CHUỖI HỆ THỐNG “BÁNH MÌ HỘI AN” GIÁ 10.000Đ/ Ổ TẠI SÀI GÒN

Bánh mì Hội An là một đặc sản nổi tiếng của phố cổ Hội An, món ăn không chỉ hấp dẫn đối với người trong nước mà còn là thứ phải tìm kiếm khi đến Việt Nam của du khách quốc tế. Tuy vậy, kiểu bánh mì kẹp thịt đặc biệt này hiện nay chỉ chủ yếu phổ biến tại khu vực phố cổ Hội An.

Sau một chuyến về thăm quê ở Hội An, ông Phan Trung – một doanh nhân thành đạt trong ngành Tư Vấn và Thiết Kế Xây Dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tưởng lại thuở niên thiếu, chỉ ước ăn được một ổ bánh mì đặc sản quê hương – Phố Cổ Hội An. Chính vì vậy khi đã thành đạt anh đã nhen nhóm ý định làm một việc có ý nghĩa cho nơi sinh ra & lớn lên của mình.

Bánh mì theo phong cách Hội An, từ vỏ bánh thon, đặc ruột, cho tới phần nhân phối hợp nhiều nguyên liệu được chế biến cầu kì.

Thế là ý tưởng phát triển chuỗi hệ thống “Bánh mì Hội An” mang hương vị Phố Cổ ra đời tại Sài Gòn nhằm quảng bá một món ăn truyền thống, hương vị khác lạ, ngon miệng. Đặc biệt chuỗi bánh mì đồng giá 10.000đ, phù hợp túi tiền cho dân lao động, công nhân, học sinh, sinh viên.

Nhiều người bạn tưởng đùa nhưng không ngờ chỉ hơn 1 tháng, ở khu vực quận Thủ Đức và Bình Thạnh, ông Trung đã ra đời 5 địa điểm với thương hiệu “Bánh mì Hội An“.

Mục tiêu của chuỗi Bánh mì Hội An là đưa hương vị này đến với mọi đối tượng, tầng lớp.

Với phương châm hỗ trợ người nghèo có công việc và thu nhập ổn định, trong 10 ngày học việc và bán thử, ông Trung đều bao chỗ ở và sinh hoạt phí cho các bạn ở Tỉnh.

Các phương tiện để kinh doanh như: xe bánh mì inox khang trang sạch sẽ, lò nướng có thể phục vụ cùng lúc hơn 20 ổ, ngoài ra còn hỗ trợ thêm banron, bàn ghế, dù v.v… Đặc biệt trong tuần lễ khai trương của từng địa điểm đều có chương trình khuyến mãi & mời dùng thử miễn phí.

Một xe thuộc chuỗi Bánh mì Hội An trên đường Chu Văn An, Bình Thạnh.

Trước 6h sáng hàng ngày cung cấp toàn bộ nhân & bánh đầy đủ theo yêu cầu. Nếu bán không hết ông sẽ có nhân viên đi thu lại và trên mỗi ổ bánh mì đồng giá bán 10.000 đồng/1 ổ sẽ được trích lại 2.000 đồng cho người đứng bán.

“Hiện nay, chuỗi  hệ thống thức ăn nhanh từ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam khá mạnh như KFC, Mc Donald v.v… tràn ngập thị trường dù cho giá rất cao & không hợp khẩu vị với đa số người Việt. Tại sao Bánh Mì Hội An mang hương vị đậm đà truyền thống Phố Cổ, thơm ngon & trên hết là đảm bảo sạch lại không phổ biến trên chính đất nước ta đang ở?”

Ông Phan Trung, chủ chuỗi hệ thống “Bánh mì Hội An” tại Tp.HCM.

Từ đây đến cuối năm 2015, ông Trung dự định sẽ phát triển thêm 20 địa điểm tại các Quận Huyện lân cận khác. Một công việc khá đơn giản trong thời điểm hiện nay dành cho người nghèo hay những người có khoảng thời gian nhàn rỗi vào đầu giờ sáng để tăng thêm thu nhập.

Nếu các bạn muốn hợp tác với chuỗi cửa hàng, xin liên hệ 0915484883 – 0915483334 từ 8h đến 19h hàng ngày.

Tú Anh

12 MÓN BÁNH BÌNH DÂN MÀ HẤP DẪN CỦA MIỀN TRUNG

Dải đất miền trung nắng gió cũng là nơi sản sinh ra những món ngon, thấm thía vô cùng và cũng rất bình dân. Ai đã ghé qua các tỉnh miền Trung ắt đã có lúc phải lòng với những món rẻ tiền mà nhớ lâu của miền đất này.

1. Bánh bèo


Tại miền Trung, bánh bèo thường được phân ra làm hai loại là bánh bèo Quảng Nam và bánh bèo Huế. Bánh bèo Quảng Nam thường thì to, dày, ăn với nhân là bột nấu nhão gồm có thịt, tôm băm, hẹ, khi ăn bỏ thêm ít hành phi, ớt băm. Bánh bèo Huế có khác chút ít, bánh mỏng hơn, có bột tôm chấy, khi ăn kèm theo da heo chiên giòn. Bánh bèo miền Trung đa phần đúc bằng chén (bánh bèo chén).Bánh bèo là một món bánh rất thịnh hành ở miền Trung và miền Nam. Bánh bèo gồm có ba phần chính là bánh làm từ bột gạo, nhân để rắc lên bánh làm bằng tôm xay nhuyễn, và nước chấm, một hỗn hợp mà nước mắm là thành phần chính và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ.

2. Bánh bột lọc

Bánh bột lọc là một trong những đặc sản của xứ Huế. Vỏ bánh được từ bằng bột sắn (khoai mỳ) lọc lấy tinh bột, sau đó luộc một phần nhỏ bột, nhồi kỹ và làm bánh. Nhân bánh thường bằng tôm trộn với gia vị, có thể làm nhân bằng thịt heo nạc hay hỗn hợp tôm – thịt heo. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối (hoặc có thể không gói) và hấp cách thủy. Miếng bánh trong suốt, vị dai ngon tinh tế sẽ giúp đánh thức các giác quan của bạn.

3. Bánh xèo, bánh khoái

Bánh xèo là một loại bánh hầu như ai cũng mê, có bột bên ngoài, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, được chiên vàng, khi đổ vào chảo có tiếng xèo, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt.  Tại Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, lạc. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng ngoài rau sống, còn thêm quả vả chát, khế chua.

