3 BÀI THUỐC TRỊ SỎI THẬN TỪ DỨA

Sỏi thận là hiện tượng khi khoáng chất trong nước tiểu lắng lại trong thận, lâu ngày hình thành nên viên sỏi. Sỏi thận có thể ra ngoài theo đường tiểu nếu sỏi còn nhỏ, nhưng nếu sỏi càng lớn sẽ càng gây những trở ngại cho người bị mắc.

Khi bệnh ở thể nặng, bệnh nhân phải chịu những cơn đau quặn thắt hành hạ, và nếu không được chữa kịp thời, có thể dẫn đến suy thận.

Có nhiều phương pháp trị liệu căn bệnh này theo tây y và cả đông Y. Trên thực tế, nhiều trường hợp đã thoát khỏi căn bệnh này từ một loại quả rất quen thuộc đó là quả dứa.

Trong Đông y, dứa (thơm, khóm) không chỉ là một món ăn, mà còn là bài thuốc bổ và chữa bệnh, trong đó đáng kể là bệnh sỏi thận. Quả dứa vị chua, tính bình, giúp giải khát, sản sinh tân dịch, tốt cho hệ tiêu hóa. Nước ép từ dứa có tác dụng nhuận trường, tiêu tích trệ. Trong khi đó, nõn dứa giúp thanh nhiệt, giải độc. Rễ dứa giúp lợi tiểu, chữa sỏi đường tiết niệu, giúp thông tiện.

Theo lương y Vũ Quốc Trung, có những bài thuốc rất đơn giản từ dứa, dễ dàng thực hành nhưng lại có hiệu quả rất tốt trong việc trị sỏi thận:

Cách 1:

Lấy 1 quả dứa, gọt bỏ vỏ đi, khoét lỗ trong thân dứa rồi cho vào khoảng 0,3g phèn chua, sau đó cho dứa vào nồi với nước, đậy nắp lại hầm trong 3 tiếng. Hầm xong thì ăn cả dứa lẫn nước. Dùng 7 ngày sẽ thấy tác dụng tốt.

Ngoài ra còn những bài trị sỏi thận từ dứa trong dân gian được nhiều người áp dụng như sau:

Cách 2:

Dứa 1 quả, gọt vỏ, bỏ mắt, cắt đầu, khoét lỗ cỡ 3cm rồi đổ ít phèn chua vào, gắn đầu quả dứa vào đậy lại. Bỏ quả dứa này vào lò nướng hoặc đem nướng than cho chín vàng, cũng có thể đem nấu chín, sau đó vắt lấy nước.

Uống 1 ly nước này trước khi đi ngủ, sẽ giúp sỏi trong thận và bàng quan mềm ra. Sáng dậy uống tiếp 1 ly nữa, để sạn thận tan ra rồi bài tiết ra ngoài.

Cách 3:

Dứa nguyên quả đem nướng cho cháy vỏ rồi gọt bỏ vỏ và mắt đi, ép dứa lấy nước rồi trộn với 1 hột gà đánh nhuyễn. Uống mỗi lần một ly, ngày 2 lần, 1 liệu trình là 3 ngày.

Trên đây là 3 cách bài sỏi thận theo dân gian và y học cổ truyền, được nhiều người áp dụng và cho ra kết quả tốt.

Bảo Toàn (tổng hợp)

Dưỡng sắc, bổ da với CANH THỊT BÒ NẤU DỪA, ĐẬU NÀNH

Món canh này kết hợp những loại thực phẩm giúp dưỡng sắc, bổ da, lại có hương vị ngon miệng, dễ ăn.

Nguyên liệu:

– Cơm Dừa già: 1 trái
– Đậu nành: 150g
– Thịt bò: 200g
– Táo đỏ: 4 quả
– Gừng: 2 lát
– Muối

Thực hiện:

1. Cơm dừa xắt thành cọng mỏng. Đậu nành ngâm rửa sạch. Táo đỏ bỏ hạt, rửa sạch.
2. Thịt bò rửa sạch, chần qua nước sôi rồi lấy ra xả lại nước lạnh cho sạch lần nữa.
3. Bắc nồi nước nấu sôi rồi cho dừa, đậu nành, thịt bò, táo đỏ, gừng vào nấu cho sôi.
4. Nước sôi thì vặn lửa vừa, nấu khoảng 2 giờ cho thịt chín mềm, sau đó nêm muối vào cho vừa miệng.

Tản Nhân

Cách làm SƯỜN KHO DỪA NON

Sườn non vốn đã hấp dẫn nay lại kho chung với miếng cùi dừa non lựt xựt đảm bảo sẽ khiến cho cả nhà bạn gắp “không ngừng đũa”.

