ĐỘC ĐÁO CƠM GÀ “ĂN TỚI ĐÂU, TRẢ TỚI ĐÓ” Ở PHAN RANG

Nếu bạn từng có dịp đi đến đất Phan Rang nắng gió, ắt hẳn sẽ biết đến món “Cơm gà Phan Rang”. Cho dù chưa ghé quán ăn nhưng bạn sẽ thấy những bảng hiệu cơm gà lớn nằm ở ngay cửa ngõ thành phố.

Đất Phan Rang – Ninh Thuận nổi tiếng là nơi còn giữ lại nhiều tháp Chàm – kiệt tác kiến trúc của những triều đại Champa từng hùng cứ nơi đây. Phan Rang còn là nơi hấp dẫn du khách bởi những vườn nho rộng lớn, đẹp đẽ cũng như những bãi biển xanh biếc mời gọi. Khách đã đến với Phan Rang lại càng nhớ vùng đất này hơn qua những món đặc sản như Bánh xèo, bánh căn, bánh canh chả cá… cùng một món ăn độc đáo không thể không kể đến đó là cơm gà Phan Rang.

Tháp Chàm Po Klong Garai, di tích Champa nổi tiếng nhất Phan Rang. Ảnh: Trần Khiêm.

Cơm gà Phan Rang là món ăn khá “sang” ở miền đất này. Một phần tạo nên “đẳng cấp” của món ăn đó là nhờ vào sự cầu kỳ trong khâu chọn lựa, chế biến của nó. Theo nhiều người sành ăn, món cơm gà Phan Rang có thể có nguồn gốc từ món cơm gà Hải Nam nổi tiếng của dân đảo Hải Nam, Trung Quốc. Tuy vậy, cơm gà Phan Rang đã tạo ra được những nét riêng đủ để thỏa lòng người muốn khám phá, trải nghiệm.

Cầu kỳ trong chế biến…

Để có vị ngọt, kết cấu mềm, thì món gà trong dĩa cơm gà Phan Rang phải làm từ gà mái đẻ lứa đầu. Gà phải là giống gà ta nuôi thả vườn. Thịt gà được luộc với lượng nước vừa đủ, để khi nấu xong nước đạt độ sánh quyện để dùng làm nước nấu cơm.

Gạo được ướp với tỏi, gừng cho thơm sau đó xào sơ cho bóng màu và chắc hạt, trước khi nấu chung với nước luộc gà đến khi nước vừa cạn. Công đoạn tiếp theo là chuyển cơm qua nồi hấp. Phương pháp nấu khá cầu kỳ này mang lại cho món cơm kết cấu chắc, rời hạt nhưng vẫn mềm mại, và còn có màu vàng ươm bắt mắt.

Một phần quan trọng trong món cơm gà này là nước chấm. Có nhiều loại nước chấm để dùng kèm món gà này tùy theo nơi chế biến. Nhưng thường thấy nhất là muối chiêu chanh, muối ớt hành và nước mắm pha hèm rượu – một loại nước chấm khá đặc biệt.

Thịt gà trong món cơm gà Phan Rang. Ảnh: Huấn Phan.

Khi bạn gọi cơm gà, phục vụ sẽ bưng ra khá nhiều dĩa: Dĩa đựng cơm, dĩa đựng gà, dĩa đựng rau bao gồm rau răm và dưa leo, cùng vài dĩa nhỏ đựng đồ chấm. Sau đó là đến lượt thưởng thức của bạn.

Bạn sẽ cảm nhận sự khác biệt ngay khi cắn miếng gà đầu tiên: phần da gà không dai mà rất mềm, cắn nhẹ là ngập răng ngay, trong khi thịt gà mềm, hơi dai và có vị ngọt rất tự nhiên, hòa quyện với chút vị mặn điểm trên miếng da gà. Chấm gà vào mỗi loại đồ chấm bạn sẽ cảm nhận sự thay đổi về hương vị. Phần cơm có hạt rời nhưng dẻo mềm, thơm thoang thoảng mùi gừng, tỏi và vị ngọt của nước luộc gà. Phần ăn tuy để riêng từng loại, nhưng rất cả đều quan hệ, cộng hưởng với nhau, từ miếng gà, hạt cơm, cọng rau răm hay nước chấm, điều đó tạo nên sự ngon miệng khiến bạn khó mà dừng đũa.

