Mùa thu, đến Hà Nội ăn gì?

Mùa thu thường được coi là mùa đẹp nhất của Hà Nội. Đó là khi tiết trời oi bức của mùa hạ đã qua đi, làn gió mát mẻ tràn về khắp phố phường, mang theo mùi hoa sữa thoảng nhẹ vương vấn hồn người. Đó là khi cây lá bắt đầu phai nhẹ, khoác lên cho thành phố một vẻ đẹp mơ màng cổ kính.

Bên cạnh đó, đến với thu Hà Nội, cũng là đến với những sản vật ngon lành, đặc trưng được lưu truyền từ bao đời.

Sau đây là những món ăn bạn nên khám phá khi đến thăm Hà Nội vào thu:

1. Cốm

Cốm là món ăn tiêu biểu đã đi sâu vào văn hóa của người Hà Nội. Cốm Hà Nội làm từ hạt nếp non, nhất là nếp cái hoa vàng, qua nhiều công đoạn chế biến, cốm được gói trong lá sen hoặc lá khoai, khi mở ra tỏa mùi thơm dịu đặc trưng. Nổi danh nhất Hà Nội phải kể đến cốm Vòng, sau đó là cốm Lủ và cốm Mễ Trì. Cốm là món quà vặt bình dân, nhưng lại có nét sang trọng đến từ vẻ đẹp của hạt cốm, vẻ chỉn chu của miếng lá gói, hương thơm riêng biệt dịu dàng cũng như cách thưởng thức nhẹ nhàng thanh cảnh.

2. Rươi

“Bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy”

Nếu cốm có vẻ sang trọng, thanh tao, thì rươi ngược lại. Rươi là một loại giun biển và cũng tương tự với các loại động vật nhuyễn thể khác – hình dáng của rươi khiến nhiều người thè lưỡi. Tuy vậy, nếu ăn rươi mà không biết đó là rươi, thì chẳng ai mà không khen ngợi cho được. Rươi làm được nhiều món, nhưng tại Hà Nội, phổ biến nhất vẫn là chả rươi. Sau khi rươi được xử lý cầu kỳ (làm lông, đánh thịt), rươi được đánh cùng với trứng và các nguyên liệu khác rồi rán vàng thành miếng chả thơm phức và rất bổ dưỡng.

3. Sấu chín

Sấu là loại quả chỉ có ở miền Bắc Việt và khi nhắc tới sấu người ta thường nghĩ ngay tới Hà Nội, là bởi đây là nơi mà sấu được sử dụng vào nhiều việc, nhất là ẩm thực. Trong khi mùa hè, sấu còn xanh, được dùng nấu canh, om thịt… thì mùa thu, sấu được thưởng thức một cách trực tiếp hơn với các món sấu dầm, sấu tươi chấm muối. Không chỉ là một loại quả có vị chua, sấu tươi còn có vị thơm ngát đặc trưng, đó là nguyên nhân để nhiều người ngóng chờ mùa thu đến để thưởng thức món quà vặt này.

4. Ốc

“Ốc tháng Mười, người Hà Nội”

Câu thành ngữ có lẽ mang ý: ốc mùa thu cũng “chất” như người Hà Nội. Quả thật, ốc mùa thu béo múp, chưa có ốc con lạn sạn, thịt ngon ngọt hơn với ốc các mùa khác. Người xưa cũng quan niệm ăn ốc mùa thu giúp sáng mắt. Dù sao đi nữa, bạn cũng không nên bỏ lỡ ốc khi đến Hà Nội mùa thu. Ốc ở Hà Nội được làm thành rất nhiều món, và hình như món nào cũng gây kích thích tuyến nước bọt khi nhắc tới: ốc nóng, bún ốc nóng, bún ốc nguội, ốc xào me, ốc cay, ốc xào dừa…

5. Món rán

“Mùa nào thức nấy”, khi gió heo may se lạnh trở về, phố phường nhuốm màu nâu nhẹ của lá vàng và của những giọt nắng hắt hiu chỉ vừa đủ làm người ta khỏi phải run lên, cũng là lúc Hà Nội bắt đầu xuất hiện những hàng món rán. Thật vậy, khó mà tìm ra những hàng bánh khoai, bánh chuối, bánh ngô… vào mùa Hè. Nhưng vào mùa thu, thì những hàng ấy lại xuất hiện như gọi mời, nhắc nhở. Món rán Hà Nội rất đa dạng, từ bánh khoai, bánh chuối, cho đến bánh rán, bánh gối, nem chua… tất cả được rán trên một bếp than hồng ấm áp nơi hàng quán vỉa hè, nơi khách sẽ gọi phần ăn rồi ngồi chậm rãi thưởng thức bánh và thưởng thức cả mùa thu.

 

Tú Anh (Mav.vn)

5 HÀNG PHỞ CÓ TÊN “ĐỘC” NỔI DANH HÀ NỘI

Hà Nội nổi tiếng là “thủ đô ẩm thực” với rất nhiều hàng ăn ngon và độc đáo. Khám phá ẩm thực Hà Nội, một trong những điều thú vị là bạn có thể bắt gặp những hàng ăn có tên khá “kỳ lạ”, và cực kỳ dễ nhớ.
Phở là món ăn  quen thuộc với bất cứ người Việt Nam nào dù ở trong hay ngoài nước.
Đối với người Hà Nội, phở được ăn vào mọi thời điểm trong ngày: ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, bữa xế và bữa khuya … hay có thể nói nếu muốn bạn có thể dễ dàng tìm được một quán phở trên hầu hết mọi con phố ở Hà Nội. Vì thế khi nhắc về Hà Nội, phở là một trong những niềm tự hào của người Thủ đô.
Phở Hà Nội được nấu theo cách truyền thống, thơm ngon và cực chất từ nước dùng được ninh nấu cầu kỳ cho đến thịt bò, thịt gà luôn tươi mới và hành lá, rau thơm thái nhỏ dậy mùi. Nếu đã từng ăn phở Hà Nội, bạn sẽ thấy không thể ăn phở ở nơi khác và sự cách biệt về mùi vị của món ăn này.
Ở Hà Nội có rất quán phở nổi tiếng nhưng có những quán không chỉ thu hút khách hàng bởi hương vị ngon có tiếng, được truyền từ đời ông đời cha cho con cháu kế thừa mà còn bởi những tên hiệu ‘độc” nghe một lần là nhớ mãi.
Phở Vui
 
Nằm trên con phố nhỏ trong khu phố cổ của Thủ đô, phở Vui ở 25 hàng Giầy rất nổi tiếng với người sành ăn Hà Nội. Phở ở đây chuyên về bò tái chín: tái nạm, tái gầu, sốt vang, bắp bò, gân trong … Với nước phở đậm đà, béo ngậy, thịt bò tươi ngon cùng tên quán đặc biệt nên thực khách đến đây đều rất “Vui” sau khi thưởng thức và đều trở lại thường xuyên.
Phở Sướng
 
Nói đến phở Vui, không thể không nhắc đến quán phở Sướng, một quán phở bò được đánh giá tốt bởi độ chất của nước dùng, thịt bò tươi ngon, mềm mại không bị khô. Tuy nằm ở ngõ  Trung Yên, phố Đinh Liệt với diện tích quán không rộng lắm nhưng phở Sướng lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào.
Phở Nhớ
 
Quán phở nhỏ nằm ở ngã tư Huỳnh Thúc Kháng và Nguyên Hồng, với thực đơn phở bò và phở gà, phở Nhớ đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người sành ăn ở Hà Nội. Có lẽ tên hiệu đặc biệt và hương vị nước dùng được ninh kỹ, cầu kỳ kết hợp với bánh phở mềm dẻo là lý do phở Nhớ níu giữ bước chân thực khách.
Phở Bưng
 
