Cách làm mắm chưng hột vịt

Mắm chưng thịt, hay còn gọi là mắm chưng hột vịt, là một món ăn dân dã, đậm đà hương vị miền Tây mà bất cứ ai đã ăn một lần thì không thể quên được.

Làm món này khá đơn giản, điều bạn cần quan tâm là khả năng ăn mắm của người ăn. Công thức sau đây sẽ cho ra món ăn có hương vị vừa phải, nếu thích nhiều mùi mắm, thì bạn cứ mạnh tay tăng lượng mắm. Nhưng nhớ là thêm mắm thì phải thêm đường, đừng ăn mặn quá không ngon mà cũng không tốt cho sức khỏe!

Công thức làm Mắm chưng thịt:

Nguyên liệu (cho 5 người ăn):

  • 3 muỗng canh mắm cá xay nhuyễn (nên dùng mắm sặc hoặc mắm linh, kẹt quá thì dùng mắm lóc cũng được)
  • 300gr thịt ba rọi bỏ bì, xay nhỏ (lựa thịt rồi biểu người ta xay, đừng có mua thịt xay sẵn)
  • Hành củ băm: 1 muỗng canh
  • Tiêu xay: 1 muỗng cafe
  • Đường: 3 muỗng cafe
  • Trứng vịt hoặc trứng gà: 4 trái
  • 1 muỗng canh dầu ăn
  • 1 trái ớt băm nhỏ

Có thể cho thêm:

  • 1 lọn bún tàu (ngâm nở xong cắt thành cọng 2cm)
  • Vài tai nấm mèo (ngâm nở, băm nhuyễn)
  • 1 củ đậu (còn gọi là củ sắn) cắt càng nhỏ càng tốt, vắt cho ráo nước.
  • (Nếu vậy phải tăng thêm tí mắm).

Cách làm:

  1. 4 quả trứng vịt đập hết ra một cái tô to, vớt lấy 2 lòng đỏ bỏ riêng vô 1 cái chén, phút 89 mới dùng tới.
  2. Phần trứng vịt trong tô đánh cho tan. Sau đó cho tất cả nguyên liệu (thịt, mắm, hành băm, gia vị,…) đã chuẩn bị ở trên vào tô trứng. Trộn đều.
  3. Dùng cái muỗng ém mặt hỗn hợp lại cho chắc, láng mặt cho phẳng phiu.
  4. Bắc một nồi nước để hấp cách thủy (nếu có nồi hấp thì dùng nồi hấp), cho cái tô nguyên liệu vào, mở lửa lớn cho nước sôi rồi nhỏ lửa, đậy nồi lại hấp trong khoảng 40 phút cho chín. Thỉnh thoảng nhớ mở nắp lau nước đọng trên nắp nồi.
  5. Cần phải thử coi mắm chín chưa, bằng cách dùng cây đũa đâm vào mặt mắm, nếu có nước chảy ra là chưa chín, còn khô rồi là đã chín.
  6. Cái chén đựng 2 lòng đỏ ban nãy, bây giờ (khi tô mắm đã chín) đánh cho tan lòng đỏ, rồi tráng lên mặt tô mắm chưng, cốt để làm cho tô mắm đẹp hơn. Có thể trang trí thêm 3 trái ớt (lặt cuống, đề phòng ai thích ăn cay thì xắn vô chén ăn luôn). Sau đó rắc 1 ít tiêu lên bề mặt này.
  7. Đun tiếp khoảng 5 phút không đậy nắp nồi cho mặt trứng ráo.
  8. Vậy là đã xong tô mắm chưng thịt. Ăn với cơm, kèm dưa leo, cà chua xắt lát mỏng.

Bé Thúi (MAV.vn)

NHỮNG LÝ DO ĐỂ BẠN BẮT ĐẦU ĂN KHOAI LANG MỖI NGÀY

Khoai lang là thực phẩm hấp dẫn, không chỉ thế, loại khoai này còn được coi là bổ dưỡng và lành tính đối với cơ thể. Việc bổ sung khoai lang trong khẩu phần hàng ngày sẽ mang lại cho bạn những lợi ích tuyệt vời.

Khoai lang là thực phẩm phổ biến, hữu ích cho sức khỏe con người do chứa nhiều chất xơ, carotene, các vitamin và chất chống oxy hóa…

1. Khoai lang có vị ngọt nhưng không làm tăng lượng đường huyết, mệt mỏi hay tăng cân. Đường tự nhiên trong khoai lang sẽ từ từ thẩm thấu vào máu, giúp cân bằng nguồn năng lượng cho cơ thể.

2. Khoai lang là nguồn cung cấp chất xơ rất tốt, giúp duy trì đường huyết ở mức cân bằng.Dưới đây là những lý do các bà nội trợ không nên bỏ qua loại củ tuyệt vời này trong chế độ ăn của gia đình, theo Care2.

3. Cứ 100 g khoai lang nghiền cung cấp 86 calo, thấp hơn nhiều so với mức 118 calo trong 10 0g củ từ.

4. Khoai lang là thực phẩm giàu protein. Protein trong khoai lang rất đặc biệt do khả năng ức chế ung thư ruột kết và trực tràng ở người. Hàm lượng protein trong khoai lang càng cao thì khả năng ức chế hoạt động của tế bào ung thư càng lớn.

5. Hàm lượng vitamin B6 cao chứa trong khoai lang làm giảm homocysteine trong cơ thể. Homocysteine có liên quan đến các bệnh lý thoái hóa và tim mạch. Nồng độ homocysteine trong máu cao làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.

6. Khoai lang là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp ngăn ngừa cảm lạnh và virus cúm. Đồng thời, vitamin C cũng rất cần thiết cho xương và răng, tốt cho hệ tiêu hóa và quá trình hình thành các tế bào máu. Ngoài ra, vitamin C còn góp phần chữa lành vết thương, tạo ra collagen giữ cho làn da luôn tươi trẻ, giảm stress và bảo vệ cơ thể khỏi những độc tố có nguy cơ gây ung thư cao.

7. Vitamin D trong khoai lang có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch và tăng cường sức khoẻ tổng quát. Vitamin D góp phần giữ cho hệ xương, tim mạch, thần kinh, răng, da và tuyến giáp khỏe mạnh.

8. Vi chất sắt trong khoai lang cung cấp năng lượng cho cơ thể, giảm stress, thúc đẩy sản xuất hồng cầu, bạch cầu, tăng cường miễn dịch và chuyển hoá protein.

9. Khoai lang cũng là nguồn cung cấp magie rất tốt. Magie không những là khoáng chất quan trọng chống căng thẳng mà còn có ý nghĩa then chốt cho sự phát triển khỏe mạnh của cơ xương, tim mạch và các chức năng thần kinh.

10. Kali là chất điện ly quan trọng giúp kiểm soát nhịp tim và các tín hiệu thần kinh. Cũng như các chất điện ly khác, kali đảm nhiệm nhiều chức năng thiết yếu trong đó có thư giãn co thắt cơ, giảm sưng, bảo vệ và kiểm soát hoạt động của thận. Khoai lang chính là nguồn cung cấp kali tuyệt vời mà bạn không thể bỏ qua.

11. Màu cam trên vỏ khoai lang là dấu hiệu cho thấy mức carotene rất cao của loại củ này. Nhóm chất carotene giúp tăng thị lực, thúc đẩy hệ miễn dịch, chống oxy hóa và ngăn ngừa lão hóa. Một nghiên cứu do ĐH Harvard (Mỹ) thực hiện trên 124.000 người cho thấy, những người tiêu thụ thức ăn giàu carotene trong chế độ ăn uống thường xuyên của mình giảm tới hơn 32% nguy cơ ung thư phổi.

Ngoài ra, những phụ nữ có nồng độ carotene cao nhất có nguy cơ tái phát ung thư vú thấp nhất. Đây là kết luận được các nhà khoa học từ WHEL (Women’s Healthy Eating and Living) đưa ra sau khi tiến hành nghiên cứu trên những phụ nữ hoàn tất giai đoạn đầu điều trị căn bệnh này.

12. Beta carotene là tiền chất của vitamin A trong cơ thể người. Vitamin A duy trì đôi mắt sáng và làn da khỏe mạnh. Đồng thời, beta caroten được chứng minh là có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây ung thư. Đây cũng là một dưỡng chất dồi dào trong khoai lang.

13. Mới đây, các nhà khoa học đã khám phá ra nhóm chất dinh dưỡng trong khoai lang có tên là batatoside có khả năng chống lại các đặc tính của vi khuẩn và nấm.

14. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, chất cyanidins và peonidins trong khoai lang có khả năng giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của kim loại nặng tới sức khỏe con người.

Thu Hiền (VNExpress.net)

Những món đặc sản phải thử khi đến Đồng Tháp

Tháp Mười đẹp và hồn hậu với những món đặc sản dân dã đã thành thương hiệu riêng.

Đồng Tháp Mười đẹp xinh đón chào khách phương xa bằng những cánh rừng tràm bạt ngàn, những hồ sen mênh mông, những vườn cò thanh bình, sân chim vời vợi đầy hoang sơ của miệt vườn đặc sắc.

Không chỉ được tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ thú, tìm hiểu lịch sử qua một loạt các di tích như thế, đến đây, chúng ta còn có cơ hội được thử những món ngon đặc sắc đầy hương vị đồng quê.

Bánh phồng tôm Sa Giang

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm”. Chính từ tôm cá thiên nhiên ban tặng, người dân Sa Giang, Đồng Tháp đã chế biến ra loại phồng tôm ngon bậc nhất.

Cũng là bột, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ, cộng thêm vài thành phần nguyên liệu khác, nhưng phồng tôm Sa Giang – món ngon Đồng Tháp này vẫn cứ nổi bật và khiến người ta chú ý nếu đã thử qua một lần.

Nó không bị cứng, dai mà trở nên giòn, xốp. Cắn một miếng, thấy tan trong miệng với hương tôm thơm, béo ngậy và cay cay rất tuyệt vời. Bánh phồng tôm ăn không cũng ngon, ăn chơi cùng các món gỏi càng đậm vị.

Phồng tôm Sa Giang kết hợp với món khác cũng ngon, mà ăn chơi mình nó cũng tuyệt! (Ảnh: Internet)

Chẳng thế mà nó đã được quảng bá rộng rãi, có mặt khắp nơi và ngày nay còn trở thành một trong những mặt hàng thực phẩm xuất khẩu rất được ưa chuộng.

Chơi Đồng Tháp, không mấy ai không mang theo về làm quà cho người thân, bạn bè món bánh dễ chế biến, ngon lành và dễ ăn này.

Nem Lai Vung

Không phải là vùng duy nhất làm nem ở Đồng Tháp, nhưng Lai Vung tự tạo cho nó thành thương hiệu bởi duy trì được nghề nem truyền thống với những “bí kíp” riêng. Làng nghề này đã có trên 60 năm nay và ngày càng nổi tiếng.

Nem Lai Vung “chua mà ngọt, thơm nồng mà say” (Ảnh: Internet)

Nem Lai Vung – món ngon Đồng Tháp làm từ thịt và bì heo như nhiều nơi khác. Cũng có các gia vị như tiêu, ớt, tỏi được bọc trong những lớp lá chuối xanh mướt, nhưng nem ở đây lại thơm ngon đặc biệt. Đến nỗi có câu ca dao cứ truyền đi như một niềm tự hào: “Lai Vung là xứ lạ lùng/ Nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say”.

Mỗi miếng nem là chắt chiu của bao nhiêu công sức người làm, qua các công đoạn phức tạp, nghiêm ngặt với tỉ lệ thịt, bì, gia vị riêng, đảm bảo cân đối, hài hòa. Vì thế, xưa kia, nem chỉ được làm khi nhà có tiệc, giỗ, lễ tết, cúng kiếng mà thôi.

Theo thời gian, nem Lai Vung theo chân người ra khỏi Đồng Tháp, đến với nhiều vùng đất và trở thành đặc sản mà ai khi đến đây cũng phải tìm mua để nếm, để làm quà, để lưu luyến vị chua chua, ngọt ngọt, cay nồng đặc trưng của nó.

Chuột đồng, chuột cống nhum Cao Lãnh

Nghe nói đến chuột, hẳn nhiều người, đặc biệt là các chị em le lưỡi lắc đầu. Nhưng  vđến Cao Lãnh mà chưa ăn món này thì đúng phí cả chuyến đi. Bạn cứ nghĩ thịt chuột đồng, chuột cống nhum ở đây cũng như thịt ếch, thịt gà ở các nơi khác thôi, bởi nó cực kỳ nổi tiếng và phổ biến.

Chuột có nhiều cách chế biến khác nhau : chuột xào lăn, xé phay, chuột nướng, chuột xối mỡ, chiên rôti, luộc cơm mẻ, thịt chuột bằm nhỏ xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng… Mỗi món là một hương vị khác nhau nhưng tựu chung là ngon khỏi nói. Người ta vẫn quen với câu: “Cần chi cá lóc cá trê, thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều” là vì thế.

