[ăn chay] Cách làm ĐẬU HŨ KHO NẤM RƠM CỦ CẢI

Đậu hũ kho củ cải không chỉ là một món chay thơm ngon hấp dẫn, mà còn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bữa ăn thanh đạm của bạn.

Nguyên liệu:

  • Củ cải trắng: 2-3 củ
  • Nấm rơm: 150g
  • Đậu hũ chiên: 2 miếng (không có thì mua đậu hũ sống về chiên)
  • Tỏi tây (boa rô), có thể thay bằng hành lá nếu bạn ăn chay theo trường phái không kiêng ngũ vị tân.
  • Dầu ăn, nước tương, đường, bột nêm, muối, ớt, tiêu.

Cách làm:

– Nấm gọt sạch phần gốc, ngâm nước muối loãng 15′. Rửa sạch lại, để ráo, cắt đôi ( hoặc 3-4 nếu nấm to)


– Rửa sạch rồi cắt củ cải trắng thành khoanh tròn 2-3 cm rồi cắt đôi lại.
– Đậu hũ nếu mua trắng thì cắt ô vuông vừa ăn, chiên vàng.


– Để nồi lên bếp, cho ít dầu vào, đập đầu boa rô bỏ vào phi thơm rồi vớt ra, cho củ cải trắng + nấm vào xào tầm 5′, cho nước tương+ít đường+ bột nêm+ ớt bột (ớt trái băm nhuyễn) vào đảo đều.
– Cho đậu hủ vào đảo đều, đậy nắp lại đun, thỉnh thoảng lại đảo đều.


– Nước gần cạn nêm nếm lại cho vừa ăn.
– Boa rô rửa sạch cắt khúc cho vào, tắt bếp.


– Bày ra đĩa, rắc ít tiêu và cho vài lát ớt lên.


– Ăn với cơm nóng rất ngon.

Yến Hà.

Những lưu ý khi ăn Trứng Vịt Lộn

Trứng vịt lộn là món ăn rất giàu dinh dưỡng. Nhưng có những người thuộc nhóm “cấm chỉ định” với trứng vịt lộn mà cứ ăn bừa, bổ đâu chẳng thấy lại rước họa vào thân.

Tại sao ăn trứng vịt lộn (cút lộn) với rau răm?

Theo Đông y, rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn. Rau răm còn có tác dụng làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt, lạnh bụng, say nắng… Do vậy, thứ rau này được dùng rất rộng rãi với vai trò là loại rau gia vị cho các món ăn.

Ăn trứng vịt lộn vào lúc nào?Trứng vịt lộn là món bổ dưỡng, đồng thời được coi là món ăn bài thuốc có công hiệu dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể mau trưởng thành, cải thiện khả năng sinh lý. Do vậy, việc ăn kèm rau răm với trứng vịt (trứng cút lộn) có khả năng là để giảm bớt ham muốn tình dục từ tác dụng của trứng vịt (trứng cút lộn), đem tới sự cân bằng âm dương cho cơ thể. Nhưng điều mà ai cũng thấy đó chính là rau răm (đôi khi có người ăn thêm gừng) sẽ giúp cho người ăn trứng vịt (trúng cút lộn) không bị lạnh bụng, đầy hơi, tránh được các trục trặc về tiêu hóa.

Câu trả lời của các chuyên gia dinh dưỡng là ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng, tránh ăn vào buổi tối vì đây là món ăn khó tiêu, nếu ăn trứng vào buổi tối xong, khi đi ngủ sẽ bị khó chịu, đôi khi dẫn tới đầy hơi, không tiêu hóa được.Ở miền Bắc, người ta thường ăn trứng vịt lộn buổi sáng. Ở miền Nam, hay ăn trứng vịt lộn bắt đầu từ chiều cho đến tối. Vậy ăn trứng vịt lộn vào thời điểm nào trong ngày là hợp lý?

Ăn bao nhiêu là đủ?

Nghiên cứu dinh dưỡng hiện đại cũng cho thấy, trong một cái trứng vịt lộn có 182 kcal năng lượng, 13,6 gam protein; 12,4 gam lipit; 82 mg canxi; 212 gam photpho và 600 mg cholesterol. Ngoài ra còn có rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, nhóm B và vitamin C, sắt…

Ăn nhiều trứng vịt lộn và ăn một cách thường xuyên cũng khiến cơ thể bị dư thừa vitamin A, lượng vitamin A dư thừa này sẽ tích lũy dưới da, gan và làm vàng da, bong tróc da, ảnh hưởng xấu đến việc hình thành xương. Do vậy, mỗi người lớn khỏe mạnh tốt nhất chỉ nên ăn 2 quả mỗi tuần.Như vậy trứng vịt lộn là món ăn rất bổ, giàu dinh dưỡng. Do đó ăn nhiều trứng vịt lộn mỗi ngày có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu, là nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường.

Trẻ em có được ăn trứng vịt lộn?

Trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn do hệ tiêu hóa của các bé còn chưa phát triển hoàn thiện, dễ dẫn tới sình bụng, rối loạn tiêu hóa, rất có hại cho sức khỏe. Trẻ từ 5 tuổi trở lên nếu cho ăn trứng vịt lộn thì chỉ nên cho ăn ½ quả mỗi lần, mỗi tuần từ 1-2 lần là đủ (1/2 trứng vịt lộn tương đương 4-5 trứng cút lộn).

Bà bầu ăn càng nhiều trứng vịt lộn càng tốt?

Cạnh đó, trứng vịt lộn có lượng đạm cao, ăn nhiều chậm tiêu, sinh nhiều cholesterol. Giai đoạn cuối thai kỳ lại càng phải lưu ý vì bà bầu “nạp nhiều năng lượng” quá cũng không tốt.Tuy chưa có nghiên cứu nào khẳng định lợi hại của trứng vịt lộn với bà bầu, nhưng về cơ bản đây là món ăn giàu dinh dưỡng, do đó cũng tốt cho bà bầu. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vì trứng vịt lộn quá nhiều chất dinh dưỡng nên không nên ăn hàng ngày. Đối với phụ nữ có thai nên ăn 2 quả mỗi tuần tuần, nhưng không nên ăn 2 quả cùng lúc. Phải nhớ là bà bầu ăn trứng vịt lộn hoặc là ăn thật ít rau răm, hoặc không ăn vì rau răm có hại cho thai nhi.

Ai không được ăn trứng vịt lộn?

Những người có bệnh cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch, gút… cũng nên kiêng hoặc không ăn nhiều trứng vịt lộn vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Người gầy ăn trứng vịt lộn nhiều có mập không?

Câu trả lời là có, do đó trứng vịt lộn là một trong những lựa chọn ưu tiên của người gầy muốn cải thiện cân nặng. Trứng vịt lộn giàu vitamin A và chứa chất tiền vitamin A. Sử dụng trứng vịt lộn bạn cần phải nạp vào cơ thể lượng dầu mỡ cần thiết để hòa tan nó. Khi đó cơ thể bạn mới hấp thụ được một cách trọn vẹn.

Trứng vịt lộn cung cấp các dưỡng chất nuôi dưỡng cơ thể, giúp sản sinh nhiều năng lượng. Vì vậy đây là món ăn rất hữu hiệu đối với những người gầy yếu muốn tăng cân.

