Những ai không nên ăn khổ qua?

Theo y học cổ truyền, khổ qua (mướp đắng) vị đắng, tính lạnh, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, sáng mắt, mát tim, nhuận trường, tăng miễn dịch, bổ thận tráng dương. Bên cạnh đó còn giúp điều trị bệnh tật như trị rôm sảy, trị ngộ độc, giảm đường huyết, chống phù nề, hỗ trợ phòng chống ung thư đắc lực.

Tuy là loại quả đại bổ với nhiều người, nhưng không phải khổ qua hoàn toàn vô hại nếu ăn quá nhiều. do những tác dụng mạnh cũng như độc tố bên trong nó. Đặc biệt những đối tượng sau đây càng nên tránh khổ qua:

Người hiếm muộn

Nếu đang mong có quý tử từng ngày, bạn nên tránh ăn khổ qua. Nhiều nghiên cứu cho thấy khổ qua làm giảm khả năng sinh sản. Khổ qua dùng với số lượng nhiều khiến cho một vài loại hormone tăng quá mức, tạo nên độc tố trong cơ thể.

Bà bầu:

Đối với phụ nữ có thai, dân gian thường khuyên tránh dùng khổ qua làm thức ăn. Khổ qua có tính hoạt huyết, có thể gây kích thích tử cung dẫn đến sinh non, thậm chí là gây co thắt tử cung, xuất huyết và hoại thai. Khổ qua thường ảnh hưởng nhiều đến trẻ em và thai nhi, nhiều nghiên cứu cho thấy quả khổ qua có thể gây đột biến gene, còn hạt của nó có thể làm hư thai.

Bà đẻ:

Các độc tố trong khổ qua ảnh hưởng mạnh đến trẻ em hơn người lớn, do đó nên tránh cho trẻ em ăn nhiều loại trái này. Phụ nữ sau khi sinh càng không nên ăn nhiều khổ qua vì có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh qua đường sữa.

Người bị bệnh tiêu hóa

Ăn khổ qua quá nhiều, những người có vấn đề về tiêu hóa sẽ dễ bị tiêu chảy và các bệnh dạ dày. Đặc biệt không được ăn khổ qua kèm theo huyền sâm.

Người bị huyết áp thấp

Khổ qua thường được dùng phối hợp làm thuốc trị cao huyết áp, nếu ăn quá nhiều dẫn đến thấp huyết áp, gây đau đầu, chóng mặt. Người bệnh huyết áp thấp càng nên hạn chế ăn loại quả này.

Người bị bệnh gan, thận:

Khổ qua rất khó tiêu hóa, dễ gây đầy hơi nên người bị gan, thận nên hạn chế dùng loại thực phẩm này.

Mỹ Lạo tổng hợp.

ĐẾN HÀ NỘI NGÀY LẠNH, ĐỪNG QUÊN NHỮNG MÓN BÁNH NÀY

Cũng như các tỉnh miền Bắc khác, Hà Nội có bốn mùa phân chia rõ ràng. Và đúng với câu thành ngữ “mùa nào thức nấy”, quà vặt Hà Nội cũng được cư dân biến đổi cho phù hợp với khẩu vị và tiết trời. Ở lâu tại Hà Nội, bạn không lạ lùng gì khi chỉ sau một trận gió mùa, các góc phố ngày thường vắng vẻ lại hiện ra một loạt những hàng bánh khoai, bánh gối… 

  • BÁNH KHOAI – BÁNH NGÔ – BÁNH CHUỐI

Đây có thể là bộ ba đầu tiên phải nhắc đến trong những món bánh mùa lạnh ở Hà Nội. Một góc phố đêm, một cái lò rán bánh, vài cái ghế nhựa xung quanh là đủ cho một không gian ăn vặt tuyệt vời. Ba loại bánh này làm từ khoai, ngô, chuối, tùy theo nơi mà thái nhỏ hoặc đâm nhuyễn, thái cọng, thái sợi… nhúng vào một hỗn hợp bột mì, bột gạo và các nguyên liệu tùy biến khác, sau đó rán giòn tại chỗ trên lửa. Những miếng bánh thành phẩm có đủ vị thơm của nguyên liệu, giòn tan của lớp vỏ ngoài, mềm của phần bên trong, và sự nóng hổi của toàn cái bánh, khiến không ai có thể chối từ vào những đêm gió mùa.

Tại miền Nam và miền Trung có biến thể của bánh này là bánh chuối chiên, bánh khoai chiên, nhưng cách pha bột và sơ chế nguyên liệu hơi khác và thường được bán vào ban ngày hơn là ban đêm.

  • BÁNH GỐI

Tại Sài Gòn có món bánh tai dạt (quai vạc) với phần lớp vỏ ngoài chiên giòn, phía trong có nhân rau củ. Hà Nội cũng có món bánh tương tự, nhưng gọi là bánh gối và chấm với nước dùng, ngồi thưởng thức tại bàn chứ không vừa đi vừa ăn. Phần nhân của bánh gối Hà Nội thường có miến, mộc nhĩ, cà rôt, củ đậu, thịt xay… Phần vỏ làm bằng bột mì. Và nước chấm là loại chua cay mặn ngọt, thanh dịu, có thả vài lát đu đủ, cà rốt ngâm, tương tự như nước chấm nem, bún chả.

Và cũng giống như những món chiên rán khác, bánh gối là loại quà không thể thiếu trong tiết đông Hà Nội.

  • BÁNH RÁN MẶN

Bánh rán mặn có lớp vỏ tương tự bánh rán ngọt thông thường, nhưng phần nhân có thịt, miến, nấm mèo … và khuôn dạng bánh có hình bầu dục. Bánh rán mặn được chiên tại chỗ trong chảo và ngon nhất khi ăn nóng. Lúc ăn, người bán sẽ dùng kéo cắt bánh ra cho nhỏ, để lộ phần nhân bên trong cho dễ ăn cũng như dễ chấm. Nước dùng ăn với bánh rán mặn cũng tương tự như bánh gối.

  • BÁNH QUẨY

Quẩy ở Hà Nội không chỉ ăn với cháo lòng như ở miền Nam, mà còn được dùng ăn không, ăn với phở, cháo hay những món có nước khác. Bánh quẩy miền Bắc nhỏ hơn nhưng giòn và chắc hơn hơn so với miền trong. Vào mùa Đông, một bát cháo sáng được phủ kín bằng bánh quầy là lựa chọn tuyệt vời của nhiều người.

  • BÁNH ĐÚC NÓNG

Các hàng bánh đúc nóng trở nên phổ biến hơn khi Hà Nội vào Đông. Bánh đúc được nấu sẵn trong nồi. Khi khách gọi, người bán chỉ cần múc một thìa to bánh quánh đặc vào bát, chan thêm nước chấm mặn ngọt, ăn kèm thịt băm, hành khô, rau mùi… Thưởng thức bánh đúc nóng giữa lúc trời lạnh là trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua khi đến Hà Nội.

  • BÁNH GIÒ

Bánh giò gói kín, hấp chín và khi ăn thì người bán sẽ trải ra đĩa, cắt bớt lá đi, điểm thêm rau dưa ngâm vào, có khi là chả cốm, giò lụa…. xịt tương ớt lên. Người ăn chỉ việc dùng thìa xắn từng miếng cho vào miệng. Miếng bánh giò nóng kéo theo sự thơm ngon của bột, nhân, cái giòn lực xực của mộc nhĩ… đi từ cổ họng vào dạ dày một cách nhẹ nhàng, thấm thía.

pic2766

Và trong khi tập trung vào độ nóng của chiếc bánh mềm mại, người ta đã quên hẳn cái tiết trời đông giá buốt xung quanh.

  • BÁNH TRÔI TÀU

Là loại bánh trôi có nhân đỗ xanh hoặc vừng đen, to bằng lòng nắm tay, ăn nóng trong nước đường vị gừng, rắc thêm chút lạc rang. Khi ăn dùng thìa xắn lớp ngoài bánh cho tới phần nhân bên trong, đưa vào miệng. Cái dẻo ngon của bột nếp, vị ngọt dịu của nước đường pha lẫn hương thơm cay ấm của gừng, bùi bùi của lạc và ngậy nhẹ của đỗ xanh cùng nhau làm hài lòng vị giác của bạn. Và không gì hợp lý hơn là ăn bánh trôi tàu vào lúc trời rét.