Chuột đồng khiến các ông hay nhậu thòm thèm, còn các chị em dè dặt gật đầu khen ngon (Ảnh: Internet)

Người ta hay nướng chuột tươi trên than hồng bằng cách ướp tỏi và rượu đơn giản. Sau đó, cứ thế cho lên bếp đều lửa, nướng đến khi chín vàng là được. Chuột nướng xong cho vào đĩa có lót sẵn rau răm, rau thơm, dọn ra chấm với nước mắm dằm xoài hoặc muối tiêu chanh.

Cầu kỳ hơn một chút là chuột quay lu. Chuột làm sạch, ướp với một hỗn hợp gồm hơn chục loại gia vị khác nhau rồi cho vào lu quay đến gần chín thì quết thêm mật ong phía ngoài. Khi chuột vàng dậy, phồng lên là được.

Thịt chuột nướng lu ngon ngọt, cực kỳ thơm. Món này hợp nhất với rau càng cua trộn giấm và cà chua, chấm nước mắm dằm xoài sống, nhâm nhi với rượu thuốc hoặc mật ong.

Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non

Cá lóc phương Nam có mặt ở khắp các ao, đầm, lạch… nhỏ nhỏ nhưng thịt chắc, thơm là nguyên liệu tuyệt vời sáng tạo ra nhiều món ngon của người dân bản địa. Món ăn chất chứa tinh hoa của miệt sông nước, đậm chất Đồng Tháp là cá lóc nướng trui cuốn lá sen non.

Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non là món ăn quy tụ đủ vị của đất trời miệt vườn Nam Bộ (Ảnh: Internet)

Cá lóc tươi vừa bắt lên được làm sạch qua rồi cứ thế nướng sao cho cá chín đều, không bị khét cháy. Cá nóng hổi, cho ra khỏi bếp rồi xẻ làm đôi, rắc lên ít hạt đậu phộng rang, rưới  thêm chút mỡ hành. Cá ăn cùng lá sen non còn ngậm sương, cuốn chặt lại, tươi roi rói và nước mắm me.

Khi ăn, dùng lá sen để cuốn rau thơm, dưa leo, khế chua, giá đỗ, bún tươi cùng với cá lóc chấm cùng mắm me.

Giữa cảnh trời sông nước, cò bay, gió hát mà được thưởng thức vị ngọt ngon của thịt cá hòa cũng bùi bùi đậu phộng, beo béo mỡ hành, mướt mát rau thơm, và chua chua mặn mặn mắm me, cùng với mùi thơm mát lá sen quả như thời gian ngừng trôi. Chỉ một món ăn thôi, nhưng cứ như đang cảm nhận hết cả đất trời miệt vườn Nam Bộ vậy.

Hủ tiếu Sa Đéc

Ngoài làng hoa Sa Đéc – món ngon Đồng Tháp nổi tiếng, nơi đây còn có món hủ tiếu được lòng bao khách đến, đi. Hủ tiếu Sa Đéc có nước dùng ngọt thơm xương heo, bánh hủ tiến dai, trắng tươi, mềm mịn.

Rất nhiều thành phần tạo nên tô Hủ tiếu Sa Đéc ngon, lạ và “đáng của” (Ảnh: Internet)

Không chỉ có thịt heo, đầu bếp còn cho vào tô hủ tiếu thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan, phèo… được làm kỹ, nóng hổi, ngon lành. Phía trên cùng là hành lá xắt nhuyễn với mấy cọng ngò xanh non. Đặc biệt, tô nào cũng có “tăng xại” – cải xắt nhỏ ướp hương vị đặc trưng của người Hoa.

Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò cháo quẩy, rau sống gồm giá, hẹ, cần tây và xà lách. Ngoài ra, còn có xì dầu, lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, khách trộn tất những thành phần ấy lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ thấy hủ tiếu Sa Đéc quả thật đáng đồng tiền bát gạo.

Khô cá lóc

Khác với món cá lóc nướng trui, cá lóc làm khô phải là những con to. Sau khi làm sạch, cá lóc được xẻ thịt, bỏ đầu, bỏ xương, ướp các loại gia vị: muối, ớt, bột ngọt… rồi đem phơi. Kỹ thuật phơi như thế nào thì người làm giữ riêng cho mình bí quyết.

Do vậy, khô cá lóc rất nhiều nơi có nhưng không phải chỗ nào cũng ngon được như ở Đồng Tháp.

Khô cá lóc dù chiên, nướng hay làm gỏi cũng đều ngon và nhiều hương vị (Ảnh: Internet)

Khô cá thường dùng để ăn dần. Dù để lâu nhưng hương vị thơm ngon thì không đổi. Người ta có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nào chiên, nào nướng, thậm chí còn làm nên các loại gỏi như gỏi xoài, gỏi lá sầu đau… Cá lóc khô ăn cùng nước mắm me dằm ớt hay mắm xoài rất đưa cơm.

Món ăn dung dị thế thôi nhưng khiến người đi xa nhớ mãi, người mới ăn sẽ thèm khi nghĩ đến.

Ngoài ra, Đồng Tháp còn rất nhiều đặc sản khác chờ du khách đến và tự khám phá, đó là rượu sen, quýt hồng Lai Vung, quýt đường Hòa An, xoài Cao Lãnh, bánh xèo…

Tạ Ban (EVA.vn)

Ban đêm ăn gừng: “độc như thạch tín”

Người xưa có câu: Sáng sớm ăn gừng, tốt hơn cả uống nước sâm; buổi tối ăn gừng, ngang với ăn thạch tín.

Gừng có chứa tinh dầu dễ bay hơi, có thể làm tăng tuần hoàn máu; đồng thời có chứa gingerose, có tác dụng kích thích tiết dịch dạ dày, làm hưng phấn đường ruột, thúc đẩy tiêu hóa. Ngoài ra gừng còn có chứa gingerol, có thể làm giảm sự phát sinh sỏi mật. 

Song gừng vừa có lợi lại vừa có hại, trong dân gian Trung Quốc từng truyền nhau câu: “Đi ngủ củ cải, ngủ dậy ăn gừng”, nói lên có thể ăn gừng nhưng không nên ăn quá nhiều vào buổi tối. 

Trong các sách y học cổ cũng từng “cảnh báo”: “Trong vòng một năm, mùa thu không ăn gừng; trong vòng một ngày, đêm không ăn gừng”.  

Đặc biệt là vào mùa thu, tốt nhất là không ăn, vì mùa thu thời tiết khô ráo, táo khí (không khí khô) tổn thương phế, cộng thêm ăn gừng cay vào, lại càng dễ làm tổn thương phổi hơn, gây tăng mất nước, khô khan trong cơ thể. 

Xem ra, chuyện mùa thu không ăn hoặc ăn ít gừng cùng các thức cay khác đã được cổ nhân xem trọng từ lâu, điều này đã được phân tích rất khoa học.

Cũng liên quan đến vấn đề này, người xưa có câu: Sáng sớm ăn gừng, tốt hơn cả uống nước sâm; buổi tối ăn gừng, ngang với ăn thạch tín. 

Lý do là gừng có thể tăng cường và thúc đẩy tuần hoàn máu, kích thích tiết dịch dạ dày, làm hưng phấn ruột- dạ dày, thúc đẩy tiêu hóa, ngoài ra còn có tác dụng kháng khuẩn.

Vào buổi sáng, khí trong dạ dày nhiều, ăn một chút gừng vào sẽ kiện tì ôn vị, khích lệ cho dương khí bốc lên. Đến nửa đêm, dương khí trong người thu lại, âm khí thịnh phát, lúc này ăn gừng sẽ vi phạm qui luật sinh lí. 

Ngược lại với gừng, củ cải tính lạnh, hạ hỏa thanh nhiệt, hạ khí tiêu thực (làm hết đầy bụng). Sau cả ngày mệt mỏi, ăn một ít củ cải sẽ có tác dụng nhuận hầu tiêu thực (tốt cho họng trợ giúp tiêu hóa), thanh nhiệt, có lợi cho việc nghỉ ngơi.      

(Theo VTC News)

Cách làm Bún Chả

Bún chả là món ăn nổi tiếng của miền Bắc Việt Nam. Bún chả khá giống bún thịt nướng ở miền Trung và Nam bộ, vì cùng là bún ăn với thịt nướng, khác biệt ở chỗ vị nước chấm của bún chả thanh dịu hơn, về nguyên liệu và cách ăn, có thể thấy là đặc điểm của bún thịt nướng là ở sự pha trộn mạnh mẽ các nguyên liệu, còn ở bún chả, là sự kết hợp nhẹ nhàng của các hương vị.

Công thức làm bún chả thì lúc nào nhìn vào cũng thấy dài dòng, nhưng thật ra làm rất đơn giản.

 

Nguyên liệu:

  • Bún: 1kg
  • Thịt ba rọi: 500gr, bỏ bì, xắt miếng mỏng
  • Thịt nạc vai xay nhỏ: 500gr
  • Cà rốt, su hào (hoặc đu đủ) số lượng tùy thích
  • Chanh
  • Sả băm
  • Hành củ, hành lá, tỏi, sữa đặc, nước mắm, nước hàng, đường, gia vị
  • Rau xà lách, rau húng, tía tô, kinh giới…để làm rau sống ăn kèm.

Cách làm:

Chuẩn bị:

  • Sả băm hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước, chia làm hai phần.
  • Hành củ và tỏi băm nhuyễn.
  • Hai loại thịt xay và thịt miếng để ra hai cái tô riêng. Mỗi loại ướp với một phần nước sả, 1 muỗng cafe tiêu, 2 muỗng cafe sữa đặc, hành tỏi đã băm, 1 muỗng cafe muối, 2 muỗng cafe đường, 1 muỗng canh dầu hào, 2 muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cafe nước hàng (click vào xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG), nếu có mật ong thì thêm 1 muỗng mật ong.
  • Ướp thịt trong khoảng 30 phút (nếu có điều kiện thì ướp qua đêm sẽ ngon hơn nhiều). Sau đó xắt 1 miếng chanh, vắt mỗi loại thịt 1 nửa miếng chanh để thịt nướng mềm hơn.
  • Ướp tiếp trong vòng 30 phút. Trong khoản thời gian này thì lo chuẩn bị làm đồ chua và nước chấm.

Làm đồ chua (dưa góp), nước chấm:

  • Su hào, cà rốt gọt vỏ, xắt miếng mỏng, nhỏ như đồng xu 1000 là vừa, sau đó cho 1 nhúm muối vào trộn lên cho ra bớt nước. Rửa lại bằng nước. Để ráo. Cho vào cái tô, trộn với đường, chanh, dấm, ớt, chút tỏi băm, sao cho vừa đủ mặn, ngọt, chua là được, đừng trộn lạt quá vì chút nữa lại bỏ vô nước chấm.
  • Trong khi chờ đồ chua ngấm, thì làm nước chấm.
  • Chuẩn bị một tô to, thêm vào 1,5 chén nước lọc (nếu có thời gian chuẩn bị, thì nên dùng nước xương gà, bấm vào đây >>> Xem cách làm nước chấm bún chả công phu hơn), 1/2 chén nước mắm, 3 muỗng canh đường, 2 miếng chanh, chút tỏi ớt, bột ngọt… rồi hòa ra cho đều. Vừa pha vừa nếm, nêm lại cho vừa ăn, Nên pha các nguyên liệu kia trước rồi mới châm nước mắm sau cùng, như vậy dễ điều tiết được vị mặn. Lưu ý nước chấm bún chả miền Bắc không giống nước chấm bún thịt nướng ở miền Nam, mà nên làm cho vị được thanh nhẹ, chua dịu, ngọt dịu, không nặng mùi mắm như nước bún thịt nướng.

Nướng chả:

  • Lúc này thịt đã ngấm, ta lấy thịt băm ra vo viên to vừa ăn, kích cỡ tùy thích. Sau đó bắt đầu nướng: Có thể nướng bằng lò nướng, nhưng không ngon bằng nướng than. Trong lúc nướng lật đều tay, thỉnh thoảng quết 1 lớp dầu ăn lên thịt để thịt khỏi khô. Khi thịt sắp vàng, quết 1 lớp mật ong (nếu có), chờ tí cho vàng đều rồi lấy xuống.
  • Tiếp tục nướng hết phần thịt còn lại.

Măm măm:

  • Trước khi ăn, đem nước chấm hâm lên cho vừa nóng (đừng hâm nóng quá). Múc nước chấm ra tô, thả thịt nướng, đồ chua làm lúc nãy vào đó. Bún để riêng trong một dĩa khác. Rau sống cũng riêng một dĩa.
  • Khi ăn, thường là gắp 1 miếng bún chấm qua nước chấm rồi ăn kèm với chút thịt, rau sống. Ai làm biếng thì đổ bún vào nước chấm húp ăn xùm xụp như ăn bún riêu luôn, nhưng cách này không ngon, vì bún ngâm lâu ăn dễ ngán.