NGUYÊN LIỆU

– Sườn non: 4 lạng

– Cùi dừa non (loại dừa uống nước có cùi đã hơi cứng): 2 lạng

– Tỏi băm: 1 muỗng cafe

– Đường: 1 muỗng cafe

– Nước mắm: 2 muỗng cafe

– Hột nêm: 2 muỗng cafe

– Dầu ăn

CÁCH LÀM

– Sườn mua về rửa sạch, chặt thành từng miếng đủ ăn

– Dừa cắt thành miếng vừa ăn

– Bắc chảo cho tí dầu làm nóng, cho tỏi vào phi vàng thơm. Tiếp đến trút sườn và cùi dừa vào xào săn, nêm nước mắm, hột nêm, sau đó châm nước xâm xấp mặt thịt.

– Kho lửa vừa tới khi nước sánh lại còn 1/3 ban đầu.

– Ăn nóng với cơm.

Cái Quan

Cách làm THỊT TẨM BỘT CHIÊN GIÒN SỐT HOA QUẢ

Món thịt tẩm bột chiên giòn đã hấp dẫn, nay thêm sốt hoa quả thơm ngon, sẽ đem lại một món ăn “đắt hàng” cho bữa cơm nhà bạn.

Nguyên liệu:

  • – Thịt 3 rọi hoặc nạc vai: 2,5 lạng
  • – Lòng trắng trứng: 1 cái
  • – Bột bắp: 1 lạng
  • – Cà chua: 1 trái, thái nhỏ
  • – Dứa: 1/2 trái, thái nhỏ
  • – Ớt chuông: 1 trái, thái nhỏ
  • – Hành tây: 1/2 củ, thái nhỏ
  • – Sốt cà chua: 60ml
  • – Xì dầu, muối, tiêu xay

Thực hiện:

– Thịt ướp với tiêu, xì dầu chừng 10 phút rồi trộn với lòng trắng trứng.
– Bắc chảo dầu nóng, gắp miếng thịt đã ướp tẩm qua một lớp bột ngô rồi cho vào chảo chiên vàng, làm lần lượt cho hết thịt. Vớt thịt ra ngoài, chắt bớt dầu ra.
– Cho tất cả rau củ cùng sốt cà vào xào trong chảo cho hơi tái, sau đó trút thịt vào trở lại chảo, đảo cùng cho tới khi tất cả cùng chín và ngấm.
– Nêm nếm lại vừa miệng, tắt bếp, ăn nóng với cơm.

Bảo Tố

CÁCH CẮT DỨA THÀNH HÌNH BƯƠM BƯỚM

 

Dứa chín là loại quả giải khát ngon miệng và bổ dưỡng cho mọi người, và bạn có thể làm cho miếng dứa trở nên đẹp hơn chỉ qua một vài bước đơn giản.

Sau đây là hướng dẫn từng bước để tạo ra những “con bướm dứa” mà ai nhìn cũng muốn khen:

Bước 1:

Bỏ hai đầu của trái thơm, bổ đôi theo chiều dọc thân trái.

Bước 2: Lách dao qua vỏ và gọt đi.

– Úp miếng thơm lại, khứa một rãnh chữ V chính giữa, rồi khứa tiếp hai bên mỗi bên những rãnh chữ V nhỏ dọc chiều dài quả dứa.

– Ngửa miếng dứa lên, làm tiếp 1 rãnh chữ V ở lõi và 2 chữ V (sâu hơn) ở hai bên.

– Bây giờ bạn gọt bớt mắt còn thừa đi. Rồi úp miếng dứa lại dùng dao xắt thành từng lát mỏng, vậy là có những con bướm dứa đẹp mắt.

– Phần dứa bị gọt bỏ, bạn có thể ăn cho đỡ phí.

– Bây giờ giã muối ớt hoặc tiêu rồi dọn ra cho mọi người thưởng thức, đảm bảo ai cũng nể.

Bảo Tố

Cách làm KIM CHI CỦ CẢI

Nếu bạn thích ăn những món chua cay kích thích khẩu vị, ắt sẽ không thể bỏ qua Kim chi. Món Kim Chi củ cải sẽ mang đến cho gia đình bạn sự mới lạ và đảm bảo rằng nó sẽ rất đưa cơm.

Nguyên liệu:

  • – Củ cải: 1 ký
  • – Táo và Lê, mỗi thứ nửa trái.
  • – Muối
  • – Hẹ: 1 bó.

