MÓN TIẾT CANH CƯỚP ĐI MẠNG SỐNG CỦA HÀNG CHỤC NGƯỜI

Tiết canh là món ăn độc đáo của Việt Nam, tuy vậy tình trạng người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn từ món ăn này hiện đang ở mức báo động.

82 người nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh, 10 người tử vong tính từ đầu năm đến nay, theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

Riêng tại Hà Nội có đến 17 ca mắc liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh, 2 người đã chết. Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều người dân cho rằng lợn sạch, lợn nhà nuôi thì không sợ bệnh nên thoải mái ăn tiết canh, thịt lợn tái… Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng con lợn đó không mang liên cầu khuẩn. Rất nhiều bệnh nhân ăn thịt lợn chưa nấu chín kỹ, tiết canh do lợn nhà nuôi nhưng vẫn bị bệnh liên cầu khuẩn.

Để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân không nên ăn tiết canh, lòng, tim, gan chần tái. Ảnh:N.P. 

Khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, ngoài ra do ăn nem chạo sống và số ít người nhiễm từ việc chăn nuôi lợn bệnh. Một khảo sát năm 2014 trên VnExpress.net “Bạn có ăn tiết canh không” cho thấy trong số hơn 1.000 người thì có đến 7% trả lời ăn thường xuyên, 45% thỉnh thoảng và 48% không ăn.

Người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, đến 40%.

Tiến sĩ Bắc khuyến cáo, bệnh xảy ra rải rác quanh năm, nhưng vào những tháng gần cuối năm gắn liền với Tết âm lịch thường có xu hướng gia tăng. Để phòng bệnh, người dân không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…); không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…

Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bệnh cũng có biểu hiện tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng.

Ngoài mầm bệnh liên cầu lợn, ăn thịt lợn chưa chế biến kỹ còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán, giun xoắn… Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) từng tiếp nhận một bệnh nhân có khoảng 50 ổ sán trên não. Bệnh nhân này thường xuyên ăn lòng lợn tiết canh và rau sống.

Nam Phương (VnExpress.net)

SÀI GÒN: THỰC KHÁCH MÚC ĐƯỢC CHUỘT CHẾT TRONG NỒI LẨU

Thông tin một nhóm thực khách đi ăn lẩu cua phát hiện nguyên con chuột chết trong nồi đang gây xôn xao cộng đồng mạng.

Trên Facebook đang lan truyền rất nhanh những hình ảnh kèm theo trạng thái bức xúc của một người dùng Facebook tên T.L.H.T, khi cô gái này cho biết người thân của mình đã ăn phải món “lẩu chuột chết” trong một nhà hàng ở quận Phú Nhuận.

Kèm theo một bài kể khá chi tiết là những hình ảnh, trong đó có ảnh một con chuột nằm trong tô lẩu bún, khiến nhiều người rùng rợn.

Chuột trong nồi lẩu

Theo cô gái này, tối 20-11, gia đình cô dẫn họ hàng từ ngoài Bắc vào đi ăn một quán lẩu trên đường H.L, quận Phú Nhuận. Khi ăn gần hết nồi lẩu, “cạn nước, hết cua, hết rau”, mọi người mới tá hỏa khi phát hiện nguyên một con chuột chết nằm dưới đáy nồi.

Status của T.L.H.T.

Vụ việc đang rất nóng hổi trên Facebook. Bên cạnh những ý kiến chỉ trích nhà hàng bất cẩn trong khâu chế biến, thì cũng có nhiều ý kiến rằng họ cảm thấy nghi ngờ về con chuột. “Không hiểu sao họ lại có thể ăn hết nồi lẩu mới phát hiện ra con chuột”, “Con chuột nằm trong nồi lẩu tới cuối bữa ăn, mà vẫn còn nguyên vẹn thế kia thì thật lạ”…

Cô T.L.H.T cho biết, tuy rằng cô không phải người trực tiếp chứng kiến vụ việc, nhưng sau khi được nghe người thân kể lại và gửi hình ảnh, cô đã quyết định lên tiếng:

Mình viết bài này vì muốn đánh động xã hội hiện trạng vệ sinh thực phẩm. Nếu khách ăn im lặng thì những quán kiểu này vẫn tồn tại, và bao nhiêu người đã bị đầu độc. 1 tiệm đóng cửa thì những tiệm khác mới làm ăn đàng hoàng”.- Cô gái cho biết.

Nhà hàng nói gì?

Sau khi vụ việc gây sốt trong dư luận, đại diện nhà hàng đã đứng ra xác nhận vụ chuột trong nồi lẩu là có thật. Theo nhà hàng, có thể chuột rơi từ trần nhà vào nồi lẩu, chứ không do sơ suất của nhà hàng. Tuy nhiên, nhà hàng cũng đã nói lời xin lỗi và cam kết không để vụ việc lặp lại.

Bảo Nhân (tổng hợp)

BẮT QUẢ TANG CƠ SỞ SẢN XUẤT ‘KHÔ BÒ’ TỪ PHỔI HEO THỐI TẨM HÓA CHẤT

Khô bò là món ăn được ưa chuộng đối với giới học sinh, sinh viên, vậy nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ chất lượng của loại đồ ăn vặt rẻ tiền này. Mới đây, một cơ sở chế biến ‘khô bò’ tại Bình Chánh, TP. HCM đã bị bắt quả tang khi đang “hô biến” phổi heo thành khô bò để bán ra thị trường.

Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, TP HCM vừa đưa ra quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất khô bò của bà Thạch Thị Sa Rương (quê Trà Vinh), vì hành vi sản xuất khô bò trái phép từ…phổi heo.

Khô bò (trong thau) nằm ở nơi bẩn thỉu, rác rưởi. Ảnh: Trạm thú y Bình Chánh

 

Theo đó, cách đây hai tuần, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Bình Chánh đã cho kiểm tra bất ngờ cơ sở làm khô bò của bà Rương tại xã An Phú Tây. Đoàn đã phát hiện một nồi nhôm loại lớn đang dùng để nấu hàng chục ký phổi heo bốc mùi hôi thối. Kế đó là một thau lớn bằng nhựa đựng phổi heo sống bốc mùi, ruồi nhặng bu đầy. Dưới nền đất là những thau nhựa đựng hàng chục kí “bò khô” thành phẩm màu đen. Những thau này nằm xen lẫn với nước bẩn, rác rến.

Đáng lưu ý là cơ quan chức năng đã thu giữ được những chai bằng nhựa chứa một loại nước màu đen, có mùi tương tự mùi thịt bò. Bao ghi toàn chữ nước ngoài, đựng một loại bột màu trắng. Cùng với đó là một nồi nhôm to đựng một loại nước sền sệt màu đen bốc khói.

Ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, nơi này đang có 47 ký “khô bò” đã hoàn thành, 27kg phổi heo sống và 31 kg phổi heo đang nấu. Cơ sở này cũng không đưa ra được bất cứ giấy tờ, chứng từ nào liên quan đến việc sản xuất.

Nồi nấu “khô bò” và túi chất bảo quản ghi toàn tiếng nước ngoài. Ảnh: Trạm thú y Bình Chánh

 

Theo khai báo của chủ cơ sở, phổi heo được mua từ các chợ, về nấu chín rồi cho vào nồi nước đen pha chế từ chất tạo màu, mùi bò, chất bảo quản để nấu thành “khô bò”. “Khô bò” này được bà Rương đem bán cho các tiểu thương ngoài chợ hoặc người bán gỏi đu đủ (gỏi bò khô) với giá chỉ 30 ngàn đồng một kí.

Đoàn kiểm tra quyết định tiến hành lấy mẫu “khô bò” để đem về phân tích, xét nghiệm. Nhưng ngay sau đó, bà Rương thừa nhận hành vi sai trái rồi làm tự nguyện làm đơn tiêu hủy toàn bộ nguyên liệu chế biến và khô bò thành phẩm. Trong đơn cho biết bà chịu toàn bộ phí tiêu hủy.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, phổi heo vốn đã không tốt cho cơ thể vì nhiều cholesterol xấu. Phổi heo hư thối khi dùng làm thực phẩm không mang lại giá trị dinh dưỡng, thêm với những hóa chất không rõ nguồn gốc, khả năng sẽ gây nguy hại đến gan, thận, hoặc ngộ độc cho người dùng.

Toàn Chân (tổng hợp)

HẠT TRÂN CHÂU TRONG TRÀ SỮA “LÀM TỪ ĐẾ GIÀY, LỐP XE”

 

Một phóng sự của đài truyền hình tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, cho thấy có cáo buộc một số cơ sở sản xuất món trân châu đã cho da và cao su vào trong thành phần nguyên liệu.