Cách làm GỎI CUỐN

Gỏi cuốn hay Bánh tráng cuốn tôm thịt là một món ăn chơi hấp dẫn, nhưng cũng có thể dùng để ăn no với thành phần nguyên liệu đầy đủ dinh dưỡng trong một cuốn: bún, tôm, thịt, rau… Công thức sau đây để làm những cuốn gỏi cơ bản, bạn có thể thay đổi nguyên liệu và nước chấm cho phù hợp.

Nguyên liệu:

  • Bánh tráng.
  • Tôm.
  • Thịt ba rọi.
  • Bún tươi.
  • Rau : Xà lách, rau sống, hẹ.
  • Đồ chua, đậu phộng rang giã nát.
  • Nước chấm: Tương hột xay, ớt. Bạn cũng có thể xem cách làm khác tại đây: CÁCH LÀM 17 LOẠI NƯỚC CHẤM THÔNG DỤNG
  • Đường, muối, bột nêm.

Cách làm:

– Rửa sạch tôm, để ráo. Ướp với đường, bột nêm, muối. Cho vào nồi với ít nước ( tôm ra nước) đậy nắp lại nấu đến khi tôm đổi màu đỏ. Vớt tôm ra rổ, lột vỏ, xẻ đôi tôm bỏ chỉ lưng.

– Thịt ba rọi cạo sạch lông, luộc với ít muối, đường cho đậm đà. Thịt chín cắt lát mỏng.
– Rau rửa sạch để ráo nước.
– Làm ướt bánh tráng, để rau bên dưới, xếp bún, thịt, tôm, bẻ đôi cọng hẹ, cuốn chặt tay.
– Nước chấm: Tương hột xay + đường, bột nêm + ớt băm nhuyễn + đồ chua + đậu phộng. Nếm lại cho vừa miệng là được.

Yến Hà (MAV.vn)

Cách làm THỊT BA RỌI NƯỚNG

Hương vị thơm ngon của món thịt ba chỉ nướng than hoa đủ sức quyến rũ những khẩu vị khó tính. Món này có thể ăn chơi, ăn với cơm, bánh mì hoặc cuốn bánh tráng đều rất ngon.

Nguyên liệu:

– Nửa kí ba rọi ngon, lựa mỡ nhiều nhiều ( nướng không bị khô)
– Nước mắm, tương ớt, ớt bột( hoặc ớt trái băm nhuyễn), hành tím băm nhuyễn, dầu ăn, đường, hạt nêm, tắt.
– Rau sống ăn kèm, dưa leo.



Cách làm:

– Ba rọi cạo sạch lông, rửa sạch để ráo. Cắt dài khoảng 10-15cm. Ướp với 2muỗng nước mắm, 2 củ hành tím băm nhuyễn, 2-3 muỗng tương ớt, ít ớt bột, 1 muỗng dầu ăn, ướp ít nhất 1h30′ cho thấm.



– Nhặt rau. Rửa sạch rau và dưa leo.

– Làm nước mắm chua cay: Đâm 3 trái ớt cùng với 1 tép tỏi nhỏ, pha với 2 muỗng nước, quậy cho tan với ít bột nêm và đường rồi cho 1.5 muỗng nước mắm và nước 1 trái tắc vào. Nêm nếm lại cho đủ vị chua-ngọt-cay là được.



– Than hoa đã đỏ (ít than thôi cho thịt chín ở trong). Để vỉ lên nướng thịt cho vàng là được. Cắt lát mỏng. Ăn kèm với rau và dưa leo, chấm nước mắm chua cay.


Yến Hà (MAV.vn)

 

Cách làm Canh Bò Nấu Chua

 

Tô canh thịt bò với vị chua dịu nhẹ của tắc sẽ là giải pháp lý tưởng cho bữa ăn của bạn, trong những ngày trời khô, nóng.

Nguyên liệu:

  • 150gr thịt bò ngon, mềm.
  • 1 rổ rau ba khía ( bông càng ngon), nếu không có thì thay thế bằng rau khác như: Cải, rau muống, bông điên điển,….
  • 1 nhúm rau nêm canh chua (rau om, ngò gai,…).
  • ớt, hạt nêm, đường, tắc, dầu ăn, bột nêm.

Cách làm:


–  Thịt bò cắt lát mỏng, ướp với 1 muỗng hạt nêm aji ngon, ít dầu ăn, đường, bột nêm.
–  Rau ba khía rửa sạch cắt khúc vừa ăn, ngâm với ít nước muối loãng khoảng 3-5 phút cho sạch mũ, vớt ra rổ cho ráo nước.
–  Rửa sạch rau nêm canh chua, cắt khúc khoảng 0.5cm.


–  Đun sôi 1 nồi nước.
–  Cắt nhuyễn 1 trái ớt, cắt đôi 4 quả tắt vắt ra chén lấy nước, vớt bỏ hột. Cho ớt, nước tắc vào nồi nước sôi cùng với hạt nêm, đường, ít muối, bột nêm ( ướp thịt bò rồi nên cho muối ít thôi).
–  Cho thịt bò vào. Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị gia đình.
–  Chờ nước sôi lại, cho rau ba khía và rau nêm vào.


–  Nhắc xuống ngay (ba khía nhanh chín), bỏ ra tô ăn với muối ớt đâm cay + ít tỏi phi thơm.

Yến Hà (MAV.vn)

Cách làm Thịt ba rọi xào măng với rong biển

Một đĩa thịt xào măng điểm thêm chút vị rong biển sẽ mang lại cho nhà bạn một bữa ăn lạ, ngon và rất khó quên đấy!

Nguyên liệu:

-300g thịt ba rọi

-25g rong mứt khô

-300g măng tươi

-Hành củ, tỏi, tiêu hột.

-Gia vị

-Nước hàng (xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG)

Cách làm:

– Hành củ và tỏi băm nhuyễn. Tiêu đập bể vụn.
– Rong mứt ngâm trong nước ấm khoảng 5 phút, để ra cái rổ cho ráo nước.
– Thịt ba rọi rửa sạch, ướp với một muỗng cafe hành củ băm, 1/2 muỗng cf tỏi băm, 1/2 muỗng cafe tiêu dập trong 20 phút.
– Măng luộc qua 2-3 lần nước cho bớt đắng, sau đó rửa lại bằng nước sạch, xé sợi nhỏ.
– Bắc chảo đun dầu cho nóng rồi cho hành, tỏi vào phi thơm. Cho thêm 1 muỗng cafe nước hàng. Sau đó trút thịt vào xào cho săn, rồi trút hết măng vào xào chung trong khoảng 3 phút.
– Trút tiếp vào chảo 1 chén nước lạnh, nêm nếm cho vừa miệng. Đun lửa nhỏ cho còn 1/3 nước, thịt thấm mềm thì trút rong biển vào xào tiếp trong 1 phút là xong.
– Ăn với cơm nóng.

Bé Bủm.

5 món đường phố phải ăn ở Sài Gòn

Bài viết của Fred Wilson trên trang backofthebiketours.com cho thấy một góc nhìn sành điệu về ẩm thực đường phố Sài Gòn.

1. Bò bía:

Bò Bía là anh em với món Gỏi cuốn vốn đã nổi tiếng từ lâu. Bạn có thể tìm thấy nó rất dễ dàng khi đi bộ tà tà ở vỉa hè Sài Gòn. Món ăn này là sự phối hợp nhuẫn nhuyễn nhịp nhàng giữa củ đậu, lạp xưởng, tép khô, trứng chiên, hành khô và nhiều loại rau nhợ khác bên trong một cái bánh tráng nho nhỏ.

Bò bía ăn với nước tương pha có rắc đậu phộng rang, và đừng quên cho thêm ớt vào để kích thích khẩu vị.