Nguyên liệu ướp:

  • – 5g muối, 15g đường, 50ml nước mắm, 15g bột nếp.
  • – Bột ớt của Hàn Quốc: 150g (mua ở siêu thị hoặc tiệm bán thực phẩm Hàn Quốc)
  • – Tôm khô loại nhỏ vị mặn: 15g.
  • – 2 mẩu gừng, 8 củ tỏi
  • – 150ml nước lọc.

 

 

Thực hiện:

– Củ cải rửa sạch, gọt vỏ, xắt lát dày khoảng 2mm, để ráo. Cho củ cải vào tô, ướp với 30g muối đến khi củ cải mềm (khoảng 20 phút). Sau đó đem ngâm củ cải vào nước nguội để loại bỏ vị mặn

 

– Táo, lê, tỏi, gừng bỏ vỏ, băm nhỏ. Tôm khô băm nhỏ. Hẹ cũng thái nhỏ.

Cho ớt bột và nước mắm vào một cái tô, khuấy lên cho đều rồi cho những thứ đã băm, thái nhỏ ở trên vào.

Bắc nồi cho 150ml nước và 15g bột nếp (tỉ lệ 10:1) vào đun lửa vừa trên bếp, vừa đun vừa quậy đều cho bột keo lại, nước sôi thì đổ ngay nồi này vào tô hỗn hợp băm thái nhuyễn ở trên, nêm đường muối rồi trộn lên cho đều thành hỗn hợp bắt mắt.

 

Cuối cùng trộn thật đều cải trắng với hỗn hợp nguyên liệu ướp ở trên.

 

 

 

 

Bây giờ bạn đã ăn được rồi.

 

 

Tòng Quế

Cách làm BÁNH SỮA DỪA GIÒN (bánh dừa núm)

Những món làm từ dừa và sữa luôn luôn hấp dẫn, và bánh sữa dừa giòn cũng là một món như vậy. Đây là một món rất hấp dẫn và ngon để ăn vặt hoặc đãi khách!

Nguyên liệu:

  • – 1 lạng dừa sấy để làm bánh và 10g dừa sấy để áo bánh
  • – 35g bột mì
  • – 15g sữa bột
  • -20g sữa tươi
  • – 2 lòng đỏ trứng gà
  • – nửa lạng đường
  • – nửa lạng bơ
Thực hiện:
Bánh dừa giòn thơm ăn một lần là thích! 4

Bơ mua về để ngoài nhiệt độ thường cho mềm bớt, rồi cho đường vô đánh lên đều.

 

Bánh dừa giòn thơm ăn một lần là thích! 6

Trong lúc đánh, thêm 2 lòng đỏ trứng gà vào, vẫn tiếp tục đánh cho quyện đều.

Bánh dừa giòn thơm ăn một lần là thích! 8

Tiếp tục cho sữa tươi vào đánh đều.

Bánh dừa giòn thơm ăn một lần là thích! 10

Rồi tới 100g dừa sấy, sữa bột, bột mì. Thò tay vô nhào lên cho thật đều.

Bánh dừa giòn thơm ăn một lần là thích! 12

Xoe bánh thành cục tròn. Lăn từng cục bánh lên chỗ 10g dừa sấy khô để bánh được áo ngoài bằng lớp dừa khô

Bánh dừa giòn thơm ăn một lần là thích! 14

Bật lò nướng sẵn ở nhiệt độ 180 độ C, cho bánh vào nướng chừng 15 – 20 phút là chín.

 

Theo Vi Trân

LÝ DO ĐỂ BẠN ĂN DƯA HẤU KHÔNG NÊN BỎ HẠT

Ăn dưa hấu bỏ hạt là điều mà nhiều người cho là đương nhiên, nhưng làm như vậy là họ đã bỏ qua một lượng chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy rằng hạt dưa hấu có thể chữa nhiều bệnh, trong đó có tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường.

Dưa hấu là loại hoa quả ngon miệng, dễ ăn, phù hợp với nhiều người. Dưa hấu có thể cung cấp một lượng nước lớn cho cơ thể đồng thời bổ sung nhiều vitamin cũng như các nguyên tố vi lượng. Dưa hấu tính mát có thể giúp thanh nhiệt, giải độc, trừ được các chứng mụt nhọt, đái tháo đường, viêm loét vùng miệng, cao huyết áp, chữa say nắng, bệnh ly… ngoài ra đây cũng được coi là chất giải độc rượu rất tốt.

Dưa hấu tốt là điều ai cũng biết, nhưng ít ai quan tâm đến phần hạt của loại quả này. Nhiều nghiên cứu cho thấy phần hạt thường bị nhằn bỏ đi này cũng là một vị thuốc tuyệt vời cho cơ thể.