4. Bánh chưng Nhật Lệ

Đây là món ăn nổi tiếng ở Huế và có xuất xứ từ con phố Nhật Lệ trong thành Nội, nơi tập trung hàng chục lò làm bánh. Bánh thơm dẻo, ăn rất khoái khẩu do sự kết hợp nhuần nhuyễn mùi vị giữa nhân đậu, thịt (mỡ và nạc) với gạo nếp và các loại gia vị như tiêu, hành. Người ăn quen lâu ngày thành nghiện, thành thèm.

5. Bánh nậm

Bánh nậm là một loại bánh đặc trưng của xứ Huế, cùng với bánh bèo, bánh lọc. Đây là thứ bánh được làm từ bột gạo vừa ngon vừa có tính chất lành (người già, trẻ em, người ốm đều có thể ăn được). Ở Huế, bánh nậm còn được làm chay, chỉ có nhân đậu xanh, dùng cho ngày Rằm, mồng Một. Đặc biệt, còn có bánh nậm nhân thịt cóc, dành cho trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, cũng ngon và hấp dẫn không kém bánh nậm tôm.

6. Bánh ram ít

Bánh ram ít nhân tôm được ghép với nhau bởi 2 phần là phần bánh ít phía trên và đế ram phía dưới. Bánh phần trên được  làm bằng loại gạo nếp thơm ngon, ủ đúng giờ để bánh được dẻo mềm. Mỗi chiếc bánh nho nhỏ trắng bóc bằng quả táo bên trong là một con tôm kho. Chỉ cần thử cắn một miếng thôi là bạn sẽ cảm nhận ngay được vị dẻo của bột nếp bánh ít và cái giòn rụm của đế ram. Người Huế thật khéo léo khi kết hợp hai thứ tưởng trừng như đối lập nhưng lại đem lại cảm giác lạ miệng cho thực khách khi ăn.

7. Bánh ướt thịt nướng

Bánh ướt thịt nướng là một món ăn phổ biến và được nhiều người biết đến của Huế, món ăn này có nguồn gốc từ vùng đất Kim Long – Huế – nơi nổi tiếng có rất nhiều nhà vườn. Món ăn này có thể dùng làm điểm tâm, bữa chính hay ăn chơi với bạn bè đều rất phù hợp. Điều đặc biệt là nước chấm của món này không phải là nước mắm chua cay như món bún thịt nướng mà là tương mè đậu nấu ngọt rất đặc trưng.

8. Bánh đập

Bánh đập hay còn gọi là bánh chập là một loại bánh khá phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Nam đến Khánh Hòa nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ở Hội An. “Đập” được hiểu đơn giản là bánh phải được đập rồi mới ăn. Bánh đập là sự kết hợp tinh tế giữa bánh ướt và bánh tráng nướng. Trên nửa lớp bánh ướt được phết dầu mỡ hành, đậu xanh nhuyễn. Bánh đập còn được ăn kèm với tôm, thịt heo luộc, thịt nướng tùy theo vùng miền.

9. Bánh tráng cuốn thịt heo

Bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn dân dã của người miền Trung. Mỗi suất bánh tráng gồm một đĩa thịt heo lớp nạc lớp mỡ xen kẽ đủ để miếng thịt không khô, không ngấy; kèm theo rau ghém đủ các loại gồm xà lách, mùi thơm, tía tô, diếp cá… và củ quả thái lát như giá đõ, dứa, xoài, dưa chuột, chuối xanh, được cuộn tròn cùng trong bánh cuốn, chấm vào mắm nêm sóng sánh thơm mùi biển cả thật tuyệt chẳng gì bằng.

10. Bánh tráng kẹp

Bánh tráng kẹp là một trong những món ăn vặt lọt top những món ăn đường phố hấp dẫn nhất Đà Nẵng. Được làm từ bánh tráng mềm và không quá dày, người ta quết lớp nhân lên trên bánh, có thể để vậy hoặc gấp lại, hay cuộn lại rồi nướng giòn. Nhân bánh có thể là pate gan tẩm gia vị có rất nhiều hành phi, quết lên bánh rồi bỏ trứng cút thêm vào. Nhân bánh cũng có thể là khô bò xé sợi, cũng có khi là mực hay trứng gà tùy theo khẩu vị hay yêu cầu của từng thực khách.

Làm nên hương vị đặc biệt và đặc trưng cho món bánh tráng kẹp Đà Nẵng không gì khác hơn là nước chấm. Nước chấm hay còn gọi là nước sốt để chấm với bánh tráng kẹp khá đặc biệt. Nước chấm được chế biến từ bò khô, sa tế cùng với bí quyết rất riêng làm nước chấm vừa sệt, vừa cay nồng, rất thơm và màu vàng nâu bắt mắt, khiến thực khách thử qua hàng trăm lần cũng khó mà phát hiện ra đủ thành phần làm nên hương vị đặc biệt của nó.

11. Bánh bao vạc

Bánh bao bánh vạc là một món ăn đặc trưng Hội An Quảng Nam. Do có hình dáng nhỏ nhỏ, xinh xinh và có màu trắng trông như những đoá hoa hồng nên bánh bao bánh vạc còn có tên gọi là bánh hoa hồng trắng. Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An.

Bánh báo bánh vạc là hai loại có tên gọi khác nhau nhưng thường có mặt trong cùng một đĩa bánh và cùng có chung một loại nước chấm rất đặc biệt: không quá mặn, không quá nhạt và có thơm hương, vị ngọt của thịt tôm.

Nguyên liệu chính để chế biến bánh bao bánh vạc là gạo nhưng được thực hiện qua nhiều công đoạn rất công phu. Gạo xay xong phải “bòng” với nước nhiều lần (khoảng từ 15 đến 20 lần) để chọn cho được loại bột bánh ngon. Nhân bánh bao chủ yếu chế biến từ tôm tươi xay nhuyễn trộn với muối, tiêu, hành và một vài loại gia vị khác. Nhân bánh vạc thì có thêm một số nguyên liệu như: nấm mèo, giá hột, lá hành, thịt heo … đã được thái mỏng và xào chín. Cả hai loại nhân đều được bao bọc bởi một lớp bột bánh mỏng và hấp chín qua lửa.