  • BÁNH KHÚC

Không thể bỏ qua Bánh khúc trong danh sách những món bánh mùa đông Hà Nội. Bánh khúc ở Hà Nội thường được bán ở các hàng rong, với câu rao đặc trưng: “Xôi nóng bánh khúc đê, ai bánh khúc nào!”… Mà mỗi lần nghe tới, nhiều người lại thấy cồn cào trong bụng vì nghĩ tới món bánh có lớp vỏ thơm mùi rau khúc, với phần nhận mặn ngọt làm từ đỗ xanh trộn thịt ba chỉ và các loại gia vị.

Bánh khúc thường hấp cùng với nếp theo kiểu đồ xôi, nên ở miền Nam còn gọi là xôi cúc (“cúc” là trại ra từ “khúc”). Cũng có khi bánh khúc được gói trong lá chuối rồi hấp, nhưng kiểu này ít phổ biến.

Mỹ Lạo.
Ảnh: sưu tầm Internet.

Cách làm Ốc bươu xào lá lốt

Ốc kết hợp với lá lốt đã làm điêu đứng khẩu vị của nhiều người bởi vị thơm cay, cái sần sật của nó. Công thức này cho thêm thịt để phong phú.

Nguyên liệu:

  • Ốc bưu: 300g
  • Thịt ba rọi: 150g
  • Lá lốt: 1 bó hoặc 150g
  • Gừng băm: 1/2 muỗng canh
  • Hành củ băm: 1 muỗng canh
  • Tỏi băm: 1 muỗng canh
  • 2 trái ớt hiểm
  • 1 muỗng cafe bột nghệ
  • Nước mắm, muối, bột ngọt

Cách làm:

  • Sơ chế:

– Ốc mua về ngâm nước gạo, cắt thêm 1 chút ớt tươi thả vào để ốc cay nhả hết nhớt và chất bẩn trong 2-3 tiếng. Sau đó cho vào nồi luộc hoặc hấp qua cho chín.

– Lấy thịt ốc, ngắt bỏ phần gan ốc (đuôi ốc). Rửa bóp ốc bằng muối hột sau đó rửa sạch lại qua nước. Để ráo hoặc dùng khăn thấm cho ráo kỹ. Có thể dùng kéo cắt đôi con ốc cho dễ nhai.

– Lá lốt rửa sạch, ngắt bỏ cuống, thái sợi ngang khoảng 0,5cm.

– Thịt ba chỉ thái nhỏ hơn miếng ốc, ướp với chút hành băm, muối, bột ngọt, bột nghệ.

  • Thực hiện:

– Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào phi hành tỏi cho thơm, rồi cho thịt ba chỉ đã ướp vào xào lửa to cho săn, cháy cạnh. Sau đó trút ra đĩa.

– Cho tiếp chút dầu ăn vào, phi thơm gừng, rồi cho hành tỏi vào phi vàng. Sau đó trút ốc vào xào khoảng 3-5 phút cho ốc mất nước hơi rút lại, tiếp tục trút thịt vào xào cho thịt và ốc đều chín (khoảng 1 phút, không nên xào lâu kẻo ốc bị dai).

– Nêm lại bằng nước mắm, bột ngọt cho vừa miệng, rồi đổ tiếp lá lốt vào xào, xắt thêm trái ớt cho có vị cay.

*** Ốc xào lá lốt ăn nóng với cơm, bún hoặc dùng để nhậu.

*** Mẹo lấy thịt ốc: Lấy mũi dao nạy miệng ốc ra rồi lấy đầu đũa chọt cho thịt ốc lún vào trong, sau đó một lúc vẩy mạnh là nguyên con văng ra hết.

Bé Thúi 

Tủ lạnh nếu không phải là đang trưng bày ngoài siêu thị điện máy, thì cho dù bạn có kỹ càng tới mấy cũng sẽ không loại bỏ được hết mùi, cách tốt nhất là dùng nguyên liệu khử mùi… Và đây là những nguyên liệu có sẵn trong bếp:

Vỏ cam:

Ăn quýt, bưởi hoặc cam xong đừng bỏ hết vỏ vào thùng rác, mà nên lấy một ít bỏ vào tủ lạnh, như sau vài ngày tủ lạnh của bạn sẽ không những hết hôi mà còn thơm mùi tinh dầu vỏ quýt.

Bánh mì:

Đặt bánh mì vụn trong chén hoặc đơn giản là một lát bánh nhỏ trong góc tủ lạnh, tình trạng hôi sẽ giảm dần.

Than củi:

Một cục than nhỏ hoặc than vụn đặt ở trong tủ lạnh có thể khử mùi hiệu quả.

Sữa tươi:

Một chén sữa tươi không đậy nắp đặt trong tủ lạnh vài giờ có thể “hút” mùi đi hết.

Nước hàng (xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG):

400-269-bi-quyet-che-bien-caramel-thom-ngon-a87f

Một chén nước hàng cũng có công dụng khử mùi tủ lạnh tương tự như sữa tươi.

Chanh, quất:

Xắt chanh hoặc quất thành lát nhỏ rồi bỏ vào chỗ nào bạn thích, chỗ đó sẽ bay mùi. Kể cả khi đặt vào ngăn đá.

Bột Soda:

Bột Soda hòa vào nước nóng cho tan rồi để vào tủ lạnh. Các chất hóa học trong soda sẽ làm nhiệm vụ hút những mùi khó chịu.

Khăn:

Gấp một cái khăn bông nhỏ cho vào ngăn đá. Khăn bông sẽ hút mùi hiệu quả.

Trà:

Trà túi lọc pha xong thì cho cái túi vào tủ lạnh cũng có thể khử mùi. Khử xong có thể phơi khô rồi dùng tiếp.

Bã cà phê

Bã cà phê cho vào cái chén nhỏ rồi bỏ vào để khử mùi tủ lạnh hiệu quả.

Bé Bủm tổng hợp.

Những thực phẩm kỵ với trứng gà

Trứng gà là loại thực phẩm bổ dưỡng, ngon lành và gần như là quen thuộc nhất thế giới. Tuy vậy, không có nghĩa là ăn trứng gà lúc nào cũng an toàn. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí nguy hiểm, bắt nguồn từ việc ăn trứng gà sai cách.

Ngoài lượng protein rất dồi dào cùng, trong trứng gà chứa nhiều dinh dưỡng cho cơ thể như Magie, Canxi, kẽm và sắt…các acid tốt cho hệ miễn dịch và một lượng đáng kể các sinh tố A, B1, B6, B12, D, E… Lòng trắng trứng còn có tác dụng hỗ trợ cơ bắp, chống lão hóa cho cơ thể. Trong trứng có lecithin hỗ trợ tiêu hóa, các hoạt động của gan và làm giảm nguy cơ tắc nghẽn động mạch do Cholesterol. Với lượng Vitamin D, loại vi chất quan trọng giúp hấp thu Canxi, trứng cũng đóng vai trò quan trọng để ngăn ngừa loãng xương.

Cùng với đó, các chất sunfur, khoáng chất, vitamin trong trứng giúp cho tóc và móng tay trở nên chắc khỏe. Lòng đỏ trứng dồi dào axetylcholin giúp tăng trí nhớ, bổ trợ trí não rất tốt cho người làm việc trí óc, cũng như trẻ em đang phát triển.

Đó là lợi ích của trứng gà, nhưng ở những khía cạnh khác, chúng ta cần lưu ý khi ăn trứng gà với các loại thực phẩm khác để không biến trứng thành loại thực phẩm có hại. Danh sách sau đây là những thực phẩm không nên ăn cùng lúc hoặc gần với lúc ăn trứng gà.

Không ăn với thịt rùa:

Thịt rùa và trứng nếu ăn chung có thể gây ngộ độc. Đặc biệt người thể trạng yếu, phụ nữ mang thai càng nên tránh kiểu ăn này.

Không ăn với đường trắng:

Trứng gà chấm đường có lẽ hợp khẩu vị với nhiều người, nhưng chính bọn chúng lại không hợp nhau và làm cho cơ thể khó hấp thu.

