiến người ăn một lần nhớ mãi. Ốc rửa sạch, không cần phải hấp cùng lá chanh hay gừng, sả. Nước chấm cũng chỉ cần cho vài lát ớt xanh đỏ, cũng đã đủ tạo nên một món ăn hấp dẫn. Con ốc đá béo ngậy khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy giòn giòn. Ăn ốc đá nên nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, vị thơm độc đáo.

Mimi tổng hợp (NGOISAO.NET)

9 MÓN ‘QUAN TRỌNG’ PHẢI KHÁM PHÁ Ở LÀO CAI

Đến với Lào Cai là đến với mảnh đất đầy ắp những sản vật độc đáo từ núi rừng, đến với những phong tục, tập quán từ nhiều dân tộc khác nhau…Những đặc điểm đó tạo nên sự khác biệt đầy hấp dẫn của những món ăn nơi đây.

Sau đây là những món ăn lạ lẫm bạn nên tìm ăn khi đến với mảnh đất Lào Cai:

Phở chua Bắc Hà

Bắc Hà là một huyện vùng cao ở phía Đông Bắc của tỉnh. Đến đây du khách không chỉ được khám phá đời sống thường nhật của các dân tộc miền cao Tây Bắc (chưa bị “du lịch hóa” nhiều như Sapa), mà còn được khám phá những món ăn lạ lẫm, trong đó có phở chua.

Phở chua là một loại phở trộn, dùng sợi phở nóng mới làm, trộn cùng thịt xá xíu, rau sống, lạc, gia vị, trong một hỗn hợp nước chua hơi đặc được chắt lọc từ nước ngâm rau cải.

Cuốn sủi

Cuốn sủi hay phở khan là món ăn độc đáo với sợi phở trắng mềm, điểm thêm những sợi mì củ dong chiên giòn thơm, ăn cùng thịt bò, nước sốt sền sệt là sự cộng hưởng của nhiều hương liệu khác nhau. Các hàng cuốn sủi như vậy có nhiều ở Lào Cai, dễ tìm nhất là quán ở gần ga Lào Cai

.

Quả Tỳ Bà

Tỳ bà hay nhót tây là loại đặc sản khá “hot” của Lào Cai hay Lạng Sơn. Quả này có mùi thơm, vị chua chua ngọt ngọt, hái từ những cây tỳ bà trồng trong vườn của người dân miền cao. Quả này có nhiều công dụng trong đó phổ biến nhất là trị viêm họng, phòng các bệnh cảm lạnh.

Thắng cố ngựa 

Là một món nổi tiếng nhất nhì Lào Cai, tuy vậy không phải ai cũng làm quen được với Thắng Cố ngay, vì món ăn này rất độc đáo từ hình thức, cách làm cho đến hương vị. Tuy vậy, những người có kinh nghiệm đều cho rằng đây là một món ăn tuyệt hảo. Thắng cố thường làm từ nội tạng ngựa, nấu với rất nhiều loại gia vị bổ dưỡng trên rừng núi như địa liền, thảo quả, hạt dổi, củ sả, quế chi…. Một bát thắng cố nóng giữa trời se lạnh nhấm với rượu San Lùng, rượu ngô Bản Phố… là tất cả những gì sẽ khiến bạn nhớ mãi miền đất núi rừng.

Lợn cắp nách

Gọi lợn cắp nách vì đây là giống lợn bé, có thể cắp vào nách mang đi. Lợn được người dân nuôi thả rông ở nơi địa hình phức tạp, tự mò mẫm kiếm ăn, do đó thịt lợn chắc, ngon vô cùng. Từ những con lợn cắp nách như thế, người dân ở miền núi Lào Cai đã tạo ra rất nhiều món: lợn nướng, luộc, quay, hun khói… hay các sản phẩm đặc biệt như dồi, lạp xường… tất cả đều trông rất hấp dẫn, mà đã ăn vào một miếng thì khó mà không ăn cho đến khi no kềnh mới thôi.

Nem măng đắng

Măng đắng là loại măng từ cây vầu, được đồng bào miền cao lấy về nấu chín rồi lột lấy miếng lá bánh tẻ mềm, dai để cuốn với nhân làm từ thịt, xương gà cùng các thứ gia vị. Sau khi cuốn lại thành nem, món này được rán vàng rồi bày ra dĩa. Đây là một món rất độc đáo không thể bỏ qua khi có dịp đến thăm những vùng dân cư trên núi cao Lào Cai.

Nấm chân chim

Một loại nấm có vẻ ngoài đẹp lạ lùng, và hương vị hấp dẫn. Nấm chân chim mọc ở các thân cây trên núi, được người H’mong hái cả gùi đem đến chợ, tập trung lại một dãy để bán. Nấm không chỉ ngon, còn là một loại thuốc chữa bệnh.

Thịt lợn muối

Thịt lợn muối luôn nằm trong sách hướng dẫn về các món ăn phải thử khi đến Lào Cai. Thịt lợn muối khô, dai, có vị mặn đậm đà hòa lẫn với vị chua và nhiều hương vị núi rừng khác rất thơm và lạ miệng, có khả năng ‘lấy lại vị giác’ sau khi người ta đã ăn quá nhiều thứ béo bở khác. Đây là món ăn quen thuộc ở nhiều gia đình các dân tộc tại Lào Cai, đặc biệt là dân tộc Tày ở Bảo Yên.

Rượu San Lùng

Đây là một món rượu đặc sản, được làm rất công phu từ những nguyên liệu tuyển chọn: nếp sữa trồng trên nương, các loại thảo dược quý của núi rừng… Rượu có mùi thơm dễ chịu, vị đậm đà, nhẹ nhàng mà lan tỏa… Không chỉ dùng để đãi khách, làm quà, rượu San Lùng còn được coi là một vị thuốc giúp máu lưu thông tốt, giảm đau nhức.

Táo Tàu tổng hợp

18 MÓN ĐẶC SẢN CHỜ BẠN KHÁM PHÁ TẠI BẮC KẠN (PHẦN 2)

Tiếp theo bài trước, mời các bạn đến với những món ăn ngon của Bắc Kạn, miền đất xinh tươi ở miền núi cao phía Bắc của đất Việt.

Phần 1: 18 MÓN ĐẶC SẢN CHỜ BẠN KHÁM PHÁ TẠI BẮC KẠN (PHẦN 1)

Rau dớn

Rau dớn là một loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, cành dài lá nhỏ, mặt lá có màu xanh nhẵn, cuống lá có lông. Ở Bắc Kạn, rau dớn thường mọc ở vùng núi cao, nơi ngọn nguồn của các con sông, con suối và thường mọc ở bờ suối, bờ khe, nơi có độ ẩm ướt cao. Rau dớn ăn ngon nhất là sau mùa lụt đến cuối mùa xuân. Lá rau dớn non uốn cong như vòi voi, có nhựa nhớt, cây xanh tươi tốt quanh năm. Đồng bào thường chỉ hái ngọn cong non, lá bánh tẻ để ăn.

Đồng bào dân tộc ở Bắc Kạn có thể chế biến các món ăn độc đáo từ rau dớn như: Rau dớn xào tỏi, rau dớn xào cùng nước măng chua… nhưng món ngon nhất phải kể đến món nộm. Món nộm rau dớn chỉ cần vài mớ rau, lạc rang giã nhỏ, chanh và một số loại rau thơm như húng, mùi tàu, ớt, tỏi và một chút muối, mì chính. Sau khi sơ chế, bỏ rau vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Để khoảng 5 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được. Món nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt. Rau dớn còn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng, giúp dễ ngủ, giúp cơ thể khoẻ mạnh.

Rau sắng

Không giống như các loại rau khác chỉ cần trồng ngày một ngày hai là được hái lá, rau sắng từ khi trồng đến khi được hái lá lần đầu tiên phải sau ít nhất là 3-5 năm, và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Cây sắng cao hơn đầu người, cành lá sum sê. Cuối mùa đông cây ngót rụng hết lá già, mùa xuân, khoảng tháng tháng 2, cây bắt đầu ra những đọt lá non đầu tiên, và đến tháng 3 tháng 4 là mùa thu hoạch ngọn, lá và cả những chùm hoa.

Lá rau dùng để nấu canh với thịt hoặc cá. Mùi vị của loại rau này rất đậm đà, chỉ cần một vài cọng cũng đã đủ để có thể nấu bát canh thơm ngon cho 4 người ăn.Theo kinh nghiệm của người dân, phải ăn canh rau sắng nấu suông, nêm một chút muối, chậm rãi nhai kỹ từng chiếc lá nhỏ, thưởng thức thật sâu, thật kỹ vị ngọt, vị bùi khó tả của nó thì mới cảm nhận được hương vị đặc biệt của cây rau sắng. Những cây rau sắng đực cho những chùm rồng rồng. Loại này có thể nấu canh và ngon hơn nữa là xào với thịt bò.

Quả sắng hình bầu dục, to như quả nhót, khi chín có mầu vàng sẫm, ăn có vị ngọt đượm như mật ong. Hạt của quả sắng sau khi bóc vỏ đem ninh với xương rất thơm ngon, có vị ngọt, bùi.

Mèn mén

Mỗi dân tộc đều có những món ăn đặc sắc, mang đậm nét truyền thống của dân tộc mình. Khi nhắc tới những đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, không thể không kể tới món “Mèn mén”.

Mèn mén khi đã chín có vị thơm, dẻo, rất đậm đà. Ăn mèn mén bao giờ cũng kèm thêm một bát canh. Người Mông thường ăn món này với canh bí để tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn.
Ngày nay, khi cuộc sống của người Mông đã đầy đủ hơn, món Mèn mén đã không còn là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày nhưng mỗi dịp lễ tết, hội hè… vẫn không thể thiếu món ăn truyền thống Mèn mén.

Bánh gio Bắc Kạn

Bánh gio đã có ở Bắc Kạn hàng trăm năm, làm bánh gio cầu kì đòi hỏi người làm phải khéo tay, tinh mắt . Muốn làm bánh được ngon ta phải bắt đầu từ khâu chọn loại cây đốt thành gio trắng mịn đem hoà với nước vôi có nồng độ thích hợp, quan trọng nhất là khâu thử độ đậm nhạt của nước gio trước khi ngâm gạo .Bánh gio ngon là phải mịn, dẻo, dai và có vị đậm đặc trưng, mát, lành và để được rất lâu .Trưa hè oi bức bóc chiếc bánh gio chấm mật mới cảm nhận được hết hương vị của đặc sản này.

Bánh Coóc Mò

Coóc mò cũng là một loại bánh được bà con các dân tộc Bắc Kạn hay làm. Mới nhìn qua nhiều người nhầm là bánh gio vì hình thức bánh coóc mò cũng giống như vậy . Bánh cũng được gói theo hình chóp nhưng lá gói bánh lại là lá chuối . Bánh coóc mò ăn có vị đậm và thơm bởi được làm từ gạo nếp nương và lạc nhân đỏ . Ăn không ngán vì dễ ăn và mùi vị hợp với nhiều người, bánh coóc mò rất hợp với những bữa điểm tâm buổi sáng. Bóc chiếc bánh xanh rền, ăn dẻo, thơm bạn mới thấy hết ý nghĩa của món bánh này. Nếu ghé Bắc Kạn bạn đừng quên thưởng thức món ăn giản dị mà hấp dẫn này.

Bánh Khẩu Thuy

Vào mỗi dịp lễ hội Lồng Tồng, thứ bánh ngon không thể thiếu để dâng lên trời đất, để cúng thần linh cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà là bánh Khẩu Thuy. Bánh tròn như quả trứng chim cút, vàng óng vì được tẩm mật mía, ăn vừa ngọt, vừa thơm, giòn tan nơi đầu lưỡi với hương vị mang bản sắc riêng của người Tày.

Để làm được bánh ngon phải cần nhiều nguyên liệu, nhiều công đoạn và khá cầu kỳ. Họ lấy bèo tây đun lên lấy nước, lại lấy cây vông hoa đỏ đốt lên lấy tro. Dùng nước bèo tây và nước tro để ngâm gạo nếp. Ngâm cho gạo nở to rồi đem lên đồ. Một thứ không thể thiếu được khi làm Khẩu Thuy là khoai sọ. Khoai sọ cũng đồ lên cùng với gạo nếp, cho thêm một chút rượu vào. Bèo tây, tro vông để làm cho bánh nở được to, khoai sọ để bánh lên màu, rượu để bánh có vị thơm.

Tại các hội Lồng Tồng của người Tày, thứ bánh Khẩu Thuy này vẫn được bày bán để khách thập phương mua làm quà cho người thân. Từ lâu, nó đã trở thành một đặc sản dân tộc nói chung và là đặc sản rất riêng của Bắc Kạn.

Bánh Pẻng phạ

Bánh pẻng phạ bên trong dẻo, do tác động nhiệt lớn bột bánh bên trong chưa kịp ngấu nhiệt lớp bên ngoài đã cứng giòn nên bánh giống như có nhân ăn rất thú vị.Bánh pẻng phạ chế biến không cầu kỳ nhưng mùi vị thơm ngon thích hợp với mọi lứa tuổi từ người già cả răng yếu cho tới tụi trẻ con ưa thích quà vặt, do vậy hầu như nhà nào cũng làm món bánh này trong những dịp ăn mừng. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp.

Mỗi túi bánh nếu bảo quản tốt có thể để hơn một tháng mà vẫn giữ được vị thơm, giòn của bột, của chè nên nhân lúc rảnh rỗi hoặc nhà chuẩn bị có việc người ta làm trước bánh rồi cất trong những túi kín để dùng dần hoặc làm quà cho người phương xa. Món quà tính về giá trị vật chất thì không lớn nhưng nó cũng làm cho người con phương xa vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.

Bánh ngãi

Mỗi dân tộc đều sáng tạo ra những loại bánh có hương vị khác nhau, có một loại bánh mà chỉ người Tày mới có đó là bánh ngải. Bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, hình thù và cách làm gần giống với bánh dày của người miền xuôi.

Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn dù chỉ một hạt gạo tẻ. Bánh ngải là thứ bánh rất dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng như gói cả mùa xuân trong mát.

Mứt mận

Món mứt mận ở Bắc Kạn được người dân coi là đặc sản. Vì nó có những hương vị đặc trưng riêng và rất hấp dẫn. Hầu như người dân Bắc Kạn đi đâu xa đều mang món mứt mận để làm quà biếu và giới thiệu sản phẩm của quê hương mình.

ĐẾN HÒA BÌNH NHỚ ĂN ĐẶC SẢN MIỀN SƠN CƯỚC

Đến với xứ Mường, ngoài việc chiêm ngưỡng những cảnh quan tươi đẹp và làm quen với những con người hiền hòa, mến khách, bạn còn phải thưởng thức những món ăn ngon và độc đáo.

Lợn thui luộc

Ảnh: maichautravel.

Như tên gọi, thịt lợn được thui đều rồi luộc cho chín tới. Điểm đặc biệt là lợn vừa thui vừa làm lông, sau đó rửa sạch, bỏ nội tạng rồi treo lên cho ráo. Lợn ở đây là lợn nuôi thả rông nên thịt rất ngon, mỡ giòn chắc. Món thịt này ngon nhất khi chấm với muối rang hạt dổi và một số loại rau thơm trong rừng. Đây là một trong những món hấp dẫn khách du lịch nhất của xứ Mường.

Rau rừng đồ

Ảnh: dulichthungnai

Vì là miền núi cao, nên Hòa Bình có rất nhiều loại rau rừng rất ngon và bổ dưỡng: rau beo, tầm bóp, đốm, đu đủ, the hởi, hoa chuối, quả quạnh… tất cả đều có thể đem đồ lên làm rau đồ. Món này thường ăn cùng bánh dày, nước chấm.

Cá nướng đồ

Ảnh: eva

Cá ở đây là cá sống ở sông Đà, khỏe mạnh, chắc thịt. Cá được bắt về xiên thành xâu nếu cá nhỏ, và xiên dọc thân nếu cá lớn, sau đó được nướng trên than hồng. Sau khi nướng, cá được rắc muối rồi được gói trong lá chuối, đồ lên như đồ xôi, rồi thưởng thức. Món ăn này kết hợp với cơm lam tạo thành hương vị đặc trưng khó quên đối với những ai ghé qua miền sơn cước.

Thịt trâu nấu lá lồm

Ảnh: dulichhoabinh

Đây là một món ăn cổ truyền của người Mường, hấp dẫn khách thập phương bởi thịt trâu thui hầm nhừ chung với lá lồm (có vị chua) và gạo tấm. Món ăn thường điểm thêm những lát ớt đỏ tạo nên hương vị chua ngọt, cay mặn tự nhiên hấp dẫn.

Măng chua nấu gà

Ảnh: dulichthungnai

Loại gà ngon nhất để nấu món này là gà Lạc Sơn, chuyên sống và kiếm ăn trên núi đá vôi, thịt ngọt thơm và dai. Khi nấu cùng măng chua, gà được chọn là gà nhỡ, nấu với măng cho nhừ rồi nêm thêm hạt từ cây dổi – một loại hạt gia vị độc đáo của tây bắc. Hạt dổi vị rất thơm, khi ăn cùng với thịt nó tạo nên một vị ngon lạ lùng hấp dẫn.

Măng đắng nướng

Ảnh: sinhcafe

Măng ở đây là măng sặt mới nhú, được nướng củi cho cháy xém, queo lại. Chỉ vậy thôi. Khi ăn, người ta lột bỏ lớp vỏ ngoài, cầm từng bẹ măng chấm với “Chẩm chéo”, một loại đồ chấm đậm hương vị tây bắc làm từ muối, mắc khén, ớt, lá gừng, tỏi, lá tỏi… Cái ngon mộc mạc đơn sơ của măng đắng khi kết hợp với chẩm chéo tạo nên một hương vị hấp dẫn khó chối từ.

Chả nướng lá bưởi

Ảnh: dulichthungnai

Chả ở đây là miếng thịt ba chỉ thái nhỏ, nêm với chút mắm, hành rồi cuốn trong lá bưởi sau đó xiên thành xiên, nướng chín trên than hoa. Mộc mạc là vậy nhưng món ăn lại mang một hương vị ấn tượng từ mùi thơm ngọt của thịt quyện với dầu lá bưởi cay nhẹ. Khách đã ăn món này thì khó mà quên được.

Chả rau đáu

Ảnh; dulichdantri

Món ăn được coi là “quý” của người Mường, chỉ giành cho khách quý. Sở dĩ gọi “quý” vì muốn làm món này phải chuẩn bị nhiều ngày trời, chủ yếu là đi tìm lá đáu tươi ngoài suối. Lá đáu được coi là một vị thuốc bổ dưỡng, vị thanh mát, dễ ăn.

Cam Cao Phong

Ảnh: lamchame

Đất Cao Phong trồng được nhiều loại cam ngon, nhưng cam Canh là được đánh giá cao nhất vì vị ngọt sâu hấp dẫn, múi cam mọng căng nước. Đến thị trấn Cao Phong bạn có thể tìm mua loại cam này, tuy nhiên nên tìm mua tại các vườn cam để có cam ngon.

Canh Loóng

Ảnh: vtc

Món canh nghe lạ tai này được làm từ nõn chuối rừng nấu với nước luộc thịt, nêm hạt dổi, điểm thêm vài lá lốt rừng thái nhuyễn. Món ăn giản dị nhưng hấp dẫn bởi mùi hương rừng núi.

Thịt chua

Ảnh: dulichthungnai

Đồng bào miền cao thường có món thịt muối chua, và người Mường Hòa Bình cũng vậy. Món thịt lợn muối làm khá công phu. Khi ăn phải ăn cùng với nhiều loại lá rừng, toàn là lá thuốc, không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng.

Bảo Tố (tổng hợp)

NHỮNG MÓN NGON NÊN KHÁM PHÁ KHI ĐẾN THĂM NINH BÌNH

Ninh Bình nổi danh là vùng đất có bề dày lịch sử, quê hương của ba triều Đinh, Tiền Lê, Lý, cũng là nơi có những thắng cảnh đẹp như tranh thủy mặc được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngoài ra, du khách đến Ninh Bình cũng bị hấp dẫn bởi những món ăn ngon mà độc đáo ở vùng đất sơn thủy hữu tình này.