…và độc đáo trong cách phục vụ

Tuy nhiên, có một điều bạn cần lưu ý khi ăn món cơm gà đặc biệt này tại các hàng quán ở Phan Rang. Đó là khi dọn cơm cho khách, trong đĩa gà có nhiều miếng gà chặt vừa vặn, đều đặn, lượng gà hơi nhiều một chút so với khả năng ăn của thực khách. Nhiều người mới ăn lần đầu, thấy vậy không nghĩ gì, cố ăn cho hết, nhưng đến khi tính tiền thì lại giật mình khi phải thanh toán số tiền gấp đôi, gấp ba số tiền một đĩa cơm.

Chủ quán sẽ không đợi bạn nổi nóng, mà nhẹ nhàng giải thích cho bạn rằng cơm gà ở đây bán theo kiểu “ăn tới đâu, trả tới đó”, bạn ăn một miếng thì sẽ tính theo đúng giá ghi trên bảng giá. Nhưng nếu ăn thêm miếng thứ hai, thứ ba, số tiền sẽ được cộng lên, trong khi giá một miếng gà cũng gần bằng đĩa cơm. Nếu bạn chỉ ăn một miếng, phần gà còn lại sẽ không tính tiền, để rồi sau khi bạn ăn xong, phần thịt gà đó được dọn đi để phục vụ người khác.

Một phần cơm gà Phan Rang. Trong đĩa gà có tới 3 miếng gà, ăn tới đâu tính tiền tới đó. Ảnh: Trần Khiêm.

“Quy luật” độc đáo này không hề được giải thích từ đầu hoặc ghi trên bảng giá của quán ăn, khiến cho nhiều khách mới tới ăn lầm tưởng là quán bán rẻ, dọn nhiều gà, bỏ thì tiếc nên phải cố ăn hết, để rồi phải thanh toán giá tiền cao bất ngờ. Nhiều khách du lịch vừa ăn ngon xong lại phải “tức ngực” vì vấn đề này.

Lạ và dễ “hiểu lầm” như vậy, nhưng tìm hiểu nhiều nơi mới biết, đối với món Cơm gà Phan Rang, kiểu bán này là rất bình thường.

Bỏ qua cách phục vụ khá lạ lẫm nhưng cũng khá dễ gây ngộ nhận đối với ai chưa biết, thì cơm gà Phan Rang là một món ăn ngon lành và đặc biệt. Nếu có dịp đến Phan Rang, hãy ghé thử một trong những quán cơm gà nổi danh như Khánh Kỳ, Phước Thành hoặc các quán đông khách nào bạn phát hiện được để thưởng thức món ăn trứ danh này…

Mẹo: Các quán cơm gà thường tập trung ở trên đường Trần Quang Diệu, Phan Rang – Tháp Chàm.

Gia Hân.

 

(MAV) Văn hóa Việt Nam có cội nguồn từ nền văn minh lúa nước, vì thế, sự phổ biến của các món cơm là điều dễ hiểu. Ngoài món cơm trắng ăn hàng ngày, cơm còn được chế biến ra thành nhiều món ăn khác nhau. Trong số đó, có những món mai một dần, có những món ngày càng trở nên phổ biến, và hơn nữa, trở thành “đặc sản” tiêu biểu cho cả một vùng miền.

Cơm tấm:

Cơm tấm là món ăn có gốc miền Tây Nam bộ, nhưng hiện nay, có thể thấy nó là món ăn nổi tiếng nhất, có thể xem như đặc sản của đất Sài Gòn. Cơm tấm nấu từ hạt gạo tấm, xưa là loại gạo thứ phẩm, thường cho gà ăn, nhưng đến khi người ta khám phá được sự ngon miệng của loại cơm này, thì nó đã nhanh chóng được đưa lên hàng đỉnh cao ẩm thực. Cơm tấm truyền thống thường ăn với các nguyên liệu sườn, bì, chả, trứng, và nước mắm ngọt…. ngày nay nhiều tiệm cũng mở rộng danh mục món, có cả thịt kho tàu, gà, mắm chưng… Thường được xem là món ăn sáng ngon miệng, chắc bụng, nhưng trong những năm gần đây, cơm tấm cũng trở thành một món ăn đêm phổ biến.

