VỊ QUÊ TRONG MIẾNG CHẢ GÀ TIỂU QUAN

Nhắc đến những món ăn đặc sản của đất Hưng Yên, người ta không thể không nhắc đến chả gà Tiểu Quan. Món ăn dân dã mà độc đáo, được tạo nên từ sự tinh tế, tỉ mỉ của những người dân đất Hưng Yên xưa. Để rồi cho đến nay, miếng chả gà vẫn mang đậm hồn phách của một vùng quê có lịch sử lâu đời.

Tiểu Quan là một thôn thuần nông, nay thuộc xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tại nơi này hiện nay, đến cả các vị cao tuổi nhất trong làng cũng không ai biết được gốc tích của món chả gà nổi tiếng. Họ chỉ biết rằng từ khi còn bé đã thấy những người trong làng tạo nên và thưởng thức món ăn này vào những dịp lễ hay Tết.

Để có được món chả gà ngon, người dân Tiểu Quan phải kỹ lưỡng ngay từ khâu chọn gà. Khác với món chả thịt lợn, chả gà nướng không để miếng mà là thịt gà nạc tinh. Gà thịt để làm chả phải là loại gà trống tơ nặng khoảng 1,2 – 1,5kg, chưa thiến và chưa đạp mái. Gà làm sạch, chọn chỗ thịt nạc nhất, bỏ hết gân xương rồi thái miếng nhỏ con chì, sau đó cho vào cối giã như giã giò lụa truyền thống. Khi thịt gần nhuyễn thì trộn thêm lòng đỏ trứng gà, nước mắm ngon, bột nêm, hạt tiêu, gừng và một chút mỡ lợn thái hạt lựu rồi giã tiếp.

Chả gà Tiểu Quan

Theo những người có kinh nghiệm thì món chả gà truyền thống, thịt phải được giã bằng cối đá. Nhìn cách giã ai cũng tưởng rất đơn giản nhưng nếu không phải là một người khéo léo, tỉ mẩn “có nghề” thì khó có thể làm tròn được công việc này. Từng nhịp chày đều đặn được đưa lên đưa xuống, nhát nào chắc nịch nhát đấy nhưng thịt gà không hề bị bắn ra ngoài cối chút nào. Trong lúc một người đang giã thịt gà, thì một người khác tìm một chiếc mo cau mới rụng, cắt ra thành các miếng nhỏ.

Giã xong lấy miếng mo cau phết thịt lên phên để nướng. Việc phết thịt lên phên cũng không phải dễ dàng, nếu phết quá mỏng thịt sẽ chảy sệ và rơi xuống hoả lò, nếu dày quá thịt sẽ không chín đều. Chả gà Tiểu Quan phải được nướng bằng than hoa (than củi) và nếu có thêm vài quả thông khô vào thì càng tăng thêm độ thơm. Dùng than của những cành hay gốc nhãn khô (một loại cây đặc sản của mảnh đất Hưng Yên) thì có mùi vị thơm ngon nhất

Ăn chả gà cũng là một cách thưởng thức từ tốn như để cảm nhận hết vị ngon trong từng miếng chả nhất là khi được nhấp cùng chén rượu Trương Xá vào ngày trời thổi cơn gió mát.

Nếu ai có dịp qua nơi đây và thưởng thức món chả gà Tiểu Quan ắt hẳn không thể quên được hương vị đậm đà của món ăn này đem lại. Chả gà Tiểu Quan góp phần làm phong phú đa dạng nền ẩm thực Hưng Yên.

 

 

Cách làm CHẢ CÁ CHIÊN kiểu Thái

Chả cá kiểu Thái sẽ hấp dẫn gia đình bạn nhờ kết cấu dai và hương vị thơm ngon của chả cá hòa quyện với các gia vị như lá chanh, ngò rí, đậu…

Nguyên liệu:

  • –    6 lạng phi lê cá (cá rô phi hay cá thát lát, có thể mua xay sẵn)
  • – 4 lá chanh (chanh Thái càng tốt)
  • – 4 trái đậu đũa hoặc đậu đỗ (cove), chọn trái non
  • – 4 cọng ngò rí (mùi tàu), chỉ lấy phần cứng gần rễ, bỏ lá
  • – Bột năng, gia vị
  • – Đậu phộng rang giã sơ
  • –  Tương chua ngọt của Thái.

Cách làm:

Bước 1:

– Cá làm sạch, để ráo, ướp với 1mcf muối trong 15 phút.

Bước 2:

– Ngò rí rửa sạch, bỏ rễ, xắt nhỏ. Lá chanh thái vụn. Đậu tước bỏ xơ, băm nhuyễn.