Bé Thúi (MAV.vn)

Xem thêm:

Cách làm nước dùng bún chả, bún nem

Nước chấm bún có nhiều cách tùy mỗi nhà. Muốn cho nhanh nhẹn thì pha nước với mắm đường tỏi ớt, nếm lại cho vừa miệng. Nhưng nếu có thời gian, thì làm kĩ hơn, hương vị cũng sẽ ngon hơn.

Nguyên liệu:

  • Nước xương gà: 1 bát
  • Nước dừa: 1 bát
  • Nước mắm: 2/3 bát
  • Nước hàng: 2 muỗng cafe (xem Cách làm nước hàng)
  • Đường: 3 muỗng canh
  • Chanh: 1 miếng
  • Muối: 1 chút
  • Tỏi, ớt, bột ngọt

Cách làm:

  1. Nước xương, nước dừa, nước hàng, đường, muối đem bỏ vào 1 cái nồi, nấu sôi, nhớ hớt bọt.
  2. Sau khi sôi thì nhắc ra ngâm vào nước lạnh, chờ cho nguội, bắt đầu châm nước mắm vào. Châm từ từ cảm thấy vừa ăn thì ngưng, đừng đổ hết 1 lúc có khi mặn, tại nước mắm tùy loại có loại mặn lè có loại lạt nhách.
  3. Sau khi thấy vừa miệng, vắt thêm miếng chanh. Rồi cho tỏi, ớt vào quậy lên cho đều.
  4. Nước chấm này nếu dùng cho bún nem, bún chả, thì trước khi ăn cần phải hâm nóng lại. Còn dùng với các món khác thì tùy bạn.

Bé Thúi (MAV.vn)

Xem thêm:

 

(MAV) Văn hóa Việt Nam có cội nguồn từ nền văn minh lúa nước, vì thế, sự phổ biến của các món cơm là điều dễ hiểu. Ngoài món cơm trắng ăn hàng ngày, cơm còn được chế biến ra thành nhiều món ăn khác nhau. Trong số đó, có những món mai một dần, có những món ngày càng trở nên phổ biến, và hơn nữa, trở thành “đặc sản” tiêu biểu cho cả một vùng miền.

Cơm tấm:

Cơm tấm là món ăn có gốc miền Tây Nam bộ, nhưng hiện nay, có thể thấy nó là món ăn nổi tiếng nhất, có thể xem như đặc sản của đất Sài Gòn. Cơm tấm nấu từ hạt gạo tấm, xưa là loại gạo thứ phẩm, thường cho gà ăn, nhưng đến khi người ta khám phá được sự ngon miệng của loại cơm này, thì nó đã nhanh chóng được đưa lên hàng đỉnh cao ẩm thực. Cơm tấm truyền thống thường ăn với các nguyên liệu sườn, bì, chả, trứng, và nước mắm ngọt…. ngày nay nhiều tiệm cũng mở rộng danh mục món, có cả thịt kho tàu, gà, mắm chưng… Thường được xem là món ăn sáng ngon miệng, chắc bụng, nhưng trong những năm gần đây, cơm tấm cũng trở thành một món ăn đêm phổ biến.

 

Cơm âm phủ:

Chỉ có ở Huế. Món cơm nghe tên khá dị này, thực ra lại bao gồm toàn những nguyên liệu quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, đó là cơm trắng, chả, thịt, nem, dưa leo, tôm, gà… tùy theo nơi làm. Nhưng nhìn chung, cơm Âm phủ là sự phối hợp của nhiều loại thức ăn với nhau, ăn với nước mắm chanh đường. Ngày nay cơm âm phủ thường được bán ở các nhà hàng Huế, khá đắt tiền, nhưng xưa kia, nó là món cơm bình dân bán cho những người lao động khuya, với thành phần là thức ăn thừa ban ngày đem kết hợp lại.

 

Cơm hến.

Lại một món ăn nữa của Huế. Nhưng cơm Hến ngon nhất không phải ở nhà hàng như cơm âm phủ, mà là ở vỉa hè Huế, trong các quán nhỏ, rẻ tiền. Cơm Hến đặc trưng vị Huế, với mắm ruốc mặn mòi, cơm nguội khô rời, nước hến ngọt, miếng ớt cay xè, chát chát của bông chuối, chua chua của chanh, bùi bùi của đậu phộng, nhưng tất cả phối hợp lại, thì trở nên một món ăn, một hương vị không thể lẫn lộn đi đâu, nên cũng không thể quên được. Nếu đi Huế, nên ghé đường Hàn Mặc Tử bên kia đập đá, là nơi nổi tiếng với nhiều quán cơm Hến ngon.

 

Cơm cháy ninh bình.

Một trong 10 món đặc sản Việt Nam được công nhận kỉ lục châu Á. Món ăn do một người Ninh Bình tên là Đinh Hoàng Thăng sáng tạo. Cơm cháy Ninh Bình là loại cơm cháy đít nồi giòn tan, mỏng đều, khi ăn thì chiên cho giòn, rồi ăn với thịt dê hoặc bò, có thể dùng nội tạng lợn như tim, cật, xào với các loại rau củ…Để cho cơm cháy được ngon nhất, người ta thường dùng rượu nếp Hương. Đến Ninh Bình mà chưa ăn cơm cháy, nhậu rượu kim sơn, thưởng thức dê núi, thì coi như chưa đến Ninh Bình.

 

Cơm chiên Dương Châu:

Một món ăn nổi tiếng tại Việt Nam, nhưng mang tên một địa danh Trung Quốc, đó là cơm chiên Dương Châu. Đây là món cơm nổi tiếng thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc. Cơm chiên được làm công phu hơn bình thường, với các nguyên liệu rau, đậu, tôm, thịt thái nhỏ và chiên trong chảo với cơm. Cơm chiên Dương Châu tại Việt Nam đã được điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị người Việt. Thường dùng ăn sáng, ăn thường ngày và ăn tiệc, có khi kèm với các món bánh. Tại Việt Nam, món này phổ biến nhất ở Sài Gòn, nơi có vùng Chợ Lớn rất đông người hoa sinh sống.

 

Cơm lam:

Đưa chân anh qua đồi / Cơm lam đem theo người / Lên cao anh ôm trời / Để dòng suối lẻ loi…(Phạm Duy trong Con đường Cái Quan). Cơm Lam là một món ăn đặc trưng của các dân tộc miền cao Việt Nam, đặc biệt là ở Tây Bắc. Cơm là loại gạo, thường dùng gạo nếp, ôi khi trong gạo có trộn lẫn vừng, dừa, khoai, ngô… Điểm đặc sắc của cơm lam là được nướng chín bằng ống tre nứa, nên rất thơm ngon. Cơm lam ăn kèm muối vừng là phổ biến, sang hơn thì có thịt lợn rừng, thịt gà… Cơm lam rất tiện lợi để vận chuyển đối với người đi trận mạc ngày xưa, hay rừng núi ngày nay… Tại miền xuôi, cơm lam là món đặc sản khó kiếm, muốn ăn phải lên các tỉnh vùng cao, hoặc vào nhà hàng.

 

Cơm gà:


Cũng như nhiều nước trên thế giới, người Việt Nam có món cơm gà rất được ưa thích. Cơm gà nổi tiếng, ở mức đặc sản, thì phải kể đến cơm gà Hội An, cơm gà Tam Kỳ, cơm gà Phan Rang, Cơm gà Hải Nam (kiểu Trung Quốc)… Và gần đây là cơm gà xối mỡ, cơm gà chiên giòn. Mỗi món có một vị ngon riêng vì cách chế biến cũng khác nhau. Trong khi cơm gà Hội An thường là cơm ăn với gỏi gà, gỏi đu đủ, thì cơm gà Hải Nam ăn với gà luộc, cơm gà Phan Rang nổi tiếng với chất lượng gà ta, cơm gà chiên thì thường thơm mùi nước mắm, dùng gà công nghiệp cho mềm, béo, dễ ăn hơn.

 

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Đi chợ Campuchia ngay giữa Sài Gòn

 

Đối với dân ở các tỉnh giáp biên với Campuchia, có lẽ những món ăn như mắm bò hóc, bún nước lèo, chè xôi xiêm, lá sầu đâu không đến nỗi lạ lùng, nhưng với cư dân Sài thành thì đó vẫn còn là những gì rất mới mẻ. Có lẽ vì cái sự mới lạ đó, mà hằng ngày luôn có nhiều người rủ nhau đến ngôi chợ nằm sâu trong hẻm nhỏ, để cùng thưởng thức thử những hương vị Chùa Tháp đặc trưng.

Chợ Campuchia là cách người ta gọi chợ Lê Hồng Phong, nằm trong hẻm 374 đường Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10. Địa bàn của khu chợ còn được gọi là phố Campuchia, hay phố Việt Kiều, vì nơi đây có một cộng đồng lớn dân cư là người Việt hồi hương từ Campuchia sau cuộc đảo chính hồi năm 1970 ở Campuchia. Người Việt hồi hương, phần vì nhớ mùi vị quê người, phần vì mưu sinh, đã không quên đem theo những món đặc sản Campuchia về với Sài Gòn, ban đầu chỉ là một nhóm kinh doanh nhỏ lẻ, lâu dần đã hình thành nên khu chợ không giống bất cứ khu chợ nào khác trong thành phố.

Khu chợ nằm khuất trong hẻm, với nhà lồng chợ và những hẻm chợ trời bao quanh. Đi tới khu vực này là nhận ra ngay, vì bắt đầu được thấy những bảng hiệu bằng tiếng Campuchia, những nhà làm dịch vụ du lịch đi Nam Vang, Xiêm Riệp, tiếp đến là những quán ăn bày đầy những món lạ mắt. Tới khu vực nhà lồng chợ, thấy treo đầy cá khô đủ loại: cá trèn, cá kìm, và cả cá tra biển Hồ nổi tiếng… Vào trong nhà lồng, không khó để tìm mua các thứ gia vị cũng như đặc sản trong ẩm thực Campuchia: trái chúc, trái xăng, ngải búng, mắm bò hóc, đọt sầu đâu…

Món Campuchia được lưu ý nhất ở khu này, phải kể đến bún Num Bò Chóc. Đây là loại bún cá nước lèo rất phổ biến của xứ Campuchia, với phần nước lèo có mùi vị đặc trưng nấu từ mắm bò hóc và ngải búng, cá là cá lóc ăn kèm với các loại rau như đậu đũa, ngó súng, và ăn với muối ớt chứ không phải nước mắm. Quán Tư Xê, ở ngay cổng chợ, bán bún Num Bò Chóc đã 30 năm, là nơi dân tình thường kéo đến để thưởng thức. Thực khách ban đầu còn hơi ớn lạnh vì nghe mắm Bò Hóc, nhưng sau khi ăn vài lần, thì có kẻ đã sinh ghiền. Ngày nay, đi chợ Lê Hồng Phong mà không ăn bún Num Bò Chóc, coi như chưa biết mùi chợ.

Sau bún Num Bò Chóc, tên lạ, hương vị lạ, phải kể đến món ăn rất quen, là hủ tiếu Nam Vang. Hủ tiếu Nam Vang thì ở chỗ khác cũng có, nhưng người ta thích ăn hủ tiếu Nam Vang ở đây, vì cho rằng đúng chất. Nhắc đến hủ tiếu Nam Vang ở đây, người ta thường nhắc quán Phú Quý, nhưng ngoài quán này còn hàng chục quán khác cũng rất ngon, bằng chứng là không có quán nào vắng khách. Các chủ quán hủ tiếu Nam Vang hầu hết là Việt kiều Campuchia hồi hương, chỉ riêng điều đó đủ tạo niềm tin cho thực khách là ăn không sợ lạc điệu.

Rồi thì phải kể đến đồ ăn vặt. Không dễ dàng gì mà một khu chợ khuất nẻo, lụp xụp, đường sá bất tiện lại cuốn hút được nhiều bạn trẻ, nếu như không có những hàng ăn độc đáo. Đó là những xâu chuối nướng kiểu Campuchia, nhìn thì hơi khô khan, nhưng ai ăn quen mới hiểu, vì sao cái món ăn có vẻ cục mịch, ít hấp dẫn này lại dám lặn lội ra tới xứ người. Rồi thì phá lấu, bánh khọt, bánh lọt, cháo đậu làm kiểu Campuchia, với đặc điểm là thường nấu với nước cốt dừa, lá dứa, đường thốt nốt, đường phèn…

Nhưng loại đồ ăn được nhiều bạn trẻ tìm tới nhất ở chợ này, là chè. Chè Campuchia ở đây nấu bằng đường thốt nốt, thường béo và không quá ngọt, và tạo hình rất bắt mắt. Món chè bí chưng, tiếng Campuchia kêu là Num À Pơi, làm từ trái bí ngô non bỏ hết ruột, trong có hỗn hợp sữa bột, sữa đặc, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng, nguyên liệu mua từ Campuchia, nhìn rất quyến rũ, mà hương vị cũng được nhiều người khen ngợi. Món chè bí chưng này có thể ăn riêng thành một món chè, hoặc cắt một miếng nhỏ bỏ chung với các nguyên liệu như thốt nốt, sầu riêng, nước cốt dừa… thành món chè thập cẩm kiểu Campuchia, ăn dễ liên tưởng tới chè Thái đã phổ biến mạnh ở Sài Gòn, nhưng tất nhiên mùi vị có khác. Rồi thì chè xôi xiêm, chè bà ba, chè thốt nốt, đậu xanh, đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ… có tên lạ, tên quen, nhưng tất cả đều được chế biến theo phong cách Campuchia. Các quán chè thường bán nhiều loại, tập trung ở gần cổng chợ, bà chủ sẵn lòng giới thiệu đặc điểm từng món cho các thực khách mới tới lần đầu.

