‘NGÂY NGẤT’ VỚI NHỮNG MÓN NEM NGON DANH TIẾNG KHẮP BA MIỀN

Nem là món ăn truyền thống nổi tiếng và phổ biến ở khắp 3 miền. Với nguyên liệu chính là thịt và da heo tẩm gia vị, qua sự biến đổi từng vùng miền, món nem đã có rất nhiều hình thức và hương vị khác nhau trải dài trên các tỉnh thành khắp nước. Sau đây là 7 món nem hấp dẫn được nhiều người ưa thích.

Nem chua rán Hà Nội

Đây là một trong những món ăn vặt đầu tiên mà tín đồ ẩm thực luôn tìm đến khi ghé thăm Hà Nội. Nem chua sau khi lăn bột, chiên giòn lớp vỏ ngoài trở nên màu vàng hấp dẫn, kết cấu ngoài giòn trong mềm rất thơm ngon và hấp dẫn. Nem chua rán ăn cùng tương ớt, với các loại dưa góp tùy biến. Nem chua rán có thể tìm thấy ở khắp các nẻo đường Hà Nội, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến ngõ Tạm Thương, phố Hàng Bông, phố Tạ Hiện.

Nem nắm Giao Thủy – Nam Định

Đến với đất Thành Nam, nhiều người sẽ được mời thưởng thức món Nem nắm Giao Thủy nổi tiếng. Nem nắm Giao Thủy có thành phần làm từ bì lợn (da heo) và thịt nạc mông, thính, đặc biệt là không thể thiếu nước mắm Sa Châu. Món đặc sản này hấp dẫn đến mức đã được chọn làm thức tiến Vua trong một thời gian dài. Để ăn được nem nắm Giao Thủy, bạn có thể đến Nam Định hoặc tìm ở các tiệm bán hàng đặc sản ở Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình.

Nem chua Thanh Hóa

Đây là món nem chua làm theo cách truyền thống nổi tiếng của xứ Thanh. Món ăn làm từ thịt sống lên men cùng với các loại gia vị, tạo nên vị chua hấp dẫn. Nem chua Thanh Hóa thường gói thành thanh dài trong lá chuối. Đây là món ăn chơi, mồi nhậu ưa thích của rất nhiều người. Nếu đến Thanh Hóa, đừng quên ghé các phố Trường Thi, Đội Cung, Tân An, Ngô Thì Nhậm… để mua món đặc sản lừng danh này. Còn nếu không có điều kiện vào sâu ,bạn có thể mua nem ngay tại ga Thanh Hóa trong vài phút tàu dừng ở đây.

Nem lụi Huế

Nem lụi Huế là loại nem nướng, làm từ thịt heo xay hoặc giã nhuyễn, trộn với bì và mỡ heo ướp gia vị. Nem lụi thường ăn với loại tương gan heo hấp dẫn đặc biệt. Có nhiều cách ăn món nem này: ăn với bún, bánh mì hoặc cuộn với các loại rau thành gỏi, trong đó món gỏi cuốn là được nhiều người ưa chuộng hơn cả. Đến Huế, nhớ ghé đường Mai Thúc Loan hoặc Phan Bội Châu, không thì vào bên trong chợ Đông Ba để thử ăn món này.

Tré Bình Định

Nói đến các món nem chua mồi nhậu hấp dẫn không thể bỏ qua Tré của Bình Định. Tré làm từ thịt lợn thái nhỏ (sau khi đã chần qua nước sôi), trộn các loại gia vị dậy mùi như riềng, thính, tỏi… Thịt gói trong lá chuối, lá ổi để 2-3 ngày cho lên men. Món này ăn vo71i1 bánh tráng, rau sống… hoặc dùng làm mồi nhậu rất ngon.