Sau đây là những món ăn không nên bỏ qua khi đến với Ninh Bình:

 

Cơm cháy Ninh Bình

Cơm cháy là một trong hai món đăc sản đầu tiên người ta nghĩ tới khi nói về Ninh Bình (món kia là thịt dê). Cơm cháy Ninh Bình được làm và bán ở khắp thành phố. Món ăn này làm từ gạo chiên giòn, cháy nhẹ. Cơm cháy có thể ăn với nước chấm, hoặc ăn kèm với nhiều loại phụ liệu khác như ruốc, thịt… nhưng vẫn giữ được vị ngọt thơm quyến rũ, kết cấu giòn tan.

 

Cà niễng

 

Cà niễng trông khá giống con Cà cuống, nó chỉ to bằng đầu ngón tay út, màu đen, vỏ hơi cứng. Cà niễng được bắt từ các đồng ruộng, nơi nhiều rong rêu, cỏ lác, cỏ năng. Con vật này được bỏ hết chân, cánh, moi bụng, làm sạch để ráo rồi rang thơm cùng mắm muối. Cách chế biến đơn giản mang lại cho cà niễng một hương vị mộc mạc khó quên, đậm chất đồng quê.

Nem Yên Mạc

Đất Yên Mạc của Ninh Bình có món ăn khoái khẩu là món nem chua từ thịt lợn. Tương truyền món này do Phạm Thị Thư, con quan thượng thư Phạm Thận Duật phát triển từ món nem chua của cung đình Huế. Món nem này nổi bật với màu hồng hào hấp dẫn của thịt lợn thái cọng, được trộn với bì, thính cùng các loại gia vị giúp triệt tiêu mùi tanh của thịt sống. Nem ăn cùng với lá sung, lá ổi, chấm nước mắm chanh tỏi ớt rất hấp dẫn và ngon miệng.

Cua đồng rang lá lốt

Món ăn đầy hấp dẫn này được làm từ cua đồng rang giòn cùng lá lốt thái sợi, ăn cùng nước chấm. Tuy giản dị nhưng cũng chính nhờ cái giản dị đó mà món ăn có hương vị rất đậm đà, thấm thía. Ngày nay, cua đồng rang lá lốt không chỉ là món ăn ở nơi quê nghèo, nó đã trở thành món đặc sản không thể bỏ qua.

Nem dê

 

Dê Ninh Bình được thả sống tự do trên núi, nên thịt dê chắc, ngọt, ít mỡ và rất bổ dưỡng. Dê Ninh Bình được bắt về làm nhiều món, trong đó nem dê là một trong những món độc đáo. Nem dê có kết cấu chắc, vị chua ngọt hấp dẫn, ăn kèm lá ổi, lá sung, đầy đủ hơn thì có khế, mơ, rau thơm, tương gừng… Tạo nên một món ăn đầy đủ hương vị hòa quyện, kích thích.

Gỏi cá nhệch Kim Sơn

Nếu đã từng mê món gỏi cá thì bạn không thể bỏ qua gỏi cá nhệch của Ninh Bình. Cá nhệch là loài cá khỏe mạnh, khó bắt, thường sống ở vùng đầm phá, cửa sông. Cá bắt làm gỏi là cá to khoảng 4 lạng trở lên, được sơ chế kĩ càng rồi bóp thành gỏi cùng với thính, nước chấm, dấm, gừng, tiêu, ớt, sả…Tạo nên một món gỏi cá ngon lành hấp dẫn, không còn chút mùi tanh của cá.

Dê tái ở cố đô Hoa Lư

Ninh Bình có rất nhiều món làm từ những con dê thả rong trên những ngọn núi cao chót vót, trong đó có món dê tái hay còn gọi là tái dê. Tái dê Hoa Lư thường được coi như món dê ngon nhất  trong các món dê. Dê cùng các nguyên liệu ăn kèm được sơ chế và chế biến rất cầu kì, để trở thành món ăn cực ngon và bổ dưỡng sẵn sàng cho du khách thưởng thức.

Canh chua cá rô Tổng Trường

“Đi thì nhớ cậu cùng cô

Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường”

Món canh dân dã nhưng nổi tiếng từ bao đời nay của đất Tổng Trường, đó là món canh cá rô. Tổng Trường là vùng đất có nhiều hang động, khe suối, cá rô bắt ở đây rất ngon, ngọt và chắc. Món cá này được nấu với dưa, cà chua, đậu… tạo nên vị chua ngọt thanh dịu nhưng đày thấm thía, đã ăn rồi thì khó mà quên được.

Xôi trứng kiến Nho Quan

Xôi trứng kiến Nho Quan là món ăn lạ khiến nhiều người phải săn lùng khi đến với đất cố đô. Trứng kiến ở đây là ấu trùng của loài kiến nâu bắt ở các vùng đá vôi lởm chởm của huyện Nho Quan. Trứng được sơ chế, tẩm ướp kĩ để không còn mùi tanh hôi rồi mới được bày ra ăn kèm với xôi nếp thơm dẻo từ những cây lúa nếp trồng ở nơi đây.

Mắm tép Gia Viễn

Mắm tép của đất Gia Viễn làm từ tép riu tươi, ngâm mắm trong ít nhất một tháng rồi mới nấu chín. Món mắm này rất ngon, ngọt và đậm đà khó quên.

Rượu cần Nho Quan

Đất Nho Quan còn một đặc sản khác là rượu cần. Rượu cần Nho Quan xuất xứ từ đồng bào dân tộc Mường tại đây. Rượu làm từ cơm nếp trộn men, ủ trong hũ sành trong ít nhất ba tháng rồi sử dụng chứ không hề chưng cất. Cũng như rượu cần tây nguyên, rượu cần Nho Quan được uống bằng cách hút từ những cần trúc dài cắm vào hũ.

Cá kho gáo

Gáo là loại cây thuốc thường có ở khe suối, chân đồi… Quả gáo chua ngọt, có mùi thơm, được sử dụng như me, sấu trong các món canh, kho, trong đó có kho cá. Gáo giúp món cá hết tanh, khó ngán, tạo nên hương vị hấp dẫn cho món ăn.

 

Bánh trôi

Những chiếc bánh trôi trắng tròn rất quen thuộc với người dân miền Bắc. Nhưng bánh ở Ninh Bình trở nên đặc biệt nhờ phần nhân được làm từ đường mật, đậu phộng giã, lá cúc mốc thái nhỏ… tạo nên một vị ngọt mát, thơm tho lạ lùng.

Miến lươn

Miến lươn cũng nằm trong danh sách đầy ắp món ngon từ Ninh Bình. Lươn trong miến lươn Ninh Bình là lươn cốm, lưng nâu bụng vàng, nhỏ con nhưng thịt chắc thơm, ngọt. Đây sẽ là một hương vị khó quên cho cuộc hành trình khám phá cố đô của du khách.

 

Ốc núi đá Ninh Bình

Ốc núi Ninh Bình cũng chính là loại ốc nổi tiếng ở vùng núi bà Tây Ninh, với thịt chắc ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi là một đặc sản mới nổi của Ninh Bình. Ốc được bắt từ các dãy núi Tam Điệp, Nho Quan, Yên Mô… và được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.

Trần Anh tổng hợp

Hình ảnh: sưu tầm.

NHỮNG ĐẶC SẢN HẤP DẪN KHÔNG THỂ BỎ QUA Ở TUYÊN QUANG

 

Đất Tuyên Quang đã đi vào câu thành ngữ “Chè Thái – gái Tuyên” như một trong những “miền gái đẹp” khiến cho bao người không khỏi ước mong được khám phá. Nhưng khi đến được nơi đây, bên cạnh việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp trang nhã của cô gái Tày, nét ban sơ của cô gái Dao, còn một điều mà du khách không được quên đó là khám phá những sản vật phong phú của vùng đất có địa hình đa dạng ở trung tâm lưu vực sông Lô này.

1. Rượu ngô Na Hang

Rượu ngô Na Hang không chỉ dễ “say như điếu” bởi chất ngô ngọt lử mà còn bởi công thức gây men đặc biệt từ lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 20 loại thảo dược quý có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp, thấp khớp… Chỉ cần một nhấp rượu ngô Na Hang, bạn có thể cảm nhận được hương thơm vị mát lan tỏa khắp cơ thể.

 

2. Cam sành Hàm Yên

Cam sành đã được trồng từ rất lâu đời trên đất Hàm Yên và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của huyện. Cam được trồng trên núi cao, khí hậu mát mẻ, cho vị ngọt mát và giá trị dinh dưỡng cao.

3. Gỏi cá bỗng sông Lô

Cá bỗng để chế biến món gỏi phải là cá nuôi được 1,5-2 năm, trọng lượng đạt 2,5-3kg, thịt chắc. Gỏi cá Tuyên Quang không dùng thính gạo mà dùng chính xương cá băm nhỏ rang vàng, cán mịn rồi trộn đều với lạc rang giã rối, ăn cùng những lát cá thái mỏng kèm theo gia vị, rau thơm và các loại lá rừng nước sốt gia vị sánh ngọt hấp dẫn, thích thú vô cùng.

 

4. Cơm lam

Cơm lam đất Tuyên Quang không có nhiều khác biệt với các miền vùng cao khác nhưng rất phổ biến và cũng là một nét ẩm thực khó quên của mảnh đất này. Ai đã từng thưởng thức cơm lam nơi đây sẽ không bao giờ quên được hương vị dẻo thơm của nếp. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của nước ống tre, vị thanh thanh lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ. Cơm lam có thể ăn ngay hoặc để cả tuần mà vẫn mềm, ngon mà không bị hỏng, và có thể ăn cùng với nhiều thức ăn khác.

5. Thịt trâu gác bếp

Một đặc sản lừng danh Tuyên Quang khác là thịt trâu gác bếp. Thịt trâu ở vùng núi Tuyên Quang nổi tiếng là sạch và ngọt thịt. Khi trâu được mổ, lấy nguyên thịt nạc, dần cho mềm và ướp với tỏi, ớt, gừng, sả và những gia vị khác, sấy trên than củi hoặc hun khói trên gác bếp. Khi ăn, có thể cuốn thịt trâu khô với lá rau cải, chấm thêm với ma-gi, mù tạt, uống với bia.

Ảnh: monngonmiennui

 

6. Mắm cá ruộng Chiêm Hoá

Đây vừa là món ăn truyền thống, cũng vừa là một vị thuốc độc đáo của đồng bào dân tộc Tày từ bao đời nay.Để làm ra một hũ mắm cá đòi hỏi khá công phu, phải mất 3 tháng nuôi cá ở ruộng và 10 tháng ủ men làm mắm, hương vị đặc trưng của thứ đặc sản này khiến cho ai đã từng một lần thưởng thức sẽ khó quên.

7. Măng

Măng là món quà hương rừng tinh tuý của mảnh đất miền núi. Từ măng nứa, măng tre, măng mai… có thể chế biến thành nhiều món như măng xào, măng cuốn, măng nhồi thịt, măng đắng luộc chấm mẻ… Món nào cũng có hương vị riêng, đậm đà, khó quên. Măng còn để ngâm chua, xào cùng thịt trâu, một món ăn rất đặc biệt của đồng bào dân tộc vùng núi cao.

8. Bánh gai Chiêm Hoá

Ngoài mắm cá, bánh gai Chiêm Hoá cũng đóng góp hương vị đặc sắc vào văn hoá ẩm thực đất Tuyên Quang.Bánh gai được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tơi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn. Muốn có chiếc bánh thơm ngon, phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước và xay thành bột. Lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ, đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn, trộn với bột và mật mía làm vỏ bánh. Hương vị của lá gai quyện vào mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô, tạo nên hương vị rất đặc trưng.

9. Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc (5 màu, gồm trắng, xanh, đen, đỏ, vàng) được làm để dâng tế thần linh. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tày, đây là biểu tượng của “ngũ hành”, tượng trưng cho kim, mộc, thủy, hỏa, thổ – 5 yếu tố vật chất tạo ra sự sống. Thưởng thức món xôi ngũ sắc, du khách không chỉ cảm nhận được hương vị thơm ngon mà còn được chiêm nghiệm những triết lý sâu xa về thuyết ngũ hành trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày.

10. Bánh nếp nhân trứng kiến

Đến với những ngôi nhà sàn người Tày thuộc Tuyên Quang để thưởng thức những món ngon dân dã và độc đáo trong đó có món bánh nếp nhân trứng kiến.Người ăn nếm từng miếng nhỏ để cảm nhận mùi vị thơm ngon của nếp, vị ngậy béo của nhân trứng kiến quyện lẫn hành và thì là. Tuy nhiên cũng có người vì nhạy cảm, thì có thể bị dị ứng khi ăn món bánh này giống như người bị dị ứng khi uống rượu ong.

 

(Theo Depplus.vn/MASK)

7 MÓN ĐẶC SẢN PHẢI THƯỞNG THỨC Ở CAO BẰNG

Nhắc đến Cao Bằng, nhiều người nghĩ ngay đến thác Bản Giốc,  Động Ngườm Ngao… hay những di tích lịch sử nổi tiếng. Kế đó, phải kể đến những món đặc sản mà ai đã ăn qua một lần đều không thể quên được.

 

Xôi trám Cao Bằng

Chọn trám chín mọng, tươi, ngâm nước ấm rồi lấy thịt trám trộn với xôi đã đồ. Xôi trám dậy màu hồng tím, ăn thơm và béo ngậy.

Khi tiết trời sang thu, bà con các dân tộc Tày, Nùng ở vùng đông bắc lên rừng hái trám. Mùa thu, vào các bản làng của đồng bào sẽ có dịp được thưởng thức món xôi trám (khẩu nua mác bây).

Cách làm món này đơn giản lại thơm ngon, bổ. Khách có thể mua tại các phiên chợ vùng cao mua vài cân làm quà, để nhớ mãi hương vị đậm đà của trám.

Trám có hai loại: trám trắng và trám đen. Trám trắng thường dùng làm mứt, kẹo, đậu sị, ô mai, dùng chữa ho, viêm họng giải khát chữa say rượu; còn trám đen dùng làm món ăn kho, sốt với cá, đậu phụ, có vị đậm đặc riêng. Nhưng chỉ có trám đen mới dùng làm xôi trám.

Vào tháng tám, tháng chín âm lịch, người dân lên rừng hái quả. Trám nấu xôi chọn quả chín mọng, không bị sâu, hái về ngâm vào nước ấm khoảng 25 đến 30 độ C một lúc cho mềm (nước nóng hơn trám sẽ không mềm). Trám om rồi đem bóc vỏ đen, lấy phần thịt bỏ hột, rồi trộn với xôi đã đồ chín đảo thật đều, nhuyễn, xôi có mầu hồng tím là được.

Xôi trám làm đơn giản nhưng ăn rất bổ, thơm, bùi và béo ngậy. Nếu chưa có điều kiện làm xôi, khi thu hái về xử lý quả trám bằng nước ấm, bóc lấy phần thịt đem sấy khô đựng vào lọ ăn dần.

Vịt quay 7 vị Cao Bằng

Tỉnh Cao Bằng nước ta cũng có một món vịt quay mà khi ăn ai cũng phải tấm tắc đó là món vịt quay 7 vị. Gọi là món vịt quay 7 vị vì người Cao Bằng dùng đến 7 loại gia vị khác nhau để ướp món thịt vịt này.

Không phải như món vịt thông thường, để có món vịt quay Cao Bằng, ngay từ khâu chọn vịt đã rất công phu. Vịt cỏ không dùng được, ngược lại vịt quá to, nhiều mỡ cũng bị loại. Vịt vừa phải, chắc thịt, sáng lông, nặng khoảng 1,8 kg, 2 kg được làm sạch, mổ moi cho khéo rồi nhúng qua nước sôi làm săn thịt.

Quan trọng nhất là khâu ướp vịt. Mắm, muối hoà lẫn trong nước 7 vị (7 vị đó có lẽ là bí quyết riêng của người Tày sống ở miền đông tỉnh Cao Bằng, bởi chỉ cần đi sang miền Tây, món vịt đã không còn mang cái vị lạ hấp dẫn ấy nữa) rút từ từ vào bụng vịt để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt. Một chiếc lạt tre dẻo, chẻ mỏng và chuốt nhọn đầu dựng làm kim, khâu bụng vịt, giữ cho nước không chảy ra ngoài.

Vịt được thổi phồng và chần qua nước sôi một lần nữa, sau đó rưới mật ong và quét dấm lên khắp thân. Cách làm này khiến cho thịt vịt vừa mềm, vừa có vị đậm của mật ngọt, lại không bị khô da khi nướng trên than hồng.

Than nướng vịt phải trộn thứ than củi nỏ, bén lửa đều thì thịt sẽ không bị ám khói. Ngồi trông vịt quay, người ta có cái thú mắt được nhìn mầu thịt rộm vàng lên qua mỗi lượt lửa hồng, mũi ngào ngạt mùi thơm của thịt vịt nướng và không khỏi thèm thuồng bởi mùi hương quyến rũ do mật và mỡ bắt lửa cháy xèo xèo.

Con vịt nóng giãy, bị xẻ làm đôi chỉ bằng đúng một nhát dao. Nước dùng trong bụng vịt được đổ riêng ra bát, dùng luôn làm nước chấm hoặc tưới lên đĩa thịt. Cổ cánh để bán riêng và thường hết ngay. Con dao nhà nghề phập từng nhát một để tạo ra những miếng thịt sắc cạnh, còn nguyên lớp da. Lớp thịt sau da mầu hồng đào, vừa chín tới, mềm và ngọt. Nhưng quyến rũ hơn cả là mùi thơm vô vùng khó tả.

Vịt sau khi quay được chặt nhỏ xếp ra đĩa, da óng màu mật, rộm vàng cánh gián. Thịt ăn chắc ngọt, mềm nhưng không bở, không dai. Mỗi khi răng cắn ngập vào miếng thịt, người ta phải nhai thật chậm để thưởng thức hết vị ngọt của mật ong rừng quyện với vị béo của dầu, vị ngon của miếng vịt non đầu tháng săn chắc.

Rau dạ hiến

Dạ hiến (hay còn gọi là rau bồ khai), tiếng Tày – Nùng gọi là Phjắc diển, thường mọc hoang ở vùng núi đá Cao Bằng. Ðây là loại cây thân dây rất giòn, bẻ dễ gãy. Thân được chia làm nhiều nhánh to bằng đầu đũa và những nhánh này bò, bám theo các cây thân gỗ gần đấy để vươn lên cao nhận ánh nắng mặt trời. Dù là thứ rau dại, mọc hoang nhưng không phải chỗ nào cũng có. Vì thế, khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch, ai vào rừng hái được một, hai nắm rau dạ hiến là cảm thấy rất quý.

Dạ hiến không đơn thuần là một thứ rau rừng có vị ngon, hấp dẫn một cách kỳ lạ mà còn là vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt.

Thứ rau này chỉ cần rửa sạch, ngắt như ngắt rau muống là đem xào. Cách xào cũng gần như xào rau muống, nghĩa là mỡ càng già càng tốt và chỉ cần đảo qua vài lượt cho rau vừa chín tới (xào tái là ngon nhất). Chỉ nhai vài miếng ta đã thấy ngay cái vị hấp dẫn của thứ rau này, vì nó vừa có vị béo ngậy, vừa thơm. Khi ăn, ta cảm thấy như bao nhiêu tinh tuý của rau rừng mùa xuân đều tập trung ở thứ rau này. Nếu như ai đã ăn quen, lâu ngày xa quê, rồi bỗng trở về và được ăn rau Dạ hiến thì sẽ có cảm giác như mình vừa được thưởng thức “sơn hào hải vị”. Nhiều cụ lang cho rằng, Dạ hiến không chỉ đơn thuần là một thứ rau rừng có vị ngon hấp dẫn một cách kỳ lạ mà còn là một vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt. Ðặc biệt, rễ cây rau Dạ hiến đỏ còn là một trong nhiều vị thuốc chữa chứng vô sinh.