Ngay cái tên của quán phở đã khiến bạn ngạc nhiên và tò mò đúng không? nhưng xin được đính chính đây là gánh phở chỉ được bán ở vỉa hè phố Hàng Trống giao với hàng Bông từ 4h chiều đến 8h tối hàng ngày. Được dân sành ăn Hà Nội đánh giá cao. Phở Bưng có hương vị thơm ngon, đậm đà, nước dùng thanh ngọt, bánh phở dẻo, thịt mềm nên tuy phải tự phục vụ và ngồi ở vỉa hè nhưng chỉ cần chậm chân, bạn sẽ không có cơ hội thưởng thức phở Bưng khi trời chập tối.
Phở B52
 
Là quán phở mới được mở hơn 2 năm nay nhưng phở B52 cũng là lựa chọn của nhiều người Hà Nội biết ăn. Cái tên B52 khiến nhiều người nghĩ là năm sinh của chủ quán nhưng thực ra chữ B trong B52 chỉ đơn giản là bò. Hoạt động với phương châm “phở sạch cho người sành” nên phở B52 có chất lượng miễn chê và giá cả cũng khá cao so với nhiều quán phở khác. Nhưng có lẽ phở ngon đúng nghĩa và phong cách phục vụ hiện đại nơi đây nên giá một bát phở có cao hơn nhiều so với những quán phở khác, B52 vẫn là lựa chọn của nhiều người thích ăn phở ở Hà Nội.
Thái Chi (Depplus.vn/MASK)

SỰ KHÁC NHAU TRONG CÁCH ĂN UỐNG GIỮA SÀI GÒN – HÀ NỘI

Hà Nội và Sài Gòn là hai thành phố lớn, nhộn nhịp và đông dân nhất nước. Không chỉ khác nhau về vị trí địa lý, Hà Nội và Sài Gòn còn có sự khác nhau rõ ràng về tập quán, phong tục, thói ăn nết ở… của cư dân, những thứ được hình thành và phát triển, đổi thay và theo thời gian, đã trở thành đặc điểm riêng dễ nhận thấy.

Ai đã từng sống tại Hà Nội và Sài Gòn, chắc hẳn sẽ cảm nhận được sự khác nhau rõ rệt trong phong cách ăn uống của người dân hai thành phố này.

Sự khác biệt trong phong cách ăn uống của người dân Hà Nội và Sài Gòn, đầu tiên phải kể đến cách ăn sáng. Người Hà Nội có thói quen ăn phở tại các quán vỉa hè, bên lề đường hoặc trong các ngõ phố cổ. Trong khi đó, người dân Sài Gòn lại chọn những tiệm ăn, nhà hàng để thưởng thức bữa sáng trước khi đi làm.

 Ảnh: Afamily 

Trong khi  người dân thủ đô chọn những tô “phở nóng hổi” để thưởng thức bữa sáng, thì đa phần người dân Sài Gòn lại chọn những ly “cà phê” để bắt đầu ngày làm việc mới.

Trong bữa cơm, gia đình Hà Nội thường tuân thủ theo một phép tắc nhất định, những thành viên nhỏ tuổi hơn sẽ phải “mời cơm” người lớn trước khi ăn – thể hiện một nét đẹp văn hóa, tôn ti trật tự trong gia đình. Trong khi đó, người dân Sài Gòn hầu như không có thói quen này.

 Ảnh: Lê Duy Nhất 

Món ăn nổi tiếng khi nhắc đến Hà Nội là “bún chả”. Còn đối với Sài Gòn, nếu có cơ hội một lần sống ở đó, bạn không thể bỏ qua món “cơm tấm”.

Sự sòng phẳng, thẳng thắn trong các mối quan hệ xã hội là điều mà nhiều người sống ở Sài Gòn cảm nhận rất rõ. Khi được bạn bè rủ đi ăn chơi, nếu không được nhân vật chính thông báo trước: “Hôm nay mình bao”, điều đó có nghĩa, suất ai người đó tự trả. Bạn bạn hoàn toàn có thể từ chối, nếu cảm thấy mình đang “cháy túi” mà không việc gì phải ngại. Ở Hà Nội, nếu gặp phải tình huống này, bạn có thể hiểu bạn đang được mời đi ăn miễn phí, hoặc cũng có thể phải trả tiền gấp đôi, gấp ba số tiền dự kiến.


  Ảnh: Afamily 

Người Sài Gòn xưa nay nổi tiếng ăn ngọt và cay, món nào trong bữa ăn của họ cũng không thể thiếu hai hương vị này. Trong khi đó, người dân Hà Nội được biết đến thích ăn vị mặn và đắng hơn người dân Sài Gòn.


Ảnh: Lê Duy Nhất 

Người Hà Nội rất thích uống “trà nóng”. Trong khi Sài Gòn, người dân lại thích thưởng thức “cà phê đá”.

Ngay cả thời gian tổ chức lễ cưới cũng rất khác nhau. Người Hà Nội tổ chức cỗ cưới vào buổi trưa, khách đến đự lễ rất nhanh, ăn xong rồi ra về. Trong khi dân Sài Gòn thường tổ chức ăn vào buổi tối, đa phần những khách quen nhau được ngồi cùng bàn, chén chú chén anh chừng 4-5 giờ đồng hồ mới xong.

Hồng Ngát (Depplus.vn/Vntinnhanh)

HÀ NỘI: BÚN ỐC XẾP HÀNG, TỰ MUA VÀ CHẦN THỊT Ở PHỐ HÀNG CHAI

Khu phố cổ Hà Nội tuy bé nhỏ nhưng lại là nơi tập trung nhiều quán ngon, lâu đời nhất thành phố. Có những quán được ưa thích đến nỗi, cho dù diện tích chật hẹp, không gian bình dân, khách khứa đông đúc, người ta vẫn chấp nhận chờ đợi để được thưởng thức hương vị ưa thích. Trong số những quán ăn như vậy, phải nhắc tới quán bún ốc ở phố Hàng Chai.

[Zing] Khách đến đây không chỉ xếp hàng, tự bưng bê, thậm chí muốn ăn thêm thịt bò cũng phải tự đi mua.

Dừng xe ở đầu phố Hàng Chai – con phố siêu ngắn và bé khuất trong khu phố cổ Hà Nội, bạn có thể thấy ngay dấu hiệu của quán bún ốc “bá đạo” này. Đầu tiên là dãy xe máy xếp dài, choán hết gần nửa phố. Kế đó là cảnh thanh niên nam nữ xếp hàng vây kín trước cửa một ngôi nhà cũ, rồi người hối hả vội vã bưng đồ, kẻ gọi nhau í ới tìm chỗ… những hình ảnh thường thấy ở các “quán ăn khổ” mà đắt khách đất Hà Thành.

 

 

 

 

 

Quán không có biển bảng hoành tráng nhưng mọi người đều gọi đây là quán Bún ốc cô Thêm. Quán chỉ bán từ tầm 7h đến 13h. Nơi đây đông nhất là vào ngày cuối tuần, những lúc cao điểm ấy, khách luôn trong tình trạng đứng vòng trong, vòng ngoài và nhân viên thì tất bật từ lúc mở hàng đến khi đóng cửa.
Gọi là quán nhưng ở đây không tiện nghi hơn gánh hàng rong là bao. Với diện tích ngôi nhà chỉ trên dưới chục mét vuông, cô chủ với gánh bún đã chiếm gần một nửa thì việc khách ngồi cúi, ăn bê trong không gian bó hẹp và thiếu sạch sẽ là điều dễ hiểu.
Không chỉ ngồi ăn vất vả, khách muốn thưởng thức bún ốc cô Thêm còn phải “lao động” thì mới có phần. Chẳng hạn như xếp hàng, chầu chực…
… tự bưng bê

 