Nem Ninh Hòa (Khánh Hòa)

Món nem nướng Ninh Hòa gắn liền với vùng đất Nha Trang như một đặc sản không thể bỏ qua khi ghé thăm thành phố biển. Nem nướng được ăn với bún, hoặc cuốn thành gỏi cuốn to với các loại rau như khế, chuối chát, đồ chua, xà lách, miếng bánh tráng que cuộn…chấm với tương pha. Có thể đến tận Ninh Hòa để thưởng thức món này với giá rẻ, tuy vậy nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể ăn ngay tại Nha Trang ở các đường Lê Lợi, NTMK, Lãn Ông, Phan Bội Châu…

Nem nướng Đà Lạt

Món nem nướng nổi tiếng Đà Lạt cũng khá giống nem nướng Nha Trang về hình thức, nhưng khác về hương vị. Nước tương để chấm món này được làm khá kì công từ nước xương, tương hột, các loại gia vị khác… Đến Đà Lạt có thể tìm ăn tiệm nem nướng nổi tiếng Bà Hùng ở đường Phan Đình Phùng và chợ Chi Lăng.

Nem Lai Vung (Đồng Tháp)

Nếu như ngày xưa ở khu vực Nam Bộ nổi tiếng với Nem Bà Điểm, Nem Thủ Đức, Nem Lai Vung… thì qua nhiều biến đổi của thời thế, nay chỉ còn nem Lai Vung là còn tồn tại mạnh mẽ. Nem chua Lai Vung là cách làm nem truyền thống có phần tương tự như Nem chua Thanh Hóa, với màu nem đỏ hồng hấp dẫn, nhưng về hương vị thì nem chua Lai Vung có thiên về vị ngọt, dịu. Để mua Nem Chua Lai Vung không nhất thiết phải đến Lai Vung. Bạn có thể ghé qua các cửa hàng đặc sản uy tín trên đường quốc lộ về miền Tây đều có.

Hoàng Đạo

Cách làm NEM NƯỚNG NHA TRANG

Nem nướng là món ăn không thể thiếu khi nhắc đến đặc sản Nha Trang. Tại Nha Trang – Khánh Hòa có nhiều nơi làm món này nhưng nổi tiếng nhất là nem nướng ở Ninh Hòa. Cách làm nem thì mỗi nhà khác nhau, sau đây mời các bạn cùng đến với một trong những cách làm nem nướng phổ biến ở Nha Trang.

Nguyên liệu:

– Thịt xay: 6 lạng (nạc mông hoặc vai)

– Mỡ heo: 1 lạng

– Gia vị ướp: 3 muỗng súp nước mắp, 1 muỗng cafe muối, 3 muỗng súp đường, nửa muỗng cafe bột nở, 1 muỗng cafe tiêu xay, 2 muỗng súp bột năng, 2 muỗng cafe dầu màu điều, 1 muỗng canh hành củ băm.

– Nước chấm: 1 lạng rưỡi tôm, 1 lạng rưỡi thịt nạc xay, 1 lạng gan heo, nửa chén gạo nếp, nửa chén tương đậu nành (hay tương đen ăn phở), muối, đường, dầu màu điều, hành khô, nước mắm. Hoặc bạn có thể làm nước chấm chua ngọt, xem: CÁCH PHA NƯỚC MẮM CHUA NGỌT

– Rau sống ăn kèm: rau răm, húng lủi, dưa chuột, rau thơm, khế chua xắt lát, chuối xanh xắt lát…

– Bún, bánh tráng để cuốn ăn, ớt trái, đậu phộng rang vàng giã sơ

– Que hoặc đũa tre để nướng thịt.

Cách làm:

Bước 1:

– Mỡ heo mua về rửa sạch rồi xắt hột lựu.

Bước 2:

– Trộn mỡ với thịt băm và gia vị ướp cho đều, dùng cái muỗng canh quết nhuyễn để nem sau khi nướng được dai chắc. Bọc hoặc đậy kín rồi bỏ vô tủ lạnh để ít nhất 5 tiếng cho ngấm.

Bước 3:

– Tay rửa sạch, thoa một ít dầu ăn, nắm một nắm nhỏ thịt đã ướp rồi đắp vào đầu cây tre. Đem nướng than hoa cho chín vàng. Nếu nướng bằng lò thì bật lò sẵn ở 160 độ, nướng mỗi mặt 12 phút. Trong lúc nướng nhớ quết ít dầu ăn lên mặt thịt cho khỏi bị khô.