12. Bánh kiến tơ

Một trong những đặc sản Hội An mà bạn có thể bắt gặp vô vàn ở trên đường phố là bánh kiến tơ. Vỏ của bánh thực chất là hai miếng bánh quế tròn mà chắc hẳn không còn xa lạ gì. Cái thú vị và đặc sắc của món này chính là ở phần nhân.

Nhân của bánh kiến tơ được làm từ mạch nha. Khi khách mua hàng, người bán mới lấy một thanh mạch nha ra, kéo qua kéo lại như kẹo kéo rồi trộn nhanh với bột, sau vài giây thao tác khéo léo, chỗ mạch nha ban đầu đã biến thành những “sợi chỉ” mỏng manh vui mắt. Người bắt sẽ cho chỗ “chỉ” đó lên hai vỏ quế, thêm ít dừa bào sợi, kẹp lại. Vậy là món bánh kiến tơ đã hoàn thành. Tất cả các bước chỉ diễn ra chưa đầy một phút.

Hạt Tiêu tổng hợp

(ngoisao.net)

10 MÓN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐI DU LỊCH PHỐ CỔ HỘI AN

Đến Hội An, du khách không chỉ đắm chìm trong vẻ đẹp cổ kính và nếp sống giản dị của khu đô thị di sản thế giới. Bên cạnh đó, du khách còn cần phải khám phá nền ẩm thực đa dạng, độc đáo và rất nổi tiếng của Hội An. 

Cơm gà, cao lầu hay chè là những cái tên luôn biết cách làm thực khách mê mẩn.

Bên cạnh cảnh đẹp nơi phố cổ, Hội An còn thu hút du khách với những món ăn ngon mang hương vị độc đáo và đem lại nỗi nhớ da diết cho người trở về.

Cơm gà

Một trong những món ngon Hội An bạn không nên bỏ qua là cơm gà. Món ăn này được nhiều người yêu thích tới nỗi các tờ rơi du lịch đã dành hẳn một phần để giới thiệu.

Ngoài quán cơm gà bà Buội tại số 22 Phan Chu Trinh nổi tiếng, bạn còn có thể tới quán bà Nga cách đó một đoạn hay cô Hương ở đầu hẻm Sica. Ảnh: Diệu Huyền.

Cơm gà Hội An bắt mắt với màu vàng tươi của cơm, xanh của rau sống và trắng bóng từ thịt gà, người ăn cay thường thêm chút tương đỏ chót. Ban đầu, thực khách có thể thấy món ăn này lạ lẫm và không  mấy hào hứng, nhưng khi nếm thử bạn sẽ nhanh chóng nhận ra nó có một sức hấp dẫn không thể chối từ.

Mì Quảng

Một số địa chỉ có mì Quảng ngon là đường Trần Phú, khu Cẩm Hà, đường Thái Phiên. Ảnh: Trần Việt Anh.

Sau khi lang thang từng con phố, bạn hãy dừng chân ở một tiệm ăn nhỏ để thưởng thức món mì Quảng trứ danh và làm dịu đi cơn đói đã bắt đầu “biểu tình”.

Món này gồm mì gạo, tôm, thịt heo, gà, miếng bánh tráng nướng, rau sống và một chút nước dùng. Bạn nên trộn đều để tất cả các thành phần quyện đều với nhau. Khi ấy, sợi mì trở nên mềm ướt nhưng dai dai, ăn rất ngon.

Cao lầu

Cao lầu được bán nhiều trong chợ Hội An nhưng muốn thưởng thức đúng vị nhất, bạn nên tới số 26 Thái Phiên và 87 Trần Phú. Ảnh: Diệu Huyền.

Đây là tên gọi khác của một loại mì đặc biệt có màu vàng nâu. Món này ít nước dùng giống mì Quảng nhưng lại được ăn cùng giá trần, thịt xá xíu, bì lợn chiên giòn, tóp mỡ. Ngoài các thành phần trên, chủ quán còn cho thêm chút nước tương đặc biệt, bột thơm, rau sống. Thực khách chỉ cần trộn đều để các nguyên liệu hòa quyện cùng nhau và bắt đầu ăn.

Hoành thánh

Địa chỉ có hoành thánh ngon là Bà Triệu và Trần Phú. Ảnh: Quế Lan.

Hoành thánh có ba dạng là súp, chiên và mì. Những loại này đều được ăn nhiều vào tầm giờ chiều để lót dạ trước khi thưởng thức các món chính.

Nguyên liệu chính gồm bột mì, trứng gà và tôm. Bột sau khi đánh cùng trứng và ủ lên men được cán mỏng, cắt thành từng ô nhỏ làm vỏ bánh. Phần nhân gồm tôm ướp gia vị giã nhuyễn. Hoành thánh được chan một chút nước dùng thơm mùi dứa, cà chua và nấm rơm. Bạn sẽ được phục vụ kèm một đĩa rau cải xanh non. Đây chính là sự kết hợp đầy ăn ý của món ăn.

Bánh đập, hến xào

Bánh đập ăn cùng hến xào là sự kết hợp lạ lẫm nhưng vừa vặn về hương vị. Ảnh:Gà Con.

Bánh đập là sự kết hợp của bánh tráng nướng, bánh tráng ướt và một số nguyên liệu khác. Bánh ướt được quệt đậu xanh say nhuyễn rồi đặt vào giữa hai miếng bánh tráng nướng. Sau đó, người làm dùng tay đập nhẹ lên bánh để hai miếng dính lại với nhau. Việc này phải thật khéo léo để phần bánh ướt kết dính phần bánh tráng nướng, giúp hai lớp ngoài không bị vỡ vụn. Khi đã đạt độ mỏng hợp lý, bánh sẽ được gấp đôi lại sau đó dọn ra cùng một đĩa hến xào.

Cách ăn món này đúng điệu là chấm với nước mắm cái. Đây là loại nước chấm được pha từ đường, hành phi, dứa bằm nhỏ, tỏi và ớt sừng xanh. Bạn có thể tới quán Bà Già tại thôn 1, xã Cẩm Nang để thưởng thức.

Bánh bao, bánh vạc

Bạn có thể thưởng thức món này tại số 533 Hai Bà Trưng. Ảnh: Hà Minh.

Bánh bao, bánh vạc là tên hai món khác nhau nhưng thường được phục vụ chung trong một đĩa. Hai loại này có hình dáng nhỏ xinh giống hoa hồng. Do vậy nhiều nơi còn gọi bằng cái tên bánh hoa hồng.