Do ngon và có nhiều công dụng như thế nên từ nhiều năm nay, Dạ hiến trở thành một thứ rau đặc sản ở Cao Bằng. Vào dịp xuân hè, ở vùng thị xã cũng như ở các thị trấn, thị tứ, hầu như không có bữa tiệc, bữa cỗ nào là không có đĩa rau Dạ hiến xào lẫn thịt bò tươi hoặc lòng lợn, lòng gà… Trong vài ba năm lại đây, nhiều vị khách quen từ miền xuôi lên Cao Bằng vào dịp từ tháng 2 đến tháng 6, tháng 7 âm lịch đều không quên tìm ăn món phở xào rau Dạ hiến. Quả thực đây là một món ăn lạ và ngon, hình như chỉ ở Cao Bằng mới có. Nhiều người cho rằng đến bữa nếu có món phở xào Dạ hiến thì không cần thêm một thứ thức ăn nào khác vẫn ăn đến no được, mà no rồi vẫn còn thèm.

Do Dạ hiến vừa là thứ rau đặc sản, vừa là loại rau đặc biệt sạch nên các mẹ, các chị từ các làng bản xa gánh ra chợ thị xã bao nhiêu cũng không đủ bán. Hiện nay thứ rau này không chỉ tiêu thụ ở Cao Bằng mà nhiều người đã biết cách bảo quản để chuyển về dưới xuôi để làm quà cho người thân. Cũng do nhu cầu tiêu thụ lớn như vậy nên nhiều gia đình ở các xóm làng vùng sâu đã biết bảo vệ, gìn giữ cây Dạ hiến. Một số chủ vườn rừng đã bắt đầu để tâm nghiên cứu, trồng thử để dần dần đưa Dạ hiến vào vườn cây của mình.

Bánh trứng kiến

Cứ vào khoảng tháng 4, tháng 5 hằng năm, bà con dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng lại cùng nhau vào rừng tìm trứng kiến đen về làm bánh Trứng kiến. Bánh Trứng kiến (tiếng Tày gọi là pẻng rày) được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả. Trứng kiến đen ở rừng Cao Bằng rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao.

Làm được món pẻng rày phải vào rừng kiếm trứng kiến. Nhưng không phải loại kiến nào cũng có thể lấy trứng để ăn được. Chỉ lấy trứng của loại kiến đen mà người Tày thường gọi là tua rày có thân nhỏ, đuôi nhọn. Loại kiến này đi lại khá nhanh và thường làm tổ trên cây vầu. Tổ của chúng màu đen, hình tròn hoặc hình bầu dục được làm từ lá cây mục và kết chặt vào những cành cây. Một tổ kiến to có thể lấy được vài ba chén trứng.

Một thứ nguyên liệu không thể thiếu khi làm món bánh trứng kiến là lá cây vả, người Tày gọi là bâu ngỏa. Khi làm bánh phải chọn loại cây lá nhỏ sẽ thơm và mềm hơn loại to. Chọn lá làm bánh phải chọn loại lá bánh tẻ, không quá non và không quá già. Vì nếu lá non quá, lá dày khi hấp lên bánh chín thì lá nát không cầm được bánh, còn nếu lá già quá thì bánh ăn dai không còn vị thơm của lá.

Gạo nếp có pha một ít gạo tẻ để bột đỡ dẻo. Xay bột thật mịn, thêm nước vừa phải đảo nhuyễn với độ mềm vừa phải. Lá vả rửa sạch, bỏ phần gân lá ở mặt dưới rồi trải bột lên đó với độ dày vừa phải, chú ý không trải ra hết mép lá để khi hấp chỗ lá đó xoăn lại thành mép bột không tràn ra ngoài. Trứng kiến đem phi mỡ lợn cho thơm, cho thêm ít lá hẹ rồi rắc lên lớp bột và gập đôi chiến lá lại kế đó đem vào khay hấp. Khi bánh chín đem ra để nguội rồi dùng kéo cắt ra từng miếng vuông vừa phải. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy mùi trứng kiến. Đây là một trong những nét văn hoá ẩm thực mang giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng.

Hạt dẻ Trùng Khánh

Khi nói về các sản vật quý của Cao Bằng ai cũng nhớ đến Hạt dẻ Trùng Khánh, đó là thứ quả ở Việt Nam duy nhất chỉ có ở Cao Bằng. Du khách nhớ đến hạt dẻ vì nó là loại quả có hương vị thơm ngon nhất; bùi ngậy nhất, dù bạn chế biến luộc, rang, sấy hoặc ninh với chân giò, thịt gà, hạt dẻ vẫn gũi được hương vị.

Quả có màu nâu đều, tròn trịa, hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái. Tuy vậy, do đồng bào Tày, Nùng trồng theo lối quảng canh nên sản lượng không đáng kể. Ngay tại thị xã này ai có “cơ may” mới mua được đúng hạt dẻ Trùng Khánh, mà phải vào tháng Chín, tháng Mười hàng năm vì đây là mùa thu hoạch.

Tuy trồng cây dẻ không tốn công sức chăm sóc, giá thành hạt dẻ cao hơn ngô, đậu đỗ nhưng đồng bào ở Trùng Khánh vẫn chẳng muốn mở rộng diện tích là do phong tục thả rông trâu bò ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ và thu hoạch hạt dẻ.

Bánh áp chao

Mùa đông ở Cao Bằng có một món ăn rất đặc biệt, món ăn làm xua tan đi nhanh chóng cơn giá lạnh miền núi. Đó là món ăn thoạt nhìn thì giống bánh rán, nhưng không phải là bánh rán, người Cao Bằng gọi đó là áp chao.

Món ăn được nhiều người Cao Bằng rất mê, và rất nhớ khi đi xa vì cái sự đơn giản nhưng ngon khó diễn tả. Chỉ cần một hũ bột, nêm gia vị đơn giản, với một chảo dầu đầy, nóng, lấy khuôn đong từng đọt bột, nhúng vào chảo dầu sôi lên, ăn nóng kèm với một số phụ gia, rau thơm.

Những ngày mùa đông đến với Cao Bằng, ở thị xã, bạn có thể tấp vào một quán lề đường, ngồi sưởi ấm giá rét bằng một chầu áp chao, thật khó quên.

Bánh khảo

Mỗi dịp xuân về, cùng nô nức chuẩn bị các món bánh của dân tộc, đi chợ sắm Tết, thì người Cao Bằng còn hối hả sửa soạn làm bánh khảo – bánh cổ truyền không thiếu được trên bàn thờ cúng tổ tiên. Bánh khảo thực chất là một thứ lương khô của người Tày, Nùng, cất để ăn cả tháng cũng không mốc, không ỉu. Với phong tục đón Tết trong cả tháng đầu xuân, thì chừng nào trong nhà còn bánh khảo, chừng đó vẫn còn là Tết.

Làm bánh khảo đòi hỏi phải khéo léo và tỉ mẩn. Bánh khảo thì ai có dụng cụ cũng có thể “làm được”, nhưng muốn “ăn ngon” thì thật là kiệt tác. Người làm bánh khảo khéo chính là người nghệ nhân. Làm bánh khảo cũng thật vui, vì lúc đó các thế hệ trong gia đình đều tham gia cả – người già làm việc nhẹ nhàng, thanh niên thì xông xáo những việc nặng hơn, hàng xóm cũng xúm tay lại giúp, mọi người cùng vui vẻ làm việc hăng say khi không khí Tết đang lại gần.

Nguyên liệu làm bánh từ gạo nếp. Gạo sau khi vo, để khô, cho vào rang và xay bằng cối đá (xay khô) đến khi bột mịn. Lấy giấy bản lót vào thúng, đổ bột vào và “hạ thổ” qua đêm. Mục đích của “hạ thổ” là làm cho bột bánh ỉu và có độ dẻo.

Trên tờ giấy hình vuông, bánh đặt chéo thành 4 hình tam giác gấp vào, dùng hồ dán (bột làm bánh) dính 4 đỉnh tam giác lại. Chiếc bánh được khoác áo vuông đẹp mắt.

(Theo VietQ)

12 ĐẶC SẢN DANH TIẾNG CỦA ĐẤT BẮC GIANG

Nếu có dịp đến với đất Kinh Bắc, bên cạnh việc thăm thú những di tích lịch sử, văn hóa lừng danh như di tích Yên Thế, chùa Vĩnh Nghiêm…hay các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, thì du khách cũng không nên bỏ qua những đặc sản của vùng đất có văn hóa lâu đời.

Rượu Làng Vân,  Cam Bố Hạ, Mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế… là những đặc sản gắn liền với đất Bắc Giang.

Rượu Làng Vân

Rượu làng Vân là một trong những đặc sản danh tiếng không chỉ của Bắc Giang mà của cả miền Bắc. Đây là loại rượu nếp nấu bằng nếp cái hoa vàng trồng ở làng Vân Xá, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Rượu làng Vân ngon nhờ men rượu bí truyền từ bao đời truyền lại. Ngày xưa đây là loại rượu được chọn để dâng Vua tiến Chúa, cũng như là loại rượu chính trong các bữa tiệc của triều đình. Vua Lê Hy Tông đã sắc phong cho loại rượu này bốn chữ “Vân Hương Mỹ Tửu” vào năm Chính Hòa thứ 24.

Ngày nay đây là loại đặc sản thường được khách du lịch mua làm quà khi đến Bắc Giang.

Cam Bố Hạ

Cam sành Bố Hạ từng đi vào dân gian trong những câu thành ngữ, tục ngữ. Được coi là loại cam ngon đệ nhất trong nước, đã từng nổi tiếng khắp vùng tại các kỳ thi đấu xảo quốc gia được tổ chức ở cố đô Huế, đã từng một thời là niềm tự hào của người dân xứ Bắc, nhưng đến ngày nay một vùng cam quý đang dần mai một và có nguy cơ chìm vào lãng quên.

Mỳ Chũ

Mỳ Chũ được chế biến từ hạt gạo Bao Thai Hồng trồng trên vùng đất đồi Chũ. Những sợi mỳ dẻo dai, đậm đà có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào khi thưởng thức.

Bánh đa Thổ Hà

Bánh đa Thổ Hà căng tròn những miếng lạc vàng thơm, điểm thêm dừa nạo có vị bùi bùi. Bánh khi phơi khô xong được xếp theo từng chồng, bán với giá khoảng 8.000 đến 15.000 đồng một chiếc.

Gà đồi Yên Thế

Ở Yên Thế, món gà đồi chính hiệu mới là thứ đáng để nhớ bởi “Yên Thế đệ nhất gà đồi. Thịt thơm lại chắc, ăn rồi thì mê”. Món gà đồi ngon nhất chỉ nên luộc chín tới, thịt gà còn chắc, giòn để chấm với muối trộn lá chanh, nước luộc ngọt lịm dùng để ăn kèm với cơm.

Vải thiều

Trong số các sản vật nổi tiếng của Bắc Giang không thể không nhắc tới vải thiều mà đặc biệt hơn là vải thiều Lục Ngạn. Quả vải thiều Lục Ngạn có đặc điểm khi chín có màu đỏ, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày khi ăn có vị ngọt đậm khiến người ăn cứ muốn thưởng thức thêm.

Bún Đa Mai

Bún Đa Mai có sợi dẻo, ăn mát, để cả ngày không chua lại trắng muốt như bột lọc. Bún Đa Mai có 4 sản phẩm chính, đó là: bún rối, bún vẩy ốc, bún con ba, bún vẩy (còn gọi là bún lá). Nghề làm bún ở Đa Mai xuất hiện tương đối sớm (khoảng 400 năm), là một trong bốn làng nghề làm bún cổ xưa của miền Bắc.

Chè kho Mỹ Độ

Chè kho Mỹ Độ có màu vàng hơi sậm – màu của đỗ với những hạt vừng tấm trắng rang thơm được rắc lên mặt đĩa chè như là vì sao sa. Hương đậu xanh, hương vừng, vị ngọt thanh của đường kính, vị béo thoang thoảng của mỡ, chất đậm đà của đậu xanh hòa quyện vào nhau. Ăn một miếng chè đỗ đãi ta thấy cái cảm giác thật khó tả: vị ngòn ngọt tan từ từ trong miệng.

Xôi trứng kiến

Bất kỳ ai một lần được thưởng thức xôi trứng kiến Lục Ngạn cũng sẽ nhớ mãi. Có nhiều món làm từ trứng kiến nhưng thông thường người dân sử dụng trứng kiến để đồ xôi. Món xôi trứng kiến được làm từ gạo nếp nương, có thêm mỡ, hành và hạt tiêu, gia vị.

Cua da

Cua da chỉ xuất hiện và khoảng đầu đông trong thời gian khoảng 2 tháng (tháng 9 và tháng 10 âm lịch) hằng năm, ở các ghềnh đá đoạn sông Cầu chảy qua địa phận một số xã ven sông huyện Yên Dũng. Ăn cua da ngon nhất và đơn giản nhất là đem hấp bia. Khi cua chín có màu vàng cam rất hấp dẫn. Thịt cua ngọt, lớp vỏ ở chân và càng cua khá mềm, chấm bột canh pha mù tạt kèm nửa quả chanh vắt vào thì không gì thú vị bằng.

Bánh đúc Đồng Quan

Bánh đúc làng Đồng Quan được nhiều người yêu thích bởi bánh vừa dẻo, vừa mát. Nhìn miếng bánh đúc trắng ngần, bóng mịn, lấm tấm mấy hạt lạc bùi bùi, giòn sần sật làm ta chẳng thể cưỡng lại mà cầm lên thưởng thức. Ăn bánh đúc phải chấm với tương bần. Khi đó, cái vị ngọt của gạo, vị nồng của vôi, vị béo của dừa, vị mặn của tương, tất cả hòa quyện thành vị quê nồng đượm.

Bánh vắt vai

Bánh vắt vai là loại bánh lạ từ hình thức đến tên gọi. Món ăn độc đáo này của đồng bào dân tộc Cao Lan, Lục Ngạn. Để làm nên những chiếc bánh vắt vai thơm ngon, ngọt bùi cần thực hiện nhiều công đoạn: gạo nếp nghiền nhỏ bằng cối xay đá; lá ngải cứu luộc lẫn nước vôi trong cho bớt vị chát, đắng, sau đó nghiền nhỏ trộn cùng bột nếp. Sau khi nặn và gói xong, bánh được luộc cách thủy khoảng hai giờ đồng hồ, vớt ra để ráo nước là có thể dùng được.

Theo Mimi (ngoisao.net) và tổng hợp thêm một số nơi.

18 MÓN ĐẶC SẢN CHỜ BẠN KHÁM PHÁ TẠI BẮC KẠN (PHẦN 1)

Đất Bắc Kạn nước non trù phú với Hồ ba bể, sông Năng, núi Phia Bióoc, cũng là nơi có những điệu Then kể chuyện thầm thì bao tháng năm. Đến với Bắc Kạn, bên cạnh việc thưởng thức thiên nhiên và văn hóa, ta cần tìm hiểu về nền ẩm thực đầy cuốn hút của đồng bào nơi đây.

Thịt treo gác bếp

Khi con lợn được phanh ra, người ta cắt thành từng miếng nhỏ, dọc theo sườn. Bỏ thịt lên nia xát muối , bóp rượu, bóp nước vắt từ một loại lá trong rừng, rồi cho vào chảo ủ ba đến bốn ngày, sau đó rửa nước đun sôi để nguội, phơi ráo nước rồi treo trên gác bếp. Quá trình hun khoi thịt đòi hỏi phải liên tục, công phu và cả sự khéo léo cộng với vốn kinh nghiệm tích lũy lâu năm. Chính vì thế vào dịp Tết nếu có dịp đến vùng núi cao nơi đây bạn sẽ được chứng kiến bếp cả làng đỏ lửa, khói bếp hòa với sương núi lơ lửng khắp mọi nẻo đường tạo lên một khung cảnh mờ ảo như cõi thần tiên.

Đến ngày Tết hay khi nhà có việc chỉ cần nhắc thịt xuống, bỏ vào chảo nước đun sôi cùng một nắm gạo nhỏ, mang ra rửa sạch rồi chế biến thành những món ăn khác nhau. Lợn gác bếp có thể xào gừng, xào rau cải nhưng ngon nhất vẫn là xào với rau rừng và giá đậu tương. Thưởng thức các món ăn chế biến từ thịt lợn gác bếp cho ta cảm giác rất lạ: bì giòn, mỡ trong không ngấy, thịt nạc đậm và tơi từng thớ. Cũng là món rau xào thịt nhưng với cách làm riêng của đồng bào nơi đây món ăn như mang một màu sắc, linh hồn khác khó diễn tả, chỉ biết nó rất ngon, lạ miệng mà không giống với bất kỳ món ăn nào khác.

Miến dong Na Ri

Đây là món  đặc sản nổi tiếng của Na Rì, Côn Minh, Bắc Cạn. Sợi miến được làm từ bàn tay khéo léo của người dân nơi đây nên giữ nguyên màu sắc tự nhiên vốn có. Sợi miến có màu vàng hoặc trong đục, sợi dai và giòn để lâu cũng không bị nát, đây cũng là nét đặc trưng khiến nhiều người yêu thích món ăn dân dã này.

Miến dong được làm thủ công từ những củ dong riềng trồng trên đèo Áng Tòong ở độ cao trên 1000 m ,với bàn tay khéo léo của những người dân tộc. Sợi miến có màu tự nhiên do không dùng hóa chất, sợi miến khi nấu có vị dai, giòn và thơm của dong riềng. Từ miến dong có thể chế biến nhiều món ngon và dễ ăn.

Lạp xưởng (sườn) hun khói

Lạp sườn được làm từ thịt lợn bản nên thịt thơm và chắc. Điểm độc đáo của Lạp sườn Bắc Kan là được tẩm ướp bằng gừng đá,  một loại gừng chỉ mọc trên đá của người dân tộc nên có mùi thơm rất đặc biệt, không giống bất cứ một loại gia vị nào của miền xuôi.

Lạp xường được làm bằng bàn tay của người Bắc Kạn có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu.

Tôm chua Ba Bể

Tôm chua là món ăn ngon, có mặt ở nhiều nơi và nhiều vùng chế biến nhưng tôm chua ở Khang Ninh- Ba Bể có một hương vị rất riêng biệt của vùng miền núi Việt bắc. Du khách đến Bắc Kạn mà không được thưởng thức tôm chua Ba Bể thì thật sự đáng tiếc . Hiện nay cứ 5 ngày một phiên tôm chua được bày bán tại chợ Khang Ninh (trên đường du khách vào tham quan hồ Ba Bể) bởi lẽ nó không chỉ là món ăn quen thuộc của đồng bào miền núi nữa mà nó đã được nhiều du khách thập phương biết đến.


Ở vùng này người ta thường ăn tôm chua với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kỹ thái mỏng, một đĩa khế chua, nem thính tai lợn, chuối xanh, búp đinh lăng, lá mậy sâu (loại cây trên rừng)…Quý khách đến đây giữa cảnh trời mây non nước của Ba Bể mà được nhấm nháp tôm chua thêm một chén rượu ngô nho nhỏ nữa sẽ thấy được cái cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía cái vị béo của thịt, vị cay của tỏi ớt ,vị thơm của riềng, của búp mậy sâu hoà quyên với vị ngọt của tôm thì quả là lý thú.

Đến Ba Bể, sau khi du ngoạn, thưởng lãm cảnh trời mây non nước được nhấm nháp tôm chua thêm một chén rượu ngô nho nhỏ thì thật là thú vị. Cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía cái vị béo của thịt, vị cay của tỏi ớt ,vị thơm của riềng, của búp mậy sâu hoà quyện với vị ngọt của tôm như làm say lòng thực khách.

Khâu nhục

Món khâu nhục làm cũng lắm công phu, khoai được chọn phải là khoai môn Bắc Kạn, bên trong lòng khoai có vân màu tím . Thịt lợn phải là thịt ba chỉ ngon, luộc sơ qua,dùng tăm tre chọc bì thật kĩ ,tẩm ướp gia vị rồi đem quay, vưa quay vừa quết mật ong cho vàng bì . khoai cũng phải rán vàng . mọi thứ được xếp vào bát, cứ một miếng khoai,một miếng rhịt ,cho nhân được làm bằng thịt, nấm hương, mộc nhĩ …đã xào lên trên hấp cách thuỷ khoảng 5 tiếng đồng hồ .