Cứ như vậy, qua mấy chục năm tồn tại và phát triển, khu chợ len lỏi trong hóc hẻm một cách bí mật đã dần dần được biết đến như một tụ điểm ăn uống thú vị. Người ta đến chợ để ăn chè, ăn bún Num Bò Chóc, để mua các loại khô cá, các gia vị nấu món Campuchia, mà cũng để tìm hiểu đôi nét về văn hóa ẩm thực của một đất nước vừa rất quen vừa rất lạ.

 

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

CÓ MỘT ‘XỨ QUẢNG’ NGAY GIỮA LÒNG SÀI GÒN

 

Vùng Bảy Hiền ở Tân Bình, lâu nay được biết tới như một Quảng Nam thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn, với làng dệt Bảy Hiền, với chợ Bà Hoa, với mì quảng, bê thui, bánh đập, với những con người tuy sống ở Sài Gòn lâu năm, mà vẫn nói riêng một giọng Quảng Nam khó lẫn lộn.

Địa danh Bảy Hiền có từ xưa. Bảy là thứ bậc trong gia đình, Hiền là tên của một nhân vật, ngày nay chỉ còn được biết tới qua hình tượng một ông cụ nhân hậu, hay giúp đỡ người khác, sống bằng nghề đổi nước sạch tại vùng đất này. Ông Bảy Hiền đã trở thành người thiên cổ từ lâu, nhưng cái cách kêu tên bình dị ấy còn được giữ làm tên đất.

Nếu không tính thời người dân Việt từ Ngũ Quảng vào miền Nam mở đất, do đã quá xa xưa, thì người Quảng hội tụ về vùng Bảy Hiền vào khoảng thập niên 1960 của thế kỉ trước. Họ là cư dân của các vùng Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam, vào Sài Gòn, đem theo nghề dệt truyền thống. Làng dệt Bảy Hiền hình thành từ đó, về sau phát triển mạnh, trở thành một trong những chỗ cung cấp vải vóc chính cho thành phố Sài Gòn. Vùng Bảy Hiền từ một chốn đất rộng người thưa, dần trở nên nhộn nhịp, đông đúc. Người dân từ xứ Quảng, mà nhiều nhất là gốc Quảng Nam, theo đó đổ về đây lập nghiệp, tạo thành một cộng đồng gốc Quảng lớn nhất Sài Gòn, mà có lẽ cũng lớn nhất Việt Nam, nếu không tính xứ Quảng.

 

Ngoài nghề dệt, những con người đất Quảng còn đem tới Bảy Hiền các đặc sản văn hóa của quê mình. Ẩm thực là một điểm mạnh, các tiệm bê thui, mì Quảng mọc lên ngày một nhiều, cạnh tranh nhau về chất lượng. Cho tới nay, tuy mì Quảng đã phổ biến khắp Sài Gòn, nhưng nói ăn mì Quảng người ta vẫn nghĩ tới các tiệm mì Quảng ở khu Bảy Hiền, vì cho rằng mì Quảng ở đây đạt chuẩn, đúng hương vị Quảng nhất. Năm 1967, chợ Bà Hoa thành lập ở trung tâm làng dệt Bảy Hiền, người Quảng nhanh chóng biến chợ này thành một ngôi chợ Quảng Nam, với đầy đủ các đặc sản chính gốc Quảng: bánh tổ, bánh in, bánh đập, kẹo mạch nha, đường phổi, mắm cái, mắm dưa, cá chuồn, dầu phộng, tương ớt Hội An… Chợ Bà Hoa, nhờ giữ phong độ gốc Quảng ấy, cho tới nay đã trở thành điểm mua sắm, tham quan độc đáo của thành phố.

Ngoài văn hóa ẩm thực, các phong tục tập quán của xứ Quảng cũng được cư dân Bảy Hiền gìn giữ và phát huy, tạo thành những điểm nhấn đặc sắc trong một cộng đồng đa văn hóa của thành phố. Tục cúng xóm đầu năm là một ví dụ. Sau tết Nguyên đán, từ ngày mùng 8 tới 12 tháng Giêng, cư dân khu Bảy Hiền cùng đóng góp để làm lễ cúng xóm, với đầy đủ nghi thức trang nghiêm. Bàn cúng được bày ở ngay trên đường, với nhang đèn, cờ hoa, chiêng trống, người làm lễ mặc khăn đóng áo dài truyền thống. Sau lễ, bà con hội tụ với nhau ăn uống liên hoan vui vẻ, thân tình, làm gắn kết thêm tình cảm xóm giềng, mà cũng để chung tay xí xóa những chuyện xích mích lớn nhỏ trong năm cũ. Những sinh hoạt cộng đồng dân gian ấm áp tình làng xóm thế này, thật là hiếm thấy ở giữa Sài thành, nơi nổi tiếng thân thiện, nhưng hầu như nhà nào lo phần nhà nấy.

Bên cạnh các sự kiện lễ cúng, Bảy Hiền còn là nơi để đến tham gia các hoạt động văn nghệ, giải trí dân gian, như hát tuồng, bài chòi. Hấp dẫn nhất trong những ngày tết, đối với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, là lễ hội Bài chòi, thường được tổ chức tại trung tâm văn hóa phường 11. Đây là một trò chơi đậm chất nghệ thuật dân gian của xứ Quảng, người chơi vừa tham gia chơi, vừa được thưởng thức văn nghệ qua những câu hô bài chòi duyên dáng mà hài hước.

Nói đến các đặc sản của xứ Quảng, rồi thì không thể không nói đến giọng Quảng. Người Quảng hiểu rõ sự độc đáo trong chất giọng địa phương của mình, nên cho dẫu tha phương cầu thực, vẫn giữ cho mình cái vốn giọng Quảng đặc trưng, để tự hào về nguồn gốc, mà cũng để nhận đồng hương. Người dân Bảy Hiền, khi giao tiếp với người vùng khác thì tùy cơ ứng biến, nhưng khi nói chuyện với người dân “quê ta”, vẫn dùng giọng Quảng đặc sệt. Đến chợ Bà Hoa, ngoài thưởng thức bê thui, lòng xào nghệ, bánh đập, mì quảng, thì còn được thưởng thức giọng Quảng hiền lành, mộc mạc, không khác gì lạc vào một chợ Quảng Nam cách Sài Gòn gần một ngàn cây số.

Sài Gòn đất lành chim đậu, chuyện người miền trung, miền bắc vào đây sinh cơ lập nghiệp không phải chuyện lạ, nhưng có được một cộng đồng lớn và nhiều ảnh hưởng mà vẫn giữ lại những bản sắc quê hương như ở khu Bảy Hiền, có thể coi là một kì tích. Theo một thống kê, thì cư dân Bảy Hiền có tới 90% là người gốc Quảng, tập trung đông nhất ở các phường 11, 12, 13 của quận Tân Bình. Với đầy đủ các yếu tố về văn hóa, cư dân, ngôn ngữ, nói khu Bảy Hiền là một Quảng Nam thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn, không còn là một cách nói ví von bay bổng nữa.

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

BA NGÔI CHỢ HOA NHỘN NHỊP NHẤT SÀI GÒN

Sài Gòn cũng là thành phố hoa, “thành phố mười mùa hoa” như cái biệt danh ai đó đã đặt. Hoa Sài Gòn không lang thang lắc rắc ngẫu nhiên như ở Đà Lạt, không mang nhiệm vụ báo hiệu mùa màng như những bông hoa ven hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, hoa Sài Gòn có một cách khoe sắc độc đáo và tất nhiên cũng rất Sài Gòn, đó là khoe sắc ở những chợ hoa.

Cả thành phố có 3 chợ hoa lớn: chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ hoa Đầm Sen và chợ hoa Hậu Giang. Gọi chợ hoa là một cách gọi, có người thích gọi rừng hoa, để cho nó tương phản với cảnh nhà phố bao quanh, và cũng để phân biệt với rất nhiều chợ hoa nhỏ lẻ khác. Chợ hoa Sài Gòn nên cũng mang đặc tính của Sài Gòn: không bao giờ ngủ. Thậm chí, các chợ hoa này còn chơi trội, chỉ thực sự nhộn nhịp vào khoảng nửa đêm về sáng.

Hoa tươi được bó sẵn ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Ảnh Hữu Khoa

Được dân tình biết đến nhiều nhất trong ba chợ trên, có lẽ là chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Nằm trong khu chung cư Lê Hồng Phong, quận 10, hòa chung với nhịp sinh hoạt kinh doanh của các hộ dân chung quanh, nhưng nét đặc trưng của một chợ hoa không hề bị hạn chế, mà ngược lại, chợ hoa Hồ Thị Kỷ trở nên một điểm nhấn, khổng lồ và đầy cuốn hút. Chợ hoa hay rừng hoa, phố hoa, tùy cách cảm nhận, với lối đi hẹp, những ngõ quẹo ngẫu nhiên, trong một khu vực rộng lớn, và đầy ắp hoa, khiến cho những kẻ yêu hoa, say đắm với những công trình muôn màu muôn hương của tạo hóa đã có lúc không tìm thấy lối ra khỏi chợ.

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ có từ khoảng thập niên 80 của thế kỉ trước, không biết buổi đầu ra sao, nhưng những câu chuyện về chợ hoa Hồ Thị Kỷ lâu nay, thì luôn tràn ngập hoa với hoa. Chợ hoa sôi động ngày đêm, chỉ đến tầm 11 giờ tối, mới hơi vắng một chút, các chủ sạp cũng chọn giờ này để ngủ, chuẩn bị cho những chuyến hàng nườm nượp vào lúc 2-3 giờ sáng. Khoảng thời gian này, chợ tỉnh táo hơn đâu hết, với mùi hoa tươi sực nức, với những chuyến hàng hoa ngồn ngộn, những bông hoa còn vương mùi các vùng đất khác, từ Đà Lạt, Hà Nội, các tỉnh miền Tây.

Trong khi chợ hoa Hồ Thị Kỷ sung túc cả ngày đêm, hai chợ hoa lớn còn lại là chợ hoa Đầm Sen và chợ hoa Hậu Giang chỉ thực sự hoạt động khi thành phố lên đèn. Ban ngày, hai chợ hoa này gần như bị bỏ hoang, nhà lồng trống trải, với lác đác vài giỏ hoa chưa kịp đẩy đi. Nhưng cũng hai nơi này, càng về đêm, quang cảnh càng trái ngược với lúc ban ngày.

Chợ hoa Đầm Sen hoạt động sôi nổi về đêm, tại đây chủ yếu bán hoa từ Đà Lạt

Chợ hoa Đầm Sen ở số 39 đường Nguyễn Văn Phú, gần công viên Đầm Sen. Chợ này mới thành lập vào năm 2000, nên có dáng hiện đại và công nghiệp hơn chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Vẫn là một thiên đường hoa lộng lẫy, nhưng thiên đường ấy đã được sắp đặt bởi con người, với hai dãy sạp hoa thản nhiên ngay ngắn đứng chừa một lối rộng rãi cho khách cỡi ngựa xem hoa. Chợ hoa Đầm Sen có quy mô lớn, với khoảng 60 sạp hoa trong nhà lồng, chưa kể những cửa hàng quanh nhà lồng. Điểm hấp dẫn của chợ hoa Đầm Sen không nằm ở diện mạo chung, mà nằm ở từng đóa hoa. Trong hàng trăm chủng loại hoa được bày bán nơi đây, có những giống hoa lạ, quý hiếm, nhiều loại có gốc gác nước ngoài, được trồng theo công nghệ hiện đại, như hoa Tu Líp, Thiên Điểu, Thủy Tiên…Dưới sự tỏa sáng của những bóng đèn lắp đầy trong chợ, những bông hoa càng thêm lung linh, huyền ảo, tỏ ra đầy mời mọc đối với những ai có lòng đam mê hoa độc.

