BÍ QUYẾT LÀM NƯỚC LẨU NGON

Món lẩu thường được ưa thích vào tất cả những dịp họp mặt… vì hương vị hấp dẫn và phương thức ăn đặc biệt, tạo sự ấm cúng và gắn kết. Một nồi lẩu ngon quan trọng ở nguyên liệu tươi ngon và nhất là phần nước dùng. Bài viết sau đây sẽ chỉ cho bạn những bí quyết để có những nồi lẩu bò, lẩu gà, lẩu hải sản…ngon miệng nhất.

1. Lựa chọn nguyên liệu, gia vị và chuẩn bị nồi nước dùng

Điều kiện đầu tiên để có nồi nước dùng thật trong, ngọt là bạn phải chọn nguyên liệu thật tươi, ngon rồi sau đó dùng kỹ thuật chế biến phù hợp. Chẳng hạn, với nước dùng gà và lợn không nên sử dụng xương đầu nấu vì hôi. Xương hom và xương đuôi sẽ thích hợp hơn vì vừa ngọt vừa thơm.

Lẩu gà phải làm nguyên chất bằng xương lợn và xương gà, không cho thêm vị chua ngọt vì khi nhúng ngải cứu sẽ không ngon.

Mỗi loại nước dùng cần gia vị đặc trưng, do đó tùy từng loại nguyên liệu mà có gia vị phù hợp kèm theo.

Lẩu các loại gia súc cần có gừng, hành tím nướng, riềng, sả. Nước dùng bò không thể thiếu quế chi, thảo quả, hoa hồi, gừng, hành khô. Hành và gừng nướng cho chín nhưng không cháy vỏ (lớp vỏ đỏ của hành khô có tác dụng làm nước dùng trong, màu đẹp), hoa hồi bẻ từng cánh, quế bẻ nhỏ, thảo quả lấy hạt vàng khô thơm, dùng khăn chà xát cho sạch, giã nhỏ rồi gói bằng vải sạch, cho vào nồi nước dùng. Trên nồi nước dùng bò thường có lớp mỡ để giữ nhiệt và giữ được mùi các tinh dầu thơm.

Đối với lẩu gà bạn nướng hành khô và gừng rồi đập dập bỏ vào, nêm nếm gia vị, hạt nêm cho vừa miệng, thêm 1 – 2 cây sả, dứa, cà chua. Khi chế vào nồi lẩu thì bỏ thêm gói thuốc bắc và nấm hương ngâm nở, sa tế, ăn kèm rau ngải cứu, rau muống, cải thảo.

Lẩu thập cẩm thì không phải cho thuốc bắc, ăn kèm rau muống, các loại rau cải. Cả hai loại lẩu này đều có thể ăn kèm thêm nấm tươi.

Hải sản cần có dứa, gừng, sả, cần tây, sa tế… vị ăn tuỳ theo khẩu vị của từng gia đình. Lẩu hải sản thường hơi cay, chua và ngọt. Với lẩu cá, ngoài xương heo ra bạn bỏ luôn xương cá đã lọc thịt vào.

Với nước lẩu này không cho sả và gừng nướng, tuy nhiên tăng vị chua so với những loại khác. Cá sau khi lọc, thái lát, nên ướp với gia vị, hạt nêm, gừng, sả đã băm nhỏ. Khi chế vào nồi lẩu bỏ thêm rau thì là, ăn kèm rau cần, cải cúc, dọc mùng, …

2. Thời gian đun

Cho xương đã chần vào nước lạnh, đun lửa to cho sôi lại nhanh, sau đó hạ nhỏ lửa cho sôi lăn tăn vài phút để các bọt cứng lại rồi hớt sạch. Cả quá trình còn lại đun sôi liu riu.

Thời gian nấu các loại nước dùng tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu. Chẳng hạn, nước dùng gà và lợn thường nấu 4-6 giờ (vì trước chủ yếu là chăn thả tự nhiên, thịt chắc, vị ngọt, thành phần dinh dưỡng bền vững), nay thời gian đun ít hơn.

Riêng nước dùng bò thì ninh lâu hơn, từ 8 – 10 giờ. Nước dùng thủy hải sản không nên đun quá 45 phút, nếu không sẽ đục và chua.