Món khâu nhục làm cầu kì nhưng ăn lại rất ngon nên nhân dân Bắc Kạn thường dành vào những dịp đặc biệt như lễ tết, cưới hỏi và vào nhà mới . Chỉ cần thử một chút bạn cũng đủ cảm nhận được hết hương vị của món đặc sản này, vị béo ngậy của thịt, vị thơm của khoai dã hầm bở … tất cả đều kết tinh trong món ăn. Ngưòi Bắc Kạn rất tự hào vì ngoài đặc sản cơm lam, bánh gio, tôm chua… còn có thêm món khâu nhục và họ không bỏ qua cơ hội để giới thiệu đặc sản của quê hương mình với thực khách gần xa .

Cá nướng Ba Bể

Cá trong hồ Ba Bể có rất nhiều, thường được người dân đánh bắt thủ công, số lượng cá không nhiều nhưng chất lượng thì thật tuyệt vì thịt cá trắng, chắc và có vị ngọt. Người ta chọn lấy loại cá chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, loại cá này vừa giống như cá bống, vừa giống con cá nẹp ở xuôi để làm món cá nướng.

Không gì khoái bằng ngồi bên bờ hồ Ba Bể, nhâm nhi đĩa cá nướng chấm tương ớt với vài chén rượu ngô. Vị cá thơm lừng, thịt cá bùi và dai. Rượu ngô cay cay nhưng vẫn có vị ngọt đâu đây nơi cuống lưỡi. Cùng ngắm cảnh hồ Ba Bể, thần tiên và thăng hoa hơn bất cứ mâm cao cỗ đầy nào khác.

Trám đen

Nếu đã thưởng thức các món ăn từ trám đen thì thật khó quên hương vị của nó, vị bùi, ngậy, đậm đà, trám đen là đặc sản của rừng núi Việt Bắc nói chung và Bắc Kạn nói riêng, quả trám hoàn toàn trong môi trường tự nhiên không bị ảnh hưởng hay tác động bởi hóa chất.

Trám kho với thịt lợn ba chỉ là món ăn ngon. Đặc biệt người dân địa phương thường dùng trám để đồ xôi hay còn gọi là “xôi trám”, trám sau khi om mềm, bóc tách vỏ, trộn với xôi vừa đồ chín còn nóng hổi sẽ có món xôi trám đen vị ngon đặc trưng. Xôi trám có thể ăn không hoạc ăn kèm với thịt băm, lạc vừng …rất phù hợp trong tiết trởi se lạnh của mùa thu.

Măng vầu

Rừng Bắc Kạn có rất nhiều loại măng như: Măng tre, măng trúc, măng nứa, măng mai,… Nhưng nếu nói là đặc sản phải kể đến thứ “măng vầu” hay còn gọi là “măng đắng”. Cây măng vầu có sức sinh sôi thật kỳ diệu, cứ đào hết đợt này măng lại lên đợt khác cứ tựa hồ như sấm gọi. Rừng vầu cứ khai thác hết năm này đến năm khác.

Ở Bắc Kạn, người ta có thể chế biến măng thành rất nhiều món hấp dẫn. Măng củ (loại măng vầu được đào lên từ trong lòng đất) vốn đặc ruột thì để hầm xương hoặc lạng thành từng lát mỏng và dài để cuốn thịt. Còn với loại măng cái (măng vầu đã lên tai xanh) vì có vị đắng nên muốn ăn được thì phải luộc kĩ với muối sau đó ngâm nước lạnh, phần thân măng thái mỏng xào tỏi, phần áo măng để cuốn thịt răm hấp chín.
Nhưng ngon hơn cả vẫn là món măng luộc chấm mắm tôm chanh ớt. Có thể luộc cả măng củ và măng cái. Người không ăn được đắng có thể ăn loại măng củ luộc, chất non ngọt của củ măng tạo cho món ăn một hương vị dìu dịu, mát ruột và rất dễ ăn. Những người sành ăn măng thì hay chọn ăn loại măng luộc thật đắng. Vì như vậy mới cảm nhận hết được sự thú vị của món ăn này, cái cảm giác đắng, chát cứ mất dần sau mỗi miếng nhai nhẩn nha thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ. Và khi đã ăn một lần đều muốn ăn thêm lần sau.

Rau Bồ Khai

Rau Bồ Khai thường mọc trên những vùng núi đá cheo leo, ngọn rau giống như cây tầm gửi, thân bám vào những cây gỗ lớn để vươn lên đón lấy cái trong trẻo của ánh sáng và khí trời. Ngọn rau thoạt nhìn giống ngọn mướp hương nhưng mảnh mai hơn và có màu xanh non tơ như lá cành mới nhú. Khoảng mùa xuân, bồ khai bắt đầu trổ ngọn xanh tốt. Người dân trong vùng đã quen với mùa đi hái Bồ Khai. Vào dịp này, ở khắp các phiên chợ vùng cao nơi đây đều có bày bán rau Bồ Khai.

Bồ Khai mang về chẳng phải chế biến cầu kì gì nhiều, chỉ cần nhặt sạch, phi tỏi thơm trên bếp rồi đổ rau vào xào to lửa là đã có một món rau hấp dẫn, xanh mướt, thơm giòn…Bồ Khai còn được dùng làm món phở xào, mì xào hay xào lẫn với thịt bò. Rau Bồ Khai có một mùi vị rất riêng, không thể tìm được sự tương đồng ở bất cứ loại mùi vị nào khác.

Xem tiếp PHẦN 2:

18 MÓN ĐẶC SẢN CHỜ BẠN KHÁM PHÁ TẠI BẮC KẠN (PHẦN 2) 

9 MÓN ĐẶC SẢN NÊN ĂN Ở YÊN BÁI

Yên Bái là tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc nước ta, tại đây có nhiều điểm du lịch, tìm hiểu bản sắc các dân tộc như Mù Cang Chải, Mường Lò… Bên cạnh đó, đây cũng là nơi để khám phá những món đặc sản nổi danh của các dân tộc Thái, Tày…

Thịt trâu gác bếp

Trâu gác bếp ‘chín’ tới sẽ mềm và đậm đà. Ảnh: baoyenbai.

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá.

Mùi khói trong thịt trâu khiến ai nhạy cảm đều rất khó chịu, tuy nhiên để át đi mùi khói và tăng thêm hương vị của món thịt, phải nhờ vào kỹ thuật tẩm ướp trước khi gác bếp. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén – một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc.

Muồm muỗm rang Mường Lò

Con muồm muỗm ngậy và thơm. Ảnh: cungphuot.

Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản được người dân nơi đây ưa chuộng nhất. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm. Hay món muồm muỗm om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho ngay mỡ (hoặc dầu ăn) vào, đảo đều tay trên bếp to lửa khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, cho bột canh (hoặc nước mắm, hạt nêm…) vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay; cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra được.

Lạp xưởng Yên Bái

Có thể nói, làm lạp xưởng (lạp sườn) là bí quyết của người có nghề, vẫn thịt ba chỉ thái nhỏ, bột canh, hạt tiêu, mật ong, đường, rượu trắng…. nhưng cho cái nào trước, cái nào sau, thời gian tẩm ướp là bao nhiêu thì phải học. Làm lạp xưởng phải cẩn thận chú ý đến thời gian tẩm ướp, chú ý đến khâu củi lửa, không được đun to, không được để tắt bếp trong giai đoạn thịt lên men.

Nhiên liệu để sấy thịt và lạp xưởng cũng không đơn giản, phải là than hoa, bã mía, vỏ trấu, lá quế tươi, nếu là củi thì phải là thân cây quế, là thân tươi càng tốt. Theo giải thích của người làm nghề lạp xưởng thì nhiều người tham rẻ sấy bằng than tổ ong, rất độc hại. Củi thì có rất nhiều loại gỗ chứa các chất độc, khói độc áp vào thịt sẽ có hại, nhất là gây đau bụng. Vì thế nhất thiết phải than hoa, hoặc củi quế.

Xôi và cốm tan Tú Lệ

Thung lũng Tú Lệ thuộc phía Tây của tỉnh Yên Bái, Tú Lệ cái tên đã nói phần nào vẻ đẹp nơi đây. Tú Lệ mùa nào cũng đẹp, khi lúa non, từ trên đèo cao nhìn xuống, thung lũng Tú Lệ như thảm cỏ xanh mướp, mùa lúa chín đây đúng là một thung lũng vàng và hơn thế hương thêm từ thứ nếp nổi tiếng có thể làm bạn “say” nơi đây chẳng muốn về.

Nếp tan là thứ gạo nếp rất nổi tiếng, người ta ví, khi đồ thứ gạo này có thể hương thơm bay xa vài trăm mét, bản trên, xóm dưới đều có thể hưởng hương thơm. Vào đầu mùa thu hoạch (khoảng tháng 4 và tháng 10 hàng năm), may mắn, bạn sẽ được thưởng thức cốm Tú Lệ ngon chẳng kém gì cốm Làng Vòng nức tiếng ở Hà Nội.

Bánh chưng đen Mường Lò

Bánh được đồng bào dân tộc Thái nơi đây làm ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Món bánh đặc sản này không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi khi xuân về.

Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ càng: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô. Gạo nếp được chọn phải là nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ. Để tạo màu đen cho chiếc bánh, đồng bào lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen.

Thưởng thức một miếng bánh, cảm nhận được hương vị thật đặc biệt, vị thơm của nếp, vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của nhân đỗ xanh, vị là lạ của cây rừng.

Mật ong nhãn Văn Chấn

Cuối tháng 4, từ thành phố Yên Bái bầu trời nặng nước từ sau tết khiến cả vùng đầy ẩm ướt và nồm nhưng vượt qua đèo Ách, nắng bừng lên làm lòng người rộn rã. Hoa nhãn đã nở rộ dọc quốc lộ 32, ong lấy mật mùa này đủ mật ngọt… Với diện tích hàng ngàn ha trồng nhãn, khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ là địa điểm khá lý tưởng để thưởng thức hương vị mật ong nhãn.

Măng sặt

Cơn mưa cuối xuân ào ạt tưới tắm cho cây cối, ruộng đồng. Rừng sặt (cây thuộc loại tre, thân nhỏ rất thẳng) Nghĩa Lộ, Yên Bái như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài: tươi tắn và sung sức. Đất rừng trở nên ẩm mềm và xốp. Chỉ vài ngày sau, măng sặt đồng loạt bật dậy tua tủa. Măng sặt Nghĩa Lộ đã vào mùa.

Măng sặt thon nhỏ,  to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm vàng. Vào đúng mùa, măng non rất dễ bóc, vị ngọt, không có vị he, luộc nên thơm phức mùi của núi rừng. Ngoài món nấu xườn, luộc, món măng này có thể dùng xào với cà chua, thêm ít gia vị tỏi cũng ngốn vài bát cơm của thực khách.

Mắc khén

Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Cây mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc.

Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiều mắc khén. Quả mắc khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng. Tiếp đó, đưa vào giã thành bột mịn. Tuy nhiên để chế ra được hương vị thơm, chuyên dùng ăn với xôi nếp nương, còn phải qua nhiều công đoạn khác. Đó là dùng ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tầu xắt nhỏ rang khô, tất cả đều giã thành bột mịn. Sau khi trộn đều hỗn hợp trên thì tạo thành mắc khén, một thứ bột mùi thơm hăng hắc nhưng lại dịu như vị ô mai và phảng phất chất núi rừng, thơm cay nồng nàn như hương hồi, quế.

Bánh chuối Lục Yên

Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Hiểu và đánh giá đúng vị trí của chuối trong đời sống của mình mà người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon – bánh chuối – chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.

Điều hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối. Lá gói bánh cũng từ lá chuối trong vườn, dây gói bánh cũng từ dây chuối đúng là chẳng giống với bất kỳ loại bánh nào. Chẳng thế mà bánh chuối rất dễ thưởng thức, vừa ngon vừa lạ, hấp dẫn khách gần xa.

Mimi tổng hợp

(ngoisao.net)

[TẾT ĐOAN NGỌ] Sự khác biệt trong món CƠM RƯỢU NẾP ở 3 miền

  • Cơm rượu là món ăn ngon, độc đáo, lại càng không thể thiếu trong ngày tết Đoan Ngọ. Tại mỗi miền của đất nước, cơm rượu có những thay đổi khác nhau và mang những nét đặc trưng khó lẫn. Cùng tìm hiểu về món Cơm Rượu này.

    Cơm rượu nếp miền Bắc

    Được nấu bằng gạo nếp lức hoặc gạo nếp cẩm nhưng phổ biến nhất vẫn là dùng gạo nếp lứt để nấu. Gạo xay nấu lên, sau đó đổ ra nia và dàn ra cho cơm nguội. Lấy những quả men rượu đã mua ở chợ về, cạo sạch lớp chấu trên bề mặt và giã nhỏ thành bột màu trắng.



    Cơm rượu nếp miền Bắc giòn và bùi.
     

    Khi cơm đã nguội thì lấy rá, lót 1 lớp lá chuối tươi đã khía ở đáy để không bị ứ nước khi cơm nếp lên men thành rượu sau đó. Cho từng lượt cơm vào rá, rồi rắc một lượt men lên, đan xen với nhau, rắc hết thì đậy kín miệng rá bằng lá chuối. Sau đó để rá cơm rượu lên 1 chiếc bát trong khoảng 2 ngày.

    Khi ấy, men rượu sẽ ngấm vào cơm làm cho những hạt cơm căng mọng, hơi men kết hợp với cái nóng của cơm nếp đang ủ sẽ tạo ra những giọt rượu nguyên chất chảy xuống chiếc bát phía dưới rá.

    Cơm rượu nếp để 2 ngày sẽ ngấu, dừ và ăn được. Khi ăn thì trộn đều với đường trắng (nước đường). Nước rượu nguyên chất (dung dịch rượu vữa có mùi thơm lừng) có thể chắt vào chai dành để uống như rượu bình thường. Món cơm rượu sẽ có hơi men, vị cay của rượu, vị ngọt của nước đường và cơm nếp.

  • 2

    Cơm rượu miền Trung

    Cơm rượu được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Đây là món tráng miệng, lại giúp dễ tiêu hóa nên đã được nhiều gia đình miền Trung tự chế biến trong bữa ăn.

    Để có những viên cơm nếp nguyên miếng, thơm ngọt, cần chọn nếp ngỗng cũ, vo sạch, ngâm nước trong 8 giờ rồi vớt để ráo. Đem hấp nếp lần 1 trong một tấm vải màn. Khi hạt nếp có độ trong, lấy ra, nhúng gói nếp vào thau nước pha muối loãng, để ráo trong 3 phút.

    Nếp được hấp hai lần đến độ chín hoàn toàn. Xới xôi ra để nguội. Lót tấm lá chuối vào khay, cho xôi vào, đậy thêm tấm lá nén xôi thật chặt trong lòng khay, dùng vật nặng đè lên xôi.


    Cơm rượu nếp miền Trung với hình dáng vuông vức.
     

    Giã men thật mịn, mở lá ra, rắc đều bột men lên mặt xôi. Dùng dao nhúng nước muối đặc, cắt xôi thành viên cạnh 2,5 cm. Rắc tiếp men lên đều mặt còn lại của viên xôi. Lấy lá chuối cuộn từng viên xôi.

    Cứ một dung lá gói ba viên xôi. Ta bóc lá chuối, sắp viên xôi ra bát hay thẩu, đổ nước rượu hứng được vào. Đậy nắp lại, sau 1 ngày là có thể đem ăn. Để tủ lạnh sẽ giữ được lâu hơn. Món cơm rượu thường ăn kèm xôi vò.

  • 3

    Cơm rượu nếp miền Nam

    Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu nếp được gọi là cơm rượu. Cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Món cơm rượu ở miền Nam thường có nước tiết ra và cũng được pha thêm nước đường, rất ngon nếu ăn kèm với xôi vò giống như món xôi chè ở miền Bắc.

    Ngon nhất là loại cơm rượu làm từ gạo nếp cẩm (nếp than). Trong gạo nếp cẩm có chứa hàm lượng khá cao một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Gạo nếp cẩm chứa ít đường đồng thời có nhiều khoáng chất, chất xơ và vitamin E hơn gạo nếp thường.



    Cơm rượu nếp miền Nam hình viên tròn.
    Bánh men rượu có vị ngọt, tính ấm, không độc. Tác dụng làm khoan khoái trong lòng, khai vị, trừ đàm tích, giáng khí nghịch, tiêu hòn cục, kích thích tiêu hóa, chữa hoắc loạn (đau bụng, khi nóng khi lạnh có kèm tiêu chảy, nôn ói).Khi làm cơm rượu nếp, sự kết hợp giữa xôi nếp và bánh men qua quá trình ủ đã tạo ra hương vị thơm ngọt, chất đường tăng lên, tính chất bổ dưỡng của món ăn này cũng được gia tăng. Do tác dụng làm ấm tì vị, thăng khí, trừ đàm, trừ thấp, nên món cơm rượu nếp dễ làm cho tinh thần chúng ta vui vẻ, phấn chấn, tăng sức đề kháng.

    Cơm rượu nếp ngon nhất là loại được làm bằng gạo nếp cái, chỉ xay tróc vỏ trấu mà không giã tróc lớp cám bao quanh hạt gạo (còn gọi là nếp lứt, nếp lật). Khi ra cơm rượu nếp, các hạt có màu vàng như màu hoa ngâu. Nhiều nơi còn dùng xôi gấc để chế biến cơm rượu nếp gấc có màu đỏ đẹp mà giá trị dinh dưỡng cũng tăng thêm.

    (Sưu tầm)

NHỮNG MÓN NGON LẠ NÊN ĂN TRONG CHUYẾN DU LỊCH SAPA

Khách du lịch Sapa lần đầu sẽ không thể nào quên cảnh đẹp còn nguyên sơ của núi rừng, hồn hậu mà hùng vĩ của ruộng bậc thang hay những con phố be bé xinh xinh, những buôn làng đầy ắp sắc màu thổ cẩm của cư dân bản địa…Đồng thời, họ lại càng khó quên những món ăn đơn sơ mà lạ lẫm từ các nguyên liệuđặc sản ở đây.

  

Rau đặc sản

Có lẽ Sapa là vùng đất nổi tiếng với nhiều thứ rau đặc sản xanh mướt trong lành. Đó hẳn phải là những ngọn rau su su làm nức lòng thực khách, rau cù khởi có cái tên lạ lẫm mà thơm ngon hay thứ rau đậu Hà Lan nhỏ bé những ngọt vô cùng…

Ngọn su su

Ngọn su su là loại rau rất phổ biến nhưng nó chỉ ngon khi được trồng các ở khu vực miền núi phía Bắc, nơi mùa đông có cái lạnh cắt da, cắt thịt hay mát mẻ vào mùa hè như Sapa chẳng hạn. Nếu một lần đặt chân đến Sapa, một màu xanh mướt của ngọn su su trập trùng bên các sườn núi sẽ ôm trọn tầm mắt của bạn.

 

Nếu một lần đặt chân đến Sapa, một màu xanh mướt của ngọn su su trập trùng bên các sườn núi sẽ ôm trọn tầm mắt của bạn

Tuy là được trồng ở miền núi, nhưng rau cũng được người dân làm giàn cẩn thận, ngọn su su cứ thế mà leo lên, hưởng những ái ưu của thời tiết, của khí trời mà lan toả hết giàn này đến giàn khác, cứ bạt ngàn trong tầm mắt người ngắm. Và có lẽ cũng vì thế mà su su ở khu vực này mới ngọt hơn, giòn hơn nơi khác, mới thành thứ đặc sản mà ai đến đây cũng muốn mang về thưởng thức hay làm thứ quà biếu người thân, bạn bè.

