Cách nấu món CƠM CHIÊN KIM CHI

Chút thay đổi trong món cơm rang thường ngày sẽ mang đến cho bữa điểm tâm nhà bạn một hương vị mới mẻ và hấp dẫn.

Nguyên liệu:

  • – 3/4 bát kim chi thái nhỏ
  • – 1/3 bát nước kim chi
  • – 1/2 thìa súp nước tương
  • – 2 thìa nhỏ mè rang
  • – 3 bát cơm trắng
  • – 1 thìa súp dầu ăn
  • – Hành lá thái nhỏ
  • – 1-2 quả trứng.

Thực hiện:

Bước 1: 

Trộn kim chi cùng nước tương cho ngấm đều.

Bước 2:

Bắc chảo cho tí dầu ăn rồi cho kim chi đã ướp vào xào vàng.

Bước 3:

Tiếp theo cho cơm vào đảo cho tới khi có độ giòn ưng ý.

Bước 4:

Cuối cùng cho nước kim chi vào đảo lên thật đều. Cơm chiên thành phẩm phải tơi, khô, màu sắc nhuộm đều hấp dẫn. Cuối cùng rắc hành lá đảo đều.

Ăn nóng. Có thể ăn kèm mè rang, hột gà ốp la.



Tú Độ

Cách làm CƠM CHIÊN BỌC TRỨNG

Cách làm sau đây sẽ giúp cho món cơm chiên quen thuộc trở nên mới mẻ và đầy hấp dẫn.

Nguyên liệu:

  • – 2 chén cơm nguội
  • – 1 quả ớt xanh thái nhỏ; 1 ít dưa chuột thái nhỏ; ngô ngọt đã luộc chín; đậu Hà Lan
  • – 2-3 quả trứng gà
  • – Gia vị: Sốt cà chua, hạt vừng rang chín, muối, hạt tiêu, xì dầu, hành lá, tỏi, dầu ăn vừa đủ

Cách làm:

Bước 1: Làm nóng dầu ăn trong chảo. Lần lượt cho hành lá thái nhỏ, tỏi băm nhỏ, cơm, xì dầu, ngô ngọt, đậu Hà Lan vào chiên. Vừa chiên vừa đảo đều. Khi cơm săn lại, cho dưa chuột, ớt xanh, muối, tiêu vào.

Bước 2: Vừa chiên vừa đảo thật đều tay. Khi các nguyên liệu chín, cơm săn, cho hỗn hợp cơm chiên ra đĩa.

Bước 3: Đập trứng ra bát, thêm hành, gia vị và một ít dầu ăn vào trộn thật đều. Làm nóng dầu ăn trong chảo sau đó đổ bát trứng vào, chiên cho trứng se lại và gần chín. Đổ cơm chiên lên trên trứng rồi cuộn trứng lại để trứng bọc hết phần cơm. Chiên thêm một xíu rồi cho trứng ra đĩa.

Bóp tương ớt hoặc sốt cà chua lên trên rồi thưởng thức!

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với cách làm trứng cuộn cơm chiên!

Theo Ngọc Anh

Dou

Khám phá

 

Cách làm CƠM RANG DƯA BÒ

Cơm Rang Dưa Bò ngoài quán tất nhiên là rất ngon, nhưng không phải lúc nào cũng ra quán được. Vì vậy, với những ai trót yêu món này, thì việc trang bị cho mình một công thức làm món này là điều cần thiết.

*** Cơm rang: cách gọi của miền Bắc. Trong Nam và Trung, gọi là cơm chiên.

Nguyên liệu:(cho một đĩa)

– Một chén cơm nguội

– 1/2 chén dưa cải muối

– Nửa lạng thịt bò (tùy thích)

– Hột vịt: 1 trái

– Tỏi, các gia vị thông thường

Thực hiện:

Bước 1:  Thịt  bò xắt miếng mỏng, ướp với chút dầu ăn cho mềm, nêm thêm tỏi băm, hạt nêm, ướp trong vòng 20 phút.  Dưa chua xắt miếng nhỏ.

Bước 2: Cơm nguội làm cho tơi ra (không vón cục).

Bước 3: Bắc chảo cho chút dầu ăn, phi thơm tỏi rồi cho thịt bò, dưa chua vào xào lửa lớn đến khi bò vừa chín thì trút tất cả ra một bên.

Bước 4: Tiếp tục cho cơm nguội đã bóp tơi vào chảo, tay đảo đều, đập quả trứng vịt vào… Đảo đều tay tới khi cơm tơi, vừa khô. Nêm thêm nước mắm, hạt nêm cho vừa miệng.

Bước 5: Cuối cùng cho thịt bò và dưa vào lại chảo đảo đều cùng cơm (nếu thích đẹp thì bỏ qua bước này, bỏ thịt và dưa xếp lên trên cơm). Sau đó trút ra dĩa, ăn khi còn nóng.

 

(MAV) Văn hóa Việt Nam có cội nguồn từ nền văn minh lúa nước, vì thế, sự phổ biến của các món cơm là điều dễ hiểu. Ngoài món cơm trắng ăn hàng ngày, cơm còn được chế biến ra thành nhiều món ăn khác nhau. Trong số đó, có những món mai một dần, có những món ngày càng trở nên phổ biến, và hơn nữa, trở thành “đặc sản” tiêu biểu cho cả một vùng miền.