… tự đi tìm chỗ
… nhưng “vui” nhất là khâu tự liên hệ mua thịt bò để có bát bút ốc giàu đạm hơn. Lý do vì cô Thêm chỉ bán duy nhất bún với ốc, không có giò tai, thịt bò, đậu rán như những nơi phổ biến. Lợi dụng khiếm khuyết nhỏ này, một số người lập tức kinh doanh thịt bò ăn theo.
Xung quanh quán cô Thêm có vài mối thịt bò cho khách lựa chọn. Họ thường cân sẵn thịt và bán với giá 25.000 đồng một lạng. Ngoài việc ấm bụng, ngon miệng, khách mua thịt bò cũng có chỗ ngồi ăn tử tế hơn.
Công cuộc ăn bún ốc thịt bò vẫn chưa dừng lại. Thú vị nhất là bạn sẽ được chứng kiến cảnh rất nhiều khách nam đứng xếp hàng, trong tay mỗi người là một túi thịt bò…
Khi đến lượt mình, trên nồi nước canh của cô Thêm có sẵn chiếc muôi. Thịt của khách nào…
… khách đó tự xử lý.
Vậy là một tô bún có giá trị không hề rẻ: 5.000 đồng gửi xe, 30.000 đồng/bát bún, 25.000 đồng/lạng thịt bò, chưa kể công chờ đợi, tìm chỗ, tự bê đồ, chần thịt…
Nhiều người nói đùa: Quán bún ốc này quy tụ đầy đủ nhất những “tinh hoa ẩm thực khổ sở” của Hà Thành. Từ không gian phố cổ chật chội, đến văn hóa xếp hàng, tự bưng bê, cho tới trải nghiệm có làm mới có ăn hay phong cách vỉa hè chặt chém… Bất cập nhưng khách vẫn đến đông nghịt mỗi ngày. Điều đặc biệt là rất nhiều nam nữ thanh niên ăn mặc điệu đà, lịch sự cũng sẵn sàng chịu khổ.
Thực tế, khách từ nơi khác đến có thế thấy nhiêu khê, nhưng các khách ruột thì coi đây là những điều hết sức bình thường. Hơn nữa, bún ốc cô Thêm được đánh giá là một trong số ít các quán có tay nghề lâu năm, giữ đúng hương vị truyền thống. Nước canh chua ngọt vừa miệng, từng con ốc đều chọn loại giòn ngon, bát bún bưng ra còn nóng hổi, nức mũi… Bởi vậy, đắt đỏ hay vất vả đều không phí hoài.

(Theo Hoàng Nhi – Zing)

Nguồn: http://news.zing.vn/Kho-nhu-an-bun-oc-xep-hang-tu-chan-thit-o-pho-Hang-Chai-post574761.html

Những lệch lạc trong sở thích ăn uống của người Việt

Chúng ta bây giờ hào hứng ăn một bát bún đầy ốc to, ốc nhỏ, giò tai, thịt bò, đậu phụ, hành phi, thêm một thìa tướng xì dầu, tương ớt mà chả cảm thấy áy náy gì.

Ăn là nhu cầu lớn nhất của con người. Người ta có thể sống không cần yêu nhưng nhất thiết phải ăn. Về tầm quan trọng, chuyện ăn uống luôn đứng đầu và được xếp vào tầng thứ nhất của tháp nhu cầu Maslow. Song chuyện ăn bây giờ có vẻ hời hợt vô cùng.

Ẩm thực Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới. Các món ăn đường phố Việt Nam cũng rất phong phú và đa dạng.

Người Việt có lẽ là một trong những dân tộc coi trọng chuyện ăn nhất thế giới. Giở từ điển Tiếng Việt, đề mục Ăn có khoảng 120 đơn vị, bao gồm cả từ ngữ và thành ngữ. Chỉ riêng một mình từ Ăn đã hàm chứa 13 ngữ nghĩa khác nhau. Người Việt coi miếng ăn là Trời (Dĩ thực vi thiên), là nền tảng của Đạo (Có thực mới vực được đạo) nên ăn rất kỹ, rất tinh, rất cầu kỳ chứ không xô bồ, hỗn tạp. Việc nấu và việc ăn dù là các món đơn giản hay phức tạp đều đòi hỏi tuân theo những nguyên tắc nhất định, mặc dù có thể biến thiên theo tập tục ẩm thực của vùng miền hay thời đại.

Chế biến đúng kiểu, ăn đúng cách là yêu cầu tối thiểu trong việc ăn uống, chưa nói gì đến rất nhiều quy định khác nếu muốn nâng tầm lên nghệ thuật thưởng thức ẩm thực như: Đồ ăn ngon phải ăn đúng lúc (Thời gian – Thiên), đúng địa điểm (Không gian – Địa) và cả đúng người – người nấu và người ăn cùng (Nhân).

Song việc ăn uống chưa bao giờ bị biến dạng méo mó như hiện nay. Chúng ta bây giờ hào hứng ăn một bát bún ốc đầy ốc to, ốc nhỏ, giò tai, thịt bò trần tái, đậu phụ, hành phi, trộn thêm một thìa tướng xì dầu, tương ớt mà không cảm thấy áy náy lương tâm.

Một thức đồ ăn đề cao sự đơn giản, thanh nhã, lấy vị chua nhẹ của nước dùng làm nền cho cái ngọt ngon của ốc, cái dẻo thơm của bún gạo lại có thể hòa nhịp của miếng thịt bò, vốn trở nên rất dở trong nước dùng chua. Thế nhưng, người ta vẫn cứ vô tư ăn thịt bò với bún ốc, nếu người bán không phục vụ thì các thượng đế sẵn sàng mang thịt bò từ nơi khác đến nhờ “trần hộ vào bát của em”, vốn là một chuyện rất thường tình ở hàng bún ốc ngõ Hàng Chai (Hà Nội).

Ngoài thịt bò và giò tai, thảm họa của bún ốc và bún riêu cua bây giờ chính là đậu phụ. Thứ đậu phụ để ăn kèm với bún riêu phải là thứ đậu mới, rán vàng vừa lửa, phồng căng, giòn tan và thơm ngậy. Còn đậu phụ dùng trong món bún ốc chuối đậu tuy không rán giòn nhưng cũng phải là đậu mới, được nướng qua hoặc rán sơ rồi với đem nấu cùng chuối, ốc.

Đậu phụ là thứ nguyên liệu rất dễ hỏng, không để được lâu nên khi dùng phải yêu cầu yếu tố tươi thì mới ngon được. Nhưng thứ đậu phụ thảm họa đang tung hoành trong các bát bún ốc, bún riêu khắp chốn kinh kỳ là thứ đậu phụ được rán sẵn, tống vào tủ lạnh dùng dần.

Miếng đậu phụ đó chua loét vì để lâu, khét vì rán nhiều lần, và cực kỳ trơ trẽn bởi không thể ăn nhập cùng với nguyên liệu khác. Thế nhưng, chúng ta vẫn nhẹ dạ mà kêu một bát “đầy đủ”, vẫn nhẹ mồm vừa xơi xì xụp, vừa khen ngon đáo để. Đấy là chưa kể đến thảm họa hành phi vốn ăn vị với miến lươn, đến bánh đa cua nay được tiện thể rắc tứ tung lên bún riêu, bún ốc, sắp tới có thể là cả phở chăng?

Nhiều người đi ăn bún riêu, bún ốc bây giờ vẫn quen gọi “một bát đầy đủ”. Ảnh: NHMX

Ngày xưa, các ông sành ăn như Thạch Lam, Nguyễn Tuân… vốn coi “miếng ăn là miếng cầu kỳ” đã mỏi miệng than trời khi người ta làm phở gà, phở lợn, phở chó, rồi sáng tạo thêm các thứ gia giảm trong phở như vừng rang (chắc để thơm hơn), xì dầu, quẩy (vốn chỉ dùng với cháo của người Tàu) và gọi đó là những thứ phở cải lương.

Ngày nay, nếu còn sống, chắc các ông còn than khi đám hậu thế vắt đến nửa quả chanh vào bát phở bò, chan vài muôi tương ớt hàng chợ (dùng với món gì cũng được) và đánh chén xụp xoạp. Các ông sẽ than rằng: “Ôi giời, thịt bò mà vắt chanh tươi vào thì còn gì là mùi bò nữa? Sao không dùng cái giấm tỏi ớt kia, nó không phá mùi mà còn làm đậm vị, thưa các vị thực khách tân thời”.