Theo đài Sơn Đông, ngày 22-10-2015, một phóng viên tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc đại lục) đã uống một ly trà sữa và ăn phần trân châu trong đó. Sau đó anh cảm thấy khó chịu và đi bệnh viện kiểm tra.

Những hạt trân châu trong dạ dày của phóng viên (khoanh đỏ). Ảnh chụp từ ShandongTV

Kết quả nội soi cho thấy dạ dày của phóng viên này chứa rất nhiều hạt trân châu dồn lại một nơi chứ không hề tiêu hóa.

Đài truyền hình tỉnh Sơn Đông đã đưa sự việc này lên một chương trình của họ. Tại đây, các nhà khoa học của trung tâm thí nghiệm Hóa học thuộc Thanh Đảo đại học đã đem những hạt trân châu tìm được từ dạ dày của người phóng viên trên đi phân tích thành phần, nhưng không thể xác định nó làm từ những gì. Những hạt trân châu này được họ mô tả là “rất bám dính”.

Cũng trong chương trình này, đài có phỏng vấn một người bán hàng trà sữa tại Sơn Đông, người này nói rằng họ cũng không biết trong mấy viên trân châu đó có gì. Tuy vậy, đến khi phỏng vấn một chủ hàng trà sữa khác, người này nói thẳng: “Tất cả đều làm từ nhà máy hóa chất. Nói thẳng ra, là làm từ đế giày và lốp xe cũ”.

Theo người chủ hàng này, trân châu được làm từ lốp xe, đế giày tại nhà máy hóa chất.

Trà sữa trân châu là món thức uống hấp dẫn bắt nguồn từ Đài Loan và nay đã lan rộng ở các quốc gia nói tiếng Hoa cũng như những nước châu Á. Tuy vậy, những hạt trân châu trong trà sữa từ lâu đã là vấn đề đối với các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở nhiều quốc gia. Nhiều nước đã cấm sử dụng loại hạt này, trong khi đó, trân châu cũng đã gây nhiều bê bối ở Đài Loạn, Philippines. Năm 2012, một nghiên cứu ở Đức kết luận một số mẫu trân châu có chứa những chất gây ung thư.

Tú Anh (theo www.hongkongfp.com)

GẮP HÀNG NGHÌN HẠT ỔI ĐÓNG KHỐI TRONG RUỘT BÉ TRAI

 

Một bé trai ở Trảng Bom, Đồng Nai đã đến bệnh viện cấp cứu vì đau bụng, ói và đại tiện ra máu, tại đây các bác sĩ mới phát hiện trong ruột bé có một khối bã từ hạt ổi bị mắc kẹt, gây tắc nghẽn.

Theo VnExpress, bé T. được gia đình đưa đi bệnh viện nhi đồng tỉnh Đồng Nai cấp cứu sau khi cho uống thuốc ngộ độc thực phẩm mà không hết. Bé vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, bụng trương lên, nôn mửa, đi ngoài ra máu.

Phẫu thuật lấy hạt ổi khỏi ruột bé trai. Ảnh: Thụy Ân

Theo bác sĩ Vũ Công Tầm, trưởng khoa phẫu thuật gây mê-hồi sức của bệnh viện này, thì sau khi khám và chụp x-quang cho bé, các bác sĩ phát hiện trong ruột bé có một khối rắn dạng bầu dục to khoảng 5×10 cm. Khối rắn này nằm chặn ở cuối ruột non gây tình trạng tắc nghẽn, làm phần trên ruột phình lớn, trong khi phần dưới teo xẹp.

Đội ngũ bác sĩ quyết định nhanh chóng tiến hành phẫu thuật cho bé. Khi phẫu thuật, tổ bác sĩ đều ngạc nhiên khi nhận ra khối rắn ấy làm từ hàng nghìn hạt ổi đường kính từ 1-2mm, được đóng bã thành tảng cứng. Ca phẫu thuật sau đó thành công, không có biến chứng gì. Bé cũng đã dần hồi sức, bình phục và ăn uống được.

Qua vụ việc, các bác sĩ khuyên các bậc cha mẹ nên lưu ý dạy trẻ ăn chậm, nhai kĩ, cẩn thận với những thức ăn khó tiêu để phòng tắc ruột. Tốt hơn là không nên cho trẻ tự ăn những quả có hạt khó tiêu như ổi, nhãn, chôm chôm… Nếu muốn cho bé ăn, cha mẹ nên tự tách hạt ra cho bé.

Theo Thụy Ân (VnExpress)

5 LOẠI THỰC VẬT LAI KỲ LẠ NHẤT

Dù thường đọc truyện viễn tưởng, truyện Doraemon, nhưng bạn vẫn sẽ bất ngờ khi biết rằng người ta đã lai tạo ra những loại thực vật sau đây: 

1. TOMTATO

Tomtato là loại cây lai từ khoai tây và cà chua. Phần thân của nó cho ra quả cà chua bình thường nhưng phần rễ lại phát triển thành củ khoai tây, và người ta có thể thu hoạch cả hai thứ cùng lúc. Loại cây này được tạo ra nhờ cấy ghép chứ không phải biến đổi gene như nhiều người nghĩ.

2. Plumcot

Plumcot là loại quả được lai từ mận Nhật và mơ bình thường. Ngoài vị ngon của mận, quả còn có hương thơm đặc trưng của mơ khiến nhiều người thích thú.

3. Quả mâm xôi trắng

Mâm xôi trắng, chứ không phải đỏ hay đen như thường thấy, là loại mâm xôi lai từ crystal white (mâm xôi nâu) và mâm xôi lawton. Vị của nó cũng rất ngon miệng. Tuy vậy nhiều người thích màu đỏ, đen bình thường hơn là màu trắng nhợt nhạt này.

5. Xương rồng không gai

Xương rồng không gai khác với xương rồng bình thường đó là chúng cần được tưới nước thường xuyên, không thể sống ở sa mạc.

Bảo Tố (tổng hợp).

KINH HÃI TRÁI CÂY ‘ĂN’ HÓA CHẤT

Chuyện hoa quả cũng như các thực phẩm bị người bán tiêm hóa chất để làm lợi bất chính là chuyện có từ rất lâu. Tuy vậy, vấn nạn này chưa có dấu hiệu lắng xuống mà dường như ngày càng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

– Thịt heo bị tiêm thuốc an thần, rau củ quả tàn dư hóa chất độc hại, sầu riêng bị nhúng hóa chất làm chín sau một đêm, nguy hiểm không?

Khó phân biệt trái cây chín tự nhiên và trái cây bị nhúng, tiêm hóa chất gây chín – Ảnh: Thuận Thắng

Câu chuyện những công nhân ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) ngất xỉu vì ảnh hưởng trong quá trình nhúng sầu riêng vào hóa chất làm chín trái cây, một lần nữa làm hàng ngàn bạn đọc lo lắng, đặt câu hỏi về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngày nay.

Sau thịt lợn bị tiêm thuốc an thần, rau củ quá tàn dư hóa chất độc hại, sầu riêng bị nhúng hóa chất để làm chín sẽ là gì?

Người nội trợ lo lắng

Chị Tân Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể chị thường mua trái cây ở một chỗ quen. Một hôm vì thèm ăn mít nên chị ra hỏi mua thì người bán bảo “hôm nay đừng ăn, mai có mít chín cây tui bán cho”. Nghi ngờ, chị Thanh hỏi lại vậy hôm nay mít bị làm sao thì người này trả lời mít không ngọt, không thơm lắm vì được làm chín bằng thuốc.

“Là chỗ quen biết nên họ nói thì mình mới biết, nếu không chẳng cách nào phân biệt được. Người bán hàng còn chỉ mình là khi mua mít phải nhìn cái cuống, nếu thấy những lỗ li ti thì chắc chắn mít đó chín bằng thuốc thúc chín rồi”, chị Thanh kể.

Phóng viên Tuổi Trẻ đến một cửa hàng bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) hỏi mua thuốc ép chín sầu riêng thì được nhân viên đưa ngay một chai thuốc dung tích 0,5 lít với dòng chữ “phân bón lá cao cấp” trên bao bì.

Theo lý giải của nhân viên ở đây thì việc ghi nhãn “phân bón lá” là để lách sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Các công nhân đang sơ chế sầu riêng tại cơ sở của của Công ty TNHH MTV Kim Quý (Krông Pắk, Đắk Lắk) sáng 24-8 – Ảnh: TRUNG TÂN

Mắt thường khó phân biệt

Thạc sĩ Bùi Thị Minh Thủy, giảng viên khoa công nghệ hóa học và thực phẩm Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, cho biết bằng mắt thường rất khó phân biệt trái cây chín cây và trái cây chín bằng cách tiêm hóa chất.