Nguyên liệu làm bánh gồm gạo tẻ, tôm tươi xay nhuyễn trộn với muối, tiêu, hành và các loại gia vị khác. Trong khi đó, thành phần của bánh vạc còn có thêm nấm mèo, giá, hành lá, thịt heo…

Bánh mì

Đường Hoàng Diệu, Trần Cao Vân là hai nơi bạn có thể tìm mua được những ổ bánh mì ngon nhất. Ảnh: Trần Việt Anh.

Hội An là một trong số những địa chỉ của Việt Nam được báo chí quốc tế ngợi ca vì món bánh mì kẹp ngon lạ. Bánh mì ở đây vẫn có phần nhân cơ bản gồm pate, thịt nướng, chả lụa, rau thơm và nước sốt đặc biệt, điều làm nên sự hấp dẫn khác biệt của mỗi ổ bánh. Lớp vỏ giòn rụm, phần nhân béo bùi, không ngấy kết hợp với nhau khiến ai nấy đều thích thú.

Bánh bèo

Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng là những con phố bạn có thể mua được chén bánh ngon. Ảnh: Trần Việt Anh.

Món ăn duy nhất không có mặt tại trung tâm phố cổ nhưng vẫn được nhiều người tìm thưởng thức là bánh bèo. Giống nhiều nơi, bánh bèo ở đây được đặt trong các chén nhỏ. Phần trên đặt nhân tôm thịt có màu hồng đỏ, lấm tấm tiêu đen và điểm xanh của hành lá. Tùy khẩu vị, bạn có thể cho thêm nước mắm hay ớt để tăng độ thơm ngon.

Cách ăn món này cũng khá đặc biệt khi không sử dụng đũa hay thìa mà dao tre, một dụng cụ làm từ tre và vót thành hình lưỡi dao. Nhờ vậy, thực khách khi thưởng thức, ai nấy đều thấy hiếu kỳ và lạ lẫm.

Bánh ướt cuốn thịt nướng

Một cuốn bánh ướt thịt nướng có giá 6.000 đồng Ảnh: Diệu Huyền.

Bánh ướt cuốn thịt nướng được bán nhiều nhất ở bờ sông Hoài. Đây là món vặt được cả người lớn và trẻ nhỏ yêu thích. Một phần ăn đầy đủ gồm thịt xiên nướng. bánh ướt, rau sống và không thể thiếu loại nước chấm pha chế cầu kỳ.

Thịt được nướng tại chỗ nên lúc nào cũng nóng và thơm. Khi đặt trong lớp bánh mỏng, thêm rau xanh mát, ăn cùng nước chấm sền sệt tạo ra vị ngon lạ miệng. Do vậy, nhiều người không chỉ dừng lại ở một, hai mà thường gọi thêm vài xiên để ăn cho no mới thôi.

Các loại chè

Không phải món lạ nhưng chè Hội An vẫn rất hấp dẫn. Ảnh: Diệu Huyền.

Chén chè nhỏ trong lòng bàn tay, thơm mùi nước cốt dừa và ánh lên những màu sắc hấp dẫn là điều níu chân du khách. Với người hảo ngọt, chè là món ăn hợp gu nhờ vị ngọt của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và thơm ngát của dầu chuối. Bạn có thể chọn nhiều loại khác nhau như bắp, đậu ván, đậu đỏ…

Diệu Huyền (VNexpress.net)

Cách nấu CHÈ ĐẬU VÁN NƯỚC CỐT DỪA

Chè đậu ván nước cốt dừa với cái bùi bùi của đậu ván, béo béo của nước dừa là thứ chè đã làm say lòng bao nhiêu thế hệ trẻ em. Chè đậu ván có hai kiểu, kiểu loãng (ăn với đá) và kiểu đặc, sau đây là công thức làm kiểu chè đậu ván đặc.

Chuẩn bị:

  • –  Đậu ván khô: 250g
  • –  Nước cốt dừa: xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA
  • – Đường cát
  • – Bột năng: 2 muỗng súp, pha loãng với chút nước.
  • – Một ít lá dứa.

Thực hiện:

– Đậu ván đem ngâm cho nở mềm, sau đó luộc chín qua rồi đải vỏ. Đậu sạch vỏ thì đem hấp cho mềm.

– Bắc nồi cho đường cát vào nấu với lượng nước lạnh đủ ngập đậu (nếm cho vừa đủ độ ngọt), nêm thêm ít muối, cho vào ít lá dứa đã rửa sạch. Sau đó chế bột năng pha loãng vào nồi, khuấy đều.

– Nhẹ nhàng trút đậu ván vào, khuấy nhè nhẹ cho đậu chia đều trong nước (khuấy nhẹ kẻo nát). Nếm lại nước chè lần cuối coi có vừa ngọt chưa. Trước khi tắt bếp rắc vào một ống vani nữa là xong.

– Để cho chè nguội thì ăn được rồi. Trước khi ăn chan  chút nước cốt dừa lên. Riêng chè đậu ván dẻo thì phải có nước cốt dừa ăn mới ngon.

Theo Khánh Hòa

Cách nấu Mì Quảng Gà

Mì Quảng là món ăn nổi tiếng của xứ Quảng miền trung nước Việt. Có nhiều loại mì Quảng: Mì gà, mì cá, mì tôm, mì sườn… trong đó, mì gà có lẽ là được ưa chuộng nhiều vì hương vị mộc mạc đồng quê của nó.

Nấu mì Quảng không cần phải quá rập khuôn thận trọng, bạn có thể tùy biến công đoạn hoặc nguyên liệu, nhưng làm cách nào đi nữa, thì luôn luôn phải có một vài thứ gia vị đặc trưng cho hương vị mì Quảng mà quan trọng nhất là dầu phộng, sau đó là nén. Tại Sài Gòn, hai gia vị này, cùng với sợi mì Quảng, đều có bán ở chợ Bà Hoa (F11, Tân Bình).

