CÁCH LÀM BÁNH DONUT KHOAI LANG

Bản thân khoai lang đã là một nguyên liệu ngon lành, còn khi kết hợp với các loại bột, sữa để trở thành bánh donut, thì kết quả lại càng thêm hấp dẫn.

Nguyên liệu:

  • – Khoai lang: khoảng 3 lạng rưỡi
  • – Bột gạo tẻ: 4 lạng
  • – Bột mì: 70g
  • – Đường: 50g
  • – Sữa tươi nóng: 300ml
  • – Chút muối, chút bột nở, dầu ăn.
  • Lớp đường lăn ở ngoài:
  • – Đường cát + chút bột quế.

Thực hiện:

– Khoai lang luộc chín, bỏ vỏ rồi nghiền thật nhuyễn.

Bột gạo, bột mì, đường, chút bột nổi, chút muối –> đem trộn với nhau. Sau đó cho khoai lang nghiền vào hỗn hợp này nhào lên cho đều.

 

Sữa tươi hâm nóng rồi rót từ từ vào hỗn hợp bột khoai, vừa rót vừa trộn cho hỗn hợp ngấm nước, sánh mịn.


Nhào đến khi nào thấy bột vàng đều,  chắc mịn . Sau đó vo thành từng viên nhỏ vừa ăn.

Bắc chảo dầu đun nóng, rồi cho từng viên bột vào chiên.

Vừa chiên vừa trở, nhỏ lửa, đến khi bánh vàng đều các mặt.

Bánh vàng đều các mặt thì vớt ra, để ráo dầu. Trong lúc đó trộn hỗn hợp đường + bột quế làm áo bánh.

Lăn bánh qua hỗn hợp đường + bột quế, vậy là xong món donut khoai lang.

mav089

Theo Beyond Kimchee

CÁCH LÀM BÁNH RÁN ĐÔRÊMON

Bánh rán (dorayaki) là món ăn ưa thích của Doraemon và có lẽ cũng là món ăn ưa thích của rất nhiều bạn thuộc thế hệ 8x-9x tuy rằng không phải ai cũng đã có dịp ăn. Bánh rán làm theo khẩu vị truyền thống của Nhật sẽ ngọt lịm đường…nếu bạn không thích ăn ngọt thì nên giảm lượng đường trong nguyên liệu.

Nguyên liệu:

Phần vỏ

  • Bột mì: 150g
  • Trứng gà: 2 trái
  • Đường cát: 50g
  • Mật ong: 25ml
  • Bột nở: 5g
  • Rượu trắng: 15ml
  • Nước: 50ml

Phần nhân

  • Đậu đỏ: 100g
  • Đường: 80g

Thực hiện:

Làm phần nhân:

1. Đậu đỏ ngâm nước qua đêm cho nở, rồi bắc nồi nước cho đậu vào, vặn lửa nấu cho tới khi nước sôi, nổi bọt thì tắt lửa. Sau đó đổ hết nước đi, trút đậu ra rổ xả qua với nước lạnh cho đỡ chát.

2. Bắc nồi nước mới cho đậu vào luộc và xả 2 lần nữa (mỗi lần mỗi thay nước). Sau đó trút hết đậu vào nồi cơm điện, châm nước ngập mặt đậu (chừng 1 lóng tay) rồi bật nồi nấu như nấu cơm cho tới khi đậu chín mềm, cạn nước là được. (Không thích dùng nồi cơm điện thì bạn nấu nồi thường cũng được).

3. Đậu còn nóng, ta cho vào máy xay nhuyễn. Có thể thêm ít nước (tốt nhất là nước đun đậu còn thừa) vào xay cho dễ xay hơn. Lưu ý không châm nhiều nước kẻo đậu bị loãng. Xay đến khi nào đậu nhuyễn, sánh là được.

4. Cho đậu này vào nồi hoặc chảo chống dính, trút lượng đường làm nhân vào rồi đảo đều cho bay hơi nước, nhân đậu se lại. Đảo đến khi thấy hỗn hợp hơi sánh lại thì tắt bếp. Để nguội. Nếu để lâu thì phải bỏ tủ lạnh kẻo nhân bị khô.