Với xương bò, nhất là xương ống, trước khi ninh cần nướng với nhiệt độ cao thì nước dùng thơm, trong và ngon hơn.

3. Cách khắc phục nước dùng đục

Lòng trắng trứng đánh tan, cho vào nước dùng (lúc nguội), đặt lên bếp vừa đun vừa khuấy đều cho các vẩn đục bám hết vào trứng và vớt ra.

Băm thịt (nước dùng gì thì băm thịt ấy), trộn lòng trắng trứng, nấm hương cho vào nước dùng nguội sẽ làm nước dùng vừa trong vừa ngon hơn.

Nếu nấu nước gà bị đục, cho tiếp xương gà vào đun cũng làm nước trong và ngon hơn.

 

(Sưu tầm)

Cách làm LẨU RIÊU CUA SƯỜN SỤN BẮP BÒ

Lẩu riêu cua sườn sụn là món ăn hấp dẫn, khá mới lạ (món này mới chỉ phổ biến ở miền Bắc), sẽ rất thích hợp để chiêu đãi gia đình trong những dịp họp mặt, cuối tuần.

Nguyên liệu:
  • – Nửa kí cua đồng
  • – Nửa kí sườn sụn
  • – Thịt bắp bò: 3 lạng
  • – Đậu hũ sống: tùy ăn
  • – Chả cá: tùy ăn
  • – Dấm bỗng: 1 bát nhỏ
  • – Hành lá, hành tím, rau thơm, rau diếp, cà chua, hoa chuối
  • – Gia vị thông thường
  • – Bún
Chuẩn bị:
– Đậu hũ sống xắt miếng vừa miệng rồi chiên giòn.
– Cua đồng tách gạch cua để riêng, thịt xay nhuyễn, lọc kĩ qua rây lấy nước. Pha vào nước cua chút muối rồi đun sôi cho cua nổi lên, vớt để ra chén.
– Bắc chảo dầu đun nóng, cho hành tím xắt mỏng vô phi vàng thơm rồi cho gạch cua vào nấu sơ, sau đó nhấc chảo ra.
– Rửa sạch sườn, luộc sơ qua nước sôi cho ra chất dơ rồi dội rửa lại qua nước lạnh, ướp với gia vị trong 15 phút.
– Sau đó bắc nồi cho ít dầu, phi thơm hành rồi  cho sườn vào xào săn mặt, rồi đổ nước ngập mặt sườn. Nấu tới khi nào thịt sườn chín mềm.
– Thịt bò rửa sạch, xắt lát mỏng, ướp với ít tỏi và gừng để khử mùi.
– Cà chua bổ múi cau, hành lá thái cọng nhỏ, đầu hành chẻ đôi.
– Rau sống các thứ rửa sạch, thái nhỏ v ừa ăn để ăn kèm với lẩu.
Nấu lẩu:
– Bắc nồi nước nấu của ban nãy lên bếp, cho dấm bỗng, nêm gia vị vừa miệng. Cho tiếp đầu hành vào nồi, đun cho tới khi nước sôi thì cho sườn non đã nấu chín, chả cá, đậu hũ chiên, gạch cua vào. Ăn với bún, rau sống.
Theo công thức và hình ảnh của Minh Minh (ngoisao.net)

Cách làm LẨU CÁ HỒI

Một bữa LẨU CÁ HỒI sẽ rất thích hợp để đổi  vị trong những ngày cuối tuần oi bức. Lẩu có vị cay thơm của s a tế, chua của cà chua rất dễ ăn.

Nguyên liệu:

  • Cá hồi: 1 con
  • Xương hầm: 0,5 kg (xương gà hoặc heo)
  • Đậu hũ Nhật: 1 hộp
  • Sa tế: 1 lọ
  • Đường: 10 g
  • Cải thảo: 0.5 kg
  • Cải xanh: 1 kg
  • Nấm hương: 20g
  • Gừng: 30 g
  • Cà chua: 100g
  • Bún: 1 kg
  • Tiêu , muối, bột ngọt, xì dầu

Cách Làm:

– Xương nấu với 2 lit nước sạch, lọc kỹ.
– Cá hồi làm sạch, bỏ da, phi lê, cắt thành từng miếng vừa ăn.
– Đậu hũ cắt nhỏ.
– Cải thảo, cải xanh, cà chua rửa sạch.
– Nấm hương ngâm nước vo gạo, rửa sạch, cắt chân.
– Đun sôi lại nước dùng, sau đó cho sa tế, gừng thái chỉ, nêm nếm với xì dầu, đường, muối, bột ngọt (tùy ý) cho vừa miệng.
– Cho cá vào nấu sôi ít phút. Sau đó thả nấm hương và cà chua cắt 4 vào.
– Xếp rau ra đĩa, nấu sôi lẩu, trụng rau và ăn kèm với bún. 