Trong hột dưa hấu có chứa nhiều acid béo không bão hòa, như acid linoleic giúp giảm lượng chất béo cũng như cholesterol trong máu, có tác dụng ngăn ngừa và điều trị tim mạch. Acid béo trong no trong loại hạt này khá phong phú, có thể giúp phòng ngừa xơ cứng động mạch, làm hạ huyết áp. Thành phần Protein, vitamin B và Magie trong dưa hấu giúp chuyển đổi thực phẩm thành năng lượng trong mọi chức năng của cơ thể.

 
So sánh thành phần dinh dưỡng trong hạt dưa hấu với hạt hạnh, hạt hướng dương.

Qua những tác dụng rất quý giá của hạt dưa hấu, mọi người được khuyên là không nên nhả hạt dưa khi ăn dưa hấu mà hãy tập ăn để phòng ngừa bệnh tật cho cơ thể. Hoặc bạn có thể dùng hạt dưa hấu dưới dạng hạt dưa rang – loại hạt dưa phổ biến ngày Tết truyền thống.

Theo Thanh Loan –  HUFFINGTONPOST.COM

Cách làm LÒNG NON XÀO DƯA CHUA

LÒNG NON là món ưa thích của nhiều người. Lòng non xào dưa chua là cách làm quen thuộc của nhiều gia đình. Bạn có thể thêm hoặc không thêm cà chua.

 

Nguyên liệu:

  • Lòng non: nửa lạng
  • Khoảng 2 chén dưa chua. Xem CÁCH LÀM DƯA CẢI CHUA
  • 2 trái cà chua
  • Hành lá, gừng, tỏi, dấm, dầu ăn
  • Hạt nêm & gia vị

Chuẩn bị:

– Cà chua bổ múi cau
– Dưa chua rửa qua nước vài lần cho bớt chua, xắt miếng nhỏ vừa ăn.
– Hành lá rửa sạch cắt khúc 2-3 phân, phần đầu hành lấy ra 1 ít băm nhuyễn. Tỏi băm nhuyễn.
– Làm lòng: Lấy 1 mẩu gừng nhỏ có thể nhồi vừa đoạn lòng non. Gọt vỏ. Sau đó nhét cho cục gừng chui tọt vào đoạn lòng non, tay vừa nặn vừa vuốt cho mẩu gừng luồn dọc đi hết lòng non lọt qua đầu còn lại là được. Làm vậy vài lần cho sạch và bớt tanh lòng. Sau đó rửa bóp lòng qua với nước dấm pha muối, cuối cùng rửa lại bằng nước sạch.

Thực hiện:

-Chuẩn bị nồi nước cho vào chút muối và miếng gừng bằng ngón tay đập dập. Đun nước sôi già rồi cho lòng vào trụng nhanh khoảng 30 giây, rồi vớt ra ngâm ngay vào chén nước lạnh. Làm đúng theo cách này sẽ giúp lòng giòn, trắng.

– Sau đó xắt lòng thành những khúc ngắn 2-3 phân vừa ăn.

– Bắc chảo cho đầu hành và tỏi vào phi thơm rồi trút lòng non vào xào với 1 muỗng cafe nước mắm. Lòng vừa chín tới thì nhấc khỏi bếp, trút ra dĩa. Lưu ý không xào chín già lòng sẽ bị dai.

– Tiếp tục bỏ thêm ít tỏi vào chảo ban nãy, phi tỏi thơm rồi trút cà chua vào xào chín. Cà chua chín thì trút dưa chua vào xào tới khi dưa ra nước, chín mềm. Nêm nếm hạt nêm và bỏ chút đường để hương vị đỡ bị chua gắt.

– Trút lòng non ban nãy vào xào chung với dưa, xào nhanh độ 1 phút cho nóng là được. Nêm nếm lại gia vị lần nữa rồi rắc hành lá, tiêu… Tắt bếp.

– Ăn nóng với cơm rất ngon.

Bé Thúi

Cách làm LÒNG GÀ XÀO DỨA

Lòng gà xào dứa là món ăn ngon miệng và hấp dẫn. Bạn có thể tận dụng nguyên liệu từ bộ lòng gà hay mua nguyên liệu ngoài chợ. Món này rất dễ làm và lại còn nhanh nữa.

Nguyên liệu:

  • – Lòng gà: 2 bộ
  • – Dứa: 1 trái (lựa trái còn hơi xanh)
  • – Dưa leo: 2 trái
  • – Hành củ, hành lá, ớt to
  • – Dầu hào, nước mắm, hột tiêu.

