Cách nấu món GÀ SỐT CAM TƯƠI

 

Gà sốt cam có cách làm đơn giản, nhờ đó hương vị của gà vẫn giữ nguyên, hòa quyện cùng vị chua ngọt thơm của sốt cam sẽ khiến cho cả nhà thích thú và ăn không ngừng đũa.

Chuẩn bị nguyên liệu  (cho 4 người)

Phần gà:

  • – 500g ức gà
  • – Lòng trắng trứng: 2 cái
  • – 30ml dấm gạo
  • – 60g bột bắp
  • – 3g men nở
  • – Dầu ăn
  • – Muối

Phần sốt cam:

  • – 300ml nước xương gà (hoặc nước lọc)
  • – 30ml nước cam, 70ml nước cốt chanh
  • – 15g vỏ cam
  • – 100ml giấm gạo
  • – 50g đường cát, 50g đường nâu
  • – 2 quả ớt
  • – 30g bột bắp
  • – 30ml nước
  • – 5g gừng bào nhuyễn
  • – Xì dầu, dầu mè
  • – Hành lá, vừng trắng (trang trí)

Thực hiện:

– Bước 1:

– Gà rửa sạch, thái miếng vừa ăn, xong cho vào bịch đựng thực phẩm. Trộn hỗn hợp lòng trắng trứng + bột bắp + giấm gạo + men nở + chút muối cho đều rồi ướp cùng gà trong bịch.

Bước 2:

– Khóa túi lại ướp trong 30 phút. Lúc này chuẩn bị làm sốt.

Bước 3:

– Cạo vỏ cam (không vứt nhé!), vắt lấy nước

 

Bước 4:

Cho vỏ cam đã cạo cùng với gừng vào trong chảo dầu nóng, phi thơm.

Bước 6:

– Cho tất cả nguyên liệu làm sốt còn lại vào chảo trừ hành lá và mè ra, nấu tới khi hỗn hợp sốt đặc lại.

Bước 6:
– Bắc chảo khác chiên gà đã ướp trong ngập dầu tới khi gà vàng nâu các mặt, sau đớ vớt ra để ráo.
Bước 7:- Sốt còn nóng cho gà vào trộn, nhắc ra khỏi bếp, rắc hành lá thái cọng và mè trắng lên trang trí.

 

 

 

Bảo Tố

18 MÓN ĐẶC SẢN CHỜ BẠN KHÁM PHÁ TẠI BẮC KẠN (PHẦN 1)

Đất Bắc Kạn nước non trù phú với Hồ ba bể, sông Năng, núi Phia Bióoc, cũng là nơi có những điệu Then kể chuyện thầm thì bao tháng năm. Đến với Bắc Kạn, bên cạnh việc thưởng thức thiên nhiên và văn hóa, ta cần tìm hiểu về nền ẩm thực đầy cuốn hút của đồng bào nơi đây.

Thịt treo gác bếp

Khi con lợn được phanh ra, người ta cắt thành từng miếng nhỏ, dọc theo sườn. Bỏ thịt lên nia xát muối , bóp rượu, bóp nước vắt từ một loại lá trong rừng, rồi cho vào chảo ủ ba đến bốn ngày, sau đó rửa nước đun sôi để nguội, phơi ráo nước rồi treo trên gác bếp. Quá trình hun khoi thịt đòi hỏi phải liên tục, công phu và cả sự khéo léo cộng với vốn kinh nghiệm tích lũy lâu năm. Chính vì thế vào dịp Tết nếu có dịp đến vùng núi cao nơi đây bạn sẽ được chứng kiến bếp cả làng đỏ lửa, khói bếp hòa với sương núi lơ lửng khắp mọi nẻo đường tạo lên một khung cảnh mờ ảo như cõi thần tiên.

Đến ngày Tết hay khi nhà có việc chỉ cần nhắc thịt xuống, bỏ vào chảo nước đun sôi cùng một nắm gạo nhỏ, mang ra rửa sạch rồi chế biến thành những món ăn khác nhau. Lợn gác bếp có thể xào gừng, xào rau cải nhưng ngon nhất vẫn là xào với rau rừng và giá đậu tương. Thưởng thức các món ăn chế biến từ thịt lợn gác bếp cho ta cảm giác rất lạ: bì giòn, mỡ trong không ngấy, thịt nạc đậm và tơi từng thớ. Cũng là món rau xào thịt nhưng với cách làm riêng của đồng bào nơi đây món ăn như mang một màu sắc, linh hồn khác khó diễn tả, chỉ biết nó rất ngon, lạ miệng mà không giống với bất kỳ món ăn nào khác.

Miến dong Na Ri

Đây là món  đặc sản nổi tiếng của Na Rì, Côn Minh, Bắc Cạn. Sợi miến được làm từ bàn tay khéo léo của người dân nơi đây nên giữ nguyên màu sắc tự nhiên vốn có. Sợi miến có màu vàng hoặc trong đục, sợi dai và giòn để lâu cũng không bị nát, đây cũng là nét đặc trưng khiến nhiều người yêu thích món ăn dân dã này.

Miến dong được làm thủ công từ những củ dong riềng trồng trên đèo Áng Tòong ở độ cao trên 1000 m ,với bàn tay khéo léo của những người dân tộc. Sợi miến có màu tự nhiên do không dùng hóa chất, sợi miến khi nấu có vị dai, giòn và thơm của dong riềng. Từ miến dong có thể chế biến nhiều món ngon và dễ ăn.

Lạp xưởng (sườn) hun khói

Lạp sườn được làm từ thịt lợn bản nên thịt thơm và chắc. Điểm độc đáo của Lạp sườn Bắc Kan là được tẩm ướp bằng gừng đá,  một loại gừng chỉ mọc trên đá của người dân tộc nên có mùi thơm rất đặc biệt, không giống bất cứ một loại gia vị nào của miền xuôi.

Lạp xường được làm bằng bàn tay của người Bắc Kạn có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu.

Tôm chua Ba Bể

Tôm chua là món ăn ngon, có mặt ở nhiều nơi và nhiều vùng chế biến nhưng tôm chua ở Khang Ninh- Ba Bể có một hương vị rất riêng biệt của vùng miền núi Việt bắc. Du khách đến Bắc Kạn mà không được thưởng thức tôm chua Ba Bể thì thật sự đáng tiếc . Hiện nay cứ 5 ngày một phiên tôm chua được bày bán tại chợ Khang Ninh (trên đường du khách vào tham quan hồ Ba Bể) bởi lẽ nó không chỉ là món ăn quen thuộc của đồng bào miền núi nữa mà nó đã được nhiều du khách thập phương biết đến.


Ở vùng này người ta thường ăn tôm chua với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kỹ thái mỏng, một đĩa khế chua, nem thính tai lợn, chuối xanh, búp đinh lăng, lá mậy sâu (loại cây trên rừng)…Quý khách đến đây giữa cảnh trời mây non nước của Ba Bể mà được nhấm nháp tôm chua thêm một chén rượu ngô nho nhỏ nữa sẽ thấy được cái cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía cái vị béo của thịt, vị cay của tỏi ớt ,vị thơm của riềng, của búp mậy sâu hoà quyên với vị ngọt của tôm thì quả là lý thú.

Đến Ba Bể, sau khi du ngoạn, thưởng lãm cảnh trời mây non nước được nhấm nháp tôm chua thêm một chén rượu ngô nho nhỏ thì thật là thú vị. Cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía cái vị béo của thịt, vị cay của tỏi ớt ,vị thơm của riềng, của búp mậy sâu hoà quyện với vị ngọt của tôm như làm say lòng thực khách.

Khâu nhục

Món khâu nhục làm cũng lắm công phu, khoai được chọn phải là khoai môn Bắc Kạn, bên trong lòng khoai có vân màu tím . Thịt lợn phải là thịt ba chỉ ngon, luộc sơ qua,dùng tăm tre chọc bì thật kĩ ,tẩm ướp gia vị rồi đem quay, vưa quay vừa quết mật ong cho vàng bì . khoai cũng phải rán vàng . mọi thứ được xếp vào bát, cứ một miếng khoai,một miếng rhịt ,cho nhân được làm bằng thịt, nấm hương, mộc nhĩ …đã xào lên trên hấp cách thuỷ khoảng 5 tiếng đồng hồ .

Món khâu nhục làm cầu kì nhưng ăn lại rất ngon nên nhân dân Bắc Kạn thường dành vào những dịp đặc biệt như lễ tết, cưới hỏi và vào nhà mới . Chỉ cần thử một chút bạn cũng đủ cảm nhận được hết hương vị của món đặc sản này, vị béo ngậy của thịt, vị thơm của khoai dã hầm bở … tất cả đều kết tinh trong món ăn. Ngưòi Bắc Kạn rất tự hào vì ngoài đặc sản cơm lam, bánh gio, tôm chua… còn có thêm món khâu nhục và họ không bỏ qua cơ hội để giới thiệu đặc sản của quê hương mình với thực khách gần xa .

Cá nướng Ba Bể

Cá trong hồ Ba Bể có rất nhiều, thường được người dân đánh bắt thủ công, số lượng cá không nhiều nhưng chất lượng thì thật tuyệt vì thịt cá trắng, chắc và có vị ngọt. Người ta chọn lấy loại cá chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, loại cá này vừa giống như cá bống, vừa giống con cá nẹp ở xuôi để làm món cá nướng.

Không gì khoái bằng ngồi bên bờ hồ Ba Bể, nhâm nhi đĩa cá nướng chấm tương ớt với vài chén rượu ngô. Vị cá thơm lừng, thịt cá bùi và dai. Rượu ngô cay cay nhưng vẫn có vị ngọt đâu đây nơi cuống lưỡi. Cùng ngắm cảnh hồ Ba Bể, thần tiên và thăng hoa hơn bất cứ mâm cao cỗ đầy nào khác.