2. Bánh tráng trộn:

Chúng tôi thường xuyên được hỏi “Món khoái khẩu nhất của bạn ở đây là gì?”, và hầu hết mọi lần tôi đều trả lời: Banh trang tron!. Cũng như nhiều món ăn nổi tiếng trong lịch sử ẩm thực khác, món này được sáng tạo ra ban đầu là để giải quyết một vấn đề: Làm gì với đống nguyên liệu thừa này đây? Vâng, và bánh tráng trộn ra đời! Bánh tráng được trộn với các loại khô bò, xoài xanh, tôm khô, trứng cút, rau răm, ớt, đậu phộng rang, hành khô… và được gắn kết với nhau bằng một loại tương ớt pha, vắt thêm miếng tắc cho dậy mùi.

Sau khi trộn đều, bánh tráng được cho vào cái bịch với đôi đũa bên trong. Và hương vị của nó? Có thể mô tả như là một cuộc công phá mạnh mẽ đến mọi ngóc ngách của vị giác để đưa chúng ta tới tận cùng sự thỏa mãn và sung sướng của thú thưởng thức ẩm thực.

3. Cút chiên bơ:

Người đàn ông ngồi bên vỉa hè kia với cái lò than ngay bên cạnh. Những con chim nhỏ thì được xiên thành xâu và quay vàng trên ngọn lửa. Thỉnh thoảng, họ quết lên con chim chút dầu hoặc bơ, với một ít hương liệu, gia vị bí quyết riêng của họ.

Chim cút trở nên một món ăn hảo hạng khi được chiên ngập trong chảo bơ ngọt, và ăn kèm bánh mì, dưa chua, dưa leo, rau răm. Một số người ngại ngần khi thấy đầu chim vẫn còn gắn liền với cổ, nhưng thật ra không có gì phải xoắn, bạn chỉ cần cắn một phát vào chỗ đó là xong hết.

4. Thịt xiên nướng, hồ lô nướng:

Thịt heo được bán vào tầm 4h sáng ở Sài Gòn, người ta mua về ướp trong 6-8 giờ với mè, mật ong và một số nguyên liệu khác, sau đó xiên thành xâu và nướng trên lửa để thành món thịt xiên nướng.

Hồ lô nướng, giống như loại xúc xích lợn hình tròn có vị ngọt. Tên của món này giống như tên một loại quả bầu ở Việt Nam. Và khi ăn, đừng quên thêm chút tương ớt và dưa chua để cân chỉnh hương vị. Muốn ngon nữa thì uống kèm một ly bia lạnh.

5. Bánh tráng nướng

Món ăn có gốc từ phố núi Đà Lạt, chỉ mới phổ biến tại Sài Gòn gầy đây, và thường được mệnh danh là “Pizza Việt Nam”. Bánh tráng nướng là cái bánh tráng mỏng có đập thêm trứng, bơ, khô bò, hành lá, g, và nhiều thứ nguyên liệu bất ngờ khác tùy theo độ sáng tạo của người bán. Món bánh này đã được bán ở nhiều quán ăn nhỏ hay là bên nhiều hè phố Sài Gòn, vì vậy rất dễ tìm.

Mỹ Lạo (dịch)

Cách làm Bánh Chuối, Bánh Khoai, Bánh Ngô

Món bánh chuối chiên rất thích hợp với thời tiết lạnh. Trong khi ở miền trung và miền nam quen với bánh chuối chiên, khoai chiên, thì ở miền bắc, ngoài hai loại trên còn phổ biến bánh ngô (bắp), và khi ăn bánh ngô thường ăn kèm tương ớt.

Về hương vị và kết cấu của bánh, thì ba miền có hơi khác nhau về cách cân chỉnh bột gạo, bột mì và hương vị vani (thường thì bánh miền Bắc thơm mùi vani hơn, bột dẻo hơn).

Công thức sau đây cho ra bánh có hương vị miền bắc.

Nguyên liệu:

Phần vỏ:

  • Bột gạo: 100g
  • Bột mì: 150g
  • 50g đường, hòa tan với tí nước.
  • 1 quả trứng gà
  • 1 ống vani
  • Muối, dầu ăn.

Phần ruột:

  • Nếu làm bánh chuối: 10-15 quả chuối sứ
  • Nếu làm bánh khoai: 10 củ khoai lang hoặc
  • Nếu làm bánh ngô: 8 quả bắp ngô sống (không khô) hoặc đã luộc chín.

Nếu làm cả ba thứ thì cứ canh lại phân lượng, vì ba thứ này dùng chung một loại bột.

Quấy bột:

– Trộn bột mì và bột gạo trong một cái thau nhỏ, trút nước đường, đập 1 quả trứng gà vào, khuấy bột nhanh và đều tay cho mịn. Vừa khuấy vừa châm thêm nước cho tới khi nào hỗn hợp bột mịn màng, hơi sánh là được, đừng loãng hoặc đặc quá. Rắc thêm 1 ống va ni và chút muối để có hương vị.
– Khi bột được rồi thì để bột nghỉ trong 30 phút.

Trong lúc đó thì chúng ta làm phần ruột:
+ Nếu làm bánh chuối: Xẻ chuối ra làm đôi hoặc để nguyên trái, dùng vật cứng to ép cho dẹp. Khi ép có thể lót và đậy lên chuối miếng giấy kiếng cho khỏi dính chẹp nhẹp.
+ Nếu làm bánh khoai: Khoai lang gọt vỏ xắt lát mỏng, lát dày, hoặc xắt sợi, hoặc cọng to như cọng khoai tây chiên.
+ Nếu làm ngô (bắp), thì nạy hạt ra khỏi cùi.

1381799_675320692480616_1817826824_n

Chiên bánh:

– Chuẩn bị chảo nóng, đổ dầu vào rồi rắc một ít vani vào chảo dầu. Vặn nhỏ lửa.
– Sau đó dùng dụng cụ vớt hoặc gắp lần lượt từng miếng chuối, khoai nhúng vào bột cho bám đều, rồi thả vào chảo chiên.
– Nếu làm bánh ngô thì cho một nắm hạt ngô vào cái vá (muôi) múc canh, sau đó múc một ít bột rồi đổ vào chảo chiên.
– Chiên từ từ với lửa nhỏ cho vàng đều hai mặt là ngon.

Thành phẩm:

– Bánh giòn mỏng ở ngoài, bên trong mềm, thơm mùi vani và các nguyên liệu củ quả bên trong.

Bé Thúi.

CÁCH LÀM BỘT TRÀ XANH (MATCHA) CỰC ĐƠN GIẢN

Một ký lá trà tươi cho ra khoảng 100gr bột trà xanh nguyên chất, cách làm đơn giản, không lo bị mua nhầm bột trà xanh bị pha trộn. Yên tâm làm ra những chiếc bánh ngon, ly trà thơm lừng, lại còn có thể chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. 

Nguyên liệu:

  • 1kg lá trà xanh, lựa lá vừa và hơi già,không quá non, không bị dập nát, hư hỏng.
  • Ít muối.

Cách làm:

– Nhặt bỏ cành, lấy lá đem rửa sạch với muối.

– Sau khi ráo nước xếp lá ra phơi 2-3 nắng, lá trà giòn rụm là được. Chú ý: lá ướt sũng đem phơi dể bị cháy nắng, thành phẩm không đẹp mắt. Và cũng không phơi nắng to, tốt nhất là phơi ngoài trời nơi nắng không chiếu vào, vì nắng mạnh sẽ làm lá có màu vàng úa không đẹp.