Bước 4:

– Nếp đãi nhiều lần cho sạch, ngâm vô thau nước lạnh ít nhất 5 tiếng. Sau đó cho nếp vô nồi, thêm một chén nước lọc, nấu sôi tới khi gạo mềm thì đổ ra chén, lấy muỗng đánh cho nát nhuyễn.

Bước 5: Làm tương

– Tôm rút chỉ đen, bỏ vỏ, giã sơ. Thịt xay đổ ra chén. Gan heo rửa sạch bằng sữa tươi, rồi rửa lại bằng nước. Băm nhuyễn gan.

Bước 6:

– Bắc chảo cho vào ít dầu điều, sau đó trút hành củ băm vô phi thơm. Tiếp theo cho tôm vào xào chung chừng 3-5 phút.

Bước 7:

– Trút tiếp thịt heo xay, gan heo vô xào  chung cho chín. Đỗ hỗn hợp này ra máy  xay sinh tố hoặc cối xay thịt, xay cho nhuyễn mịn.

Bước 8:

– Đổ lại hỗn hợp đã xay vào chảo, vừa đổ vừa quấy cho hòa đều. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng của bạn. Đun tiếp từ 10 – 20 phút tới khi hỗn hợp sánh đặc thì tắt bếp.

Bước 9:

– Múc tương ra chén nhỏ, rắc ít đậu phộng giã dập vào, bỏ thêm ớt nếu thích cay.

Bước 10:

– Các loại rau lặt rửa sạch, ngắt lá cho dễ ăn.

Bước 11:

-Dưa leo rửa sạch xắt cọng dài.

Bước 12:

– Có thể trộn bún, nem nướng, tương và rau vô ăn như ăn bún thịt nướng, hoặc cuộn tất cả trong bánh tráng thành cuộn rồi chấm vô nước chấm.

theo Cún Khang

Cách làm BÚN NEM NƯỚNG

 

BÚN NEM NƯỚNG là món ăn phổ biến ở các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam. Tùy theo vùng miền mà nem nướng có cách làm, cách ăn khác nhau. Ở đây hướng dẫn làm món bún nem dễ ăn và dễ làm.

Nguyên liệu:

Cách làm:

– Bắc nồi luộc chín mỡ gáy rồi xắt hột lựu, ướp với chút đường để chừng 20 phút cho đường ngấm, mỡ trong và giòn.

– Chuẩn bị cối giã, cho giò sống, thịt nạc xay, nước mắm, gia vị, mỡ gáy đã ướp vào cối rồi dùng chày quết cho mịn.

– Sau đó nặn nem thành từng khúc tròn, dài (có thể đắp quanh đầu đũa) rồi đem nướng trên lửa than. Vừa nướng vừa xoay trở cho thịt chín vàng đều, bốc mùi thơm là được.

– Nem chín rồi thì chỉ chuẩn bị ăn. Cho rau thơm, chuối, khế xắt nhỏ vào tô, sau đó lần lượt cho bún, đồ chua, nem nướng, mỡ hành, rắc đậu phộng rang giã nhỏ. Khi ăn chan nước mắm chua ngọt vào rồi trộn đều lên.

Bảo Tố

Về làng nem Thủ Đức

Nói tới những món ăn nổi danh nhất của đất Sài Gòn, không thể không nói tới nem Thủ Đức. Trong văn học truyền miệng, mỗi lần nem Thủ Đức xuất hiện, nó đều mang một dáng vẻ tự hào: Đi đâu mà chẳng biết ta, ta ở Thủ Đức vốn nhà làm nem… hay như câu: Biên Hòa có bưởi Thanh Trà, Thủ Đức nem nướng, điện bà Tây Ninh.

Đất Thủ Đức là để chỉ các quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 bây giờ. Xưa là một vùng rộng lớn, cảnh vật nửa quê nửa chợ, phù hợp với các trò ăn chơi tiêu khiển của khách du đãng thập phương: “Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ“, cái câu ấy nửa giỡn nhưng cũng nửa thiệt. Thủ Đức có suối Xuân Trường, suối Lồ Ồ, có nhiều vườn lài vườn ngâu, là những chốn vui thú ngoạn cảnh được ưu tiên thời ấy, còn ven chợ Thủ Đức lại có nhiều quán xá để la cà, với đủ loại món ăn chơi, trong đó dĩ nhiên nemThủ Đức là đại diện tiêu biểu.