Cái tiêu chí “ăn kỹ” tưởng phức tạp nhưng thật ra rất đơn giản. Ví như khi ăn bát bún bò Huế, ta phải ăn bằng cả 5 giác quan. Màu sắc đa dạng của miếng huyết lợn, miếng chả cua, miếng bắp bò luộc, miếng chân giò, màu ớt chưng là để người ăn vui mắt. Mùi thơm của mắm ruốc, của xả, của thịt, của chanh vàng Huế là phục vụ anh mũi. Miếng chân giò sần sật, miếng tiết sột sột, tiếng xuýt xoa, hít hà vì cay vì nóng là để cho tai nghe rộn ràng.

Ăn bún bò Huế phải cầm bát trên tay, vừa xoay vừa húp, vừa lùa bún, vừa nhai, vừa nuốt thế là anh tay, anh miệng được dự phần. Nếu tìm được một gánh bún của o, của mệ để mà ngồi trên vỉa hè xơi nữa thì quả là đúng điệu. Đấy ăn kỹ cũng chỉ đến mức vậy thôi.

Sáng mai ra, nếu xơi quà phở bò, nhớ đừng vắt đẫy chanh, rưới đẫy tương ớt đóng can hoặc gọi bát phở không hành, không màu xanh của rau thơm. Nếu gọi bát bún ốc thì nhớ đừng thêm thịt bò, giò tai làm gì cả, cứ bún ốc to hoặc nhỏ mà thôi, kèm theo rau ghém đầy đủ, tươi xanh.

Như thế đã là yêu chính mình, yêu cái món ăn của nước mình rồi.

Anmustang (ngoisao.net)

Cách làm BÁNH GỐI

Bánh gối là một trong những món ăn hàng quyến rũ của đất Hà Thành. Khác với bánh quai vạc miền Nam, bánh gối ăn với nước chấm chua ngọt thanh tao, nhẹ nhàng, ngon nhất vào tiết trời thu hoặc trong mùa đông lạnh.

 

1.Nguyên liệu:

  • Bột mì: nửa kí
  • Thịt heo xay (chọn phần nạc vai sẽ ngon): 3 lạng
  • Giá: 2 lạng
  • Hành củ: vài củ
  • Nấm mèo: vài tai
  • Miến (bún tàu): nửa lạng
  • Cà rốt: 1 củ
  • Dầu ăn (hoặc mỡ), nước mắm, bột ngọt, hạt tiêu, tỏi, dấm, chanh, đường, muối.

2. Thực hiện:

– Cách làm vỏ bánh gối:

Nhanh nhất là đi mua tại các hàng bán đồ khô trong chợ. Còn không thì bạn phải tự làm:

Bột nếp rây mịn cho vô cái thau, rắc chút muối, chế nước sôi vào từ từ nhào tới khi bột mềm mịn, không khô không nhão, không dính tay nữa là được.

Nếu nhão thì thêm bột, khô thì thêm nước.

Sau đó cán bột ra lớp thật mỏng. Dùng mật có miệng tròn đường kính khoảng bằng cái chén (bát con), ịn vào bột để tạo ra những miếng bột tròn nhỏ.

– Xong phần bột, bây giờ làm nhân:

Bước 1: Miến ngâm nước cho mềm, cắt thành cọng chừng 3-4cm.

Bước 2: Nấm mèo ngâm rửa nước ấm cho sạch, thái sợi hoặc băm nhỏ. Hành củ lột vỏ, băm nhỏ.

Bước 3: Trộn chung tất cả nguyên liệu ở 2  bước trên với nước mắm, bột ngọt, tiêu xay. Bắc chảo cho tí dầu ăn, xào qua cho dậy mùi, sau đó để nguội.

– Cách gói bánh: Gói sao cho phần nhân ở trong được phần vỏ bọc kín,  có nhiều kiểu cho bạn chọn:

Cho nhân vô giữa miếng bột, gấp lại thành hình bán nguyệt, rồi gấp mép lại (gấp kiểu nào tùy bạn)

Cuối cùng là bắc chảo dầu nóng, cho từng miếng bánh vào chiên cho chín vàng, sau đó vớt ra để ráo.

 

– Cách pha nước chấm bánh gối:

Tỏi đập dập, ngâm dấm gạo sâm sấp trước chừng 7 phút( để khi pha nước chấm tỏi được ngâm sẽ nổi hết lên trên mặt nhìn sẽ đẹp hơn). Pha đường với nước ấm cho chóng tan. Hòa nước đường, dấm tỏi, vắt thêm chút chanh, cho ớt và hạt tiêu vào, nếm vừa ăn chua ngọt là được.

3. Thành phẩm

Bánh vàng không cháy, vỏ giòn, nhân mềm, tơi, không nhão. Ăn nóng với nước chấm.

 

 

Cách nấu món BÚN THANG

Bún Thang là món ăn cổ truyền của Việt Nam và nay chủ yếu có ở các tỉnh miền Bắc. Đây là món ăn ngon và bổ dưỡng nhờ sự kết hợp tinh tế giữa các nguyên liệu lại với nhau, tạo nên hương vị hòa quyện hấp dẫn.

 

Cách làm Bún thang khá cầu kỳ nhưng kết quả sẽ không khiến bạn phải thất vọng.

Nguyên liệu:

  • Khoảng 2 lít nước hầm xương gà hoặc heo
  • 300g chả lụa
  • 2 ức gà
  • 4 trứng gà đánh tan với 1/2 muỗng cà phê nước mắm
  • 100g tôm khô
  • 100g nấm hương (nấm đông cô) rửa sạch, ngâm nước cho nở
  • Củ cải sợi muối
  • Mắm tôm, tinh dầu cà cuống
  • Rau răm, hành lá, hành củ, ớt trái
  • Gia vị: muối, nước mắm, bột nêm, đường phèn, tiêu
  • Bún sợi nhỏ luộc chín

Cách làm:

Xương gà hoặc xương heo nấu lấy 2 lít nước dùng, cho hành củ nướng vào cho thơm.

Tôm khô rửa sạch bụi cho vào nước dùng gà nấu cho mềm, vớt ra giã cho tơi.

Chả lụa lạng mỏng, thái chỉ.

 

Ức gà rửa sạch với nước pha chút muối sau đó cho vào nồi nước dùng luộc chín, vớt ra xé sợi.

Trứng sau khi đánh tan với nước mắm, tráng trứng từng đợt thật mỏng, sau đó xếp lại thái chỉ.

Củ cải rửa nước cho bớt mặn, ngâm với dấm và đường cho chua chua, ngọt ngọt. Khi ăn vớt ra vắt ráo.

Nấm hương ngâm nở cắt bỏ gốc cho vào nồi nước dùng lúc luộc gà khi vớt gà ra vớt luôn nấm ra rồi cắt sợi.

Hành lá và rau răm cắt nhỏ, gốc hành chẻ sợi hoặc để làm hành trụng.

Mắm tôm lấy một ít ra nồi nhỏ chưng lên cho bảo đảm an toàn.

Nước lèo nấu sôi nêm nếm gia vị cho vừa ăn để có vị ngọt thanh nhẹ.

Cho bún ra tô trên xếp từng phần nguyên liêu mỗi thứ một ít, nhẹ nhàng chan nước dùng lên.

Dùng nóng với chút mắm tôm và 1, 2 giọt tinh dầu cà cuống thêm ớt cắt khoanh, rắc chút tiêu cho thơm.

 

Theo MỸ AN (DOISONGPHAPLUAT)

6 MÓN QUÀ VẶT HẤP DẪN KHI HÀ NỘI VÀO THU

Hà Nội có đủ bốn mùa, mùa nào cũng có những món ăn ngon để chọn lựa, như câu thành ngữ “mùa nào thức nấy”. Và vào mùa thu, khi tiết trời dễ chịu nhất, cũng là lúc lý tưởng nhất để đi dạo ven bờ hồ, phố cổ để nhâm nhi quà vặt.