 

-Tước bỏ cuống, xơ của lá để thành phẩm mịn hơn.
– Bỏ lá đã được tước cuống vào máy xay, lọc qua rây, phần còn to bỏ vào máy xay lại.


– Bột mịn bỏ vào hũ dùng dần.

– Với bột trà xanh, bạn có thể dùng làm đẹp, làm bánh, nấu ăn hoặc pha trà uống đều rất tốt.

Yến Hà (MAV.vn)

Cách làm Xôi đậu chiên

Một trong những biến tấu hấp dẫn nhất của xôi đó là xôi chiên. Miếng xôi chiên giòn ở mặt ngoài, thơm dẻo mùi nếp ở trong là một thứ thật khó chối từ trong những ngày trời lạnh.

Nguyên liệu:

  • 700g nếp ngon
  • 200g đậu xanh
  • Nước, nhiều dầu ăn, đường, muối.
  • Thịt chà bông, tương ớt ăn kèm.

Cách làm:

– Đậu xanh ngâm nước, đãi sạch vỏ.
– Nếp vo sạch, để ráo.
– Trộn đậu xanh và nếp lại với nhau, cho 700ml nước lạnh vào nấu chín.
– Khi nếp và đậu xanh chín, cho ra tô quết nát (lúc nóng dễ làm hơn nguội), nát khoảng 8/10 là được. Cho 100g đường, 1 ít muối, 3 muỗng dầu ăn vào trộn đều.
– Chia xôi thành nhiều phần bằng nhau (lớn nhỏ tuỳ bạn), vo tròn rồi ép dẹp xuống độ 1cm.
– Chảo dầu sôi, cho bánh vào chiên với lửa nhỏ, trở cho bánh vàng đều.
– Ăn với ít thịt chà bông và tương ớt.

Yến Hà (MAV.vn)

Cách làm BÁNH FLAN mềm mịn thơm ngon

Bánh flan (hay kem caramel) là món ăn chơi luôn luôn hấp dẫn đối với mọi người, nhờ vào hương vị thơm ngon và kết cấu béo mịn, mềm đặc trưng của trứng và sữa khi hấp lên. Cách làm bánh flan không quá phức tạp nhưng đòi hỏi bạn phải cẩn thận ở các công đoạn khuấy hỗn hợp, hấp bánh để bánh được mịn ngon. Công thức sau đây của Huyền Trân sẽ giúp bạn có được món bánh flan ngon lành và đẹp mắt để chiêu đãi người thân, bạn bè.

Nguyên liệu:

  • 8 trứng gà ta
  •  300ml whipping cream
  •  600ml sữa tươi không đường
  •  5 muỗng canh sữa đặc có đường
  •  2 muỗng canh đường

* Nếu không có gà ta bạn có thể dùng gà công nghiệp, nhưng chỉ dùng 8 lòng đỏ, 4 lòng trắng để bánh không bị tanh.
** Whipping cream giúp bánh béo hơn, nguyên liệu này có bán ở các siêu thị hoặc tiệm làm bánh, nếu không mua được hoặc không thích béo, bạn có thể bỏ qua whipping cream, thay bằng sữa tươi.
*** Lượng đường này giành cho khẩu vị hơi ngọt, nếu bạn không ăn ngọt thì có thể giảm bớt.

Chuẩn bị hỗn hợp:

– Đầu tiên cho hết lượng trứng đã chuẩn bị vào cái tô lớn, dùng cây đánh trứng đánh cho tan. Đánh nhẹ tay, không đánh mạnh kẻo nổi bọt làm bánh bị rỗ.
– Dùng rây lược vài lần để trứng mịn. Sau đó để đó một lúc cho bớt bọt (không làm ngay sau khi đánh trứng vì bánh sẽ bị rỗ do bọt còn nhiều. Tốt nhất là bạn đi làm việc gì đó một lát rồi làm tiếp).
– Bắc cái nồi đun hỗn hợp gồm sữa tươi, whipping cream, sữa đặc và đường cho ấm lên (đừng nóng quá kẻo đổ trứng vào làm trứng bị chín luôn là hỏng).
– Dùng cái rây hứng, đổ hỗn hợp trứng đã đánh qua rây vào chung với hỗn hợp sữa, vừa đổ vừa quấy đều, nhẹ tay.

Thắng caramel:

– Cho khoảng 5 muỗng canh đường và chút nước xâm xấp, nấu cho tới khi lên màu cánh gián thì cho tiếp chút nước, đợi đường tan hết thì tắt bếp. (Cho nhiều đường để cho caramel mau đông lại, đổ vào khuôn sẽ không bị hòa vào hỗn hợp trứng sữa làm bánh bị rỗ).
– Đổ caramel vào khuôn thành một lớp mỏng dưới đáy khuôn, chờ cho cứng lại.
– Tiếp theo, nhẹ nhàng đổ hỗn hợp trứng sữa đã hòa tan ban nãy vào từng khuôn đã tráng caramen. Sau đó chuẩn bị hấp bánh.

Hấp bánh:

– Chuẩn bị cái nồi để hấp cách thủy, lưu ý đun cho nước sôi, vặn lửa nhỏ nhất rồi mới cho bánh vào hấp.
– Dùng một cái khăn đậy lên nắp vung khi hấp để hơi nước không bị nhỏ vào bánh.
– Hấp khoảng 10-20 phút tùy theo khuôn bánh to hay nhỏ, bánh dày hay mỏng. Kiểm tra xem bánh se mặt lại là chuẩn bị chín, lúc này ta lấy cây tăm đâm vào thử, nếu thấy bánh không dính vào tăm là được rồi.
– Nhấc bánh ra, để nguội, nếu có tủ lạnh thì cho vào tủ lạnh làm mát trước khi ăn.

Huyền Trân Nguyễn.

Cách làm SƯỜN NON KHO THƠM

Sườn non có nhiều cách kho, nếu bạn đã chán kho mặn, kho tiêu, kho chua ngọt, thì hôm nay thử thêm vào công thức một miếng thơm (dứa, khóm) xắt mỏng vào, để tận hưởng sự mới mẻ kì diệu.

Nguyên liệu:

Cho 5-6 người ăn:

  • 500g sườn non
  • Nửa trái thơm
  • Hành củ, hành lá, tỏi
  • Nước mắm, muối, đường
  • Nước hàng

Sơ chế:

– Chuẩn bị nồi nước sôi, cho sườn vào trụng sơ cho ra bọt bẩn rồi đổ nước đó đi.
– Băm nhuyễn hành, tỏi. Cắt nhỏ hành lá.
– Thơm chẻ dọc làm đôi, xắt miếng nhỏ vừa ăn.
– Ướp sườn với hành, tỏi băm, chút muối. Để trong 30 phút.

Kho sườn:

– Bắc chảo cho hành tỏi băm vào phi thơm.
– Cho sườn + nước ướp vào xào cho sườn săn, đổi màu. Thì chan tiếp 1 muỗng canh nước hàng, cho thơm vào xào cho xìu.
– Đổ nước lọc xâm xấp mặt sườn, vặn nhỏ lửa kho cho tới khi còn 1/3 lượng nước.
– Nêm thêm 1,5 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường. Nếm thử nước mặn ngọt vừa khẩu vị bạn là được.
– Kho tiếp tới khi nước gần cạn thì tắt lửa. Rắc 1 muỗng cafe tiêu và 1 nhúm hành lá lên, trộn đều cho tiêu hành ngấm nước rồi múc ra dĩa.
– Ăn với cơm nóng.