Không ăn với thịt thỏ:

Theo “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân: “Trứng gà ăn với thịt thỏ sẽ tiêu chảy”. Vì thịt thỏ cam hàn xoan lãnh “Trứng gà ăn cùng thịt thỏ sẽ bị tiêu chảy”. Đó là vì thịt thỏ có vị cam, hàn, chua lạnh, trứng gà vị cam bình hơi hàn. Hai thứ này ăn chung gây kích thích lên hệ tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy.

Không ăn với sữa đậu nành:

Đập một quả trứng vào sữa đậu nành là thói quen của một số người, nhưng thói quen này đã cản trở quá trình phân hủy và hấp thụ protein trong cơ thể, do sự kết hợp giữa trypsin trong sữa và protein trong trứng gây ra.

Không ăn với óc heo:

Dùng hai thứ này với nhau sẽ gây tăng Cholesterol trong máu, làm người ăn tăng huyết áp động mạch, có thể nguy hiểm tánh mạng.

Không ăn với Trà:

Sau khi ăn trứng, nhiều người làm ngay một cốc trà chống ngấy, tuy vậy nếu việc này được lặp lại thường xuyên, sẽ có hại. Acid tannic trong lá trà khi gặp protein trong trứng sẽ tạo thành protein acid tannic làm cản trở hoạt động của nhu động ruột, làm phân trữ trong ruột lâu hơn, sinh ra táo bón.

Không ăn với hồng:

Ăn hồng tráng miệng sau bữa cơm nhiều trứng gà là nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp tính, tiêu chảy, nôn mửa, ngộ độc thực phẩm nặng. Nếu bị nôn sau một bữa ăn như thế, cần uống nước muối nóng hoặc nước gừng ấm, nếu nặng quá có thể phải dùng thuốc xổ, nhưng tốt nhất là đi bác sĩ.

Không ăn khi sử dụng thuốc tiêu viêm:

Lượng protein cao trong trứng có thể làm tăng gánh nặng cho dạ dày, làm giảm công hiệu của thuốc. Cho nên không được uống thuốc sau khi mới ăn trứng gà xong.

Mỹ Lạo tổng hợp.

Thoáng Hà Nội giữa Sài Gòn

[ MAV ] Nói tới Hà Nội, ta hay nghĩ tới những góc phố yên ả, những quán nước nhỏ xiêu xiêu phủ bởi những tàng cây, những cư dân với nếp sống, thói quen sinh hoạt hằng ngày dường như không bao giờ thay đổi. Tại Sài Gòn, cũng có một nơi gần giống như vậy.

Khu chung cư K300 và khu dân cư quanh đó, gọi chung là khu K300, nằm ở khu phố 4 phường 12 quận Tân Bình, là nơi tập trung nhiều người gốc Hà Nội. Không như những vùng Xóm Mới Gò Vấp, Ông Tạ Tân Bình, Xóm Đạo Quặn 8 vốn nhiều người gốc Bắc nhưng qua thăng trầm ngày tháng đã chịu ảnh hưởng nhiều bởi lối sống Sài Gòn, dân Hà Nội ở K300 do mới tới chưa lâu, nên từ giọng nói cho tới nếp sống của họ không xa Hà Nội là mấy. Cũng những buổi hàn huyên bên ấm trà nóng, những tiếng rít thuốc lào thỉnh thoảng lại phát ra từ một cái điếu cày cũ được chuyền nhau hút. Hàng xóm láng giềng cho dù bận rộn, nhưng gặp nhau không quên câu chào hỏi: “Bác ăn cơm chưa?” “Bác đi làm về đấy à”…

Khu vực này có trung tâm là chung cư K300, không biết có cố ý hay không nhưng tường vách của chung cư đều được sơn màu vàng đặc trưng như ngoài thủ đô. Các quán nước nhỏ bài trí đơn sơ, không mở nhạc ồn ào ngẫu hứng, với thực đơn không có gì độc đáo, nhưng lại là những quán ruột của nhiều người. Nói về đồ ăn, thì nơi đây có khá nhiều những món nổi danh của Hà Nội: phở bò, gà, bún miến ngan, bún chả, cháo tim cật… Các bảng hiệu thiết kế đơn giản, chữ nghĩa gần gũi. Do quán sá bình thường nên giá cả cũng bình dân, không đắt đỏ như các nhà hàng, tiệm ăn sang trọng bán đồ Hà Nội.

Cái điểm khác biệt ở khu vực nhỏ nhoi này, so với hàng nghìn ki lô mét vuông còn lại của Sài Gòn, là không gian sống rất êm đềm dù đây không phải chốn làng quê hẻo lánh, cũng không phải là khu biệt thự cao cấp. Đi vào khuôn viên chung cư, ngồi quán uống nước, cảm giác như được thoát ly khỏi nhịp sống Sài Gòn, hay nói cho bay bổng 1 chút là cảm giác như được bê ra tới Hà Nội. Có thể nghe tiếng lá rụng lác đác dưới những gốc cây bàng, tiếng lá đưa xào xạc từ những bụi bằng lăng, hoa ban trồng quanh đó, chớ không nghe nổi những tiếng máy xe cộ. Quanh khu chung cư là những nhà dân, cũng phần lớn gốc bắc, tỏ ra khác biệt từ cách thiết kế nhà cửa giản dị nhưng bài trí ngăn nắp đâu ra đó, cho tới kiểu nhẩn nha, thích cà kê, sống chậm không việc gì phải vội.

Nghe nói người Hà Nội mới tới đây ở được 20 năm, trước kia nơi đây là khu ao đầm của quân đội. Ngày nay chỗ này nhà cửa đã chất đầy, có ngõ nhỏ, phố nhỏ, hàng quán, công ty, cao ốc… Đó không phải là chuyện lạ ở một miền đất đô thị hóa nhanh như Sài Gòn, nhưng để mang được một mảnh hồn Hà Nội vào tận nơi đây và giữ nó ở yên lại là một chuyện chỉ có những tình yêu Hà Nội sâu đậm mới làm được.

Hãy chọn một buổi sáng sớm, se mát càng tốt, rồi hãy ghé vô gọi 1 món ăn ở K300 có thể là bún ngan, bún dọc mùng hay phở, ăn xong ngồi nhâm nhi ly trà Tân Cương thơm dịu mới pha, ngó ra đường phố lác đác những người tập thể dục kiêm luôn trò chuyện với bạn hữu, bằng chất giọng Hà Nội khó lẫn. Bạn sẽ cảm thấy một luồng không khí Hà Nội đang trôi về, thật nhẹ nhàng lãng đãng.

Bạnh Bư (MAV.vn)

Tác hại của việc ăn quá nhiều quả Bơ

Mặc dù được ghi vào kỷ lục Guiness là loại quả bổ nhất thế giới, nhưng, cũng như tất cả những thứ bổ dưỡng khác, ăn nhiều cũng hoàn toàn có thể gây hại.

Dị ứng:

Nếu ăn nhiều, những người bị dị ứng bơ sẽ có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, ngứa ngáy. Người bị dị ứng với cao su thường có nguy cơ dị ứng luôn cả bơ.

Hại gan:

Collagen là một trong những đại diện dinh dưỡng tiêu biểu của bơ, tuy vậy, nếu ăn quá nhiều , collagen không tiêu hết sẽ đọng lại trong gan và gây tổn thương gan.

Dư calo, tăng ký:

Hàm lượng Calo trong bơ khá là cao, vì thế nếu ăn bơ thường xuyên, bạn phải cân nhắc cắt giảm lượng calo ở các món ăn khác. Trừ khi bạn quá gầy và muốn lên cân.

Ảnh hưởng đến công dụng của thuốc:

Một số loại thuốc có thể bị ảnh hưởng tác dụng nếu dùng trong khi ăn bơ. Ví dụ thuốc loãng máu, quả bơ có thể làm mất tác dụng của loại thuốc này. Tốt nhất nếu đang điều trị, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng bơ cho thích hợp.

Vậy ăn chừng nào là không nhiều? 

Theo một nghiên cứu của các chuyên gia Mexico, bạn chỉ nên dùng khoảng 2 muỗng cà phê bơ mỗi ngày để phát huy tốt tác dụng của bơ. Vì chỉ cần một muỗng cà phê bơ thôi đã có 5g chất béo và 55 đơn vị calo.

Mỹ Lạo tổng hợp.

Lưu ý khi ăn Dưa Hấu

Dưa hấu là loại quả luôn luôn hấp dẫn chúng ta, nhất là vào những lúc trời oi bức. Tuy vậy, ăn dưa hấu không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe.

