Những lệch lạc trong sở thích ăn uống của người Việt
Chúng ta bây giờ hào hứng ăn một bát bún đầy ốc to, ốc nhỏ, giò tai, thịt bò, đậu phụ, hành phi, thêm một thìa tướng xì dầu, tương ớt mà chả cảm thấy áy náy gì.
Ăn là nhu cầu lớn nhất của con người. Người ta có thể sống không cần yêu nhưng nhất thiết phải ăn. Về tầm quan trọng, chuyện ăn uống luôn đứng đầu và được xếp vào tầng thứ nhất của tháp nhu cầu Maslow. Song chuyện ăn bây giờ có vẻ hời hợt vô cùng.
Ẩm thực Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới. Các món ăn đường phố Việt Nam cũng rất phong phú và đa dạng.
Người Việt có lẽ là một trong những dân tộc coi trọng chuyện ăn nhất thế giới. Giở từ điển Tiếng Việt, đề mục Ăn có khoảng 120 đơn vị, bao gồm cả từ ngữ và thành ngữ. Chỉ riêng một mình từ Ăn đã hàm chứa 13 ngữ nghĩa khác nhau. Người Việt coi miếng ăn là Trời (Dĩ thực vi thiên), là nền tảng của Đạo (Có thực mới vực được đạo) nên ăn rất kỹ, rất tinh, rất cầu kỳ chứ không xô bồ, hỗn tạp. Việc nấu và việc ăn dù là các món đơn giản hay phức tạp đều đòi hỏi tuân theo những nguyên tắc nhất định, mặc dù có thể biến thiên theo tập tục ẩm thực của vùng miền hay thời đại.
Chế biến đúng kiểu, ăn đúng cách là yêu cầu tối thiểu trong việc ăn uống, chưa nói gì đến rất nhiều quy định khác nếu muốn nâng tầm lên nghệ thuật thưởng thức ẩm thực như: Đồ ăn ngon phải ăn đúng lúc (Thời gian – Thiên), đúng địa điểm (Không gian – Địa) và cả đúng người – người nấu và người ăn cùng (Nhân).
Song việc ăn uống chưa bao giờ bị biến dạng méo mó như hiện nay. Chúng ta bây giờ hào hứng ăn một bát bún ốc đầy ốc to, ốc nhỏ, giò tai, thịt bò trần tái, đậu phụ, hành phi, trộn thêm một thìa tướng xì dầu, tương ớt mà không cảm thấy áy náy lương tâm.
Một thức đồ ăn đề cao sự đơn giản, thanh nhã, lấy vị chua nhẹ của nước dùng làm nền cho cái ngọt ngon của ốc, cái dẻo thơm của bún gạo lại có thể hòa nhịp của miếng thịt bò, vốn trở nên rất dở trong nước dùng chua. Thế nhưng, người ta vẫn cứ vô tư ăn thịt bò với bún ốc, nếu người bán không phục vụ thì các thượng đế sẵn sàng mang thịt bò từ nơi khác đến nhờ “trần hộ vào bát của em”, vốn là một chuyện rất thường tình ở hàng bún ốc ngõ Hàng Chai (Hà Nội).
Ngoài thịt bò và giò tai, thảm họa của bún ốc và bún riêu cua bây giờ chính là đậu phụ. Thứ đậu phụ để ăn kèm với bún riêu phải là thứ đậu mới, rán vàng vừa lửa, phồng căng, giòn tan và thơm ngậy. Còn đậu phụ dùng trong món bún ốc chuối đậu tuy không rán giòn nhưng cũng phải là đậu mới, được nướng qua hoặc rán sơ rồi với đem nấu cùng chuối, ốc.
Đậu phụ là thứ nguyên liệu rất dễ hỏng, không để được lâu nên khi dùng phải yêu cầu yếu tố tươi thì mới ngon được. Nhưng thứ đậu phụ thảm họa đang tung hoành trong các bát bún ốc, bún riêu khắp chốn kinh kỳ là thứ đậu phụ được rán sẵn, tống vào tủ lạnh dùng dần.
Miếng đậu phụ đó chua loét vì để lâu, khét vì rán nhiều lần, và cực kỳ trơ trẽn bởi không thể ăn nhập cùng với nguyên liệu khác. Thế nhưng, chúng ta vẫn nhẹ dạ mà kêu một bát “đầy đủ”, vẫn nhẹ mồm vừa xơi xì xụp, vừa khen ngon đáo để. Đấy là chưa kể đến thảm họa hành phi vốn ăn vị với miến lươn, đến bánh đa cua nay được tiện thể rắc tứ tung lên bún riêu, bún ốc, sắp tới có thể là cả phở chăng?
Nhiều người đi ăn bún riêu, bún ốc bây giờ vẫn quen gọi “một bát đầy đủ”. Ảnh: NHMX
Ngày xưa, các ông sành ăn như Thạch Lam, Nguyễn Tuân… vốn coi “miếng ăn là miếng cầu kỳ” đã mỏi miệng than trời khi người ta làm phở gà, phở lợn, phở chó, rồi sáng tạo thêm các thứ gia giảm trong phở như vừng rang (chắc để thơm hơn), xì dầu, quẩy (vốn chỉ dùng với cháo của người Tàu) và gọi đó là những thứ phở cải lương.
Ngày nay, nếu còn sống, chắc các ông còn than khi đám hậu thế vắt đến nửa quả chanh vào bát phở bò, chan vài muôi tương ớt hàng chợ (dùng với món gì cũng được) và đánh chén xụp xoạp. Các ông sẽ than rằng: “Ôi giời, thịt bò mà vắt chanh tươi vào thì còn gì là mùi bò nữa? Sao không dùng cái giấm tỏi ớt kia, nó không phá mùi mà còn làm đậm vị, thưa các vị thực khách tân thời”.
Cái tiêu chí “ăn kỹ” tưởng phức tạp nhưng thật ra rất đơn giản. Ví như khi ăn bát bún bò Huế, ta phải ăn bằng cả 5 giác quan. Màu sắc đa dạng của miếng huyết lợn, miếng chả cua, miếng bắp bò luộc, miếng chân giò, màu ớt chưng là để người ăn vui mắt. Mùi thơm của mắm ruốc, của xả, của thịt, của chanh vàng Huế là phục vụ anh mũi. Miếng chân giò sần sật, miếng tiết sột sột, tiếng xuýt xoa, hít hà vì cay vì nóng là để cho tai nghe rộn ràng.
Ăn bún bò Huế phải cầm bát trên tay, vừa xoay vừa húp, vừa lùa bún, vừa nhai, vừa nuốt thế là anh tay, anh miệng được dự phần. Nếu tìm được một gánh bún của o, của mệ để mà ngồi trên vỉa hè xơi nữa thì quả là đúng điệu. Đấy ăn kỹ cũng chỉ đến mức vậy thôi.