Có thể thay nước lọc bằng nước dừa, món ăn sẽ thơm béo mùi dừa.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách làm Trứng chiên rong biển

Một chút kết hợp với rong biển sẽ giúp món trứng chiên thường ngày thêm hấp dẫn và bổ dưỡng.

Nguyên liệu:

– 4 quả trứng

– 1 miếng rong biển to

– 1 ít muối

– Dầu ăn

 Cách làm:

– Đập trứng, đánh đều (Chú ý: Phải đánh trứng cho tới khi lòng trắng và lòng đỏ tan đều). Thêm một ít muối vào trứng, đánh tới khi tan hết muối.

– Chuẩn bị một cái chảo to (đủ để vừa miếng rong biển).

– Làm nóng chảo, cho dầu ăn vào. Đợi dầu nóng, cho 1 nửa trứng vào, nghiêng để trứng trải đều trên chảo.

– Khi trứng đã hơi đông lại (còn ướt ở phần bề mặt), cho miếng rong biển vào.

– Sau đó rưới đều lượng trứng còn lại trong tô lên trên bề mặt miếng rong biển (có thể đậy nắp lại để bề mặt trứng chín mà phần dưới trứng không bị cháy)

– Khi mặt trứng đông lại, nhẹ nhàng cuộn trứng lại.

– Cho trứng ra dĩa. Thái miếng vừa ăn.

 Ngân Thủy (MAV.vn)

Cách làm KIM CHI TÁO với CỦ CẢI

Kim Chi cải thảo thì đã quen thuộc lắm rồi, hôm nay mọi người cùng bếp MAV tập làm Kim Chi Củ Cải và Táo nhé! 

 Nguyên liệu:

  • 2 củ cải trắng to (khoảng 1kg)
  • 1 trái táo
  • Muối, đường, nước mắm, tiêu
  • 100g hành lá (thích nhiều thì thêm nhiều)
  • 1 chén tỏi băm
  • 1 ít gừng hoặc nước cốt gừng
  • 300g ớt bột Hàn Quốc

Cách làm:

– Củ cải trắng gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc vừa ăn (như hình)

– Sau đó xếp củ cải vào to, ướp với muối theo công thức cứ một lớp củ cải là một lớp muối, để trong vòng 1 tiếng cho củ cải thấm gia vị, rồi rửa sạch, để ráo.

– Táo gọt vỏ, bỏ hạt, thái hạt lựu.

– Cho đường, tiêu, tỏi, nước cốt gừng (hoặc gừng giã nhuyễn), một ít nước mắm, táo vào củ cải, trộn đều.

– Để ở nhiệt độ thường để củ cải lên men khoảng 2 ngày. Sau đó phải bảo quản kim chi củ cải ở nhiệt độ thấp (tốt nhất nên để trong ngăn mát tủ lạnh).

 
Ngân Thủy (MAV.vn)

12 LÝ DO ĐỂ BẠN NÊN UỐNG NƯỚC DỪA

Nước dừa là thứ nước giải khát ngon miệng và rất quen thuộc ở đất nước chúng ta. Tuy vậy, không phải ai cũng biết đến những lợi ích tuyệt vời của loại thuốc bổ tự nhiên, tinh khiết này.

Trẻ lâu:

Tại Philippines, dừa được coi như là phương thuốc trường xuân. Họ có món Nata dừa, làm từ nước dừa, dấm lên men. Thức uống này được người Nhật coi như là một thứ tráng miệng cao cấp và được cho là có tác dụng ngừa ung thư.

Chống nôn:

Những người bị bệnh sốt rét, thương hàn, sốt… dẫn đến ói mửa thì có thể dùng nước dừa để chống nôn vì tính chất giúp ổn địch dạ dày trong quả này.

Cung cấp năng lượng.

Nước dừa có nhiều dưỡng chất, sinh tố cũng như khoáng chất hơn hẳn các loại đồ uống khác, nên nó cũng được coi như một loại “nước tăng lực” tự nhiên tuyệt vời. Một trái dừa có thể chứa lượng vitamin C cần cho cả ngày, bên cạnh đó là các vitamin B3, B2, B5, biotin, acid folic, B1… Trong nước dừa còn chứa nhiều muối khoáng, các nguyên tố vi lượng như đồng, sulfur, phosphorus cần thiết cho hoạt động thể lực, giúp cân bằng điện giải trong cơ thể.

Kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa.

Những đặc tính trên giúp nước dừa có thể hỗ trợ điều trị các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Tốt cho tim mạch.

Những người bị cao huyết áp thường có mức độ kali thấp, cho nên uống nước dừa thường xuyên được cho là có hiệu quả tốt trong việc điều hòa huyết áp, do nồng độ kali và acid lauric trong nước dừa cao. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra nước dừa có thể giúp tăng HDL (tốt) cholesterol, rất tuyệt vời khi dùng để điều trị, giữ gìn sức khỏe tim mạch.

Phòng chống sỏi thận:

Nước dừa thường được khuyên dùng kèm các loại thuốc điều trị các bệnh về thận hoặc sỏi thận. Nước dừa có thể làm tan sỏi thận, đưa chúng ta ngoài cơ thể dễ dàng.

Điều trị mất nước, mất máu

Nước dừa từng được coi là thuốc điều trị các bệnh tả, lỵ, tiêu chảy, cúm… nhờ khả năng bổ sung nước và cân bằng điện phân cho cơ thể. Uống nước dừa hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ bệnh tiêu hóa, nhiệt miệng và giúp hồi phục cơ thể khi mất nước.

Các huyết tương trong nước dừa tương tự như máu người, nó còn giúp thông tĩnh mạch hiệu quả. Vì vậy nước dừa từng được dùng để truyền máu cứu người trong những trường hợp khẩn cấp tại những cuộc chiến tranh, như Thế chiến II, Chiến tranh Việt Nam.

Đẹp da

Cytokinin trong nước dừa có khả năng điều chỉnh sự phát triển tế bào da. Đồng thời acid lauric trong nước dừa giúp hạn chế sự lão hóa của tế bào da, cân bằng pH và giúp các mô da liên kết chặt, giữ độ ẩm cho da. Bạn có thể thoa nước dừa lên da trước khi đi ngủ để hạn chế các nếp nhăn, mụn, ngứa, rạn da và eczema.

Giảm cân:

Do tính chất điện phân tự nhiên, tăng cường trao đổi chất và còn ngon miệng, giúp giải khát tốt. Nước dừa là liệu pháp hữu ích cho người muốn giảm cân.

Tốt cho tiêu hóa:

Khi acid lauric trong nước dừa vào cơ thể, chúng sẽ chuyển đổi thành monolaurin, giúp kháng khuẩn, kháng virus, trị giun, kí sinh trùng và nhiễm trùng tiêu hóa ở con người. Nước dừa được coi như loại thuốc kháng sinh và là thuốc bổ cho người bị bệnh đường ruột. Bạn có thể trộn một muỗng nhỏ dầu oliu vào ly nước dừa và sử dụng ít nhất 3 lần / tuần để thấy hiệu quả.

Tăng cường miễn dịch

Lượng kali trong nước dừa gấp đôi lượng kali trong chuối. Bên cạnh đó, nước dừa còn chứa Chloride, sắt, canxi, natri, magie, phospho, acid lauric… cho nên rất tốt cho cơ bắp, tim mạch, thần kinh, cũng như hệ miễn dịch. Nước dừa còn giúp hấp thu và cân bằng các chất lỏng bên trong cơ thể.