Không ăn dưa hấu khi cơ thể đang bị cảm, lạnh

Khi cơ thể đang bị nhiễm lạnh, dù do bị cảm lạnh hay nguyên nhân nào đi chăng nữa cũng không nên ăn dưa hấu. Nếu không trái cây có tính hàn sẽ làm nặng thêm các triệu chứng nhiễm lạnh. Khi lạnh tăng sẽ làm cơ thể sốt cao, khát nước, đau họng, nước tiểu đậm màu…

Không ăn quá nhiều:

Lời khuyên đầu tiên của các chuyên gia là không nên ăn quá nhiều dưa hấu. Ăn nhiều loại quả có tính lạnh như dưa hấu sẽ dễ bị tiêu chảy, căng bụng hoặc chán ăn. Với lượng nước chiếm hầu hết trong thành phần, dưa hấu có thể làm loãng dịch dạ dày, làm ảnh hưởng đến tiêu hóa.

Bên cạnh đó, hàm lượng Kali cao trong dưa có thể gây ra các vấn đề tim mạch. Ăn nhiều dưa hấu còn có thể gây ra căng thẳng, dị ứng, hạ huyết áp, tổn hại cho thận.

Mỗi lần ăn dưa hấu, dù có thèm cách mấy bạn cũng chỉ nên ăn tới 300g là ngưng, khi khác hãy ăn tiếp.

Không ăn để giảm cân:

Dưa hấu có lượng đường cao, dễ dàng chuyển thành chất béo.

Bổ ra phải ăn ngay:

Dưa hấu thường được ăn vào lúc trời nóng, và đây là điều kiện sinh trưởng thuận lợi cho vi khuẩn. Ăn dưa hấu để lâu, nhiễm khuẩn dễ bị bệnh tiêu hóa.

Không ăn gần bữa ăn:

Trước và sau bữa ăn 1 tiếng đồng hồ, nên tránh ăn một loại quả nhiều nước như dưa hấu, vì có thể dẫn đến loãng dịch tiêu hóa trong bao tử, ảnh hưởng tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể. Ăn dưa hấu trước bữa ăn còn gây chán ăn vì cảm giác no sau khi nạp nước vào dạ dày.

Không ăn dưa hấu quá lạnh:

Cho dù có cảm thấy nóng bức khó chịu đến đâu nữa, bạn cũng chỉ nên ăn dưa hấu mát. Vì dưa hấu mà lạnh quá sẽ có hại cho dạ dày, răng cỏ của bạn. Tốt nhất là trữ nguyên quả dưa hấu trong nhiệt độ 10 độ C, lúc ăn thì xẻ ra dưa sẽ không quá lạnh.

Không ăn khi bị lở, viêm miệng:

Theo y học phương Đông, nguyên nhân gây viêm loét miệng là do âm suy nội nhiệt, suy hỏa thượng. Dưa hấu lợi tiểu, ăn nhiều nước bài tiết ra ngoài nhanh làm thiếu nước ở khoang miệng, khiến cho miệng càng khô, gây âm suy nội nhiệt, càng kéo dài chứng lở viêm ở miệng.

Mỹ Mạnh tổng hợp.

NHỮNG TIỆM BÁNH MÌ VIỆT NỔI DANH THẾ GIỚI

Bánh mì Việt Nam trong thời gian vài năm trở lại đây đã trở thành một cái tên hot trong sổ tay ẩm thực của du khách quốc tế.

Năm 2011, viện đại học Oxford đã chính thức điền “Bánh mì” vào trong cuốn tự điển danh tiếng của họ. Cùng với đó, báo chí nước ngoài đã có nhiều bài viết, thống kê về các tiệm bánh mì ngon nhất Việt Nam, hoặc đưa chúng vào danh sách những món ngon nhất thế giới. Những tiệm bánh mì này có đủ các phong cách, hương vị  từ Nam ra Bắc, và đều có đặc điểm chung: không phải là những thương hiệu bánh mì lớn trong nước.

1. Bánh mì Phượng:

Google dòng chữ “The best banh mi in Vietnam”, bạn sẽ thấy bánh mì Phượng Hội An chiếm hầu hết các kết quả đầu tiên. Trong bài viết “Bánh mì Việt Nam ngon nhất quả đất” trên BBC gần đây cũng nhắc tới bánh mì Phượng. Đầu bếp Anthony Bourdain nổi tiếng của Mỹ trong lần đầu ăn bánh mì Phượng, đã phải thốt lên :”That’s a symphony in a sandwich!” (Quả thực là có cả một bản giao hưởng trong ổ bánh)

Bánh mì Phượng thường được du khách cho vào sổ tay như là một trong những món “bắt buộc” phải thưởng thức ở Việt Nam. Và không chỉ thế, bánh mì Phượng cũng rất hấp dẫn đối với dân bản địa và du khách trong nước. Mỗi ngày, quán bán từ sáng sớm tới khuya muộn mới ngừng. Điểm ngon của bánh mì Phượng là tất cả nguyên liệu đều tự làm với bí quyết riêng, và ổ bánh mì nhìn rất hấp dẫn.

Bên trong ổ bánh mì giá 10 ngàn của tiệm bà Phượng.

Và một đặc điểm dễ thương nữa mà bạn không thể nào không công nhận ở bánh mì Phượng: tuy nổi tiếng thế giới là vậy, nhưng giá chỉ 10k cho 1 ổ bình thường (giá cập nhật năm 2015).

Địa chỉ: 2A Phan Châu Trinh, Hội An, Quảng Nam.

2. Bánh mì vỉa hè 37 Nguyễn Trãi.

Nếu như Bánh mì Phượng là “bánh mì ngon nhất Việt Nam”, thì bánh mì vỉa hè 37 Nguyễn Trãi ở Sài Gòn, là “bánh kẹp ngon nhất thế giới”, đứng đầu bảng trong danh sách “12 món ăn đường phố ngon nhất thế giới”, theo tạp chí du lịch Mỹ Conde’ Nast Traveler.

Bánh mì ở tiệm này là bánh mì thịt nướng. Trong ổ bánh mì, ta thấy thịt được viên tròn, nướng thơm sau khi tẩm ướp kĩ lưỡng và đặt bên cạnh dưa leo, đò chua, ngò, xì dầu… những gia vị đặc trưng của bánh mì Sài Gòn. Giá bánh mì ở đây vào năm 2014 là 20 ngàn/ ổ.

Bánh mì Nguyễn Trãi (ảnh: Saigonamthuc.thanhnien.com.vn)

 

Địa chỉ: Đầu hẻm 37 Nguyễn Trãi, Q1, Sài Gòn.

3. Bánh mì Phố Huế:

Đây là đại diện của bánh mì Hà Nội, một phong cách bánh mì hoàn toàn khác biệt so với hai miền còn lại. Trong bài viết “Bánh mì Việt Nam ngon nhất quả đất” của BBC mô tả về ổ bánh mì này: bánh mì tuy không quá phức tạp, nhưng mọi thứ bên trong nó đều có vai trò riêng: ruốc giúp nước sốt được thấm, pate làm ẩm bánh và bánh nướng giòn để không bị mềm trong thời tiết ẩm.

Phóng viên DAvid Farley ca ngợi: “Ổ bánh mì này nó thực là khác biệt! Độ giòn của lớp vỏ đã dẫn dụ theo cái vị ngon quyện hòa của thịt và gia vị một cách nhẹ nhàng!”.

Bánh mì Phố Huế.

Địa chỉ: 118A Phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, Hai BÀ Trưng, Hà Nội.

4. Bánh mì vỉa hè Nha Trang

Tạp chí National Geographic đã chọn món bánh mì pate ở Nha Trang vào một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Tuy vậy tờ báo này không đưa địa điểm cụ thể, ngoài việc chụp và đăng ảnh một hàng bánh mì rất đặc trưng ở thành phố xinh đẹp này:

Bánh mì Nha Trang, ảnh: National Geographic.

Mỹ Mạnh tổng hợp

Cách làm Cơm Chiên Cá Mặn

[MAV.vn] Cơm chiên cá mặn, món ăn sáng dân dã nhưng rất đã, mùi thơm của nó khiến cho khó ai có thể chối từ.