Trám đen

Nếu đã thưởng thức các món ăn từ trám đen thì thật khó quên hương vị của nó, vị bùi, ngậy, đậm đà, trám đen là đặc sản của rừng núi Việt Bắc nói chung và Bắc Kạn nói riêng, quả trám hoàn toàn trong môi trường tự nhiên không bị ảnh hưởng hay tác động bởi hóa chất.

Trám kho với thịt lợn ba chỉ là món ăn ngon. Đặc biệt người dân địa phương thường dùng trám để đồ xôi hay còn gọi là “xôi trám”, trám sau khi om mềm, bóc tách vỏ, trộn với xôi vừa đồ chín còn nóng hổi sẽ có món xôi trám đen vị ngon đặc trưng. Xôi trám có thể ăn không hoạc ăn kèm với thịt băm, lạc vừng …rất phù hợp trong tiết trởi se lạnh của mùa thu.

Măng vầu

Rừng Bắc Kạn có rất nhiều loại măng như: Măng tre, măng trúc, măng nứa, măng mai,… Nhưng nếu nói là đặc sản phải kể đến thứ “măng vầu” hay còn gọi là “măng đắng”. Cây măng vầu có sức sinh sôi thật kỳ diệu, cứ đào hết đợt này măng lại lên đợt khác cứ tựa hồ như sấm gọi. Rừng vầu cứ khai thác hết năm này đến năm khác.

Ở Bắc Kạn, người ta có thể chế biến măng thành rất nhiều món hấp dẫn. Măng củ (loại măng vầu được đào lên từ trong lòng đất) vốn đặc ruột thì để hầm xương hoặc lạng thành từng lát mỏng và dài để cuốn thịt. Còn với loại măng cái (măng vầu đã lên tai xanh) vì có vị đắng nên muốn ăn được thì phải luộc kĩ với muối sau đó ngâm nước lạnh, phần thân măng thái mỏng xào tỏi, phần áo măng để cuốn thịt răm hấp chín.
Nhưng ngon hơn cả vẫn là món măng luộc chấm mắm tôm chanh ớt. Có thể luộc cả măng củ và măng cái. Người không ăn được đắng có thể ăn loại măng củ luộc, chất non ngọt của củ măng tạo cho món ăn một hương vị dìu dịu, mát ruột và rất dễ ăn. Những người sành ăn măng thì hay chọn ăn loại măng luộc thật đắng. Vì như vậy mới cảm nhận hết được sự thú vị của món ăn này, cái cảm giác đắng, chát cứ mất dần sau mỗi miếng nhai nhẩn nha thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ. Và khi đã ăn một lần đều muốn ăn thêm lần sau.

Rau Bồ Khai

Rau Bồ Khai thường mọc trên những vùng núi đá cheo leo, ngọn rau giống như cây tầm gửi, thân bám vào những cây gỗ lớn để vươn lên đón lấy cái trong trẻo của ánh sáng và khí trời. Ngọn rau thoạt nhìn giống ngọn mướp hương nhưng mảnh mai hơn và có màu xanh non tơ như lá cành mới nhú. Khoảng mùa xuân, bồ khai bắt đầu trổ ngọn xanh tốt. Người dân trong vùng đã quen với mùa đi hái Bồ Khai. Vào dịp này, ở khắp các phiên chợ vùng cao nơi đây đều có bày bán rau Bồ Khai.

Bồ Khai mang về chẳng phải chế biến cầu kì gì nhiều, chỉ cần nhặt sạch, phi tỏi thơm trên bếp rồi đổ rau vào xào to lửa là đã có một món rau hấp dẫn, xanh mướt, thơm giòn…Bồ Khai còn được dùng làm món phở xào, mì xào hay xào lẫn với thịt bò. Rau Bồ Khai có một mùi vị rất riêng, không thể tìm được sự tương đồng ở bất cứ loại mùi vị nào khác.

Xem tiếp PHẦN 2:

18 MÓN ĐẶC SẢN CHỜ BẠN KHÁM PHÁ TẠI BẮC KẠN (PHẦN 2) 

Cách làm BÁNH XÈO NAM BỘ

Cũng là bánh xèo từ bột gạo, nhưng bánh xèo Nam bộ khác bánh xèo miền Trung ở một số đặc điểm khác biệt: bánh đổ to, các nguyên liệu cũng đa dạng và tùy biến nhiều hơn, còn nước chấm là nước mắm chua ngọt chứ không phải tương gan heo như nhiều tỉnh miền Trung.

Sau đây là cách làm bánh xèo cơ bản, bạn có thể thay thế một số phụ liệu cho vừa ý.

Nguyên liệu làm BÁNH XÈO MIỀN NAM:

  • 4 lạng bột bánh xèo
  • Bột nghệ
  • Tôm: 1,5 lạng
  • Thịt ba chỉ: 1,5 lạng
  • Nấm hương: 10 cái
  • Hành hoa
  • Giá đỗ: 100 g (hoặc củ sắn)
  • Cà rốt: 1 củ
  • Nước lọc: 500 ml
  • Đỗ xanh cà vỏ: 50 g
  • Dầu ăn, nước mắm, đường, ớt, rau diếp, rau thơm các loại.
  • Đồ chua: xem CÁCH LÀM ĐỒ CHUA

Cách làm :

Làm bánh:

Bước 1:

– Cho gói bột bánh xèo vào âu sạch cùng 1 thìa cà phê bột nghệ. Đổ 500 ml nước vào âu cùng hành lá thái nhỏ. Đánh đều để khoảng 30 phút trước khi đổ bánh.

Bước 2: Tôm, thịt rửa sạch. Sau đó, thịt thái mỏng, nấm hương ngâm nở, cắt bỏ chân thái sợi.

Bước 3: Cho 1 ít dầu ăn vào chảo rồi cho thịt vào xào tiếp đến các mẹ cho tôm vào xào cùng nấm hương. Rồi nêm nếm bột nêm cho vừa ăn sau đó cho tôm thịt ra bát.

Bước 4: Với đậu xanh các mẹ nên vo sạch, ngâm nước khoảng 30 phút rồi cho vào chõ hấp chín. Giá đỗ rửa sạch để ráo, cà rốt gọt vỏ bào sợi.

Bước 5: Đặt chảo lên bếp cho chảo nóng lên, rồi láng đều 2-3 muôi bột bánh xèo. Các mẹ nhớ lắc đều để hỗn hợp bánh xèo trải mỏng khắp chảo.

Bước 6: Các mẹ xếp lên bề mặt bánh một vài con tôm, thịt, thêm đỗ xanh, giá đỗ, cà rốt rồi đậy kín nắp chảo lại.

Bước 7: Đun lửa lớn từ 3-4 phút dùng muôi gấp bánh xèo làm đôi, rán đến khi phần vỏ vừa ý thì tắt bếp gắp bánh xèo ra đĩa.

Bước 8: Lần lượt làm như vậy cho đến khi hết bột bánh và phần nhân nhé các mẹ.

Pha nước mắm chấm bánh xèo:

– ¼ chén đường – ½ chén nước ấm – 3 muỗng canh nước chanh – ¼ chén nước mắm – Ớt chín cắt lát – 1 củ tỏi băm nhuyễn – Cho nước mắm, nước ấm, đường và nước chanh vào một bát nhỏ, trộn đều cho đến khi đường tan hoàn toàn. Thêm tỏi và ớt trộn đều.
– Cuối cùng cho đồ chua vào chén nước chấm.

 

Theo Thùy Trang (các món ăn quê nhà)

5 LOẠI THỰC VẬT LAI KỲ LẠ NHẤT

Dù thường đọc truyện viễn tưởng, truyện Doraemon, nhưng bạn vẫn sẽ bất ngờ khi biết rằng người ta đã lai tạo ra những loại thực vật sau đây: 

1. TOMTATO

Tomtato là loại cây lai từ khoai tây và cà chua. Phần thân của nó cho ra quả cà chua bình thường nhưng phần rễ lại phát triển thành củ khoai tây, và người ta có thể thu hoạch cả hai thứ cùng lúc. Loại cây này được tạo ra nhờ cấy ghép chứ không phải biến đổi gene như nhiều người nghĩ.

2. Plumcot

Plumcot là loại quả được lai từ mận Nhật và mơ bình thường. Ngoài vị ngon của mận, quả còn có hương thơm đặc trưng của mơ khiến nhiều người thích thú.

3. Quả mâm xôi trắng

Mâm xôi trắng, chứ không phải đỏ hay đen như thường thấy, là loại mâm xôi lai từ crystal white (mâm xôi nâu) và mâm xôi lawton. Vị của nó cũng rất ngon miệng. Tuy vậy nhiều người thích màu đỏ, đen bình thường hơn là màu trắng nhợt nhạt này.

5. Xương rồng không gai

Xương rồng không gai khác với xương rồng bình thường đó là chúng cần được tưới nước thường xuyên, không thể sống ở sa mạc.

Bảo Tố (tổng hợp).

10 THỰC PHẨM NGON MIỆNG VÀ BỔ DƯỠNG NHẤT

Sau đây là danh sách 10 thực phẩm đáp ứng đủ hai tiêu chí: ngon miệng và tốt nhất cho sức khỏe, theo Boldsky.com:

Bơ là trái cây chứa nhiều chất bổ nhất thế giới, nó có thể giúp giảm cholesterol và ngăn nguy cơ bệnh tim.