Nguyên liệu: (Cho 6 người ăn)

  • Gà ta: 1/2 con hoặc hơn
  • Dầu phộng
  • 1 nắm nén đập dập
  • 1 mẩu nghệ tươi, giã nát
  • 1/2 trái cà chua, trụng nước sôi rồi bóc vỏ, đâmnát.
  • Đậu phộng rang
  • Ớt xanh (loại to càng ngon)
  • Bánh tráng nướng
  • Các gia vị: mắm muối thông thường, tương ớt hột.
  • Rau sống ăn kèm: Hành, ngò (thái nhỏ), bắp chuối sứ (xắt sợi nhỏ), rau xà lách (miền Bắc gọi là rau diếp), rau húng, cải cây, cải con, rau thơm…

Cách làm:

– Gà chia phần cánh, cổ, chân ra riêng, phần còn lại ra riêng. Cả 2 phần đem chặt miếng nhỏ vừa ăn. Ướp cả hai với chút nước mắm, bột nêm, muối, đường, nghệ, ớt trong vòng 30 phút.
– Bắc một cái nồi (đủ nấu nước dùng) lên bếp. Cho dầu phộng vào phi thơm nén, sau đó cho cà chua vào xào cho ra màu. Cho tiếp đầu cổ cánh chân vào xào sơ qua.
– Tiếp theo đổ nước vào nồi một lượng vừa đủ ăn, rồi đậy lại, nấu lửa vừa trong 30 phút. Đây là nước nhưn (nước dùng / nước lèo) để chan vào mì quảng.
– Bắc một cái nồi khác, khử dầu phụng rồi cho phần gà còn lại vào, nêm 1 chút muối, tương ớt để kho trong 10phút. Sau đó nêm nước mắm, đường, tiêu cho vừa đủ mặn, rồi kho tiếp trong khoảng 5 phút cho queo lại.
– Quay trở lại cái nồi bên kia, nêm mắm muối lại cho vừa ăn (hơi mặn), rồi tắt bếp.

Trình bày:

– Lót rau sống phía dưới cùng, rồi cho mì quảng phủ lên trên. Rắc nhúm hành ngò và một ít đậu phộng rang lên. Bẻ bánh tráng vào tô.
– Khi ăn chan nước nhưn ngập 2/5 tô rồi vắt miếng chanh, trộn đều cho nước nhưn thấm bám hết rau lẫn mì, bánh tráng rồi ăn. Mì Quảng phải ăn cay mới đúng vị, nên ăn với ớt xanh hoặc tương ớt kiểu Quảng.

Lưu ý:

– Mì Quảng nên nêm nước nhưn hơi mặn, đó là vì ăn mì Quảng phải chan ít nước (chan nhiều sợi mì bở ra không ngon), mà phải ăn kèm nhiều rau nữa.

Bé Thúi / MAV

Cách làm Hành chua ngọt xứ Quảng

Hành chua là một nguyên liệu không thể thiếu trong các quán ăn của người Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Thứ này cho vào bún bò, mì Quảng ăn rất ngon, cắn miếng hành ớt giòn giòn, chua chua, cay cay đã miệng mà hương vị của chúng lại còn bổ trợ cho hương vị món ăn nhiều.

Sau đây là Cách làm hành chua kiểu Quảng Đà:

Chuẩn bị:

  • Hành tím (hành củ nhỏ)
  • Cà rốt (tùy thích)
  • Ớt xanh, ớt đỏ loại to (hai màu cho đẹp, nên cho nhiều ớt xanh hơn vì ớt xanh mới thơm)
  • Dấm (nếu muốn làm xổi ăn ngay)
  • Một hũ đựng, tráng qua nước sôi cho sạch.

Phân lượng là tùy các bạn, tuy nhiên hành nên nhiều hơn mấy cái kia vì chủ yếu là ăn hành.

Thực hiện:

– Hành lột vỏ chẻ làm đôi, làm ba
– Cà rốt xắt hột lựu.
– Ớt cắt miếng nhỏ.
– Cho tất cả vào hũ.

Làm ăn xổi:

Pha một tô nước dấm đường theo tỷ lệ: 2 phần nước, 2 phần giấm, 1 phần đường. Rồi đổ vào hũ cho ngập hành ớt…
Có thể ăn sau 3 tiếng.

Làm để lâu:

Nếu không có gì phải vội thì ta muối theo kiểu lên men tự nhiên,  pha nước theo tỷ lệ: 1 chén nước ấm + 1 muỗng cafe muối + 1 muỗng cafe đường rồi đổ vào ngâm hành. Để chỗ thoán mát. 2 ngày sau là ăn được.

Món này trữ trong tủ lạnh được nhiều tuần.

Bé Thúi.

NHỮNG TIỆM BÁNH MÌ VIỆT NỔI DANH THẾ GIỚI

Bánh mì Việt Nam trong thời gian vài năm trở lại đây đã trở thành một cái tên hot trong sổ tay ẩm thực của du khách quốc tế.

Năm 2011, viện đại học Oxford đã chính thức điền “Bánh mì” vào trong cuốn tự điển danh tiếng của họ. Cùng với đó, báo chí nước ngoài đã có nhiều bài viết, thống kê về các tiệm bánh mì ngon nhất Việt Nam, hoặc đưa chúng vào danh sách những món ngon nhất thế giới. Những tiệm bánh mì này có đủ các phong cách, hương vị  từ Nam ra Bắc, và đều có đặc điểm chung: không phải là những thương hiệu bánh mì lớn trong nước.

1. Bánh mì Phượng:

Google dòng chữ “The best banh mi in Vietnam”, bạn sẽ thấy bánh mì Phượng Hội An chiếm hầu hết các kết quả đầu tiên. Trong bài viết “Bánh mì Việt Nam ngon nhất quả đất” trên BBC gần đây cũng nhắc tới bánh mì Phượng. Đầu bếp Anthony Bourdain nổi tiếng của Mỹ trong lần đầu ăn bánh mì Phượng, đã phải thốt lên :”That’s a symphony in a sandwich!” (Quả thực là có cả một bản giao hưởng trong ổ bánh)

Bánh mì Phượng thường được du khách cho vào sổ tay như là một trong những món “bắt buộc” phải thưởng thức ở Việt Nam. Và không chỉ thế, bánh mì Phượng cũng rất hấp dẫn đối với dân bản địa và du khách trong nước. Mỗi ngày, quán bán từ sáng sớm tới khuya muộn mới ngừng. Điểm ngon của bánh mì Phượng là tất cả nguyên liệu đều tự làm với bí quyết riêng, và ổ bánh mì nhìn rất hấp dẫn.

Bên trong ổ bánh mì giá 10 ngàn của tiệm bà Phượng.