Một cửa hàng bán đủ loại nem ở gần chợ Thủ Đức

Để đáp ứng cho nhu cầu của khách đối với món nem danh tiếng, xứ Thủ Đức đã từng có tới hàng trăm lò nem, mà điểm tập trung đông nhất là ven chợ Thủ Đức. Mỗi lò nem có bí quyết riêng, nhưng cũng có những nguyên tắc chung để có thể cùng nhau giữ gìn thanh danh làng nghề. Những nguyên tắc chung đó là sự cẩn thận trong các khâu chọn thịt, chế biến. Thường là phải chọn thịt ở mông con heo, khi ướp không bỏ hàn the và không bỏ quá nhiều gia vị, khi gói thì gói bằng lá vông chứ không phải lá ổi hay lá chùm ruột, trước hết là để bảo quản lâu hơn. Nem làm thủ công, các gia vị để ướp thường được chọn kĩ lưỡng, như muối phải là muối Phan Thiết, rượu phải rượu ngon, đường phải là đường tinh luyện.

Nhờ những nguyên tắc đó, cộng với một số kinh nghiệm, bí quyết gia truyền của từng nhà, miếng nem Thủ Đức được cho ra lò, khi tới mặt thực khách đã là những miếng mồi nhậu hồng tươi, chắc mà không cứng, thơm mà không nặng mùi, khi cắn vô cảm thấy vừa dai vừa dòn, vị chua cay mặn ngọt quyện hòa vô nhau rất đã.

Nhiều lò nem dựng gần nhau, tạo thành một làng nghề, gọi là làng nem Thủ Đức. Làng nem này cung cấp nem cho khắp các quán nhậu Sài Gòn, mà cũng ra tới các tỉnh miền đông tây, dễ dàng cạnh tranh với nem nổi tiếng các xứ khác như nem Lai Vung, nem Chợ Huyện. Trên phần sân nhà, thì nem Thủ Đức lấn át nem Bà Điểm, nem Gò Vấp… Các quán xá ở quanh chợThủ Đức xưa luôn bày biện đầy những món nem có thể làm mệt cái bao tử của bất kì người ăn mặn nào: từ nem chua lột ra ăn liền, tới nem chưa chua đem nướng, hay nem xắt nhỏ cuốn bánh tráng ăn với rau sống… Người ta tới Thủ Đức, thường ghé vô các quán này ăn nem, thỏa mãn, nhưng chưa xong chuyện, lại còn phải mua mấy đùm về làm quà biếu, để chứng tỏ với bà con là cái món mà mình và các bậc tiền bối vẫn hay ca ngợi kia không phải hữu danh vô thực.

Nem Thủ Đức xưa uy danh là thế. Làng nghề xưa nhộn nhịp là thế. Những câu chuyện kể về nem Thủ Đức xưa kia khiến người ngày nay khó mà cầm lòng, khiến nhiều kẻ phải chạy ra chợ Thủ Đức một chuyến để thưởng thức nó, hay ít ra cũng để biết làng nem Thủ Đức bây giờ ra sao.


Cơ sở nem Bà Chín nổi tiếng Q9.

Bây giờ, làng nem Thủ Đức vẫn còn dễ tìm, nhưng so với những gì đã được người xưa kể lại, thì rất là nhạt nhòa. Trên các con đường quanh chợ Thủ Đức, như Kha Vạng Cân, Dương Văn Cam, Lê Văn Tách, nay chỉ thấy khoảng chục lò nem còn hoạt động. Đó là các lò nem dày dặn kinh nghiệm, chất lượng đã được các chuyên gia nhậu nhẹt xác nhận: Tư Hoàng, Năm Hiếu, Thiên Hương Viên,… Dạt qua phường Hiệp Phú Quận 9, có lò nem Bà Chín có vẻ là lò nem Thủ Đức lớn nhất đang tồn tại.