Tuy nhiên, dựa vào những kinh nghiệm có được, cô Minh Thủy cho biết có thể nhìn vào màu sắc và hình dáng của quả để phán đoán.

“Ví dụ như chuối, chuối ủ thường có màu sắc rất đẹp, căng bóng, trong khi chuối chín tự nhiên thì màu hơi lem nhem, da không bóng. Sầu riêng hay mít thì nên chọn loại gai nở, mắt nở.

Mít chín tự nhiên sẽ có vị ngọt, mít chín bằng cách ngâm hóa chất thì không ngọt được như vậy. Sầu riêng cũng vậy, nếu chín bằng cách ngâm hay tiêm hóa chất để chín liền thì múi sầu riêng sẽ không mềm, ăn vào hơi sượng sượng”, cô Thủy chia sẻ.

Táo, lựu, hồng Trung Quốc được bày bán tại một sạp trái cây ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Tiến sĩ (TS) Phạm Văn Tấn, phó giám đốc Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, cho biết trái cây được ủ chín bằng đất đèn hay khí ethylene sẽ chín đồng đều hơn không chỉ trong phạm vi một trái mà cả một lô trái cây so với để chín tự nhiên.

Ví dụ, chuối hay xoài hoặc cam khi được ủ chín sẽ có màu vàng ươm và rất đồng đều về màu sắc. Thịt của trái cũng có độ cứng rất đồng đều. Chín tự nhiên sẽ không được như vậy.

Một thương lái bật mí: sầu riêng bị chấm hóa chất làm chín hay bị đen thâm phần đít trái.

Hóa chất có thể gây ngộ độc, ngất xỉu, hỏng mắt

TS Võ Thái Dân, trưởng khoa nông học Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, cho biết về bản chất, chín là quá trình chuyển từ tinh bột thành đường trong trái cây.

“Hôm nay xử lý để ngày mai trái cây chín liền thì rõ ràng tinh bột chưa chuyển hóa kịp, chất lượng quả sẽ bị dở đi”, TS Võ Thái Dân nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Văn Tấn cho biết các nước thường dùng ethylene để làm chín trái cây.

Chất này không độc nhưng lại đắt tiền nên ở nhiều người ở Việt Nam thường sử dụng loại rẻ tiền hơn là acetylene và ethephon để làm chín trái cây.

TS Nguyễn Văn Phong, trưởng phòng công nghệ sau thu hoạch, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, đánh giá nguồn tạo ra khí ethylene ngoại sinh (như ethephon) để làm chín phải được kiểm định rõ ràng và có quy định về liều lượng được sử dụng trên trái cây sau thu hoạch bởi “nếu sử dụng những nguồn ethephon trôi nổi trên thị trường, dòng ethephon sử dụng trước thu hoạch và đã trộn với nhiều loại thuốc khác nhau nữa thì rõ ràng là có nguy cơ đối với sức khỏe con người”, ông Phong nhận định.

Kéo dài tuổi thọ trái cây bằng hóa chất – Ảnh Khương Văn

Theo TS Phạm Văn Tấn thì việc sử dụng acetylene để làm chín trái cây là phương pháp mà nhiều người ở Việt Nam, Ấn Độ… thường sử dụng. Cùng một lượng trái cây, tính về nồng độ, nếu chỉ cần dùng 1 phần khí ethylene thì cần đến 10 phần Acetylene để ủ trái cây chín được như nhau.

Acetylene hay còn gọi là “khí đá”, được sinh ra từ phản ứng của đất đèn với nước. Khí acetylene có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người trong một thời gian dài.

Nếu tiếp xúc với khí acetylene ở nồng độ trên 33%, con người có thể bị ngất xỉu. Các triệu chứng của ngộ độc acetylene thường là khát nước, khó nuốt, cảm thấy yếu, ói mửa đôi khi có máu, cảm giác ngứa ngáy ở miệng, cổ họng hay mũi; cảm giác cháy rát da và có thể làm hỏng vĩnh viễn mắt và một số triệu chứng khác nữa.

“Mặc dù ủ chín trái cây bằng khí acetylene rẻ hơn và dễ tìm nhưng nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn cho người sử dụng nếu không biết dùng đúng cách”, TS Tấn nói.

Do đất đèn có chứa hợp chất của hydro với phosphorus nên có mùi hôi và rất độc. Do đó, nó đã bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Ấn độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Việt Nam và một số nước khác vẫn còn dùng chất này để ủ chín trái cây.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương thì điều đáng lo ngại chính là làm sao kiểm soát được liều lượng, nồng độ mà người tiêm tiêm vào trái cây để làm chín.

Ăn vào có thể gây ảnh hưởng gan, mật, các triệu chứng về tim mạch

Bên cạnh đó, nếu bơm liều lượng lớn vào trái cây thì ethephon có thể kết hợp với nitrate có sẵn trong trái cây và tạo ra ethylene glycol dinitrate.

“Ngưỡng an toàn của ethylene glycol dinitrate thấp hơn của ethephon và có thể gây ra các triệu chứng về tim mạch như tim đập nhanh, loạn nhịp tim hoặc nhức đầu, chóng mặt và thậm chí là ảnh hưởng gan, mật”, bác sĩ Phương nói.

Bạn đọc Cay Tram chia sẻ việc bơm hóa chất làm chín trái cây có thể giết chết thương hiệu Việt vừa làm suy giảm sức khỏe người tiêu dùng.

“Cần phải có quy định nghiêm ngặt những người bán các loại thuốc bảo vệ thực vật, ghi tên địa chỉ người mua, và có nhật ký bán hàng để đối chiếu với hàng tồn kho và hàng nhập, truy nguồn gốc, phạt nặng những cơ sở không chấp hành …”, bạn đọc viết.

VÕ HƯƠNG – AN NHIÊN – TÀI PHONG

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/tieu-diem/20150826/kinh-hai-trai-cay-an-hoa-chat/958281.html

PHÁT HIỆN TRỨNG GÀ CỰC HIẾM: 11 TỶ QUẢ MỚI CÓ MỘT QUẢ

Chúng ta đã quá quen thuộc với những quả trứng có 2 lòng đỏ, thậm chí hiện tại ngoài chợ cũng có bán riêng loại trứng này, muốn mua bao nhiêu cũng có. Tuy vậy, trứng 4 lòng đỏ thì thật là quá kỳ lạ.

Quả trứng có 4 lòng đỏ của bà Yan khi so sánh với những quả trứng một lòng đỏ thông thường khác. Ảnh: cfp.cn

 

Vào ngày 17/8, Bà Yan, sống tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã vô cùng bất ngờ khi phát hiện một quả trứng có tới 4 lòng đỏ bên trong.

“Tôi đang chuẩn bị cho bữa cơm tối của gia đình. Tôi đập quả trứng ra, và thực sự hoảng hốt: tại sao nó có tới 4 lòng đỏ bên trong một quả trứng?” – Bà Yan nói với phóng viên.
Theo bà Yan, quả trứng trông rất bình thường cả về hình dáng lẫn kích cỡ, trọng lượng.
Điểm khác biệt nằm ở bên trong: 4 lòng đỏ, và các lòng đỏ này đều rất nhỏ, tựa như lòng đỏ trứng cút.
Bà Yan thừa nhận bà sợ và không dám ăn quả trứng này. Bà cất trứng vào tủ lạnh và gọi nhà báo đến xem.
Theo thống kê, xác suất để có một quả trứng với 4 lòng đỏ là cực kì nhỏ: 1 trên 11 tỷ quả.
Tú Nhân

15 THỰC PHẨM CHỨA NHIỀU HÓA CHẤT NHẤT

Đây là những thực phẩm mà bạn cần phải lưu ý đến cách sơ chế cũng như nguồn gốc của nó, vì khi chế biến hoặc nuôi trồng, nơi sản xuất thường xuyên dùng đến các loại hóa chất có thể gây hại cho sức khỏe.

Dù bạn có mê đậu phụ, mướp đắng, nho hay tôm khô đến thế nào thì cũng nên hạn chế ăn hoặc phải tìm nguồn đảm bảo nhé.

Miến, bún, bánh phở

Các loại thực phẩm này có màu trong hơn bình thường là do người sản xuất đã dùng một số hóa chất tẩy trắng trong quá trình chế biến. Nếu miến, bún, bánh phở để qua đêm ở nhiệt độ thường mà không bị ôi, thiu là do người sản xuất đã cho thêm chất bảo quản (chủ yếu là phoóc môn) khi chế biến. Để đảm bảo an toàn, bạn có thể ăn các loại bún, bánh phở khô bán trong siêu thị hoặc tự làm.