Các loại đậu làm giảm cholesterol nhờ các chất xơ hòa tan, điều này rất có ích cho tim mạch.

Việt quất là loại vũ khí tốt trong việc chống lại ung thư và các bệnh về hệ tiết niệu.

Súp lơ xanh có ích cho cơ thể bạn nhờ nó chứa rất nhiều vitamin K và lưu huỳnh. Loại rau này giúp hỗ trợ quá trình đông máu, ngăn ngừa các bệnh dạ dày.

Chocolate đen có chứa nhiều flavonoid và chất chống oxy hóa rất cần thiết để ngăn ngừa các bệnh hiểm nghèo. Nó còn là thần dược cho tim.

Hạt lanh, nguyên liệu chế biến dầu lanh, rất ngon miệng và tốt cho mọi người, cả với những ai muốn giảm cân.

Tỏi có khả năng phòng và chữa nhiều bệnh, giảm cholesterol, giảm sự tạo nên các viên máu đông, giảm cholesterol và ngừa đau tim, đột quỵ.

Cá hồi rất tốt cho tim mạch.

Cải bó xôi thường được xếp vào danh sách những loại rau bổ nhất, chúng còn chứa nhiều vitamin K giúp ngừa loãng xương.

Sữa chua ngừa viêm ruột, nhiễm trùng đường niệu và nấm âm đạo.

Giang Trang (Theo Boldsky.com)

3 CÁCH LỘT VỎ CÀ CHUA CỰC ĐƠN GIẢN

Khi làm món sốt cà hoặc các món có cà chua nấu nhừ, việc nên làm là tách bỏ vỏ cà chua, nhưng không phải ai cũng biết làm điều này nhanh gọn. Sau đây là 3 cách đơn giản nhất để bạn thực hiện điều đó:

1. Hơ lửa gas

Một cách khá hữu hiệu để tách vỏ cà chua với gas. Ảnh:Toriavey

Đầu tiên, bạn bỏ đi phần cuống, rồi rửa sạch và lau khô cà chua. Sau đó, bạn dùng nĩa, ghim vào đầu quả cà chua, ở vị trí bạn vừa bỏ cái cuống.

Mở bếp gas với cỡ lửa trung bình rồi hơ lửa quả cà chua đến khi vỏ cà tách ra. Chỉ cần hơ khoảng 15 – 25 giây, vì nếu để trên lửa lâu hơn, cà chua sẽ bị chín. Sau đó để nguội rồi bóc vỏ cà chua như thường.

2. Chần sơ

Chần nước sôi giúp dễ bóc tách vỏ. Ảnh: Toriavey

Trong lúc bỏ cuống, rửa sạch và lau khô cà chua, bạn nấu một nồi nước sôi và chuẩn bị một thau nước đá. Sau đó, ở đáy quả cà chua, bạn rạch một đường chữ X.

Bỏ cà chua vào nồi nước đang nấu sôi. Thường thì vỏ sẽ bong ra trong 25-30 giây đầu tiên khi bạn vừa bỏ vào nồi. Nếu để lâu hơn cà chua sẽ chín. Vì vậy, khi thấy phần vỏ ở chỗ chữ X được rạch trước đó bong ra thì lấy cà chua bỏ ngay vào thau nước đá đã chuẩn bị trước. Sau đó đợi cà chua nguội rồi bóc vỏ như thường.

3.  Dùng dao

Cách bóc vỏ được nhiều bà nội trợ sử dụng vì nhanh gọn nhưng cần độ khéo léo. Ảnh:Toriavey.

Rửa sạch và lau khô quả cà chua. Sau đó bạn cắt cà chua thành từng miếng như trong hình.

Sau khi đã cắt cà chua thành từng miếng, bạn đặt cà chua lên một tấm thớt, phần vỏ cà chua tiếp xúc với thớt như trong hình. Bạn dùng dao nhẹ nhàng bóc phần vỏ từ đầu của miếng cà chua. Sau đó, bạn để lưỡi dao thật sát vỏ, từ từ lia dao sang đầu còn lại của miếng cà chua. Bạn tiếp tục lột vỏ của những miếng cà chua còn lại theo cách tương tự.

Anh Tú ( Theo Toriavey.com)

12 CÁCH ĐUỔI KIẾN BẰNG VẬT LIỆU SẴN CÓ

Nếu không bao giờ muốn thấy loài kiến họp thành đoàn trong gian bếp, phòng ngủ hay phòng khách của mình, bạn có thể dùng những cách đơn giản sau:

1. Băng keo hai mặt

Nếu để bánh kẹo, đồ ngọt trên kệ hoặc trên bàn mà không có đồ đậy kín, bạn có thể dùng keo hai mặt dán quanh chúng. Không con kiến nào có thể bước qua được cái “hào” này.

2. Phấn

Calcium Carbonate trong phấn sẽ ngăn chặn loài kiến bước qua một vệt phấn. Bạn hãy vẽ phấn chung quanh những gì muốn bảo vệ khỏi lũ kiến. Phấn cũng có thể đuổi sên hiệu quả. Xa hơn, bạn nghiền nát bột phấn và rải trong vườn nhà để kiến và sên khỏi mò vào.

3. Vỏ trứng

Vỏ trứng nghiền nhuyễn cũng có tác dụng như phấn.

4. Bột mì

Kiến sẽ tìm cách đi vòng qua chứ không đi xuyên qua bột mì, vì vậy bạn hãy rắc bột mì thành một vòng khép kín để bảo vệ thực phẩm.

5. Nước sôi

Nếu nhà bạn có tổ kiến lửa thì thật là nguy hiểm nếu sa chân vào đó. Hãy để chậu hoa hoặc cái gì có lỗ thoát nước lên trên rồi đổ nước sôi vào để tiêu diệt

6. Chanh

Không chỉ kiến mà gián và bọ chét cũng bị chanh làm khiếp sợ. Bôi / xịt / vắt nước cốt chanh lên chỗ nào bạn không muốn kiến bò vào. Vỏ chanh bạn có thể nghiền nhỏ rồi rắc vào chỗ muốn đuổi kiến. Nếu trộn 4 quả chanh nghiền với 2 lít nước, bạn sẽ tạo ra một hỗn hợp rửa sàn sạch sẽ, mà còn đuổi sạch bọ chéc, kiến và gián.

7. Cam

Thay vì dùng chanh, bạn có thể dùng cam để có được những tác dụng đuổi kiến tương tự.

7. Tiêu

Tiêu sẽ làm kiến quên mất là chúng đang ở gần những thứ có đường. Đổ hạt tiêu xuống tổ kiến cũng là cách để đuổi sạch chúng.

9. Muối

Muối cung có tác dụng làm kiến “tan đàn xẻ nghé” khi chúng đang dọn đường để vào nhà bạn.

10. Cây gia vị

Nguyệt quế, quế, đinh hương là những thực phẩm đuổi kiến hiệu quả. Chi đơn giản là thả một cọng nguyệt quế, quế hay đinh hương vào hộp/ thùng đựng thức ăn mà kiến ưa thích.

11. Phấn rôm

Phấn rôm cũng có tác dụng ngừa kiến. Ngoài phấn rôm ra, bạn có thể dùng hàn the, lưu huỳnh rắc để đuổi kiến.

12. Giấm

Kiến là loài động vật không bao giờ muốn xông vào những nơi có mùi chúng ghét. Kiến ghét mùi giấm. Nếu bạn không ghét mùi giấm, hãy hòa giấm với nước theo tỉ lệ 1:1 và xịt vào những chỗ muốn trừ khử kiến.

Khánh Toàn (theo rd.com)

Cách làm BÁNH TRUNG THU RƯỢU VANG

Những chiếc bánh trung thu rượu vang đẹp mắt và lạ miệng sẽ là điểm nhấn hấp dẫn cho bữa tiệc trung thu nhà bạn. Bánh này làm rất nhanh chóng và dễ dàng.

Nguyên liệu (cho 4 cái):

Phần vỏ:

  • – 2 lạng bột nếp rang (bột làm bánh dẻo)
  • – 320ml rượu vang
  • – nửa lạng đường
  • – 50g dầu ăn

Phần nhân:

  • -450g hột sen hấp nhừ nghiền nhuyễn
  • – 450g hột sen hấp nhừ nghiền nhuyễn trộn với nước ép hoa hồng hoặc đậu đỏ nghiền, để cho có màu hồng.

Thực hiện:

– Trộn các nguyên liệu làm vỏ bánh lại với nhau, nhồi cho thật dẻo, để khoảng 15 phút sau đó chia bột ra thành 4 viên bằng nhau.

 

– Viên hột sen nghiền thành 4 viên bằng nhau. Hột sen trộn nước hoa hồng  cũng viên thành 4 viên bằng nhau.

 

– Bóp dẹp hột sen trộn hoa hồng, cho viên hột sen nghiền màu vàng vào giữa rồi bọc kín lại.

Sau đó ép viên bột làm vỏ cho dẹt rồi cho viên nhân vào trong, đậy kín lại.

– Cuối cùng cho vào khuôn rồi cho vào lò nướng 200 độ C, nướng tới khi bánh cứng, chín là được.

Bảo Tố 

11 MÓN ĂN TỪ CÁ CHÉP – THUỐC QUÝ CHO BÀ BẦU

Cá chép là loại thực phẩm thường được nhắc đến như một vị thuốc an thai tự nhiên cho bà bầu. Cá chép còn có những tác dụng bổ ích khác cho thai phụ như lợi tiểu, tiêu phù, chữa ho, thông sữa, có thể dùng chữa trị nhiều bệnh về gan và thận.