 

Hương vị của núi, của rừng, của những màn sương lạnh giá nhập nhoạng như mây cứ hòa quyện trong từng ngọn rau, chiếc lá

Ngọn su su chẳng cần xào với các nguyên liệu khác cũng ngon. Chỉ cần nhặt sạch, cho vào xào cùng tỏi, mỡ, nêm chút gia vị là có thể thưởng thức ngay được. Hương vị của núi, của rừng, của những màn sương lạnh giá nhập nhoạng như mây cứ hòa quyện trong từng ngọn rau, chiếc lá.

Rau đậu Hà Lan

Nhắc đến đậu Hà Lan có lẽ người ta chỉ nghĩ đến việc thu hoạch quả và hạt nhưng ít ai ngờ rằng, thứ cây thân leo này cũng cho những ngọn rau ngon ngọt vô cùng. Chẳng thế mà người dân Sapa (Lào Cai) đã sớm biến nó thành loại rau đặc sản để bán cho du khách.

 

Rau đậu Hà Lan đem nấu canh rất ngon

Rau đậu Hà Lan được trồng và mọc theo giàn, ngọn rất nhỏ nhưng mềm mang màu xanh nhạt mà non tơ. Thường người ra dùng loại rau này để nấu canh với thịt băm, xương… hoặc đơn giản chỉ là nấu suông nhưng ngon ngọt vô cùng.

Rau cù khởi

Nghe cái tên vừa lạ lại vừa khó nhớ nhưng nếu nếm thử một lần rồi đảm bảo bạn sẽ chẳng thể nào quên được hương vị hấp dẫn của thứ rau dại (mọc ở hàng rào) trên mảnh đất Sapa đầy xa ngái. Trước đây, ở Sapa có rất nhiều loại rau ngon vì thế củ khởi ít mấy ai để ý đến nhưng nhờ có vị hơi đắng lại ngòn ngọt và mùi thơm đặc trưng nó lại trở thành một thứ đặc sản mà ai lên tới đây cũng muốn ăn thử và thích mang về.

 

Khi mới ăn rau củ khởi, thực khách có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không biết ngán bao giờ

Rau củ khởi thường nấu với nước xương hầm hoặc thịt băm. Khi nấu chỉ đun nước sôi già rồi bắc nồi ra, bởi để lâu trên bếp canh sẽ bị nồng và mất mùi thơm của rau. Canh rau củ khởi ăn nóng và nguội đều ngon. Khi mới ăn, thực khách có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không biết ngán bao giờ.

Rau cải mèo

Đến các bản xa trung tâm Sapa như Tả Van, Cát Cát… du khách no mắt bởi màu xanh mỡ màng của những luống rau cải mèo bên cạnh ruộng bậc thang thoai thoải. Cải mèo vốn thuộc hàng rau có bẹ, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn cảm giác như có gai, loại có lông, loại trơn, đó cũng là lý giải cho cái tên là lạ của cải. Cải mèo cũng được coi là loại rau quý vì được thiên nhiên chọn lọc nên sức sống mãnh liệt, nó có thể vượt qua thời tiết mùa đông khắc nghiệt có băng ở vùng núi này và sinh trưởng khỏe, để có thứ rau đặc sản cho con người.

 

Rau cải mèo là thứ đặc sản của người Mông, Sapa

Cải mèo có vị ngon và giòn, nên được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Dù chế biến đơn giản hay cầu kỳ, người nấu thường vặn tròn để ngắt rau thành từng đoạn thay vì lấy dao thái, như vậy mới đảm bảo giữ nguyên hương vị ngọt tự nhiên của cải.

Cách chế biến đơn giản và được ưa chuộng nhất là thái nhỏ, giã gừng đổ nước vào đun sôi và sau khi nêm nếm là có một bát canh nóng hổi. Rau có thể nấu cùng với thịt gà băm nhỏ cùng gừng, nêm vừa mắm, muối, sẽ dễ cảm nhận chất ngọt của thịt gà hài hòa với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.

Đồ nướng

Đồ nướng không phải là món ăn xa lạ nhưng đến với Sapa, mảnh đất của mảng sương dày, của những cái lạnh cứ mỗi chiều buông xuống thì nó lại là một đặc sản vô cùng hấp dẫn. Các nguyên liệu dùng để nướng ở đây đều mang hương sắc của núi, của rừng, của mây mờ quanh năm che phủ. Đó là những bắp ngô, củ khoai, sắn hay mía trồng trên các nương rẫy cứ thơm ngon ai đi qua cũng phải hít hà.

 

Đồ nướng không phải là món ăn xa lạ nhưng đến với Sapa, mảnh đất của mảng sương dày, của những cái lạnh cứ mỗi chiều buông xuống thì nó lại là một đặc sản vô cùng hấp dẫn

Đồ nướng ở đây không chỉ đơn giản có thế, bạn có thể tìm mua cho mình những xiên thịt nướng từ thịt lợn cắp nách vô cùng hấp dẫn. Những xiên thịt nuớng Sapa vàng ươm đượm vị còn có cả da, nhưng không hề dai mà giòn, mềm, càng ăn càng ngọt. Bởi thế nếu đã nếm thử một xiên, chẳng mấy ai có thể cầm lòng mà đành phải gọi thêm vài xiên để ăn cho thỏa. Không chỉ được tẩm ướp gia vị sao cho vừa miệng, những xiên thịt ở đây còn được quấn kèm nấm kim châm trắng và rau cải mèo xanh, vừa hấp dẫn, đẹp mắt, vừa giúp đổi vị cho thực khách nhờ sự kết hợp tuyệt hảo của các đặc sản Sapa.

 

Đồ nướng Sapa rất phong phú

Trứng gà nướng hay cơm lam nướng cũng là một trong những đặc sản ở nơi này. Trứng gà luộc, cơm lam nấu chín sau đó đem nướng trên những ngon than hồng sẽ đem lại trải nghiệm đặc biệt về hương vị. Vào những buổi tối mờ sương, khi thị trấn đã lên đèn, trong ánh sáng nhập nhoạng chập chờn, dưới tiết trời lành lạnh, được ngồi nhâm nhi những món nướng ấm áp này thì chẳng còn gì bằng cả. Ngoài ra, món nướng còn có tôm, rau củ, hạt dẻ… chắc chắn sẽ làm từng thực khách hài lòng.

Cá hồi Sapa

Loại cá được nuôi tại Sapa chủ yếu là cá hồi vân, hay còn gọi là cá hồi ráng. Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông lạnh thậm chí có cả tuyết bao phủ, chất lượng và màu sắc của cá hồi Sapa không thua kém so với bất cứ loại cá hồi nào được nhập khẩu vào Việt Nam.

 

Cá hồi vân là đặc sản của Sapa

Cá có thịt chắc, thớ săn, không có mỡ, màu hồng tươi, mềm và béo ngọt rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như sashimi, chiên xù, hấp, nấu cari…, nhưng nổi bật nhất là các món lẩu cá hồi, gỏi cá hồi, cá hồi nướng, cháo cá hồi, cá hồi tẩm bột chiên. Mỗi món ăn đều có một hương vị gì đó rất riêng, có lẽ đó là của mây, của núi của một vùng đất hoang sơ nhưng kì vỹ tạo thành.

Xôi ngũ sắc của người Tày

Đến với mảnh đất mù sương này, du khách còn có thể bắt gặp những thúng xôi nhiều màu sắc sặc sỡ của người Tày được bày bán khá nhiều ở chợ. Thông thường, xôi có 5 màu: đỏ, xanh, vàng, tím và trắng vô cùng hấp dẫn. Nếu tình cờ đi qua hàng xôi ấy, mùi thơm của loại xôi được làm từ thứ gạo nương ngon dẻo của tỏa ra thơm nức, như muốn níu lấy chân người.

Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng để nhuộm màu. Màu đỏ dùng quả gấc, lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau…

 

Đến với mảnh đất mù sương này, du khách còn có thể bắt gặp những thúng xôi nhiều màu sắc sặc sỡ của người Tày được bày bán khá nhiều ở chợ

Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 – 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải. Chia gạo ra thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu.

Sau khi nhuộm màu, đến công đoạn cuối cùng là đồ xôi. Nghe nói, khâu này đòi hỏi người nấu phải thật khéo léo mới có được món xôi như ý. Loại gạo ngâm màu nào dễ phai nhất sẽ được cho vào chõ đầu tiên, kế đến là các màu còn lại, màu trắng trên cùng. Phải đồ mỗi màu một chõ.

Trứng thuốc Bắc

Đây cũng là một trong những món ăn độc đáo của người Sapa. Món trứng sau khi luộc xong được đập dập vỏ, rồi nấu trong thuốc Bắc ít nhất 8 giờ. Khi ăn, trứng sẽ rất chắc, thơm mùi thuốc và có những đường vân vô cùng đẹp mắt. Trứng thuốc Bắc của người Sapa gần giống với món trứng tràcủa người Trung Quốc.

 

 

Món trứng thuốc Bắc ở Sapa

Tuy nhiên, cách nấu cụ thể như thế nào và có bí quyết gì để món trứng thuốc Bắc hấp dẫn bất cứ ai thưởng thức  thì chỉ có những người trực tiếp làm ra mới biết được.

(Khampha.vn)

9 MÓN CẦN KHÁM PHÁ KHI ĐẶT CHÂN ĐẾN VĨNH PHÚC

Đi Vĩnh Phúc, ngoài việc xem cướp phết, chọi trâu, ghé thăm Tam Đảo, Đại Lải… Bạn còn phải khám phá cho được 9 món ăn sau để cho cuộc du ngoạn được trọn vẹn.

1. Cá thính Lập Thạch

 

Cá thính hay cá muối chua là đặc sản của huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc)

Nguyên liệu làm món cá thính chua đơn giản nhưng công đoạn hết sức công phu và cầu kỳ. Đầu tiên, sau khi bắt hay mua về, cá được làm sạch ruột, bỏ đầu, để ráo nước. Xếp cá vào vại hay lọ thủy tinh theo thứ tự một lớp cá, một lớp muối. Tỷ lệ muối và cá là 10kg cá/1,5kg muối. Lớp trên cùng của vại phủ kín muối và dùng nan tre đậy thật kín. Để vại cá muối trong nhà khoảng 4 – 7 ngày, thì gỡ cá ra khỏi muối, dùng tay ép cho cá chảy hết nước và mang đi phơi nắng cho cá se lại.

Dùng tay nhồi bột thính (được làm từ ngô và đỗ tương rang xay thành bột) khắp mình cá từ trong ra ngoài thật đều. Rồi xếp vào vại sành đã rửa sạch. Đậy vại bằng nan tre đan thật kín rồi úp ngược vào bát nước sôi để nguội. Khoảng 2 tuần sau sẽ có món cá thính chua có mùi thơm nức của thính gạo, vị chua chua của thính lên men và đặc biệt, thịt cá phải có màu hồng ngấu chín.

Có thể chế biến cá thính chua thành nhiều món nhưng ngon nhất là đem nướng trên than hoa. Miếng thịt cá nóng hôi hổi thơm phưng phức, không chỉ “thổi bay” nồi cơm một cách nhanh chóng mà còn khiến cánh đàn ông uống đến “cạn chai”.

2. Dứa Tam Dương

 

Tam Dương là huyện trồng nhiều dứa nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Các loại dứa ở đây đều có đặc trưng riêng như dứa mật nhiều nước và rất ngọt. Dứa mỡ gà ruột màu vàng nhạt, vị chua. “Dứa Hướng Đạo” quả nhỏ, ruột dòn, vị ngọt mà dốt dốt chua, ăn ngon nhất.

 

Đến đây, ngoài việc tha hồ “ăn” dứa đến no bụng với hai cách. Một là gọt hết cả mắt và thịt dứa bên ngoài, chỉ còn ít ruột bên trong (độ nửa quả) mà ăn thì không rát lưỡi; Hoặc đập đập dứa vào gốc cây hay thớt gỗ, vừa đập vừa xoay cho cho ruột dứa nát ra nước mật, sau đó dùng dao nhọn khoét một lỗ và ghé miệng vào uống. Du khách còn có dịp ngắm nhìn rừng dứa bạt ngàn. Đẹp nhất là vào mùa quả chín, mỗi cây dứa cứ như một bông hoa xanh khổng lồ với nhụy là quả dứa vàng ươm có túm tóc xanh xanh dựng đứng trên đầu.

3. Tép Dầu đầm Vạc

 

Đầm Vạc, nơi sản sinh ra loại tép được tán tụng “Cỗ chín lợn, mười trâu/ Cũng không bằng tép Dầu Đầm Vạc”.

 

Đầm Vạc là một hồ nằm ở giữa trung tâm Thành phố Vĩnh Yên. Diện tích mặt nước rộng gần 500ha, đáy sâu nhất 4,5m, trung bình 3,8m. Đầm Vạc là nơi cung cấp một lượng lớn hải sản cho Vĩnh Phút, nổi bật nhất là tép Dầu, có người viết là “giầu”, và giải thích rằng tép giầu đầm Vạc khi rán và kho khô nó có màu sắc và hình dáng giống cái bã giầu – bã trầu, các bà các chị ở nông thôn ăn giầu vứt bỏ.

 

Tép Dầu đầm Vạc có chiều dài của từ 5-7cm, chiều ngang chừng 1cm. Mùa thu hoạch tép Dầu từ tháng 8 – 10, khi đó, bụng tép Dầu chứa đầy trứng. Tép dầu đầm Vạc xương ít và mềm, rán ăn ròn tan, béo ngậy, kho tương vừa ngọt vừa bùi. Các cụ ngày xưa đã tán tụng “đặc sản tép dầu đầm Vạc” còn ngon hơn cả thịt trâu, thịt lợn.

4. Chè kho Tứ Yên Lập Thạch

 

Tương truyền vào thế kỷ 6, làng Tứ Yên, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đầm Miêng được sử sách ghi là hồ Điển Triệt, nơi Lý Bí đắp thành chống giặc nhà Lương. Nhân dân thường tiếp tế lương khô, trong đó có món chè kho cho quân lính của Lý Nam Đế. Chè kho có thể để được 10-15 ngày không bị thiu ôi nên được nghĩa quân tích trữ làm lương khô, mang theo trận mạc dài ngày, đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Cách nấu chè kho khá đơn giản. Đậu xanh, đồ chín, giã nhuyễn. Hòa đường trắng với nước đun sôi để nguội. Trộn đậu và nước đường với nhau rồi nhào cho thật đều tay. Hay bạn có thể cho đậu xanh giã nhuyễn vào nước đường đun sôi, nấu từ từ cho đường và đậu hòa quyện vào nhau. Đơm chè bằng muỗng ra đĩa nhỏ qua miếng lá chuối đã chuẩn bị sẵn, dùng tay nén cho đĩa chè kho được tròn, mịn và chặt.

Đĩa chè có màu vàng tươi, mịn màng của đỗ giã nhuyễn, lấm tấm màu nâu của vừng phủ bên trên, vị chè ngọt đậm khác hẳn với những loại chè khác. Thưởng thức chè kho đúng cách nhất là nhâm nhi với trà sen.

5. Rượu dừa Tiên Tửu Ngọc Hoa (Yên Lạc)

 

Rượu dừa được chế biến như sau: Sau khi sơ chế phần vỏ, quả dừa được tiêm vào hỗn hợp gồm nếp cái và men theo một tỷ lệ nhất định hàn kín lại đem ủ cho đến khi có đủ hương cay nồng đặc trưng của rượu và vị thơm ngọt từ nước dừa.

Đặc trưng của một bầu rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa ngon là khi ngửi có mùi thơm mát đặc trưng của hương dừa, khi uống có vị ngọt nhẹ, đặc biệt không gây cảm giác háo nước, đau đầu.

6. Bánh trùng mật mía Vĩnh Tường

 

Bánh trùng quyến rũ mọi người với vị ngọt đậm của mật mía, mùi thơm nhẹ của gừng hòa cùng lớp bánh trắng dẻo bên trong, lẫn trong hương thơm của vừng.

Cách làm bánh trùng khá đơn giản. Gạo nếp ngon đãi sạch, ngâm qua đêm, xay mịn, để ráo. Tạo hình bánh bằng cách nắm bột thành những nắm có hình giống quả trám. Mật mía mua về, pha với nước lọc, đem đun sôi rồi thả từng viên bánh vào. Khi nước mật sôi trở lại, bánh trong là đã chín. Múc bánh ra đĩa, phủ nước mật vừa đun lên, rắc thêm một chút vừng đã rang thơm, món bánh đã sẵn sàng để thưởng thức.

7. Bánh nẳng và bánh gạo Lập Thạch

Bánh nẳng và bánh gạo rang cũng được làm bằng gạo nếp hoa vàng nhưng cách làm khác nhau.

 

Gạo nếp làm bánh nẳng được ngâm qua đêm trong nước Nẳng, vốn là tro của các cành xoan tươi, cành bưởi tươi (cả lá), trã vừng, lá dáng, lá si, tầm gửi cây dọc… Sau đó, vớt gạo ra để ráo nước, rồi gói bằng lá chít đã luộc và rửa sạch. Luộc bánh khoảng từ 5- 6h.

 

Bánh gạo rang được ngâm trong nước quả vàng dành cùng ruột cỏ bấc đèn, cây dáy và tro cây vừng đốt ra trong ba ngày đêm. Sau đó, vớt nếp ra để ráo rồi cho chõ xôi. Xôi chín đem trộn đều với mỡ heo, rải ra nia rồi dùng vồ đập đi đập lại trong vài giờ cho hạt xôi bẹt ra. Sau đó lại phơi khô, rồi để nguội, trộn mỡ heo mới cho vào chảo rang cho nổ bung ra. Đun sôi mật, rồi đổ gạo rang vào đun, quấy đều rồi đổ ra, dàn mỏng trong mâm. Dùng đoạn cây tròn lăn đi lăn lại cho bánh lèn chặt. Dùng thước và dao sắc cắt thành từng cái rồi đem gói trong giấy bóng kính.

8. Bánh gio làng Tây Đình – Tam Hợp – Bình Xuyên

 

Bánh gio Tây Đình còn gọi là bánh nắng. Cách làm món bánh như sau: Vo gạo nếp đã sang sảy thậy kỹ đến khi nước trong, để ráo rồi đem ngâm vào nước vôi trong khoảng 2 tiếng. Vớt nếp ra, để ráo nước mới đem ngâm vào nước nắng (gio than của ba loại cây: Tầm gửi cây dọc, thân lá cây vừng khô và thân cây sương song) qua một đêm, vớt ra để ráo nước.

Dùng muôi xúc gạo đó cho vào giữa lá chít đã luộc vài nước, dàn gạo đều và dài ra, gói lại lăn tròn vấn bẻ hai đầu lá kín lại dùng lạt mềm buộc chặt. Mỗi cái bánh gio chỉ dài chừng hơn gang tay. Nấu bánh trong khoảng 3 tiếng.

Lưu ý trong quá trình làm bánh gio, tất cả nguyên liệu và dụng cụ đều không được dính dầu mỡ.

9. Bánh ngõa Lũng Ngoại

Trong các món bánh của Vĩnh Phúc, bánh ngõa có công đoạn chế biến cầu kỳ và công phu nhất.

Gạo nếp vo đãi sạch, để ráo nước rồi nghiền thành bột nhỏ mịn. Đậu xanh xay vỡ đôi ngâm qua nước để vỏ đỗ bong ra, đãi sạch vỏ rồi để khô. Lấy một phần đậu xanh nấu với mật thành chè kho, phần còn lại sao trên lửa khi hạt đậu có màu vàng hạt dẻ; để nguội đem nghiền thành bột nhỏ mịn.

 

Trộn nước với bột gạo nếp nhào dẻo thành một cục, chia thành các viên nhỏ, rồi dàn mỏng từng cục, cho chè kho vào giữa làm nhân rồi vê kín bánh. Đun sôi nước, thả bánh vào luộc. Khi bánh nổi lên là đã chín. Vớt nhẹ từng cái, chờ ráo nước rồi cho vào mâm đã rắc bột đậu làm áo. Trở đều hai mặt bánh sao cho càng ngấm nhiều bột áo, càng tốt.