Bảo vệ đường tiết niệu

Nước dừa có thể được sử dụng thường xuyên để chữa các bệnh về tiết niệu chẳng hạn như đái rắt…

 

…Và một số lưu ý khi uống nước dừa:

Nước dừa khi rời quả sẽ bị mất mát khí vị, nên cần để yên trong quả mà uống. Nếu được, nên uống ngay dưới gốc dừa vừa chặt, không đặt dừa xuống đất.

Không uống nước dừa khi vừa đi nắng về, đói mệt và nhất là đang bị bệnh vì dễ xảy ra tác dụng phụ như ớn lạnh, sốt.

Không uống nước dừa trước khi thi đấu thể thao.

Mỗi ngày chỉ nên uống một trái dừa là tốt. Uống nhiều có thể dẫn đến đầy bụng, nhất là khi uống kèm cơm dừa nạo, đá lạnh vào chiều và đêm.

Bạnh Bư tổng hợp.

Cách nấu Bún bò Đà Nẵng – Quảng Nam

Bên cạnh Bún bò Huế nổi tiếng thì miền Trung còn có bún bò Quảng Nam Đà Nẵng cũng là một món ăn rất đặc sắc. Bún bò Quảng Nam- Đà Nẵng thường ăn bún sợi nhỏ, với thịt tái hoặc bắp bò, thoảng mùi sả và điểm chút hương mắm ruốc, nhưng không dậy mùi như bún bò Huế. Khi ăn cho thêm hành chua, ớt ngâm vào để kích thích khẩu vị.

Cách làm Bún bò giò heo:

Nguyên liệu:

Cho 5 tô:

  • 1 kg xương ống
  • Nửa ký bắp (nếu ăn tái thì mua thịt thăn hoặc mông, thái mỏng, trụng cho tái trước khi ăn)
  • Giò heo, huyết heo đủ ăn.
  • Có thể thêm ít bò gân (loại nấu ragu, bò kho)
  • 5 cây sả
  • Một củ gừng nướng
  • Hành củ, hành lá, tỏi, ớt, tiêu, hạt điều.
  • Mắm ruốc
  • 1/2 trái dứa
  • Bún sợi nhỏ, chanh…

Người Quảng Nam- Đà Nẵng thường ăn món này với Hành chua, xem: CÁCH LÀM HÀNH NGÂM KIỂU QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG.

Thực hiện:

  • Các bước ban đầu:

– Chuẩn bị 1 tô nước, pha 2 muỗng mắm ruốc vào rồi quậy lên cho tan, sau đó để yên cho mắm lắng xuống (khoảng vài giờ).
– Bắc một nồi nước nhỏ nấu sôi, sau đó bỏ giò và xương vào nấu 5-10 phút cho ra chất bẩn. Sau đó đổ nước đi, rửa giò và xương lại bằng nước sạch.
– Chặt giò heo thành khoanh vừa ăn.
– Nồi nhỏ sau khi đổ nước thì cho huyết vào luộc với tí muối, đường. Sau đó đổ nước, vớt cục huyết ra để riêng.
– Tiếp tục cho giò heo đã chặt khúc vào nồi nhỏ, nấu với tí muối cho tới khi nào da heo trong là ok, vớt ra ngoài. (Trong lúc nấu giò heo thì nấu nước bún & bắp bò).

  • Nấu nước bún & bắp bò:

– Bắc một nồi to đủ nấu nước dùng, cho xương ống vào rồi bật lửa nấu sôi.
– Nước sôi, cho tiếp bắp bò vào, kèm theo cục gừng nướng chín (cho thịt đỡ nặng mùi) và nửa trái thơm (cho thịt mau mềm). Nấu cho sôi lại.
– Hầm khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ trong lửa vừa, không đậy nắp, thỉnh thoảng vớt bọt cho nước trong.

Trong lúc hầm thịt thì làm nước màu.

Làm nước màu điều:
– Chuẩn bị cái chảo, cho ít dầu rồi cho hành, tỏi băm và hạt điều vào xào lên cho có lớp màn màu đỏ. Vớt hết xác hạt điều ra. Phần nước điều đã xào để ra riêng chút nữa dùng tới.

Quay về cái nồi hầm:

– Ta thử dùng cái đũa đâm vào cục bò bắp coi có đâm xuyên được không, xuyên được thì lấy ra cho vào cái thau chứa nước lạnh + vài viên đá lạnh. Chưa được thì hầm tiếp.
– Sau đó cột 5 cây sả đập dập cho vào nồi.
– Vặn nhỏ lửa, bắt đầu nêm:
+ Tô nước pha mắm ruốc hồi nãy chắc lấy phần nước trong, đổ vào nồi nước dùng. Còn phần cặn bỏ đi.
+ Nêm tiếp nước mắm, muối, tiêu cho hơi mặn (tới lúc ăn còn chan nước mắm nữa). Nếu muốn ngòn ngọt thì cho thêm mật ong, hoặc bột ngọt, không cho đường.
– Cắt huyết heo thành miếng vừa ăn cho vào nồi.
– Nấu tiếp 15 phút nữa. Cuối cùng đổ nước dầu điều đã làm lúc nãy vào nồi cho có màu.
– Vậy là xong nồi nước lèo.

  • Chuẩn bị ăn thôi:

– Xắt thịt bò bắp thành từng lát mỏng.
– Hành lá và ngó thái nhỏ.
– Sắp bún vào tô, trải thịt lên, thêm khoanh giò, miếng huyết, rắc hành ngò lên, rồi chan nước dùng vô, vắt miếng chanh cho thơm, là ăn được.

*** Khi ăn cho thêm mấy lát hành chua ngâm ăn cho ngon, nêm thêm tí nước mắm cho dậy mùi.
*** Người Quảng – Đà ăn bún bò không thường bỏ rau sống, tuy nhiên nếu muốn ăn có rau sống thì bỏ thêm rau chuối, xà lách, húng quế, bạc hà… cho ra kiểu miền Trung.
*** Có thể ăn tô nhỏ chấm kèm ổ bánh mì rất ngon. Đây là kiểu ăn bún chỉ có ở miền trung.

Bé Thúi.

Cách làm Hành chua ngọt xứ Quảng

Hành chua là một nguyên liệu không thể thiếu trong các quán ăn của người Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Thứ này cho vào bún bò, mì Quảng ăn rất ngon, cắn miếng hành ớt giòn giòn, chua chua, cay cay đã miệng mà hương vị của chúng lại còn bổ trợ cho hương vị món ăn nhiều.

Sau đây là Cách làm hành chua kiểu Quảng Đà:

Chuẩn bị:

  • Hành tím (hành củ nhỏ)
  • Cà rốt (tùy thích)
  • Ớt xanh, ớt đỏ loại to (hai màu cho đẹp, nên cho nhiều ớt xanh hơn vì ớt xanh mới thơm)
  • Dấm (nếu muốn làm xổi ăn ngay)
  • Một hũ đựng, tráng qua nước sôi cho sạch.

Phân lượng là tùy các bạn, tuy nhiên hành nên nhiều hơn mấy cái kia vì chủ yếu là ăn hành.

Thực hiện:

– Hành lột vỏ chẻ làm đôi, làm ba
– Cà rốt xắt hột lựu.
– Ớt cắt miếng nhỏ.
– Cho tất cả vào hũ.

Làm ăn xổi:

Pha một tô nước dấm đường theo tỷ lệ: 2 phần nước, 2 phần giấm, 1 phần đường. Rồi đổ vào hũ cho ngập hành ớt…
Có thể ăn sau 3 tiếng.