Và một đặc điểm dễ thương nữa mà bạn không thể nào không công nhận ở bánh mì Phượng: tuy nổi tiếng thế giới là vậy, nhưng giá chỉ 10k cho 1 ổ bình thường (giá cập nhật năm 2015).

Địa chỉ: 2A Phan Châu Trinh, Hội An, Quảng Nam.

2. Bánh mì vỉa hè 37 Nguyễn Trãi.

Nếu như Bánh mì Phượng là “bánh mì ngon nhất Việt Nam”, thì bánh mì vỉa hè 37 Nguyễn Trãi ở Sài Gòn, là “bánh kẹp ngon nhất thế giới”, đứng đầu bảng trong danh sách “12 món ăn đường phố ngon nhất thế giới”, theo tạp chí du lịch Mỹ Conde’ Nast Traveler.

Bánh mì ở tiệm này là bánh mì thịt nướng. Trong ổ bánh mì, ta thấy thịt được viên tròn, nướng thơm sau khi tẩm ướp kĩ lưỡng và đặt bên cạnh dưa leo, đò chua, ngò, xì dầu… những gia vị đặc trưng của bánh mì Sài Gòn. Giá bánh mì ở đây vào năm 2014 là 20 ngàn/ ổ.

Bánh mì Nguyễn Trãi (ảnh: Saigonamthuc.thanhnien.com.vn)

 

Địa chỉ: Đầu hẻm 37 Nguyễn Trãi, Q1, Sài Gòn.

3. Bánh mì Phố Huế:

Đây là đại diện của bánh mì Hà Nội, một phong cách bánh mì hoàn toàn khác biệt so với hai miền còn lại. Trong bài viết “Bánh mì Việt Nam ngon nhất quả đất” của BBC mô tả về ổ bánh mì này: bánh mì tuy không quá phức tạp, nhưng mọi thứ bên trong nó đều có vai trò riêng: ruốc giúp nước sốt được thấm, pate làm ẩm bánh và bánh nướng giòn để không bị mềm trong thời tiết ẩm.

Phóng viên DAvid Farley ca ngợi: “Ổ bánh mì này nó thực là khác biệt! Độ giòn của lớp vỏ đã dẫn dụ theo cái vị ngon quyện hòa của thịt và gia vị một cách nhẹ nhàng!”.

Bánh mì Phố Huế.

Địa chỉ: 118A Phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, Hai BÀ Trưng, Hà Nội.

4. Bánh mì vỉa hè Nha Trang

Tạp chí National Geographic đã chọn món bánh mì pate ở Nha Trang vào một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Tuy vậy tờ báo này không đưa địa điểm cụ thể, ngoài việc chụp và đăng ảnh một hàng bánh mì rất đặc trưng ở thành phố xinh đẹp này:

Bánh mì Nha Trang, ảnh: National Geographic.

Mỹ Mạnh tổng hợp

Ký giả BBC: “Bánh mì Việt Nam ngon nhất quả đất”

Mấy ngày trước, BBC đã cho đăng bài viết của ký giả  David Farley về Bánh mì Việt Nam, bài viết này được nhiều người quan tâm, nên chúng tôi xin dịch lại để mọi người cùng đọc chơi:

 

PHẢI CHĂNG BÁNH MÌ LÀ LOẠI BÁNH KẸP THỊT NGON NHẤT QUẢ ĐẤT?

– David Farley-

Bác tài cho xe dừng lại trên Phố Huế đông nghẹt và chỉ cho tôi cái tiệm bánh mì bên kia đường, nó nằm èo uột bên những tòa nhà 4-5 tầng. Tôi rời xe và băng qua hàng trăm cái xe máy bấm còi ì èo, trong khi xe hơi thì xả khói tung tóe, và cuối cùng cũng qua được đường.

Tôi đã tới ngay tiệm Bánh Mì Phố Huế, tên cửa hàng thực đơn giản: chính là tên con đường nó đang ở. Hầu như ai cũng kêu tiệm Bánh mì Phố Huế là ngon nhất Hà Nội. Tiệm này có từ năm 1974, và họ đóng cửa bất cứ khi nào hết nguyên liệu. May cho tôi quá! Đến vào lúc 7h tối thứ Bảy mà tiệm vẫn còn bán.

Bánh mì, giải thích ra là bánh làm từ bột mì. Đó là sự kết hợp ngon lành một cách phong phú dào dạt giữa thịt heo, patê và rau (cà rốt, ngò, dưa leo…vv), được nhồi trong một ổ bánh mì kiểu Pháp mềm nhưng giòn. Tùy theo vùng miền, mà bánh mì còn có thể nhồi thêm thịt heo muối, xúc xích heo và các loại rau nhợ khác.

Bánh mì là sản phẩm của sự giao lưu văn hóa và ẩm thực. Cái sự này không phải có từ những cái xe tải thức ăn, ảnh trên Instagram hay Twitter, mà có từ năm 1887, cùng với việc người Pháp đem theo chủ nghĩa thực dân và thành lập Đông Dương thuộc Pháp. Cái bánh lúc đó, chỉ đơn giản là bánh mì Pháp (Baguette) nhồi pate và bơ. Tới độ 1954 khi người Việt đẩy Pháp ra khỏi bờ cõi, cũng là lúc họ cải tạo lại ổ bánh mì cho ra cái riêng của họ, bằng thịt heo, rau dưa và kết quả là cái loại bánh mì chúng ta đang biết.

Cả thế giới chẳng ai biết tới loại sandwich thần thánh này, mãi cho đến khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975. Những người di cư sang Quê Kỳ, Châu Âu và Úc đã ôm ra biển lớn những công thức nấu ăn của miền Nam Việt, bao gồm cả món bánh mì đặc sản của họ. Cũng bởi vậy: nếu ăn bánh mì ở hải ngoại, chính là bạn đang ăn bánh mì theo khẩu vị miền Nam, với cái ổ to tướng, nhiều loại rau củ hơn, và có nhiều ơ tờ ớt.