Sáng mai ra, nếu xơi quà phở bò, nhớ đừng vắt đẫy chanh, rưới đẫy tương ớt đóng can hoặc gọi bát phở không hành, không màu xanh của rau thơm. Nếu gọi bát bún ốc thì nhớ đừng thêm thịt bò, giò tai làm gì cả, cứ bún ốc to hoặc nhỏ mà thôi, kèm theo rau ghém đầy đủ, tươi xanh.
Như thế đã là yêu chính mình, yêu cái món ăn của nước mình rồi.
Anmustang (ngoisao.net)
Cách làm PHỞ CUỐN
Phở cuốn là món ăn độc đáo và ngon miệng, xuất phát từ làng Ngũ Xã, Hà Nội. Ngày nay Phở cuốn đã là một món ăn nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước. Bạn có thể dễ dàng làm món này ở nhà với điều kiện mua được bánh phở miếng.
Chuẩn bị:
- – 500g bánh phở
- – 1 lạng rưỡi thịt bò
- – cà rốt và củ cải ( hoặc dưa chuột) để làm dưa góp. Xem CÁCH LÀM DƯA GÓP
- – 5 nhánh tỏi, vài củ hành tím
- – Đậu phộng rang giã nhỏ
- – Nước tương, nước mắm, dấm, đường.
- – Rau sống ăn kèm: rau diếp, giá đỗ, ngò, bạc hà.
Thực hiện:
– Hành củ lột vỏ, xắt lát mỏng rồi phi giòn.
– Tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn.
– Bắc chảo dầu vặn lửa lớn cho ít dầu, đun cho nóng già thì cho tỏi vào phi thơm sau đó trút thịt bò vào xào chín tới. Trong lúc xào nêm thêm 1 muỗng canh xì dầu.
– Bò vừa chín tới thì trút giá đỗ vô xào chung vài nhát, nêm thêm hạt nêm cho vừa miệng rồi tắt bếp, để nguội.
– Bánh phở mua về trải ra mặt phẳng, xếp lần lượt rau diếp, ngò, bạc hà, thịt bò, giá vào rồi quấn lại cho chặt chẽ (không cần bịt kín hai đầu). Nếu cuộn lại mà thấy dài quá thì dùng dao cắt thành từng khúc đều nhau (độ dài vừa đủ cầm).
– Pha nước chấm: 1 chén nước nóng + 1 muỗng canh dấm + 1 muỗng canh đường + 1 muỗng canh nước mắm + ớt, khuấy cho tan.
– Khi ăn rắc đậu phộng rang giã dập và hành khô phi giòn lên. Ăn kèm với dưa góp (xem cách làm trong bài CÁCH LÀM DƯA GÓP)
[BUSINESS INSIDER] TOP 40 MÓN NGON PHẢI THỬ TRONG ĐỜI
Trang Business Insider đưa ra danh sách 40 món ăn ngon của thế giới mà chúng ta nên ăn thử một lần trong đời. Danh sách này rất phong phú với các món ăn từ nhà hàng sang trọng cho đến ẩm thực đường phố.
Dưới đây là một vài món ăn đáng chú ý nhất.
Phở Hà Nội, Việt Nam
Chỉ với bánh phở, nước soup cùng thịt bò nhưng món ăn hấp dẫn, hương vị đậm đà thơm ngon mà bạn không thể bỏ qua khi đến thủ đô Hà Nội. |
Soup bánh bao Thượng Hải
Soup bánh bao của Thượng Hải. Du khách sẽ không biết thưởng thức món ăn này như thế nào nếu không được hướng dẫn. Đầu tiên, bạn dùng đũa gắp những chiếc bánh bao nóng hổi đặt lên một cái thìa, cắn đứt phần mép bánh và mút hết nước soup bên trong. Sau đó gắp bánh bao chấm vào nước dấm hoa quả (có màu đen như nước tương) cho vào miệng và thưởng thức. |
Cơm trộn thập cẩm ở thành phố Barcelona
Cơm trộn thập cẩm Paella ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha. Món ăn được pha trộn từ cơm, hải sản, xúc xích và màu vàng của nghệ. |
Soup Paneng assam laksa – Malaysia
Paneng assam laksa thường ăn cùng với loại mỳ gạo dai và lá bạc hà tươi, dưa chuột và dứa. Hương vị đặc trưng của món súp này được tạo nên từ cá thu, me và ướt. Bạn có thể tìm thấy món súp này ở hầu hết các quán ăn vỉa hè ở Penang. |
Bánh Empanadas – Chile
Bánh empanadas hay còn gọi là bánh ngô. Mỗi dịp lễ hội, các gia đình Chile đều tự làm loại bánh này hoặc mua về để dùng trong các bữa ăn. Bánh có hình dáng bên ngoài gần giống với bánh gối của Việt Nam, với lớp vỏ thơm ngậy làm từ bột mỳ, gói khéo léo thành từng chiếc nhỏ trong lòng bàn tay. Nhân bánh truyền thống thường bao gồm thịt bò hoặc hải sản, oliu thái nhỏ và trứng gà. Các loại bánh của Chile được dùng chung với một loại nước sốt đặc trưng làm từ rau ngò tây, tỏi băm nhỏ, oliu trộn cùng dầu ăn. |
Món Tajine – Maroc
Món Tajine: Từ này vừa chỉ dụng cụ để đựng (là cái đĩa bằng đất nung được trang trí với chiếc vung hình nón điển hình) vừa chỉ thức ăn bên trong đó (món ragu gồm có thịt, gia cầm, cá và rau nướng chín). Hãy thưởng thức và sẽ hiểu tại sao tajine lại là món ăn dân tộc của người Maroc. |
Bánh Cheese Steak – Philadelphia
Cheese Steak – bánh mì bò nổi tiếng ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ. Loại sandwich này được những quầy hàng bán xúc xích ở Philadelphia sáng tạo nên từ thập niên 1930 gồm có một ổ bánh mỳ được xẻ làm đôi, kẹp một miếng bít tết mỏng nướng vỉ với hành tây và phủ phô mai lên trên. Các loại biến tấu khác có nhân bít tết và nấm, bít tết và ớt chuông xanh, và bít tết với nhiều hành. Phô mai provolone được kẹp vào nhân bánh trước khi cho miếng bít tết nóng vào, phô mai sẽ chảy ra và bao quanh miếng thịt. |
Món Currywurst của Đức
Đây là món ăn truyền thống phổ biến và đặc trưng nhất tại Berlin. Trong tiếng Đức Wurst nghĩa là xúc xích. Tại Berlin, currywurst luôn có mặt trong thực đơn của các nhà hàng, nó nổi tiếng đến mức tại Berlin có một viện bảo tàng “Currywurst. Thành phần chính của món ăn là xúc xích heo, sốt cà ri, tương ớt, và tùy nơi có thể thêm các hương vị khác nhau. Xúc xích heo được nướng, hoặc hun khói, chiên sơ. Sau đó thường là cắt lát hoặc có nơi giữ nguyên, rưới nước xốt cà ri, tương ớt lên. Ăn nóng kèm với khoai tây chiên hoặc bánh mì tròn. |