Nguyên liệu:

Cho 1-2 người ăn:

  • 3 chén cơm đã nấu chín (nguội, khô rời càng ngon).
  • 1 miếng cá mặn (cá khô) bằng 2 -3 hoặc 4 ngón tay tùy ăn được nhiều hay ít
  • 1 quả trứng (gà ngon hơn vịt)
  • 1 cây hành lá
  • Tỏi băm: 2 muỗng cafe
  • Hành củ băm: 1 muỗng canh
  • Mắm, muối, đường, dầu ăn, gia vị các thứ.

Chuẩn bị:

– Cá mặn lấy kéo cắt miếng vuông nhỏ, ngâm trong nước nóng ít nhất 2 tiếng (qua đêm càng tốt). Sau đó lấy đồ đập cho dập. Rồi lấy tay xé ra càng tơi nhỏ càng ok. Nhớ là đoạn này xé tay mới ngon!

– Hành lá thái nhỏ, hành củ và tỏi băm nhuyễn.

– Pha 2 muỗng cafe đường với chút xíu nước cho nó tan ra.

Thực hiện:

– Chuẩn bị chảo dầu, phi thơm tất cả chỗ tỏi và hành củ băm đã chuẩn bị (hơi bị nhiều đấy!), sau đó cho cá mặn xé nhỏ vào xào lửa lớn và nhanh tay cho vàng thơm… rồi mới ụp tô cơm vào, nêm thêm chút muối.

Rang cho cơm nóng và trộn đều với cá, hành tỏi, sau đó đập 1 quả trứng vào rang cho tới khi cơm tơi, trứng chín khô, tơi ra thì đổ chén đường pha nước vào xào. Nếm coi có vừa ăn không.

– Vừa rồi (hơi lạt cũng được) thì cho hành lá thái nhỏ vào trộn đều lên cho có màu xanh, đậy lại, chờ tới khi ăn.

– Cuối cùng, trút ra tô rồi ăn nóng. Ai muốn đẹp nữa thì đổ ra dĩa trang trí cà chua dưa leo này nọ!

***Đây là món nhà quê, mỗi người mỗi cách làm, chủ yếu là tô cơm chiên phải có vị thơm mặn của cá, còn trứng hay thịt có thể coi là ăn thêm cho bổ chứ thực chất thì không làm ngon hơn mấy! Mình thích ăn cơm chiên cá mặn không bỏ trứng, ăn cho nó đậm mùi cơm, chứ bỏ trứng vô thì mùi trứng hơi bị át mùi, tất nhiên là cũng có người thích mùi trứng.

***Nên nêm lạt một chút để khi ăn chan thêm miếng mắm ớt, ăn sẽ ngon hơn, đừng có nêm vừa, ăn món Việt mà không chan nước mắm chán lắm!!!!.

Bé Thúi.

Cách làm THỊT KHO TRỨNG CÚT

Không chỉ có vị ngon hấp dẫn, món này còn mang công dụng chữa bệnh, bồi dưỡng cơ thể của trứng cút. 

Nguyên liệu:

  • Trứng cút: 20 quả
  • Thịt ba rọi hoặc sườn non: 300gr
  • Dừa xiêm: 1 trái, chỉ lấy nước
  • Nước mắm, muối, đường, gia vị các thứ
  • Hành tím 3 củ, tỏi 3 tép
  • Hành lá 1 cây.

Cách làm:

  • Chuẩn bị:

– Trứng cút luộc chín, lột hết bỏ (trong lúc bóc vỏ để sẵn chén muối tiêu, vừa lột vừa ăn bớt từ 5-10 trái nhé các bạn, vì trứng cút ăn lúc này là ngon nhất, và cũng vì nếu kho 1 lúc 20 trái thì hơi nhiều, không cân đối so với lượng thịt)
– Lấy 1 củ Hành tím băm nhuyễn, 2 củ còn lại chẻ dọc làm đôi. Tỏi băm nhuyễn. Hành lá xắt nhỏ.
– Thịt ba rọi đem rửa sạch, thái miếng ngang bằng 2 ngón tay, dày 1,5 ngón (vì trứng cút nhỏ nên thái thịt to quá nhìn không đẹp, chủ yếu là đẹp để lên ảnh cho hấp dẫn, nhiều like)
– Ướp với 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng canh hành tím băm, 1/2 muỗng cafe tỏi. Món này khỏi ướp nước hàng vì nước dừa kho kỹ thì cũng tạo màu nâu cho thịt rồi. Ướp thịt trong ít nhất 15 phút.

  • Thực hiện:

– Bắc một cái nồi hoặc chảo, phi thơm hành tỏi, sau đó cho thịt vào xào cho mặt thịt săn lại.
– Tiếp đó, trút trứng cút vào nồi nhẹ nhàng. Cho mấy củ hành đã cắt đôi còn lại vào nồi.
– Đổ hết nước dừa vào vặn lửa to cho sôi, rồi nhỏ lửa, nêm 1 muỗng canh nước mắm.
– Sau đó kho liu riu tới khi nước dừa ngấm vào thịt, còn khoảng 1/3 so với mặt thì thì nêm nếm lại cho vừa ăn (lúc này có thể nêm đường để gia giảm độ mặn ngọt của nước thịt).
– Nêm nếm cho chuẩn rồi, thì kho tiếp trong 5 phút cho thấm, sau đó rắc tiêu, hành lá lên, đậy nắp lại cho hành lá bị “xìu”, đậm màu, bám vào thịt và trứng ton sur ton rất đẹp.
– Đẹp rồi thì tắt bếp.

  • Măm măm:

– Món này ăn nguội với cơm nóng, hoặc ăn nóng với cơm nguội đều ngon.

*** Các bạn lưu ý là hành lá có thể làm món này thơm và đẹp, hấp dẫn hơn, nhưng mà nếu nhắm ăn hết trong 2 bữa thì hãy bỏ hành trực tiếp vào nồi, vì hành dễ thiu sẽ làm món ăn mau hư hơn. Nếu nhắm ăn hông hết nổi, thì tốt nhất là chỉ rắc hành vào dĩa thịt.
*** Với trứng cút, bạn có thể luộc chín rồi chiên vàng trước khi cho vào kho, như nhiều người thường làm. Làm như vậy thì trứng cút sẽ có vị thơm của trứng chiên, nhưng nước kho sẽ khó thấm vào trong trứng hơn là khi không chiên.

Bé Thúi.

Những thực phẩm bà bầu nên tránh (phần 2)

Dinh dưỡng cho thai phụ là điều rất nhiều người quan tâm, vì nếu ăn uống không hợp lý, các chất trong thức ăn có thể gây ảnh hưởng xấu đến cả mẹ lẫn bé. Sau đây là những loại thực phẩm bà bầu nên hạn chế hoặc tránh xa trong thai kỳ, nhất là ở giai đoạn 3 tháng đầu:

Quả dứa (thơm, khóm):

Trong quả này có bromelain, chất làm mềm khung xương chậu, làm cho dễ chuyển dạ, vì vậy, nếu ăn quá nhiều dứa trong thời gian đầu của thai kỳ thì hoàn toàn không tốt.

Quả đào:

Đào là loại quả nóng, nếu ăn nhiều dễ gây xuất huyết ở bà bầu.

Khổ qua:

Hay còn gọi là mướp đắng, là loại quả mang lại nhiều lợi ích nhưng không phù hợp với thời kỳ mang thai. Vì quả có tác dụng kích thích co bóp tử dung và dạ dày. Người đã nạo phá thai nhiều lần, tử cung có thẹo hoặc tử cung ngả sau nếu như ăn nhiều quả này, có thể bị sảy thai.

Rau sam:

Rau sam ngon và bổ, nhưng nên hạn chế ăn nhiều, nhất là bà bầu. Vì rau sam cũng gây kích thích co bóp tử cung, tạo nên nguy cơ sảy thai và nguy hiểm cho sức khỏe mẹ.

Thực phẩm chứa vi khuẩn listeria:

Ví dụ như thịt muối, phó mát mềm, sữa chưa tiệt trùng. Khi có thai, sức đề kháng của mẹ khá yếu để có thể ngăn chặn listeria. Vi khuẩn này còn có thể lây qua bé qua đường nhau thai, làm thai nhi bị nhiễm trùng rất nguy hiểm.