Như vậy làng nem Thủ Đức nay chỉ còn rải rác vài dấu vết. Đây không phải điều quá bất thường đối với nhiều người, vì hiện nay tại Sài Gòn cũng như các tỉnh khác, luôn có không thiếu những cơ sở làm nem theo kiểu công nghiệp, nem tuy không ngon bằng nhưng được cái rẻ hơn loại nem cổ truyền làm bằng tay của người dân Thủ Đức. Và rồi cũng không mấy ai lấy làm lạ khi lâu lâu lại thấy có người lên tiếng kêu gọi cứu lấy làng nem Thủ Đức.

Cứu được làng nem hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều thứ trên đời. Người kêu cứu, người hành động, người đứng ngó, nhưng chắc không ai là muốn chứng kiến cảnh món quà nhậu danh tiếng nhất nhì xứ Sài Gòn phải trở lui vô miền ký ức, khiến cho những câu thơ ngộ nghĩnh về nem Thủ Đức đời xưa lại trở thành những tiếng thở dài của dân nhậu đời sau.

Bạnh Bư (MAV.vn)

Những món không thể bỏ qua khi tới Nha Trang

Không chỉ “hút” khách du lịch nhờ những bãi biển tuyệt vời, Nha Trang còn nổi tiếng với những món ăn khiến thực khách xiêu lòng.

1. Hải sản làng chài

Là thành phố ven biển, hải sản ở Nha Trang vô cùng phong phú và tươi ngon. Bạn có thể thưởng thức hải sản ở các nhà hàng hay các quán ven biển. Tuy nhiên, ngon và thú vị nhất chính là ghé qua làng chài và ăn sản sản tươi vừa bắt dưới biển. Dân làng chài sẽ đưa bạn đến những nhà hàng trên biển bằng phà. Tại đây, bạn có thể chọn hải sản tươi sống hay tự tay lựa chọn tôm, cá từ dưới biển và nhờ nhà hàng chế biến chúng và chờ đợi để thưởng thức thôi. Ngoài các loại tôm, mực, sò huyết, ốc…, bạn cũng nên thử qua món cá nướng tại Nha Trang. Món cá tắc kè nướng chấm muối ớt rất nổi tiếng tại Nha Trang với vị phần thịt dai thơm và ngọt.

2. Bún chả cá

Bún cá trong văn hóa ẩm thực của người dân biển Nha Trang thân thuộc như món phở với người Hà Nội hay tô mì Quảng với người Quảng Nam. Cùng tên nhưng bún cá Nha Trang có nhiều điểm khác biệt với bún cá vùng miền khác, làm nên đặc trưng riêng cho món ăn này. Món này khá độc đáo với nước dùng được ninh bằng cá cờ và xương cá thu. Chính điều đó khiến nước dùng của món bún này có vị thanh ngọt, mát đặc biệt. Một tô bún chả cá Nha Trang đặc biệt còn có thêm sứa và cá dầm, tức phần thịt cá cờ hấp được xé ra từng miếng, ăn vừa thơm, ngọt thịt, lại dai dai.

Một tô bún với nước lèo trong, thơm phức, bốc khói, với những lát chả cá chiên vàng, những lát chả cá hấp trắng xám dai dai, vài miếng thịt cá thơm ngọt, đuôi hành lá được xắt dọc cùng với miếng sứa giòn sật tạo nên vị là lạ nhưng rất kích thích. Thêm vào đó là một đĩa rau xanh xắt nhỏ và một chén nước mắm thơm lựng, thật cay, tất cả quyện vào nhau sẽ tạo cho bạn một hương vị khó quên. Bún chả cá Nha Trang với các nguyên liệu chế biến từ cá rất phù hợp với những người muốn ăn kiêng.

3. Thịt bò nướng Lạc Cảnh

Thịt bò nướng cũng là một trong những đặc sản của Nha Trang. Dân sành ăn vẫn kháo nhau rằng: “Đến Nha Trang chưa ăn bò nướng Lạc Cảnh là mới biết Nha Trang có một nửa”. Tuy đó chỉ là câu đùa nhưng thực ra cũng không phải quá lời. Trong cẩm nang ẩm thực của du khách nước ngoài luôn có địa chỉ của quán bò Lạc Cảnh.