Bước 3:

– Băm nhuyễn cá rồi xay thật mịn, trộn với lá chanh, ngò rí, đậu đũa + 2 muỗng canh bột năng + 2 muỗng canh dầu ăn + 1 muỗng canh nước măm + 2 mcf hạt nêm + tiêu, quết nhuyễn cho chả được dai.

– Dùng màng thực phẩm đậy lại, bỏ vào ngăn đá 30 phút.

Bước 4:

– Tay xoa chút dầu ăn, múc 1 muỗng hỗn hợp chả cá rồi cho vào tay nắn dẹt để tạo hình chả. Làm cho hết hỗn hợp.

Bước 5:

– Bắc nồi nhỏ cho dầu ăn vào rồi cho chả cá vào rán ngập dầu trên lửa vừa. Khi chả vàng ngoài thì bên trong cũng chín tới. Ta gắp ra dĩa có lót giấy.

– Cho chả cá ra dĩa, Rắc đậu phộng rang lên mặt, Ăn nóng với cơm, chấm tương chua ngọt của Thái.

Theo Cún Khang

Cách làm CHẢ BÌ CHIÊN

 

 

Chả bì chiên là món ăn dân dã nhưng đầy hấp dẫn, bạn có thể dùng trong bữa cơm gia đình, ăn với bún hoặc làm một món cho bữa tiệc.

Chuẩn bị:

  • – 1 lạng mỡ heo
  • – 2 lạng nạc thăn
  • – 50ml mỡ nước (hoặc dầu ăn)
  • – 2 lạng da heo (bì lợn)
  • – Lá chuối, bột ngọt, nước mắm, muối

Sơ chế:

– Mỡ heo rửa sạch, xắt lát mỏng rồi cho vào ngăn đá cấp đông trong 1 giờ.

– Bì heo mua về cạo lông lại cho sạch, rửa sạch, cho vào nước sôi chần qua rồi lại đem rửa bằng nước lạnh. Để ráo. Sau đó lấy dao cắt cho lớp bì còn thật mỏng.

– Thịt thăn rửa sạch, xắt lát mỏng, nhỏ.


– Lá chuối dùng giẻ ướt lau cho sạch.

Thực hiện:

– Thịt thăn cho vào máy xay thịt xay mịn, rồi cho tiếp mỡ heo vào xay chung cho hai thứ nát nhuyễn quyện đều. Sau đó cho tiêu, muối, bột ngọt vào xay cùng.

– Bì heo xắt nhỏ, rồi cho luôn vào cối xay sơ cho trộn đều với các nguyên liệu đã xay (lưu ý không xay nhuyễn bì).

– Trải lá chuối ra mặt phẳng, cho hỗn hợp thịt mỡ bì vừa xay lên, bó chặt, đậy hai đầu lại. Dùng dây hoặc lạc buộc cho chặt.

– Bắc nồi nước sôi, cho cây chả vào nấu chín rồi vớt ra để nguội. Cho vào ngăn mát tủ lạnh 4-6 tiếng cho chả cứng, chắc.

– Lột bỏ vỏ chuối, xắt chả thành lát vừa ăn (cũng có thể chiên nguyên cây). Cho vào chảo dầu nóng chiên vàng đều rồi vớt ra để ráo.

– Ăn nóng. Có thể chấm tương ớt hoặc xì dầu, nước mắm.

 

Huyền Anh (theo Afamily.vn)

 

Cách làm món CHẢ GÀ LÁ LỐT

Món chả hấp dẫn với hương vị và kết cấu đặc trưng của thịt gà hòa lẫn trong mùi thơm của lá lốt sẽ khiến nó trở thành món ăn “đắt khách” trong mâm cơm nhà bạn.

Nguyên liệu:

– 4 lạng thịt gà, lóc lấy thịt xay hoặc băm nhuyễn
– 8 lá lốt
– 3-4 nấm mèo
– Bột năng (hoặc bột mì), hành củ, các loại gia vị thông thường.

Cách làm:

Bước 1:

– Gà ướp với 1 muỗng súp dầu ăn, 1 muỗng súp bột năng, 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe bột nêm, chút tiêu, 1 muỗng súp nước mắm, 1 muỗng cafe đường trắng.

Bước 2:

– Nấm mèo ngâm nước ấm cho nở rồi rửa sạch, cắt bỏ chân, thái vụn.

– Lá lốt nhặt rửa sạch, thái sợi.