 

Cơm âm phủ:

Chỉ có ở Huế. Món cơm nghe tên khá dị này, thực ra lại bao gồm toàn những nguyên liệu quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, đó là cơm trắng, chả, thịt, nem, dưa leo, tôm, gà… tùy theo nơi làm. Nhưng nhìn chung, cơm Âm phủ là sự phối hợp của nhiều loại thức ăn với nhau, ăn với nước mắm chanh đường. Ngày nay cơm âm phủ thường được bán ở các nhà hàng Huế, khá đắt tiền, nhưng xưa kia, nó là món cơm bình dân bán cho những người lao động khuya, với thành phần là thức ăn thừa ban ngày đem kết hợp lại.

 

Cơm hến.

Lại một món ăn nữa của Huế. Nhưng cơm Hến ngon nhất không phải ở nhà hàng như cơm âm phủ, mà là ở vỉa hè Huế, trong các quán nhỏ, rẻ tiền. Cơm Hến đặc trưng vị Huế, với mắm ruốc mặn mòi, cơm nguội khô rời, nước hến ngọt, miếng ớt cay xè, chát chát của bông chuối, chua chua của chanh, bùi bùi của đậu phộng, nhưng tất cả phối hợp lại, thì trở nên một món ăn, một hương vị không thể lẫn lộn đi đâu, nên cũng không thể quên được. Nếu đi Huế, nên ghé đường Hàn Mặc Tử bên kia đập đá, là nơi nổi tiếng với nhiều quán cơm Hến ngon.

 

Cơm cháy ninh bình.

Một trong 10 món đặc sản Việt Nam được công nhận kỉ lục châu Á. Món ăn do một người Ninh Bình tên là Đinh Hoàng Thăng sáng tạo. Cơm cháy Ninh Bình là loại cơm cháy đít nồi giòn tan, mỏng đều, khi ăn thì chiên cho giòn, rồi ăn với thịt dê hoặc bò, có thể dùng nội tạng lợn như tim, cật, xào với các loại rau củ…Để cho cơm cháy được ngon nhất, người ta thường dùng rượu nếp Hương. Đến Ninh Bình mà chưa ăn cơm cháy, nhậu rượu kim sơn, thưởng thức dê núi, thì coi như chưa đến Ninh Bình.

 

Cơm chiên Dương Châu:

Một món ăn nổi tiếng tại Việt Nam, nhưng mang tên một địa danh Trung Quốc, đó là cơm chiên Dương Châu. Đây là món cơm nổi tiếng thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc. Cơm chiên được làm công phu hơn bình thường, với các nguyên liệu rau, đậu, tôm, thịt thái nhỏ và chiên trong chảo với cơm. Cơm chiên Dương Châu tại Việt Nam đã được điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị người Việt. Thường dùng ăn sáng, ăn thường ngày và ăn tiệc, có khi kèm với các món bánh. Tại Việt Nam, món này phổ biến nhất ở Sài Gòn, nơi có vùng Chợ Lớn rất đông người hoa sinh sống.

 

Cơm lam:

Đưa chân anh qua đồi / Cơm lam đem theo người / Lên cao anh ôm trời / Để dòng suối lẻ loi…(Phạm Duy trong Con đường Cái Quan). Cơm Lam là một món ăn đặc trưng của các dân tộc miền cao Việt Nam, đặc biệt là ở Tây Bắc. Cơm là loại gạo, thường dùng gạo nếp, ôi khi trong gạo có trộn lẫn vừng, dừa, khoai, ngô… Điểm đặc sắc của cơm lam là được nướng chín bằng ống tre nứa, nên rất thơm ngon. Cơm lam ăn kèm muối vừng là phổ biến, sang hơn thì có thịt lợn rừng, thịt gà… Cơm lam rất tiện lợi để vận chuyển đối với người đi trận mạc ngày xưa, hay rừng núi ngày nay… Tại miền xuôi, cơm lam là món đặc sản khó kiếm, muốn ăn phải lên các tỉnh vùng cao, hoặc vào nhà hàng.