Cam thảo:

Một nghiên cứu tại trường đại học Helsinki (Phần Lan) kết luận: Mẹ bầu nào dùng từ 250g cam thảo trở lên trong một tuần lễ thì có nguy cơ đẻ non cao cấp đôi so với những người không ăn hoặc ít ăn cam thảo.

Gừng:

Gừng có thể chữa các triệu chứng nghén cho bà bầu, tuy nhiên đừng lạm dụng, vì theo một số nghiên cứu, gừng còn có thể gây co thắt, xuất huyết tử cung. Người ta vẫn còn tranh cãi về tác hại của gừng đối với thai kỳ, tuy nhiên tốt hơn là bạn chỉ nên dùng với một lượng vừa phải khi cần thiết.

Sầu riêng:

Đây là loại thực phẩm nóng có thể làm đường huyết trong cơ thể tăng cao, khiến thai nhi có thể to hơn bình thường. Ăn nhiều sầu riêng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu: đầy hơi, khó tiêu, tăng huyết áp. Nếu thèm quá, bà bầu có thể ăn một ít kèm với các loại quả mát như dưa bở, bưởi…

Lô hội:

Các thầy thuốc thường khuyến cáo, thai phụ và người mới đẻ tuyệt đối không nên dùng lô hội (nha đam). Những nghiên cứu gần đây cũng cho biết loại lá thuốc này có thể liên quan tới sẩy thai, dị tật cho trẻ.

Cách làm SƯỜN XÀO CHUA NGỌT

Sườn xào chua ngọt là món ăn “hoàn hảo” trong khẩu vị nhiều người, nó có đủ cái béo ngọt hấp dẫn của sườn non, vị chua nhẹ mà đậm đà của dấm, vị thơm của tỏi, mặn của nước mắm.

Nguyên liệu:

  • 500g sườn non (sườn sụn càng ngon)
  • Hành củ băm
  • Tỏi băm
  • Dấm, nước mắm, đường, tiêu, ớt.
  • 1 quả cà chua lớn
  • Hành lá thái nhỏ

suon-xao-chua-ngot

Cách làm:

  • Chuẩn bị:

– Cà chua thái nhỏ
– Sườn non mua về chặt khúc nhỏ vừa ăn.
– Chuẩn bị nồi nước lạnh, cho sườn vào kèm theo 1 nhúm muối và 1 củ hành tím đập dập, bật lửa to nấu cho ra bọt.
– Nước sôi khoảng 2 phút thì vớt sườn ra rửa sạch lại bằng nước lạnh. Để ráo.

  • Thực hiện:

– Cà chua trụng qua nước sôi (cho dễ lột vỏ) rồi lột vỏ.
– Ướp sườn với 1 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe dấm, 1/2 muỗng canh hành băm, 2 muỗng cafe tỏi băm, 1/2 muỗng cafe tiêu, để trong 15 phút
– Trong lúc chờ thịt thấm thì bắc cái chảo nhỏ phi thơm hành rồi cho cà chua + một chút nước vào xào. Đậy vung lại 1 phút để cà chua nhừ rồi dùng cái vá dằm nát cà chua ra. Sau đó để qua một bên.
– Lúc này thì thịt đã ngấm. Ta bắc một cái chảo, cho dầu ăn và hành tỏi băm vào phi thơm. Sau đó lấy hết hành tỏi bỏ đi, chừa lại một chút xíu dầu ăn, ta cho sườn vào xào cho cháy cạnh.
– Tiếp theo, đổ nước sốt cà chua làm lúc nãy vào trong chảo sườn, vặn lửa nhỏ nấu trong 20 phút.
– Sườn bắt đầu chín thì ta nêm nếm lại gia vị, chủ yếu là thêm đường và nước mắm để cân bằng độ chua ngọt mặn của món ăn.
– Nêm nếm xong rồi thì xào lên cho đều, đun tiếp 3 phút nữa rồi tắt bếp.

  • Măm măm:

– Cho ra đĩa, rắc chút tiêu và hành lá thái nhỏ lên bề mặt món sườn. Món này ăn nóng mới ngon.

Bé Thúi

Những ứng dụng bất ngờ của Tỏi (phần 2)

[MAV.vn] Tỏi không chỉ là một loại gia vị, thực phẩm bổ dưỡng. Bên cạnh công dụng ngăn ngừa và chữa được nhiều chứng bệnh, trong đó có cao huyết áp, ung thư… tỏi còn biết đến với rất nhiều “tài lẻ” khác.

Trị mụn trứng cá:

Tỏi có thể dùng như một loại mỹ phẩm hỗ trợ trị mụn trứng cá nhờ khả năng thanh lọc máu cộng với tính kháng khuẩn của nó. Bạn có thể chà nhẹ mặt cắt tỏi sống lên mặt để trị mụn. Hoặc nghiền nát tỏi lấy nước để thoa vào chỗ mụn.

Kháng sinh

Tỏi nghiền được coi là một loại kháng sinh mạnh có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, tụ cầu khuẩn. Nếu bạn bị thương trong trường hợp chưa thể đi đến bác sĩ, hãy thử bôi tỏi lên vết thương để ngăn nhiễm trùng.

Câu cá

Thật là kỳ lạ là cá lại thích mùi hương của cái món thường được nấu chung với chúng. Hãy thêm chút hương tỏi vào mồi câu cá xem, hiệu quả bất ngờ đấy!

Đẩy nhanh hồi phục vết thương:

Bổ sung tỏi vào bữa ăn của bạn sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình làm lành vết thương

Trị rộp môi:

Nếu bạn bị rộp môi, hãy bôi một ít tỏi sống nghiền nát vào môi. Đây là cách dân gian rất hữu hiêu.

Giảm cân:

Những người cần giảm cân thường được các bác sĩ khuyên tăng lượng tỏi vào khẩu phần hàng ngày. Các nghiên cứu cho thấy những con chuột ăn nhiều tỏi sẽ giảm trọng lượng và chất béo dự trữ trong thân thể.

Chữa ngứa bàn chân

Nếu bị nấm ngứa ở bàn chân, thay vì gãi mãi không được, bạn hãy ngâm chân vào chậu nước ấm có nước cốt tỏi hoặc vài miếng tỏi dập.

Chữa đau họng:

Nấu tỏi sống trong một lượng nước nhỏ, thêm mật ong và đường, vậy là bạn đã có 1 chai siro tỏi chữa đau họng hiệu quả nhờ vào tính kháng khuẩn mạnh của tỏi. Nếu muốn đơn giản hơn, bạn chỉ cần ngâm tỏi trong nước rồi uống.

Bạnh Bư tổng hợp.

Xem tiếp: NHỮNG ỨNG DỤNG BẤT NGỜ CỦA TỎI, PHẦN 1 

Cách nấu Canh Chua Chay

Canh chua chay nấu tương tự như canh chua bình thường, chỉ khác ở chỗ là dùng nguyên liệu chay.

Nguyên liệu:

  • Đậu hũ non: 2 miếng
  • 1/2 trái dứa
  • 1 quả cà chua
  • Nấm rơm, hoặc nấm dai, nấm gì không có vị đậm quá là được: 150g
  • 5 trái đậu bắp
  • Dọc mùng (bạc hà): 1 cây
  • Giá đỗ: 1 nắm
  • Me chua chín: 1/2 vắt
  • Boa rô (tỏi tây), ngò (mùi tàu), đường, muối.

Cách làm:

Sơ chế: 
– Đậu hũ non cắt ra miếng vừa ăn. Có thể chia bớt 1 phần xắt mỏng đem chiên giòn để sau cùng bỏ vào nồi canh cho phong phú.
– Cà chua bổ múi cau làm 6 miếng
– Dứa chia đôi: 1 phần bằm nhuyễn, 1 phần xắt lát mỏng
– Đậu bắp xắt khúc vừa ăn
– Dọc mùng cắt xéo khúc vừa ăn. Sau đó cho vào tô nước có pha chút muối, bóp 1 chút rồi rửa lại bằng nước sạch, làm vậy để không bị ngứa.
– Tỏi tây thái nhỏ. Ngò xắt khúc.