Chợ hoa còn lại mang tên Hậu Giang, nằm ở chân cầu Hậu Giang, trên đường Hậu Giang, quận 6. Cũng như chợ hoa Đầm Sen, chợ hoa Hậu Giang là một nhà lồng lớn với các sạp hoa dựng hai bên một lối đi. Và chợ hoa Hậu Giang cũng là một chợ tối nở sớm tàn, phải tầm khuya cho tới rạng sáng, chợ hoa mới thực sự hoạt động. Chợ hoa Hậu Giang lúc này là một không gian tràn ngập hoa, nhiều nhất là hoa cúc và hoa hồng. Hoa hồng chủ yếu nhập từ Đà Lạt, với đầy đủ các màu đỏ, hồng, vàng, trắng, mỗi màu một vẻ, mang những ý nghĩa riêng.

Ba chợ hoa kể trên, đều là chợ đầu mối, có thế mạnh bán sỉ. Riêng ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ việc bán lẻ có mạnh hơn hai chợ còn lại, với sự tiếp sức của hàng chục cửa hàng trang trí, kết hoa quanh chợ chính, cho nên trong khi giới thương lái thích cái ngay ngắn, thông thoáng, thuận tiện của chợ hoa Đầm Sen và Hậu Giang, thì người mua lẻ thường chọn chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Mua lẻ hoa ở các chợ này là sở thích của nhiều người, vì ngoài việc được lựa chọn ngắm nghía thỏa thuê, tùy hứng, thì còn được mua hoa với giá rất rẻ, vì người bán hầu như không thèm nói thách. Vào các ngày lễ tết, vào chợ hoa phải chen chân vì dân tình kéo đến đông nghịt, lễ tết chưa kịp diễn ra, thì đã được thưởng thức không khí đông đúc như lễ hội ở các chợ hoa.

Rừng hoa giữa phố, nở rộ về đêm, như một đặc sản quanh năm suốt tháng của Sài Gòn. Qua những đêm rộn ràng mua bán, hoa từ các chợ Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen, Hậu Giang, sau đó giàn trải khắp các chợ nhỏ, các cửa hàng bán lẻ trên toàn thành phố, chưa kể ở các tỉnh thành khác. Đến tay người mua lẻ, những bông hoa lại trở thành món đồ trang trí, hay món quà tặng ấm áp, ý nghĩa. Những đóa hoa tô điểm cho diện mạo phố phường, nhà cửa, mà cũng làm đẹp lòng những người nhận được nó.

 Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Chợ lá dong Ngã ba Ông Tạ

Như tên gọi, chợ nằm ở ngay ngã ba ông Tạ, tức là chợ chồm hổm, chợ trời.
Đây là chợ bán Lá Dong lớn nhất Sài Gòn và chỉ tồn tại từ khoảng giữa tháng Chạp cho tới thật gần ngày Tết. Vào những ngày này, một đoạn đường Cách mạng tháng Tám chỗ giao cắt với Phạm Văn Hai lại được khoác lên một màu xanh mướt mắt của lá dong, xen kẽ với những bó lạc trắng nõn nà. Người ta phải thích thú với điều này, vì trải qua mấy chục lần họp chợ, nghĩa là mấy chục năm qua, chợ đã trở thành một dấu hiệu dễ hiểu nhất của Tết. Sâu xa hơn nữa, chợ còn là bằng chứng cho sự tồn tại của tục gói bánh chưng, bánh tét ở Sài Gòn, ở đây nhấn mạnh chữ “gói”, nghĩa là tự làm lấy, chớ không phải đi mua.

Không thể chấp nhận được nếu Tết Việt Nam mà không có bánh chưng, bánh Tét. Bánh chưng được cho là món quà của Lang Liêu tặng cho dân tộc, không biết ở thời Vua Hùng nó được gói bằng gì, nhưng trong những thứ lịch sử ta nhìn thấy được, thì nó được gói bằng lá dong. Vô miền Trung, miền Nam, bánh chưng có bạn đồng hành là bánh Tét, và thường gói bằng lá chuối, có lẽ vì dễ tìm hơn. Nhưng lá chuối, muôn đời chỉ là phương án hai, dùng tạm khi không có lá dong. Người miền Nam tính khí dễ dãi, có lẽ đã chấp nhận dùng tạm trong một thời gian rất dài, mãi cho tới khi người miền Bắc vô Nam trong thập niên 1950, tập trung ở khu vực chợ ông Tạ.

Người Bắc kỹ tính, thịt chó phải ăn với củ riềng, thuốc lào phải hãm bằng trà Thái Nguyên, thì bánh chưng phải gói bằng lá dong. Theo truyền miệng, và có lẽ là đúng, thì chợ lá dong ông Tạ xuất hiện ở Sài Gòn cùng lúc với sự định cư của những người gốc Bắc.

May mắn cho người gốc Bắc và cho cả bánh chưng, vì lá dong trồng tốt ở Nam bộ. Lá dong bán ở chợ ông Tạ không phải là thứ lá dong tha phương, mà được hái ngay tại Sài Gòn, đó là lá dong Bà Điểm, nhích ra một chút thì có lá dong Phương Lâm, lá dong Long Khánh, lá dong Gia Kiệm ở tỉnh bạn Đồng Nai. Chỉ nhích ra một chút, vậy mà đã có sự phân chia giai cấp rõ ràng: lá dong Bà Điểm được ưa chuộng hơn, vì lá mềm, giữ màu xanh tốt sau khi luộc chín, các loại lá ở Đồng Nai cứng, đậm màu, sau khi luộc không được tươi tắn, nên người ta không mê bằng. Giá cả của từng loại cũng được định đoạt theo tiêu chí đó. Lá dong Bà Điểm vốn cao giá nhất, mỗi năm giá lại càng lên cao, phần là bởi miền đất Mười tám thôn Vườn Trầu đang đô thị hóa rất nhanh, đất trồng lá, dù là lá trầu hay lá dong, cũng dần dần khan hiếm.

Giá cao thì mặc giá cao, có người làm bộ nhăn mặt trả giá, nhưng trong lòng luôn sẵn sàng đầu hàng người bán, vì mỗi năm chỉ có một lần và mỗi đời chỉ có vài chục lần thôi. Có khi chưa tới vài chục lần, vì biết đâu mai đây thôi, phố phường nhiều chiều vắng quê hương, đất trồng lá đi vào sách đỏ.

Chợ lá dong ông Tạ, vì nhu cầu, vì tình cảm, vì ý thức của người mua, nên nó luôn hút hàng. Chợ họp từ giữa tháng Chạp, ban đầu lác đác vài người ngắm nghía, hỏi han, rồi mỗi ngày mỗi đông khách, cho tới sau ngày tiễn ông Táo, thì người mua đã nhiều hơn người ngó, tới những ngày cuối cùng, chỉ còn lá xấu, lá nhỏ, lá bị chê, được bán với giá thanh lý, thì lại xuất hiện lứa khách hàng khác, những người dễ tính hoặc tiết kiệm. Nói chung là chợ luôn luôn nhộn nhịp, luôn luôn Tết.

Lá dong được bán theo bó, mỗi bó được tính theo số lượng lá. Mỗi sạp lưu động như vậy, phải có tới vài ngàn lá. Bán kèm với lá dong là lạc, thường được chẻ sẵn thành cọng, bó thành từng bó. Tuy hình bóng của bó lạc nhỏ nhoi, không được nêu trong tên chợ, nhưng xét cho kỹ thì lạc cũng là một thành phần tối quan trọng. Không cần nói nhiều về ưu điểm của việc gói bánh bằng lạc, chỉ cần nghĩ tới một cái bánh chưng, dù gói bằng lá dong hảo hạng vài trăm ngàn một bó đi nữa, mà được buộc bằng dây nilon, ta đã cảm thấy có gì đó thất lễ.

Và như thế, chợ sống vui từng ngày, từng tháng, từng thế kỷ…

Chợ lá dong ông Tạ, chợ lá dong ông Tạ, chợ lá dong ông Tạ, người Sài Gòn sẽ nhắc nhau nhớ mãi cái tên hơi bị khúc khuỷu này. Cũng như nhắc nhau về cội nguồn dân tộc, về bản sắc dân tộc, về tinh hoa dân tộc, những thứ dễ dàng lẩn trốn trước vẻ hào nhoáng của các vấn đề trong thời công nghiệp, thời hội nhập. Nhắc để làm, để giữ, nhưng cũng để một khi không giữ được, không làm được, thì cũng còn một chút gì để nhớ, để thương.

Nhưng khoan hãy lan man chóng mặt, ta hãy ghé chợ trời lá dong ở ngã ba ông Tạ một lần, vào một dịp xuân thì, để mua, để thấy, để sờ, để cảm nhận, sướng trước đã tính sau.

 Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Những món ăn đã và đang bị cấm trên thế giới

Ngoài pho mát Casu Marzu, trứng cá muối Beluga, chim sẻ rừng, một số loại thực phẩm vì nhiều lý do đã bị cấm ở nhiều quốc gia.
Sữa thô
Trong các loại thực phẩm có chứa nguy cơ ngộ độc, sữa thô là loại thực phẩm nguy hiểm nhất
Sữa được vắt trực tiếp từ động vật cho sữa như bò, dê, cừu… chưa qua giai đoạn tiệt trùng, được các nhà nghiên cứu khẳng định là chứa nhiều vi khuẩn, vi trùng, ký sinh trùng gây hại, có thể gây nên các bệnh về dạ dày, đường ruột. Trong các loại thực phẩm có chứa nguy cơ ngộ độc, sữa thô là loại thực phẩm nguy hiểm nhất, được Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) khẳng định là có khả năng gây bệnh cao hơn 150 lần so với sữa đã tiệt trùng. Đó là lý do vì sao loại sữa này bị cấm ở nhiều quốc gia mà Mỹ là một thí dụ.
Cá nóc
Cá nóc chứa một chuỗi chất cực độc có thể gây chết người
Fugu Sushi là một món ăn truyền thống của Nhật Bản. Theo thống kê, ở đất nước này có đến 1500 tiệm Restaurants Fugu Sushi chuyên bán cá nóc phục vụ cho 26 triệu dân ở Tokyo và các vùng lân cận. Món ăn này được làm từ cá nóc sống và rất được người Nhật ưa thích. Tuy nhiên, chỉ những đầu bếp có bằng cấp chuyên nghiệp mới biết cách làm thịt cá nóc. Mặc dù có hương vị rất ngon, nhưng loại cá này lại chứa một chuỗi chất cực độc có thể gây chết người mà chỉ những người làm bếp có kinh nghiệm mới biết cách loại bỏ. Không ai muốn thử thách với sự sống quý giá. Và kết quả là cá nóc bị cấm gần như ở tất cả mọi quốc gia trên thế giới.
Absinthe
Absinthe còn có tên gọi khác là “Nàng tiên xanh” – Thức uống ưa thích của nhiều danh nhân
Loại đồ uống làm từ thảo mộc, thành phần chính là cây khổ ngải, một chi họ ngải cứu – Absinthe là thức uống ưa thích của nhiều người nổi tiếng. Chính tác dụng gây ảo giác khiến thức uống này có thời gian bị cấm tại nhiều quốc gia do bị cho rằng nguy hại tới thần kinh của con người, bao gồm Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ…. Hiện tại, sau khi được “giải oan”, Absinthe đã được “phục hưng” nhưng do định kiến trong lịch sử, thức uống này vẫn bị dè chừng ở một số quốc gia.
Măng cụt
Chính phủ Mỹ từng lo ngại măng cụt sẽ mang mầm mống ruồi giấm xâm nhập đất nước
Mỹ đã ra lệnh cấm nhập khẩu măng cụt từ Nam Á, do lo sợ loại trái cây ngọt ngào này sẽ mang mầm mống ruồi giấm xâm nhập đất nước. Tuy nhiên, lệnh cấm này cũng đã được dỡ bỏ vào năm 2007, với điều kiện măng cụt sẽ được chiếu xạ loại bỏ hoàn toàn trứng và ấu trùng côn trùng, trước khi mang vào nội địa Mỹ.
Gan ngỗng
Tổ chức bảo vệ động vật PETA kêu gọi ngừng sử dụng gan ngỗng
Đi liền với giá cả đắt đỏ, Foie Gras hay còn gọi là gan ngỗng là niềm tự hào của ẩm thực nước Pháp. Tuy nhiên, vì lý do nhân đạo và lời kêu gọi của tổ chức bảo vệ động vật PETA , nhiều quốc gia đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu gan ngỗng cũng như các món ăn từ gan ngỗng. Nguyên do cụ thể là việc đối xử thậm tệ với loài vật này, khi ép buộc chúng theo một thực đơn làm gan nhiễm mỡ, để trở thành một loại bơ đặc biệt. Bắt đầu từ nước Mỹ, hiện tại, gan ngỗng không còn được xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Chocolate hình quả trứng Kinder 
Chocolate hình quả trứng Kinder tưởng chừng vô hại cũng đã bị cấm tại Mỹ
Việc chocolate hình quả trứng Kinder lọt vào danh sách những thực phẩm bị cấm ở Mỹ quả thực là điều đáng ngạc nhiên. Nguyên nhân bị cấm là do chính phủ Mỹ lo ngại loại chocolate có chứa sữa tươi cao cấp đầy quyến rũ này có thể gây nguy hiểm cho trẻ em trong khi ăn, cụ thể là có thể gây nghẹn, nghẹt thở do ăn quá vội vã, ham mê hoặc thiếu kiểm soát.
Súp vây cá mập
Luật bảo tồn nước Mỹ đã lên tiếng về lệnh cấm món súp vây cá mập
Món ăn bắt nguồn từ Trung Quốc bị cấm ở hàng loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ như Malaysia, Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan… vì lý do nhân đạo, bảo vệ loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở đại dương. Mỹ đã cấm đánh bắt cá mập để lấy vây trong lãnh hải nước này từ năm 2000. Luật bảo tồn nước này cũng lên tiếng về lệnh cấm món súp vây cá mập. Năm ngoái, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama ghé qua một nhà hàng người Hoa đã dấy lên một cuộc tranh luận, vì thực đơn của nhà hàng này có món súp vây cá mập.
Haggis
Món ăn quốc hồn quốc túy của Scotland bị cấm tại Mỹ
Haggis là một món ăn truyền thống của Scotland, được làm từ phổi, tim, gan cừu băm nhỏ trộn gia vị nhồi vào bao tử cừu, dùng chỉ khâu lại rồi luộc chín. Ở Scotland, món này được xem là một trong những quốc hồn quốc túy. Tuy nhiên, ở Mỹ, một trong những thành phần chính của Haggis – Phổi cừu hoàn toàn bị cấm.
Libero (vietvanhoa)

Những món bánh truyền thống ngon của miền Bắc

Bánh cuốn:

Bánh cuốn được làm rất công phu. Bột làm bánh phải làm từ thứ gạo ngon, được xay thật nhuyễn thì bánh mới không nồng, sắc bánh mới trắng.

