15 món ăn làm rạng danh ẩm thực Việt trên thế giới

Gỏi cuốn, cơm tấm, phở… lọt vào danh sách những món ăn Việt phải nếm của các tạp chí trên thế giới.

Chuối nếp nướng

Từng được vinh danh trong Lễ hội ẩm thực đường phố thế giới 2013 diễn ra tại Singapore, chuối nếp nướng khiến không ít người ngỡ ngàng vì mức độ thu hút của nó đối với bạn bè quốc tế tại liên hoan này. Vị ngọt từ chuối, bùi từ nếp và beo béo từ nước cốt dừa cùng chút đậu phộng rang đã làm nên một chuối nếp nướng độc đáo, chỉ từ các nguyên liệu đơn giản mà thành.

Bánh khọt Vũng Tàu

Là một trong những món ăn đạt giải thưởng Giá trị ẩm thực Châu Á, bánh khọt Vũng Tàu đã trở thành lựa chọn không thể thiếu đối với nhiều thực khách sành ăn. Bánh ngon phải có độ giòn nhất định, vàng ruộm. Ăn cùng nhiều loại rau tươi, nước mắm pha chua ngọt.

Bánh mì

Sài Gòn được mệnh danh là cái nôi của bánh mì Việt với đủ hương vị từ cơ bản đến biến tấu đa dạng, trong đó có bánh mì gà. Là sự kết tinh của phong cách ẩm thực Âu và Á nhưng mỗi ổ bánh mì lại có giá rất bình dân, chỉ từ 8 – 15k/phần. Mới đây, bánh mì gà cùng bún thịt nướng vinh dự lọt vào top 10 Món ăn siêu ngon tại Đông Nam Á.

Phở

“Pho” trở thành một danh từ riêng trong các tài liệu, từ điển thế giới là điều khiến hết thảy người Việt tự hào. Được xem là nét tinh tuý nhất của nền ẩm thực Việt, phở phù hợp cho việc dùng tại bất cứ thời điểm nào trong ngày mà không gây trở ngại mặc dù phải phục vụ khi món ăn còn nóng đến bốc khói.

Bún chả Hà Nội

Món ăn này là một đặc sản của xứ kinh kì xưa đạt được sự công nhận của quốc tế làm rang danh nền ẩm thực Việt. Bún chả Hà Nội có nguyên liệu tương tự như bún thịt nướng nhưng cách chế biến lại công phu, cầu kì hơn hẳn.

Gỏi cuốn Sài Gòn

Sự kết hợp hài hoà giữa bún tươi, thịt, tôm và các loại rau cùng nước chấm đậm đà khiến không chỉ thực khách Việt Nam mà hết thảy du khách nước ngoài đều lựa chọn gỏi cuốn là món thứ hai phải nếm thử, sau phở.

Cơm tấm

Từ những hạt gạo vỡ bị bỏ đi, cơm tấm dần trở thành món ăn quen thuộc của người dân Sài Gòn, có mặt tại hầu hết các bữa ăn bất kể khuya muộn hay sớm tinh mơ. Linh hồn của món này chính là nước mắm pha sền sệt ngòn ngọt, không quá mặn.

Bún bò Huế

Là đại diện cho nét tinh tuý của ẩm thực Huế trong đại gia đình món ăn Việt, bún bò được xem là “kẻ kế nhiệm” cho món phở trong việc truyền bá văn hoá nước nhà. Tại mỗi vùng miền, bún bò Huế được điều chỉnh hương vị sao cho phù hợp với người dân tại địa phương đó, nhưng vẫn đầy đủ nguyên liệu cơ bản là nước lèo từ xương hầm bò thơm mùi sả.

Mỳ Quảng

Món mì đặc trưng xứ Quảng sẽ khiến teen thổn thức chút đỉnh vì độ ngon khó cưỡng của nó đấy. Với các nguyên liệu phong phú, mỗi tô mì Quảng có thể khác nhau về hình thức một chút nhưng hương vị được quyết định chính hương dầu phộng và nước dùng được nấu sắc lại, vừa ăn. Để trọn hương, trọn vị khi dùng mì Quảng, teen nhớ ăn thêm rau được lấy từ làng Trà Cổ gần đó nhé.

Chả cá Lã Vọng

Là một món đặc sản của Hà Nội, chả thường được làm từ cá lăng, nướng chín trên than, sau đó được rán lại rồi bày ra ăn cùng bún rối hoặc bánh đa, chấm mắm tôm. Để món ăn thêm ngon, mắm tôm sau khi vắt chanh, đánh sủi lên thì cho vào vài giọt tinh dầu cà cuống và rượu trắng, một ít nước mỡ và đường.