Sấu chín

Nếu như mùa hè nóng bức có ly nước sấu chua dịu, mát lạnh, mùa thu Hà Nội lại chiều lòng du khách bằng sấu chín vàng ươm. Sấu chín được cạo lớp vỏ bên ngoài, chấm với muối hoặc cầu kỳ hơn thì khía thành đường xoắn ốc, dầm với đường, muối, ớt bột.

Sấu chín được bán ở vỉa hè, các chợ với giá 30.000-40.000 đồng một kg. Nếu bạn muốn thưởng thức sấu dầm, đừng bỏ lỡ chợ đêm phố cổ, Hàng Bông, Tràng Tiền…

Chả cốm

Cốm từ lâu là một nét văn hóa trong ẩm thực Hà Nội. Khi những gánh hàng rong thơm mùi cốm trên vỉa hè cũng báo hiệu thu về. Cốm tươi được gói trong lá sen, bán ở dọc đường Xuân Thủy (gần làng Vòng xưa), Kim Mã…

Cốm còn là nguyên liệu để tạo nên nhiều món ăn làm nên đặc trưng của ẩm thực Hà Nội như xôi cốm, chè cốm, bánh cốm, chả cốm.

Nếu như xôi cốm, chè cốm không có nhiều nơi bán, chả cốm được biết đến nhiều hơn, qua cách ăn kèm với bún, đậu phụ… Các quán bún đậu chả cốm ngon ở ngõ Tràng Tiền, dốc Hàng Than, Hàng Khay, Phùng Hưng với giá 30.000-50.000 đồng một phần. Ảnh: dasavina

Bánh trôi tàu

Bánh trôi tàu là những món ăn rất hợp tiết thu, ngày nay được biến tấu với nhiều hương vị hơn. Ngoài nguyên liệu cơ bản là gạo nếp, đậu xanh, dừa, vừng… còn có nhân khoai môn, đậu đỏ… Bánh trôi tàu dao động 10.000-15.000 đồng một bát. Bạn có thể ghé Hàng Giầy, Hàng Cân, Quán Thánh, chợ Ngô Sỹ Liên, chợ Thành Công… để thử món này. Ảnh: ngoisao

Ốc nóng

Ốc luộc, bún ốc là những thức quà dân dã hợp tiết thu, được nhiều người yêu thích khi đến Hà Nội. Bún ốc cũng là món ăn sáng phổ biến ở Hà Nội, dần trở thành món ăn được bán cả ngày. Một tô bún ốc có giá khoảng 30.000 đồng, ở Hòe Nhai, Hàng Buồm, Hàng Bún, Hàng Chai, Nhà Chung…

Ốc luộc được bán hầu hết vào buổi tối, ở các phố Lương Định Của, Đinh Liệt, Chùa Láng, Hàng Đậu… với giá 10.000 -15.000 đồng một bát.

Bánh gối

Nhâm nhi những chiếc bánh gối nóng hổi với lớp vỏ giòn tan, nhân bên trong đậm đà với thịt, trứng, miến… và thứ nước chấm được pha theo kiểu riêng của người Hà Nội trong trời thu là trải nghiệm nên thử.

Bánh gối Hà Nội nổi tiếng nhất ở Lý Quốc Sư, Hoàng Tích Trí, Hàng Chiếu, Nguyễn Khuyến, chợ Phương Mai… với giá khoảng 10.000 đồng một chiếc.

Nem chua rán

Nem chua rán Hà Nội ăn vào thời điểm nào cũng ngon, nhưng nếu có chút se se của trời thu để cảm hết cái vị đậm đà, béo ngậy xen lẫn cay cay thì tuyệt hơn nữa.

Nem chua lăn qua bột, có màu vàng rộm ngon mắt, ăn kèm tương ớt và một số loại hoa quả như củ đậu, xoài, dưa chuột… Ở Hà Nội, những khu vực bán nem chua rán nổi tiếng là ngõ Tạm Thương, Hàng Bông, phố Trịnh Hoài Đức sau sân vận động Hàng Đẫy, phố Tạ Hiện…. với giá từ 30.000 đến 50.000 đồng một đĩa. Ảnh: eva

Má Lúm (VNexpress)

Cách làm PHỞ CUỐN

Phở cuốn là món ăn độc đáo và ngon miệng, xuất phát từ làng Ngũ Xã, Hà Nội. Ngày nay Phở cuốn đã là một món ăn nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước. Bạn có thể dễ dàng làm món này ở nhà với điều kiện mua được bánh phở miếng.

Chuẩn bị:

  • – 500g bánh phở
  • – 1 lạng rưỡi thịt bò
  • – cà rốt và củ cải ( hoặc dưa chuột) để làm dưa góp. Xem CÁCH LÀM DƯA GÓP
  • – 5 nhánh tỏi, vài củ hành tím
  • – Đậu phộng rang giã nhỏ
  • – Nước tương, nước mắm, dấm, đường.
  • – Rau sống ăn kèm: rau diếp, giá đỗ, ngò, bạc hà.

Thực hiện:

– Hành củ lột vỏ, xắt lát mỏng rồi phi giòn.

– Tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn.

– Bắc chảo dầu vặn lửa lớn cho ít dầu, đun cho nóng già thì cho tỏi vào phi thơm sau đó trút thịt bò vào xào chín tới. Trong lúc xào nêm thêm 1 muỗng canh xì dầu.

– Bò vừa chín tới thì trút giá đỗ vô xào chung vài nhát, nêm thêm hạt nêm cho vừa miệng rồi tắt bếp, để nguội.

– Bánh phở mua về trải ra mặt phẳng, xếp lần lượt rau diếp, ngò, bạc hà, thịt bò, giá vào rồi quấn lại cho chặt chẽ (không cần bịt kín hai đầu). Nếu cuộn lại mà thấy dài quá thì dùng dao cắt thành từng khúc đều nhau (độ dài vừa đủ cầm).

– Pha nước chấm: 1 chén nước nóng + 1 muỗng canh dấm + 1 muỗng canh đường + 1 muỗng canh nước mắm + ớt, khuấy cho tan.

– Khi ăn rắc đậu phộng rang giã dập và hành khô phi giòn lên. Ăn kèm với dưa góp (xem cách làm trong bài CÁCH LÀM DƯA GÓP)

Bảo Tố

ĐẾN HÀ NỘI NGÀY LẠNH, ĐỪNG QUÊN NHỮNG MÓN BÁNH NÀY

Cũng như các tỉnh miền Bắc khác, Hà Nội có bốn mùa phân chia rõ ràng. Và đúng với câu thành ngữ “mùa nào thức nấy”, quà vặt Hà Nội cũng được cư dân biến đổi cho phù hợp với khẩu vị và tiết trời. Ở lâu tại Hà Nội, bạn không lạ lùng gì khi chỉ sau một trận gió mùa, các góc phố ngày thường vắng vẻ lại hiện ra một loạt những hàng bánh khoai, bánh gối… 

  • BÁNH KHOAI – BÁNH NGÔ – BÁNH CHUỐI

Đây có thể là bộ ba đầu tiên phải nhắc đến trong những món bánh mùa lạnh ở Hà Nội. Một góc phố đêm, một cái lò rán bánh, vài cái ghế nhựa xung quanh là đủ cho một không gian ăn vặt tuyệt vời. Ba loại bánh này làm từ khoai, ngô, chuối, tùy theo nơi mà thái nhỏ hoặc đâm nhuyễn, thái cọng, thái sợi… nhúng vào một hỗn hợp bột mì, bột gạo và các nguyên liệu tùy biến khác, sau đó rán giòn tại chỗ trên lửa. Những miếng bánh thành phẩm có đủ vị thơm của nguyên liệu, giòn tan của lớp vỏ ngoài, mềm của phần bên trong, và sự nóng hổi của toàn cái bánh, khiến không ai có thể chối từ vào những đêm gió mùa.

Tại miền Nam và miền Trung có biến thể của bánh này là bánh chuối chiên, bánh khoai chiên, nhưng cách pha bột và sơ chế nguyên liệu hơi khác và thường được bán vào ban ngày hơn là ban đêm.