Để cho món cá chép càng phát huy thêm công dụng bồi bổ cơ thể, chúng ta có những cách nấu cá chép với một số thảo dược. Sau đây là 11 công thức làm món thuốc từ cá chép hữu ích cho thai phụ:

Cá chép hầm gạo nếp: Có tác dụng an thai, bổ khí huyết, ôn tỳ vị, trừ mỏi mệt, thiếu máu, lợi sữa. Cá chép một con 250 g, gừng một lát, gạo nếp 200 g. Cá luộc chín tẩm rượu rồi cho táo gừng vào cháo nhừ.

Canh cá chép với táo: Kiện tỳ, dưỡng huyết, trợ thai sinh trưởng. Cá chép một con 500 g, đại táo 40 g. Cá làm sạch cho táo, cho ít muối vào nấu chín. Ăn cả và uống dần nước canh. Ăn tuần một lần, liên tục 2-3 lần.

Cá chép nấu canh đậu đỏ (hạt nhỏ): An thai bổ máu, lợi tiểu tiêu thũng. Cá chép để nguyên vảy một con 500 g, nấu cùng 150 g đậu đỏ cho nhừ để ăn cái và nước.

Cháo cá chép đậu xị: Có tác dụng an thai, lợi tiểu, kiện tỳ, dưỡng vị. Cá chép một con 500 g, đậu xị 10 g, hành 2 cây, gạo nếp 200 g. Luộc cá lấy nước, cá bỏ xương, nấu cháo. Cháo nhừ cho đậu xị, hành, nấu sôi lại, chia 2 lần để ăn.

Cá chép, a giao chữa động thai: Cá chép một con 500 g, a giao (sao) 20 g, gạo nếp 100 g, nước vừa đủ, nấu cháo gần chín cho gừng, vỏ quýt, muối. Ăn liền một tuần thì khỏi.

Cháo cá chép, rễ gai: Có tác dụng an thai chữa mỏi lưng, phù thũng: Cá chép tươi một con (400-500 g), rễ cây gai 15 g, gạo nếp 100 g, cá chép làm sạch nấu lấy nước bỏ xương. Rễ gai sắc lấy nước bỏ bã. Lấy nước cá, nước rễ gai nấu cháo ăn nóng ngày 2 lần, một liệu trình 3-5 ngày.

Cháo cá chép, hành, nghệ: Có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù, lợi sữa: Cá chép một con 500 g, gạo tẻ 100 g, 2 cây hành, bột nghệ, rượu vang, gia vị. Cá chép làm sạch ướp rượu, bột nghệ, rồi luộc chín lóc bỏ xương lấy nạc và nước. Nấu cháo nhừ mới cho nước luộc cá, hành, gia vị vào, nấu sôi lại. Ăn vào buổi sáng và tối (trong Bản thảo cương mục không dùng nghệ mà lại dùng gừng và trần bì).

Canh cá chép, đẳng sâm, hoàng kỳ: Bổ tỳ, kiện vị, lợi tiểu, tiêu phù, an thai, lợi sữa. Cá chép một con 500 g làm sạch, đẳng sâm 15 g, hoàng kỳ 50 g, cho vào túi rồi cùng cá nấu canh (để lửa nhỏ, lâu cho nhừ).

Canh cá chép, bạch truật: Kiện tỳ, lợi thủy, dưỡng huyết, an thai. Cá chép một con 500 g, bạch truật 15 g, phục linh 15 g, đương quy, bạch thược, gừng tươi mỗi thứ 10 g. Cá chép đánh vảy bỏ ruột, mang. Các vị thuốc bỏ vào túi vải, cùng nước 1.500 ml, cá nấu chín. Ăn cá uống canh.

Canh cá chép đen: Kiện tỳ, thảm thấp, lợi tiểu, hết phù, an thai. Cá chép đen một con khoảng 500 g, xích tiểu đậu 100 g, bạch truật 20 g, tang bạch bì 15 g, trần bì 10 g, hành hoa 3 cây. Cá chép làm sạch. Trước hết nấu xích tiểu đậu với 2 lít nước cho nở. Các vị thuốc khác cho vào túi vải rồi cho cá cùng vào nồi có đậu, ninh đến khi đậu nhừ thì cho hành, không cho muối. Ăn cá trước rồi ăn đậu, sau uống canh, ngày 3 lần thì hết.

Canh cá chép đỗ trọng: Ôn dương, bổ thận, lợi tiểu, tiêu thũng, chữa phù, đau lưng. Đuôi cá chép to 500 g, đỗ trọng 30 g, câu kỷ tử 30 g, can khương (gừng khô) 10 g. Cá chép làm sạch nấu chung với túi bỏ 3 vị thuốc. Hầm một giờ chia 2 lần ăn trong ngày cả cá và nước (bỏ bã thuốc), cũng có thể ăn hằng ngày hoặc cách ngày. Ăn 5-7 lần liền, nghỉ một thời gian rồi dùng tiếp.

BS. Phó Thị Thu Hương , Sức Khỏe & Đời Sống

Cách làm BÁNH TRUNG THU KHOAI TÍM không dùng lò nướng

Bánh trung thu khoai tím là món bánh ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng, nhưng cách làm thì rất đơn giản.

 

Nguyên liệu:

  • – Khoai tím: 4,5 lạng
  • – Hột sen tươi: 2 lạng
  • – Đường: 700g
  • – Dầu ăn: 1 muỗng canh
  • Ngoài ra bạn cần có khuôn làm bánh trung thu mua ở chợ.

Thực hiện:

Bước 1:

– Hột sen rửa sạch, tách đôi, bỏ tim rồi đem hầm nhừ. Sau đó trộn với 700g đường rồi đem xay nhuyễn.

Bước 2:

– Bắc chảo lên bếp làm nóng rồi cho nhân hột sen lên xào tới khi dẻo đặc lại, cho tiếp 1 muỗng canh dầu ăn vào, đảo luôn tay. Sau đó nhắc ra để nguội.

Bước 3:

– Khoai hấp chín, bỏ vỏ, nghiền nát. Ép khoai qua rây để bỏ xơ (chỉ lấy bột khoai nhuyễn). Sau đó cho khoai nghiền vào tủ mát 30 – 60 phút.

Bước 4:

– Nhân sen vo thành những viên nhỏ bằng nhau. Khoai chia ra thành từng phần bằng nhau (một phần khoai to gấp hai phần hạt sen.

 

– Ép phần khoai cho dẹt, sau đó đặt viên nhân hạt sen vào giữa, gấp khoai lại cho kín, vo tròn rồi cho vào khuôn ép tạo hình bánh trung thu.

Vậy là xong món bánh trung thu khoai tím nhân sen. Rất đơn giản mà lại ngon miệng!

Bảo Tố

7 LOẠI TRÁI CÂY GIÚP NGĂN NGỪA UNG THƯ VÚ

Ung thư vú là căn bệnh mà không một ai muốn mắng phải. Dựa trên kết quả của nhiều công trình nghiên cứu, chị em có thể tăng khả năng phòng ngừa chứng bệnh nguy hiểm này bằng cách bổ sung những loại hoa quả sau đây:

 

 

VIỆT QUẤT

Việt quất tươi được coi như một nguồn chống oxy hóa tuyệt vời với các acid chlogenic và sắc tố anthocyanin tạo nên màu tím của quả. Việt Quất được đánh giá là có ORAC (năng lực hấp thụ gốc oxy) cao thứ nhất trong tất cả các loại rau quả.

VẢI THIỀU

Trong vải thiều có flavonoid giúp ngăn chặn sự phát triển của các mầm mống ung thư vú ở nữ giới.

CAM TƯƠI

Trong quả cam tươi có nhiều vitamin C, B tự nhiên giúp ức chế sự hình thành nitrosamine gây bệnh ung thư vú. Uống nước cam vắt hoặc ăn cam tươi hàng ngày cũng là cách để phòng ngừa ung thư vú hiệu quả.

HẠT ÓC CHÓ

Theo Daily Mail của Anh và tạp chí Dinh dưỡng và ung thư của Mỹ, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu ăn 50g – 57g hạt óc chó hàng ngày, nguy cơ ung thư vú của bạn sẽ bớt đi được 50%.

LỰU

Theo tạp chí Cancer Prevention Research, một nghiên cứu được công bố cho thấy acid allagic trong quả lựu có thể hỗ trợ ngăn chặn ung thư vú. Lựu có khả năng ngăn sự phát triển của tế bào ung thư đồng thời khống chế hormone estrogen. Tương tự như lựu, bạn có thể tìm thấy khả năng này ở quả hồ đào, mâm xôi, dâu tây, nam việt quất và hạt óc chó.

XOÀI

Xoài là loại quả thường được nhắc đến với tác dụng phòng chống ung thư vú. Trong xoài có polyphenol, trong đó thành phần tannin có thể làm vỡ chu kì phân chia tế bào giúp ngăn ngừa ung thư vú.

DÂU TÂY

Acid Ellagic và Vitamin C trong dâu tây là công cụ hiệu quả để tăng cường sức đề kháng và tiêu diệt tế bào ung thư.

 

Bảo Tố (tổng hợp)

12 MÓN BÁNH BÌNH DÂN MÀ HẤP DẪN CỦA MIỀN TRUNG

Dải đất miền trung nắng gió cũng là nơi sản sinh ra những món ngon, thấm thía vô cùng và cũng rất bình dân. Ai đã ghé qua các tỉnh miền Trung ắt đã có lúc phải lòng với những món rẻ tiền mà nhớ lâu của miền đất này.