Đậu phụ

Cà chua

Để cà chua chín đều, đẹp thì người trồng hay sử dụng các loại thuốc ủ chín hoa quả. Chính vì vậy, chọn những trái cà chua xanh và chờ chín dần để sử dụng thì sẽ an toàn hơn. Hoặc bạn có thể cho vào túi cà chua xanh vài quả táo để giúp cà chua chín nhanh hơn.

Cần tây

Trung bình, có tới 64 loại chất độc khó có thể được rửa trôi ở cần tây. Về cơ bản, rễ cần tây hấp thu cực tốt chất lỏng từ lòng đất, nhưng cũng thông qua cơ chế đó, các độc tố cũng dễ dàng được đưa vào thân rau. Nên hạn chế ăn loại rau này.

Giá đỗ

Nếu thân giá trắng, to, mập, giòn và hầu như không có rễ là những loại giá đỗ đã dùng chất tích nước và diệt phần rễ khi ngâm ủ. Những loại giá đỗ này, mặc dù chứa nhiều hóa chất độc hại nhưng lại rất hấp dẫn người tiêu dùng.

Khoai tây

Ngay từ giai đoạn thúc mầm, khoai tây đã được phun rất nhiều hóa chất để ngăn chặn sâu bọ hủy hoại phần mầm còn non và mềm. Phần đất xung quanh nơi trồng khoai cũng được rải hóa chất để ngăn các loại cây khác mọc chiếm chỗ. Quá trình tích lũy chất độc hại ngay từ ban đầu khiến khoai tây dễ nhiễm độc sâu từ cốt lõi.

Mướp đắng

Mướp đắng là loại thực phẩm được nhiều người ưa chuộng vì nó mát và bổ. Hơn nữa nhiều người còn dùng nó như một loại thực phẩm chức năng để chữa bệnh. Nhưng mướp đắng cũng đã bị “vạch mặt” là loại quả chứa nhiều thuốc bảo vệ thực phẩm, chất kích thích do người trồng hám lợi để phun vào quả để thu lời.

Táo

Thuốc trừ sâu phun trong quá trình trồng cực kỳ dễ bám vào vỏ táo và có thể ngấm sâu vào phẩn ruột táo bên trong. Nếu muốn ăn táo, hãy rửa thật kỹ lưỡng và gọt vỏ thật sâu trước khi ăn để giảm thiểu tối đa việc nhiễm độc.

Đào

Đào chỉ đứng sau cần tây về mức độ các chất độc khó rửa trôi bám trên vỏ.

Dâu tây

Dâu tây là một trong những loại quả được phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích nhiều nhất thế giới. Một số người còn đùa vui rằng dâu tây tự bản thân chúng đã có thể làm thuốc trừ sâu, bởi mức độ độc hại của nó đến… sâu cũng không chịu nổi.

Nho

Một quả nho duy nhất cũng có thể cho kết quả dương tính với 15 loại hóa chất khác nhau.

Lớp vỏ mỏng manh của lê không có nhiều tác dụng ngăn chặn các hóa chất thấm vào ruột quả. Chính vì vậy, lê khá độc.

Thịt heo

Nếu bạn nhìn thấy thịt chủ yếu là nạc mà hầu như không có thịt mỡ, thịt có mầu đỏ sẫm như thịt bò, đó là những loại thịt mà người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng chứa nhiều hóa chất corticoid.

Tôm khô

Vì lợi nhuận nhiều gian thương cũng đã tẩm phẩm màu có chứa hóa chất “biến” tôm thối thành tôm khô bắt mắt, thu hút người mua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để nước nấu cháo ngon ngọt, bạn nên dùng đầu tôm, vỏ tôm hơn là ninh nước tôm khô.

Mực đông lạnh

Nhiều chị em nội trợ mong muốn mua được món mực tươi ngon về cải thiện bữa ăn cho con mà không biết rằng người bán hàng đã phù phép mực ôi thối sau khi ngâm hóa chất công nghiệp sẽ bị “bào mòn” một nửa, từ màu đen xám và bốc mùi, mực trở nên trắng, giòn trước khi đưa ra thị trường. Xét về các loại hải sản, bạn nên chọn mua hải sản tươi cho con là tốt nhất.

Mimi tổng hợp

Ngoisao.net

Nguồn: http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/15-thuc-pham-chua-nhieu-hoa-chat-nhat-3265028.html

MẸO PHÂN BIỆT HOA QUẢ CHÍN ÉP VÀ CHÍN TỰ NHIÊN

Hoa quả cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, tuy vậy hiện nay trên thị trường hoa quả thường bị ngâm hóa chất để xanh lâu, chín ép, có thể gây hại cho sức khỏe. Sau đây là một số mẹo phân biệt các loại trái cây chín tự nhiên và chín ép trên thị trường. 

Đu đủ


Đu đủ chín cây thường cầm nặng tay, mềm, cuống còn nhựa dính. Những quả này vừa ngọt lại vừa thơm, ít hạt, thịt dày và mềm, có thể dễ dàng xúc bằng thìa.

Với đu đủ chín do thuốc, chúng sẽ có màu vàng óng, vỏ trơn, khi ấn tay vào không có độ lún. Khi gọt vỏ vẫn còn nhiều nhựa, khi ăn ruột không mềm, sượng mà vị ngọt rất nhẹ.

Mít


Mít là một trong những loại quả bị “ép chín” bằng thuốc nhiều nhất trên thị trường hiện nay, vì vậy cách nhận biết cũng khá dễ dàng.

Mít chín tự nhiên sẽ có những đặc điểm như gai nở to, màu xanh vàng, xam xám và chín đều từ cuống cho đến đít quả.

Nếu quả mít chưa già, có gai bên ngoài nhọn, dày đặc và có màu xanh tươi mà múi bên trong đã chín thì ắt hẳn là đã được “kích chín” bằng thuốc. Ngoài ra khu vực gần cuống quả mít (chỗ thường để tiêm thuốc kích chín) sẽ bị nhũn thối, trong khi phần đít quả lại vừa chín tới.

Sầu riêng


Với những quả sầu riêng bị ép chín bằng thuốc hay chín tự nhiên, người dùng có thể nhận biết bằng cách nhìn ngay cuống và gai của quả khi chọn mua.

Nếu cuống quả héo cũ, gai bầm dập, màu sạm cũ thì là quả bị cắt cây khi còn non và đã bị ngâm thuốc hoặc tiêm thuốc kích chín. Còn sầu riêng chín cây có cuống và gai tươi mới, xách lên ngửi sẽ cảm nhận hương thơm lừng tự nhiên.

Chuối


Chuối chín cây có da căng tròn, nhìn bên ngoài thấy màu vàng đậm, bóp nhẹ cảm nhận được độ mềm của ruột quả.

Trong khi chuối chín do thuốc có vỏ bên ngoài màu vàng rất đẹp mã, bắt mắt nhưng bóp vào quả chuối thấy cứng sượng.

Xoài


Xoài chín do dùng thuốc kích thích thường chín không đều, có xen kẽ sọc xanh, dễ bị sượng. Xoài chín cây sẽ có cuống tươi, da căng, chín từng mảng kéo dài từ cuống đến đuôi và từ phần bụng đến phần lưng quả. Những quả chín nhiều hơn sẽ có màu vàng đậm và bóp thấy thịt quả mềm.

Hồng xiêm

Loại hồng xiêm được ngâm hóa chất có màu vàng thẫm, vỏ trơn bóng hầu như không tì vết nên rất bắt mắt. Ngược lại, hồng xiêm chưa qua tẩm chất có thể nhìn thấy màu hơi xanh đồng thời có các vân rõ và vỏ thường không trơn bóng.

Cam, quýt


Cam quýt chín tự nhiên có cuống rất tươi, quả no tròn, các nốt tinh dầu trên vỏ nở to, chín từng mảng từ trên cuống xuống.

Cam chín do dùng thuốc sẽ cho màu chín vàng nhạt đều cả quả, cuống héo, các nốt tạo tinh dầu rất bé.

Thanh long


 Thanh long chín tự nhiên có vỏ mỏng, thân màu đỏ thẫm trong khi các gai trên quả có màu tươi đẹp. Còn thanh long chín do thuốc kích thích có màu đỏ nhạt, gai trên quả héo, vỏ dày, ăn vị rất nhạt.