Bánh mì kẹp tôm hùm – bang Maine
Bánh mì kẹp tôm hùm trở nên nổi tiếng ở bang Maine, nhưng cũng rất phổ biến ở tất cả các bang có nuôi tôm hùm vùng New England và các tỉnh lân cận thuộc vùng Maritime của Canada. Nhân bánh được làm từ thịt tôm hùm băm, trộn với hành hoa hay cần tây và sốt mayonnaise, nêm muối, tiêu và đặt trên một chiếc bánh mì nướng. Món bánh kẹp tôm hùm ngon nhất nếu được làm từ thịt của toàn bộ con tôm. |
Cơm trộn ở Havana, Cuba
Cơm trộn là món ăn nổi tiếng của người dân Cuba. Đến Havana, bạn đừng bỏ qua món cơm trộn với đậu đen, thịt gà và rau. |
Thêm một số món ăn các nước:
Tên món ăn | Quốc gia | Tên món ăn | Quốc gia |
Phở | Hà Nội, Việt Nam | Món Conch | Bahamas |
Bánh mì kẹp Falafel | Tel Aviv, Israel | Bánh Empanadas | Chile |
Bò bít tết nướng | Brooklyn, New York, Mỹ | Món Guava Snow Egg | Australia |
Cơm trộn thập cẩm Paella | Barcelona, Tây Ban Nha | Món Tajine | Maroc |
Bánh pizza | Napoli, Italia | Bánh chocolate Sachertorte | Vienna, Áo |
Bánh Taco | Los Cabos, Mexico | Bánh Sandwich Cheese Steak | Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ |
Soup bánh bao | Thượng Hải, Trung Quốc | Món Currywurst | Berlin, Đức |
Món Feijioada | Brazil | Món khoai tây cá giòn | London, Anh |
Bánh mì kẹp của Po’boys Johnny | New Orleans, Louisiana, Mỹ | Món bánh Masala Dosa | Ấn Độ |
Kem tự chế Grom | Italia | Bánh mì kẹp tôm hùm | Maine, Mỹ |
Dimsum | Hong Kong, Trung Quốc | Mussel (một loại sò) hấp | Brussels, Bỉ |
Bánh Arepas con Queso | Cartagena, Colombia | Thịt bò nướng | Buenos Aires, Argentina |
Món poutine | xứ Quebec, Montreal, Canada | Cơm trộn | Hanava, Cuba |
Món sushi | Ginza, Tokyo | Thịt rừng nướng | Jackson Hole, Wyoming, Mỹ |
Sườn nướng BBQ | Kansas, Missouri, Mỹ | Cơm gà, mì laska | Singapore |
Soup Penang assam laksa | Penang, Malaysia | Món bánh pizza | Chicago, Mỹ |
Bánh rán vòng Doughnut | Portland, Oregon, Mỹ |
Khánh Hòa, vnexpress.net (Theo Business Insider)
Thoáng Hà Nội giữa Sài Gòn
[ MAV ] Nói tới Hà Nội, ta hay nghĩ tới những góc phố yên ả, những quán nước nhỏ xiêu xiêu phủ bởi những tàng cây, những cư dân với nếp sống, thói quen sinh hoạt hằng ngày dường như không bao giờ thay đổi. Tại Sài Gòn, cũng có một nơi gần giống như vậy.
Khu chung cư K300 và khu dân cư quanh đó, gọi chung là khu K300, nằm ở khu phố 4 phường 12 quận Tân Bình, là nơi tập trung nhiều người gốc Hà Nội. Không như những vùng Xóm Mới Gò Vấp, Ông Tạ Tân Bình, Xóm Đạo Quặn 8 vốn nhiều người gốc Bắc nhưng qua thăng trầm ngày tháng đã chịu ảnh hưởng nhiều bởi lối sống Sài Gòn, dân Hà Nội ở K300 do mới tới chưa lâu, nên từ giọng nói cho tới nếp sống của họ không xa Hà Nội là mấy. Cũng những buổi hàn huyên bên ấm trà nóng, những tiếng rít thuốc lào thỉnh thoảng lại phát ra từ một cái điếu cày cũ được chuyền nhau hút. Hàng xóm láng giềng cho dù bận rộn, nhưng gặp nhau không quên câu chào hỏi: “Bác ăn cơm chưa?” “Bác đi làm về đấy à”…
Khu vực này có trung tâm là chung cư K300, không biết có cố ý hay không nhưng tường vách của chung cư đều được sơn màu vàng đặc trưng như ngoài thủ đô. Các quán nước nhỏ bài trí đơn sơ, không mở nhạc ồn ào ngẫu hứng, với thực đơn không có gì độc đáo, nhưng lại là những quán ruột của nhiều người. Nói về đồ ăn, thì nơi đây có khá nhiều những món nổi danh của Hà Nội: phở bò, gà, bún miến ngan, bún chả, cháo tim cật… Các bảng hiệu thiết kế đơn giản, chữ nghĩa gần gũi. Do quán sá bình thường nên giá cả cũng bình dân, không đắt đỏ như các nhà hàng, tiệm ăn sang trọng bán đồ Hà Nội.
Cái điểm khác biệt ở khu vực nhỏ nhoi này, so với hàng nghìn ki lô mét vuông còn lại của Sài Gòn, là không gian sống rất êm đềm dù đây không phải chốn làng quê hẻo lánh, cũng không phải là khu biệt thự cao cấp. Đi vào khuôn viên chung cư, ngồi quán uống nước, cảm giác như được thoát ly khỏi nhịp sống Sài Gòn, hay nói cho bay bổng 1 chút là cảm giác như được bê ra tới Hà Nội. Có thể nghe tiếng lá rụng lác đác dưới những gốc cây bàng, tiếng lá đưa xào xạc từ những bụi bằng lăng, hoa ban trồng quanh đó, chớ không nghe nổi những tiếng máy xe cộ. Quanh khu chung cư là những nhà dân, cũng phần lớn gốc bắc, tỏ ra khác biệt từ cách thiết kế nhà cửa giản dị nhưng bài trí ngăn nắp đâu ra đó, cho tới kiểu nhẩn nha, thích cà kê, sống chậm không việc gì phải vội.
Nghe nói người Hà Nội mới tới đây ở được 20 năm, trước kia nơi đây là khu ao đầm của quân đội. Ngày nay chỗ này nhà cửa đã chất đầy, có ngõ nhỏ, phố nhỏ, hàng quán, công ty, cao ốc… Đó không phải là chuyện lạ ở một miền đất đô thị hóa nhanh như Sài Gòn, nhưng để mang được một mảnh hồn Hà Nội vào tận nơi đây và giữ nó ở yên lại là một chuyện chỉ có những tình yêu Hà Nội sâu đậm mới làm được.