Làm để lâu:

Nếu không có gì phải vội thì ta muối theo kiểu lên men tự nhiên,  pha nước theo tỷ lệ: 1 chén nước ấm + 1 muỗng cafe muối + 1 muỗng cafe đường rồi đổ vào ngâm hành. Để chỗ thoán mát. 2 ngày sau là ăn được.

Món này trữ trong tủ lạnh được nhiều tuần.

Bé Thúi.

9 món ăn phải thử ở Việt Nam

Ba Đầu bếp danh tiếng Ed Lee, Stuart Brioza và Bryan Caswell đã có một chuyến ngao du tuyệt vời tại Việt Nam dưới sự tổ chức của hiệu nước mắm Red Boat. Từ chuyến đi này, đầu bếp Lee – chủ nhà hàng 610 Magnolia và MilkWood ở Louisville, Kentucky – đã liệt kê ra danh sách 9 món ăn mà ông ấy sẽ nhớ nhất, 9 lý do chính để ổng xách ba lô lên và đi. 

1. Phở khô Gia Lai

Phở là món quốc hồn của Việt Nam và được bán ở khắp mọi chỗ từ nhà hàng cho đến những ngã ba, nơi mấy bà già đã chỉnh sửa lại thành một cái nhà bếp dã chiến. Nhưng còn Phở khô, thì nó hơi khác, khi mà tất cả các thành phần từ sợi, nước dùng bò, rau thơm, ớt đều được bày ra riêng. Sau khi ngắm nghía cái cách mà người bản xứ đã dùng để ăn món này, tôi ngộ ra phương pháp ăn ngon lành nhất là mỗi lần ăn thì phải kèm theo một chút nước lèo và thịt để sợi phở nó ẩm, rồi nuốt nó nhanh trong khi hành phi và rau nhợ đang mềm dần khi trụng trong nước lèo. Ồ de! Ở Việt Nam không có tương ớt Con Gà (Sriracha) và bạn sẽ trông giống như thằng hai lúa nếu yêu cầu cái thứ đó – vụ này tôi đã thử.



2. Bún riêu

Món ăn với sợi và nước là cái thể loại cơ bản nhất ở trong ẩm thực đường phố, và một trong những loại sợi nước ngon lành nhất theo ý của tôi, là ở trong một quán nhỏ nhen xiêu vẹo với một vài cái ghế nhựa tí hon bên vỉa hè một con đường trên đảo Phú Quốc. Bryan Caswell, lão này cao mét tám tám và to bự như tiểu bang Texas, nên có một chút gì đó giống như gã khổng lồ đến dự tiệc trà của những Hobbit. Nước dùng – cũng như như trong Phở – là thành phần quan hệ nhất của tô Bún Riêu. Bên trong nó có mấy thứ làm từ tôm khô, cà chua, giò heo và ăn kèm với các gia vị như đinh hương, sả. Nó được ăn chung với bún, thịt quay, cà chua xắt lát. Cái sự tham gia của cà chua trong tô bún này thực là một sự có mặt rất đáng giá vì nó đã đánh bại cái cảm giác ngán ngẩm khi người ta ăn thịt heo béo ngậy. Và một bữa ăn cùng 6 lon bia Sài Gòn như rứa, có giá chỉ 5 đồng Mỹ.



3. Gỏi cá trích

Mấy ông đầu bếp ở khu nghỉ dưỡng Blue Lagoon, Phú Quốc thực là đã dụ dỗ được chúng tôi bằng cái món khai vị nhỏ xinh này. Cá trích tươi rói mới bắt lên, được phi lê một cách chuyên nghiệp, rồi bày trên một cái bánh tráng siêu mỏng cùng với rau xà lách, húng quế, dứa tươi, dừa nạo và nước chanh. Ăn nó bằng cách cuộn lại và chấm trong nước chấm pha từ nước mắm với chanh. Mặn, ngọt, chua, thơm và tất cả phối hợp với nhau để tác động lên khẩu vị, khiến cho nó trở thành miếng ăn không thể quên trong suốt cả tuần.



4. Đậu rồng

Nghĩa của nó là cái loại đậu có hình dáng như con rồng, với bốn cạnh có khứa dễ thương. Vị của nó hơi giống đậu tuyết và măng tây nhưng bên trong lại mọng nước. Hầu như người ta đều chế biến đậu rồng này theo cách xào với nước mắm, hành lá, và một chút xíu chanh. Cái thứ đậu này có khả năng trở thành thứ đậu bá đạo nhất xứ xở Quê Kỳ (Mỹ) nếu mà người ta biết cách nuôi trồng chúng cho ngon lành. Tôi, ít nhất cũng sẽ là một fan trung thành của nó.



5. Bò lá lốt

Thứ lá nguyên liệu hiếm hoi tại Mẽo, nhưng rất phổ biến ở Việt Nam là lá lốt, hay còn gọi là lá lốp. Lá lốt bình thường có nhiều loại vị, nhưng khi đã nướng lên, thì hương vị của nó bỗng dưng biến ảo, trở nên một cái gì đó tương tự như vị củ cải hòa với vị tía tô. Bò lá lốt bao gồm thịt bò ướp với tỏi, nước mém, sau đó bọc trong cái lá lờ ốt lốt này, rồi nướng trên than củi. Sau đó ăn kèm với chút ngò và đậu pộng rang. Đúng lý ra nó được bán kèm trong thực đơn BÒ BẢY MÓN (nghĩa là Bảy kiểu đồ ăn từ thịt bò), nhưng bạn có thể tìm ở trong nhiều hàng quán khác bằng cách hửi coi nơi đó có thoang thoảng cái mùi thơm hấp dẫn không thể lẫn lộn của than và chút chi ngọt ngọt.



6. Đầu gà chiên

Không biết người Việt họ gọi món này là chi, vì mấy hàng quán ở chợ Tân Định bán chớ không có giới thiệu tên. Nhưng tôi đoán là tên của nó không ngoài ba chữ “đầu gà chiên”, hoặc sến hơn một chút thì phải là: “Mũ miện Bóng Tối Ngọt Ngào của Loài Gia Cầm Siêu Dị”, túm lại là không quan trọng. Đơn giản nhưng gây nghiện. Xì dầu đã làm cho lớp da gà ngọt như kẹo. Thịt chỗ cổ thì mềm và gặm một phát là tới phần xương. Mỏ, mắt, óc não và lưỡi,… tất cả giòn tan trong miệng bạn và cảm giác này chắc phải mô tả là “giống như đang ăn bắp-gà-rang-bơ”.



7. Hột vịt lộn:

Món ăn này thường được biết tới với tên balut hoặc hột dzịt lộn. Nó là trứng vịt đã thụ thai và được ấp ở mô đó trong tầm 18-21 ngày, vừa đủ để lòng đỏ trứng phát triển thành một phôi thai với đầy đủ mỏ mắt, thân thể và lông lá. Trứng được luộc trong 20 phút và được dọn ra nguyên trái chưa lột vỏ, kèm theo chút muối tiêu, chanh và rau răm. Có thể tưởng tượng là hương vị của nó sẽ nằm chơi vơi đâu đó ở khoảng giữa trứng và thịt vịt. Và phải ăn mới biết. Nó có hương vị rất là đặc trưng, tôi muốn nói là có dạng như hormonal và thủy sản. Cái miếng ăn của nó thì từa tựa như nhím biển với lòng trắng luộc và mấy thứ dai dai. Có khó nuốt không? Dĩ nhiên! Nhưng muối tiêu đã giải quyết được vấn đề. Món này chắc chắn không hợp với tất cả, nhưng còn với tôi, phải thú nhận là tôi đã được thưởng thức một vị ngon làm từ phôi con vịt.