Kỳ cục là, tôi đã mê mấy ổ bánh mì hải ngoại hơn là những ổ bánh mì trong nước Việt. Khi ăn thử một cái bánh mì ở Sài Gòn vài năm trước, tôi đã gặp phải một ổ bánh mì cũ với phần nhân siêu keo kiệt bao gồm một lớp patê mỏng lét, vài lát thịt nguội, và rau thì thuộc thể loại chẳng có gì đặc biệt. Tôi đã cạch bánh mì bản xứ từ sau cái ổ đầu đời đó. Lúc đó tôi phải chấp nhận rằng mình đã được ăn những ổ bánh mì ra hồn hơn ở New York, thậm chí là Minneapolis! Là tôi bị hoang tưởng? Có thật là bánh mì ở ngoài Việt Nam thì ngon hơn trong nước chăng? Tôi phải tìm ra câu trả lời! Liệu lòng tin của tôi đối với bánh mì trên chính quê hương xứ sở của nó có được phục hồi? Liệu có thực sự nó là loại sandwich ngon nhất thế giới?

Đi cùng với tôi tới tiệm bánh mì Phố Huế, là Geoffrey Deetz – một đầu bếp và chuyên gia ẩm thực Việt Nam đã sống tại đây 15 năm -, ổng đang hỏi người bán bánh mì về các thành phần của nó. Còn tôi thì đang nhận lấy ô bánh mì từ tay người bán, ổ bánh mì thân thương được bọc bằng giấy ăn và cọng thun. Tôi banh ổ bánh mì ra để ngó tổng thể các thành phần nội dung ở trỏng: thịt heo, xá xíu heo, chà bông, patê, ngũ vị hương và bơ. Người ta rưới lên trên đó một loại nước sốt thịt có lẫn ớt. Thật ngộ là tôi đã không thấy ở trong ổ bánh mì này bất kì loại rau củ nào tôi đã từng thấy ở bánh mì Sài Gòn và bánh mì Hải ngoại. Deetz day đầu qua nói với tôi: “Bánh mì ở Hà Nội hắn đơn thuần như rứa đó! Chớ nếu mà đưa cho dân Hà Nội cái loại bánh mì nhiều kiểu rau củ như ở các nơi khác, chắc là họ sẽ tung lên trời như bắn pháo hoa!” :))

mav018

Bánh mì phố Huế, Hà Nội.

Đỡ cái là, tôi đã không tung nó lên trời. Cái ổ bánh mì này nó thiệt là khác biệt quá đi! Độ giòn của lớp vỏ đã dẫn dụ theo cái vị ngon quyện hòa của phần thịt và gia vị một cách nhẹ nhàng đứng đắn. Tôi thích nó thiệt rồi!

“Dân Hà Nội họ hông có thích cái sự pha trộn phức tạp hỗn độn tùng phèo đâu đó mà!” – Deetz nói tiếp. “Nhưng cái gì cũng có lý của họ! Chà bông để ngấm nước sốt, pa tê làm miếng bánh mì khi cắn ra được mềm mại, còn ổ bánh mì nướng giòn thì hợp với thời tiết ẩm như ở Việt Nam lắm đó mà!”

Trong mấy ngày chu du ở Việt Nam, tôi cũng đã ráng kiếm cho được một ổ bánh mì Hội An, cái thành phố được UNESCO xếp loại di sản thế giới ở mép biển miền Trung. Ở một cái địa bàn nổi tiếng với đất đai phì nhiêu và cây cỏ um tùm, tôi không lấy làm lạ lùng chi khi mà thấy cái ổ bánh mì nó được nhét đầy ắp rau củ quả.

Cũng như hồi ở Hà Lội, tôi đã hỏi hết mọi người về cái nơi bán bánh mì được ưa chuộng nhất. Và câu trả lời đồng loạt là BÁNH MÌ PHƯỢNG (2B Phan Châu Trinh), một cửa hàng nhỏ chút chun ở trong lòng phố cổ. Tôi kêu một ổ bánh mì truyền thống, cái kiểu mà trong quan niệm của tôi, nó bao gồm “bánh mì, thịt heo, jambon, pa tê”. Nhưng rốt cuộc họ đã làm cho tôi cái ổ có nhiều thứ hơn: dưa leo xắt lát dài, ngò tươi, cà rốt ngâm, mấy miếng cà chua nhìn rất đã. Tiếp đó là họ rưới tương ớt lên, cùng với hai kiểu nước sốt do họ làm: một cho thịt nóng và một cho thịt nguội.

Bánh mì Phượng, Hội An.

Cái nguyên liệu quan trọng để làm nên một ổ bánh mì ngon, trước hết, là cái bánh mì bọc ngoài. Ổ bánh mì lởm, vừa cứng khô, sẽ làm hỏng bét tất cả. Bánh mì Phượng, nướng ngay tại cái lò ngay cửa, thực là rất mềm mại ở phần ruột, trong khi vẫn giòn tưng ở lớp vỏ bên ngoài. Chu choa! Thịt heo hảo hạng, hai loại nước sốt thịt và một chút ngạc nhiên khi thấy cà chua và đu đủ ngâm, và tôi đã có cái bánh sandwich siêu ngon ở trong tay.

Tính ra tôi đã xơi tái khoảng 15 ổ bánh mì trong hơn 2 tuần ở Việt Nam. May cho tôi là tôi đã được ăn những cái bánh mì ngon hơn so với cái bánh bản xứ tôi đã từng ăn. Cái bánh mà tôi đã thử ở Sài Gòn mấy năm về trước – cái bánh đã khiến tôi phải chia tay trong nước mắt với bánh mì một thời gian – thì ra chỉ là một sự hên xui, một tai nạn.

Tôi bỗng nhớ đoạn đối thoại trong phim The Simpsons, cái đoạn mà Homer thắc mắc lo âu trước việc con gái mình, Lisa, trở thành người ăn chay:

“Rứa còn thịt heo muối?” Homer hỏi.
“Ứ!” Lisa nói.
“Giăm bông heo?”
“Ứ!”
“Sườn heo?”
“Ứ!” Lisa nhõng nhẽo. “Ba ơi! Tất cả những cái đó thì có khác chi nhau, chúng đều làm từ một con vật là con hờ eo heo đó mà!”
“Ờ ha! Quá chuẩn!” Homer nói. “Tuyệt vời, bá đạo, chỉ một loại con vật!”

Sự kết hợp giữa nhiều thứ từ thịt của một con vật là con heo, với rau củ tươi và được nhét hết vô một ổ bánh mì giòn đó, làm tôi phải thốt lên: “Sao một cái bánh mì kẹp mà nó quá thần thánh, quá ảo diệu đi!”

Trần Khiêm dịch (MAV.vn)

Bạn đã ăn Cao Lầu chưa?