Bí quyết làm nên vị ngon của món thịt bò này nằm ở các công thức trộn thịt bò với mật ong cùng hơn 10 gia vị của quán. Thịt bò nướng Lạc Cảnh được thái quân cờ và nướng trên than hoa. Tại quán có khá nhiều loại bò nướng để bạn lựa chọn. Món này thường được ăn kèm với rau sống, tuy nhiên bạn cũng có thể gọi thêm bánh mỳ hoặc bánh tráng để ăn kèm.

4. Bánh căn

Bánh căn là một món ăn phổ biến ở khu vực miền Trung và miền Nam. Ngồi xung quanh bếp than ấm nóng, xem người thợ làm bánh khéo léo đổ bột vào khuôn, sau đó thưởng thức bánh căn nóng trong một ngày nhiều gió là trải nghiệm thú vị cho bất cứ ai khi đến với Nha Trang.

Loại bánh này bao gồm bột gạo, mỡ, hành lá và trứng. Ngày nay, bánh căn có nhiều loại nhân như tôm, mực. Bánh căn được ăn với rau sống và nước chấm chua ngọt được pha từ nước mắm Nha Trang cùng các nguyên liệu như hành, ớt, tỏi và xíu mại. Bạn có thể thưởng thức món bánh căn trên đường Lê Thánh Tôn hay Nguyễn Thiện Thuật.

5. Nem nướng Nha Trang

Nhắc đến ẩm thực Nha Trang, người ta không thể không nhắc đến món nem nướng Ninh Hòa hay nem nướng Nha Trang. Nguyên liệu gồm nem chua hay nem nướng. Tuy nhiên, hầu hết các khách du lịch đều chọn nem nướng để thưởng thức và mua nem chua về làm quà cho mọi người.

Nem Ninh Hòa cũng sử dụng da heo thái sợi như nem chua Thanh Hóa nhưng thay vì gói bằng lá chuối, nem ở đây được gói bằng lá chùm ruột hoặc lá khế còn non để để tạo mùi thơm. Ăn nem Ninh Hòa, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm của thịt, vị chua dịu, ngọt, giòn, cay nhẹ quyện lẫn nhau rất thú vị. Đặc biệt, món nem nướng được ăn kèm với nộm từ đu đủ xanh mang lại một hương vị khá mới lạ.

6. Mực rim chợ Đầm

Khô mực được chọn loại mềm dễ tẩm ướp. Khô được tẩm đường, me tươi, ớt và nước mắm cho thấm, đưa lên bếp lửa liu riu, đảo đi đảo lại nhiều lần để gia vị càng thấm hơn. Nghe đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng làm được ngon. Làm cho mực thấm đều, không bị dai, không bị mềm là bí quyết của người Nha Trang. Người ta luôn có kinh nghiệm canh lửa sao cho vừa phải, đủ thời gian để mực thấm gia vị và có được độ giòn, hơi dai khi dùng.

Mực rim có thể dùng làm đồ nhắm, ăn chung với dưa hành, củ kiệu tương tự như dùng tôm khô ở miền Tây vào ngày Tết. Có thể dùng mực rim ăn với cơm trắng, kèm theo rau sống, dưa leo… Vị chua, ngọt, mặn của món ăn hòa quyện với nhau tạo hương vị đặc biệt kích thích mọi giác quan của thực khách.

7. Chả cá Nha Trang

Chả cá Nha Trang nổi tiếng ngon vì làm từ cá tươi. Miếng chả cá chiên vàng, thơm phức khiến khách ăn rồi vẫn thèm. Khi làm chả, người ta thường dùng cá mối, cá thu, cá thởn, cá rựa, cá nhồng, cá chuồn, cá cờ… nhưng ngon nhất là chả cá nhồng hương, giờ rất hiếm.