Hãy chọn một buổi sáng sớm, se mát càng tốt, rồi hãy ghé vô gọi 1 món ăn ở K300 có thể là bún ngan, bún dọc mùng hay phở, ăn xong ngồi nhâm nhi ly trà Tân Cương thơm dịu mới pha, ngó ra đường phố lác đác những người tập thể dục kiêm luôn trò chuyện với bạn hữu, bằng chất giọng Hà Nội khó lẫn. Bạn sẽ cảm thấy một luồng không khí Hà Nội đang trôi về, thật nhẹ nhàng lãng đãng.
15 món ăn làm rạng danh ẩm thực Việt trên thế giới
Gỏi cuốn, cơm tấm, phở… lọt vào danh sách những món ăn Việt phải nếm của các tạp chí trên thế giới.
Chuối nếp nướng
Từng được vinh danh trong Lễ hội ẩm thực đường phố thế giới 2013 diễn ra tại Singapore, chuối nếp nướng khiến không ít người ngỡ ngàng vì mức độ thu hút của nó đối với bạn bè quốc tế tại liên hoan này. Vị ngọt từ chuối, bùi từ nếp và beo béo từ nước cốt dừa cùng chút đậu phộng rang đã làm nên một chuối nếp nướng độc đáo, chỉ từ các nguyên liệu đơn giản mà thành.
Bánh khọt Vũng Tàu
Là một trong những món ăn đạt giải thưởng Giá trị ẩm thực Châu Á, bánh khọt Vũng Tàu đã trở thành lựa chọn không thể thiếu đối với nhiều thực khách sành ăn. Bánh ngon phải có độ giòn nhất định, vàng ruộm. Ăn cùng nhiều loại rau tươi, nước mắm pha chua ngọt.
Bánh mì gà
Sài Gòn được mệnh danh là cái nôi của bánh mì Việt với đủ hương vị từ cơ bản đến biến tấu đa dạng, trong đó có bánh mì gà. Là sự kết tinh của phong cách ẩm thực Âu và Á nhưng mỗi ổ bánh mì lại có giá rất bình dân, chỉ từ 8 – 15k/phần. Mới đây, bánh mì gà cùng bún thịt nướng vinh dự lọt vào top 10 Món ăn siêu ngon tại Đông Nam Á.
“Pho” trở thành một danh từ riêng trong các tài liệu, từ điển thế giới là điều khiến hết thảy người Việt tự hào. Được xem là nét tinh tuý nhất của nền ẩm thực Việt, phở phù hợp cho việc dùng tại bất cứ thời điểm nào trong ngày mà không gây trở ngại mặc dù phải phục vụ khi món ăn còn nóng đến bốc khói.
Bún chả Hà Nội
Món ăn này là một đặc sản của xứ kinh kì xưa đạt được sự công nhận của quốc tế làm rang danh nền ẩm thực Việt. Bún chả Hà Nội có nguyên liệu tương tự như bún thịt nướng nhưng cách chế biến lại công phu, cầu kì hơn hẳn.
Gỏi cuốn Sài Gòn
Sự kết hợp hài hoà giữa bún tươi, thịt, tôm và các loại rau cùng nước chấm đậm đà khiến không chỉ thực khách Việt Nam mà hết thảy du khách nước ngoài đều lựa chọn gỏi cuốn là món thứ hai phải nếm thử, sau phở.
Cơm tấm
Từ những hạt gạo vỡ bị bỏ đi, cơm tấm dần trở thành món ăn quen thuộc của người dân Sài Gòn, có mặt tại hầu hết các bữa ăn bất kể khuya muộn hay sớm tinh mơ. Linh hồn của món này chính là nước mắm pha sền sệt ngòn ngọt, không quá mặn.
Bún bò Huế
Là đại diện cho nét tinh tuý của ẩm thực Huế trong đại gia đình món ăn Việt, bún bò được xem là “kẻ kế nhiệm” cho món phở trong việc truyền bá văn hoá nước nhà. Tại mỗi vùng miền, bún bò Huế được điều chỉnh hương vị sao cho phù hợp với người dân tại địa phương đó, nhưng vẫn đầy đủ nguyên liệu cơ bản là nước lèo từ xương hầm bò thơm mùi sả.
Món mì đặc trưng xứ Quảng sẽ khiến teen thổn thức chút đỉnh vì độ ngon khó cưỡng của nó đấy. Với các nguyên liệu phong phú, mỗi tô mì Quảng có thể khác nhau về hình thức một chút nhưng hương vị được quyết định chính hương dầu phộng và nước dùng được nấu sắc lại, vừa ăn. Để trọn hương, trọn vị khi dùng mì Quảng, teen nhớ ăn thêm rau được lấy từ làng Trà Cổ gần đó nhé.
Chả cá Lã Vọng
Là một món đặc sản của Hà Nội, chả thường được làm từ cá lăng, nướng chín trên than, sau đó được rán lại rồi bày ra ăn cùng bún rối hoặc bánh đa, chấm mắm tôm. Để món ăn thêm ngon, mắm tôm sau khi vắt chanh, đánh sủi lên thì cho vào vài giọt tinh dầu cà cuống và rượu trắng, một ít nước mỡ và đường.
Bún cá rô đồng
Xuất xứ từ Hải Dương, bún cá rô đồng được chọn là một trong 22 món ăn Việt tạo nên giá trị ẩm thực Châu Á. Những miếng cá được rút xương và chiên trong chảo dầu đầy khiến chúng giòn rụm trong miệng người ăn, húp cùng muỗng nước dùng thoảng nhẹ mùi gừng là khiến thực khách xuýt xoa không ngơi.
Tuy không rõ xuất xứ và tên gọi, cách làm cao lầu vẫn được lưu giữ chính xác. Nếu không dùng nước giếng Bá Lễ cùng tro nấu bởi củi lấy từ Cù Lao Chàm thì không thể làm nên sợi mì dai dai sựt sựt – linh hồn của món ăn này được. Nét tinh tuý và chắt lọc nguyên liệu để được chất lượng tốt nhất khiến cao lầu trở thành một thức đặc sản không chỉ đẹp mắt mà còn ngon miệng của riêng phố cổ.
Hủ tíu Mỹ Tho
Món hủ tíu này nằm trong danh sách 22 món ăn việt được tôn vinh tại Giá trị ẩm thực Châu Á. Với nước lèo đậm đà và ngọt thơm từ xương hầm, sợi hủ tíu to và trong được làm từ gạo Gò Cát nổi tiếng đã làm nên hương vị đặc trưng khiến món hủ tíu Mỹ Tho khác biệt với hủ tíu Nam Vang (nguồn gốc Campuchia) hoặc hủ tíu người Hoa.
Bún cá Châu Đốc
Bún cá Châu Đốc là món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu bởi nguyên liệu chính của món này là cá. Món này đòi hỏi nước lèo phải trong, có vị ngọt từ cá và thơm mùi ruốc đặc trưng. Vì thế, khâu chọn nguyên liệu phải kĩ càng bởi cá không tươi sẽ không thể có nước lèo ngon.