Cơm tấm:

Cơm tấm là món ăn có gốc miền Tây Nam bộ, nhưng hiện nay, có thể thấy nó là món ăn nổi tiếng nhất, có thể xem như đặc sản của đất Sài Gòn. Cơm tấm nấu từ hạt gạo tấm, xưa là loại gạo thứ phẩm, thường cho gà ăn, nhưng đến khi người ta khám phá được sự ngon miệng của loại cơm này, thì nó đã nhanh chóng được đưa lên hàng đỉnh cao ẩm thực. Cơm tấm truyền thống thường ăn với các nguyên liệu sườn, bì, chả, trứng, và nước mắm ngọt…. ngày nay nhiều tiệm cũng mở rộng danh mục món, có cả thịt kho tàu, gà, mắm chưng… Thường được xem là món ăn sáng ngon miệng, chắc bụng, nhưng trong những năm gần đây, cơm tấm cũng trở thành một món ăn đêm phổ biến.

 

Cơm âm phủ:

Chỉ có ở Huế. Món cơm nghe tên khá dị này, thực ra lại bao gồm toàn những nguyên liệu quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, đó là cơm trắng, chả, thịt, nem, dưa leo, tôm, gà… tùy theo nơi làm. Nhưng nhìn chung, cơm Âm phủ là sự phối hợp của nhiều loại thức ăn với nhau, ăn với nước mắm chanh đường. Ngày nay cơm âm phủ thường được bán ở các nhà hàng Huế, khá đắt tiền, nhưng xưa kia, nó là món cơm bình dân bán cho những người lao động khuya, với thành phần là thức ăn thừa ban ngày đem kết hợp lại.

 

Cơm hến.

Lại một món ăn nữa của Huế. Nhưng cơm Hến ngon nhất không phải ở nhà hàng như cơm âm phủ, mà là ở vỉa hè Huế, trong các quán nhỏ, rẻ tiền. Cơm Hến đặc trưng vị Huế, với mắm ruốc mặn mòi, cơm nguội khô rời, nước hến ngọt, miếng ớt cay xè, chát chát của bông chuối, chua chua của chanh, bùi bùi của đậu phộng, nhưng tất cả phối hợp lại, thì trở nên một món ăn, một hương vị không thể lẫn lộn đi đâu, nên cũng không thể quên được. Nếu đi Huế, nên ghé đường Hàn Mặc Tử bên kia đập đá, là nơi nổi tiếng với nhiều quán cơm Hến ngon.

 

Cơm cháy ninh bình.

Một trong 10 món đặc sản Việt Nam được công nhận kỉ lục châu Á. Món ăn do một người Ninh Bình tên là Đinh Hoàng Thăng sáng tạo. Cơm cháy Ninh Bình là loại cơm cháy đít nồi giòn tan, mỏng đều, khi ăn thì chiên cho giòn, rồi ăn với thịt dê hoặc bò, có thể dùng nội tạng lợn như tim, cật, xào với các loại rau củ…Để cho cơm cháy được ngon nhất, người ta thường dùng rượu nếp Hương. Đến Ninh Bình mà chưa ăn cơm cháy, nhậu rượu kim sơn, thưởng thức dê núi, thì coi như chưa đến Ninh Bình.

 

Cơm chiên Dương Châu:

Một món ăn nổi tiếng tại Việt Nam, nhưng mang tên một địa danh Trung Quốc, đó là cơm chiên Dương Châu. Đây là món cơm nổi tiếng thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc. Cơm chiên được làm công phu hơn bình thường, với các nguyên liệu rau, đậu, tôm, thịt thái nhỏ và chiên trong chảo với cơm. Cơm chiên Dương Châu tại Việt Nam đã được điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị người Việt. Thường dùng ăn sáng, ăn thường ngày và ăn tiệc, có khi kèm với các món bánh. Tại Việt Nam, món này phổ biến nhất ở Sài Gòn, nơi có vùng Chợ Lớn rất đông người hoa sinh sống.

 

Cơm lam:

Đưa chân anh qua đồi / Cơm lam đem theo người / Lên cao anh ôm trời / Để dòng suối lẻ loi…(Phạm Duy trong Con đường Cái Quan). Cơm Lam là một món ăn đặc trưng của các dân tộc miền cao Việt Nam, đặc biệt là ở Tây Bắc. Cơm là loại gạo, thường dùng gạo nếp, ôi khi trong gạo có trộn lẫn vừng, dừa, khoai, ngô… Điểm đặc sắc của cơm lam là được nướng chín bằng ống tre nứa, nên rất thơm ngon. Cơm lam ăn kèm muối vừng là phổ biến, sang hơn thì có thịt lợn rừng, thịt gà… Cơm lam rất tiện lợi để vận chuyển đối với người đi trận mạc ngày xưa, hay rừng núi ngày nay… Tại miền xuôi, cơm lam là món đặc sản khó kiếm, muốn ăn phải lên các tỉnh vùng cao, hoặc vào nhà hàng.

 

Cơm gà:


Cũng như nhiều nước trên thế giới, người Việt Nam có món cơm gà rất được ưa thích. Cơm gà nổi tiếng, ở mức đặc sản, thì phải kể đến cơm gà Hội An, cơm gà Tam Kỳ, cơm gà Phan Rang, Cơm gà Hải Nam (kiểu Trung Quốc)… Và gần đây là cơm gà xối mỡ, cơm gà chiên giòn. Mỗi món có một vị ngon riêng vì cách chế biến cũng khác nhau. Trong khi cơm gà Hội An thường là cơm ăn với gỏi gà, gỏi đu đủ, thì cơm gà Hải Nam ăn với gà luộc, cơm gà Phan Rang nổi tiếng với chất lượng gà ta, cơm gà chiên thì thường thơm mùi nước mắm, dùng gà công nghiệp cho mềm, béo, dễ ăn hơn.

 

Mỹ Mạnh (MAV.vn)