Theo An Huỳnh (Infonet)

9 MÓN ĂN KHÔNG THỂ THIẾU TRONG NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN TẠI MIỀN BẮC

Ngày Tết hẳn gia đình nào dù có ‘hiện đại’ cách mấy cũng không thể thiếu những món ăn truyền thống. Tùy theo vùng miền mà thực đơn ngày Tết bao gồm những món khác nhau. Sau đây mời các bạn đến với mâm ăn truyền thống của miền Bắc – nơi vẫn giữ gìn những gì cổ truyền nhất trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam.

 

Mâm ăn ngày Tết còn là mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên, vì vậy các món ăn miền Bắc vào ngày Tết thường không chỉ ngon mà còn đẹp và tốt cho sức khỏe.

1. Bánh chưng

Bánh chưng. Ảnh: Vietq.

Trong khi miền Nam và miền Trung ăn bánh Tét với dưa món, dưa kiệu thì miền Bắc là kiểu gói bánh chưng truyền thống ăn với dưa hành. Bánh chưng có hình vuông, có thể to bằng bàn tay nhưng với bánh Tết thường gói to. Bánh chưng thường được gói rất vuông vức, và bằng lá dong chứ không bằng lá chuối như gói bánh Tét. Các thành phần trong bánh chưng thường gồm nếp, nhân đậu xanh, thịt mỡ, thịt ba chỉ, tiêu, có thể cho thêm hành.

2. Dưa hành

Dưa hành. Ảnh: Tổ Ấm Việt.

Dưa hành là loại ăn kèm không thể thiếu khi ăn những món béo ngậy của ngày Tết như bánh chưng, thịt đông, thịt kho tàu, chân giò muối… Dưa hành có vị cay nhẹ, hăng, thơm, chua thanh… thật khác với vị đậm ngọt của dưa món, dưa kiệu trong miền Nam. Dưa hành không chỉ giúp cho món ăn ngon, điều hòa hơn mà còn giúp cho cơ thể dễ tiêu hóa.

Xem CÁCH LÀM DƯA HÀNH

3. Giò nạc, giò thủ

Giò nạc, miền trong còn gọi là chả lụa. Ảnh: Citinews.

Giò tai (trong nam gọi Giò thủ)

Mâm cỗ cổ truyền của người miền Bắc không thể thiếu giò, chả. Món ăn này luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong bàn tiệc.

XeM CÁCH LÀM GIÒ THỦ

4. Thịt đông

Xem: CÁCH LÀM THỊT ĐÔNG

Thịt đông. Ảnh: Nauanngon.

Thịt đông (chân giò nấu đông) là món ăn rất ngon, phổ biến ở miền Bắc Việt trong những ngày trời lạnh, nhất là dịp Tết. Khi làm món này, nên nêm hơi nhạt một tí, khi ăn kèm theo nước mắm sẽ ngon hơn.

5. Nem rán

Nem rán. Ảnh: Vietnamonline.

Nem rán một món ăn không chỉ quen thuộc trong bữa cơm gia đình hàng ngày mà còn là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết truyền thống miền bắc. Những miếng nem được chiên vàng với lớp vỏ ngoài giòn rụm, nhân bên trong có thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm. Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, khéo điều hòa các vị mặn, ngọt, chua, cay quyện vào nhau cho đậm đà tròn vị.

6. Canh măng khô

Canh măng khô. Ảnh: yeutretho.

Măng khô làm trung hòa vị béo của thịt lợn, tạo nên vị ngọt thanh mà không ngấy cho món ăn cổ truyền này.

7. Canh bóng thả

Canh bóng thả. Ảnh: Tổ Ấm Việt.

Canh bóng không chỉ ngon mà còn hấp dẫn thực khách bởi màu sắc sinh động: Đỏ của cà rốt, xanh bông cải xanh và đậu Hà Lan, trắng trong của bóng bì, nâu sậm của nấm hương, vàng của chả cá…

8. Gà luộc

Gà luộc. Ảnh: Tổ Ấm Việt.

Món gà luộc để cúng trong đêm Giao thừa và ngày đầu năm mới. Người ta tin rằng món ăn này dâng lên đất trời ngày đầu xuân sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy. Khi ăn những miếng thịt gà có màu vàng tươi, rắc thêm lá chanh thái nhỏ chấm với muối tiêu chanh ớt tạo nên một hương vị đặc trưng.

9. Chè kho

Xem CÁCH LÀM CHÈ KHO NGON

Chè kho. Ảnh: Tổ Ấm Việt.

Đây là món ăn ngày Tết ở miền Bắc, quen thuộc nhất với người dân Hà Nội. Chè kho rất giản dị trong việc kết hợp nguyên liệu, chỉ cần đậu xanh, vừng trắng và đường cát là có thể nấu thành nồi chè. Chè có một hương vị đặc biệt thơm thơm mùi của đỗ xanh, chút thoang thoảng của nước hoa bưởi ăn vừa mát vừa mềm mịn tan ngay trong miệng.

Lê Hà Ngọc Trâm (VNexpress.net):

NHỮNG MÓN DU KHÁCH NÊN THƯỞNG THỨC KHI ĐẾN VỚI ĐẤT TỔ PHÚ THỌ

 Phú Thọ được coi là mảnh đất cội nguồn của người Việt, là nơi các vua Hùng đã dựng nên nhà nước Văn Lang – quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Đến với Phú Thọ, không chỉ để thăm viếng những di tích lịch sử, những con sông, ngọn núi hùng vĩ, mà còn là dịp để du khách thưởng thức những món rất dân dã mà đặc sắc của người dân nơi đây.

Bánh sắn

Đây là món ăn dân dã mà hàng trăm ngàn khách thập phương khi đến viếng thăm Đền Hùng đều mua về để làm quà cho gia đình bạn bè. Món ăn không chỉ thơm bùi của vị sắn nếp đặc sản nơi đây mà còn béo ngậy quyến rũ lòng người.

Chè

Nếu du khách thích đến Sapa để trải nghiệm không khí lạnh lẽo mập mờ sương khói, cái cheo leo của những con đường men theo sườn núi hay những mảnh ruộng bậc thang nối tiếp trùng điệp nhiều màu sắc của mùa lúa chín thì chắc chắn đến với Phú Thọ, người ta sẽ bị mê mẩn và lôi cuốn bởi những đồi chè xanh mướt, non tơ. Những hàng chè cứ quẩn quanh, ôm ấp, bao trùm lên những ngọn đồi đất đỏ, uốn lượn rất tự nhiên nhưng đó thực sự là một kiến tạo của con người.


Những đồi chè xanh mướt, non tơ uốn lượn trên các sườn đồi (Ảnh: Internet)

Không chỉ chè sấy khô mới được ưa chuộng mà thứ chè xanh tươi mát cũng được sử dụng như một thứ nước uống thường ngày. Mùa hè hay mùa đông, được nhấp một ngụm chè xanh trong thì chẳng ai có thể chê được.

Sản phẩm chè – đặc sản Phú Thọ – khá đa dạng, ngoài chè đen, chè xanh là chủ đạo bước đầu đã có sản phẩm chè ô long, chè lipton, chè ướp hương… được xuất khẩu ra thế giới. Đến đây, với nhiều loại chè phong phú như vậy, bạn có thể tha hồ thưởng thức loại nào mình thích.

Quả cọ

Người ta chỉ biết đến cây cọ mà ít biết rằng, trái cọ cũng là một thứ quà ngon và là đặc sản của mảnh đất này. Khi những cơn gió đầu mùa se lạnh bắt đầu dập dìu bên những sườn đồi cũng là lúc quả cọ chín già, đen bóng, sai lúc lỉu từng chùm, đung đưa đón mùa về. Khi ấy, người dân thường đi hái quả, thứ quả mang vị bùi, chát được lắng đọng qua mưa và nắng gió trung du.

Khi những cơn gió đầu mùa se lạnh bắt đầu dập dìu bên những sườn đồi cũng là lúc quả cọ chín già, đen bóng, sai lúc lỉu từng chùm (Ảnh: Internet)

Quả cọ được hái về rửa sạch bụi đất rồi đem làm ỏm. Khi ỏm cọ phải chú ý thời gian cho phù hợp với độ sôi của nước, nếu không khéo cọ sẽ bị tóp lại, cứng chát không ăn được. Thế nên ỏm được một mẻ cọ ngon là phải khéo léo, kì công.

Quả cọ khi đã ỏm có màu nâu sậm, lúc ỏm xong dầu cọ nổi như váng mỡ bám quanh nồi, bóp vào mà quả thấy mềm, cho màu vàng ươm là ngon nhất. Người ăn cọ sành là người biết chọn cho mình những quả cọ tròn, cùi dầy có màu vàng như mật ong, khi nhấm nháp còn thấy bùi, ngọt béo ngậy, thơm đặc, dẻo dính ở răng thì đó chính là loài cọ nếp quý.


Cọ ỏm xong có màu nâu sẫm, bên trong thịt cọ vàng ươm, béo ngậy (Ảnh: Internet)

Cọ ỏm chấm với nước mắm là ngon nhất thế nhưng tùy thuộc khẩu vị từng người có thể thay bằng bột canh hay tương ớt, muối lạc, muối vừng…

Cơm nắm lá cọ thơm ngon (Ảnh: Internet)

Ngoài cọ ỏm, người ta còn làm dưa cọ muối, xôi cọ. Thậm chí là cơm nắm với lá cọ… Dù là món ăn gì đi nữa thì cây cọ vẫn luôn mang cái hồn và thần thái của người người vùng đất trung du này.

Thịt chua

Cũng là một loại thịt thính giống như nem chua Thanh Hóa, nem nắm Nam Định, nem Phùng, nhưng thịt chua Phú Thọ có sự khác biệt về hương vị. Đây là món ăn gốc của người Mường trên mảnh đất Thanh Sơn nhiều đồi núi. Nhưng bởi sự thơm ngon đặc biệt được ưa thích nên thịt chua đã lan truyền sang nhiều vùng khác trong tỉnh, khiến món ăn ngày càng trở nên nổi tiếng và trở thành một thứ đặc sản quà tặng đặc sắc nơi đây.

Thịt chua – đặc sản Phú Thọ –  có cách làm khá đơn giản nhưng để có một lọ thịt chua hấp dẫn và đạt yêu cầu lại là cả một nghệ thuật, và nó thể hiện qua sự chọn lọc kỹ càng để có các nguyên liệu tốt nhất cũng như quy trình thực hiện chính xác, nghiêm ngặt. Bởi thế, dù nhiều nơi cũng có món thịt chua nhưng chỉ ở Thanh Sơn – Phú Thọ người ta mới tìm được thứ hương vị mà mình thích nhất.

Bí quyết tạo nên thành công cho món thịt chua chính là ở khâu rang thính. Thính rang phải đảm bảo yêu cầu chín kỹ, dậy thơm, vàng và không được để cháy. Sau khi được trộn đều với thính, thịt được cho vào ống bương, ống tre để chứa đựng (tuy nhiên, hiện nay để tiện cho thương mại hóa sản phẩm người sản xuất thường dùng lọ nhựa). Lót lá ổi xuống dưới dụng cụ chứa đựng thành một hai lớp, lèn thật chặt thịt vào trong và phủ vài lớp lá ổi lên lớp thịt trên bề mặt dụng cụ chứa đựng, nén chặt bằng một vài nẹp tre gài chéo.

Thịt chua ăn ngon nhất khi thưởng thức cùng với lá ổi, lá sung, đinh lăng, lá mơ tam thể, lộc vừng, nhội, rau thơm… Chỉ cần cho một miếng thịt chua thơm phức vào những chiếc lá này cuộn lại, chấm với tương ớt cay cay rồi thả vào miệng nhai chậm rãi. Đơn giản bấy nhiêu thôi mà thực khách có thể thưởng thức được bao nhiêu hương vị chua, ngọt của thịt, thơm của gia vị, và cả sức sáng tạo tài tình trong ẩm thực của con người. Nếu một lần đến mảnh đất Trung du mưa nắng thuận hòa này nhất định bạn phải nếm thử món thịt chua, và có lẽ sự hấp dẫn của thứ thịt là này chính là sợi dây níu bao lữ khách, đi rồi vẫn muốn trở lại đầy luyến tiếc.

Bánh Tai

Chẳng rõ từ bao giờ món bánh tai nổi tiếng lại xuất hiện ở thị xã Phú Thọ, món bánh làm nức lòng bao khách phương xa thưởng thức. Nghe nói, bánh tai trước kia được gọi là bánh trai vì bánh được nặn theo hình con trai, sau đó được gọi tắt là bánh tai. Bánh được làm vẫn những nguyên liệu đó nhưng dài hơn và nặng hơn.

Món bánh tai là đặc sản ngon của vùng thị xã Phú Thọ

Để làm được chiếc bánh tai ngon thì trước tiên là phải chọn được loại gạo tẻ ngon, trắng, dẻo, đây là khâu quan trọng quyết định đến chất lượng của chiếc bánh tai. Xong rồi đến kỹ thuật làm bánh, nhân bánh. Qua những bàn tay nhào nặn tài tình, những bí quyết gia truyền riêng, những chiếc bánh tai nóng hổi đã ra lò thơm mùi bột quyện trong mùi thịt, hành ngây ngất.

Ở nơi đây, bánh tai là thứ quà sáng rất đặc biệt bởi nó dễ ăn, lại lành tính. Khi ăn, phải nếm chậm rãi, cắn từng miếng nhỏ mới có thể cảm nhận hết được hương vị trong từng miếng bánh. Thưởng thức xong rồi mà mùi thơm của bánh vẫn còn phảng phất đâu đây mãi chẳng rời.

Bưởi Đoan Hùng

Đến với mảnh đất Phú Thọ linh thiêng của tổ tiên, lữ khách còn được thưởng thức đặc sản trái cây của nơi này. Đó là bưởi Đoan Hùng. Đã từ lâu giống bưởi này không chỉ nổi tiếng tại quê hương mà còn nức tiếng khắp Nam Bắc xa gần.

Đến đây, ai cũng muốn tìm mua cho mình vài trái bưởi để thưởng thức và đem làm quà biếu. So với các loại bưởi nối tiếng khác trong cả nước như bưởi Da xanh, bưởi Năm Roi, bưởi Diễn thì bưởi Đoan Hùng có chút khác biệt. Bưởi có quả hình cầu dẹt, quả chưa đầy 1 kg, chín màu vàng sáng, vỏ hơi héo, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, đặc trưng bởi hương vị thơm, ngon, ngọt, mát.

Bưởi Đoan Hùng, Phú Thọ nổi tiếng khắp nơi trong cả nước (Ảnh: Internet)

Giống bưởi ở đây còn quý ở chỗ, có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, khi bổ ra, ăn vẫn ngọt, ngon như thường. Ngoài kỹ thuật trồng ra, có lẽ, bưởi Đoan Hùng còn ngon và nổi tiếng nhờ thiên nhiên ưu đãi, nằm trên khu vực ngã ba sông của con sông Lô và sông Chảy, quanh năm phù sa bồi đắp. Cùng những chất đất đặc biệt ở các khu vườn này. Chính vì thế, dù ai đó có cố gắng xin giống bưởi này về trồng thì hương vị cũng vẫn thua xa vài bậc.

Chỉ một lần nếm miếng bưởi với tép bưởi trắng, mềm mọng nước và ngọt lịm, thơm ngây ngất khiến ta tưởng chừng như vị bưởi như đang tan vào tận ruột gan, da thịt (Ảnh: Internet)

Ở Đoan Hùng, bưởi của xã Chí Đám và Bằng Luân là ngon nhất. Chỉ một lần nếm miếng bưởi với tép bưởi trắng, mềm mọng nước và ngọt lịm, thơm ngây ngất khiến ta tưởng chừng như vị bưởi như đang tan vào tận ruột gan, da thịt.

Rau sắn

Nhiều thực khách chỉ quen thưởng thức củ sắn trắng thơm, bở, bùi mà ít ai biết rằng rau sắn cũng là một đặc sản. Và chính ở mảnh đất trung du này đã biến thứ rau dân dã ấy thành những món ăn tuy không sang trọng nhưng ngon và ấn tượng. Để chế biến thành các món khác nhau, trước tiên rau sắn được hái về đem muối chua giống như bạn làm dưa cải vậy nhưng công đoạn có sự khác biệt.

Rau sắn muối ngon thì phải biết chọn nguyên liệu. Những búp sắn non mập mạp còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi, hái về ngâm qua nước cho bớt nhựa rồi được vò nát. Người vò phải khéo léo làm sao cho lá sắn mềm, sóng đều nguyên búp chứ không vụn thành từng đoạn.

Dưa rau sắn tuy đơn sơ, giản dị nhưng lại khiến người ăn mê mệt bởi hương vị ngon và lạ (Ảnh: Internet)

Sau khi vò xong, trộn lá sắn với chút muối cho thêm vị đậm đà. Cách này cũng giúp cho rau sắn nhanh chua hơn và để lâu ngày không bị hỏng, bị váng. Bởi vậy khi thêm muối cũng phải lựa sao cho rau không quá mặn mà khó nấu, cũng không quá nhạt để nổi váng, rau dễ bị hỏng. Rau sắn sau khi đã trộn muối đem cho vào vại hoặc bình, để 4 đến 5 ngày ủ chua.

Một kiểu nấu canh rau sắn (Ảnh: Internet)

Rau sắn muối có màu vàng đều, dậy mùi thơm hấp dẫn và tưởng chừng như dù có thưởng thức bất cứ món ngon nào cũng không thể quên hương vị món dưa sắn.

Từ thứ dưa rau sắn này, người ta có thể xào, nấu canh cá, làm nộm (gỏi), kho cá… Mỗi món ăn mang một hương vị thân thương của gia đình, của tình yêu quê hương của những người con xa quê khi nhớ về. Bao thực khách đến đây, dù sang trọng hay bình thường cũng đều bị thứ hương dưa sắn quyến rũ. Những bát canh cứ đầy lại vơi, những món xào chỉ hết trong nháy mắt… thật thích thú biết bao.

Rêu đá Thanh Sơn

Thanh Sơn là mảnh đất rộng và có lẽ là nhiều đồi núi nhất của Phú Thọ. Nó cũng là nơi sản sinh nhiều món ăn ngon, độc đáo. Bên cạnh món thịt chua đặc sắc, còn có món rêu đá mà không phải ai cũng biết đến. Nói đến rêu đá – đặc sản Phú Thọ, nhiều người sẽ nghĩ rêu làm sao mà ăn được, nhưng thực tế, đến với một số xã như Đồng Sơn, Thu Cúc, Thượng Cửu… của huyện này, quý lắm mới được người nơi đây mời, đãi món này. Nó được coi như là một thứ rau sạch của những người vùng cao.

Đi lấy rêu (Ảnh: Internet)

Rêu đã được rửa và đập sạch (Ảnh: Internet)

Khi rêu được lấy về, làm sạch sẽ được đem tẩm ướp gia vị. Đó là tỏi thái mỏng, muối, mì chính, cộng thêm hành và chút mỡ lợn rồi trộn đều, dùng lá đu đủ (hoặc lá rong) gói thành nhiều lớp buộc chặt lại. Lớp lá đu đủ bén lửa bốc lên mùi cay cay, thơm thơm. Đợi đến khi những lá đu đủ bên ngoài chuyển thành màu đen, họ mới bóc từng lớp lá ra để thưởng thức. Mùi tỏi và hành quyện với mùi nồng nồng của rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng biệt và khó quên.

Rêu được chuẩn bị nướng (Ảnh: Internet)

Thông thường món ăn này được làm vào buổi tối vì đó là lúc có mặt đông đủ mọi thành viên trong gia đình.

(Khampha.vn)

Những món bánh truyền thống ngon của miền Bắc

Bánh cuốn:

Bánh cuốn được làm rất công phu. Bột làm bánh phải làm từ thứ gạo ngon, được xay thật nhuyễn thì bánh mới không nồng, sắc bánh mới trắng.

Nồi tráng bánh phải rửa thật sạch, thường giống như chiếc nồi đồ xôi, bên dưới đựng nước, bên trên để tráng bánh. Tráng bánh phải mỏng như tờ giấy, mướt như mạ non, mỡ thoa phải đều tay cho mướt mặt bánh để khi nếm vào thì thanh nhẹ, mát rượi. Phết nhân bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo sao cho bánh không thô, nhân đều từng cái.