Làm phần vỏ:

1. Trứng đập vào tô, đánh tan với đường, sau đó cho thêm dầu ăn, mật ong cùng rượu vào đánh chung.

2. 2 loại bột đem trộn chung rồi rây cho mịn. Sau đó trộn hỗn hợp bột này vào hỗn hợp trứng mật ong ở bước 1. Quậy đều, vừa quậy vừa châm nước từ từ (chừng 50ml) cho đến khi hỗn hợp bột sánh mịn và khi múc lên đổ xuống nó có thể chảy thành một dòng liên tục là được. Làm xong thì cho vào tủ lạnh 20 phút cho bột nghỉ.

3. Bắc chảo (tốt nhất là dùng chảo chống dính) cho vào một ít dầu ăn (thật ít) và tráng đều, mỏng. Chuẩn bị sẵn bên cạnh một cái khăn thấm nước lạnh. Đun cho chảo nóng rồi nhấc chảo ra đặt lên cái khăn ướt này để làm cho chảo nguội.

4. Vặn bếp nhỏ lửa hết cỡ, tiếp tục đặt chảo lên rồi dùng vá to múc bột đổ vào chảo. Nên đổ bột từ khoảng cách 20cm, đổ một dòng đều và dứt khoát thì bột sẽ tượng hình một cái bánh tròn đẹp. Sau khi đổ bột bạn vặn lửa to lên một chút để rán. Rán bánh trong khoảng 3-4 phút cho tới khi mặt bánh se lại, xuất hiện các lỗ nhỏ thì lật úp lại rán tiếp mặt kia tầm 2 phút là được. Nếu chảo to có để đổ bột rán nhiều cái bánh một lúc (đừng đổ bột dính vào nhau là được)

5. Lặp lại các bước 3-4 với lượng bột còn lại (lưu ý có đun và làm nguội chảo, to lửa nhỏ lửa, tuy nhiên bỏ qua (không cho thêm) dầu ăn).

6. Xếp bánh lên vỉ chờ cho nguội. Bây giờ thì trét nhân đậu đỏ vào một miếng bánh sau đó úp miếng thứ 2 lên là bạn đã có một cái bánh Dorayaki ngon lành.

***Bánh thành phẩm phải mềm, xốp, mịn, có độ đàn hồi, không gãy khi gấp lại.


***Nếu ăn không hết bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh.


***Trên là hướng dẫn làm bánh truyền thống với nhân đậu đỏ. Bạn có thể tùy biến phần nhân đậu đỏ thành nhân kem, nhân đậu xanh, trà xanh, chocolate, hoa quả, nhân mứt… tùy theo sở thích của mỗi người.

Cách làm BÁNH SẮN (KHOAI MÌ) NƯỚNG – kiểu bánh 2 –

Bánh khoai mì nướng hình như có từ Nam ra Bắc, và chủ yếu bán ở quán vỉa hè…Bánh rất ngon bởi vị thơm hòa quyện của khoai mì (củ sắn), dừa và đường sau khi nướng lên… 

Nguyên liệu:

  • 1,2 kg khoai mì (củ sắn)
  • Đường: 150-200 gr
  • Cơm dừa: 1 bát
  • Lá dứa: vài nhánh

Cách làm:

– Khoai mì mua về lột vỏ, cắt khúc, ngâm trong thau nước muối loãng qua đêm.
– Cho khoai mì vào nồi hấp cùng với vài nhánh lá dứa, hấp cho chín hẳn. Sau đó nhấc xuống để nguội.
– Tách từng khúc khoai mì ra rút sợi xơ bên trong lõi vứt đi, rồi cho khoai mì vào tô nghiền cho nát, sau đó trộn đều với cơm dừa nạo và đường.
– Bây giờ nặn hỗn hợp khoai mì – đường-dừa kia thành từng cái bánh nhỏ vừa ăn (nặn chặt tay), rồi cho lên vỉ nướng, hoặc ép vào khuôn rồi cho vào lò nướng ở 200 độ C.
– Nướng tới khi bánh 2 mặt vàng đều,  tỏa mùi thơm phức là bạn đã có một món ăn vặt ngon hết ý.