Bún suông
Bún suông, hay còn gọi là bún đuông, có xuất xứ từ Trà Vinh. Nhiều người lầm tưởng món này có nguyên liệu từ con đuông (sống trong các đọt hay thân dừa) nhưng thực chất là chả tôm, được tạo hình giống mà thôi. Cũng nằm trong top những món ngon châu Á, bún đuông được xem là đặc sản đáng tự hào của người Trà Vinh. \
Theo Ione.Vnexpress.net
40 món ngon nên thử trong đời
Trang Business Insider đưa ra danh sách 40 món ăn ngon của thế giới mà chúng ta nên ăn thử một lần trong đời. Danh sách này rất phong phú với các món ăn từ nhà hàng sang trọng cho đến ẩm thực đường phố.
Dưới đây là một vài món ăn đáng chú ý nhất.
Phở Hà Nội, Việt Nam
Chỉ với bánh phở, nước soup cùng thịt bò nhưng món ăn hấp dẫn, hương vị đậm đà thơm ngon mà bạn không thể bỏ qua khi đến thủ đô Hà Nội. |
Soup bánh bao Thượng Hải
Soup bánh bao của Thượng Hải. Du khách sẽ không biết thưởng thức món ăn này như thế nào nếu không được hướng dẫn. Đầu tiên, bạn dùng đũa gắp những chiếc bánh bao nóng hổi đặt lên một cái thìa, cắn đứt phần mép bánh và mút hết nước soup bên trong. Sau đó gắp bánh bao chấm vào nước dấm hoa quả (có màu đen như nước tương) cho vào miệng và thưởng thức. |
Cơm trộn thập cẩm ở thành phố Barcelona
Cơm trộn thập cẩm Paella ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha. Món ăn được pha trộn từ cơm, hải sản, xúc xích và màu vàng của nghệ. |
Soup Paneng assam laksa – Malaysia
Paneng assam laksa thường ăn cùng với loại mỳ gạo dai và lá bạc hà tươi, dưa chuột và dứa. Hương vị đặc trưng của món súp này được tạo nên từ cá thu, me và ướt. Bạn có thể tìm thấy món súp này ở hầu hết các quán ăn vỉa hè ở Penang. |
Bánh Empanadas – Chile
Bánh empanadas hay còn gọi là bánh ngô. Mỗi dịp lễ hội, các gia đình Chile đều tự làm loại bánh này hoặc mua về để dùng trong các bữa ăn. Bánh có hình dáng bên ngoài gần giống với bánh gối của Việt Nam, với lớp vỏ thơm ngậy làm từ bột mỳ, gói khéo léo thành từng chiếc nhỏ trong lòng bàn tay. Nhân bánh truyền thống thường bao gồm thịt bò hoặc hải sản, oliu thái nhỏ và trứng gà. Các loại bánh của Chile được dùng chung với một loại nước sốt đặc trưng làm từ rau ngò tây, tỏi băm nhỏ, oliu trộn cùng dầu ăn. |
Món Tajine – Maroc
Món Tajine: Từ này vừa chỉ dụng cụ để đựng (là cái đĩa bằng đất nung được trang trí với chiếc vung hình nón điển hình) vừa chỉ thức ăn bên trong đó (món ragu gồm có thịt, gia cầm, cá và rau nướng chín). Hãy thưởng thức và sẽ hiểu tại sao tajine lại là món ăn dân tộc của người Maroc. |
Bánh Cheese Steak – Philadelphia
Cheese Steak – bánh mì bò nổi tiếng ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ. Loại sandwich này được những quầy hàng bán xúc xích ở Philadelphia sáng tạo nên từ thập niên 1930 gồm có một ổ bánh mỳ được xẻ làm đôi, kẹp một miếng bít tết mỏng nướng vỉ với hành tây và phủ phô mai lên trên. Các loại biến tấu khác có nhân bít tết và nấm, bít tết và ớt chuông xanh, và bít tết với nhiều hành. Phô mai provolone được kẹp vào nhân bánh trước khi cho miếng bít tết nóng vào, phô mai sẽ chảy ra và bao quanh miếng thịt. |
Món Currywurst của Đức
Đây là món ăn truyền thống phổ biến và đặc trưng nhất tại Berlin. Trong tiếng Đức Wurst nghĩa là xúc xích. Tại Berlin, currywurst luôn có mặt trong thực đơn của các nhà hàng, nó nổi tiếng đến mức tại Berlin có một viện bảo tàng “Currywurst. Thành phần chính của món ăn là xúc xích heo, sốt cà ri, tương ớt, và tùy nơi có thể thêm các hương vị khác nhau. Xúc xích heo được nướng, hoặc hun khói, chiên sơ. Sau đó thường là cắt lát hoặc có nơi giữ nguyên, rưới nước xốt cà ri, tương ớt lên. Ăn nóng kèm với khoai tây chiên hoặc bánh mì tròn. |
Bánh mì kẹp tôm hùm – bang Maine
Bánh mì kẹp tôm hùm trở nên nổi tiếng ở bang Maine, nhưng cũng rất phổ biến ở tất cả các bang có nuôi tôm hùm vùng New England và các tỉnh lân cận thuộc vùng Maritime của Canada. Nhân bánh được làm từ thịt tôm hùm băm, trộn với hành hoa hay cần tây và sốt mayonnaise, nêm muối, tiêu và đặt trên một chiếc bánh mì nướng. Món bánh kẹp tôm hùm ngon nhất nếu được làm từ thịt của toàn bộ con tôm. |
Cơm trộn ở Havana, Cuba
Cơm trộn là món ăn nổi tiếng của người dân Cuba. Đến Havana, bạn đừng bỏ qua món cơm trộn với đậu đen, thịt gà và rau. |
Thêm một số món ăn các nước:
Tên món ăn | Quốc gia | Tên món ăn | Quốc gia |
Phở | Hà Nội, Việt Nam | Món Conch | Bahamas |
Bánh mì kẹp Falafel | Tel Aviv, Israel | Bánh Empanadas | Chile |
Bò bít tết nướng | Brooklyn, New York, Mỹ | Món Guava Snow Egg | Australia |
Cơm trộn thập cẩm Paella | Barcelona, Tây Ban Nha | Món Tajine | Maroc |
Bánh pizza | Napoli, Italia | Bánh chocolate Sachertorte | Vienna, Áo |
Bánh Taco | Los Cabos, Mexico | Bánh Sandwich Cheese Steak | Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ |
Soup bánh bao | Thượng Hải, Trung Quốc | Món Currywurst | Berlin, Đức |
Món Feijioada | Brazil | Món khoai tây cá giòn | London, Anh |
Bánh mì kẹp của Po’boys Johnny | New Orleans, Louisiana, Mỹ | Món bánh Masala Dosa | Ấn Độ |
Kem tự chế Grom | Italia | Bánh mì kẹp tôm hùm | Maine, Mỹ |
Dimsum | Hong Kong, Trung Quốc | Mussel (một loại sò) hấp | Brussels, Bỉ |
Bánh Arepas con Queso | Cartagena, Colombia | Thịt bò nướng | Buenos Aires, Argentina |
Món poutine | xứ Quebec, Montreal, Canada | Cơm trộn | Hanava, Cuba |
Món sushi | Ginza, Tokyo | Thịt rừng nướng | Jackson Hole, Wyoming, Mỹ |
Sườn nướng BBQ | Kansas, Missouri, Mỹ | Cơm gà, mì laska | Singapore |
Soup Penang assam laksa | Penang, Malaysia | Món bánh pizza | Chicago, Mỹ |
Bánh rán vòng Doughnut | Portland, Oregon, Mỹ |
Khánh Hòa, vnexpress.net (Theo Business Insider)
Bên cạnh phở Việt truyền thống, du khách còn có cơ hội thưởng thức phở sốt vang, phở chiên phồng hay phở trộn…
Đúng như nhà văn Băng Sơn từng nói “Phở là món quà thật riêng biệt”, nên dù đi tới bất kỳ nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng tìm thấy được quán phở. Không chỉ có phở nước truyền thống, những quán phở biến tấu cũng mọc lên khá nhiều. Dưới đây là 6 loại du khách nên tìm thưởng thức.