Thực hiện:
– Đầu tiên ngâm vắt me vào trong cái chén nước ấm, dằm nhẹ cho ra nước chua (dằm mạnh cũng không sao).
– Bắc cái nồi đủ nấu canh, cho vào chút dầu ăn, rồi thả vài lát boa rô vào phi thơm, sau đó cho phần dứa băm vào xào cho chín, ra nước vàng, rồi cho tiếp cà chua và dứa lát vào xào sơ vài phát cho vui (buồn thì đừng xào nha :))) .
– Rồi mới đổ 1 lượng nước đủ nấu canh vào nồi, trút hết nấm vô luôn, nấu sôi.
– Nước sôi thì cho tiếp nước từ vắt me chua vào, đun sôi (Nếu nước me chưa đậm thì có thể kiếm cái rây bỏ me vào rồi nhúng xuống nước canh đang sôi, vừa nhúng vừa đãi cho ra nước me, làm như vậy thì nước chua sẽ ra ồ ạt hơn).
– Nấu tiếp 10 phút cho nước đậm đà, rồi trút đậu bắp vô, nấu tiếp 3 phút.
– Sau cùng, vặn nhỏ lửa rồi trút bạc hà, đậu hũ non (và đậu hũ chiên giòn nếu có) vào, nêm thêm muối, nhiều đường, xắt thêm 1 trái ớt vào, nếm lại đủ 4 vị chua cay mặn ngọt không vị nào gắt quá là ok, nấu tiếp cho đến khi sôi trở lại, chờ tiếp 3 phút rồi cho giá vào nấu tiếp 39 giây, tắt bếp.
– Rắc boa rô thái nhỏ vào nồi.
– Ăn nóng với cơm.

Món canh chua thì cho dù có là canh chua chay đi nữa, nó cũng chỉ đơn giản vậy thôi. Chủ yếu là khâu chuẩn bị nguyên liệu và nêm nếm. Muốn ngon, thì nêm gia vị cho đậm đà, nhất là vị me và đường nên nêm mạnh tay một tí. Còn phần rau quả, bạn có thể tùy biến cho hợp với sở thích của mình, miễn sao đừng có bỏ mấy cái đồ độc hại vô là được.

Bé Thúi.

Cách làm nước cốt dừa, nước dảo dừa, sữa dừa

Nước cốt dừa là thứ không thể thiếu trong rất nhiều món ăn Việt Nam, đặc biệt là các món bánh, chè của Nam bộ. Có nhiều cách làm để lấy nước cốt từ dừa, nói chung rất đơn giản, trừ khi người ta cố tình làm cho nó phức tạp lên.

Nguyên liệu để làm nước cốt dừa:

  • Dừa già (dừa khô vỏ)
  • Nước nóng

Dừa ở đây có thể là dừa nạo sẵn, nhưng nếu không an tâm về chất lượng dừa nạo sẵn, bạn có thể mua dừa về, tự nạo.

Nếu có máy xay sinh tố thì đơn giản hơn, bạn nạy dừa ra khỏi vỏ rồi chặt ra từng miếng nhỏ, sau đó bỏ vào máy xay, xay nhỏ.

Dừa ngâm vào một ít nước nóng trong 5 phút cho dễ vắt.

Sau đó vớt dừa lên bỏ vào một miếng vải sạch, túm lại một đầu rồi bóp vắt mạnh cho ra nước cốt.

Sau khi làm nước cốt dừa, với phần bã dừa còn lại, thì bạn có thể làm tiếp loại nước cốt dừa loãng hơn, mà ta hay gọi là nước dảo (hay dão gì đó) dừa. Bằng cách nhúng tiếp vào nước sôi và vắt tiếp. Nước dão dừa thường pha với đường, đá thành sữa dừa.

Nước đầu thì đậm đặc hơn nước sau. Tùy theo yêu cầu của món ăn mà bạn chọn nước cho phù hợp.

Phần bã dừa còn lại, bạn có thể ướp đường rồi nướng lên hoặc sấy khô để làm dừa khô ăn cũng ngon. Nhớ ăn nhiều nhiều cho bị ho chơi :)) .

Bé Thúi

 

K300: Góc Huế giữa Sài Gòn

Ẩm thực có thể xếp vào hạng nhất trong những thứ quyến rũ nhất của cố đô Huế, thật vậy, với những người chưa tới Huế thì những tấm ảnh sông Hương núi Ngự hay kinh thành cổ kính xưa có khi không gợi được cảm giác gì, nhưng khi nghe nhắc tới bún bò Huế, cơm hến, bánh bèo, bánh ướt cuốn thịt luộc, bún mắm nêm…rất ít ai tránh khỏi bị nôn nao trong dạ.

Những món đó, thật sự thì không khó tìm ở các nhà hàng rải rác trong Sài Gòn. Nhưng với rất nhiều người, nhà hàng không phải là chỗ thích hợp để thưởng thức những món ăn dân dã. Họ muốn có 1 không gian quán xá thoải mái với chút xộc xệch của bàn ghế và lơ là của người phục vụ. Rồi thì không biết từ bao giờ, khu K300 đã hình thành nên một tổ hợp quán xá Huế để đáp ứng cho nhu cầu đó.

K300 là khu vực quân đội, nằm trên đường Cộng Hòa, thuộc quận Tân Bình. Vào chốn này tìm đường A4 đi thẳng tới gần hết đường, là sẽ gặp khu ẩm thực Huế với những bảng hiệu: O Lan, O Nhớ, Huế Thương, Thanh Trà, Anh Mãi… nhưng cho dù không để ý bảng hiệu thì vẫn phải biết được một chút gì rất Huế đang lơ lửng quanh đây, qua mùi khói tỏa ra từ những bếp lò. Đó là mùi thơm đậm đà của bún bò, dịu dàng của bánh canh, nhưng cũng có cả mùi tanh tao khêu gợi của hến. Bún bò Huế là món quá quen thuộc, nhưng ăn ở đây thì hơi khác, do chính người Huế nấu, hình như là nấu cho người Huế ăn, nên hương vị nhẹ nhàng hơn, mà tô bún cũng khiêm tốn hơn.

Không nổi danh bằng bún bò huế, nhưng món trụ cột ở khu vực này lại là bánh canh cá lóc. Các quán Anh Mãi, O Nhớ, Huế Thương được dân tình yêu mến bởi món bánh canh này. Bánh canh Huế khác bánh canh Sài Gòn ở chỗ sợi vuông, làm từ bột gạo trộn bột năng, cá lóc thường dùng loại cá đồng, bỏ hết xương, để từng miếng bự sắp lên tô nước cái lẫn lộn sóng sánh sền sệt, sau đó rắc hành một lớp xanh rì. Khi ăn phải rắc tiêu và hơi nhiều ớt bột thì mới ngon, mới cay, mới đậm đà vị Huế. Kiểu bánh canh này mới ăn thấy lạ, nhưng khi đã thấm rồi mới thấy thật sướng bụng. Ăn xong nếu chưa no, thì kêu thêm dĩa bánh khoái, nem lụi, bánh bèo, nậm, lọc, len cho chặt dạ dày, cắn thêm miếng vả giòn, khế chát, miếng ớt hiểm cay túa mồ hôi hột… toàn những thứ nhỏ nhỏ mà khó quên.

Nói món Huế mà không nói tới hến là một sự thiếu sót. Người Huế làm được nhiều món ngon từ hến: hến trộn, hến xào, cơm hến, bún hến. Đúng điệu phải ăn bún hến, cơm hến vào buổi sáng, lúc đó bụng dạ còn phơi phới tươi nguyên, mới có thể hòa trộn ưng ý những cái lạt lẽo của cơm nguội, mặn mòi của mắm ruốc, cay xè của ớt và hương vị khó tả của hến, vô nhau, làm thành một thứ có thể chui vô hết mọi ngóc ngách của khẩu vị loài người. Tuy chỉ là những món dân dã rẻ tiền, nhưng cơm hến, bún hến, hến trộn trường tồn theo năm tháng, vẫn giữ nguyên nét giản dị của mình.

Đó là nói trên lý thuyết, còn thực tế thì tại khu này hiếm có quán hến nào có thể làm vừa lòng những người khó tính. Là vì hến không phải lấy từ cồn Hến ở sông Hương, rau cũng mua từ các chợ Sài Gòn, lá to bản và nhạt mùi… Nhưng ai dễ chịu thì thấy chừng đó là ổn rồi, ít ra cũng có một nửa hương vị Huế mà không cần phải đi thêm 1000 km.