  • BÁNH GỐI

Tại Sài Gòn có món bánh tai dạt (quai vạc) với phần lớp vỏ ngoài chiên giòn, phía trong có nhân rau củ. Hà Nội cũng có món bánh tương tự, nhưng gọi là bánh gối và chấm với nước dùng, ngồi thưởng thức tại bàn chứ không vừa đi vừa ăn. Phần nhân của bánh gối Hà Nội thường có miến, mộc nhĩ, cà rôt, củ đậu, thịt xay… Phần vỏ làm bằng bột mì. Và nước chấm là loại chua cay mặn ngọt, thanh dịu, có thả vài lát đu đủ, cà rốt ngâm, tương tự như nước chấm nem, bún chả.

Và cũng giống như những món chiên rán khác, bánh gối là loại quà không thể thiếu trong tiết đông Hà Nội.

  • BÁNH RÁN MẶN

Bánh rán mặn có lớp vỏ tương tự bánh rán ngọt thông thường, nhưng phần nhân có thịt, miến, nấm mèo … và khuôn dạng bánh có hình bầu dục. Bánh rán mặn được chiên tại chỗ trong chảo và ngon nhất khi ăn nóng. Lúc ăn, người bán sẽ dùng kéo cắt bánh ra cho nhỏ, để lộ phần nhân bên trong cho dễ ăn cũng như dễ chấm. Nước dùng ăn với bánh rán mặn cũng tương tự như bánh gối.

  • BÁNH QUẨY

Quẩy ở Hà Nội không chỉ ăn với cháo lòng như ở miền Nam, mà còn được dùng ăn không, ăn với phở, cháo hay những món có nước khác. Bánh quẩy miền Bắc nhỏ hơn nhưng giòn và chắc hơn hơn so với miền trong. Vào mùa Đông, một bát cháo sáng được phủ kín bằng bánh quầy là lựa chọn tuyệt vời của nhiều người.

  • BÁNH ĐÚC NÓNG

Các hàng bánh đúc nóng trở nên phổ biến hơn khi Hà Nội vào Đông. Bánh đúc được nấu sẵn trong nồi. Khi khách gọi, người bán chỉ cần múc một thìa to bánh quánh đặc vào bát, chan thêm nước chấm mặn ngọt, ăn kèm thịt băm, hành khô, rau mùi… Thưởng thức bánh đúc nóng giữa lúc trời lạnh là trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua khi đến Hà Nội.

  • BÁNH GIÒ

Bánh giò gói kín, hấp chín và khi ăn thì người bán sẽ trải ra đĩa, cắt bớt lá đi, điểm thêm rau dưa ngâm vào, có khi là chả cốm, giò lụa…. xịt tương ớt lên. Người ăn chỉ việc dùng thìa xắn từng miếng cho vào miệng. Miếng bánh giò nóng kéo theo sự thơm ngon của bột, nhân, cái giòn lực xực của mộc nhĩ… đi từ cổ họng vào dạ dày một cách nhẹ nhàng, thấm thía.

pic2766

Và trong khi tập trung vào độ nóng của chiếc bánh mềm mại, người ta đã quên hẳn cái tiết trời đông giá buốt xung quanh.

  • BÁNH TRÔI TÀU

Là loại bánh trôi có nhân đỗ xanh hoặc vừng đen, to bằng lòng nắm tay, ăn nóng trong nước đường vị gừng, rắc thêm chút lạc rang. Khi ăn dùng thìa xắn lớp ngoài bánh cho tới phần nhân bên trong, đưa vào miệng. Cái dẻo ngon của bột nếp, vị ngọt dịu của nước đường pha lẫn hương thơm cay ấm của gừng, bùi bùi của lạc và ngậy nhẹ của đỗ xanh cùng nhau làm hài lòng vị giác của bạn. Và không gì hợp lý hơn là ăn bánh trôi tàu vào lúc trời rét.

  • BÁNH KHÚC

Không thể bỏ qua Bánh khúc trong danh sách những món bánh mùa đông Hà Nội. Bánh khúc ở Hà Nội thường được bán ở các hàng rong, với câu rao đặc trưng: “Xôi nóng bánh khúc đê, ai bánh khúc nào!”… Mà mỗi lần nghe tới, nhiều người lại thấy cồn cào trong bụng vì nghĩ tới món bánh có lớp vỏ thơm mùi rau khúc, với phần nhận mặn ngọt làm từ đỗ xanh trộn thịt ba chỉ và các loại gia vị.

Bánh khúc thường hấp cùng với nếp theo kiểu đồ xôi, nên ở miền Nam còn gọi là xôi cúc (“cúc” là trại ra từ “khúc”). Cũng có khi bánh khúc được gói trong lá chuối rồi hấp, nhưng kiểu này ít phổ biến.

Mỹ Lạo.
Ảnh: sưu tầm Internet.

Thoáng Hà Nội giữa Sài Gòn

[ MAV ] Nói tới Hà Nội, ta hay nghĩ tới những góc phố yên ả, những quán nước nhỏ xiêu xiêu phủ bởi những tàng cây, những cư dân với nếp sống, thói quen sinh hoạt hằng ngày dường như không bao giờ thay đổi. Tại Sài Gòn, cũng có một nơi gần giống như vậy.

Khu chung cư K300 và khu dân cư quanh đó, gọi chung là khu K300, nằm ở khu phố 4 phường 12 quận Tân Bình, là nơi tập trung nhiều người gốc Hà Nội. Không như những vùng Xóm Mới Gò Vấp, Ông Tạ Tân Bình, Xóm Đạo Quặn 8 vốn nhiều người gốc Bắc nhưng qua thăng trầm ngày tháng đã chịu ảnh hưởng nhiều bởi lối sống Sài Gòn, dân Hà Nội ở K300 do mới tới chưa lâu, nên từ giọng nói cho tới nếp sống của họ không xa Hà Nội là mấy. Cũng những buổi hàn huyên bên ấm trà nóng, những tiếng rít thuốc lào thỉnh thoảng lại phát ra từ một cái điếu cày cũ được chuyền nhau hút. Hàng xóm láng giềng cho dù bận rộn, nhưng gặp nhau không quên câu chào hỏi: “Bác ăn cơm chưa?” “Bác đi làm về đấy à”…

Khu vực này có trung tâm là chung cư K300, không biết có cố ý hay không nhưng tường vách của chung cư đều được sơn màu vàng đặc trưng như ngoài thủ đô. Các quán nước nhỏ bài trí đơn sơ, không mở nhạc ồn ào ngẫu hứng, với thực đơn không có gì độc đáo, nhưng lại là những quán ruột của nhiều người. Nói về đồ ăn, thì nơi đây có khá nhiều những món nổi danh của Hà Nội: phở bò, gà, bún miến ngan, bún chả, cháo tim cật… Các bảng hiệu thiết kế đơn giản, chữ nghĩa gần gũi. Do quán sá bình thường nên giá cả cũng bình dân, không đắt đỏ như các nhà hàng, tiệm ăn sang trọng bán đồ Hà Nội.

Cái điểm khác biệt ở khu vực nhỏ nhoi này, so với hàng nghìn ki lô mét vuông còn lại của Sài Gòn, là không gian sống rất êm đềm dù đây không phải chốn làng quê hẻo lánh, cũng không phải là khu biệt thự cao cấp. Đi vào khuôn viên chung cư, ngồi quán uống nước, cảm giác như được thoát ly khỏi nhịp sống Sài Gòn, hay nói cho bay bổng 1 chút là cảm giác như được bê ra tới Hà Nội. Có thể nghe tiếng lá rụng lác đác dưới những gốc cây bàng, tiếng lá đưa xào xạc từ những bụi bằng lăng, hoa ban trồng quanh đó, chớ không nghe nổi những tiếng máy xe cộ. Quanh khu chung cư là những nhà dân, cũng phần lớn gốc bắc, tỏ ra khác biệt từ cách thiết kế nhà cửa giản dị nhưng bài trí ngăn nắp đâu ra đó, cho tới kiểu nhẩn nha, thích cà kê, sống chậm không việc gì phải vội.