Sau khi xếp lần lượt hết vào đĩa, một ít ruốc tôm sẽ được rắc lên trên các miếng bánh cuốn và trên cùng điểm vài cọng rau thơm như rau bạc hà, rau mùi…

Nước chấm được pha đủ vị chua, cay, ngọt… (có pha thêm chút nước sôi nên bao giờ cũng nóng). Chả ăn kèm với bánh cuốn cũng có vị rất đặc biệt, không giống với bất kỳ loại chả phổ thông nào bày bán ngoài thị trường, bởi nó vừa beo béo, vừa giòn, ngọn lịm, lại thơm phưng phức. Khi ăn bánh cuốn sẽ kèm theo 1 đĩa nhỏ rau thơm bày ra bàn ăn.

Bánh cuốn Thanh Trì

Bánh cuốn Thanh Trì được làm từ gạo gié cánh, tám thơm, tráng mỏng như tờ giấy. Món ăn ấy đã trở thành đặc sản được yêu thích nhất của vùng ngoại thành này.

Gọi là bánh cuốn mà chẳng cuốn thứ gì hết, ấy là bánh cuốn Thanh Trì. Đó chỉ thuần là những lá bánh được tráng mỏng như tờ giấy, mướt như mạ non, xếp gọn gàng ngay ngắn từng lớp từng lớp trong lòng một chiếc thúng, trên phủ tờ lá sen hay lá chuối, lá dong. Bánh cuốn Thanh Trì không bao giờ nằm tòng teng trên hai đầu quang gánh. Người bán luôn đội thúng bánh trên đầu, ve vẩy đôi tay mà đi khắp ba mươi sáu phố phường Hà Nội.

Bánh tẻ Phú Nhi

Bánh tẻ có nơi còn gọi là bánh răng bừa, là thứ bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng, ít nhiều khác nhau. Có thể kể ra một số loại bánh tẻ nổi tiếng như bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh), bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Tây), bánh tẻ ở Văn Giang, Hưng Yên (hay còn gọi là bánh răng bừa), bánh lá ở Khoái Châu, Hưng Yên. Ở Mỹ Đức, Hà Tây cũng có bánh tẻ nhưng ít nổi tiếng hơn.

Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gói bằng lá dong hay lá chuối và được luộc cho chín. Bánh tẻ chấm với nước mắm rắc hạt tiêu xay hoặc chấm với tương. Ở một số nơi thực khách còn dùng thêm món chả gà và một ít dầu cà cuống cho vào nước mắm để tăng thêm hương vị của món bánh.

Bánh Gio

Có nơi còn gọi là bánh Gio, thứ bánh làm bằng gạo nếp gói lá dong, có màu vàng trong suốt như hổ phách, ăn thấy mát và dẻo. Muốn làm loại bánh này phải lựa loại gạo nếp ngon, nhặt hết các hạt tẻ lẫn trong gạo rồi để ráo. Điều thiết yếu nhất trong bánh này là gạo phải ngâm với nước gio mới thành bánh gio được.

Gạo nếp ngâm với nước gio qua một đêm vớt ra để ráo rồi gói lại bằng lá dong non đã luộc chín. Có thể gói thành bánh dài, ghép hai mép lá với nhau rồi gấp hai đầu lại buộc lạt cho vào nồi luộc chín.

Bánh gio thơm, thoang thoảng mùi vôi, vị ngọt thanh và mát. Ngoài bánh gio ở Phủ Từ còn có bánh gio Yên Thái cũng là những nơi có tiếng làm bánh gio ngon nhất đất kinh thành xưa.

Ngày nay bạn có thể qua chợ Hôm Đức Viên, cổng ra phía phố Huế có bày bán rất nhiều thứ bánh dân dã này. Và ở đây bạn sẽ được thưởng thức vị ngọt mát của mật mía.

Bánh đúc

Chỉ cần một lần được thưởng thức là đã biết bánh đúc có phong vị đặc trưng rất riêng rồi. Cái vị ngon của bất cứ loại bánh đúc lạc hay bánh đúc dừa, bánh đúc chay, bánh đúc om chua, bánh đúc sốt cũng đều phải khởi đầu là thứ bột xay thật nhuyễn, nước vôi gia vừa tay, bánh khuấy thật kỹ để nguội ăn không bị nồng và bẻ ra từng tấm bánh thì giòn dai mà không cứng.

Bánh đúc khuấy khéo ăn trơn tuột, khi nhai thấy thơm ngát, thi thoảng sậm sựt một vài sợi dừa bùi hoặc miếng lạc. Muốn cho đậm đà thì chấm bánh đúc với muối vừng hay nước tương cũng rất thi vị.

Bánh gai

Bánh gai là một loại bánh ngọt truyền thống của miền Bắc, bắt nguồn từ vùng Đồng bằng Bắc bộ ở Việt Nam. Vỏ bánh làm bằng gạo nếp xay mịn cán mỏng rồi cắt thành từng mảng vuông đều nhau và đặt nhân vào giữa mảng bột, vo lại bao kín lấy nhân. Sau đó lăn lên lớp vừng rang đã xát vỏ rắc sẵn trên măt mâm. Lăn vừng xong là gói bánh. Bánh có dạng hình vuông, màu đen, gói trong lá gai xám.

Khi ăn bánh gai có vị ngot hao hao của mùi bánh dẻo mềm kết hợp với vị ngọt mát của nhân đỗ xanh đồ chín giã nhuyễn nấu với đường ính. Ngoài ra còn có vị bùi béo của cùi dừa nạo nhỏ nhai giòn và mét bí vụn cùng với mứt sen bở tan trong vị ngọt thơm cùng với vị béo ngây của miếng mỡ thái vuông nhỏ hạt lựu có pha thoang thoảng mùi thơm dầu chuối khiến cho người thưởng thức đã ăn một lại muốn ăn thêm hai.

Bánh khúc

Bánh khúc hay còn gọi là xôi khúc là loại bánh có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, đươc làm từ lá rau khúc, gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt lợn mỡ. Bánh thường ngon nhất là làm vào mùa có rau khúc – dịp tháng 2, tháng 3 Âm lịch.

Ở Hà Nội, bánh thường được rao bán vào các buổi tối, người bán (thường là nam) đội thúng bánh trên đầu đi dọc các phố và rao “Khúc đê…” với một âm điệu rất đặc biệt.

Nguyên liệu chủ đạo làm nên hương vị đặc trưng của món bánh này là lá khúc. Lá khúc tươi non được hái từ buổi sớm rồi giã nhuyễn trộn với bột gạo để làm vỏ bánh. Vào mùa không có rau khúc, có người dùng lá su hào để thay lá khúc, nhưng bánh làm từ lá su hào không thể có được hương thơm đặc trưng của bánh làm từ lá khúc.

Nhân bánh được làm từ đậu xanh bỏ vỏ, ngâm nước cho bở, đồ chín tới, giã thật mịn, viên lại bằng quả trứng gà cùng với thịt ba chỉ thái hạt lựu, rắc thêm chút hạt tiêu cho dậy mùi.

Bánh trôi, bánh chay

Bánh trôi – bánh chay, xuất phát từ bánh Trung Quốc [1] là hai loại bánh cổ truyền tại miền Bắc Việt Nam. Hai loại bánh này thường đi liền với nhau, phổ biến nhất trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, còn gọi là “ngày bánh trôi bánh chay”.

Nhưng riêng ở Hà Nội thì “tục” đó đã kéo dài trong suốt một năm bởi bánh trôi bánh chay đã liệt vào hạng quà ở Hà Nội. Người Hà Nội ăn thứ bánh này vào bất kỳ lúc nào trong ngày cũng được. Nhìn viên bánh trôi trắng muốt xếp hàng liền nhau trên chiếc đĩa con con phảng phất mùi nước hoa bưởi làm dậy lên sự ham muốn được thưởng thức thứ bánh ngon, ngọt, mềm dẻo này.

Bánh cốm

Bánh cốm là một trong những đặc sản Hà Nội. Trước năm 1945 đã có nhiều nhà làm bánh cốm nhưng giới sành ăn thường kém bánh cốm Nguyên Ninh.

Bánh cốm Nguyên Ninh được kén từ nguyên liệu cốm đặc biệt của làng Vòng. Nên khi đã mua được cốm rồi thì đem giã cốm cho nhuyễn, hồ nước lá riềng, lá mây cho có màu xanh lá mạ rồi đem xào với đường trắng. Nhân bánh làm từ đậu xanh đồ chín giã nhuyễn điểm thêm những sợi dừa tươi trắng muốt nên khi ăn bánh có vị ngọt đậm lại có vị bùi ngây của dừa và thoang thoảng mùi thơm quyến rũ của vị cốm non.

Bánh dày Quán Gánh

Bánh dày Quán Gánh đã từ lâu nổi tiếng ngon thơm, mềm dẻo, có màu sắc hương vị rất riêng. Tấm bánh hinh tròn và dẹt chỉ to bằng một khoanh cam. Vỏ bánh dày làm từ gạo nếp cái giã mịn, mượt mà, giữa ở mờ mờ nổi lên màu vàng nhạt của nhân đậu xanh. Mỗi chiếc bánh đều có một vòng lá chuối tươi xanh mướt nhẵn bóng lót dưới. Mỗi lần bóc lá bánh ta đều phải nhẹ nhang, tước lần lượt từng mảnh nhỏ để cho bánh khỏi dính.

Những món phải thử khi đi phượt ở Lai Châu

Cùng Phượt – Đến với Lai Châu để thưởng thức các món ăn ngon đậm chất núi, quyện hương rừng vào vương vất cái lạnh của miền cao.

(Ảnh – Ho Anh Vu)

Cái tên lợn “cắp nách” (một số nơi gọi là lợn lửng) là loại lợn đặc sản chỉ có ở vùng cao. Mỗi con chừng 10-15kg, con nào to cũng chỉ khoảng 20kg. Ăn thịt lợn “cắp nách” chẳng khác nào ăn thịt thú rừng mà không phạm pháp, bởi vì loài lợn này được thả vào trong rừng từ khi mới đẻ, tự kiếm ăn để sống.

Lợn “cắp nách” được ra đời từ thói quen chăn nuôi lạc hậu của bà con các dân tộc vùng cao như: Dao, Thái, Mông… Đây thực chất là giống lợn đặc trưng truyền thống chuyên thả rông chẳng phải nuôi dưỡng của đồng bào. Muốn có một đàn lợn “cắp nách” thì chỉ cần mua một đôi, gồm một con đực và một con cái, sau đó thả chúng vào khu rừng gần nhà mình. Đôi lợn đó sẽ luôn đi bên nhau, làm ổ trong rừng, tự kiếm ăn. Đến mùa sinh sản thì chúng giao phối và đẻ ra cả đàn lợn hàng chục con chỉ to hơn ngón chân cái.
Lợn cắp nách trong các phiên chợ vùng cao (Ảnh – Sabishii Osake)

Loài lợn này có sức chịu đựng rất giỏi, chúng tìm củ, rễ cây rừng nhai lá cây là có thể sống được. Lợn mới đẻ có thể chạy nhảy và kiếm ăn ngay được, chúng chỉ theo bố mẹ vài ngày rồi tự tách ra. Cả lũ lợn con đi kiếm ăn thành đàn đến khi nào trưởng thành, có thể sinh sản mới tự tách ra. Điều đặc biệt là loài lợn này tuy tự kiếm sống ở trong rừng, song chúng không bao giờ đi xa, chỉ quanh quẩn ở một khoảng cách nhất định. Có hộ thì tạo thói quen cho chúng tự về ổ do ông bà chủ làm sẵn ngay đằng sau nhà hay dưới gầm sàn. Còn những đàn lợn “ở ẩn” trong rừng thì chúng đã đánh dấu lãnh địa của mình. Muốn xem đàn lợn đã lớn chưa, người ta chỉ việc vào rừng tìm chúng hoặc ban đêm lần vào ổ của chúng để xem. Ổ được làm bằng những cành cây, lá cây khô. Muốn bắt chúng cũng rất dễ, người ta có những tiếng kêu đặc trưng để dụ chúng đến rồi bắt.

Chính vì không được nuôi dưỡng nên lợn lửng thuộc loại siêu chậm lớn, mỗi năm chúng chỉ tăng tối đa là 10kg, sau đó hầu như không tăng nữa. Chính vì ăn cỏ cây, lại chậm lớn nên thịt chúng rất thơm ngon, hầu như không có mỡ, miếng nào có một tý mỡ thì cũng không ngấy.

Cá bống vùi gio

Cá bống chỉ chọn loại to bằng ngón tay

Cá bống nơi đây thường được bắt ở các con sông, con suối, con cá bống nào to lắm mới bằng ngón tay trỏ của người lớn. Để có được món cá bống vùi gio ngon và đẹp mắt phải trải qua khá nhiều bước tiến hành kì công, đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm của người chế biến. Điều đó được thể hiện khi chọn nguyên liệu để chế biến như: Cá bống phải chọn con đều nhau, các loại gia vị sả, ớt, gừng, hạt tiêu, mắc khén … lá húng, và lá hom húng phải được băm nhỏ, lá dong phải là lá bánh tẻ, khổ to vừa không bị rách và rưả sạch để khô. Cá bống được sơ chế sạch sẽ và tẩm ướp với các gia vị đã được chuẩn bị sẵn. Sau khi ướp được chừng 15- 30 phút, chúng ta sẽ khéo léo gói gọn trong lá dong và được vùi vào trong gio nóng, khoảng 30 phút lại lật lại 1 lần, cứ như thế vài lần cá sẽ chín.

Cá bống vùi tro (Ảnh – Lê Bích)

Khi thưởng thức món ăn ta sẽ  nhận thấy mùi thơm đặc biệt của các gia vị núi rừng được pha chộn 1 cách hoàn hảo, vị ngậy mà không béo cuả cá, và mùi thơm nhè nhẹ của lá dong nướng. Món này vừa có thể là món nhắm rượu, vừa có thể là món ăn cùng cơm nóng hoặc xôi.

Xôi tím

xoi-tim

Xôi tím được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, Dáy… làm với những bí quyết riêng. Từ những hạt gạo nếp nương thơm dẻo, hạt to đều không lẫn tẻ, hương thơm ngọt, đem vo sạch rồi ngâm trong nước lã từ 6 – 8 giờ. Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là Khẩu cắm (loại cây này chỉ có ở miền núi). Cây Khẩu cắm bẻ cả cành, lá rửa sạch, đem luộc. Luộc lá sôi chừng năm phút, khi thấy nước chuyển sang màu tím, sánh là được. Để nước lá nguội bớt rồi chút gạo nếp vào ngâm thêm 2 đến 3 giờ. Đồ xôi tím phải đồ bằng chõ gỗ được đục từ thân cây sung, lửa củi mới có được mùi vị thơm ngon hơn cả. Đồ đến khi hạt gạo chín nục, xới từng lớp xôi thấy màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt là đã hoàn thành quy trình nấu xôi. Ngoài hương vị thơm ngon, ngậy mà không ngán, xôi tím còn hấp dẫn bởi màu sắc và chất của loại lá cây rừng. Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc ở Lai Châu, cây Khẩu cắm dùng đồ xôi còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt.

Nếu có dịp đến với các phiên chợ như chợ Dào San, chợ Sìn Hồ, hay chợ San Thàng… du khách sẽ ấn tượng với hình ảnh những cô gái dân tộc gùi những gùi xôi xuống chợ bán, quanh mình tỏa ra mùi thơm dẻo của gạo nếp nương và đặc biệt là màu tím đặc trưng vô cùng hấp dẫn. Thư thái ngồi bên bếp lửa thưởng thức xôi tím với cá nướng Pa pỉnh tộp hay miếng chả quế, thực khách sẽ cảm nhận được cả dư vị của núi rừng

Thịt lợn hun khói

Thịt lợn hun khói là một món ăn truyền thống của một số dân tộc vùng cao nói chung và người Pu Nả nói riêng. Thịt lợn hun khói không phải lúc nào cũng làm được, mùa nào cũng làm được mà làm thịt hun khói có mùa và phải làm đúng mùa, vì nếu làm trái mùa thịt sẽ bị ôi. Mùa làm thịt hun khói tốt nhất ngon nhất là mùa đông.

Thịt hun khói trong một bữa ăn

Khi mổ xong con lợn, người ta phanh con lợn ra, rồi lấy bộ lòng dội nước rửa sạch con lợn, không để một tý tiết còn dính vào thịt. Sau đó lấy dao dọc thịt lợn theo xương sườn thành miếng dài. Cứ mỗi xương sườn một miếng. Các miếng thịt dọc ra trước khi ướp không được dính nước lã và ướp ngay khi thịt còn nóng. Khi ướp xong cho vào chảo to hoặc chiếc thùng gỗ để ướp từ 5 đến 7 ngày mới bỏ ra để treo lên gác bếp sấy. Sấy đến khi nào thấy miếng thịt thật khô và mỡ bắt đầu chảy xuống là được. Các hương vị và gia vị để ướp thịt gồm có: Muối biển rang khô; Ớt quả khô; Thảo quả khô, nướng; Hạt tiêu rừng “Lậc cheo”; Quả mắc khén phơi khô, tất cả đều phải giã nhỏ.

Măng nộm hoa ban

Nếu ai đã có dịp ghé qua các bản làng người Thái ở Lai Châu sẽ không chỉ biết đến một truyền thuyết đầy cảm động về Hoa Ban – Măng Đắng mà còn được thưởng thức một món ăn có chứa đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi của món Măng nộm hoa ban.

Măng có rất nhiều loại, loại nào cũng dùng làm nộm được nhưng ngon nhất thì có măng nứa và măng đắng. Măng đắng cần sắt nhỏ ngâm nước muối 30 phút sau đó luộc 2 lần rồi vớt ra để ráo, còn nếu là măng nứa đem luộc rồi tước nhỏ. Hoa ban cần chọn những bông tươi, ngắt lấy những cánh hoa dày để dùng. Tiếp theo cần chọn được một con cá suối tươi ngon, mình dày, đem nướng trên than củi, gỡ lấy thịt. Sau đó pha hỗn hợp nước trộn chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ. Cuối cùng trộn nhẹ nhàng đều tay  măng, hoa ban, cá và nước trộn. Tất cả hoà quyện tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng, gắp từng miếng nộm du khách cảm nhận được vị đậm đà, thơm nồng của cá nướng, vị bùi bùi, ngầy ngậy của hoa ban, và  vị đăng đắng của măng tươi.

Nộm rau dớn

Nộm rau dớn là món ăn đặc trưng của người Thái ở Lai Châu nói riêng và đồng bào Tây Bắc nói chung. Rau dớn người Thái gọi là “pắc cút”, loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, mặt lá có màu xanh nhẵn. Loại cây này chỉ mọc ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm cao.

Để làm được món nộm rau dớn vừa ngon, vừa mang hương vị đặc trưng của dân tộc Thái, người ta thường chỉ hái những ngọn rau dớn cong non, là bánh tẻ, sau đó rửa sạch, phơi nắng cho tái. Tiếp đó cho rau dớn vào chõ xôi bằng gỗ để đồ, sau khoảng thời gian 20 phút. Để rau chín và giữ được màu xanh. Ở công đoạn này, nhất thiết rau dớn phải đồ chứ không nên luộc để giữ vị bùi bùi, ngọt ngọt của món nộm. Khi rau đã đồ chín, bỏ rau vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Để khoảng 5 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được. Món nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt.

Món ăn từ rêu đá

Rêu suối là món ăn quen thuộc của người Thái (Ảnh – hiepd79)

Rêu đá được chế biến thành nhiều món ăn truyền thống của đồng bào Thái Tây Bắc và nó trở nên đặc biệt hơn trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái. Để có được những món rêu ngon đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, trước tiên cần vớt rêu cho vào rổ, giặt qua nước sạch nhằm loại bỏ cát và các chất bẩn, bỏ lên một tảng đá to, hoặc thớt  rồi dùng một khúc gỗ to để đập, cứ làm như thế vài lần thì rêu mới sạch được như ý. Rêu đá khi đã qua sơ chế sẽ có màu xanh đậm, sờ vào mềm và mát. Qua những bước sơ chế cơ bản, rêu được chế biến thành nhiều món khác nhau như canh rêu đá, rêu nướng và rêu xào lá tỏi.