Chôm chôm


Chôm chôm khi bị phun thuốc sẽ chín sớm nhưng nhanh héo. Thông thường, quá trình héo của của chôm chôm diễn ra rất nhanh, chỉ vài tiếng sau khi cắt khỏi cây.

Cách nhận biết chôm chôm bị phun thuốc là những quả có cành lá tươi roi rói nhưng râu trên quả lại héo queo, nhàu nhĩ. Chôm chôm chín cây sẽ cho quả có râu khỏe và tươi xanh, để 2-3 ngày sau vẫn chưa héo.

Măng cụt


Măng cụt chín cây có cuống rất tươi và chín từng mảng, từ đầu cuống xuống đít quả. Đối với măng cụt chín do thuốc sẽ có cuống thâm đen, khi ăn sẽ có vị rất chua.


Bòn bon

Với quả bòn bon, nếu chín tự nhiên thì dưới đít quả sẽ có dấu châm kim li ti, cuống quả còn tươi. Khi bóc ăn thử, bòn bon sẽ có vị ngọt thanh, thịt quả màu trong, hạt đen và nhỏ, đặc biệt không còn mủ.

Ngược lại, bòn bon chín do dùng thuốc kích thích sẽ có màu vàng đất bóng rất đẹp, không hề có dấu châm kim trên quả, còn cuống bị thâm đen, khi ăn có vị chua, thịt quả đục, hạt to có màu hồng và dính mủ vào tay rất nhiều.

Mimi tổng hợp

(ngoisao.net)

Nguồn: http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/meo-phan-biet-trai-cay-chin-tu-nhien-va-chin-ep-3263142.html

20.000 đồng một cây dưa hấu vỏ đỏ tí hon

Có vị ngọt dịu, vỏ dày và quả tròn, loại dưa hấu mới xuất xứ từ Đà Lạt được khuyến cáo nên dùng làm cảnh, vì muốn ăn phải bóc vỏ.

Dưa hấu tí hon vỏ đỏ có xuất xứ Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện được một cửa hàng cây cảnh online rao bán, với mức giá 20.000 đồng một cây. Khác với loại “dưa hấu chuột” vỏ xanh quen thuộc có vị chua, dưa hấu vỏ đỏ có quả tròn truyền thống, vị ngọt dịu và vỏ màu đỏ sọc trắng.

Theo chủ cửa hàng này, dưa hấu tí hon vỏ đỏ sinh trưởng trong điều kiện thường và khá phù hợp với thời tiết Việt Nam. Đây là loại cây leo thành giàn, thân mảnh, cho trái quanh năm. Do cây ưa nắng nên được khuyến cáo trồng vào cuối vụ xuân. Loại dưa này có thể sống được với thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều ở Việt Nam. Sau khi gieo hạt, 45-60 ngày sau cây sẽ ra hoa, và mất thêm 1 tháng để quả chín.

Loại dưa hấu tí hon mới đang được trồng thử nghiệm tại Đà Lạt có vỏ màu đỏ sọc trắng. Ảnh: NVCC.

Quả non của loại dưa này có màu xanh như dưa hấu tròn truyền thống, sau đó sẽ chuyển màu đỏ khi chín. Mỗi vụ, một cây trưởng thành cho khoảng 15-20 quả, có thể ra nhiều vụ một năm. Ngoài dùng ăn sống trong món salad, dưa hấu vỏ đỏ tí hon có thể dùng làm cảnh, do quả tươi lâu và cây có thể sống được tới 9 tháng.

Chủ cửa hàng cho biết, đây là giống cây mới và độc quyền. “Hiện nhà vườn đang trồng thử nghiệm và nhân giống đại trà. Những khách hàng đầu tiên có thể phải chờ thêm một tháng nữa mới có thể nhận cây con. Mức giá dự kiến là 20.000 đồng một cây, chưa tính phí chuyên chở và giao hàng”.

Trước đó, những loại dưa hấu tí hon vỏ xanh hoặc vàng cũng được nhiều khách hàng tại Việt Nam ưa chuộng. Quen thuộc nhất là “dưa hấu chuột” có hình dáng dài, vỏ xanh, vị chua, giá bán lên tới 1,3 triệu đồng/kg quả. Còn loại dưa hấu vỏ vàng giống Nam Mỹ (lớn bằng quả dưa lê, ruột vàng, không hạt) vị ngọt đậm được bán với giá 20.000 đồng một hạt giống.

T.A (Zing.vn)

Nguồn: http://news.zing.vn/20000-dong-mot-cay-dua-hau-vo-do-ti-hon-post567577.html

NGƯỜI BỊ TỊCH THU BÌNH TRÀ MIỄN PHÍ ĐƯỢC TRẢ LẠI, XEM XÉT TUYÊN DƯƠNG KHEN THƯỞNG

Sau một thời gian bị tịch thu thùng trà đã miễn phí, gây phản ứng mạnh của cộng đồng mạng, anh Trần Nam Anh đã được trả lại thùng trà, và còn được lãnh đạo phường cho biết sẽ xem xét tuyên dương, khen thưởng.

Chiều ngày 1/8, chủ tịch UBND phường Phương Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với những hoạt động từ thiện giúp người trên địa bàn từ các cá nhân, doanh nghiệp.

Trước đó, phường đã tịch thu bình trà miễn phí của anh Trần Nam Anh (địa chỉ 1031B đường Giải Phóng), và gặp phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng.

Qua xem xét, lãnh đạo phường Phương Liệt cho biết, ông hưởng ứng hành động này. Theo ông, việc làm của anh Trần Nam Anh là tấm gương để mọi người noi theo. Ông Hải cũng cho biết sắp tới sẽ họp xem xét tuyên dương việc làm của anh trước nhân dân. Bên cạnh đó, những người có việc làm tốt tương tự cũng sẽ được xem xét khen thưởng, tuyên dương trước mọi người.

Anh Trần Nam Anh kể chuyện lên phường Phương Liệt nhận lại thùng trà đá bị tịch thu vào chiều ngày 27/7.

Ngày 31/7, anh Trần Nam Anh đã được công an phường Phương Liệt mời đến trụ sở phường viết biên bản nhận lại thùng trà đá đã bị tịch thu vào chiều 27/7.

Trong buổi làm việc này, đại diện phường giải thích nguyên do tịch thu thùng trà miễn phí giành cho người nghèo, người lao động của anh, đó là việc để bình trà ở gốc cây vỉa hè đường Giải Phóng đã vi phạm quy định về vỉa hè, lòng đường.

Bên cạnh đó, đại diện phường cũng cho biết, vì anh Nam Anh để bình trà ở đó, nhiều người xe ôm, hàng rong sẽ để xe ở lòng đường khi ghé uống nước, gây cản trở giao thông.

Theo đó, anh Nam Anh không bị cấm đặt thùng trà đá miễn phí nữa, nhưng được yêu cầu phải để vào nơi hợp lý, đảm bảo không gây cản trở giao thông, lấn chiếm lòng lề đường.

Anh Nam Anh cho biết, sau buổi làm việc, anh được nhận lại bình trà đá và cốc đem về nhà mà không phải đóng phạt.

Ngày 1/8, sau khi đặt lại bình nước miễn phí, một số người thắc mắc vì thấy bình nước lần này là nước lọc. Anh Nam Anh cho biết, do hôm đó trời mưa to, công việc bị trở ngại nên anh không pha trà đổ v ào bình được. Những ngày sau anh sẽ tiếp tục với bình trà đá miễn phí cho người đi đường.

Cái Quan Tổng hợp.

“Nên phạt nặng những người đặt trà đá từ thiện ở vỉa hè”

Bạn Ami Nguyễn mới có bài viết về trà đá từ thiện, cho rằng công an đã thực thi luật một cách cứng nhắc, và rằng việc buộc những người giúp đỡ dân nghèo phải xin phép là hành động quan liêu. Có bạn còn quy kết rằng tịch thu bình trà đá như vậy là “tịch thu lòng tốt”.


Công an, dân phòng, trật tự đô thị sẽ bị ném đá khi tịch thu bình trà, và cũng bị ném đá khi xảy ra tình trạng hỗn loạn nếu không tịch thu – Ảnh: Khả Hòa

Tất nhiên, đó là góc nhìn của riêng các bạn.

Tôi thì lại cho rằng cần phải xử lý đúng pháp luật những người đặt bình trà từ thiện ở vỉa hè, nếu tái phạm, hãy phạt nặng hơn.