1. Phở sốt vang
Bát phở thơm từ nước dùng, hành lá và đậm vị thịt bò sốt vang |
Sợi phở trắng từ châu Á, miếng thịt bò nấu theo phong cách châu Âu, những tưởng hai nền ẩm thực khác biệt sẽ chẳng thể kết hợp nhưng dưới đôi bàn tay tài hoa của người nội trợ, bát phở sốt vang vẫn chiếm được cảm tình của nhiều người. Không như phở truyền thống khá phong phú với phở tái, tái chín, tái gầu,…phở sốt vang chỉ có một loại. Thế nhưng chẳng ai lấy đó làm phiền, khách vẫn gọi món và thưởng thức ngon lành. Phở sốt vang vì thế càng được thêm yêu thích.
2. Phở chiên phồng
Bánh phở cắt miếng vuông rồi thả vào chảo dầu sôi để có độ chiên phồng. Tuy nhiên, điểm đặc biệt còn nằm ở công đoạn xào thịt bò cùng rau cải. Thịt bò chọn loại ngon, nêm nếm gia vị cẩn thận sau đó cho xào cùng rau cải ngọt. Khi tới chín sẽ múc ra đĩa rồi mới đặt những miếng phở chiên phồng còn nóng lên trên. Phở chiên trong chảo dầu sôi dễ bị ngấy nhưng khi kết hợp cùng rau cải xào thịt bò thì vị ngấy cũng mất hẳn. Thế mới biết sự kết hợp nào cũng đều có ngụ ý cả.
3. Phở xào
Phở xào ăn cùng dưa chuột dầm chống ngấy. |
Phở xào dễ ăn và dễ gọi, điều mà nhiều người sành phở nắm rõ như lòng bàn tay. Cũng vẫn đôi ba nguyên liệu quen thuộc như thịt bò, rau cải, hành tây… nhưng món ngon này mang đến cho thực khách nhiều dư vị khác biệt cứ khiến phải trầm trồ. Đó ắt hẳn từ bánh phở dai kết hợp cùng rau cải xanh giòn và thịt bò thơm mùi tiêu tỏi. Tuy nhiên không phải vì thế mà phở xào không có nhược điểm. Một số cửa hàng bán phở xào có phục vụ thêm dưa chuột dầm và rau sống để chống ngấy. Thế nhưng để cân bằng hơn nữa, khách có thể gọi thêm cho mình một tách trà.
4. Phở chiên trứng
Nếu như phở chiên phồng được cắt miếng vuông, bản lớn thì phở chiên trứng được thái sợi nhỏ hơn sau đó mới thả vào chảo dầu nóng. Tới lúc phở gần chín, người làm mới đổ trứng đã đánh bông vào để sợi phở dính và bám được lấy nhau. Phở chiên trứng cũng được ăn cùng thịt bò xào rau cải để giảm độ ngấy. Món ngon khi ấy là sự kết hợp của rau xào đậm vị và phở chiên giòn, khá hấp dẫn và đáng để thưởng thức.
5. Phở trộn
Vẫn có món phở trộn cùng thịt bò cho du khách khó tính. |
Trong khi phở nước truyền thống nổi tiếng nhất với thịt bò thì người anh em của nó là phở trộn lại nức tiếng nhờ thịt gà. Có không ít hàng phở trộn mọc lên trên khắp thành phố, đủ khiến khách thèm thuồng, băn khoăn chọn lựa. Phở trộn được làm từ bánh phở, thịt gà luộc xé nhỏ, lạc rang, hành khô, giá,… Tùy vào từng cửa hàng mà gia vị gia giảm sẽ có nhiều sự thay đổi nhưng chính sự khác nhau này lại khiến món phở trộn mỗi vùng trở nên đặc biệt.
Cùng một nhánh khác của phở trộn là phở chua, món ăn thực khách có thể bắt gặp tại Lạng Sơn, Cao Bằng. Về cơ bản cách làm của hai món ăn này khá giống nhau chỉ khác về nước dùng cho thêm. Nếu phở trộn sử dụng xì dầu và nước dùng thì phở chua lại cho thêm nước sốt chua ngọt àm từ nhiều ớt, cà chua, dấm, đường,….
6. Phở cuốn
Món phở cuối cùng không thể không nhắc đến chính là phở cuốn. Điểm đặc biệt của món này ở chỗ người ăn có thể sử dụng cả tay hoặc đũa để thưởng thức. Từng miếng bánh phở thoạt nhìn như miếng gỏi cuốn với nhân thịt bò xào, rau xà lách, rau mùi, được chấm cùng nước chấm chua ngọt có thả thêm đu đủ, cà rốt. Người ăn cứ thế tách từng miếng phở cuốn xếp đầy đặn trên đĩa để cảm nhận hương vị thơm ngon đang quyện lại trong miệng. Chính vì có vẻ ngoài bắt mắt cùng hương vị ấn tượng mà phở cuốn được cả người lớn và trẻ nhỏ yêu thích.
Đỗ Huyền (vnexpress.net)
Sự tích món Phở
Theo Alain Guillmin, người Pháp, món phở Việt Nam là kết quả đầy sáng tạo của Thi Ba – tình nhân của Francois Pierre Vidcoq – một hạ sĩ quan hải quân từng sống ở Sài Gòn từ 1910-1914, ông ngọai của tác giả -khi cô phải chế biến món pot au feu của Pháp cho ông ăn.
Bằng những hương thơm tinh tế của các lọai rau Việt Nam, Thi Ba đã làm ra món phở và nhanh chóng được nhiều người Sài Gòn thời đó biết đến. Đây chỉ là một trong nhiều sự tích về món phở, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Còn có cái gì đặc thù Việt Nam hơn phở, món ăn ngon lành mà Bích, đã nấu thật khéo léo khiến vị giác của chúng tôi đều thích thú. Cùng với trống đồng, đàn bầu và Truyện Kiều, không nghi ngờ gì nữa, đó là một trong những đóng góp chủ yếu của Việt Nam vào văn minh nhân lọai. Đến mức việc bàn luận về giá trị của những lọai phở khác nhau trở nên một lối thử bút mà những nhà văn lớn của Việt Nam thể hiện với sự khóai trá chẳng kém gì khi bình những câu thơ hay nhất của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du hay Xuân Diệu.