Trong thời gian ở Hội An, mình đã gặp khá nhiều khách nước ngoài mê món đặc sản này. Trong khi ngay cả dân Hội An, cũng có người không ăn được.

Hội An bé nhỏ, mà chỉ cần ra khỏi Hội An vài bước thôi đã rất khó kiếm ra quán Cao Lầu. Tức là cả Việt Nam này Cao Lầu chỉ túm tụm ở cái khu phố cổ rêu xanh đèn đỏ tường vàng kia, chứ không thèm quảng cáo ở đâu hết, nhưng cũng rất nổi tiếng.

Muốn nổi tiếng như rứa ắt hẳn nó phải có cái gì đặc biệt.

Và theo mình thì đúng là Cao Lầu mang lại ấn tượng đặc biệt. Không na ná với bất kỳ 1 món ăn Việt Nam nào khác.

Mới ngó qua thì thấy cũng đơn giản: cũng sợi, cũng nước, cũng tương, cũng rau, cũng tô, cũng đũa… Nhưng phải hỏi mới biết thứ sợi gạo xỉn xỉn màu đó hiện nay ở Hội An chỉ có vài nhà làm, với nước ngâm gạo là nước tro; trong đó tro lấy từ củi ở Cù Lao Chàm, còn nước chỉ được lấy ở giếng Bá Lễ (Hội An).

Nghe Cù Lao Chàm, rồi giếng Bá Lễ, là bắt đầu thấy khó dễ rồi.

Nhưng phải đủ quy trình như vậy mới ra sợi Cao Lầu, mới được kêu là Cao Lầu.

Bạn không thể xếp Cao lầu vô thể loại bún, phở, có nước hay khô, trộn này nọ… Cao lầu vừa khô vừa ướt, vừa cứng vừa mềm, vừa mặn vừa lạt, vừa dai vừa giòn, vừa cay vừa ngọt, vừa giản dị vừa cầu kì, vừa rẻ vừa …sang. Bạn chưa ăn thì chưa tin. Ăn rồi, tin rồi, thì sẽ xảy ra 1 trong 2 trường hợp: hoặc là bạn thấy nó rất ngon, hoặc bạn chưa hiểu là mình vừa ăn “cái chi lạ rứa”.

Nhưng theo mình thì trường hợp thứ nhất dễ xảy ra hơn ^ ^

 Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Báo Mỹ khen món cao lầu của Hội An

(Dân trí) – Cao lầu từ lâu đã được nhắc đến như món ăn đặc trưng góp phần làm nên cái hồn ẩm thực của phố Hội. Cao lầu của Hội An không đụng hàng với món sợi của bất cứ vùng miền nào.


Cao lầu, món đặc sản của Hội An

Tờ Huffington Post của Mỹ vừa đăng tải một bài viết giới thiệu những món đặc sản vùng miền đáng để du khách khám phá trong các chuyến du lịch của mình, trong đó có món cao lầu của Hội An.

Tác giả viết: “Trên thế giới có biết bao món ăn nổi tiếng, chỉ cần nhắc đến món ăn đó là người ta biết là của quốc gia nào, chẳng hạn như Sushi của Nhật Bản hay mì Ý…Tuy nhiên, có những món ăn vùng miền vô cùng hấp dẫn mà có thể bạn chưa từng được biết tới. Chúng không nổi tiếng trên toàn thế giới nhưng khi đã thưởng thức rồi thì bạn sẽ khó quên hương vị của chúng.”

Trong danh sách những món ăn vùng miền ấy có món cao lầu của phố cố Hội An cùng với nhiều món ăn khác như món cơm trộn Ochazuke của Nhật Bản; món Gà 65 của Ấn Độ; món hầm Pozole của Mexico; món Ful medames (đậu fava nấu các loại gia vị và dầu ôliu) của Ai Cập và Sudan.

Các món ăn khác được nhắc đến là Khao Soi của Lào và Thái Lan (là sự pha trộn của mì trứng chiên giòn hay mềm, thịt gà, nước cốt dừa, nghệ, chanh, rau mùi và hẹ tây); món súp thịt được nấu trong một hốc đá dưới đất Pachamanca của Peru và món thịt khô Biltong của Nam Phi.

Mới nhìn cao lầu trông giống. như mì, nhưng không phải mì. Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, đảo cách Hội An 16 km, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô.

Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy nên dù cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.

Người ta thường ăn cao lầu với giá nhúng trong nước sôi nhưng không được quá mềm. Thêm ít rau sống, được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương… và tép mỡ vỡ tan trong miệng.

Nhiều người cũng có tham vọng làm cao lầu ở nơi khác, nhưng tất cả đều thất bại. Có người nói rằng chính nước giếng Bá Lễ và tro của cù lao Chàm và rau sống Trà Quế mới làm nên món ẩm thực đặc trưng này.


Phố cổ Hội An
Một đặc trưng khác của cao lầu là muốn ăn món này phải leo lên lầu cao của quán. Khi xưa các doanh nhân buôn bán nơi phố cảng vì muốn trông coi hàng hóa của mình nên thường leo lên lầu cao của quán. Điều này có thế thấy ở các quán cao lầu Hội An. Ngồi trên lầu cao ngắm cảnh đẹp và thưởng thức món ngon, đây có thể là xuất phát của tên gọi cao lầu.Ngày nay cao lầu được bán ở nhiều nơi trong nước, thậm chí ở cả nước ngoài  và người đã thưởng thức cao lầu Hội An sẽ thấy hẫng hụt vì thấy vị của nó có cái gì đó thiếu đậm đà như vị ở phố Hội.Đến nay, vẫn còn một số tranh cãi về nguồn gốc của món cao lầu: nhiều người cho rằng món này của người Hoa, còn người Nhật thì cho rằng nó giống mỳ udon của họ nhưng khác về hương vị và cách chế biến.Theo tác giả của bài viết trên Huffington Post, có thể ở đâu đó vẫn còn một số lời tranh luận về nguồn nguồn gốc của món cao lầu, nhưng chất lượng của nó hoàn toàn là điều không phải bàn cãi.

Cao lầu không nổi tiếng như nhiều món ăn khác ở Việt Nam nhưng nó thật đáng để thưởng thức khi đến Hội An vì đó là món ăn đặc trưng góp phần làm nên cái hồn ẩm thực nơi đây. Người ta vẫn thường bảo nhau: Nếu chưa ăn Cao Lầu thì coi như chưa tới Hội An.