Chuẩn bị

– Lòng gà bóp muối kỹ để rửa cho sạch, sau đó cho vào nồi với chút gừng đập dập, luộc chín, xắt lát nhỏ vừa ăn.

– Dưa leo bỏ ruột, dứa bỏ mắt gọt vỏ, hai thứ này xắt miếng nhỏ vừa ăn (đồng cỡ với lòng gà)

– Hành lá xắt khúc, hành củ băm nhỏ, ớt sừng bỏ hột xắt sợi.

Thực hiện:

– Làm nóng chảo dầu, cho hành củ băm vào phim thơm rồi trút lòng gà vào xào kỹ, cho thêm 1 muỗng cafe nước mắm. Lòng chín thì trút ngược ra dĩa.

– Tiếp tục cho chút dầu ăn vô chảo, làm nóng lại rồi cho dứa vào xào chín mềm, nêm thêm 1 muỗng cafe dầu hào. Dứa chín thì trút dưa chuột vô xào cùng tới khi dưa leo vừa chín.

– Trút lòng gà vào lại chảo để xào tiếp cho nóng. Nêm nếm lại gia vị vừa miệng rồi rắc hành lá xắt nhỏ vào đảo tới khi hành lá vừa ngấm thì tắt bếp.

– Cho ra dĩa, rắc tí tiêu, ăn với cơm nóng.

Bảo Tố

ĂN DỨA MỖI NGÀY TỐT HƠN BẠN NGHĨ

 

Dứa là loại hoa quả thường gặp ở vùng nhiệt đới như nước ta. Không chỉ là loại quả ngon, giải khát tốt, dứa còn được coi là thuốc bổ cho sức khỏe và sắc đẹp.

Ăn dứa giúp bạn có làn da đẹp, đồng thời tốt cho mắt, xương, hệ tiêu hóa.

1. Chắc xương

Dứa chứa nhiều mangan, loại chất khoáng thiết yếu cho việc phát triển của xương và các mô liên kết, điều này giúp ích cho sự hình thành và duy trì sự chắc khỏe cho xương.

Với 1 cốc nước dứa, bạn đã cung cấp cho cơ thể 73% lượng mangan cần thiết trong ngày.

2. Khỏe lợi

Sự khỏe khoắn của lợi là rất quan trọng để cho hàm răng của bạn luôn chắc chắn. Dứa không chỉ rất tốt cho lợi, nó còn làm răng sạch và chắc với lượng chất xơ, acid dồi dào.

3. Bổ Mắt

Ăn dứa đều đặn giúp bạn tránh khỏi chứng giảm thị lực theo tuổi tác, vì loại quả này giàu chất chống oxy hóa.

4. Tốt cho tiêu hóa

Chất xơ trong dứa có thể giúp bạn tránh khỏi táo bón hay những vấn đề của đường ruột.

5. Làm đẹp da

Dứa chứa nhiều enzym làm tăng sự đàn hồi của da, hỗ trợ tốt cho việc thải tế bào chết cũng như hình thành tế bào mới, điều này giúp da bạn luôn khỏe và mịn. Enzym bên trong dứa còn có tác dụng chống lại các gốc tự do, giảm thâm nám cũng như sự hình thành nếp nhăn, tránh lão hóa cho da.

6. Giảm buồn nôn

Nếu bạn buồn nôn do uống rượu, say xe, mệt mỏi, thì có thể dùng một cốc nước hoặc một miếng dứa để cải thiện tình trạng.

Đề Oanh (theo Dazzlethemag)

Cách làm BÁNH SỮA DỪA

Cách làm BÁNH SỮA DỪA sau đây rất đơn giản nhưng thành quả lại rất hấp dẫn. 

Nguyên liệu:

  • Sữa đặc: Khoảng 1/2 lon
  • Cơm dừa sấy khô (mua ngoài siêu thị): 250g*** Nếu không có cơm dừa khô thì dùng dừa già, dùng bàn nạo có đầu nạo vụn, nạo lấy phần cùi trắng, vắt nước ra rồi cho lên chảo rang khô là được.
  • Bột năng: 1 thìa cafe

Cách làm:

– Chia dừa sấy ra 2 phần, 200g dùng làm bánh, 50g dùng làm áo bánh. Phần làm áo bánh có thể giã vụn thêm để cho dễ bám vào bánh.

– Cho phần 200g dừa sấy vào chảo chống dính, sau đó chế sữa đặc vào. Vặn lửa vừa trộn đều hỗn hợp lên khoảng 5 phút cho vón lại thành một khối là được.