Bún cá rô đồng

Xuất xứ từ Hải Dương, bún cá rô đồng được chọn là một trong 22 món ăn Việt tạo nên giá trị ẩm thực Châu Á. Những miếng cá được rút xương và chiên trong chảo dầu đầy khiến chúng giòn rụm trong miệng người ăn, húp cùng muỗng nước dùng thoảng nhẹ mùi gừng là khiến thực khách xuýt xoa không ngơi.

Cao lầu Hội An

Tuy không rõ xuất xứ và tên gọi, cách làm cao lầu vẫn được lưu giữ chính xác. Nếu không dùng nước giếng Bá Lễ cùng tro nấu bởi củi lấy từ Cù Lao Chàm thì không thể làm nên sợi mì dai dai sựt sựt – linh hồn của món ăn này được. Nét tinh tuý và chắt lọc nguyên liệu để được chất lượng tốt nhất khiến cao lầu trở thành một thức đặc sản không chỉ đẹp mắt mà còn ngon miệng của riêng phố cổ.

Hủ tíu Mỹ Tho

Món hủ tíu này  nằm trong danh sách 22 món ăn việt được tôn vinh tại Giá trị ẩm thực Châu Á. Với nước lèo đậm đà và ngọt thơm từ xương hầm, sợi hủ tíu to và trong được làm từ gạo Gò Cát nổi tiếng đã làm nên hương vị đặc trưng khiến món hủ tíu Mỹ Tho khác biệt với hủ tíu Nam Vang (nguồn gốc Campuchia) hoặc hủ tíu người Hoa.

Bún cá Châu Đốc

Bún cá Châu Đốc là món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu bởi nguyên liệu chính của món này là cá. Món này đòi hỏi nước lèo phải trong, có vị ngọt từ cá và thơm mùi ruốc đặc trưng. Vì thế, khâu chọn nguyên liệu phải kĩ càng bởi cá không tươi sẽ không thể có nước lèo ngon.

Bún suông

Bún suông, hay còn gọi là bún đuông, có xuất xứ từ Trà Vinh. Nhiều người lầm tưởng món này có nguyên liệu từ con đuông (sống trong các đọt hay thân dừa) nhưng thực chất là chả tôm, được tạo hình giống mà thôi. Cũng nằm trong top những món ngon châu Á, bún đuông được xem là đặc sản đáng tự hào của người Trà Vinh. \

Theo Ione.Vnexpress.net

Bạn đã ăn Cao Lầu chưa?

Trong thời gian ở Hội An, mình đã gặp khá nhiều khách nước ngoài mê món đặc sản này. Trong khi ngay cả dân Hội An, cũng có người không ăn được.

Hội An bé nhỏ, mà chỉ cần ra khỏi Hội An vài bước thôi đã rất khó kiếm ra quán Cao Lầu. Tức là cả Việt Nam này Cao Lầu chỉ túm tụm ở cái khu phố cổ rêu xanh đèn đỏ tường vàng kia, chứ không thèm quảng cáo ở đâu hết, nhưng cũng rất nổi tiếng.

Muốn nổi tiếng như rứa ắt hẳn nó phải có cái gì đặc biệt.

Và theo mình thì đúng là Cao Lầu mang lại ấn tượng đặc biệt. Không na ná với bất kỳ 1 món ăn Việt Nam nào khác.

Mới ngó qua thì thấy cũng đơn giản: cũng sợi, cũng nước, cũng tương, cũng rau, cũng tô, cũng đũa… Nhưng phải hỏi mới biết thứ sợi gạo xỉn xỉn màu đó hiện nay ở Hội An chỉ có vài nhà làm, với nước ngâm gạo là nước tro; trong đó tro lấy từ củi ở Cù Lao Chàm, còn nước chỉ được lấy ở giếng Bá Lễ (Hội An).

Nghe Cù Lao Chàm, rồi giếng Bá Lễ, là bắt đầu thấy khó dễ rồi.

Nhưng phải đủ quy trình như vậy mới ra sợi Cao Lầu, mới được kêu là Cao Lầu.

Bạn không thể xếp Cao lầu vô thể loại bún, phở, có nước hay khô, trộn này nọ… Cao lầu vừa khô vừa ướt, vừa cứng vừa mềm, vừa mặn vừa lạt, vừa dai vừa giòn, vừa cay vừa ngọt, vừa giản dị vừa cầu kì, vừa rẻ vừa …sang. Bạn chưa ăn thì chưa tin. Ăn rồi, tin rồi, thì sẽ xảy ra 1 trong 2 trường hợp: hoặc là bạn thấy nó rất ngon, hoặc bạn chưa hiểu là mình vừa ăn “cái chi lạ rứa”.