 

Cách nấu Canh Gà Lá Giang

Canh lá giang, lẩu gà lá giang, nghe tên đã thấy hấp dẫn. Cách nấu món này khá đơn giản, quan trọng là lúc nêm nếm, canh sao cho chua ngọt trung hòa, hương thơm mùi lá giang, mà vị phải đậm đà.

Lá giang thường có ở miền Nam, là một loại cây lá rất bổ, ngoài tác dụng chữa bệnh ngoài da, lá giang khi làm thực phẩm có thể giúp chữa các bệnh về tiêu hóa, dạ dày, đau nhức xương, các bệnh đường tiết niệu…


Nguyên liệu: 

  • 100g lá giang
  • 500g thịt gà ta [Thật sự thì đối với nhiều người, canh này NẤU BẰNG CHÂN / CÁNH GÀ gặm ăn rất ngon, không cần dùng nhiều thịt]
  • Dầu ăn
  • Xả bằm
  • Hành củ, tỏi, đầu hành lá, ngò gai, húng quế, rau ôm (ngò om)
  • Nước mắm, dầu ăn, đường, muối, tiêu, ớt.
  • Sa tế (tùy thích)


Sơ chế: 

  • Hành củ thái lát, tỏi băm nhuyễn, đầu hành lá đập dập.
  • Lá giang nhặt rửa sạch, bỏ lá già hoặc quá non vì già sẽ chát mà non sẽ nhạt, vò cho dập.
  • Gà chặt miếng nhỏ vừa ăn, cho vào cái tô. Ướp với hành lá dập, tỏi băm, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cafe muối, 1 muỗng canh đường. Ướp ít nhất 20 phút cho ngấm.


Thực hiện:

  • Bắc cái chảo lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu ăn vào, dầu nóng thì cho 1 muỗng cafe sả vào phi vàng, sau đó cho hành củ xắt lát vào phi tiếp.
  • Hành sả thơm thì cho thịt gà vào xào cho thịt gà thật săn lại.
  • Bắc một nồi nước sôi với lượng nước đủ nấu canh, nấu cho sôi rồi thả gà vào, vặn lửa nhỏ, đậy vung, nấu tiếp trong 10 phút cho gà chín hẳn. Trong lúc nấu thỉnh thoảng mở vung hớt bọt cho nước được trong.
  • Nhỏ lửa, nêm thêm nước mắm, đường, muối, xắt thêm 1 trái ớt hiểm vào nồi canh, nêm sao cho vị vừa đủ mặn.
  • Cho lá giang vào khuấy nhẹ cho lá chín, nêm thêm ít đường rồi nêm cho vừa chua, cay, mặn, ngọt, vị đậm đà là được (nhớ là đừng chua quá vì lá giang càng để lâu càng chua).


Trình bày:

  • Múc canh gà lá giang ra bát, rắc thêm ngò gai, húng quế, ngò om lên mặt canh, rưới 1 muỗng sa tế nếu thích. Lưu ý là sa tế sẽ làm tăng sự kích thích của món ăn nhưng sẽ làm giảm đi phần nào cái thanh dịu của gà và lá giang, vì vậy nên dùng với lẩu thì thích hợp hơn là ăn bữa cơm thường.
  • Ăn nóng với cơm.


Với cách nấu CANH GÀ LÁ GIANG này, các bạn có thể “nâng cấp” lên thành LẨU GÀ LÁ GIANG trong những bữa tiệc, sức hấp dẫn của gà và sự kích thích của các vị chua, cay, mặn, ngọt sẽ mang đến cho cả nhà một bữa ăn ngập tràn “sung sướng”.


Bé Thúi (MAV.vn)