8. Vịt Cầu Dứa

Món vịt Cầu Dứa nổi tiếng khắp nơi, món vịt ở đây được chế biến từ vịt Ninh Hoa được nuôi thả ngoài những cánh đồng phì nhiêu, giàu tôm, cua, cá nên rất béo. Phổ biến và được ưa chuộng nhất là món vịt luộc và nướng. Dù chế biến theo kiểu gì thịt thịt vịt ở đây cũng rất mềm, nạc và tuyệt đối không có mùi hôi đặc trưng của vịt.

Vịt Cầu Dứa, nằm trên quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố 3-4km về phía Nam. Nơi đây được biết đến như một “khu phố Vịt” với san sát nhà hàng phục vụ các món vịt cực kì hấp dẫn.

9. Bún sứa Nha Trang

Bún sứa Nha Trang – là một món ăn đặc trưng miền biển, không chỉ những người dân địa phương yêu thích mà nhiều khách du lịch đến đây cũng không quên thưởng thức. Đặc biệt, khi thời tiết bắt đầu nóng lên, sứa là món ăn ngon, bổ, mát và có tính giải nhiệt cao. Món bún sứa xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng bún sứa Nha Trang từ xưa đến nay là nổi tiếng nhất. Người dân biển xa quê lâu ngày, trở về Nha Trang nhất định phải tìm bún sứa, không câu nệ phải tìm đến những nơi nổi tiếng, bởi vì bản chất của món bún này đã đậm đà vị biển – hương vị quê nhà.

10. Bánh ướt Diên Khánh

Bánh ướt Diên Khánh là một món ăn khá nổi tiếng ở Nha Trang. Món ăn này ở phố bánh ướt Diên Khánh. Tuy gọi là phố nhưng thực chất nơi đây là một con đường nơi tụ tập rất nhiều các hàng bán bánh ướt, những hàng quán này được mở từ 4 giờ sáng đến tận đêm khuya. Do đó, khách muốn có thể dùng món này bất cứ khi nào.

Loại bánh này ăn nóng mới ngon nên khi có khách vào, người tráng bánh mới bắt đầu công việc của mình với lò nước sôi sẵn. Họ chỉ việc dùng chiếc gáo dừa múc bột, nhẹ tay tráng đều trên khuôn vải đã căng thẳng trên vung. Thời gian bánh chín tùy thuộc vào độ dày của bánh. Bánh chín, người tráng sẽ dùng cây ghim tre luồn dưới chiếc bánh mỏng vớt lên xếp vào đĩa, chiếc bánh được cây ghim xẻ ra làm bốn phần cho một đĩa bánh.

Đĩa bánh được trình bày rất đẹp mắt. Trên đĩa bánh sẽ có một ít mỡ hành, chà bông tôm khô (hoặc thay bằng đậu xanh chín giã nhỏ). Đĩa bánh trông như một bức tranh rực rỡ sắc màu: màu trắng của bánh, màu hồng đỏ của tôm, màu xanh của lá hành, óng ánh dầu mỡ. Thưởng thức bánh ướt với giá trần và chả lụa Diên Khánh thì không còn gì tuyệt vời bằng.

11. Bánh tráng xoài

Bánh tráng xoài – cái tên nghe vừa lạ lại vừa quen. Bởi bánh có hình dạng giống chiếc bánh tráng, nhưng nguyên liệu chế biến chỉ có xoài chín và một chút đường cùng với bàn tay khéo léo của con người đã tạo nên một loại bánh dân dã và trở thành “thương hiệu” nổi tiếng của Nha Trang.

Xoài cát ở Khánh Hòa rất nhiều, ăn và bán quả tươi không hết người ta tận dụng làm bánh xoài, vừa thơm ngon lại có thể để được lâu. Bánh xoài còn độc đáo ở chỗ nó giữ được rất lâu mà không cần sử dụng bất kì hóa chất nào bởi vị chua của xoài và cách chế biến dựa vào nắng tự nhiên.

Ăn bánh tráng xoài không cần chế biến hay kết hợp thêm nguyên liệu ăn kèm. Bánh có vị chua thanh, ngòn ngọt và mùi thơm thơm tự nhiên của xoài, hơi dai và mùi thơm đặc trưng của cái nắng gắt Nha Trang.