Nhưng theo mình thì trường hợp thứ nhất dễ xảy ra hơn ^ ^

 Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Báo Mỹ khen món cao lầu của Hội An

(Dân trí) – Cao lầu từ lâu đã được nhắc đến như món ăn đặc trưng góp phần làm nên cái hồn ẩm thực của phố Hội. Cao lầu của Hội An không đụng hàng với món sợi của bất cứ vùng miền nào.


Cao lầu, món đặc sản của Hội An

Tờ Huffington Post của Mỹ vừa đăng tải một bài viết giới thiệu những món đặc sản vùng miền đáng để du khách khám phá trong các chuyến du lịch của mình, trong đó có món cao lầu của Hội An.

Tác giả viết: “Trên thế giới có biết bao món ăn nổi tiếng, chỉ cần nhắc đến món ăn đó là người ta biết là của quốc gia nào, chẳng hạn như Sushi của Nhật Bản hay mì Ý…Tuy nhiên, có những món ăn vùng miền vô cùng hấp dẫn mà có thể bạn chưa từng được biết tới. Chúng không nổi tiếng trên toàn thế giới nhưng khi đã thưởng thức rồi thì bạn sẽ khó quên hương vị của chúng.”

Trong danh sách những món ăn vùng miền ấy có món cao lầu của phố cố Hội An cùng với nhiều món ăn khác như món cơm trộn Ochazuke của Nhật Bản; món Gà 65 của Ấn Độ; món hầm Pozole của Mexico; món Ful medames (đậu fava nấu các loại gia vị và dầu ôliu) của Ai Cập và Sudan.

Các món ăn khác được nhắc đến là Khao Soi của Lào và Thái Lan (là sự pha trộn của mì trứng chiên giòn hay mềm, thịt gà, nước cốt dừa, nghệ, chanh, rau mùi và hẹ tây); món súp thịt được nấu trong một hốc đá dưới đất Pachamanca của Peru và món thịt khô Biltong của Nam Phi.

Mới nhìn cao lầu trông giống. như mì, nhưng không phải mì. Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, đảo cách Hội An 16 km, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô.

Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy nên dù cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.

Người ta thường ăn cao lầu với giá nhúng trong nước sôi nhưng không được quá mềm. Thêm ít rau sống, được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương… và tép mỡ vỡ tan trong miệng.

Nhiều người cũng có tham vọng làm cao lầu ở nơi khác, nhưng tất cả đều thất bại. Có người nói rằng chính nước giếng Bá Lễ và tro của cù lao Chàm và rau sống Trà Quế mới làm nên món ẩm thực đặc trưng này.


Phố cổ Hội An
Một đặc trưng khác của cao lầu là muốn ăn món này phải leo lên lầu cao của quán. Khi xưa các doanh nhân buôn bán nơi phố cảng vì muốn trông coi hàng hóa của mình nên thường leo lên lầu cao của quán. Điều này có thế thấy ở các quán cao lầu Hội An. Ngồi trên lầu cao ngắm cảnh đẹp và thưởng thức món ngon, đây có thể là xuất phát của tên gọi cao lầu.Ngày nay cao lầu được bán ở nhiều nơi trong nước, thậm chí ở cả nước ngoài  và người đã thưởng thức cao lầu Hội An sẽ thấy hẫng hụt vì thấy vị của nó có cái gì đó thiếu đậm đà như vị ở phố Hội.Đến nay, vẫn còn một số tranh cãi về nguồn gốc của món cao lầu: nhiều người cho rằng món này của người Hoa, còn người Nhật thì cho rằng nó giống mỳ udon của họ nhưng khác về hương vị và cách chế biến.Theo tác giả của bài viết trên Huffington Post, có thể ở đâu đó vẫn còn một số lời tranh luận về nguồn nguồn gốc của món cao lầu, nhưng chất lượng của nó hoàn toàn là điều không phải bàn cãi.

Cao lầu không nổi tiếng như nhiều món ăn khác ở Việt Nam nhưng nó thật đáng để thưởng thức khi đến Hội An vì đó là món ăn đặc trưng góp phần làm nên cái hồn ẩm thực nơi đây. Người ta vẫn thường bảo nhau: Nếu chưa ăn Cao Lầu thì coi như chưa tới Hội An.