Chẳng hạn, trong cuốn Cát bụi chân ai, Tô Hòai kể lại chi tiết cho chúng ta một cuộc tranh cãi, nếu có thể gọi thế, giữa Nguyễn Tuân và Thạch Lam:”Những cái thích và vui ẩm thực của Nguyễn Tuân không chỉ dễ dãi vì miếng ăn miếng uống sang trọng, mà là hợp khẩu vị, và ngon theo ý mính…Bài bút ký Phở đã đưa tác giả vào hàng những tay cực thạo món quà này. Ít ai biết Nguyễn Tuân chỉ ăn một thứ phở, phở chín, phở thịt bò chín. Không đụng đũa vào bất cứ thứ phở nào khác. Thịt bò chín, nạm hay mỡ, bánh vừa phải không nẫu vồng lên -bánh thái sẵn hay thái máy như ở Sài Gòn, Nguyễn Tuân gọi đùa là vằn thắn phở. Xúc bánh xong, thái thịt rồi bày lên, rắc hành hoa và hạt tiêu – không ớt, mặc dầu thích ớt cay…Lùa thật nhanh, ăn thật nóng, lên hết chất phở, thú nhất. Không hành tây, mùi tàu, húng chó, không thêm nước mắm, dấm ớt, tương ớt, không mỡ váng, không mì chính cốt thưởng thức cái tinh túy của nước dùng xương. Tập ký “36 phố phường” của Thạch Lam khen cái ngon của một hàng phở gánh đỗ cạnh cây hương trong sân nhà thương Phủ Dõan, bát phở rỏ mấy giọt cà cuống. Cả thành phố chỉ có một hàng phở cà cuống ấy. Nguyễn Tuân thường cười: “Cái nước chè tươi nóng bỏng môi, cái bánh đậu xanh ngọt xít cổ, lại đến phở cà cuống, cái sự thích của anh nghiện vừa buông dộc tẩu xuống, kể cũng đáng viết cho ra nhẽ”.
Còn gì Việt Nam hơn phở! Nhưng không! Cần phải khôi phục lại sự thật, cho dù đó là niềm tự hào dân tộc. Phở là một trong những sản phẩm của thới Pháp thuộc, kết quả của một sự cộng tác chắc chắn là miễn cưỡng, giữa thực dân với bản xứ (hay nói đúng hơn, giữa một tay thực dân với một người đàn bà bản xứ). Tôi không dám úp mở thêm để làm mất thời gian của bạn đọc, chính ông ngọai tôi, Francois Pierre Vidcoq, một hạ sĩ quan hải quân từng sống ở Sài Gòn từ 1910 đến 1914, cùng với cô Thi Ba xinh đẹp của ông đã nghĩ ra cách nấu phở. Chính ông đã kể cho tôi, kể lén bà ngọai, một Bà Đầm, nghe chuyện này. Tôi sẽ cố gắng truyền đạt trung thành những lời ông kể. Xin nói thêm, ngay cả cái tên của món ăn tuyệt khẩu này chẳng qua cũng chỉ là cách phiên âm sang tiếng Việt của cụm từ Pháp:”pot au feu” – pô-tô-phơ – như các bạn dễ dàng hiểu sau khi đọc những dòng dưới đây…
“Pot au feu” của người Pháp
Chuyện thế này: Sau khi đã ổn định tại Sài Gòn, xa tấm thân đang thời xuân sắc của cô vợ người xứ Normandie, Francois Pierre chẳng bao lâu lại tràn trề ham muốn. Ngay cả dưới cái nóng nhiệt đới, thân xác cũng cần khóai cảm, nhà cửa cũng cần dọn dẹp và bàn ăn cũng cần phải có món ăn! Francois Pierre kiếm được một cô gái, đưa về sống trong căn nhà của mình. Mấy tháng trôi qua cũng chẳng đến nỗi nào: Francois Pierre không phải là một người đàn ông độc ác, anh không chửi mắng cô gái để chứng tỏ quyền uy với người da trắng, không đánh đập cô cho hả những lúc bực mình, còn Thi Ba phục vụ những nhu cầu hàng ngày của ông Tây. Ông ta cho phép cô thỉnh thỏang ra ngòai với chúng bạn, còn chuyện kia thì cũng không quá tuần một đôi lần, cốt làm dịu những đòi hỏi xác thịt bình thường.
Nhưng sau đó đột nhiên Francois Pierre ngã bệnh nhớ nhà. Anh trở nên ủ rũ, cáu kỉnh và dễ nổi xung. Những lúc không chỉ mắng Thi Ba hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cô vì những lí do vớ vẩn, anh lại chúi mũi vào chai rượu ngải, mắt kiếm tìm vô vọng vệt xanh lơ của dãy Vosges, điều không thể nào làm được từ mảnh đất Nam Kỳ xa xôi này. Trong trạng thái lơ mơ say như thế, một câu nói cứ dai dẳng bên tai anh không lúc nào ngừng:”Du pot au feu, tôi thèm pô-tô-phơ, ước gì lúc này được một bữa pô-tô-phơ!”.
“Phơ, phơ, phơ ” Thi Ba chỉ nghe được có vậy và chẳng biết phải làm gì. Cô bạn của Thi Ba từng làm con ở trong nhà một viên quan Pháp, một viên quan to xa xỉ khó tưởng tượng nổi, đến mức đem theo đến Đông Dương cả một bà đầu bếp người Pháp, giải thích cho Thi Ba hiểu ra đầu đuôi mọi chuyện. Cái thứ pô-tô-phơ đang làm anh lính thủy đánh bộ kgổ sở hóa ra chỉ là một món súp, mà món súp thì Thi Ba biết nấu. Nếu như biết công thức của nó. Thi Ba chỉ bập bẹ tiếng Pháp bồi, Francois Pierre biết không quá hai chục từ tiếng Việt.
Phở Hà Nội
Cuối cùng, nhờ có một con chiên annamite trẻ tuổi biết thứ tiếng của Voltaire-nhân tiện cũng nói thêm rằng tác giả này bị những nhà truyền đạo chính thức cấm đọc- Thi Ba đã hình dung ra được những việc phải làm. Nguyên liệu, pha chế, cách nấu và gia vị, chẳng có gì giống với nghệ thuật nấu ăn của người Việt, thêm nữa, Francois Pierre khăng khăng muốn Thi Ba nấu sao cho giống hệt món pot au feu mà mẹ anh ta vẫn nấu. Rốt cuộc, sau vô số những lần thử nghiệm, những thất bại, cãi cọ, những nồi súp hỏng đổ xuống kênh, Thi Ba đã đi đến một kết quả tạm được Francois Pierre chấp nhận. Dĩ nhiên, món phở của Thi Ba khác hẳn món pot au feu ở quê anh, nhưng, như ngạn ngữ Pháp thường có câu:”Faute de grives on mange des merles!”. Dịch sang tiếng Việt, có nghĩa là:”không có cá lấy tôm làm trọng”.