Nồi tráng bánh phải rửa thật sạch, thường giống như chiếc nồi đồ xôi, bên dưới đựng nước, bên trên để tráng bánh. Tráng bánh phải mỏng như tờ giấy, mướt như mạ non, mỡ thoa phải đều tay cho mướt mặt bánh để khi nếm vào thì thanh nhẹ, mát rượi. Phết nhân bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo sao cho bánh không thô, nhân đều từng cái.

Sau khi xếp lần lượt hết vào đĩa, một ít ruốc tôm sẽ được rắc lên trên các miếng bánh cuốn và trên cùng điểm vài cọng rau thơm như rau bạc hà, rau mùi…

Nước chấm được pha đủ vị chua, cay, ngọt… (có pha thêm chút nước sôi nên bao giờ cũng nóng). Chả ăn kèm với bánh cuốn cũng có vị rất đặc biệt, không giống với bất kỳ loại chả phổ thông nào bày bán ngoài thị trường, bởi nó vừa beo béo, vừa giòn, ngọn lịm, lại thơm phưng phức. Khi ăn bánh cuốn sẽ kèm theo 1 đĩa nhỏ rau thơm bày ra bàn ăn.

Bánh cuốn Thanh Trì

Bánh cuốn Thanh Trì được làm từ gạo gié cánh, tám thơm, tráng mỏng như tờ giấy. Món ăn ấy đã trở thành đặc sản được yêu thích nhất của vùng ngoại thành này.

Gọi là bánh cuốn mà chẳng cuốn thứ gì hết, ấy là bánh cuốn Thanh Trì. Đó chỉ thuần là những lá bánh được tráng mỏng như tờ giấy, mướt như mạ non, xếp gọn gàng ngay ngắn từng lớp từng lớp trong lòng một chiếc thúng, trên phủ tờ lá sen hay lá chuối, lá dong. Bánh cuốn Thanh Trì không bao giờ nằm tòng teng trên hai đầu quang gánh. Người bán luôn đội thúng bánh trên đầu, ve vẩy đôi tay mà đi khắp ba mươi sáu phố phường Hà Nội.

Bánh tẻ Phú Nhi

Bánh tẻ có nơi còn gọi là bánh răng bừa, là thứ bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng, ít nhiều khác nhau. Có thể kể ra một số loại bánh tẻ nổi tiếng như bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh), bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Tây), bánh tẻ ở Văn Giang, Hưng Yên (hay còn gọi là bánh răng bừa), bánh lá ở Khoái Châu, Hưng Yên. Ở Mỹ Đức, Hà Tây cũng có bánh tẻ nhưng ít nổi tiếng hơn.

Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gói bằng lá dong hay lá chuối và được luộc cho chín. Bánh tẻ chấm với nước mắm rắc hạt tiêu xay hoặc chấm với tương. Ở một số nơi thực khách còn dùng thêm món chả gà và một ít dầu cà cuống cho vào nước mắm để tăng thêm hương vị của món bánh.

Bánh Gio

Có nơi còn gọi là bánh Gio, thứ bánh làm bằng gạo nếp gói lá dong, có màu vàng trong suốt như hổ phách, ăn thấy mát và dẻo. Muốn làm loại bánh này phải lựa loại gạo nếp ngon, nhặt hết các hạt tẻ lẫn trong gạo rồi để ráo. Điều thiết yếu nhất trong bánh này là gạo phải ngâm với nước gio mới thành bánh gio được.

Gạo nếp ngâm với nước gio qua một đêm vớt ra để ráo rồi gói lại bằng lá dong non đã luộc chín. Có thể gói thành bánh dài, ghép hai mép lá với nhau rồi gấp hai đầu lại buộc lạt cho vào nồi luộc chín.

Bánh gio thơm, thoang thoảng mùi vôi, vị ngọt thanh và mát. Ngoài bánh gio ở Phủ Từ còn có bánh gio Yên Thái cũng là những nơi có tiếng làm bánh gio ngon nhất đất kinh thành xưa.

Ngày nay bạn có thể qua chợ Hôm Đức Viên, cổng ra phía phố Huế có bày bán rất nhiều thứ bánh dân dã này. Và ở đây bạn sẽ được thưởng thức vị ngọt mát của mật mía.

Bánh đúc

Chỉ cần một lần được thưởng thức là đã biết bánh đúc có phong vị đặc trưng rất riêng rồi. Cái vị ngon của bất cứ loại bánh đúc lạc hay bánh đúc dừa, bánh đúc chay, bánh đúc om chua, bánh đúc sốt cũng đều phải khởi đầu là thứ bột xay thật nhuyễn, nước vôi gia vừa tay, bánh khuấy thật kỹ để nguội ăn không bị nồng và bẻ ra từng tấm bánh thì giòn dai mà không cứng.

Bánh đúc khuấy khéo ăn trơn tuột, khi nhai thấy thơm ngát, thi thoảng sậm sựt một vài sợi dừa bùi hoặc miếng lạc. Muốn cho đậm đà thì chấm bánh đúc với muối vừng hay nước tương cũng rất thi vị.

Bánh gai

Bánh gai là một loại bánh ngọt truyền thống của miền Bắc, bắt nguồn từ vùng Đồng bằng Bắc bộ ở Việt Nam. Vỏ bánh làm bằng gạo nếp xay mịn cán mỏng rồi cắt thành từng mảng vuông đều nhau và đặt nhân vào giữa mảng bột, vo lại bao kín lấy nhân. Sau đó lăn lên lớp vừng rang đã xát vỏ rắc sẵn trên măt mâm. Lăn vừng xong là gói bánh. Bánh có dạng hình vuông, màu đen, gói trong lá gai xám.

Khi ăn bánh gai có vị ngot hao hao của mùi bánh dẻo mềm kết hợp với vị ngọt mát của nhân đỗ xanh đồ chín giã nhuyễn nấu với đường ính. Ngoài ra còn có vị bùi béo của cùi dừa nạo nhỏ nhai giòn và mét bí vụn cùng với mứt sen bở tan trong vị ngọt thơm cùng với vị béo ngây của miếng mỡ thái vuông nhỏ hạt lựu có pha thoang thoảng mùi thơm dầu chuối khiến cho người thưởng thức đã ăn một lại muốn ăn thêm hai.

Bánh khúc

Bánh khúc hay còn gọi là xôi khúc là loại bánh có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, đươc làm từ lá rau khúc, gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt lợn mỡ. Bánh thường ngon nhất là làm vào mùa có rau khúc – dịp tháng 2, tháng 3 Âm lịch.

Ở Hà Nội, bánh thường được rao bán vào các buổi tối, người bán (thường là nam) đội thúng bánh trên đầu đi dọc các phố và rao “Khúc đê…” với một âm điệu rất đặc biệt.

Nguyên liệu chủ đạo làm nên hương vị đặc trưng của món bánh này là lá khúc. Lá khúc tươi non được hái từ buổi sớm rồi giã nhuyễn trộn với bột gạo để làm vỏ bánh. Vào mùa không có rau khúc, có người dùng lá su hào để thay lá khúc, nhưng bánh làm từ lá su hào không thể có được hương thơm đặc trưng của bánh làm từ lá khúc.

Nhân bánh được làm từ đậu xanh bỏ vỏ, ngâm nước cho bở, đồ chín tới, giã thật mịn, viên lại bằng quả trứng gà cùng với thịt ba chỉ thái hạt lựu, rắc thêm chút hạt tiêu cho dậy mùi.

Bánh trôi, bánh chay

Bánh trôi – bánh chay, xuất phát từ bánh Trung Quốc [1] là hai loại bánh cổ truyền tại miền Bắc Việt Nam. Hai loại bánh này thường đi liền với nhau, phổ biến nhất trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, còn gọi là “ngày bánh trôi bánh chay”.

Nhưng riêng ở Hà Nội thì “tục” đó đã kéo dài trong suốt một năm bởi bánh trôi bánh chay đã liệt vào hạng quà ở Hà Nội. Người Hà Nội ăn thứ bánh này vào bất kỳ lúc nào trong ngày cũng được. Nhìn viên bánh trôi trắng muốt xếp hàng liền nhau trên chiếc đĩa con con phảng phất mùi nước hoa bưởi làm dậy lên sự ham muốn được thưởng thức thứ bánh ngon, ngọt, mềm dẻo này.

Bánh cốm

Bánh cốm là một trong những đặc sản Hà Nội. Trước năm 1945 đã có nhiều nhà làm bánh cốm nhưng giới sành ăn thường kém bánh cốm Nguyên Ninh.

Bánh cốm Nguyên Ninh được kén từ nguyên liệu cốm đặc biệt của làng Vòng. Nên khi đã mua được cốm rồi thì đem giã cốm cho nhuyễn, hồ nước lá riềng, lá mây cho có màu xanh lá mạ rồi đem xào với đường trắng. Nhân bánh làm từ đậu xanh đồ chín giã nhuyễn điểm thêm những sợi dừa tươi trắng muốt nên khi ăn bánh có vị ngọt đậm lại có vị bùi ngây của dừa và thoang thoảng mùi thơm quyến rũ của vị cốm non.

Bánh dày Quán Gánh

Bánh dày Quán Gánh đã từ lâu nổi tiếng ngon thơm, mềm dẻo, có màu sắc hương vị rất riêng. Tấm bánh hinh tròn và dẹt chỉ to bằng một khoanh cam. Vỏ bánh dày làm từ gạo nếp cái giã mịn, mượt mà, giữa ở mờ mờ nổi lên màu vàng nhạt của nhân đậu xanh. Mỗi chiếc bánh đều có một vòng lá chuối tươi xanh mướt nhẵn bóng lót dưới. Mỗi lần bóc lá bánh ta đều phải nhẹ nhang, tước lần lượt từng mảnh nhỏ để cho bánh khỏi dính.

18 THỰC PHẨM TỐT NHẤT CHO GAN

Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể có vai trò chuyển hóa chất, vô hiệu hóa độc chất đi vào đường tiêu hóa, giải độc và thải trừ chất cặn bã do cơ thể tạo nên. Để bảo vệ gan đúng cách, bên cạnh việc tuân theo những phương thuốc của bác sĩ, thì việc cải thiện chế độ ăn uống hàng ngày bằng cách bổ sung những thực phẩm tốt cho gan.

Các thực phẩm tốt cho gan bao gồm hai nhóm chính, nhóm thứ nhất là nhóm thực phẩm thúc đẩy các tiến trình loại bỏ độc tố của gan, và nhóm thứ hai là nhóm chứa các chất chống oxy hóa cao, có khả năng bảo vệ gan trong tiến trình loại bỏ độc tố thâm nhập. Các thực phẩm dưới đây được cho là những thực phẩm rất tốt đối với gan:
1. Tỏi
Chỉ cần một nhánh tỏi trắng mỗi ngày có thể kích hoạt enzyme của gan. Enzyme này giúp cơ thể tăng cường thải độc tố. Tỏi cũng chứa hàm lượng cao allicin và selenium, hai hợp chất tự nhiên hỗ trợ trong giải độc gan.
2. Bưởi
Chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, bưởi giúp tăng quá trình thanh lọc chất độc của gan. Một ly nhỏ nước ép bưởi tươi giúp đẩy mạnh quá trình tạo thành các enzyme giải độc gan và đào thải những chất gây ung thư và độc tố khác.
3. Củ cải đường và cà rốtCả hai loại rau củ trên đều chứa hàm lượng cao flavonoid thực vật và beta-carotene, do đó nói chung củ cải đường và cà rốt giúp kích thích và cải thiện chức năng gan.