Bảo Tố

BÁNH KHOAI MÌ NƯỚNG CÒN KIỂU KHÁC, XEM Ở ĐÂY: CÁCH LÀM BÁNH KHOAI MÌ NƯỚNG KIỂU 1

banh-khoai-mi_F7TK1nobvTdTRDCNsT8B

Cách làm BÁNH BÒ NƯỚNG

BÁNH BÒ là món ăn phổ biến ở khu vực miền Nam và Trung bộ. Trong các loại bánh bò, bánh bò nướng là một loại rất được nhiều người ưa thích vì vị hương thơm, vị ngon và kết cấu độc đáo của nó.

Nguyên liệu làm bánh bò nướng:

– 400g bột năng [nên mua loại của Thái]

– 8 quả trứng gà

– 1,5 bát con (chén) đường

– 400ml nước cốt dừa. Xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA

– 1 muỗng cafe bột nổi

– 1 ống vani

Cách Làm bánh bò nướng:

– Bắc nồi cho nước cốt dừa và đường, thêm tí xíu muối vào đun nhỏ lửa, khuấy đều. Sau đó để nguội.

– Trứng đánh cho tan kỹ rồi đem trộn với hỗn hợp phía trên.

– Trộn chung 2 loại bột với nhau rồi trút bột từ từ qua rây vào tô trứng, vừa rây vừa trộn đều, sau đó lược qua rây vài lần nữa cho đến khi không còn óc trâu.

– Chuẩn bị khuôn bánh, thoa dầu vào đáy khuôn. Bật sẵn lò nướng nhiệt độ 350°c rồi cho khuôn vào lò khoảng 10 phút cho khuôn thật nóng.

– Gắp lấy khuôn ra khỏi lò sau đó hứng sẵn một cái rổ lên khuôn, rồi đổ hỗn hợp bột trứng vào cái rổ đó cho chảy xuống khuôn. Cách này để làm cho bánh bò có nhiều rễ tre. Đổ tới khi bột được 2/3 khuôn thì ngưng vì khi nướng bánh sẽ nở.

– Nướng khoảng 10 phút rồi giảm nhiệt độ lò xuống tầm 300 độ, nướng tiếp khoảng 40 – 50 phút tùy bánh dày hay mỏng.

– Dùng tăm đâm vào bánh, nếu tăm không dính bột là bánh đã chín. Lúc này ta tắt lò nhưng vẫn để bánh trong lò chừng 10 phút nữa hãy đem ra, để bánh không bị xẹp.

 

Cách làm BÁNH BAO CHỈ

BÁNH BAO CHỈ nhân dừa là món ăn chơi phổ biến và hấp dẫn với mọi độ tuổi. Bạn có thể làm bánh này ngay tại nhà với công thức thật đơn giản.

Nguyên liệu:

  • 1 chén bột nếp khô (150g)
  • 200ml nước lọc
  • 1/4 bát con đường cát trắng (50g)
  • 3 thìa súp bột bánh dẻo, hoặc bột nếp rang, hoặc dừa vụn để áo bên ngoài bột.
  • Phần nhân: 50g mè trắng, 50g đậu phộng rang vàng, giã nhỏ. 50g dừa tươi bào vụn, 2 thìa súp bột năng, 70g đường cát trắng.

Cách làm bánh bao chỉ:

– Đổ tất cả vừng, lạc, dừa, đường vào nồi. Đặt lên bếp xào. Vừa xào vừa dùng đũa đảo đều, để đường tan, tiếp tục đến khi đôi đũa rít lại.

– Thêm bột năng vào, để các hỗn hợp kết dính.

– Dùng tay vo tròn hỗn hợp nhân, để ra đĩa.

– Bột nếp đổ vào nồi, thêm đường, nước, đun sôi, lửa nhỏ. Khi đun bạn nhớ dùng muôi khuấy đều để hỗn hợp không bị vón cục.

– Đun đến khi hỗn hợp bột đặc lại, nhìn nửa sống, nửa chín.