Bước 3:

– Lấy cái tô cho thịt gà, lá lốt, nấm mèo vào trộn đều, lấy muỗng quết cho thịt mịn, dai. Sau đó dùng miếng bọc thực phẩm bịt kín miệng tô lại rồi cho tô vào ngăn đá tủ lạnh 30 phút.

Bước 4:

– Sau 30 phút lấy ra, xoa chút dầu ăn trên tay rồi múc 1 nắm hỗn hợp (vừa ăn), vê thành viên tròn dẹt. Làm lần lượt cho hết.

Bước 5:

– Bắc chảo dầu cho chả gà lá lốt vào rán chín vàng, trở đều hai mặt cho chín đều. Khi rán tỏa ra mùi thơm rất hấp dẫn.

– Ăn nóng với cơm hoặc dùng làm món ăn vặt.

Theo Cún Khang

[ăn chay] CÁCH LÀM CHẢ LÁ LỐT CHAY

Đậu phụ cuốn lá lốt hay Chả lá lốt chay là món ăn thanh đạm nhưng vẫn rất thơm ngon. Phần nhân ngoài đậu phụ ra còn có các loại nấm, giúp cho món ăn khó bị ngán.

Chuẩn bị:

  • Đậu hũ (đậu phụ / đậu khuôn) sống: 2 miếng
  • Lá lốt: 1 – 2 bó
  • Nấm đông cô, nấm mèo
  • Gia vị chay, dầu ăn

Thực hiện:

– Hai loại nấm ngâm qua nước ấm, rửa sạch. Nấm đông cô (nấm hương) bỏ chân, thái sợi. Nấm mèo thái sợi chỉ.

– Lá lốt lựa lá đẹp để gói, lá xấu để ra một bên rửa sạch rồi thái sợi chỉ.

– Đậu phụ sống nghiền cho nhuyễn, rồi trộn với nấm đông cô, nấm mèo, lá lốt thái chỉ, nêm chút hạt nêm chay cho vừa ăn. Ướp 15 phút cho ngấm.

– Phần lá lốt đẹp để gói, ta rửa sạch rồi nhúng qua nước sôi cho nó bớt giòn, dễ gói (giữ lại cuống lá để gài sau khi cuộn). Sau đó trải lá lốt nằm úp (mặt lưng lá ngửa lên trên) trên mặt phẳng rồi tiến hành cuộn:

– Bốc một nhúm hỗn hợp trộn (đậu phụ, nấm…) đặt lên lưng lá lốt, sau đó cuộn từ mũi nhọn của lá lên trên, rồi gấp hai mí lá còn lại vào, sau đó lấy cây tăm đục một lỗ trên cuộn chả rồi ghim cuống lá vào (giống như cuốn chả giò / nem rán vậy thôi).

– Làm cẩn thận lần lượt cho hết lá.

– Bắc chảo dầu nóng, xếp lần lượt từng miếng chả lá lốt vào rán ngập dầu trong lửa vừa cho chín hơi vàng phần nhân là được.

Bảo Tố

Cách làm GIÒ XÀO (GIÒ THỦ)

 Giò xào (miền Nam gọi là giò thủ) là món ăn truyền thống rất hấp dẫn, thường thấy vào dịp Tết. Cách làm Giò thủ khá dễ dàng.
Nguyên liệu làm món GIÒ XÀO ngon đón Tết

  • 1 cái tai heo độ 500g
  • 300g thịt chân giò, hoặc thịt mũi, thịt thủ nếu bạn ăn được mỡ
  • 50g mộc nhĩ, hạt tiêu, 3 củ hành khô
  • Nước mắm, muối hạt.
Các bước làm GIÒ XÀO (GIÒ THỦ)


Thịt mua về bóp muối hạt, cạo sạch lông rồi rửa thật sạch.

Thái thịt hình con chì cỡ ngón tay.

Phần có mỡ bạn nên thái mỏng hơn 1 chút.

Mộc nhĩ ngâm nở thái sợi.

Đổ nước ngập mặt thịt, đun đến khi sôi sùi hết bọt đen thì tắt bếp.

Cho thịt ra rửa lại bằng nước lạnh cho sạch rồi để ráo nước.

Hành khô thái nhỏ.


Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành khô.

Sau đó cho thịt vào xào, nêm 2 thìa canh nước mắm (bạn chỉ nên dùng nước mắm thôi cho thịt được thơm nhé).