8. Cơm tấm:

Cơm tấm với thịt heo nướng thì đã quá quen thuộc ở các nhà hàng Việt Nam tại Mỹ, nhưng thú thực là tôi chưa bao giờ ăn được cái dĩa cơm tấm nào ngon như lần này. Sườn nướng được ướp bằng nước mắm, mật ong và tiêu trắng, miếng chả cua được bọc lớp trứng mỏng và phần bì lợn mềm dai quyến rũ. Nhưng cái nổi bật nhất trong món này là cơm: dẻo, ngọt, thơm tho và cấu trúc không đều đặn của gạo tạo nên sự thú vị bất ngờ cho cái miệng. Trong lịch sử, gạo tấm từng được coi là đồ thứ phẩm, chỉ giành cho nông dân nghèo. Nhưng với bàn tay của mình, họ đã biến thứ gạo thứ phẩm này thành một món ăn hết sức gợi tình.



9. Chè vải hột sen.

Phần lớn mấy cái món tráng miệng ở Việt Nam là không làm tôi ấn tượng, nhưng có một món ở quán Cục Gạch tại Sài Gòn đã trở thành một trong những món tráng miệng ngon lành nhất mà tôi được bỏ vô miệng. Món ăn này có bề ngoài thật đơn giản với màu đơn sắc trong một cái chén sứ nhạt nhẽo, với ba thành phần chuẩn không phải chỉnh: vải tươi, hột sen trong nước đường phèn mát lạnh.

Bài và ảnh: theo Ed Lee (foodandwine.com)
Bé Bủm dịch.

Cách nấu Canh mít non lá lốt

Canh mít non lá lốt là một món ăn dân dã nhưng rất ngon miệng, tuy công thức này có bỏ thêm tôm và thịt ba chỉ, nhưng vẫn không làm mất đi hương vị cây nhà lá vườn của nó.

Nguyên liệu:

  • 200g mít non
  • 100g tôm
  • 100g thịt ba chỉ
  • Một nắm lá lốt
  • Hành củ, chút hành lá
  • Mắm ruốc, gia vị.


Sơ chế:

– Mít gọt vỏ, bỏ cùi, rửa sạch sẽ sau đó xé ra từng miếng nhỏ vừa ăn.
– Lá lốt xắt sợi 0,5cm.
– Múc 1/2 muỗng canh mắm ruốc hòa với nước cho tan, sau đó dùng rây lọc bỏ cát, bụi, giữ phần nước pha lại.
– Hành củ xắt lát mỏng. Hành lá xắt nhỏ.
– Tôm lột vỏ, bỏ đầu đuôi, rút chỉ đen, sau đó chà qua muối rồi rửa lại bằng nước sạch, để ráo.
– Thịt ba rọi rửa sạch cắt thành miếng nhỏ, dài rộng cỡ 2 đốt ngón tay.
– Sau đó ướp tôm + thịt + chút muối + chút nước mắm + chút bột ngọt trong 15 phút.

Thực hiện:

– Bắc cái nồi lên bếp, cho ít dầu ăn vào đun nóng rồi bỏ hành củ thái lát và hành lá xắt nhỏ vào phi thơm. Sau đó cho thịt và tôm vào xào săn.
– Đổ nước lạnh vào một lượng đủ nấu canh, đổ hết nước mắm ruốc vào, đun cho sôi.
– Nước sôi cho mít vào nấu tới khi chín mềm. Nhỏ lửa, nêm nếm lại bằng nước mắm, bột ngọt (hạt nêm) cho vừa ăn.
– Đun sôi lại lần nữa rồi tắt bếp. Cho lá lốt vào khuấy đều là xong.
– Ăn nóng với cơm. Khi ăn làm chén nước mắm ớt ăn kèm để thêm phần kích thích.

Bé Thúi

Cách làm Dưa cải muối chua

Dưa cải muối chua (cải chua) là món ăn phổ biến khắp ba miền. Ngoài việc dùng như một loại thức ăn, dưa cải muối còn là nguyên liệu trong các món canh chua, cá kho, thịt kho… rất ngon và hao cơm. Cùng xem qua cách làm dưa cải muối dưới đây để giành sẵn cho gia đình một hũ dưa chua sạch sẽ, tiện lợi nhé!

Nguyên liệu:

  • 1 ký cải xanh, ra chợ hỏi loại cải lá to để muối dưa
  • 1/2 lít nước vo gạo
  • Nước
  • Muối hột, đường
  • Hành củ, hành lá (số lượng tùy thích)

(Có thể cho thêm ớt, tỏi vào muối nếu bạn thích ăn cay và thích mùi tỏi)

Cách làm:

  • Sơ chế:

– Hành lá rửa sạch, cắt lấy phần đầu hành (chỉ dùng phần này). Hoặc dùng luôn phần lá cũng được nhưng theo mình thì nên cất tủ lạnh làm món khác ngon hơn.
– Hành củ chẻ múi ra làm đôi
– Cải mua về đem cắt ra từng khúc vừa ăn (dài và to 1 tí vì cải sẽ teo lại sau khi phơi và muối). Hoặc để nguyên cây muối cũng được, mỗi lần ăn thì cắt ra.

– Sau đó đem cải và dầu hành ra phơi ngoài trời một tí cho hơi héo. Nếu không có nắng bỏ vô rổ cho ráo nước, để một góc chờ cho héo.
Sau khi cải và hành hơi héo rồi, thì đem rửa sạch.

– Nấu một nồi nhỏ nước sôi rồi lấy 1/2 lít nước bỏ ra riêng để muối dưa. Phần nước còn lại dùng để ngâm tráng hũ muối dưa cho sạch trước khi muối.

  • Pha nước muối dưa:

– Phần nước sôi bỏ ra riêng khi nãy, ta chờ một chút cho nước bớt nóng (còn ấm), sau đó đổ nước vo gạo vào, pha thêm 2,5 muỗng canh muối hột, 1 muỗng canh đường, khuấy cho tan.

  • Muối dưa:

– Cho cải, hành củ chẻ đôi và hành cọng vào lọ, xếp theo lớp cho dễ gắp: 1 lớp dưa, 1 lớp hành…Ép cho chặt xuống rồi mới đổ nước muối dưa lên trên cho ngập dưa. Có thể dùng cái dĩa nhỏ bỏ vào lọ để chặn không cho dưa nổi lên trên. Không thì làm như ngoài tiệm, bỏ nước vô bịch nilon cột lại rồi thả vào đè dưa xuống.

– Sắp xếp chèn ép đâu vào đó rồi thì đậy nắp lại. Để hũ dưa vào nơi khô thoáng khoảng 3-4 ngày là ăn được. Nếu muốn nhanh chua thì mỗi ngày đem hũ dưa ra phơi nắng vài tiếng.

– Dưa thành phẩm sẽ có màu hơi vàng óng nhờ muối bằng nước vo gạo. Dưa ngon là dưa cọng giòn (nhờ đường), đủ độ dai (nhờ phơi héo), không quá chua, cũng không mặn quá không tốt cho sức khỏe.

*** Nước dưa cũ sau khi ăn hết thì chừa lại một ít để cho vào lọ muối dưa mới, làm vậy sẽ muối nhanh chua hơn.

Bé Thúi