– Đổ hỗn hợp bột vào nồi có lót sẵn một khăn sô sạch, đun cách thủy, hấp chín bột. Hấp từ 10 đến 15 phút đến khi bột chín, thỉnh thoảng bạn nhớ lau nước đọng trên nắp nồi. Nếu có lò vi sóng thì đổ bột vào thố dùng trong lò vi sóng, nấu cho nhanh.

– Bạn nhanh tay đổ ra mâm, đã có sẵn bột nếp rang, lúc này hỗn hớp sẽ rất nóng, dùng tay nhồi để hỗn hợp bột dẻo, mịn.

– Ngắt từng viên bột bằng ngón tay cái, ấn dẹp ra. Cho từng viên nhân lạc vào.

Cho nhân vào giữa lớp vỏ rồi vo viên lại.

– Vo tròn lại, làm cho hết nhân và bột. Nếu muốn lăn qua dừa, bạn có thể đổ dừa ra mâm và lăn bên ngoài một lớp dừa .

Theo Cún Khang (ngoisao.net)

 

ĐẾN HÀ NỘI NGÀY LẠNH, ĐỪNG QUÊN NHỮNG MÓN BÁNH NÀY

Cũng như các tỉnh miền Bắc khác, Hà Nội có bốn mùa phân chia rõ ràng. Và đúng với câu thành ngữ “mùa nào thức nấy”, quà vặt Hà Nội cũng được cư dân biến đổi cho phù hợp với khẩu vị và tiết trời. Ở lâu tại Hà Nội, bạn không lạ lùng gì khi chỉ sau một trận gió mùa, các góc phố ngày thường vắng vẻ lại hiện ra một loạt những hàng bánh khoai, bánh gối… 

  • BÁNH KHOAI – BÁNH NGÔ – BÁNH CHUỐI

Đây có thể là bộ ba đầu tiên phải nhắc đến trong những món bánh mùa lạnh ở Hà Nội. Một góc phố đêm, một cái lò rán bánh, vài cái ghế nhựa xung quanh là đủ cho một không gian ăn vặt tuyệt vời. Ba loại bánh này làm từ khoai, ngô, chuối, tùy theo nơi mà thái nhỏ hoặc đâm nhuyễn, thái cọng, thái sợi… nhúng vào một hỗn hợp bột mì, bột gạo và các nguyên liệu tùy biến khác, sau đó rán giòn tại chỗ trên lửa. Những miếng bánh thành phẩm có đủ vị thơm của nguyên liệu, giòn tan của lớp vỏ ngoài, mềm của phần bên trong, và sự nóng hổi của toàn cái bánh, khiến không ai có thể chối từ vào những đêm gió mùa.

Tại miền Nam và miền Trung có biến thể của bánh này là bánh chuối chiên, bánh khoai chiên, nhưng cách pha bột và sơ chế nguyên liệu hơi khác và thường được bán vào ban ngày hơn là ban đêm.

  • BÁNH GỐI

Tại Sài Gòn có món bánh tai dạt (quai vạc) với phần lớp vỏ ngoài chiên giòn, phía trong có nhân rau củ. Hà Nội cũng có món bánh tương tự, nhưng gọi là bánh gối và chấm với nước dùng, ngồi thưởng thức tại bàn chứ không vừa đi vừa ăn. Phần nhân của bánh gối Hà Nội thường có miến, mộc nhĩ, cà rôt, củ đậu, thịt xay… Phần vỏ làm bằng bột mì. Và nước chấm là loại chua cay mặn ngọt, thanh dịu, có thả vài lát đu đủ, cà rốt ngâm, tương tự như nước chấm nem, bún chả.

Và cũng giống như những món chiên rán khác, bánh gối là loại quà không thể thiếu trong tiết đông Hà Nội.

  • BÁNH RÁN MẶN

Bánh rán mặn có lớp vỏ tương tự bánh rán ngọt thông thường, nhưng phần nhân có thịt, miến, nấm mèo … và khuôn dạng bánh có hình bầu dục. Bánh rán mặn được chiên tại chỗ trong chảo và ngon nhất khi ăn nóng. Lúc ăn, người bán sẽ dùng kéo cắt bánh ra cho nhỏ, để lộ phần nhân bên trong cho dễ ăn cũng như dễ chấm. Nước dùng ăn với bánh rán mặn cũng tương tự như bánh gối.