Thay cho các gia vị truyền thống của nghệ thuật nấu ăn Normandie, Thi Ba sử dụng hương thơm tinh tế của các lọai rau Việt Nam. Món ăn mới này ban đầu được hai người say mê thưởng thức, sau đó đến các bạn bè, rồi bè bạn của bè bạn. Tất cả những người lính thủy từng ghé vào lấy thực phẩm tại cảng Sài Gòn trứơc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đều sẽ nói với bạn, một cách thi vị về món súp của nàng Thi Ba xinh đẹp, cô gái của Francois Pierre Vidcoq.
Ông ngọai tôi sau đó đã trở về Normandie, để lại cho Thi Ba khỏan phụ cấp giải ngũ ít ỏi của mình. Với số tiền này, Thi Ba trở về Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn, mở một tiệm ăn và nó nhanh chóng trở thành nơi ưa thích của những tay sành ăn Hà Nội vốn đông đảo và hay chuyện. Danh tiếng của bà và của món phở ngày một lan xa. Khi ông ngọai tôi mất, bà ngọai tôi tìm thấy trên cổ ông một cái túi bằng lụa nhỏ, bên trong có ảnh một người đàn bà Annamite mặc quần áo cổ truyền cùng một ít lá thơm. Bà khóc suốt đêm và chôn ông cùng với chiếc bùa hộ mệnh ấy.
Câu chuyện về nàng Thi Ba xinh đẹp, Francois Pierre Vidcoq và món phở là như vậy. Chẳng biết đó là chuyện thật hay là chuyện bịa? Điều quan trọng là nó làm cho bạn thích thú và nhớ đến mỗi khi mũi bạn ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt từ một bát phở lớn nóng hổi bay lên.
Alain Guillmin (Pháp)
Ngô Tự Lập (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp).
Huffington Post: 7 lý do để bắt đầu ăn món Việt
Ít chất béo, không có gluten, đầy ắp các loại chất sinh tố và khoáng chất, đó thực sự là những món hoàn hảo để tăng cường hệ miễn dịch của bạn, đồng thời, để hỗ trợ giảm cân và cung cấp năng lượng.
Chúng tôi đã tìm hiểu từ nhà hàng Phở để rút ra được 7 lý do vì sao tất cả chúng ta đều nên chọn món ăn Việt:
1. Trẻ lâu hơn…
…nhờ các chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn chặn tiến trình lão hóa. Các món gỏi và canh của dân Việt Nam có chứa nhiều sinh tố E và A, nhờ sử dụng các loại rau củ tươi, gia vị và thịt nạc.
Sinh tố E giúp chống lại các gốc tự do trong cơ thể bạn (một trong những nguyên nhân chính làm mau già), còn sinh tố A giúp phục hồi các vết xước, vết sẹo, xóa mờ nếp nhăn.
2. Giúp bạn sung sức, ít bệnh…
…qua việc cung cấp đủ vitamin và khoáng chất trong ngày chỉ bằng một cái bát. Món nước dùng mất tới hơn 10 giờ đồng hồ để chuẩn bị, và nó cũng là một nguồn cung ứng dồi dào cho bạn 10 loại sinh tố và khoáng chất, như là vitamin C, B3, B6, folate, sắt và magiê – những thứ đồng thời còn có tác dụng làm giảm mệt mỏi.
Rau trộn các thứ kiểu Việt Nam cũng rất chất: món gỏi đu đủ tôm ở nhà hàng Phở cung cấp tới 50% lượng dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày từ sinh tố C cũng như B1, B6, B3, folate, biotin, kẽm, đồng, ma giê và kali. Tuy bổ như vậy, nhưng chúng chỉ có 200 calo và ít hơn 2g chất béo trong mỗi dĩa, cho nên chúng tôi đã phải gọi món salad đó là “món ăn đỉnh”.
3. Điều hòa lượng đường trong máu…
…nhờ việc hạn chế những thứ làm từ bột mì. Những món ăn làm từ loại ngũ cốc tinh chế dễ dàng được tiêu hóa, dẫn theo việc giảm một lượng đường đáng kể trong máu, đồng thời cũng làm bạn mau đói hơn. Món ăn Việt hầu như không chứa gluten, vì các món thường có nguyên liệu từ gạo, chẳng hạn bún, bánh tráng, bột gạo… chứ không làm từ lúa mì. Một vài món của Việt Nam làm với nước tương, nhưng có thể thay thế bằng một loại nước chấm khác không có gluten.
4. Cải thiện hệ tiêu hóa…
…từ việc ăn các loại thảo dược như rau mùi, bạc hà. Mỗi tô phở của Việt Nam thường đi kèm với một dĩa đầy những loại rau để bạn chọn và thêm vào tô của mình. Trong đó bạn có thể dễ dàng tìm thấy những loại rau bổ dưỡng, ví dụ như rau mùi, bạc hà, hai loại rau thường được coi là thuốc bổ cho gan đồng thời giúp thoát khỏi chứng khó tiêu, buồn nôn (và cả đau đầu).
5. Giúp cho mái tóc khỏe mạnh…
…với sắt, protein và sinh tố C. Ăn nhiều chất sắt và protein từ thịt nạc sẽ tốt cho sự phát triển và nuôi dưỡng của mái tóc. Còn nữa, vitamin C hỗ trợ hấp thu chất sắt, vì vậy khi ăn các món chiên xào của hoặc bún của Việt Nam (thường kèm theo nhiều thịt nạc và rau), thì bạn lợi cả đôi đường.
6. Giảm lượng đường…
…như những gì chúng ta đề ra trong năm 2014. Đầu năm nay, các chuyên gia y tế đã cảnh báo rằng đường cũng nguy hiểm như rượu và thuốc lá. Nhiều món canh và cuộn như nem rán, gỏi cuốn của Việt Nam thường có ít đường (ít hơn 5g muỗi phần ăn). Ăn đồ Việt sẽ giúp bạn căt giảm bớt nhiều đường trong tuần.
7. Giảm cân…
…với việc giảm lượng calo và chất béo. Các món ăn Việt thường dùng tới nhiều loại thảo dược và gia vị (thay vì dùng dầu hoặc bơ sữa) và thường có nhiều rau quả tươi, nên bạn sẽ tìm thấy rất ít calo và chất béo trong chúng. Một tô phở hoành tráng cũng chỉ có từ 300 tới 600 calo, và ít hơn 3g chất béo, như vậy bạn có thể ăn một phần như vậy vào buổi trưa hoặc tối trong ngày như là cách để điều chỉnh việc thu nạp calo, chất béo vào cơ thể.