1. Bánh bèo


Tại miền Trung, bánh bèo thường được phân ra làm hai loại là bánh bèo Quảng Nam và bánh bèo Huế. Bánh bèo Quảng Nam thường thì to, dày, ăn với nhân là bột nấu nhão gồm có thịt, tôm băm, hẹ, khi ăn bỏ thêm ít hành phi, ớt băm. Bánh bèo Huế có khác chút ít, bánh mỏng hơn, có bột tôm chấy, khi ăn kèm theo da heo chiên giòn. Bánh bèo miền Trung đa phần đúc bằng chén (bánh bèo chén).Bánh bèo là một món bánh rất thịnh hành ở miền Trung và miền Nam. Bánh bèo gồm có ba phần chính là bánh làm từ bột gạo, nhân để rắc lên bánh làm bằng tôm xay nhuyễn, và nước chấm, một hỗn hợp mà nước mắm là thành phần chính và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ.

2. Bánh bột lọc

Bánh bột lọc là một trong những đặc sản của xứ Huế. Vỏ bánh được từ bằng bột sắn (khoai mỳ) lọc lấy tinh bột, sau đó luộc một phần nhỏ bột, nhồi kỹ và làm bánh. Nhân bánh thường bằng tôm trộn với gia vị, có thể làm nhân bằng thịt heo nạc hay hỗn hợp tôm – thịt heo. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối (hoặc có thể không gói) và hấp cách thủy. Miếng bánh trong suốt, vị dai ngon tinh tế sẽ giúp đánh thức các giác quan của bạn.

3. Bánh xèo, bánh khoái

Bánh xèo là một loại bánh hầu như ai cũng mê, có bột bên ngoài, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, được chiên vàng, khi đổ vào chảo có tiếng xèo, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt.  Tại Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, lạc. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng ngoài rau sống, còn thêm quả vả chát, khế chua.

4. Bánh chưng Nhật Lệ

Đây là món ăn nổi tiếng ở Huế và có xuất xứ từ con phố Nhật Lệ trong thành Nội, nơi tập trung hàng chục lò làm bánh. Bánh thơm dẻo, ăn rất khoái khẩu do sự kết hợp nhuần nhuyễn mùi vị giữa nhân đậu, thịt (mỡ và nạc) với gạo nếp và các loại gia vị như tiêu, hành. Người ăn quen lâu ngày thành nghiện, thành thèm.

5. Bánh nậm

Bánh nậm là một loại bánh đặc trưng của xứ Huế, cùng với bánh bèo, bánh lọc. Đây là thứ bánh được làm từ bột gạo vừa ngon vừa có tính chất lành (người già, trẻ em, người ốm đều có thể ăn được). Ở Huế, bánh nậm còn được làm chay, chỉ có nhân đậu xanh, dùng cho ngày Rằm, mồng Một. Đặc biệt, còn có bánh nậm nhân thịt cóc, dành cho trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, cũng ngon và hấp dẫn không kém bánh nậm tôm.

6. Bánh ram ít

Bánh ram ít nhân tôm được ghép với nhau bởi 2 phần là phần bánh ít phía trên và đế ram phía dưới. Bánh phần trên được  làm bằng loại gạo nếp thơm ngon, ủ đúng giờ để bánh được dẻo mềm. Mỗi chiếc bánh nho nhỏ trắng bóc bằng quả táo bên trong là một con tôm kho. Chỉ cần thử cắn một miếng thôi là bạn sẽ cảm nhận ngay được vị dẻo của bột nếp bánh ít và cái giòn rụm của đế ram. Người Huế thật khéo léo khi kết hợp hai thứ tưởng trừng như đối lập nhưng lại đem lại cảm giác lạ miệng cho thực khách khi ăn.

7. Bánh ướt thịt nướng

Bánh ướt thịt nướng là một món ăn phổ biến và được nhiều người biết đến của Huế, món ăn này có nguồn gốc từ vùng đất Kim Long – Huế – nơi nổi tiếng có rất nhiều nhà vườn. Món ăn này có thể dùng làm điểm tâm, bữa chính hay ăn chơi với bạn bè đều rất phù hợp. Điều đặc biệt là nước chấm của món này không phải là nước mắm chua cay như món bún thịt nướng mà là tương mè đậu nấu ngọt rất đặc trưng.

8. Bánh đập

Bánh đập hay còn gọi là bánh chập là một loại bánh khá phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Nam đến Khánh Hòa nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ở Hội An. “Đập” được hiểu đơn giản là bánh phải được đập rồi mới ăn. Bánh đập là sự kết hợp tinh tế giữa bánh ướt và bánh tráng nướng. Trên nửa lớp bánh ướt được phết dầu mỡ hành, đậu xanh nhuyễn. Bánh đập còn được ăn kèm với tôm, thịt heo luộc, thịt nướng tùy theo vùng miền.

9. Bánh tráng cuốn thịt heo

Bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn dân dã của người miền Trung. Mỗi suất bánh tráng gồm một đĩa thịt heo lớp nạc lớp mỡ xen kẽ đủ để miếng thịt không khô, không ngấy; kèm theo rau ghém đủ các loại gồm xà lách, mùi thơm, tía tô, diếp cá… và củ quả thái lát như giá đõ, dứa, xoài, dưa chuột, chuối xanh, được cuộn tròn cùng trong bánh cuốn, chấm vào mắm nêm sóng sánh thơm mùi biển cả thật tuyệt chẳng gì bằng.

10. Bánh tráng kẹp

Bánh tráng kẹp là một trong những món ăn vặt lọt top những món ăn đường phố hấp dẫn nhất Đà Nẵng. Được làm từ bánh tráng mềm và không quá dày, người ta quết lớp nhân lên trên bánh, có thể để vậy hoặc gấp lại, hay cuộn lại rồi nướng giòn. Nhân bánh có thể là pate gan tẩm gia vị có rất nhiều hành phi, quết lên bánh rồi bỏ trứng cút thêm vào. Nhân bánh cũng có thể là khô bò xé sợi, cũng có khi là mực hay trứng gà tùy theo khẩu vị hay yêu cầu của từng thực khách.

Làm nên hương vị đặc biệt và đặc trưng cho món bánh tráng kẹp Đà Nẵng không gì khác hơn là nước chấm. Nước chấm hay còn gọi là nước sốt để chấm với bánh tráng kẹp khá đặc biệt. Nước chấm được chế biến từ bò khô, sa tế cùng với bí quyết rất riêng làm nước chấm vừa sệt, vừa cay nồng, rất thơm và màu vàng nâu bắt mắt, khiến thực khách thử qua hàng trăm lần cũng khó mà phát hiện ra đủ thành phần làm nên hương vị đặc biệt của nó.

11. Bánh bao vạc

Bánh bao bánh vạc là một món ăn đặc trưng Hội An Quảng Nam. Do có hình dáng nhỏ nhỏ, xinh xinh và có màu trắng trông như những đoá hoa hồng nên bánh bao bánh vạc còn có tên gọi là bánh hoa hồng trắng. Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An.

Bánh báo bánh vạc là hai loại có tên gọi khác nhau nhưng thường có mặt trong cùng một đĩa bánh và cùng có chung một loại nước chấm rất đặc biệt: không quá mặn, không quá nhạt và có thơm hương, vị ngọt của thịt tôm.

Nguyên liệu chính để chế biến bánh bao bánh vạc là gạo nhưng được thực hiện qua nhiều công đoạn rất công phu. Gạo xay xong phải “bòng” với nước nhiều lần (khoảng từ 15 đến 20 lần) để chọn cho được loại bột bánh ngon. Nhân bánh bao chủ yếu chế biến từ tôm tươi xay nhuyễn trộn với muối, tiêu, hành và một vài loại gia vị khác. Nhân bánh vạc thì có thêm một số nguyên liệu như: nấm mèo, giá hột, lá hành, thịt heo … đã được thái mỏng và xào chín. Cả hai loại nhân đều được bao bọc bởi một lớp bột bánh mỏng và hấp chín qua lửa.

12. Bánh kiến tơ

Một trong những đặc sản Hội An mà bạn có thể bắt gặp vô vàn ở trên đường phố là bánh kiến tơ. Vỏ của bánh thực chất là hai miếng bánh quế tròn mà chắc hẳn không còn xa lạ gì. Cái thú vị và đặc sắc của món này chính là ở phần nhân.

Nhân của bánh kiến tơ được làm từ mạch nha. Khi khách mua hàng, người bán mới lấy một thanh mạch nha ra, kéo qua kéo lại như kẹo kéo rồi trộn nhanh với bột, sau vài giây thao tác khéo léo, chỗ mạch nha ban đầu đã biến thành những “sợi chỉ” mỏng manh vui mắt. Người bắt sẽ cho chỗ “chỉ” đó lên hai vỏ quế, thêm ít dừa bào sợi, kẹp lại. Vậy là món bánh kiến tơ đã hoàn thành. Tất cả các bước chỉ diễn ra chưa đầy một phút.

Hạt Tiêu tổng hợp

(ngoisao.net)

Sau đây là 7 loại quả có thể dùng để khắc phục những vấn đề khó nói của nam giới, như các bệnh về đường tiết niệu, tinh hoàn…

Nghiền nát 15-20 hột vải, sắc lấy nước uống để trị viêm tinh hoàn.

Sắc 15g hạt sen tươi lấy nước uống để chữa mộng tinh.

Lấy 2 lạng rưỡi nho tươi nghiền nát ròi pha nước ấm, uống ngày 2 lần trong 2 tuần để chữa viêm tuyến tiền liệt.

50g kiwi tươi nghiền nát hòa với 250ml nước uống để trị tiểu rắt, bí tiểu.

Lấy 10g hạt xoài sắc lấy nước uống để trị viêm tinh hoàn.