  • BÁNH QUẨY

Quẩy ở Hà Nội không chỉ ăn với cháo lòng như ở miền Nam, mà còn được dùng ăn không, ăn với phở, cháo hay những món có nước khác. Bánh quẩy miền Bắc nhỏ hơn nhưng giòn và chắc hơn hơn so với miền trong. Vào mùa Đông, một bát cháo sáng được phủ kín bằng bánh quầy là lựa chọn tuyệt vời của nhiều người.

  • BÁNH ĐÚC NÓNG

Các hàng bánh đúc nóng trở nên phổ biến hơn khi Hà Nội vào Đông. Bánh đúc được nấu sẵn trong nồi. Khi khách gọi, người bán chỉ cần múc một thìa to bánh quánh đặc vào bát, chan thêm nước chấm mặn ngọt, ăn kèm thịt băm, hành khô, rau mùi… Thưởng thức bánh đúc nóng giữa lúc trời lạnh là trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua khi đến Hà Nội.

  • BÁNH GIÒ

Bánh giò gói kín, hấp chín và khi ăn thì người bán sẽ trải ra đĩa, cắt bớt lá đi, điểm thêm rau dưa ngâm vào, có khi là chả cốm, giò lụa…. xịt tương ớt lên. Người ăn chỉ việc dùng thìa xắn từng miếng cho vào miệng. Miếng bánh giò nóng kéo theo sự thơm ngon của bột, nhân, cái giòn lực xực của mộc nhĩ… đi từ cổ họng vào dạ dày một cách nhẹ nhàng, thấm thía.

pic2766

Và trong khi tập trung vào độ nóng của chiếc bánh mềm mại, người ta đã quên hẳn cái tiết trời đông giá buốt xung quanh.

  • BÁNH TRÔI TÀU

Là loại bánh trôi có nhân đỗ xanh hoặc vừng đen, to bằng lòng nắm tay, ăn nóng trong nước đường vị gừng, rắc thêm chút lạc rang. Khi ăn dùng thìa xắn lớp ngoài bánh cho tới phần nhân bên trong, đưa vào miệng. Cái dẻo ngon của bột nếp, vị ngọt dịu của nước đường pha lẫn hương thơm cay ấm của gừng, bùi bùi của lạc và ngậy nhẹ của đỗ xanh cùng nhau làm hài lòng vị giác của bạn. Và không gì hợp lý hơn là ăn bánh trôi tàu vào lúc trời rét.

  • BÁNH KHÚC

Không thể bỏ qua Bánh khúc trong danh sách những món bánh mùa đông Hà Nội. Bánh khúc ở Hà Nội thường được bán ở các hàng rong, với câu rao đặc trưng: “Xôi nóng bánh khúc đê, ai bánh khúc nào!”… Mà mỗi lần nghe tới, nhiều người lại thấy cồn cào trong bụng vì nghĩ tới món bánh có lớp vỏ thơm mùi rau khúc, với phần nhận mặn ngọt làm từ đỗ xanh trộn thịt ba chỉ và các loại gia vị.

Bánh khúc thường hấp cùng với nếp theo kiểu đồ xôi, nên ở miền Nam còn gọi là xôi cúc (“cúc” là trại ra từ “khúc”). Cũng có khi bánh khúc được gói trong lá chuối rồi hấp, nhưng kiểu này ít phổ biến.

Mỹ Lạo.
Ảnh: sưu tầm Internet.

Cách làm Bánh Da Lợn

Tuy tên là Bánh Da Lợn, không gọi Bánh Da Heo (theo phương ngữ miền trung và miền nam), nhưng đây là một món ăn đặc trưng, phổ biến ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Đây là món đặc sản của nhiều tỉnh, thường dùng trong dịp lễ, cúng chay cũng như ăn vặt. Mỗi nhà, mỗi tỉnh thường có một cách làm bánh riêng hơi khác nhau, nhưng về cơ bản, bánh da lợn phải có độ mịn, dai, thơm thơm mùi dứa.