Những người chủ cửa hàng đặt bình nước lý luận rằng bình nước không quá lấn chiếm vỉa hè là nói cùn. Thế nào là không quá lấn chiếm? Thực thi pháp luật thì không được tạo ra tiền lệ, ngày nay các bạn đặt bình nước, ngày mai là một quán nước, rồi dần dần sẽ là cái chợ chăng? Chưa kể, bạn đặt được thì người bên cạnh cũng đặt được, và cả phố cũng sẽ làm theo, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Là công an, dân phòng, trật tự đô thị, họ sẽ hứng búa rìu dư luận các bạn ạ, họ bị ném đá khi tịch thu bình trà, và cũng bị ném đá khi xảy ra tình trạng hỗn loạn nếu không tịch thu, thật khôi hài.

Nếu 4, 5 người dừng xe ở lòng đường chen nhau uống nước vào giờ tan tầm, thì việc xảy ra tai nạn thương tâm chỉ là điều sớm muộn. Chưa kể với thời tiết nóng bức như những ngày qua, việc 1.000 cái miệng uống chung một bình nước, sẽ là một ổ dịch tiềm năng của các bệnh tiêu chảy, hô hấp.

Bạn Ami Nguyễn có cái tên hơi Tây, không biết bạn đã từng ở Tây chưa? Hồi tôi còn ở San Francisco (Mỹ), tôi cùng vài gia đình muốn lắp đặt một chiếc ghế bench gỗ trên vỉa hè khuất sâu trong phố phục vụ người đi bộ thì được chính quyền hỗ trợ cho một mẫu đơn, họ yêu cầu chúng tôi chụp ảnh, vẽ sơ đồ chi tiết rồi gửi lên phòng Công trình Công cộng (DPW) kèm với đơn theo mẫu, việc được duyệt hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định chủ quan của giám đốc DPW. Đừng tưởng xứ tự do có nghĩa là thích làm gì cũng được, kể cả là việc công ích.

Ở Mỹ, DPW kiểm soát từ thu gom rác, cào tuyết, phạt xe cho đến chống graffiti (vẽ tường), bạn muốn đặt thùng rác ra vị trí khác thuận tiện hơn cũng phải xin phép, nếu chống đối thì tùy mức độ bạn sẽ bị phạt tiền hoặc vài giờ lao động.

Ở Na Uy, việc cho tiền ăn xin có thể đối mặt với án tù. Luật là luật và không có ngoại lệ. Lý do tốt đẹp (theo cảm tính chủ quan của cá nhân) không thể dùng để bào chữa cho việc vi phạm luật pháp, vì luật pháp phục vụ toàn dân chứ không phục vụ cá nhân, cho dù là cá nhân nghèo, lang thang hay đang trong trạng thái khát nước giữa trưa hè 40 độ của thủ đô Hà Nội.

Có lý do mà tượng thần Libra luôn bịt mắt, tay cầm cân tay cầm kiếm xử phạt công minh bất kể người phạm tội đáng thương đến mức nào. Để có công bằng, thì luật pháp không thể duy tình.

Các bạn nghĩ rằng việc (cố tỏ ra) thương người nghèo chứng tỏ mình văn minh? Khi đặt tình lên trên lý, lấy hoàn cảnh biện minh cho việc phá hoại kỷ cương xã hội, thì các bạn chưa văn minh được đâu.

Chung Nguyên

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người làm trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội

Tô canh chua tôm sú 150 ngàn, tôm …tính riêng 880 ngàn/kg

Dựa trên phản ánh từ một tài khoản facebook, đoàn kiểm tra liên ngành về giá cả, dịch vụ TP Vũng Tàu cho biết họ sẽ làm việc với một chủ quán ăn trên đường Võ Thị Sáu, Vũng Tàu để xác minh và xử lý thông tin hàng ăn này đã tính tiền bất hợp lý đối với một đoàn du khách.

Theo thông tin trên mạng xã hội từ tài khoản facebook “TTN”, vào giữa tháng 7 năm 2015, gia đình của người này đã đến du lịch tại Vũng Tàu và khi ăn tại một quán ăn trên đường Võ Thị Sáu, thành phố Vũng Tàu, họ bị tính số tiền là 5 triệu đồng cho bữa ăn.

Chia sẻ của TTN trên mạng xã hội

Kèm theo thông tin, tài khoản facebook này còn đưa chứng cứ là phiếu tính tiền của quán, cùng với hình ảnh chụp cảnh cự cãi, phản ứng của chủ quán và đoàn khách khi khách không đồng tình với mức tiền quán đưa ra.

Bữa ăn với những món bình thường nhưng có giá gần 5 triệu

Theo người đăng bài, sau khi gặp phản ứng mạnh mẽ của đoàn khách, chủ quán đã hạ giá cho đoàn khách 10%. Đặc biệt là trước khi ra về, tài xế chở đoàn khách được chủ quán đưa cho 800.000 đồng gọi là tiền hoa hồng (tài xế là người nhà của đoàn khách này).

Điểm đáng chú ý khác nằm trên thực đơn của nhà hàng: Giá canh chua tôm sú từ 130 ngàn – 150 ngàn đồng, nhưng phần tôm được tính riêng với giá 880 ngàn đồng /kg.

Cũng theo người đăng này, đoàn khách chỉ uống 5 chai bia nhưng bị tính tới 15 chai bia. Còn giá thì nhà hàng kê ở mặt sau tờ thực đơn.

Hình ảnh đoàn khách tranh cãi với chủ quán

Ngày 1/8, ông Võ Quý Khanh – trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về giá cả, dịch vụ tại thành phố Vũng Tàu cho biết, đoàn sẽ tiến hành mời chủ quán ăn này tới làm việc để xác minh.

Chuyện “chặt chém” du khách tại các điểm du lịch là chuyện đã có từ lâu, nhưng dường như chưa hề bớt nhiệt. Trong thời gian gần đây, các cơ quan quản lý tại nhiều thành phố du lịch đã cho biết họ sẽ mạnh tay với những trường hợp chặt chém khách du lịch.

Ngay tại Vũng Tàu, vào tháng 2 năm nay, quán Hào Long Sơn đã bị phạt 10 triệu đồng, cấm hoạt động 3 tháng và rút luôn giấy phép kinh doanh, sau khi quán ăn này bị tố cáo quẹt “nhầm” thẻ khi tính phí ăn của một du khách Nhật Bản.

Địa Lâm

Tổng Hợp

CẬN CẢNH MÓN ĂN TỪ …MUỖI GIÀU PROTEIN HƠN THỊT BÒ

Người ta thường nghĩ về muỗi như một loại động vật đáng ghét chuyên hút máu người, nhưng với người dân ở vùng hồ Victoria thuộc châu Phi, người có thể thưởng thức muỗi như một món ăn cực kì bổ dưỡng.

Nguyên do đưa đến phát minh độc đáo về ẩm thực này, là vì tại vùng hồ Victoria luôn có hàng nghìn tỉ con muỗi xuất hiện vào mùa mưa. Và người dân ban đầu cũng khốn khổ như ai trong việc chống chọi với loài hút máu.

Muỗi bay theo đàn hàng nghìn tỉ con tại vùng hồ Victoria.

Trong khi muỗi là món ăn quen thuộc của các loài chim, động thực vật ở trong vùng, thì người dân ở đây cũng đã nhanh chóng nhận ra nó cũng có thể là một món ăn “trời ban” cho họ. Thực tế, muỗi giàu dinh dưỡng, protein… những thứ rất thiếu thốn đối với người dân nghèo ở đây.

Với lượng muỗi dày đặc, người dân địa phương chỉ cần quơ tay một phát cũng có thể bắt được vài con…Còn nếu dùng vợt hoặc xoong chảo có dính nước huơ bắt, họ sẽ có được hàng ngàn con để biến thành thứ thực phẩm độc đáo có một không hai trên thế giới.

Người dân bản địa đang bắt muỗi, lộc trời cho.

Muỗi được sơ chế bằng cách nhúng vào nồi nước sôi cho chết, rồi vớt ra ngoài, nhào lên như nhào bột, nặn thành những miếng bánh tròn bẹt như bánh dày.

Muỗi được nhào lên và nặn thành bánh

Sau đó, chỉ cần một chiếc chảo nhỏ với chút dầu ăn, họ sẽ có món bánh muỗi rán cực kì đơn giản, miễn phí mà bổ dưỡng.

“Bánh muỗi” được rán trên bếp lửa

Theo tính toán, mỗi chiếc bánh muỗi như vậy mang đến lượng protein giàu gấp 7 lần miếng thịt bò cùng kích cỡ.