Nghe nói người Hà Nội mới tới đây ở được 20 năm, trước kia nơi đây là khu ao đầm của quân đội. Ngày nay chỗ này nhà cửa đã chất đầy, có ngõ nhỏ, phố nhỏ, hàng quán, công ty, cao ốc… Đó không phải là chuyện lạ ở một miền đất đô thị hóa nhanh như Sài Gòn, nhưng để mang được một mảnh hồn Hà Nội vào tận nơi đây và giữ nó ở yên lại là một chuyện chỉ có những tình yêu Hà Nội sâu đậm mới làm được.

Hãy chọn một buổi sáng sớm, se mát càng tốt, rồi hãy ghé vô gọi 1 món ăn ở K300 có thể là bún ngan, bún dọc mùng hay phở, ăn xong ngồi nhâm nhi ly trà Tân Cương thơm dịu mới pha, ngó ra đường phố lác đác những người tập thể dục kiêm luôn trò chuyện với bạn hữu, bằng chất giọng Hà Nội khó lẫn. Bạn sẽ cảm thấy một luồng không khí Hà Nội đang trôi về, thật nhẹ nhàng lãng đãng.

Bạnh Bư (MAV.vn)

NHỮNG TIỆM BÁNH MÌ VIỆT NỔI DANH THẾ GIỚI

Bánh mì Việt Nam trong thời gian vài năm trở lại đây đã trở thành một cái tên hot trong sổ tay ẩm thực của du khách quốc tế.

Năm 2011, viện đại học Oxford đã chính thức điền “Bánh mì” vào trong cuốn tự điển danh tiếng của họ. Cùng với đó, báo chí nước ngoài đã có nhiều bài viết, thống kê về các tiệm bánh mì ngon nhất Việt Nam, hoặc đưa chúng vào danh sách những món ngon nhất thế giới. Những tiệm bánh mì này có đủ các phong cách, hương vị  từ Nam ra Bắc, và đều có đặc điểm chung: không phải là những thương hiệu bánh mì lớn trong nước.

1. Bánh mì Phượng:

Google dòng chữ “The best banh mi in Vietnam”, bạn sẽ thấy bánh mì Phượng Hội An chiếm hầu hết các kết quả đầu tiên. Trong bài viết “Bánh mì Việt Nam ngon nhất quả đất” trên BBC gần đây cũng nhắc tới bánh mì Phượng. Đầu bếp Anthony Bourdain nổi tiếng của Mỹ trong lần đầu ăn bánh mì Phượng, đã phải thốt lên :”That’s a symphony in a sandwich!” (Quả thực là có cả một bản giao hưởng trong ổ bánh)

Bánh mì Phượng thường được du khách cho vào sổ tay như là một trong những món “bắt buộc” phải thưởng thức ở Việt Nam. Và không chỉ thế, bánh mì Phượng cũng rất hấp dẫn đối với dân bản địa và du khách trong nước. Mỗi ngày, quán bán từ sáng sớm tới khuya muộn mới ngừng. Điểm ngon của bánh mì Phượng là tất cả nguyên liệu đều tự làm với bí quyết riêng, và ổ bánh mì nhìn rất hấp dẫn.

Bên trong ổ bánh mì giá 10 ngàn của tiệm bà Phượng.

Và một đặc điểm dễ thương nữa mà bạn không thể nào không công nhận ở bánh mì Phượng: tuy nổi tiếng thế giới là vậy, nhưng giá chỉ 10k cho 1 ổ bình thường (giá cập nhật năm 2015).

Địa chỉ: 2A Phan Châu Trinh, Hội An, Quảng Nam.

2. Bánh mì vỉa hè 37 Nguyễn Trãi.

Nếu như Bánh mì Phượng là “bánh mì ngon nhất Việt Nam”, thì bánh mì vỉa hè 37 Nguyễn Trãi ở Sài Gòn, là “bánh kẹp ngon nhất thế giới”, đứng đầu bảng trong danh sách “12 món ăn đường phố ngon nhất thế giới”, theo tạp chí du lịch Mỹ Conde’ Nast Traveler.

Bánh mì ở tiệm này là bánh mì thịt nướng. Trong ổ bánh mì, ta thấy thịt được viên tròn, nướng thơm sau khi tẩm ướp kĩ lưỡng và đặt bên cạnh dưa leo, đò chua, ngò, xì dầu… những gia vị đặc trưng của bánh mì Sài Gòn. Giá bánh mì ở đây vào năm 2014 là 20 ngàn/ ổ.

Bánh mì Nguyễn Trãi (ảnh: Saigonamthuc.thanhnien.com.vn)

 

Địa chỉ: Đầu hẻm 37 Nguyễn Trãi, Q1, Sài Gòn.

3. Bánh mì Phố Huế:

Đây là đại diện của bánh mì Hà Nội, một phong cách bánh mì hoàn toàn khác biệt so với hai miền còn lại. Trong bài viết “Bánh mì Việt Nam ngon nhất quả đất” của BBC mô tả về ổ bánh mì này: bánh mì tuy không quá phức tạp, nhưng mọi thứ bên trong nó đều có vai trò riêng: ruốc giúp nước sốt được thấm, pate làm ẩm bánh và bánh nướng giòn để không bị mềm trong thời tiết ẩm.

Phóng viên DAvid Farley ca ngợi: “Ổ bánh mì này nó thực là khác biệt! Độ giòn của lớp vỏ đã dẫn dụ theo cái vị ngon quyện hòa của thịt và gia vị một cách nhẹ nhàng!”.

Bánh mì Phố Huế.

Địa chỉ: 118A Phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, Hai BÀ Trưng, Hà Nội.

4. Bánh mì vỉa hè Nha Trang

Tạp chí National Geographic đã chọn món bánh mì pate ở Nha Trang vào một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Tuy vậy tờ báo này không đưa địa điểm cụ thể, ngoài việc chụp và đăng ảnh một hàng bánh mì rất đặc trưng ở thành phố xinh đẹp này:

Bánh mì Nha Trang, ảnh: National Geographic.

Mỹ Mạnh tổng hợp

Ký giả BBC: “Bánh mì Việt Nam ngon nhất quả đất”

Mấy ngày trước, BBC đã cho đăng bài viết của ký giả  David Farley về Bánh mì Việt Nam, bài viết này được nhiều người quan tâm, nên chúng tôi xin dịch lại để mọi người cùng đọc chơi:

 

PHẢI CHĂNG BÁNH MÌ LÀ LOẠI BÁNH KẸP THỊT NGON NHẤT QUẢ ĐẤT?

– David Farley-

Bác tài cho xe dừng lại trên Phố Huế đông nghẹt và chỉ cho tôi cái tiệm bánh mì bên kia đường, nó nằm èo uột bên những tòa nhà 4-5 tầng. Tôi rời xe và băng qua hàng trăm cái xe máy bấm còi ì èo, trong khi xe hơi thì xả khói tung tóe, và cuối cùng cũng qua được đường.

Tôi đã tới ngay tiệm Bánh Mì Phố Huế, tên cửa hàng thực đơn giản: chính là tên con đường nó đang ở. Hầu như ai cũng kêu tiệm Bánh mì Phố Huế là ngon nhất Hà Nội. Tiệm này có từ năm 1974, và họ đóng cửa bất cứ khi nào hết nguyên liệu. May cho tôi quá! Đến vào lúc 7h tối thứ Bảy mà tiệm vẫn còn bán.

Bánh mì, giải thích ra là bánh làm từ bột mì. Đó là sự kết hợp ngon lành một cách phong phú dào dạt giữa thịt heo, patê và rau (cà rốt, ngò, dưa leo…vv), được nhồi trong một ổ bánh mì kiểu Pháp mềm nhưng giòn. Tùy theo vùng miền, mà bánh mì còn có thể nhồi thêm thịt heo muối, xúc xích heo và các loại rau nhợ khác.