 

Cơm gà:


Cũng như nhiều nước trên thế giới, người Việt Nam có món cơm gà rất được ưa thích. Cơm gà nổi tiếng, ở mức đặc sản, thì phải kể đến cơm gà Hội An, cơm gà Tam Kỳ, cơm gà Phan Rang, Cơm gà Hải Nam (kiểu Trung Quốc)… Và gần đây là cơm gà xối mỡ, cơm gà chiên giòn. Mỗi món có một vị ngon riêng vì cách chế biến cũng khác nhau. Trong khi cơm gà Hội An thường là cơm ăn với gỏi gà, gỏi đu đủ, thì cơm gà Hải Nam ăn với gà luộc, cơm gà Phan Rang nổi tiếng với chất lượng gà ta, cơm gà chiên thì thường thơm mùi nước mắm, dùng gà công nghiệp cho mềm, béo, dễ ăn hơn.

 

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Cách làm Cơm gà Hải Nam

Cơm gà Hải Nam là món ăn nổi tiếng của Trung Quốc nhưng khá phổ biến ở vùng Đông Nam Á. Tại Việt Nam, món cơm gà Hải Nam đã nỏi tiếng với cộng đồng người gốc Hoa ở Chợ Lớn Sài Gòn từ lâu. 

Nguyên liệu:

  • Gà ta hoặc gà đi bộ: 1 con
  • Gạo: đủ 1 bữa cơm
  • Gừng: 1 củ to, xắt lát 2mm
  • Hành lá xắt nhỏ.
  • Hành củ, tỏi băm nhuyễn
  • Xì dầu, tiêu, gia vị
  • Bơ Tường An.
  • Rau tùy chọn để nấu canh ăn kèm.

Cách làm:

  • Luộc gà:

– Thịt gà rửa sạch, để ráo. Lạng bớt một phần mỡ ra để riêng. Lấy muối hột chà lên mình gà cho sạch.
– Mở bụng gà nhét mấy miếng gừng & hành lá vào rồi đậy lại. Bước này là để gà luộc được thơm.
– Bắc một nồi nước đủ ngập con gà để luộc gà, bốc 1 nhúm muối thả vào nồi (chưa bật lửa), cho gà vào rồi mới đậy nắp nồi, bật lửa lớn. Nước sôi thì hớt bọt. Sôi chừng 5 phút thì vặn nhỏ riu riu nấu tiếp chừng 30 phút đồng hồ. Lấy cây tăm đâm vô gà soi coi có còn màu hồng không, nếu còn hồng thì nấu tiếp cho chín hẳn.
– Sau khi gà chín, bắt ra khỏi nồi và nhúng ngay vào cái chậu có chứa nước đá, nhúng cho tới khi cảm thấy da gà nguội rồi thì lấy ra. Như vậy sẽ có gà luộc da giòn.
– Để gà cho ráo, rồi chặt ra từng miếng vừa ăn.
– Phần nước luộc gà để đó chút nữa dùng tới.

  • Nấu cơm:

– Gạo vo sạch rồi để cho ráo nước.
– Chuẩn bị cái nồi bự, cho phần mỡ gà khi nãy vào, kèm theo 1 muỗng canh bơ Tường An, nấu cho tan hết ra rồi cho hành tỏi băm vào phi thơm.
– Trút gạo đã ráo vào nồi, xào trong khoảng 5 phút cho gạo hơi trong, thì hớt phần mỡ vàng trên nước luộc gà cho vào nồi.
– Đổ thêm 1 lượng nước luộc gà vào nồi sao cho xâm xấp mặt cơm, vừa đủ nấu cơm (nhiều quá coi chừng nhão). Vặn lửa vừa nấu tiếp cho tới khi cơm chín (khoảng 30 phút).
– Cơm chín thì xới lên cho tơi.

  • Phần nước ăn kèm:

Chấm gà: Pha muối, đường, ớt, vắt miếng tắc thành một hỗn hợp sền sệt cay nồng để chấm thịt gà.
Nước chan vào cơm: Làm nước mắm gừng, hoặc xì dầu.
Canh: Dùng loại rau gì tùy thích, cho vào nấu trong nước dùng gà.

Xong! Nấu món này hơi mệt, bạn nên chuẩn bị trước từ sớm rồi khi ăn mới bắt tay vào làm các bước cuối, như vậy đỡ mệt, ăn ngon miệng hơn.

Bé Thúi