 

Tùy theo từng làng, mà món ăn từ muỗi của dân quanh vùng hồ Victoria có những biến thể khác nhau rất đa dạng và đầy mùi vị. Bánh muỗi đã góp phần cung cấp năng lượng cho cư dân quanh vùng, giảm bớt gánh nặng chi phí cũng như giúp người dân tránh xa nỗi sợ hãi mỗi khi đàn muỗi tới.

Bảo Tố (tổng hợp)

Cơn sốt bánh mỳ kẹp ‘sang chảnh’ ở Hà Nội

 Bánh mì thường được coi là món ăn bình dân, rẻ tiền, phù hợp với mọi tầng lớp. Tuy nhiên tại Hà Nội trong thời gian qua, một số cửa hàng bánh mỳ dường như đang dần thay đổi quan niệm này.

Với mức giá 20.000 đồng trở lên, những cửa hàng bánh mỳ này được đầu tư, phục vụ chuyên nghiệp hơn và hương vị ngày một phong phú.

Sau khi tạo nên cơn sốt đình đám trong làng ẩm thực thế giới bằng những khen ngợi của các tờ báo lớn, bánh mỳ kẹp Việt Nam được nhiều du khách để mắt tới. Cũng bởi vậy mà các hàng bánh mỳ được quan tâm nhiều hơn về phần nhìn, với bao bì giấy trông “Tây” hơn, thiết kế quán hiện đại, cho ra lò những ổ bánh mỳ gọn gàng, sạch sẽ và hương vị ngày một cải tiến. Giá của những chiếc bánh này cũng cao hơn hẳn so với loại thông thường bán ở vỉa hè.

Banh-mee

Đây có lẽ là quán bánh mỳ “sang trọng” đầu tiên ở Hà Nội với việc đầu tư thiết kế không gian ngồi cho khách, thay vì chỉ chú trọng take-away như các quán khác. Tuy diện tích nhỏ nhưng cả 2 cơ sở có nội thất đẹp và có gout không kém gì một quán cà phê, có cả băng ghế ngoài cho khách hút thuốc.

Ảnh: FB Banh mee

Thực đơn bao gồm: bánh mỳ pate 25.000 đồng, bánh mỳ trứng 25.000 đồng, bánh mỳ chả lụa 27.000 đồng, bánh mỳ xá xíu 29.000 đồng, hay loại đặc biệt 38.000 đồng. Với cơ sở Đặng Tiến Đông, khách chủ yếu là học sinh xung quanh còn ở Ấu Triệu, đa phần là khách nước ngoài.

Ảnh: FB Banh mee

Địa chỉ: 12 Đặng Tiến Đông và 18 Ấu Triệu.

Bánh mỳ MasterChef

Cửa hàng bánh mỳ của Quán quân Master Chef 2014 Minh Nhật lúc nào cũng phải tiếp đón một lượng khách khủng, dù đã khai trương được vài tháng nay. Giờ cao điểm, quán rất đông và khách phải xếp một hàng dài.

Cửa hàng bánh mỳ của Quán quân Master Chef 2014 Minh Nhật lúc nào cũng đông khách dù giá không rẻ.

Thực đơn phong phú hơn những quán khác đôi chút, bao gồm các loại nhân thập cẩm, sa tế tôm, trứng, chả, giò pate…. Món được nhiều khách lựa chọn nhất là bánh mỳ thập cẩm. Bánh mỳ ở đây có giá khoảng 32.000 đồng một chiếc. Bạn cũng có thể chọn combo theo bữa sáng, trưa, tối, gia đình, công sở… với giá 45.000 – 130.000 đồng. Nước uống đi kèm là chanh sả hay me đá.

Ảnh: Anh Phương

Địa chỉ: 27 Nguyễn Du và 13 Hàng Khay.

Bami House

Nằm đầu phố Quang Trung, gần hồ Thiền Quang, Bami House nhỏ xíu, không có nhiều không gian ngồi cho khách nhưng ngay cả những ngày nắng cháy này ở Hà Nội, quán cũng vẫn rất đông khách.

Ảnh: Nguyên Chi

Vì ở khu trung tâm nên giá cả cũng rất “trên phố”, với giá từ 25.000 đồng đến 45.000 đồng. Trong đó, các loại phổ biến nhất là bánh mỳ heo quay, thịt xá xíu, suất đặc biệt, pate hành khô với vị đậm đà, dễ ăn. Nhưng đặc biệt nhất là bánh mỳ chân gà mật ong, bán theo tộ, kiểu ăn gần giống như bánh mỳ sốt vang, tuy nhiên nhạt hơn.

Ảnh: Nguyên Chi

Thực đơn đồ uống ở đây đa dạng hơn chút với sữa ngô, trà Thái xanh-đỏ, cafe và đá me.

Địa chỉ: 41 Quang Trung.

Bánh mỳ Ngố

Chuỗi cửa hàng sở hữu chi nhánh ở Thái Phiên, Hàng Bông, Hàng Điếu – là những tụ điểm ăn chơi khu trung tâm và Duy Tân (quận Cầu Giấy), nơi có nhiều cơ quan công sở. Tuy nhiên, ở Duy Tân chỉ có một xe đẩy nhỏ.

Ảnh: Fb Bánh mỳ Ngố

Quán có các loại bánh mỳ chính là bánh mỳ Hội An, bánh mỳ bò băm, bánh mỳ gà chọi với giá 20.000 -25.000 đồng, bánh mỳ cay 4.000 đồng một chiếc và bánh mỳ sốt vang 35.000 đồng một suất. Đây là mức giá khá hợp lý so với những cửa hàng còn lại. Quán cũng khá đông khách, đặc biệt là khách trẻ và khách du lịch nước ngoài.

Địa chỉ: 39 Thái Phiên, 70 Duy Tân, 71 Hàng Điếu, 239 Xã Đàn (Ẩm thực Hội An), 65 Hàng Bông.

Bami King

Nằm ngay đầu đường Trung Hòa, gần Đại học Lao động Xã Hội, Đại học Phương Đông, quán bánh mỳ nhỏ không chỉ có khách trung thành là những bạn học sinh sinh viên mà còn là địa chỉ quán ăn lót dạ của nhiều dân công sở trong khu vực.

Không bán những loại bánh mỳ truyền thống, Bami King chỉ có 2 loại là bánh mỳ bò nướng và bánh mỳ thịt xá xíu với giá 29.000 đồng. Thịt được ướp nướng vừa miệng, rau sống và dưa góp được sơ chế kỹ càng. Bạn có thể gọi kèm nước chanh tươi, me chua hoặc chè bobo chacha để giải khát trong ngày hè.

Địa chỉ: số 2 Trung Hòa.


Zòn

Gần trường THPT Phan Đình Phùng, Zòn trở thành địa điểm thân quen của các bạn học sinh. Quán có nội thất khá teen với bàn ghế gỗ xinh xắn cùng mảng giấy dán tường rất dễ thương.

Thực đơn bao gồm: bánh mỳ pate, gà, đầy đủ, thịt nguội, trứng, xúc xích, giò bò, bò, bò hầm sốt vang với giá từ 15.000 – 38.000 đồng. Menu đồ uống cũng phong phú hơn các nơi khách, bao gồm: nước hoa quả ép, trà trái cây, cà phê, soda, sữa đậu nành.

Địa chỉ: 22 Cửa Bắc.

Ảnh: Fb Zòn

Nguyên Chi (ngoisao.net)

Nguồn: http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/con-sot-banh-my-kep-sang-chanh-o-ha-noi-3242795.html

5 bước phân biệt MÍT chín ép và MÍT chín cây

Mít là loại quả được nhiều người ưa thích không chỉ vì vị ngon mà còn vì tác dụng của nó đối với sức khỏe. Tuy vậy, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại mít có xuất xứ không rõ ràng, thậm chí bị tiêm hóa chất để thúc ép cho nhanh chín, trong đó có những loại hóa chất độc hại.

Người nội trợ cần trang bị cho mình một số kiến thức để phân biệt mít chín cây (chín tự nhiên) và mít chín ép (thúc chín bằng hóa chất), để đảm bảo an toàn khi sử dụng loại quả quen thuộc này. Sau đây là 5 đặc điểm dễ nhận biết có thể dùng để phân biệt hai loại mít:

NGỬI MÙI

– Tương tự như khi chọn sầu riêng, bạn cần ngửi mùi của múi mít. Nếu mít chín mà không có mùi thơm đặc trưng, hoặc thậm chí là chẳng có mùi gì, bạn nên chắc chắn đó là mít chín ép. Mít chín cây luôn có một mùi thơm quyến rũ.

SO MÀU MÚI MÍT VÀ XƠ

– Mít chín cây thường có múi vàng óng, thịt dày, xơ mít trắng hoặc vàng nhạt. Trong khi đó mít chín ép xơ mít vàng đậm như múi mít.