4. Trà xanh

Trà xanh là nước uống phổ biến chứa nhiều chất chống oxy hóa như catechins, đây cũng là chất có tác dụng hỗ trợ chức năng gan

5. Các loại rau lá xanh

Rau lá xanh là một trong những loại thực phẩm có khả năng giải độc gan. Loại rau này có thể ăn sống hoặc nấu chín hoặc ép nước uống. Với hàm lượng cao chlorophylls có thể trung hòa kim loại nặng, hóa chất, thuốc trừ sâu, các loại thực phẩm độc, lá xanh có khả năng loại bỏ chất độc trong máu, bảo vệ chức năng gan.

6. Bơ

Đây là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng giúp cơ thể sản xuất nhiều glutathione. Glutathione là chất cần thiết trong quá trình chuyển hóa các độc tố trong cơ thể. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra nếu thường xuyên ăn bơ sẽ giúp cải thiện chức năng gan.

7. Táo

Táo chứa hàm lượng cao pectin giúp làm sạch độc tố trong đường tiêu hóa và hỗ trợ gan trong đào thải chất độc khỏi cơ thể.

8. Dầu oliu

Dầu hữu cơ được ép lạnh từ oliu, cây gai dầu và hạt lanh rất tốt cho gan nếu sử dụng thường xuyên. Dầu oliu cung cấp chất lipid có thể hút được các chất độc hại trong cơ thể. Bằng cách này, dầu oliu giúp giảm bớt gánh nặng cho gan trong việc đào thải độc tố.

9. Toàn bộ ngũ cốc

Ngũ cốc, như gạo nâu, chứa nhiều vitamin B, chất dinh dưỡng tham gia vào quá trình chuyển hóa chất béo của gan và hỗ trợ chức năng gan …

10. Bông cải xanh

Ăn bông cải xanh sẽ làm tăng hàm lượng glucosinolate trong cơ thể, đây là enzyme tự nhiên bổ sung cho enzyme được gan sản xuất. Enzyme tự nhiên giúp tăng đào thải chất độc ra khỏi cơ thể do đó làm giảm các nguy cơ gây ung thư.

11. Chanh

Những trái cây thuộc họ citrus (cam, quýt..) chứa hàm lượng cao vitamin C, đây là chất giúp chuyển hóa các chất độc hại thành dạng dễ tan trong nước và dễ dàng đào thải ra ngoài. Uống nước chanh vắt hoặc ,,, giúp kích thích chức năng gan.

12. Quả óc chó

Quả óc chó chứa hàm lượng cao amin arginine giúp tăng giải độc amoniac. Quả óc chó cũng chứa hàm lượng cao glutathione và acid béo omega 3 giúp hỗ trợ quá trình giải độc gan. Bạn nên nhai kỹ cái hạt (cho đến khi chúng hóa lỏng) trước khi nuốt.

13. Bắp cải

Giống như bông cải xanh và súp lơ, bắp cải cũng kích thích sự kích hoạt của enzyme giải độc gan giúp đào thải độc tố. Hãy ăn nhiều kimchi, xà lách trộn, súp bắp cải và dưa bắp cải.

14. Nghệ

Đây là gia vị “yêu thích” của gan. Hãy thêm nghệ vào trong các món ăn của bạn để tăng cường chức năng gan. Củ nghệ giúp giải độc gan bằng cách hỗ trợ enzyme giải độc gan

Thảo dược làm mát gan
15. Bồ công anh

Theo y học cổ truyền, Bồ công anh có vị đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết tán kết, thông sữa, lợi tiểu, được dùng chữa sưng vú, tắc tia sữa, tiểu tiện khó khăn, mụn nhọt đang sưng mủ, đinh râu, bệnh đau dạ dày, đau gan và ăn uống kém tiêu. Bồ công anh rất tốt cho gan mật nhờ vai trò kiểm soát được lượng mỡ vào cơ thể và tăng cường chức năng thải độc của gan, nhờ vậy nó rất có ích cho các bệnh nhân gan mật.

16. Atisô

Được coi là “thần dược” đối với bệnh gan vì nó làm sạch các độc tố trong gan, bởi gan làm chức năng lọc thải chất độc nên dễ bị nhiễm độc gan. Trà atisô sẽ cải thiện làn da rất nhiều. Nếu bạn uống quen trà atisô sẽ thấy vị của nó khá đậm đà dễ chịu và cũng khá ngon. Atisô làm cho da mịn màng và trở nên tươi sáng hơn do nó có tác dụng làm mát gan, giải nhiệt, thải độc tố, giúp da ít bị mụn và khô ráp.

17. Cao lá của cây cardus marianus chứa chủ yếu là sylimarin, sylibin.
Silymarin là hỗn hợp các flavonolignan được chiết xuất từ cây kế (milk thistle) vốn đã được sử dụng để điều trị các chứng vàng da và rối loạn đường mật. Silymarin có tác dụng ổn định màng tế bào, ngăn cản quá trình xâm nhập của các chất độc vào bên trong tế bào gan, giúp cho tế bào không bị các chất độc xâm nhập và huỷ hoại, do đó nó làm bền vững màng tế bào, duy trì được cấu trúc, chức năng của tế bào.

18. Bồ bồ

Theo y học cổ truyền cây Nhân trần nam còn gọi là Bồ bồ, có tên khoa học là Adenosma Indianum. Loại cây này còn được gọi dưới các tên khác như bồ bồ, nhân trần đực . Bồ bồ có tác dụng làm tăng tiết mật , tác dụng tăng thải độc của gan.

Hồng xiêm rất tốt cho bà bầu

Ngày trời nóng bức thưởng thức hồng xiêm là lựa chọn tuyệt vời giúp chữa bệnh và làm đẹp cho mẹ bầu hiệu quả.

Hồng Xiêm thường được dùng làm một ly sinh tố mát lạnh hay món tráng miệng quen thuộc, với giá trị dinh dưỡng cao mang nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt là các chị em mang bầu tuyệt đối không nên bỏ qua loại quả trời ban này. Đây là một nguồn dưỡng chất cho các chị em dưỡng thai, tăng chỉ số IQ cho con còn giúp bạn làm đẹp da khi mang bầu.

Giá trị dinh dưỡng của hồng xiêm

Hồng xiêm có rất nhiều tên gọi khác nhau tùy theo vùng miền như sapoche, lồng mứt và tên khoa học gọi là Manilkara zapota. Theo Tây y, hồng xiêm là loại quả rất giàu vitamin A, B, C là nguồn cung cấp dồi dào carbohydrates và khoáng chất bao gồm đồng, sắt, magie, kẽm, canxi, natri, kali. Còn theo Đông y, quả hồng xiêm có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ mát, sinh tâm dịch, giải khát, nhuận tràng rất tốt cho sức khỏe của mẹ bầu.

Những công dụng tuyệt vời của quả hồng xiêm

Chống viêm

Quả hồng xiêm mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích sức khỏe, giàu carbohydrate và năng lượng là lựa chọn lý tưởng cho mẹ bầu, loại quả này còn có tác dụng chữa trị ốm nghén với các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn. Ngoài ra, quả hồng xiêm còn giúp chống viêm hiệu quả, ngăn ngừa viêm ruột, viêm dạ dày và hội chứng ruột khích thích. Khi mang bầu không thể tránh khỏi nhức mỏi, đau nhức, co thắt hồng xiêm là liều thuốc quý giúp bạn giảm những triệu chứng này.

Điều trị táo bón

Táo bón thường ghé thăm mẹ bầu vào thời kì mang thai rất khó chịu vì vậy để giải quyết vấn đề này mẹ bầu nên ăn nhiều hồng xiêm loại quả rất giàu chất xơ. Chỉ cần ăn mỗi bữa một quả hồng xiêm hay uống 1 ly sinh tố giúp trị rất nhanh chứng táo bón.

Chữa ho, cảm lạnh

Ho và cảm lạnh thường không thể tránh khỏi vào giai đoạn mang thai vì vậy để ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp giúp loại bỏ chất nhầy và đờm trong mũi mẹ bầu nên ăn hồng xiêm mỗi ngày.

Giảm phù nề

Đây cũng là một loại thuốc lợi tiểu hiệu quả, giúp mẹ bầu loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể bằng cách đi tiểu thường xuyên. Nó cũng giúp duy trì nồng độ nước của cơ thể, ngăn ngừa tình trạng ứ nước trong người dẫn đến bệnh phù thũng. Không chỉ dừng ở đó, quả hồng xiêm còn có thể giúp ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, một trong những bệnh dễ gặp và có thể gây biến chứng nguy hiểm cho mẹ bầu như đẻ non, sảy thai, nhiễm trùng sơ sinh.

Giảm stress

Stress luôn vây bủa các chị em trong thời kì mang thai do những thay đổi về tâm sinh lý khi mang bầu. Để giảm thiểu tình trạng này cho mẹ bầu ăn hồng xiêm làm xoa dịu các dây thần kinh, giảm căng thẳng, giải tỏa stress, giảm mất ngủ lo âu. Ngoài ra, hồng xiêm cũng giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch, giúp cầm máu và ngăn ngừa chảy máu. Chất chống oxy hóa dồi dào trong quả hồng xiêm giúp giải độc cơ thể và tăng cường khả năng miễn dịch.

Làm đẹp

Ngoài những công dụng tuyệt vời dành cho sức khỏe, hồng xiêm còn là loại quả lý tưởng để mẹ bầu làm đẹp. Hồng xiêm góp phần trong việc tái tạo tế bào và thường được sử dụng để trì hoãn các dấu hiệu lão hóa. Các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa dồi dào trong hồng xiêm giúp đem lại sức sống cho da, làm cho làn da mẹ bầu trông trẻ hơn và ngăn ngừa sự xuất hiện của các đốm đen và nếp nhăn trên da.

Xuyến Chi (Phunukieuviet.vn)

NHỮNG MÓN ĂN SẼ KHIẾN BẠN KHÔNG MUỐN RỜI KHỎI MỸ THO

Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang, cách Sài Gòn 70km, là vùng đất có bề dày văn hóa của miền Nam bộ. Nơi đây có những cảnh quan hữu tình, di tích lịch sử, văn hóa nổi bật, cũng như những món ăn độc nhất luôn hấp dẫn khách thập phương.

 

Hủ tiếu Mỹ Tho

Nguyên liệu đầy đủ của một bát gồm thịt lát, thịt băm, xương, gan heo và tôm. Các thành phần phụ là giá sống, hành phi, chanh, ớt và nước tương.

Ảnh: Huấn Phan

Cách ăn truyền thống là chan nước dùng nhưng bạn cũng có thể thử ăn khô. Lúc này, sợi bánh được trộn nước tương, giấm, đường sau đó bỏ thêm hành, tiêu, trứng. Làm như vậy, hương vị thường đậm đà và ngọt hơn hẳn. Một số nơi còn bổ sung thêm tôm thẻ, lòng heo, thịt bò viên.

Hủ tíu sa tế

Hủ tíu sa tế, nghe nói rằng do người Hoa tại Mỹ Tho sáng chế ra, dùng thịt nai (nuôi) hoặc thịt bò với hủ tíu mềm hay dai. Và được người Việt của các vùng miền khắp cả nước chế biến lại với hương vị và khẩu vị đặc trưng riêng theo mỗi vùng miền.



Với hủ tíu sa tế Mỹ Tho, khi mới ăn bạn có cảm giác như vừa nếm món bò kho. Nhưng với rau ăn kèm là vị chua nhẹ của khế, mùi thơm của rau quế, vị chát nhẹ của chuối non, mùi thơm và bùi bùi của đậu phộng cùng với giá, ngò gai và dưa leo, đi kèm thêm miếng thịt bò mềm ngọt, nạm gân dòn dai khi chan với ớt sa tế và tương ngọt thì có cảm giác khác hẳn.Nhưng xem ra, hủ tíu sa tế Mỹ Tho vẫn là một hương vị mới của Mỹ Tho, với nước dùng đỏ màu sa tế mà không cay. Còn muốn ăn cay đã có những hủ ớt sa tế để riêng trên bàn.

Bún gỏi già Mỹ Tho



Nước bún gỏi già chua ngọt thường được ăn kèm với rau muống, rau chuối bào và rau hẹ, thêm vào nước chấm phải là nước cốt mắm cá linh nguyên chất, để tạo ra hương vị thơm ngon đậm mà không cần phải nêm nếm gì thêm.Món bún này cũng tương tự món bún mắm vì có chung nguyên liệu là mắm cá. Bún gỏi già ngon phải nấu chung với me để cho ra nước lèo chua chua ngọt ngọt đặc trưng, ăn chung với tép bạc, tép lột hay tôm sú lột là ngon nhất.