Nguyên liệu:

Phần vỏ:

  • Bột năng: 300gr
  • Bột gạo: 50gr
  • Đường cát: 100gr
  • Lá dứa: 1 bó
  • Va ni: 1 ống
  • Nếu cần xanh bắt mắt thì thêm giọt màu thực phẩm xanh lá nhé!

Phần nhân:

  • Bột năng: 100gr
  • Bột nếp: 30gr
  • Đậu xanh cà vỏ: 200g – ngâm qua đêm (nhân này màu vàng, muốn làm màu trắng thì làm bằng đậu trắng)
  • Đường: 100gr
  • Muối: 1/3 muỗng cafe

Làm nước cốt dừa:

  • Dừa nạo: 300gr

Cách làm:

Công thức làm bánh da lợn này có 4 công đoạn chính:

1/ Làm nước cốt dừa và nước dảo dừa.

– Click vào xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA VÀ NƯỚC DẢO DỪA.

– Làm xong thì để nước cốt riêng, nước dảo riêng.

2/ Làm bột bánh (lớp màu xanh):

– Lá dứa rửa sạch cắt ngắn rồi giã cho nát, sau đó đổ 1,5 bát con (chén) nước vào, nhồi cho ra nước. Chế nước dão dừa vào đó, khuấy đều.

– Bỏ hết bã lá dứa ra ngoài, rồi dùng rây lược kĩ. Sau đó cho đường vào khuấy tan. Cho thêm 1 ống va ni tạo mùi thơm.

– Rồi đổ hỗn hợp trên vào chung với phần bột năng, bột gạo đã chuẩn bị. Vừa đổ vừa khuấy cho đều, cho kỹ, đổ đến khi nào bột khuấy lên nghe HƠI HƠI sệt, mềm mại, hơi lõng bõng, thì thôi, đừng có để khô hoặc quá loãng. Nếu mà khô quá thì đổ thêm nước lọc vào khuấy tiếp.

3/ Làm phần nhân bánh (lớp màu vàng):

– Đậu xanh cà sau khi ngâm qua đêm, thì đãi cho sạch vỏ, sau đó cho vào nồi đổ nước xâm xấp mặt, bỏ thêm chút muối, rồi bắc lên bếp hoặc hoặc cho vào nồi cơm điện nấu cho chín. Đậu chín xới tơi rồi dùng chày giã cho nát nhuyễn.

– Cho phần bột năng, bột nếp và nước cốt dừa vào trong chỗ đậu xanh này, Quấy đều, lược qua rây cho mịn.

4/ Hấp bánh:

– Chuẩn bị khuôn hấp (1 khuôn to hoặc nhiều khuôn nhỏ tùy bạn, có thể dùng khuôn bánh flan). Trét một lớp dầu ăn vào khuôn (để dễ lấy bánh ra sau khi hấp).

– Cố định khuôn trong xửng hấp, sau đó thì bắt đầu rưới 1 lớp hỗn hợp bột bánh lên, lớp này dày khoảng 3mm (càng mỏng càng mềm dễ ăn, nhưng mà càng cực vì phải làm nhiều lớp).

– Hấp cho tới khi thấy được được, bột gần chín (khoảng 5 – 7 phút tùy), thì nhỏ thử một tí hỗn hợp nhân đậu xanh lên lớp bột bánh, nếu như không bị lẫn vào lớp màu xanh là ok. Ta bắt đầu trét tiếp lớp bột nhân đậu xanh lên, độ dày cũng tương tự lớp bột bánh.

– Tiếp tục khi bột đậu xanh gần chín thì rưới tiếp lớp bột bánh vào…cứ thế cho đến khi nào gần hết bột, thì kết thúc bằng một lớp bột bánh ở trên cùng.

– Đợi bánh nguội thì lấy ra cẩn thận.

– Cắt bánh bằng sợi chỉ, KHÔNG CẮT BẰNG DAO.

– Chúc cả nhà ngon miệng nhé! 🙂

Bé Thúi