– Sau đó lấy cục hỗn hợp ra chờ cho nguội bớt rồi vo thành từng viên vừa ăn. Sau mỗi lần vo thì lăn viên bánh qua phần dừa làm áo bánh, để bánh bớt dính và hấp dẫn hơn.

– Tuy cách làm đơn giản nhưng bánh rất ngon với vị thơm đặc trưng của dừa và ngọt béo của sữa. Bánh này bảo quản trong tủ lạnh. Bạn có thể cho từng viên bánh vào đế lót như trong ảnh để trông lịch sự hơn.

Bảo Tố (theo rakskitchen)

Cách làm MỨT DỨA DẺO

MỨT DỨA với vị thơm ngọt quen thuộc và kết cấu dẻo mềm sẽ mang đến sự hấp dẫn, mới lạ cho mâm cỗ Tết nhà bạn.

Nguyên liệu:

  • 1 trái dứa chín
  • 500g đường
  • Nước cốt chanh
  • Vani, muối, 1 muỗng cafe phèn chua.
Thực hiện:
1. Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, khoét bỏ lõi. Xắt thành khoanh tròn, dày khoảng 0,5cm. Rắc 1 muỗng cafe muối vào dứa, ướp khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch. Để ráo.
2. Bắc nồi nước đủ luộc dứa, cho vào một chút phèn chua tán mịn, nấu sôi rồi cho dứa vào luộc sơ trong 5-7 phút. Sau đó vớt ra rửa nước lạnh cho sạch phèn.
3. Cho dứa vào thau, rắc hết đường vào dứa, trộn đều rồi phơi nắng khoảng 3 tiếng cho đường chảy ra thành sirup.
4. Bắc chảo lên bếp vặn lửa vừa, trút thau dứa ướp đường vào đun sôi. Sau đó vặn lửa liu riu. Sên tới khi nào nước đường dứa gần khô cạn thì chan vào 1 muỗng canh nước cốt chanh.
5. Tiếp tục đun đến khi đường sệt quánh kéo thành sợi tơ thì rắc 1 ống vani vào, tắt bếp. Gắp mứt bỏ lên vỉ hoặc nan, để ngoài nơi thoáng mát tới khi khô nguội hẳn thì xếp vào lọ.

Cách làm MỨT DỪA KHÔ

Mứt dừa là món mứt không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền. Mứt làm từ dừa khô không dẻo mềm như dừa non, mà dai giòn vừa phải, nhẩn nha hoài không ngán. Đây cũng là loại mứt dễ làm.

Nguyên liệu:

  • Dừa già: 1kg (hoặc 2-3 trái dừa khô về tự lấy cùi)
  • Đường: 300g
  • Sữa tươi: 300ml [có thể chọn sữa có màu như sữa cam, sữa dâu, sữa socola để tạo màu cho mứt]
  • Vani: 1 ống

Thực hiện:

– Dừa già bỏ vỏ nạy vỏ nâu bên ngoài đi, còn lại phần cơm màu trắng. Đục một lỗ to trên trái dừa, rồi dùng dao nương theo cạnh xắt thành miếng dài, mỏng đều.

– Đun ấm nước ấm đổ vô thau dừa. Ngâm khoảng 15 phút rồi vớt ra rửa lại cho bớt dầu dừa, để ráo, sau đó chuyển dừa vào chảo.

– Trút sữa tươi và đường vào chung với dừa, quậy đều rồi để 4-5 tiếng (qua đêm) cho đường ngấm vào dừa. Lúc này sợi dừa đã hơi trong.

– Bắc chảo lên bếp,  xên mứt dừa với lửa nhỏ khoảng 1 tiếng là sữa cạn, dừa cũng kịp khô. Lúc sên nhớ canh chừng, đảo nhẹ và đều tay, vì dừa rất dễ bị cháy.

– Tiếp theo cho vani vào xóc lên cho đều rồi tắt bếp. Trút hết dừa ra nong, nia để nơi thoáng mát cho dừa nguội, khô hẳn, rồi mới bỏ vô lọ để trữ.

*** Nếu muốn mứt dừa có màu sắc,  bạn cho sữa có màu, hoặc màu thực phẩm, màu tự nhiên vào cùng lúc với lúc cho sữa tươi & đường. Nếu làm nhiều màu thì chia ra ngâm riêng từng màu.

Bảo Tố

Cách làm SƯỜN NON KHO THƠM

Sườn non có nhiều cách kho, nếu bạn đã chán kho mặn, kho tiêu, kho chua ngọt, thì hôm nay thử thêm vào công thức một miếng thơm (dứa, khóm) xắt mỏng vào, để tận hưởng sự mới mẻ kì diệu.