Rêu nộm thường lấy rêu non, cho vào chõ đồ xôi, đồ vừa chín tới, trộn cùng bột canh, mì chính và các gia vị, gừng, mùi, mắc khén, nếu thích ăn cay cho thêm quả ớt nướng giã nhỏ.

Canh rêu (Ảnh – Lê Bích)

Để làm món rêu nướng, sau khi sơ chế và vắt hết nước, đem tẩm với các gia vị như sả, gừng, bột ớt, hạt dổi, quả muối, hạt sẻn…rồi được gói vào lá dong và vùi trong tro nóng, bên trên phủ một lớp than hồng. Khi vùi than cần phủ đều để giữ sao cho rêu chín đều mà không bị cháy. Đợi đến khi lớp lá bên ngoài chuyển thành màu đen thì người ta mới lấy ra rồi bóc từng lớp lá. Mùi thơm của gia vị cùng mùi nồng nồng của rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng, trông giống như tảo biển, mềm, ngậy ăn với cơm nóng thì ngon tuyệt. Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rêu đá vùi than thường xuyên giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp và nhiều chứng bệnh mãn tính khác.

Canh tiết lá đắng

Ở Lai Châu có một đặc sản, đó là món canh tiết lá đắng. Phải thưởng thức món ăn này bạn mới có thể cảm nhận được nét độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực của vùng đất này. Trước kia, khi món ăn này chưa phổ biến, để tìm được lá đắng về làm canh không phải đơn giản, bởi thứ cây này chỉ mọc ở nơi ven rừng, khe suối. Thường thì chỉ khi có khách quý, chủ nhà mới đi lên rừng tìm lá về nấu canh như một sự thể hiện lòng thân tình, mến khách. Bây giờ, bà con vùng này đã mang cây về trồng tại vườn nhà, trên nương, trên rẫy, bạn có thể mua được lá vào mỗi dịp chợ phiên.

Nguyên liệu và cách nấu canh lá đắng cũng thật đơn giản. Chỉ cần ít phổi lợn băm nhỏ, một miếng tiết và vài thứ rau thơm cùng với nắm lá đắng (có thể lá tươi hoặc đã phơi khô) vò nát, sau đó đun nước sôi cho tất cả nguyên liệu vào nấu chín kỹ là bạn đã có một bát canh lá đắng thơm ngon để thưởng thức. Nếu ai lần đầu nếm món canh này sẽ cảm thấy khó ăn bởi vị đắng, chát tê đầu lưỡi, nhưng chính vị đắng đó lại đánh thức vị giác của bạn khiến bữa ăn ngon miệng hơn. Tiếp tục thưởng thức, canh lá đắng lại mang lại vị ngọt, bùi, thơm ngậy đến kỳ lạ. Không chỉ là một món ăn ngon, canh lá đắng còn có tác dụng giải rượu và chữa được bệnh về tiêu hóa.

Rượu ngô Sùng Phài

Nấu rượu ngô (Ảnh – Bien Nguyen)

Rượu Mông kê (Rượu Sùng Phài) một đặc sản độc đáo, đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc người Mông Thuộc tỉnh Lai Châu. Rượu Mông KÊ sản phẩn truyền thống chất lượng hảo hạng bởi: – 100% hạt ngô nếp được tuyển chọn và lên men bằng lá và hạt kê thuốc ( thực tế một loại hạt thuốc bắc nhìn giống hạt kê chuyên dùng để chữa trị xương khớp và đường tiêu hóa ) – Nguồn nước Sùng Phài, Lai Châu và phương thức bí truyền ngàn năm của đồng bào dân tộc người Mông tạo lên hương vị thơm ngon, êm dịu đặc trưng vô cùng khó quên của rượu Mông kê. – Quy trình sản xuất từ khâu chọn giống ngô, nguồn nước, quá trình ủ lên men và trưng cất đều đảm bảo tuân thủ chặt chẽ theo nguyên tắc truyền thống bí truyền. – Sau khi được chưng cất, rượu được khử, lọc loại bỏ andehit, độc tố và các loại tạp chất trên dây truyền hiện đại sau đó hạ thổ từ 2 năm trở lên. – Vì vậy uống rượu Mông kê có tác dụng kích thích tiêu hóa ăn ngon miệng, bồi bỏ xương khớp và lưu thông khí huyết. – Uống rượu Mông Kê không gây phản ứng đau đầu,không gây mệt mỏi sau khi uống, đặc biệt phù hợp với các bưa ăn, tiệc liên hoan có nhiều thức ăn chứa nhiều đạm và chất béo như các đồ hải sản, thịt chó, đồ lẩu, đồ nướng…

Món cá nướng của người Thái

Món cá nướng (Ảnh – break_away)

Từ xa xưa người Thái thường định cư ở các thung lũng, ven con sông, con suối nên cá và các loại thủy sản khác luôn là nguồn thực phẩm quan trọng không thể thiếu với đời sống hàng ngày.

Chính vì vậy tục ngữ Thái đã có câu: “Cáy măn mọk má ha, Báu to pa pỉnh tộp ma sú” nghĩa là: ”Gà tơ tần đem đến, không bằng cá Pỉnh Tộp đem cho”. Bởi đối với đồng bào dân tộc Thái thì cá không chỉ đơn thuần mang lại giá trị dinh dưỡng mà còn là biểu tượng của sự no đủ, sung túc và hạnh phúc.

Để làm được món cá suối nướng ngon thơm, người ta phải chọn loại cá suối tươi, béo nếu là cá chép thì càng tốt. Cá được cạo sạch vảy, không mổ đường bụng mà phải mổ sống lưng để khi nướng, úp cá lên sẽ mềm, dễ gắp. Sau khi lấy mật thì rửa sạch rồi ướp, nhồi gia vị. Cá suối thường chỉ ăn rêu, lá cây và các động vật giáp xác. Nên chúng rất sạch, cá mổ ra hầu như không có mùi tanh. Gia vị để ướp cá gồm mắc khén, rau thơm rừng, hạt sen, lá húng, củ sả, ớt, xúp, mì chính… Sau khi làm sạch vẩy, cá được mổ từ lưng để vứt bỏ mật và ruột. Mổ kiểu này khó hơn, không cẩn thận sẽ bị đứt tay nhưng khi gập cá lại để nướng, cá sẽ dai hơn và không bị vỡ, tạo thành hình đẹp.

Sau khi mổ phanh lấy dao khứa chéo phần thân ngoài cá và tẩm các gia vị chừng 4 phút rồi gập ngang cá lại rau thơm và gia vị tiếp tục nhồi vào giữa, dùng thanh tre tươi kẹp chặt và hơ nướng trên than tro củi nóng chừng 15 phút thì cá chín. Nướng cá cũng cần có kỹ thuật, không được vội vàng mà dí sát xuống than làm cháy lớp ngoài mà lớp trong chưa kịp chín thơm, phải kiên trì hơ cho chín dần, chín đều. Khi gỡ cá ra khỏi xiên chỉ cần dung sợi chỉ vuốt dọc mình cá theo chiều gắp thì miếng thịt cá còn nguyên mà không bị vỡ.

Thưởng thức miếng cá nướng vàng rộm, thơm lừng với cơm nếp xôi dẻo ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của quả ớt đầu sàn nhà mẹ, qủa Mắc khén ven bản, màu xanh của hành, của rau thơm lẫn màu đỏ của ớt, màu vàng của cá nướng – tất cả màu sắc của bức tranh thiên nhiên ấy đã đi vào bữa ăn cụ thể của đồng bào Thái giản dị mà ngẫu nhiên.

Một số món ăn trong ngày Tết của người Dao ở Sìn Hồ

  1. Món tiết canh trộn với hạt dổi (pẹ oảng).
  2. Món gan lợn xào gừng (tùng han xáo xung). Món này nấu nhanh, ăn nóng, lửa cháy phải to để gan chín đều, chín tới mới ngon.
  3. Món lòng lợn nhồi gạo nếp (tùng càng nhảng). Món này trộn tiết sống lẫn với thảo quả giã nhỏ, luộc chín tới vớt ra ăn ngay hoặc để ăn dần trong mấy ngày tết. Ở Sìn Hồ tiết trời xuân se se lạnh, món này để lâu cũng không bị hỏng. Khi ăn luộc chín lại cho nóng.
  4. Món thịt lợn thăn thái nhỏ xào gừng (xéo xáo).
  5. Món thịt ba chỉ lợn thái dài một gang tay, khi nấu chín khía thành từng phần nhỏ nhưng vẫn để nguyên tảng nấu với rau cải (ò ớp). Rau cải không thái bằng dao mà phải vặn mới ngon.
  6. Món xương sống lợn băm nhỏ xào chín (ò búng).
  7. Món xương đầu lợn và chân giò chặt to ninh thật kỹ, ăn cả nước lẫn cái (ò nồm). Thường dùng vào sáng mùng một tết, khi ăn cho hạt tiêu ăn kèm.
  8. Món đậu phụ nhồi thịt lợn hoặc thịt gà băm nhỏ (tì pẩu nhảng). Món này cho thêm gia vị là hành tươi củ kiệu băm nhỏ, trộn đều với thịt, cắt đậu phụ đã rán để nhồi và om lại.
  9. Món thịt gà nấu canh (chè ò thong). Thịt gà chặt to hơn ngày thường, riêng các bộ phận cánh, ức, chân để nguyên không chặt nhỏ.
  10. Món canh thập cẩm (lài sùi đòng) gồm nước ninh xương, rau cải nấu chín, cơm rang trộn lẫn nhau đựng trong một cái chum hoặc xoong to, bữa cơm múc ra ăn.

Bên cạnh mười món ăn tiêu biểu trên, ngày tết người Dao thường làm những loại bánh sau:

  1. Bánh chưng đen (rùa chía). Bánh chưng của người Dao gói tròn, dài khoảng 30cm, có thể dùng gạo nếp trắng hoặc nếp cẩm để gói, khi gói bánh chưng người ta thường trộn than cây màng tang giã nhỏ để có vị thơm ngon đặc sắc. Nhân bánh là dải thịt mỡ thái dài dính với bột thảo quả, để khi bánh chín mỡ ngấm đều vào bánh khi ăn có vị béo ngậy rất ngon miệng.
  2. Bánh dày (rùa trông) cũng làm bằng gạo nếp, giống quy trình làm bánh dày của các dân tộc khác. Bánh dày khi giã trộn với vừng rang để khỏi dính cối và có vị thơm bùi. Bánh chưng và bánh dày dùng để thờ cúng tổ tiên: bánh chưng tám, bánh dày mười hai cái.
  3. Bánh mật (thiền pan) xay bột gạo nếp trộn lẫn với đường phên đồ chín, để nguội cắt thành từng miếng, ăn dần.
  4. Bánh bỏng (mí hoa). Nổ gạo nếp trộn với đường phên đã đun kỹ, rải đều lên mâm lấy chai lăn qua, lăn lại ép thành bánh, cắt miếng ăn dần.

Nguồn: Cungphuot.info (http://cungphuot.info/am-thuc-va-cac-mon-an-ngon-o-lai-chau-post4909.cp)

10 món đặc sản tuyệt vời ở Quảng Ninh

Du khách đến Quảng Ninh thường chỉ biết các thông tin về vịnh Hạ Long, về những buổi khám phá hang động và tàu ngủ đêm trên vịnh…

Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung có rất nhiều đặc sản ẩm thực đặc sắc, mang hương vị mặn mòi của biển cả.

1. Xôi trắng chả mực

Đĩa xôi trắng bốc khói với những lát chả mực vàng ruộm trông thật bắt mắt. Xôi được đồ từ nếp mới, vừa thơm vừa dẻo; chả mực vừa dai vừa giòn sừn sựt, vị vừa ăn. Những người bán chả mực ở Hạ Long nói rằng mực thì biển nào cũng có nhưng để làm chả mực ngon thì nhất định phải là mực tươi, mới được đánh bắt trong khu vực biển của Hạ Long, thịt mới thơm và dậy mùi.

Người ta giã mực bằng tay để chả vừa dai vừa giòn. Chả mực rất kén lửa, vì vậy khi rán phải giữ lửa đều, không quá to cũng không quá nhỏ. Miếng chả ngon là miếng chả tỏa mùi thơm nức mũi ngay từ phút đầu được thả vào chảo dầu. Chả được rán cho đến vàng thì vớt ra để ráo dầu. Chả mực ăn ngon nhất khi chấm với nước mắm nguyên chất có rắc hạt tiêu bởi như thế mới cảm nhận hết hương vị của nó.

Mỗi suất xôi trắng chả mực hoặc bánh cuốn chả mực ở các hàng bình dân có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng. Mua theo cân, chả mực có giá khoảng 250.000 đồng/kg.

2. Bánh cuốn chả mực

Cũng là những chiếc bánh cuốn thịt tráng mỏng tang, nhìn rõ miếng thịt bằm, nấm, mộc nhĩ bên trong, nghi ngút khói bay hương thơm của ruốc, hành phi. Người ăn gắp một miếng bánh cuốn, kèm chút rau mùi, một miếng chả mực vừa chiên cũng đang nóng hổi vàng ruộm, tất cả nhúng vào bát nước chấm màu hổ phách sóng sánh khoanh ớt đỏ. Sự kết hợp tuyệt vời của bánh cuốn đã quen thuộc với chả mực Hạ Long làm nên một món ăn hương vị biển rất hấp dẫn.

Du khách có thể nếm bánh cuốn chả mực tại quán cạnh rạp Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, giờ phục vụ từ sáng đến trưa; hay bánh cuốn chả mực bà Ngân phố Cây Tháp, Hồng Gai, thành phố Hạ Long.

3. Sam Quảng Yên

Từ nguyên liệu chính là thịt sam biển, người ta có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn khác nhau, như: tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá nốt, sam hấp, sam bao bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến… Các món ăn từ thịt sam biển rất thơm ngon, du khách đến Quảng Ninh không nên bỏ lỡ đặc sản này.

Bạn có thể thưởng thức các món sam tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh hoặc ra quán sam trên đường 25 tháng 4, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

4. Món ngán

Ngán có thể chế biến được nhiều món như: Nướng, hấp, nấu cháo, xào với mì hay rau cải. Nói chung gọi là ngán nhưng ko ngán chút nào. Với các du khách nam thường khoái khẩu món rượu ngán. Rượu ngán có mùi thơm rất riêng của biển.

Các món từ ngán khá phổ biến tại các nhà hàng, quán ăn tại Hạ Long, Quảng Ninh.

5. Sá sùng

Một loài đặc sản hy hữu và khá đắt đỏ là sá sùng, chỉ có ở đảo Quan Lạn – Minh Châu (Vân Đồn, Quảng Ninh). Sá sùng tươi xào với tỏi tươi là một món ăn dân dã đặc sắc của người dân vùng biển Hạ Long. Sá sùng khô đem rang, khi chín có màu vàng, mùi rất thơm, một hương thơm nồng ngậy đậm đà của biển. Sá sùng rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau diếp cá, rau thơm và uống với bia thì thật là tuyệt…

Sá sùng khá hiếm, nếu có giá cũng rất cao, một kg tính tiền gần 4 triệu.

6. Canh hà Quảng Yên

Một đặc sản khác của Hạ Long mà người Yên Hưng rất tự hào, đó là con hà. Canh hà Quảng Yên, đặc biệt là giống hà cồn sống ở sông Chanh đem nấu canh chua ăn rất ngon và có cả bốn mùa, nhưng thú vị nhất vẫn là được ăn vào những ngày hè nóng bức. Ngoài ra, hà có thể đem tẩm bột rán ăn rất béo.

7. Bánh “gật gù”

Cách làm bánh gật gù về hình thức giống như cách làm bánh cuốn. Cũng là bột được xay từ gạo ngon, ngâm từ trước. Bí quyết với bánh gật gù là khi xay gạo, chủ nhà sẽ cho thêm một ít cơm nguội để bánh ngon hơn. Khi ăn nhúng miếng bánh vào chén nước chấm đặc biệt cùng với một miếng khâu nhục (thịt kho tàu) được tẩm ướp kỹ càng.

Cảm giác mát, mềm của bánh, vị ngọt bùi, thơm, ngậy của miếng khâu nhục có thể chiều lòng được cả những thực khách khó tính. Bánh gật gù nổi tiếng nhất là ở Tiên Yên. Tuy nhiên trên khắp các vùng của Quảng Ninh đều có thể tìm được món bánh gật gù vừa ngon vừa độc đáo này

Địa chỉ: Nhà bà Tuyết số 32 phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên. Nếu mua số lượng nhiều cần đặt trước.

8. Nem chua, nem chạo thị trấn Quảng Yên

Nguyên liệu làm nem đều là những thứ bình dân. Bì lợn được bào nhỏ, trắng như cước, thính làm bằng đỗ hay gạo rang và lạc rang giã dập, tất cả được trộn đều với nhau thật tơi. Chỉ đơn giản thế, nhưng qua bí quyết chế biến, trộn đều và pha nước chấm, hàng quà quê mùa trở nên lạ miệng, hấp dẫn. Những hàng nem chua, nem chạo là niềm tự hào của người dân thị trấn Quảng Yên, Quảng Ninh.

9. Cà sáy Tiên Yên

Cà sáy là vịt lai ngan, hương vị có cả hai và qua bàn tay người Tiên Yên chế biến trở nên thơm ngon gấp bội. Người Tiên Yên làm thịt cà sáy, chế biến món nước chấm chuyên dùng của nó hết chỗ chê. Một thứ nước chấm có vị thơm của nước mắm Cái Rồng, Vạn Yên, Cát Hải, lại có vị ngọt ngào nồng ngậy của xá xị Quảng Tây cùng với vị cay dịu của gừng Tiên Yên trồng trên đất quê nhà.

10. Rượu nếp ngâm Hoành Bồ

Rượu được chế tạo từ loại gạo nếp đặc sản của địa phương. Gạo nếp không giã, được nấu chín đưa vào ủ. Khi đã lên men và đến độ ngấu thì người ta cho vào ngâm cùng với thứ men lá lấy từ trong rừng Hoành Bồ, sau một thời gian chuyển thành rượu. Rượu được chắt ra đựng trong hũ, lọ để uống dần, mỗi bữa một vài chén. Rượu nếp ngâm Hoành Bồ có vị chua ngòn ngọt, có tác dụng kích thích tiêu hoá, giải khát rất tốt, nhất là vào mùa hè.

Lưu ý:- Du khách đi nhóm đông đúng có thể thử cảm giác thưởng thức hải sản trên các nhà bè: Ở Hòn Gai ghé ăn nhà bè Hồng Đậm, ở Cầm Phả ăn nhà hàng Quảng Hiền, ở Quảng Yên ăn nhà bè Hải Quân (đi qua doanh trại Hải Quân).- Các loại ốc hương, ốc đĩa, ốc gai nướng, ốc đá ở Quảng Ninh bán giá khá đắt, khoảng 100.000 VND/ 1 đĩa bé bé. Ốc rẻ hơn thì có ốc dạ (nhưng loại ốc này các địa phương khác cũng có sẵn, không nên ăn). Bạn có thể nếm thử ốc điếu xào, rẻ hơn nhiều so với loại kể trên. Ốc này khi ăn thì hút bằng miệng chứ không phải lấy kim khều .- Khi đi ăn uống nên tìm nơi có niêm yết giá rõ ràng, hoặc phải hỏi giá trước. Nếu có dân địa phương dẫn đi ăn là tốt nhất.

– Muốn mua chả mực, mực khô, cá khô về làm quà thì ra chợ Hạ Long 1.Mua chả mực thì tìm hàng chả mực tên Thoan (rất nổi tiếng).

– Buổi tối có thể đến ăn uống tại chợ đêm Thanh Niên ở khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long

 

Theo Ivivu