Từ chiều đến gần nửa đêm, khu vực này rất đông đúc với những khách ruột. Từ trẻ tới già, từ bia tới nước ngọt, không gian trở nên phù hợp với những người sôi nổi. Lúc này cũng là lúc các món hột vịt lộn xào me, chân gà muối ớt…đi vào các bàn ăn để làm hài lòng khách ẩm thực Sài Gòn.

Nói chung muốn tìm một nơi giống Huế giữa Sài Gòn hay bất cứ nơi đâu trên thế giới này là điều không thể. Khách tới đây để ăn chơi, để đổi khẩu vị, hay để ôn lại một vài hương vị Huế xưa đã trở thành kỉ niệm. Nhiều người thậm chí không tới để ăn, chỉ là dạo một vòng quanh khu ẩm thực để đọc thầm những bảng hiệu O Nhớ, Huế Thương, rồi vội vàng đem những khoảnh khắc Huế chóng tan ấy ra về.

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

 

Cách nấu Cà Ri Cá Lóc

Vị thơm kích thích của cà ri kết hợp với vị ngọt của cá lóc (cá quả, cá tràu) sẽ mang lại cho gia đình bạn một bữa ăn ngon và lạ.

Nguyên liệu:

  • Cá lóc: con độ 1kg
  • 1 hũ dầu cà ri
  • 1 muỗng canh bột cà ri
  • Thơm chín: nửa trái
  • Sả băm: nửa chén
  • Dừa nạo: nửa ký
  • Trần bì & quế chi mỗi thứ 1 ít
  • Hành tây, hành củ, tỏi, ớt, dầu ăn, nước mắm.

Cách làm:

– Làm sạch cá lóc, rửa với nước muối. Lấy con dao khứa lưng cá rồi dùng mũi dao lách vào cá lóc xương để lấy phi lê. Lấy phi lê xong rồi thì chuẩn bị 1 nồi nước khoảng 2 lít nước, nấu sôi sẵn, bỏ cá vào luộc.

– Cá chín thì gắp ra. Nồi nước luộc để đó chút nữa dùng tiếp.

– Ướp cá với muối, tiêu, đường, bột ngọt, bột cà ri.

– Thơm bỏ lõi, xắt sợi nhỏ.

– Hành tây xắt thành cọng mỏng.

– Tỏi ớt hành củ băm nhuyễn.

– Dừa khô cho vào khăn mỏng, vắt cho ra nước cốt. Cho bã dừa vào cái chén khác, châm thêm chút nước nóng rồi vắt tiếp lấy nước dão dừa. 2 thứ nước cốt và nước dão để riêng.

– Bắc một cái chảo lên bếp, cho dầu ăn hoặc mỡ vào, nấu cho nóng rồi thả sả, tỏi băm, ớt, hành vào phi cho vàng, thơm. Cho cá và dầu cà ri vào xào săn rồi trút thơm vào xào tiếp. Vặn nhỏ lửa nấu tiếp vài phút cho ngấm.

– Nồi nước luộc khi nãy nấu sôi lại, rồi cho nước dão dừa vào khuấy đều, sau đó trút cá đã xào vào, nấu thêm 10 phút. Nêm nếm lại vừa ăn.

– Cuối cùng đổ chén nước cốt dừa vào quấy đều, nấu lại cho sôi rồi tắt bếp. Nhắc xuống.

– Bỏ ra dĩa, ăn với cơm hoặc bún, bánh mì. Khi ăn nên để một dĩa nhỏ muối ớt chanh để chấm cá.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách làm Chả Mực

Chả Mực là món ăn ngon ở các tỉnh miền biển, trong đó nổi tiếng nhất là chả mực Hạ Long, Quảng Ninh với phần nguyên liệu tuyển chọn và bí quyết chế biến gia truyền. Chả mực có nhiều cách làm, sau đây là một trong những cách làm chả mực đơn giản nhất, chỉ cực ở đoạn giã mực.

Nguyên liệu:

  • Mực nang tươi: nửa ký
  • 100g mỡ gáy heo xay sẵn.
  • Rau thì là.
  • 1 quả trứng gà
  • Nước mắm, tiêu, tỏi băm, dầu ăn.

Mực: chọn con còn tươi sống, mập dày, râu mực còn bám vào tay, da mực còn sáng óng ánh là mực ngon.

Thực hiện:

– Mực làm sạch, lột da, bỏ ruột, dùng dao cạo bỏ phần nhầy, rửa với nước muối cho sạch rồi rửa lại với chút rượu pha rừng cho hết tanh. Dùng giấy thấm dầu thấm cho khô hết nước trên mực. Sau đó chia ra, râu mực để riêng, xắt nhỏ. Thân mực và đầu mực xắt nhỏ.

– Rau thì là thái nhỏ.

– Cho đầu và thân mực vào chung 1 cái cối rồi dùng chày giã nhuyễn. Giã từng ít một, không vội vàng (có máy xay thì cho vào xay cho khỏe, nhưng không ngon bằng giã tay).

– Giã xong thì cho râu mực và mỡ gáy vào, nêm thêm 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cafe tỏi băm, 1 muỗng cafe tiêu xay, chút dầu ăn, đập quả trứng gà vào chén đánh cho tan rồi trút vào theo luôn. Cho thêm 1 ít (khoảng 1 muỗng canh) rau thìa là thái nhỏ để có hương thơm thì là, nhớ đừng cho nhiều quá ảnh hưởng đến mùi mực. Đeo bao tay nilon bóp nhuyễn, trộn đều lên. Sau đó để yên trong 5-10 phút cho gia vị ngấm.

– Trộn xong thì nặn chả thành mấy miếng dẹt dẹt vừa ăn.

– Bắc chảo dầu, khi dầu hơi nóng thì bắt đầu thả chả mực vào chiên vàng từng mặt. Dùng chảo to thì có thể chiên tất cả 1 lúc, tiết kiệm thời gian.

Chả chín là có thể ăn được. Pha nước mắm tỏi ớt chua ngọt + vài cọng thìa là, hoặc đơn giản là chấm tương ớt. Ăn với cơm, xôi, hoặc bún.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách nấu THỊT KHO TÀU miền Bắc

Thịt kho tàu kiểu miền Bắc, cũng kho với trứng như thịt kho tàu kiểu miền Nam, nhưng màu sắc và hương vị cũng khác, vì không dùng nước dừa. 

Nguyên liệu:

  • Thịt ba chỉ hoặc thịt mông (nếu bạn không ăn được mỡ – không khuyến khích, vì ăn thịt kho mà không có mỡ sẽ khô, ngán). 3 lạng
  • Trứng vịt hoặc gà: 4-5 quả tùy thích
  • Ngũ vị hương hoặc bột húng lìu
  • Tiêu, đường, muối, tỏi băm, hành băm.
  • Nước màu [ xem CÁCH LÀM NƯỚC MÀU]

Thực hiện:

– Thịt lợn rửa sạch, xắt thành miếng to vừa ăn khoảng 2x4x6 cm. Cho 1 thìa cafe ngũ vị hương vào, ướp cùng 1,5 thìa canh đường, 2 thìa cafe nước mắm, 1/2 thìa cafe muối, tỏi băm, hành băm. Ướp khoảng 30 phút.

– Trứng cho vào nồi luộc chín hoàn toàn, lột vỏ, có thể rán vàng da trứng nếu thích. Xong thì để qua một bên.

– Bắc nồi kho, cho chút dầu ăn hoặc mỡ rán vào, phi thơm ít tỏi băm, sau đó cho thịt vào xào cho săn, đoạn này nhớ xào nhanh và đều tay để cho thịt không bị cháy.

– Thịt chín, cho 2 muỗng canh nước hàng. Cho tất cả trứng vào nồi, châm thêm nước cho sâm sấp thịt. Nấu lên cho sôi rồi văn nhỏ lửa riu riu, nêm gia vị cho vừa ăn, có thể ngắt cuống 2-3 quả ớt để vào nếu thích ăn cay.

thit-kho-tau-21

– Đậy nắp nồi nấu tiếp với lửa nhỏ cho đến khi thịt mềm, dùng đũa đâm thủng được là ok. Nếu cạn nước, thì châm thêm tí nước và nêm lại cho vừa miệng, sao cho lúc thịt mềm, vẫn còn 1 ít nước để chan vào cơm ăn cho ngon.

– Thịt chín: tắt lửa, bỏ ra đĩa, rắc chút tiêu, hành lá. Ăn với cơm hoặc xôi.

Bé Thúi