Bánh mì là sản phẩm của sự giao lưu văn hóa và ẩm thực. Cái sự này không phải có từ những cái xe tải thức ăn, ảnh trên Instagram hay Twitter, mà có từ năm 1887, cùng với việc người Pháp đem theo chủ nghĩa thực dân và thành lập Đông Dương thuộc Pháp. Cái bánh lúc đó, chỉ đơn giản là bánh mì Pháp (Baguette) nhồi pate và bơ. Tới độ 1954 khi người Việt đẩy Pháp ra khỏi bờ cõi, cũng là lúc họ cải tạo lại ổ bánh mì cho ra cái riêng của họ, bằng thịt heo, rau dưa và kết quả là cái loại bánh mì chúng ta đang biết.

Cả thế giới chẳng ai biết tới loại sandwich thần thánh này, mãi cho đến khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975. Những người di cư sang Quê Kỳ, Châu Âu và Úc đã ôm ra biển lớn những công thức nấu ăn của miền Nam Việt, bao gồm cả món bánh mì đặc sản của họ. Cũng bởi vậy: nếu ăn bánh mì ở hải ngoại, chính là bạn đang ăn bánh mì theo khẩu vị miền Nam, với cái ổ to tướng, nhiều loại rau củ hơn, và có nhiều ơ tờ ớt.

Kỳ cục là, tôi đã mê mấy ổ bánh mì hải ngoại hơn là những ổ bánh mì trong nước Việt. Khi ăn thử một cái bánh mì ở Sài Gòn vài năm trước, tôi đã gặp phải một ổ bánh mì cũ với phần nhân siêu keo kiệt bao gồm một lớp patê mỏng lét, vài lát thịt nguội, và rau thì thuộc thể loại chẳng có gì đặc biệt. Tôi đã cạch bánh mì bản xứ từ sau cái ổ đầu đời đó. Lúc đó tôi phải chấp nhận rằng mình đã được ăn những ổ bánh mì ra hồn hơn ở New York, thậm chí là Minneapolis! Là tôi bị hoang tưởng? Có thật là bánh mì ở ngoài Việt Nam thì ngon hơn trong nước chăng? Tôi phải tìm ra câu trả lời! Liệu lòng tin của tôi đối với bánh mì trên chính quê hương xứ sở của nó có được phục hồi? Liệu có thực sự nó là loại sandwich ngon nhất thế giới?

Đi cùng với tôi tới tiệm bánh mì Phố Huế, là Geoffrey Deetz – một đầu bếp và chuyên gia ẩm thực Việt Nam đã sống tại đây 15 năm -, ổng đang hỏi người bán bánh mì về các thành phần của nó. Còn tôi thì đang nhận lấy ô bánh mì từ tay người bán, ổ bánh mì thân thương được bọc bằng giấy ăn và cọng thun. Tôi banh ổ bánh mì ra để ngó tổng thể các thành phần nội dung ở trỏng: thịt heo, xá xíu heo, chà bông, patê, ngũ vị hương và bơ. Người ta rưới lên trên đó một loại nước sốt thịt có lẫn ớt. Thật ngộ là tôi đã không thấy ở trong ổ bánh mì này bất kì loại rau củ nào tôi đã từng thấy ở bánh mì Sài Gòn và bánh mì Hải ngoại. Deetz day đầu qua nói với tôi: “Bánh mì ở Hà Nội hắn đơn thuần như rứa đó! Chớ nếu mà đưa cho dân Hà Nội cái loại bánh mì nhiều kiểu rau củ như ở các nơi khác, chắc là họ sẽ tung lên trời như bắn pháo hoa!” :))

mav018

Bánh mì phố Huế, Hà Nội.

Đỡ cái là, tôi đã không tung nó lên trời. Cái ổ bánh mì này nó thiệt là khác biệt quá đi! Độ giòn của lớp vỏ đã dẫn dụ theo cái vị ngon quyện hòa của phần thịt và gia vị một cách nhẹ nhàng đứng đắn. Tôi thích nó thiệt rồi!

“Dân Hà Nội họ hông có thích cái sự pha trộn phức tạp hỗn độn tùng phèo đâu đó mà!” – Deetz nói tiếp. “Nhưng cái gì cũng có lý của họ! Chà bông để ngấm nước sốt, pa tê làm miếng bánh mì khi cắn ra được mềm mại, còn ổ bánh mì nướng giòn thì hợp với thời tiết ẩm như ở Việt Nam lắm đó mà!”

Trong mấy ngày chu du ở Việt Nam, tôi cũng đã ráng kiếm cho được một ổ bánh mì Hội An, cái thành phố được UNESCO xếp loại di sản thế giới ở mép biển miền Trung. Ở một cái địa bàn nổi tiếng với đất đai phì nhiêu và cây cỏ um tùm, tôi không lấy làm lạ lùng chi khi mà thấy cái ổ bánh mì nó được nhét đầy ắp rau củ quả.

Cũng như hồi ở Hà Lội, tôi đã hỏi hết mọi người về cái nơi bán bánh mì được ưa chuộng nhất. Và câu trả lời đồng loạt là BÁNH MÌ PHƯỢNG (2B Phan Châu Trinh), một cửa hàng nhỏ chút chun ở trong lòng phố cổ. Tôi kêu một ổ bánh mì truyền thống, cái kiểu mà trong quan niệm của tôi, nó bao gồm “bánh mì, thịt heo, jambon, pa tê”. Nhưng rốt cuộc họ đã làm cho tôi cái ổ có nhiều thứ hơn: dưa leo xắt lát dài, ngò tươi, cà rốt ngâm, mấy miếng cà chua nhìn rất đã. Tiếp đó là họ rưới tương ớt lên, cùng với hai kiểu nước sốt do họ làm: một cho thịt nóng và một cho thịt nguội.

Bánh mì Phượng, Hội An.

Cái nguyên liệu quan trọng để làm nên một ổ bánh mì ngon, trước hết, là cái bánh mì bọc ngoài. Ổ bánh mì lởm, vừa cứng khô, sẽ làm hỏng bét tất cả. Bánh mì Phượng, nướng ngay tại cái lò ngay cửa, thực là rất mềm mại ở phần ruột, trong khi vẫn giòn tưng ở lớp vỏ bên ngoài. Chu choa! Thịt heo hảo hạng, hai loại nước sốt thịt và một chút ngạc nhiên khi thấy cà chua và đu đủ ngâm, và tôi đã có cái bánh sandwich siêu ngon ở trong tay.

Tính ra tôi đã xơi tái khoảng 15 ổ bánh mì trong hơn 2 tuần ở Việt Nam. May cho tôi là tôi đã được ăn những cái bánh mì ngon hơn so với cái bánh bản xứ tôi đã từng ăn. Cái bánh mà tôi đã thử ở Sài Gòn mấy năm về trước – cái bánh đã khiến tôi phải chia tay trong nước mắt với bánh mì một thời gian – thì ra chỉ là một sự hên xui, một tai nạn.

Tôi bỗng nhớ đoạn đối thoại trong phim The Simpsons, cái đoạn mà Homer thắc mắc lo âu trước việc con gái mình, Lisa, trở thành người ăn chay:

“Rứa còn thịt heo muối?” Homer hỏi.
“Ứ!” Lisa nói.
“Giăm bông heo?”
“Ứ!”
“Sườn heo?”
“Ứ!” Lisa nhõng nhẽo. “Ba ơi! Tất cả những cái đó thì có khác chi nhau, chúng đều làm từ một con vật là con hờ eo heo đó mà!”
“Ờ ha! Quá chuẩn!” Homer nói. “Tuyệt vời, bá đạo, chỉ một loại con vật!”

Sự kết hợp giữa nhiều thứ từ thịt của một con vật là con heo, với rau củ tươi và được nhét hết vô một ổ bánh mì giòn đó, làm tôi phải thốt lên: “Sao một cái bánh mì kẹp mà nó quá thần thánh, quá ảo diệu đi!”

Trần Khiêm dịch (MAV.vn)