Giống như hạt sen, hạt bạch quả có thể dùng trị mộng tinh. Bạn chỉ cần rang nó lên ăn phần nhân.

Táo tàu giúp ngừa thiếu máu.

 Thiều Chính Ân (theo Nhân Dân Nhật Báo)

NÊN ĂN MỘT MIẾNG THỊT BÒ HOẶC CÁ HỒI HÀNG NGÀY

Theo các nhà nghiên cứu thuộc trường Y Norwich (Anh Quốc), việc ăn một miếng bít tết nhỏ hoặc miếng cá hồi hàng ngày sẽ đem lại lợi ích như khi bạn bỏ thuốc lá.

 

Ăn một miếng bít tết nhỏ mỗi ngày tốt tương đương bỏ thuốc lá

Những người ăn nhiều thực phẩm giàu prtotein sẽ có huyết áp thấp, các mạch máu khoẻ mạnh hơn, và có ít nguy cơ nhồi máu cơ tim hay đột quỵ hơn.

Các nhà khoa học cho biết điều này có được chính là nhờ các axit amino – “vật liệu” chính tạo ra protein – giúp các tế bào, mô và các cơ bắp được khoẻ mạnh.

Những người ăn nhiều axit amino sẽ thấy những lợi ích tương tự như bỏ thuốc, giảm muối hay tăng cường luyện tập.

Kết quả của nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Dinh Dưỡng và dựa trên nghiên cứu dữ liệu sức khoẻ của 2.000 phụ nữ Anh. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát những thực phẩm mà các tình nguyện viên ăn, tập trung vào 7 loại axit amino. Những người “nạp” nhiều axit amino nhất có mức đo huyết áp thấp hơn và độ cứng của động mạch cũng giảm, nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Trưởng nhóm nghiên cứu BS Amy Jenning, Trường Y Norwich cho biết nghiên cứu này đã có thấy tác động tích cực của axit amino với sức khoẻ tim mạch. Do đó mỗi người nên ăn 75g bít tết hay 100g cá hồi hoặc 0,5l sữa rút kem mỗi ngày để giúp phòng ngừa bệnh tim.

Trước đó, nhóm nghiên cứu của ĐH Đông Anglia cho biết thực phẩm giàu protein như thịt, cá, các sản phẩm sữa hằng ngày, các loại đậu đỗ, đậu lăng, bông cải xanh, rau chân vịt có chứa rất nhiều các hợp chất có lợi.

Nhân Hà

Theo Dailymail

(Dân Trí)

Cách làm SƯỜN KHO DỪA NON

Sườn non vốn đã hấp dẫn nay lại kho chung với miếng cùi dừa non lựt xựt đảm bảo sẽ khiến cho cả nhà bạn gắp “không ngừng đũa”.

NGUYÊN LIỆU

– Sườn non: 4 lạng

– Cùi dừa non (loại dừa uống nước có cùi đã hơi cứng): 2 lạng

– Tỏi băm: 1 muỗng cafe

– Đường: 1 muỗng cafe

– Nước mắm: 2 muỗng cafe

– Hột nêm: 2 muỗng cafe

– Dầu ăn

CÁCH LÀM

– Sườn mua về rửa sạch, chặt thành từng miếng đủ ăn

– Dừa cắt thành miếng vừa ăn

– Bắc chảo cho tí dầu làm nóng, cho tỏi vào phi vàng thơm. Tiếp đến trút sườn và cùi dừa vào xào săn, nêm nước mắm, hột nêm, sau đó châm nước xâm xấp mặt thịt.

– Kho lửa vừa tới khi nước sánh lại còn 1/3 ban đầu.

– Ăn nóng với cơm.

Cái Quan

Những lệch lạc trong sở thích ăn uống của người Việt

Chúng ta bây giờ hào hứng ăn một bát bún đầy ốc to, ốc nhỏ, giò tai, thịt bò, đậu phụ, hành phi, thêm một thìa tướng xì dầu, tương ớt mà chả cảm thấy áy náy gì.

Ăn là nhu cầu lớn nhất của con người. Người ta có thể sống không cần yêu nhưng nhất thiết phải ăn. Về tầm quan trọng, chuyện ăn uống luôn đứng đầu và được xếp vào tầng thứ nhất của tháp nhu cầu Maslow. Song chuyện ăn bây giờ có vẻ hời hợt vô cùng.

Ẩm thực Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới. Các món ăn đường phố Việt Nam cũng rất phong phú và đa dạng.

Người Việt có lẽ là một trong những dân tộc coi trọng chuyện ăn nhất thế giới. Giở từ điển Tiếng Việt, đề mục Ăn có khoảng 120 đơn vị, bao gồm cả từ ngữ và thành ngữ. Chỉ riêng một mình từ Ăn đã hàm chứa 13 ngữ nghĩa khác nhau. Người Việt coi miếng ăn là Trời (Dĩ thực vi thiên), là nền tảng của Đạo (Có thực mới vực được đạo) nên ăn rất kỹ, rất tinh, rất cầu kỳ chứ không xô bồ, hỗn tạp. Việc nấu và việc ăn dù là các món đơn giản hay phức tạp đều đòi hỏi tuân theo những nguyên tắc nhất định, mặc dù có thể biến thiên theo tập tục ẩm thực của vùng miền hay thời đại.

Chế biến đúng kiểu, ăn đúng cách là yêu cầu tối thiểu trong việc ăn uống, chưa nói gì đến rất nhiều quy định khác nếu muốn nâng tầm lên nghệ thuật thưởng thức ẩm thực như: Đồ ăn ngon phải ăn đúng lúc (Thời gian – Thiên), đúng địa điểm (Không gian – Địa) và cả đúng người – người nấu và người ăn cùng (Nhân).

Song việc ăn uống chưa bao giờ bị biến dạng méo mó như hiện nay. Chúng ta bây giờ hào hứng ăn một bát bún ốc đầy ốc to, ốc nhỏ, giò tai, thịt bò trần tái, đậu phụ, hành phi, trộn thêm một thìa tướng xì dầu, tương ớt mà không cảm thấy áy náy lương tâm.

Một thức đồ ăn đề cao sự đơn giản, thanh nhã, lấy vị chua nhẹ của nước dùng làm nền cho cái ngọt ngon của ốc, cái dẻo thơm của bún gạo lại có thể hòa nhịp của miếng thịt bò, vốn trở nên rất dở trong nước dùng chua. Thế nhưng, người ta vẫn cứ vô tư ăn thịt bò với bún ốc, nếu người bán không phục vụ thì các thượng đế sẵn sàng mang thịt bò từ nơi khác đến nhờ “trần hộ vào bát của em”, vốn là một chuyện rất thường tình ở hàng bún ốc ngõ Hàng Chai (Hà Nội).

Ngoài thịt bò và giò tai, thảm họa của bún ốc và bún riêu cua bây giờ chính là đậu phụ. Thứ đậu phụ để ăn kèm với bún riêu phải là thứ đậu mới, rán vàng vừa lửa, phồng căng, giòn tan và thơm ngậy. Còn đậu phụ dùng trong món bún ốc chuối đậu tuy không rán giòn nhưng cũng phải là đậu mới, được nướng qua hoặc rán sơ rồi với đem nấu cùng chuối, ốc.

Đậu phụ là thứ nguyên liệu rất dễ hỏng, không để được lâu nên khi dùng phải yêu cầu yếu tố tươi thì mới ngon được. Nhưng thứ đậu phụ thảm họa đang tung hoành trong các bát bún ốc, bún riêu khắp chốn kinh kỳ là thứ đậu phụ được rán sẵn, tống vào tủ lạnh dùng dần.

Miếng đậu phụ đó chua loét vì để lâu, khét vì rán nhiều lần, và cực kỳ trơ trẽn bởi không thể ăn nhập cùng với nguyên liệu khác. Thế nhưng, chúng ta vẫn nhẹ dạ mà kêu một bát “đầy đủ”, vẫn nhẹ mồm vừa xơi xì xụp, vừa khen ngon đáo để. Đấy là chưa kể đến thảm họa hành phi vốn ăn vị với miến lươn, đến bánh đa cua nay được tiện thể rắc tứ tung lên bún riêu, bún ốc, sắp tới có thể là cả phở chăng?

Nhiều người đi ăn bún riêu, bún ốc bây giờ vẫn quen gọi “một bát đầy đủ”. Ảnh: NHMX

Ngày xưa, các ông sành ăn như Thạch Lam, Nguyễn Tuân… vốn coi “miếng ăn là miếng cầu kỳ” đã mỏi miệng than trời khi người ta làm phở gà, phở lợn, phở chó, rồi sáng tạo thêm các thứ gia giảm trong phở như vừng rang (chắc để thơm hơn), xì dầu, quẩy (vốn chỉ dùng với cháo của người Tàu) và gọi đó là những thứ phở cải lương.

Ngày nay, nếu còn sống, chắc các ông còn than khi đám hậu thế vắt đến nửa quả chanh vào bát phở bò, chan vài muôi tương ớt hàng chợ (dùng với món gì cũng được) và đánh chén xụp xoạp. Các ông sẽ than rằng: “Ôi giời, thịt bò mà vắt chanh tươi vào thì còn gì là mùi bò nữa? Sao không dùng cái giấm tỏi ớt kia, nó không phá mùi mà còn làm đậm vị, thưa các vị thực khách tân thời”.

Cái tiêu chí “ăn kỹ” tưởng phức tạp nhưng thật ra rất đơn giản. Ví như khi ăn bát bún bò Huế, ta phải ăn bằng cả 5 giác quan. Màu sắc đa dạng của miếng huyết lợn, miếng chả cua, miếng bắp bò luộc, miếng chân giò, màu ớt chưng là để người ăn vui mắt. Mùi thơm của mắm ruốc, của xả, của thịt, của chanh vàng Huế là phục vụ anh mũi. Miếng chân giò sần sật, miếng tiết sột sột, tiếng xuýt xoa, hít hà vì cay vì nóng là để cho tai nghe rộn ràng.