Nguyên liệu:

Cho 5-6 người ăn:

  • 500g sườn non
  • Nửa trái thơm
  • Hành củ, hành lá, tỏi
  • Nước mắm, muối, đường
  • Nước hàng

Sơ chế:

– Chuẩn bị nồi nước sôi, cho sườn vào trụng sơ cho ra bọt bẩn rồi đổ nước đó đi.
– Băm nhuyễn hành, tỏi. Cắt nhỏ hành lá.
– Thơm chẻ dọc làm đôi, xắt miếng nhỏ vừa ăn.
– Ướp sườn với hành, tỏi băm, chút muối. Để trong 30 phút.

Kho sườn:

– Bắc chảo cho hành tỏi băm vào phi thơm.
– Cho sườn + nước ướp vào xào cho sườn săn, đổi màu. Thì chan tiếp 1 muỗng canh nước hàng, cho thơm vào xào cho xìu.
– Đổ nước lọc xâm xấp mặt sườn, vặn nhỏ lửa kho cho tới khi còn 1/3 lượng nước.
– Nêm thêm 1,5 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường. Nếm thử nước mặn ngọt vừa khẩu vị bạn là được.
– Kho tiếp tới khi nước gần cạn thì tắt lửa. Rắc 1 muỗng cafe tiêu và 1 nhúm hành lá lên, trộn đều cho tiêu hành ngấm nước rồi múc ra dĩa.
– Ăn với cơm nóng.

Có thể thay nước lọc bằng nước dừa, món ăn sẽ thơm béo mùi dừa.

Bé Thúi (MAV.vn)

12 LÝ DO ĐỂ BẠN NÊN UỐNG NƯỚC DỪA

Nước dừa là thứ nước giải khát ngon miệng và rất quen thuộc ở đất nước chúng ta. Tuy vậy, không phải ai cũng biết đến những lợi ích tuyệt vời của loại thuốc bổ tự nhiên, tinh khiết này.

Trẻ lâu:

Tại Philippines, dừa được coi như là phương thuốc trường xuân. Họ có món Nata dừa, làm từ nước dừa, dấm lên men. Thức uống này được người Nhật coi như là một thứ tráng miệng cao cấp và được cho là có tác dụng ngừa ung thư.

Chống nôn:

Những người bị bệnh sốt rét, thương hàn, sốt… dẫn đến ói mửa thì có thể dùng nước dừa để chống nôn vì tính chất giúp ổn địch dạ dày trong quả này.

Cung cấp năng lượng.

Nước dừa có nhiều dưỡng chất, sinh tố cũng như khoáng chất hơn hẳn các loại đồ uống khác, nên nó cũng được coi như một loại “nước tăng lực” tự nhiên tuyệt vời. Một trái dừa có thể chứa lượng vitamin C cần cho cả ngày, bên cạnh đó là các vitamin B3, B2, B5, biotin, acid folic, B1… Trong nước dừa còn chứa nhiều muối khoáng, các nguyên tố vi lượng như đồng, sulfur, phosphorus cần thiết cho hoạt động thể lực, giúp cân bằng điện giải trong cơ thể.

Kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa.

Những đặc tính trên giúp nước dừa có thể hỗ trợ điều trị các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Tốt cho tim mạch.

Những người bị cao huyết áp thường có mức độ kali thấp, cho nên uống nước dừa thường xuyên được cho là có hiệu quả tốt trong việc điều hòa huyết áp, do nồng độ kali và acid lauric trong nước dừa cao. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra nước dừa có thể giúp tăng HDL (tốt) cholesterol, rất tuyệt vời khi dùng để điều trị, giữ gìn sức khỏe tim mạch.

Phòng chống sỏi thận:

Nước dừa thường được khuyên dùng kèm các loại thuốc điều trị các bệnh về thận hoặc sỏi thận. Nước dừa có thể làm tan sỏi thận, đưa chúng ta ngoài cơ thể dễ dàng.

Điều trị mất nước, mất máu

Nước dừa từng được coi là thuốc điều trị các bệnh tả, lỵ, tiêu chảy, cúm… nhờ khả năng bổ sung nước và cân bằng điện phân cho cơ thể. Uống nước dừa hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ bệnh tiêu hóa, nhiệt miệng và giúp hồi phục cơ thể khi mất nước.

Các huyết tương trong nước dừa tương tự như máu người, nó còn giúp thông tĩnh mạch hiệu quả. Vì vậy nước dừa từng được dùng để truyền máu cứu người trong những trường hợp khẩn cấp tại những cuộc chiến tranh, như Thế chiến II, Chiến tranh Việt Nam.