Bánh giá

Bánh giá Mỹ Tho mà người sành ăn hay khen là bánh giá chợ Giồng, Gò Công Tây. Theo lời người dân địa phương, nghề làm bánh giá xuất hiện cùng với quá trình khai hoang lập ấp của người Việt vùng đất này vào thế kỷ XVII.



Để bánh được ngon, giòn, xốp, người làm thường trộn chung bột gạo với bột đậu nành theo tỉ lệ 1:1 và óc heo, rồi đem ủ khoảng 2 – 3 giờ, sau đó mới đem chiên.Nguyên liệu để làm bánh giá – không chỉ có giá (mầm đậu), mà bao gồm thịt heo nạc, tôm đất, giá, nấm rơm, nấm mèo, cải bắc thảo, bột gạo, bột đậu nành, óc heo, dầu thực vật (thay cho mỡ heo).

Khi chiên bánh, người chế biến cho dầu thực vật hoặc mỡ vào chảo, chờ sôi. Kế tiếp, cho các nguyên liệu đã chế biến sẵn vào vá; nhúng vá ấy vào chảo (tôm vào sau cùng), đến khi chiếc bánh có màu vàng sậm là vừa chín tới, để ráo dầu mang ra ăn nóng kèm với rau thơm, mắm tỏi ớt và bún. Tên cũng từ đây: Vá – bánh múc bằng vá, nói trại ra đã thành bánh giá.

Bánh giá Chợ Giồng hiện không chỉ là món ăn bình dân mà còn hiện diện trang trọng trong các bữa tiệc, thể hiện sự khéo léo của phụ nữ vùng Gò Công. Bánh ngon là phải mang vị béo của bột gạo hòa lẫn với vị ngọt của tôm, giá sống, ăn cùng với nước mắm tỏi ớt.

Từ chợ Giồng, bánh giá đã lan ra khắp tỉnh Tiền Giang. Theo vùng miền, khẩu vị, nguyên liệu làm bánh giá ngoài bột gạo, bột năng, óc heo, giá sống thì cầu kỳ hơn sẽ thêm gan heo; còn hỗn hợp bột thì muốn bánh giòn sẽ cho nhiều bột năng, muốn bánh dẻo thì cho nhiều bột gạo.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của người ăn chay, hiện đã có bánh giá chay với giá, đậu hủ xắt mỏng, nấm rơm, nấm mèo… và khi ăn thì thay thế nước mắm bằng nước tương tỏi ớt.

Bánh bèo Mỹ Tho



Mặc dù chỉ là gánh bánh bèo nho nhỏ và thực khách phải ngồi trên những ghế xếp thấp chũn xoay quanh cô chủ duyên dáng hiền lành, nhưng lúc nào gánh bánh bèo cũng đắt khách và đã làm nhiều người rất nhớ khi xa Mỹ Tho.Cũng như món hủ tíu, bánh bèo Mỹ Tho ngon ở phần gạo. Bánh bèo làm bằng bột gạo ngon được xếp đều trong đĩa, trét lên một lớp nhân đậu xanh đánh nhuyễn thật bùi, rắc thêm một lớp tôm khô chấy đậm đà vị ngọt, chan mấy muỗng nước cốt dừa béo ngậy và thêm một muỗng nước mắm ớt pha chanh đường chua chua ngọt ngọt mằn mặn cay cay.

Món còng

Đây cũng là một món ngon giản dị của xứ rẫy Gò Công. Phụ nữ xứ Gò miệt rẫy rất nhiều người biết làm món mắm còng. Làm để ăn và bán, như một sản vật dân dã địa phương. Mắm còng được làm vào mùa còng lột, người dân đi chọn bắt những con vừa lớn vừa có màu sắc đỏ tươi để làm mắm. Cách làm thì theo bí quyết riêng của từng nhà, từng gia đình.



Đặc sản Mỹ Tho – Tiền Giang nói rộng thêm còn có ốc gạo Cái Bè, ốc hương Cồn Cống, nghêu Gò Công, sò đũa bếp… Ngoài ra, ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, biển Tân Thành (Gò Công Đông) còn xuất hiện một loại hải sản rất quý hiếm là con móng tay.Ngoài làm mắm còng, con còng miệt rẫy còn được chế biến đa dạng khác như: rang, nấu canh, nhưng ngon nhất là món còng lột chiên chấm nước xốt cà chua ngọt. Mắm còng Gò Công hiện nay được ưa chuộng không thua gì món mắm tôm chà – cũng là đặc sản xứ Gò Công.

Theo những người lớn tuổi thì ngày trước, ở vành đai ruộng rừng xã Gia Thuận, Tân Phước (Gò Công Đông) cũng là nơi trú ngụ, sinh sôi của ba khía. Nhưng đặc sản nổi tiếng ở vùng rừng ngập mặn này bây giờ ngày càng hiếm.

BẢO NGA (baoapbac.vn)

Cách làm Thịt kho dừa

Thịt kho dừa, món ăn dân dã, đậm đà, béo thơm mà không ngán. Tùy mỗi nhà, có thể thêm trứng cút, hoặc thay nước bằng nước dừa để kho.

Nguyên liệu:

  • Thịt ba chỉ hoặc thịt vai có mỡ: 4 lạng
  • Cùi dừa: 2 lạng (chọn dừa vừa không non không già)
  • Nước mắm, đường, hành củ, hành lá, tiêu

Thực hiện:

  1. Thịt ba chỉ xắt miếng vừa ăn. Ướp với hành củ băm nhỏ, một chút tiêu, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cafe đường trong 20 phút.
  2. Dừa cạo phần áo nâu, xắt cọng dày khoảng 0,5cm.
  3. Bắc cái nồi kho, cho 2 muỗng canh nước hàng (có thể làm nước hàng trực tiếp trên nồi kho, làm xong thả thịt vào nấu ngay, xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG). Nấu tí cho nóng rồi cho thịt vào, xào sơ cho thịt nhuộm màu nước hàng, nấu lửa vừa khoảng 10 phút.
  4. Nhỏ lửa, trút dừa vào nấu tiếp khoảng 20 phút, thấy dừa nhuộm màu nước hàng là thấm.
  5. Nêm lại cho vừa ăn, đợi tới khi nước thịt sền sệt gần cạn thì tắt bếp, rắc hành lá, tiêu.
  6. Lấy thịt ra dĩa, ăn với cơm nóng.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách làm Hủ tiếu hoành thánh

Sau đây là một cách làm Hủ tiếu hoành thánh do bạn Tiểu Hồ chia sẻ trên group Facebook Hội Ăn Uống

 

Nguyên liệu (cho 8 người ăn):

  • 20k xương ống
  • 1 lạng bánh hoành thánh .
  • 2 lạng thịt băm ( thịt xay vừa nạc vừa mỡ ). Khi đi chợ các bạn nên lựa thịt rồi nhờ người bán xay cho chứ đừng mua thịt xay sẵn vì không ngon đâu nhé .
  • 30 trứng cút tuỳ nhà có thích ăn hay không .
  • Thịt bó giò .
  • Hủ tíu + giá + hẹ + cần tây + ớt .

Công đoạn chế biến:

Chuẩn bị:

  1. Giá + hẹ + cần tây rửa sạch và thái khúc 3 phân.
  2. Hành củ thái nhỏ, cho chút dầu ăn vào phi vàng rồi lấy ra, hành này để rưới vào hủ tíu cho thơm.
  3. Và dầu ăn khi phi hành cũng để ra riêng, lát nữa dùng để trộn với hoành thánh.
  4. Thịt bó giò luộc chín để nguội cho vào ngăn đá để khi thái thịt có thể thái mỏng và không bị nát thịt .

Nước dùng:

  1. Đun 1 nồi nước sôi rồi cho xương vào chừng 5p thì lấy xương ra ( công đoạn này để rửa xương không bị hôi).
  2. Đổ nồi nước cũ sau đó bắc 1 nồi nước mới, cho xương vào lại, cho 1 ít muối để xương được ngọt nước, có thể thêm củ cải nữa nếu thích.
  3. Sau khi hầm xương chừng 30p thì nêm nếm lại cho vừa ăn.

Hoành thánh:

  1. Thịt băm + hành tím & tỏi băm + tiêu + muối + bột ngọt (1 chút xíu cho có vị thôi nhé) mỗi thứ một ít trộn đều với nhau làm nhân .
  2. Rồi dùng bánh hoành thánh cuộn lại vừa đủ ăn, đừng cuộn to quá khi ăn sẽ ngán.
  3. Cho vào nước dùng đến khi nào bánh hoành thánh nổi lên bề mặt nước là chín, vớt ra tô chứa sẵn dầu ăn khi phi hành lúc nãy để không bị dính và nát .

Hủ tíu:

  1. Trước khi ăn trụng nước sôi cho mềm.
  2. Sắp chút giá vào tô, rồi tới hũ tiếu, thịt, trứng cút, sau cùng là hẹ, cần tây
  3. Chan nước dùng vào, rải chút hành phi ban nãy vào là ăn được rồi.

Theo Tiểu Hồ (MAV.vn) 

 

Cách làm nước hàng (nước kho, nước màu, đường thắng, caramel)

Đường thắng, còn gọi là nước hàng, nước kho, nước màu, caramel rất thường xuyên được dùng trong chế biến món ăn. Cách làm thì rất  đơn giản, chỉ cần canh sao cho đừng cháy là được.

Nguyên liệu:

– 1 chén đường vàng

– Nước (có thể thay bằng nước dừa)

– 1 miếng chanh

Thực hiện:

1. Bắc nồi/ chảo không dính lên bếp, cho đường vào, trải đều, rồi cho nước nhỉnh hơn mặt đường một tí.

2. Khuấy vài phát cho vui, vì không khuấy thì đường cũng tự tan.

3. Nấu với lửa lớn. Cho tới khi nước sôi sùng sục thì nhỏ lửa (nhỏ lửa cho vui chứ không nhỏ cũng chẳng sao).

4. Nấu tiếp tới khi đường tan hết, ngả màu nâu vàng, thì tắt bếp, vắt miếng chanh vào rồi cho vào lọ dùng dần.

5. Chú ý màu nâu vàng là được, càng đậm là càng đắng, đừng để thành màu sậm quá hoặc bị cháy khô thì rửa nồi hơi bị mệt.

Cái này dùng kho thịt, kho cá, thì gọi là nước hàng, làm bánh trung thu thì gọi là nước đường thắng, còn khi bỏ vào ăn với bánh flan thì người ta gọi là Caramel.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách làm Cá bống kho tiêu


Món ăn dân dã nhưng cực kỳ hao cơm. Mỗi người có một kiểu kho, miễn sao con cá chắc, đậm đà, không bị khô cũng không bị bở.

Nguyên liệu: 

  • 300gr Cá bống sông
  • 150gr thịt ba rọi
  • Nước dừa: 1 trái
  • Hành lá, hành khô, ớt hiểm, tiêu, tỏi, gia vị

Sơ chế:

  1. Cá bống làm sạch, cạo vảy, chặt đầu chà muối cho hết nhớt rồi rửa lại bằng nước ấm vài lần, để ráo nước
  2. Thịt xắt miếng mỏng, hoặc thái miếng dày nhưng nhỏ bằng hạt lựu
  3. Hành củ, tỏi băm nhuyễn
  4. Riềng thái chỉ
  5. Hành lá ắt nhỏ

Thực hiện

  1. bỏ vào 1 cái tô, ướp với hành tỏi băm, 1 muỗng cf đường, 1 muỗng cf dầu ăn, 1,5 muỗng cf nước mắm, 1 muỗng cf tiêu, 1/2 muỗng cf bột ngọt. Để 30 phút cho ngấm.
  2. Chuẩn bị nồi kho hoặc tộ, cho 2 muỗng canh đường thắng (xem: CÁCH LÀM ĐƯỜNG THẮNG KHO CÁ) với 1 muỗng canh dầu ăn đun cho sôi.
  3. Cho cá vào lật qua lật lại để cá nhuộm màu nước hàng, sau đó xắp lại ngay ngắn, xắp thịt ba rọi lên trên, 3 trái ớt hiểm xung quanh, riềng lên trên cùng.
  4. Nêm thêm 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng cf bột ngọt, 1 muỗng đường vào nước kho. Kho với lửa nhỏ
  5. Thấy cá hơi săn lại, thì đổ nước dừa vào ngập cá. Đậy nồi kho lửa chỏ tới khi cá chuyển qua màu cánh gián đậm hấp dẫn, nước sền sệt vừa ăn, thì tắt bếp.
  6. Rắc hành lá, chút tiêu, dọn ra ăn với cơm nóng.

Bé Thúi (MAV.vn)