Ăn bún bò Huế phải cầm bát trên tay, vừa xoay vừa húp, vừa lùa bún, vừa nhai, vừa nuốt thế là anh tay, anh miệng được dự phần. Nếu tìm được một gánh bún của o, của mệ để mà ngồi trên vỉa hè xơi nữa thì quả là đúng điệu. Đấy ăn kỹ cũng chỉ đến mức vậy thôi.

Sáng mai ra, nếu xơi quà phở bò, nhớ đừng vắt đẫy chanh, rưới đẫy tương ớt đóng can hoặc gọi bát phở không hành, không màu xanh của rau thơm. Nếu gọi bát bún ốc thì nhớ đừng thêm thịt bò, giò tai làm gì cả, cứ bún ốc to hoặc nhỏ mà thôi, kèm theo rau ghém đầy đủ, tươi xanh.

Như thế đã là yêu chính mình, yêu cái món ăn của nước mình rồi.

Anmustang (ngoisao.net)

20 MÓN ĂN VỈA HÈ NGON NHẤT THẾ GIỚI

Ẩm thực đường phố là điều không thể thiếu trong những thứ cần trải nghiệm của khách du lịch, nhất là khi đến các quốc gia châu Á. Danh sách sau đây do tạp chí du lịch nổi tiếng Rough Guides bình chọn, sẽ là một gợi ý cho bạn trong hành trình khám phá của mình.

 

Ẩm thực đường phố luôn có sức hút đặc biệt với du khách. Tạp chí Rough Guides đã đưa ra danh sách 20 món tuyệt vời nhất, trong đó có bánh mì Việt Nam.

Bánh mì (Việt Nam): Không danh sách món ăn vỉa hè tuyệt vời nào có thể hoàn thiện nếu thiếu bánh mì, món ăn phổ biến của Việt Nam chịu ảnh hưởng từ ẩm thực Pháp. Nguyên liệu chính gồm vỏ bánh mì mỏng và giòn, nhân thịt, patê, dưa góp, rau mùi…
Gà nướng (Jamaica): Công thức của mỗi hàng gà nướng đều được giữ bí mật, nhưng thường gồm thịt gà nguyên xương tẩm một hỗn hợp gia vị trộn từ hạt tiêu Jamaica, ớt, gừng và hành tươi. Thịt được để qua đêm cho ngấm đều, trước khi nướng chín trên than hoa.
Cua sốt ớt (Singapore): Được coi là món ăn biểu tượng của Singapore, cua sốt ớt được phục vụ ở vô số nhà hàng tại quốc gia này. Cua được để nguyên con, xào trong một loại sốt cà chua, trứng, và tất nhiên không thể thiếu ớt cay.
Bánh ngô Arepas (Colombia): Những chiếc bánh ngô tròn này là món không thể bỏ qua khi tới Colombia. Mỗi vùng có một cách chế biến khác nhau. Lớp vỏ làm từ bột ngô được nướng giòn trước khi cho thêm phô mai.
Halo-halo (Philippines): Một cốc halo-halo nhiều màu là cách hoàn hảo để giải nhiệt trong một ngày mùa hè oi bức ở Phillippine. Đây là một loại kem được trộn với nhiều nguyên liệu như đậu đỏ, dừa, si-rô, hoa quả tươi, sữa đặc và đá bào.
Cà ri Bunny chow (Nam Phi): Món ăn này gồm nửa ổ bánh mì bỏ ruột, cho thêm cà ri gà hoặc cừu, và nhiều nguyên liệu khác. Bunny chow có xuất xứ từ Ấn Độ, nhưng đã trở thành món ăn đường phố nổi tiếng của Durban.
Pierogi (Ba Lan): Pierogi có hình dạng khá giống bánh gối và được bày bán khắp Đông Âu, nhưng Krakow là thành phố duy nhất có cả một lễ hội dành cho món bánh này. Vỏ bánh pierogi được làm từ bột, trứng, nước và muối, nhân làm từ thịt, khoai tây và phô mai. Bánh được luộc trước khi đem rán giòn bằng bơ.
Thịt lợn xé phay (Mỹ): Những miếng thịt lợn quay được xé nhỏ, rưới một loại sốt nướng đậm đà và kẹp trong bánh mì. Du khách nên thưởng thức món này ở Bắc Carolina.
Trà sữa trân châu (Đài Loan): Với đủ mùi vị, từ vị trà sữa truyền thống tới các vị hoa quả như xoài hay chanh leo, món đồ uống vỉa hè này của Đài Loan sẽ giúp du khách xua tan cơn khát sau một ngày tham quan. Các viên trân châu có vị dai dai thú vị, lần đầu có thể sẽ khiến bạn hơi lạ nhưng rất dễ gây nghiện.
Poutine (Canada): Poutin là món ăn vặt phổ biến trên các đường phố của Canada, đặc biệt là ở Québec. Món ăn này gồm khoai tây chiên thấm đẫm nước thịt và phô mai.
Bánh mì Simit (Thổ Nhĩ Kỳ): Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có bánh mì Kebab. Những chiếc simit ngon tuyệt được bán ở các xe đồ ăn khắp đất nước là một món ăn sáng phổ biến. Được làm dạng vòng và rắc nhiều vừng, bánh simit nhạt hơn bánh sừng bò, lý tưởng nhất là ăn cùng một tách trà Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiểu long bao (Trung Quốc): Những chiếc giỏ tre đựng món bánh bao truyền thống của miền Bắc Trung Quốc xuất hiện khắp các con phố và nhà hàng của Thượng Hải. Tuy nhiên, du khách cần cẩn thận khi ăn món này vì nước dùng trong nhân bánh khá nóng.
Kem Gelato (Italy): Không gì tuyệt bằng được thưởng thức một chiếc kem ốc quế Gelato khi đang đi dạo buổi chiều ở Italy. Món kem của người Italy ít béo hơn, mịn hơn, với nhiều hương vị độc đáo. Bạn nên chú ý tới giá trước nếu định ăn món này ở Rome.
Bánh Tostadas (Mexico): Bánh gồm phần vỏ được nặn thành hình tròn dẹt và rán giòn. Phần nhân phía trên rất phong phú, có thể theo kiểu truyền thống gồm đậu, salad bơ, sốt salsa và phô mai, hoặc nhân tôm nhẹ nhàng.
Basko (Indonesia): Ông Obama đã rất thích món súp thịt viên này khi tới Indonesia, điều đó cũng không có gì khó hiểu. Các xe đồ ăn trên phố là nơi lý tưởng nhất để thử những viên thịt bò với nước dùng đậm đà, mì, trứng và hẹ tây.
Cơm cuộn Gimbap (Hàn Quốc): Phần nhân Gimbap thường được làm từ thịt cua, trứng, thịt bò, cà rốt, cuộn chặt trong cơm và rong biển. Bạn có thể thưởng thức món này ở Seoul, nơi Gimbap được bán ở các cửa hàng và quầy ăn khắp thành phố.
Bhel puri (Ấn Độ): Ấn Độ có rất nhiều món ăn vặt vỉa hè trên khắp đất nước. Đến Mumbai, bạn không thể bỏ qua món bhel puri, gồm cơm, miến xào và rau, rưới nước sốt me. Bạn có thể thử phiên bản cho thêm lạc và hạt lựu.
Ta’amiya (Ai Cập): Được làm từ đậu tằm có vị đậm hơn đậu hồi, món ta’amiya thường ăn kèm bánh mì pita, dưa góp, salat và sốt tahini.
Bánh Churros (Tây Ban Nha): Churros là món bánh ngọt và giòn nổi tiếng của Tây Ban Nha, được tẩm đường hoặc nhúng chocolate nóng. Đây là món ăn khuya phổ biến ở Madrid, với nhiều cửa hàng phục vụ 24/7.
Gỏi ceviche (Peru): Nhiều người coi đây là món quốc hồn quốc túy của Peru, với nguyên liệu chính là cá tươi tẩm nước chanh, muối và ớt. Bạn có thể thử món gỏi cá mú với ngô ngọt và khoai tây.

Hoàng Linh

Ảnh: Rough Guide

Nguồn; http://news.zing.vn/Banh-mi-Viet-vao-top-mon-via-he-ngon-nhat-the-gioi-post574347.html

9 LOẠI HOA QUẢ CHO NGƯỜI BỊ TIỂU ĐƯỜNG

Đối với người bị tiểu đường, chế độ ăn uống là rất quan trọng. Việc lựa chọn những thực phẩm tốt đồng thời có tác dụng kiểm soát bệnh là thực sự cần thiết.

Các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân tiểu đường ăn vài loại trái cây đặc biệt, vốn không chỉ có lợi cho cơ thể mà còn giúp kiểm soát insulin. Dưới đây là các loại trái cây thân thiện với bệnh nhân tiểu đường, theo trang tinhealthmeup.com dẫn nguồn từ các chuyên gia sức khỏe Ấn Độ.

Bưởi đỏ. Bệnh nhân tiểu đường được khuyến khích nên ăn nửa quả bưởi đỏ mỗi ngày. Các loại quả mọng như quả việt quất, mâm xôi giàu chất chống ô xy hóa giúp cải thiện sức khỏe người bị tiểu đường. Đây còn là nguồn phong phú chất xơ, vitamin các loại song lại có hàm lượng carbohydrate thấp.