(Theo Yan)

Cách gói Nem chua

Nem chua là một món ăn độc đáo của Việt Nam từ thịt lên men. Món ăn hấp dẫn nhờ vị ngọt ngọt chua chua dậy mùi thơm của thịt lên men, và kết cấu dai của nạc, giòn của bì…

Nem chua ăn kèm với bánh tét, bánh chưng vào ngày Tết hay làm mồi nhậu rất ngon.

Nguyên liệu:

– Thịt thăn lợn: 600g
– Thịt thăn bò: 300g
– Bì lợn: 300g
– Thính gạo: 2 thìa ăn cơm
– Đường: 50g
– Gia vị làm nem chua của thái (Nam powder seasoning mix): 1 gói
– Hạt nêm: 2 thìa cà phê
– Nước mắm ngon: 2 thìa ăn cơm
– Rượu nếp: 2 thìa cà phê
– Hạt tiêu: 1 thìa cà phê
– Tỏi (5 củ to), ớt, bột canh, màng bọc thức ăn (hoặc lá chuối)

Thực hiện:

Bước 1: Bì lợn mua về cạo rửa thật sạch, cho vào nồi luộc chín tới với một ít muối, sau đó thái sợi thật nhỏ (nếu không có thời gian thì mua bì lợn thái sẵn ở những hàng bán nem thính tại các chợ). Cho vào bát bì lợn một ít rượu, dùng đũa trộn đều rồi xả nhanh qua nước nóng để bì lợn bớt hôi. Để cho bì ráo nước rồi cắt ngắn khoảng 2- 3cm.

Bước 2: Thịt bò và thịt lợn rửa sạch với nước đun sôi có pha chút muối loãng. Sau đó thái miếng nhỏ rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 3- 4 tiếng cho thịt thật lạnh và đông đá. Lấy thịt ra khỏi tủ lạnh cho vào máy xay thịt, xay cho thật nhuyễn.

Bước 3: Tỏi bóc vỏ, một nửa đem băm nhuyễn còn một nữa thái lát mỏng. Chia chỗ tỏi đã băm nhỏ làm 2 phần, 1 phần đem phi vàng. Ớt thái lát.

Bước 4: Cho tất cả các nguyên liệu: thịt xay, bì lợn, thính gạo, đường, mắm, rượu, hạt tiêu, tỏi phi vàng, tỏi sống băm nhỏ, hạt nêm, bột canh, 1 gói gia vị làm nem chua (gói to) vào chung 1 âu lớn. Dùng đũa đảo đều tất cả các nguyên liệu để cho các nguyên liệu quyện đều vào nhau.

Bước 5: Dùng màng bọc thực phẩm bọc lấy miệng âu rồi để khoảng 1 tiếng lại cho tiếp 1 gói gia vị làm nem chua nhỏ (gói nhỏ có trong gói lớn) vào trộn đều.

Bước 6: Khi này hãy nhanh tay cho thịt vào khuôn làm giò xào rồi vặn vít thật chặt để cho thịt kết dính với nhau. Dùng màng bọc thực phẩm bọc quanh , kín khuôn nem. Nếu khỏe tay có thể cho thịt vào 1 đầu của miếng giấy bạc hoặc lá chuối rồi gói lại như cuốn giò nhỏ (vừa gói vừa bóp thật chặt tay để cuốn nem chua được chặt và thịt kết dính với nhau).

Bước 7: Để khuôn nem chua ở nhiệt độ phòng, chỗ thoáng mát trong tầm 24 tiếng. Lúc này nem đã chín, chúng ta chỉ cần lấy nem ra khỏi khuôn, cắt thành từng miếng nhỏ.

Có thể ăn ngay nem chua hoặc đem chiên tùy ý nhé!

Muốn để ăn dần thì nên cất nem vào tủ lạnh để bảo quản.

Chúc bạn thành công và ngon miệng cùng món nem chua!

Thùy Nguyễn
Nguồn: http://eva.vn/bep-eva/tu-tay-lam-nem-chua-nhau-tet-c162a165395.html