Đẹp da

Cytokinin trong nước dừa có khả năng điều chỉnh sự phát triển tế bào da. Đồng thời acid lauric trong nước dừa giúp hạn chế sự lão hóa của tế bào da, cân bằng pH và giúp các mô da liên kết chặt, giữ độ ẩm cho da. Bạn có thể thoa nước dừa lên da trước khi đi ngủ để hạn chế các nếp nhăn, mụn, ngứa, rạn da và eczema.

Giảm cân:

Do tính chất điện phân tự nhiên, tăng cường trao đổi chất và còn ngon miệng, giúp giải khát tốt. Nước dừa là liệu pháp hữu ích cho người muốn giảm cân.

Tốt cho tiêu hóa:

Khi acid lauric trong nước dừa vào cơ thể, chúng sẽ chuyển đổi thành monolaurin, giúp kháng khuẩn, kháng virus, trị giun, kí sinh trùng và nhiễm trùng tiêu hóa ở con người. Nước dừa được coi như loại thuốc kháng sinh và là thuốc bổ cho người bị bệnh đường ruột. Bạn có thể trộn một muỗng nhỏ dầu oliu vào ly nước dừa và sử dụng ít nhất 3 lần / tuần để thấy hiệu quả.

Tăng cường miễn dịch

Lượng kali trong nước dừa gấp đôi lượng kali trong chuối. Bên cạnh đó, nước dừa còn chứa Chloride, sắt, canxi, natri, magie, phospho, acid lauric… cho nên rất tốt cho cơ bắp, tim mạch, thần kinh, cũng như hệ miễn dịch. Nước dừa còn giúp hấp thu và cân bằng các chất lỏng bên trong cơ thể.

Bảo vệ đường tiết niệu

Nước dừa có thể được sử dụng thường xuyên để chữa các bệnh về tiết niệu chẳng hạn như đái rắt…

 

…Và một số lưu ý khi uống nước dừa:

Nước dừa khi rời quả sẽ bị mất mát khí vị, nên cần để yên trong quả mà uống. Nếu được, nên uống ngay dưới gốc dừa vừa chặt, không đặt dừa xuống đất.

Không uống nước dừa khi vừa đi nắng về, đói mệt và nhất là đang bị bệnh vì dễ xảy ra tác dụng phụ như ớn lạnh, sốt.

Không uống nước dừa trước khi thi đấu thể thao.

Mỗi ngày chỉ nên uống một trái dừa là tốt. Uống nhiều có thể dẫn đến đầy bụng, nhất là khi uống kèm cơm dừa nạo, đá lạnh vào chiều và đêm.

Bạnh Bư tổng hợp.

Cách làm nước cốt dừa, nước dảo dừa, sữa dừa

Nước cốt dừa là thứ không thể thiếu trong rất nhiều món ăn Việt Nam, đặc biệt là các món bánh, chè của Nam bộ. Có nhiều cách làm để lấy nước cốt từ dừa, nói chung rất đơn giản, trừ khi người ta cố tình làm cho nó phức tạp lên.

Nguyên liệu để làm nước cốt dừa:

  • Dừa già (dừa khô vỏ)
  • Nước nóng

Dừa ở đây có thể là dừa nạo sẵn, nhưng nếu không an tâm về chất lượng dừa nạo sẵn, bạn có thể mua dừa về, tự nạo.

Nếu có máy xay sinh tố thì đơn giản hơn, bạn nạy dừa ra khỏi vỏ rồi chặt ra từng miếng nhỏ, sau đó bỏ vào máy xay, xay nhỏ.

Dừa ngâm vào một ít nước nóng trong 5 phút cho dễ vắt.

Sau đó vớt dừa lên bỏ vào một miếng vải sạch, túm lại một đầu rồi bóp vắt mạnh cho ra nước cốt.

Sau khi làm nước cốt dừa, với phần bã dừa còn lại, thì bạn có thể làm tiếp loại nước cốt dừa loãng hơn, mà ta hay gọi là nước dảo (hay dão gì đó) dừa. Bằng cách nhúng tiếp vào nước sôi và vắt tiếp. Nước dão dừa thường pha với đường, đá thành sữa dừa.

Nước đầu thì đậm đặc hơn nước sau. Tùy theo yêu cầu của món ăn mà bạn chọn nước cho phù hợp.

Phần bã dừa còn lại, bạn có thể ướp đường rồi nướng lên hoặc sấy khô để làm dừa khô ăn cũng ngon. Nhớ ăn nhiều nhiều cho bị ho chơi :)) .

Bé Thúi