Dưa. Trời nóng, ăn dưa hấu, dưa lưới… không chỉ giúp giải khát mà còn bổ sung vitamin B, C, beta-carotene, kali và lycopene. Một lát dưa sẽ cung cấp cho bạn các sinh tố cần thiết.

Cherry. Giàu chất chống ô xy hóa, hàm lượng carbohydrate cũng như đường huyết đều thấp. Bệnh nhân tiểu đường nên ăn 12 trái cherry mỗi ngày.

Đào. Quả đào không thể thiếu trong chế độ ăn uống của bệnh nhân tiểu đường vì lượng carbohydrate không nhiều song lại giàu vitamin A, C, kali và chất xơ.

Quả mơ. Ăn mơ tốt cho người bệnh tiểu đường vì ít carbohydrate nhưng lại cao chất xơ, vitamin A.

Táo. Khi ăn táo, không nên gọt vỏ. Vỏ táo giàu chất chống ô xy hóa trong khi ruột táo chứa nhiều chất xơ và vitamin C.

Kiwi. Một quả kiwi mỗi ngày đủ để cải thiện sức khỏe của bạn. Kiwi không chỉ chứa nhiều kali, chất xơ và vitamin C, mà lại có lượng carbohydrate thấp, cần thiết cho bệnh nhân tiểu đường.

Quả lê. Hạn chế lượng carbohydrate nạp vào cơ thể song lại giúp bổ sung kali và chất xơ, đó là công dụng của quả lê.

Cam. Hàm lượng vitamin C, kali cao và ít carbohydrate, an toàn cho bệnh nhân tiểu đường.

Huỳnh Thiềm (Thanhnien.com.vn)

9 MÓN ĐẶC SẢN NÊN ĂN Ở YÊN BÁI

Yên Bái là tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc nước ta, tại đây có nhiều điểm du lịch, tìm hiểu bản sắc các dân tộc như Mù Cang Chải, Mường Lò… Bên cạnh đó, đây cũng là nơi để khám phá những món đặc sản nổi danh của các dân tộc Thái, Tày…

Thịt trâu gác bếp

Trâu gác bếp ‘chín’ tới sẽ mềm và đậm đà. Ảnh: baoyenbai.

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá.

Mùi khói trong thịt trâu khiến ai nhạy cảm đều rất khó chịu, tuy nhiên để át đi mùi khói và tăng thêm hương vị của món thịt, phải nhờ vào kỹ thuật tẩm ướp trước khi gác bếp. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén – một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc.

Muồm muỗm rang Mường Lò

Con muồm muỗm ngậy và thơm. Ảnh: cungphuot.

Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản được người dân nơi đây ưa chuộng nhất. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm. Hay món muồm muỗm om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho ngay mỡ (hoặc dầu ăn) vào, đảo đều tay trên bếp to lửa khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, cho bột canh (hoặc nước mắm, hạt nêm…) vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay; cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra được.

Lạp xưởng Yên Bái

Có thể nói, làm lạp xưởng (lạp sườn) là bí quyết của người có nghề, vẫn thịt ba chỉ thái nhỏ, bột canh, hạt tiêu, mật ong, đường, rượu trắng…. nhưng cho cái nào trước, cái nào sau, thời gian tẩm ướp là bao nhiêu thì phải học. Làm lạp xưởng phải cẩn thận chú ý đến thời gian tẩm ướp, chú ý đến khâu củi lửa, không được đun to, không được để tắt bếp trong giai đoạn thịt lên men.

Nhiên liệu để sấy thịt và lạp xưởng cũng không đơn giản, phải là than hoa, bã mía, vỏ trấu, lá quế tươi, nếu là củi thì phải là thân cây quế, là thân tươi càng tốt. Theo giải thích của người làm nghề lạp xưởng thì nhiều người tham rẻ sấy bằng than tổ ong, rất độc hại. Củi thì có rất nhiều loại gỗ chứa các chất độc, khói độc áp vào thịt sẽ có hại, nhất là gây đau bụng. Vì thế nhất thiết phải than hoa, hoặc củi quế.

Xôi và cốm tan Tú Lệ

Thung lũng Tú Lệ thuộc phía Tây của tỉnh Yên Bái, Tú Lệ cái tên đã nói phần nào vẻ đẹp nơi đây. Tú Lệ mùa nào cũng đẹp, khi lúa non, từ trên đèo cao nhìn xuống, thung lũng Tú Lệ như thảm cỏ xanh mướp, mùa lúa chín đây đúng là một thung lũng vàng và hơn thế hương thêm từ thứ nếp nổi tiếng có thể làm bạn “say” nơi đây chẳng muốn về.

Nếp tan là thứ gạo nếp rất nổi tiếng, người ta ví, khi đồ thứ gạo này có thể hương thơm bay xa vài trăm mét, bản trên, xóm dưới đều có thể hưởng hương thơm. Vào đầu mùa thu hoạch (khoảng tháng 4 và tháng 10 hàng năm), may mắn, bạn sẽ được thưởng thức cốm Tú Lệ ngon chẳng kém gì cốm Làng Vòng nức tiếng ở Hà Nội.

Bánh chưng đen Mường Lò

Bánh được đồng bào dân tộc Thái nơi đây làm ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Món bánh đặc sản này không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi khi xuân về.

Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ càng: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô. Gạo nếp được chọn phải là nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ. Để tạo màu đen cho chiếc bánh, đồng bào lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen.

Thưởng thức một miếng bánh, cảm nhận được hương vị thật đặc biệt, vị thơm của nếp, vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của nhân đỗ xanh, vị là lạ của cây rừng.

Mật ong nhãn Văn Chấn

Cuối tháng 4, từ thành phố Yên Bái bầu trời nặng nước từ sau tết khiến cả vùng đầy ẩm ướt và nồm nhưng vượt qua đèo Ách, nắng bừng lên làm lòng người rộn rã. Hoa nhãn đã nở rộ dọc quốc lộ 32, ong lấy mật mùa này đủ mật ngọt… Với diện tích hàng ngàn ha trồng nhãn, khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ là địa điểm khá lý tưởng để thưởng thức hương vị mật ong nhãn.

Măng sặt

Cơn mưa cuối xuân ào ạt tưới tắm cho cây cối, ruộng đồng. Rừng sặt (cây thuộc loại tre, thân nhỏ rất thẳng) Nghĩa Lộ, Yên Bái như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài: tươi tắn và sung sức. Đất rừng trở nên ẩm mềm và xốp. Chỉ vài ngày sau, măng sặt đồng loạt bật dậy tua tủa. Măng sặt Nghĩa Lộ đã vào mùa.

Măng sặt thon nhỏ,  to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm vàng. Vào đúng mùa, măng non rất dễ bóc, vị ngọt, không có vị he, luộc nên thơm phức mùi của núi rừng. Ngoài món nấu xườn, luộc, món măng này có thể dùng xào với cà chua, thêm ít gia vị tỏi cũng ngốn vài bát cơm của thực khách.

Mắc khén

Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Cây mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc.

Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiều mắc khén. Quả mắc khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng. Tiếp đó, đưa vào giã thành bột mịn. Tuy nhiên để chế ra được hương vị thơm, chuyên dùng ăn với xôi nếp nương, còn phải qua nhiều công đoạn khác. Đó là dùng ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tầu xắt nhỏ rang khô, tất cả đều giã thành bột mịn. Sau khi trộn đều hỗn hợp trên thì tạo thành mắc khén, một thứ bột mùi thơm hăng hắc nhưng lại dịu như vị ô mai và phảng phất chất núi rừng, thơm cay nồng nàn như hương hồi, quế.

Bánh chuối Lục Yên

Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Hiểu và đánh giá đúng vị trí của chuối trong đời sống của mình mà người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon – bánh chuối – chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.

Điều hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối. Lá gói bánh cũng từ lá chuối trong vườn, dây gói bánh cũng từ dây chuối đúng là chẳng giống với bất kỳ loại bánh nào. Chẳng thế mà bánh chuối rất dễ thưởng thức, vừa ngon vừa lạ, hấp dẫn khách gần xa.

Mimi tổng hợp

(ngoisao.net)

Cách làm THỊT TẨM BỘT CHIÊN GIÒN SỐT HOA QUẢ

Món thịt tẩm bột chiên giòn đã hấp dẫn, nay thêm sốt hoa quả thơm ngon, sẽ đem lại một món ăn “đắt hàng” cho bữa cơm nhà bạn.

Nguyên liệu:

  • – Thịt 3 rọi hoặc nạc vai: 2,5 lạng
  • – Lòng trắng trứng: 1 cái
  • – Bột bắp: 1 lạng
  • – Cà chua: 1 trái, thái nhỏ
  • – Dứa: 1/2 trái, thái nhỏ
  • – Ớt chuông: 1 trái, thái nhỏ
  • – Hành tây: 1/2 củ, thái nhỏ
  • – Sốt cà chua: 60ml
  • – Xì dầu, muối, tiêu xay

Thực hiện:

– Thịt ướp với tiêu, xì dầu chừng 10 phút rồi trộn với lòng trắng trứng.
– Bắc chảo dầu nóng, gắp miếng thịt đã ướp tẩm qua một lớp bột ngô rồi cho vào chảo chiên vàng, làm lần lượt cho hết thịt. Vớt thịt ra ngoài, chắt bớt dầu ra.
– Cho tất cả rau củ cùng sốt cà vào xào trong chảo cho hơi tái, sau đó trút thịt vào trở lại chảo, đảo cùng cho tới khi tất cả cùng chín và ngấm.
– Nêm nếm lại vừa miệng, tắt bếp, ăn nóng với cơm.

Bảo Tố