NẾM THỬ

– Cắn thử một miếng, nếu thấy múi mít vàng, mà ăn thấy sường sượng mùi vị lờ lợ, thì đừng nuốt nữa và tất nhiên là đừng mua về. Mít chín mùi thơm lại có vị ngọt bùi, đã tốt lại còn ngon.

SỜ NẮN QUẢ

– Mít chín tự nhiên thường mềm, gai thưa, không nhọn, mắt mít nở to. Mít chín ép do hái lúc còn xanh nên gai nhọn, vỏ cứng, dày.

QUAN SÁT MỦ MÍT

– Mít chín tự nhiên bổ ra có ít mủ, không chảy mủ trắng. Mít tiêm thuốc thì có dòng mủ trắng dễ thấy chảy ra từ bên trong, do tác dụng của thuốc.

Đây là 5 mẹo quan sát, cảm nhận để phân biệt mít chín cây và mít chín tự nhiên theo kinh nghiệm nhà nông. Tất nhiên cũng có những ngoại lệ tùy theo từng loại mít, và điều kiện trồng nên loại mít đó, cũng như…công nghệ phù phép của những gian thương, nên tốt nhất là Bạn nên áp dụng qua nhiều bước, để có thể chọn được những miếng mít ngon, an toàn và bổ dưỡng cho gia đình.

Bảo Tố

4 thực phẩm thông dụng dễ gây ung thư hơn thuốc lá

Chúng ta thường nghe cảnh báo về tác hại của thuốc lá, trong đó nghiêm trọng nhất là ung thư, nhưng dường như có quá ít những cảnh báo giành cho những thứ không tốt mà vẫn được sử dụng thường xuyên khác như đồ chiên rán, bánh lúa mì…

Theo các chuyên gia Nhật Bản, nhiều món ăn quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày chứa hàm lượng chất gây ung thư cao hơn thuốc lá.

Theo Sina, Bộ Nông lâm Nhật Bản đã công bố kết luận của các chuyên gia phân tích dinh dưỡng về những thực phẩm có chứa lượng lớn chất gây ung thư.

1. Khoai tây chiên

Một chất có khả năng gây ung thư thường gặp trong nhiều món ăn đó là acrylamide. Chất này có trong những món ăn làm từ nguyên vật liệu chứa lượng lớn carbohydrate và được đun nóng từ 120 độ C trở lên.

Do khoai tây chiên “đáp ứng” đầy đủ những điều kiện kể trên, nên các chuyên gia đều nhận định trong món ăn nhanh quen thuộc này tồn tại lượng lớn hợp chất acrylamide.

2. Khoai tây chao dầu

Đây cũng là món ăn giàu acrylamide. Kết quả phân tích cho thấy nồng độ acrylamide trong khoai tây chao dầu nhiều gấp 1,5 lần khoai tây chiên. Bất kể là tự làm hay của nhà hàng, món ăn này đều có chứa chất độc gây ung thư. Vì vậy, bạn cần hạn chế sử dụng món ăn này.

3. Bánh gato, bánh pie

Bánh gato, bánh pie sử dụng lúa mỳ và được làm trong môi trường nhiệt độ cao. Vì vậy, các chuyên gia cho biết nồng độ acrylamide trong các loại bánh này ngang bằng với khoai tây rán. Bạn có thể chọn loại bánh được chế biến trong môi trường nhiệt độ thấp để đảm bảo an toàn.

4. Cà phê hòa tan

Hạt cà phê, lá chè đã qua chế biến, hay trà lúa mạch rang cũng phát hiện hợp chất acrylamide với nồng độ cao. Do hợp chất độc hại này dễ tan trong nước, vì vậy các đồ uống được lấy mẫu kiểm tra như cà phê, trà rang, trà lúa mạch đều có chứa acrylamide.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, hợp chất này không chỉ dẫn đến căn bệnh nan y mà còn ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh.

Các nguyên liệu thực phẩm tươi, món ăn chế biến bằng cách hấp hoặc luộc không phát hiện các hóa chất độc hại này. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên sử dụng phương pháp này để chế biến các món ăn hàng ngày.

Hiểu Thư (Zing.vn)

http://news.zing.vn/4-loai-thuc-pham-de-gay-ung-thu-hon-thuoc-la-post533456.html

CẮN ĐƯỢC 50 VIÊN NGỌC KHI ĂN HÀU

Trong một bữa ăn tại nhà hàng, một phụ nữ Mỹ mừng như trúng số khi phát hiện tới 50 viên ngọc trong con hàu mà mình đang ăn. 

Món hàu sống tại nhà hàng Puckett, nơi bà Elliot ăn.  Ảnh: Cdanews.com

Theo tờ Good Morning America, bà Toni Elliot , 53 tuổi, dùng bữa trưa cùng bạn bè tại một nhà hàng trên thuyền Puckett ở thành phố Franklin, bang Tennessee.

Trong lúc đang thưởng thức món hàu sống, Elliot phát hiện cái gì đó cộm cộm, bà liền gọi chủ nhà hàng là ông Greg Hergest tới để xem xét. Tuy vậy, ngay sau đó, bà nói: “Ồ tôi ổn. Tôi vừa tìm được viên ngọc này trong họng”. Bà nhả viên ngọc ra.

Khi Elliot soi kĩ hơn vào con hàu mình đang ăn, bà bất ngờ khi đếm được tới 50 viên ngọc lớn nhỏ chỉ trong con đó.

50 viên ngọc trong con hàu của bà Elliot. Ảnh: ABC News

Eric Horton, nhân viên phục vụ bàn của bà Elliot kể rằng bà rất ngạc nhiên và hào hứng, nhìn y như thể vừa trúng số.

Theo tờ Inquistir, hàu ở nhà hàng Puckett đánh bắt từ vịnh Mexico, bang Louisana.

Phàm  Triu

Thu giữ thịt ướp 40 năm chuẩn bị bán vào nhà hàng

Hải quan Trung Quốc vừa bắt giữ 800 tấn thịt gà, lợn, bò, chó không rõ nguồn gốc, trong đó có nhiều gói ghi mác năm 1970.

Các quan chức hải quan ở Trường Sa (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) mới đây vừa khám phá ra đường dây buôn lậu thịt động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc với tổng giá trị lên tới 10 triệu nhân dân tệ. Điều đáng kinh ngạc là có nhiều gói thịt được đóng gói từ cách đây hơn 40 năm.

Chính quyền cho biết, đã bắt giam 2 băng nhóm trong đường dây này với hơn 20 thành viên. Ước tính có khoảng 800 tấn thịt bò đông lạnh, chân, cổ của gà, vịt đã bị thu giữ. Đây là con số lớn nhất từng bị thu giữ ở tỉnh này.

Những gói thịt này được nhập lậu vào Hong Kong, sau đó được vận chuyển vào đại lục và chuyển cho các nhà hàng.

Tổng cục hải quan cho rằng số thịt này nhiều khả năng có nguồn gốc từ các nước nằm trong danh sách cấm của nước này. Một số trong số thu giữ được ở Hồ Nam được giết thịt từ động vật bị dịch bệnh, trong khi số khác được ghi dấu trên bao bì từ những năm 1970.

Các gói thịt đông lạnh khi bị phát hiện đã bắt đầu bốc mùi, thối rữa. “Mùi của nó thật kinh khủng, rất buồn nôn, cả một xe tải xộc mùi dữ dội”, một cán bộ tham gia vào quá trình bắt giữ nói với SCMP.

Quan chức nước này cho biết, sau khi thịt được rã đông và chế biến trong các nhà hàng, thực khách sẽ không thể phân biệt được đâu là thịt tươi, đâu là thịt có tuổi thọ từ bốn thập kỷ trước. Tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng thực sự rất nguy hiểm.

Hai băng nhóm nói trên nằm trong hơn 20 đường dây buôn lâu thịt động vật được khui ra tại Trung Quốc trong tháng này. Tổng cộng, nhà chức trách đã tiến hành thu giữ 100.000 tấn thịt gà, bò, lợn đông lạnh, trị giá 3 tỷ nhân dân tệ. Nước này kêu gọi mạnh tay trấn áp các hoạt động buôn lậu thịt động vật không rõ nguồn gốc và thắt chặt các quy định về hàng hóa nhập khẩu thông qua biên giới.

Nguyên Chi
Ảnh: News.163.cn

Nguồn: http://ngoisao.net/tin-tuc/thoi-cuoc/24h/thu-giu-thit-uop-40-nam-chuan-bi-ban-vao-nha-hang-3239056.html