Đến khi thịt săn lại thì cho mộc nhĩ vào xào chừng 10 phút nữa cho mộc nhĩ chín hẳn, thịt hơi xém cạnh thì rắc hạt tiêu vào, tắt bếp. Ở công đoạn này bạn không nên xào thịt quá kỹ kẻo giò sẽ bị khô, còn nếu xào chưa đủ độ thì giò sẽ kém thơm, vậy nên bạn chỉ xào đến khi thịt bắt đầu tiết mỡ và có màu vàng hơi xém thôi nhé.

mav082
Cho giò vào 1 chai lavi 1,5l đã cắt bỏ miệng, vừa múc giò vào vừa dùng muôi ấn chặt xuống, giò sẽ tiết ra rất nhiều mỡ và bạn có thể gạn ra nhé.
mav083
Đến khi hết thịt thì dùng vật nặng đè lên để giò dính chặt lại với nhau. Ở đây mình dùng một chai rượu để lên, tiếp tục ấn xuống và để yên như vậy đến khi giò đông lại. Khi lấy ra chỉ cần úp ngược chai lên, bóp nhẹ là giò sẽ tự động rời ra.

Với thời tiết lạnh như hiện nay chỉ cần khoảng 4-5 giờ bạn đã có thể cắt giò đển ăn. Món giò xào tự làm rất hợp vệ sinh và thơm ngon, khác hẳn giò mua ngoài chợ đấy!

Sau khi cắt ăn từng khoanh một, số giò còn lại bạn có thể dùng màng bọc thực phẩm bọc quanh thật kín, cất vào tủ lạnh ăn dần.

Những miếng giò giòn sần sật, béo ngậy lại đậm đà sẽ là món rất ngon để bạn trổ tài mỗi khi mùa đông về hoặc làm đem đi biếu trong dịp tết.

Chúc các bạn thành công với cách làm giò xào này nhé!

Theo Panda, ảnh: aFamily.vn / Pháp Luật Xã Hội

Nguồn: http://afamily.vn/an-ngon/me-dau-chia-se-cach-lam-gio-xao-that-ngon-don-tet-20140108095232963.chn

Cách làm Chả Mực

Chả Mực là món ăn ngon ở các tỉnh miền biển, trong đó nổi tiếng nhất là chả mực Hạ Long, Quảng Ninh với phần nguyên liệu tuyển chọn và bí quyết chế biến gia truyền. Chả mực có nhiều cách làm, sau đây là một trong những cách làm chả mực đơn giản nhất, chỉ cực ở đoạn giã mực.

Nguyên liệu:

  • Mực nang tươi: nửa ký
  • 100g mỡ gáy heo xay sẵn.
  • Rau thì là.
  • 1 quả trứng gà
  • Nước mắm, tiêu, tỏi băm, dầu ăn.

Mực: chọn con còn tươi sống, mập dày, râu mực còn bám vào tay, da mực còn sáng óng ánh là mực ngon.

Thực hiện:

– Mực làm sạch, lột da, bỏ ruột, dùng dao cạo bỏ phần nhầy, rửa với nước muối cho sạch rồi rửa lại với chút rượu pha rừng cho hết tanh. Dùng giấy thấm dầu thấm cho khô hết nước trên mực. Sau đó chia ra, râu mực để riêng, xắt nhỏ. Thân mực và đầu mực xắt nhỏ.

– Rau thì là thái nhỏ.

– Cho đầu và thân mực vào chung 1 cái cối rồi dùng chày giã nhuyễn. Giã từng ít một, không vội vàng (có máy xay thì cho vào xay cho khỏe, nhưng không ngon bằng giã tay).

– Giã xong thì cho râu mực và mỡ gáy vào, nêm thêm 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cafe tỏi băm, 1 muỗng cafe tiêu xay, chút dầu ăn, đập quả trứng gà vào chén đánh cho tan rồi trút vào theo luôn. Cho thêm 1 ít (khoảng 1 muỗng canh) rau thìa là thái nhỏ để có hương thơm thì là, nhớ đừng cho nhiều quá ảnh hưởng đến mùi mực. Đeo bao tay nilon bóp nhuyễn, trộn đều lên. Sau đó để yên trong 5-10 phút cho gia vị ngấm.

– Trộn xong thì nặn chả thành mấy miếng dẹt dẹt vừa ăn.

– Bắc chảo dầu, khi dầu hơi nóng thì bắt đầu thả chả mực vào chiên vàng từng mặt. Dùng chảo to thì có thể chiên tất cả 1 lúc, tiết kiệm thời gian.

Chả chín là có thể ăn được. Pha nước mắm tỏi ớt chua ngọt + vài cọng thìa là, hoặc đơn giản là chấm tương ớt. Ăn với cơm, xôi, hoặc bún.

Bé Thúi (MAV.vn)