5 Địa Chỉ Bán Đồ Xưa Để Decor Quán Cafe, Nhà Hàng, Quán Cơm Quê Tại Sài Gòn

Nếu bạn đang tìm kiếm những món đồ xưa độc đáo để trang trí quán cafe, nhà hàng, hay làm đạo cụ quay phim, chụp ảnh, hoặc để sưu tập, thì dưới đây là 5 địa chỉ đáng tham khảo tại Sài Gòn:

  1. Cafe chợ Đồ Cổ Nơ Trang Long
    Địa chỉ: 311/27 Đ. Nơ Trang Long, Phường 13, Bình Thạnh (Chỉ họp chợ vào Thứ 7 và Chủ Nhật)

Đặc điểm: Nổi tiếng với các món đồ mang phong cách cổ xưa, chợ đồ cổ Nơ Trang Long thu hút giới sưu tầm, khách du lịch với những sản phẩm độc đáo. Tuy là địa chỉ nổi tiếng trong và ngoài nước, nhưng bạn vẫn có thể thương lượng với những chủ sạp để có giá tốt hơn. Đây là nơi quy tụ nhiều sạp hàng trong một không gian lớn, nên bạn có thể đến như để tham quan, giải trí, mà không nhất thiết phải mua sắm. Không gian của khu chợ Đồ cổ cũng là nơi được nhiều bạn trẻ ưa thích để quay film, chụp ảnh.

Sản phẩm: Đồng hồ, trang sức, đồ đồng, phụ kiện… Đồ cổ và các sản phẩm làm theo phong cách cổ, xưa, thích hợp để sưu tập hoặc trang trí.

Phù hợp: Những ai tìm kiếm các món đồ vintage, đồ cổ phổ biến.

  1. Phố Đồ Cổ Lê Công Kiều
    Địa chỉ: Đường Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1.
    Thời gian hoạt động: tất cả các ngày trong tuần.

Đặc điểm: Đây là con phố đồ cổ nổi tiếng lâu đời ở Sài Gòn với nhiều cửa hàng chuyên về đồ cổ xưa, với không gian mua bán chuyên nghiệp, nhiều món đồ có xuất xứ rõ ràng. Giá cả ở đây cũng thuộc phân khúc cao, và số lượng sản phẩm không quá phong phú. Đây là nơi trứ danh mà bạn có thể tìm những sản phẩm giá trị cao. Tất nhiên với đồ cổ bạn cũng cần có khả năng thẩm định để mua được chính xác sản phẩm mình cần. Đây cũng là điểm đến ưa thích của khách du lịch có sở thích tham quan, tìm hiểu về các món đồ thời quá khứ.

Sản phẩm: Gốm sứ, Tranh, ảnh, tượng, đồ đồng, đá quý…Đa phần là các loại đồ cổ có giá trị cao, thường dành cho giới sưu tập.

Phù hợp: Các quán cafe hoặc nhà hàng muốn tạo điểm nhấn bằng những món đồ có giá trị cao.

  1. Tiệm Decor Ký Ức
    Địa chỉ: 493A/2 Cách Mạng Tháng 8, Phường 13, Quận 10.
    Thời gian hoạt động: 9g00 – 21g00 Thứ 2 tới thứ 7 hàng tuần.

Đặc điểm: Đây là cửa hàng lý tưởng cho những ai muốn tìm đồ decor quán cafe, nhà hàng, spa, homestay, khách sạn…với giá cả phải chăng. Sản phẩm ở đây đa dạng, giá rẻ và phù hợp với nhiều phong cách trang trí, từ Indochine, trước 1975 cho tới bao cấp, 1990s. Người bán có thể tư vấn hỗ trợ cách set up cho đúng với ý tưởng của bạn. Do hàng giá rẻ nên các món đồ ở đây thường không được tút tát, vệ sinh kỹ lưỡng, tuy vậy nếu chịu khó chăm chút lại, bạn sẽ có những món đồ xưa rất tuyệt cho không gian hoài niệm.

Sản phẩm: Chén dĩa, bình bông, gốm sứ bình dân, đèn dầu, đồ nhôm nhựa, bình thủy, ấm trà, nồi gang…Đồ dân dụng xưa, có giá trị hoài niệm, cùng với các món có giá trị sưu tập. Đa số là đồ nhỏ, ít đồ nội thất lớn.

Phù hợp: Phù hợp để trang trí các quán cơm quê, quán cafe hoặc sử dụng làm đạo cụ quay phim, chụp ảnh sản phẩm.

  1. Khu Đồ Gỗ Ở Phạm Thế Hiển (Quận 8)
    Địa chỉ: Hẻm 124 Phạm Thế Hiển, Quận 8
    Thời gian hoạt động: tất cả các ngày trong tuần.

Đặc điểm nổi bật: Khu này chuyên cung cấp các sản phẩm đồ gỗ xưa, từ bàn ghế, tủ kệ đến các món đồ decor nhỏ. Các sản phẩm ở đây thường có nhiều mức giá cả, dễ dàng thương lượng. Yêu cầu người mua có chút kinh nghiệm để chọn được đồ chất lượng.

Sản phẩm: Chủ yếu là đồ nội thất gỗ: bàn, ghế, giường, tủ, chạn, salon…, thích hợp để lấp kín không gian bằng sự hoài niệm.

Phù hợp: Nhà hàng, quán ăn hoặc không gian cần điểm nhấn từ đồ gỗ.

  1. Chợ Trời Nhật Tảo và Nguyễn Kiệm
    Địa chỉ: Trên vỉa hè trục đường Lý Nam Đế, 3/2, Vĩnh Viễn, Hoà Hảo, Tân Phước… thuộc hai quận 11 và 10. Và đường Nguyễn Kiệm nối Gò Vấp – Phú Nhuận.
    Thời gian hoạt động: tất cả các ngày trong tuần.

Đặc điểm: Đây là những chợ trời hội tụ đủ loại đồ xưa, từ đồ điện tử cổ, đồng hồ, đến các vật dụng trang trí vintage. Đồ ở đây thường có giá rẻ, nhiều sản phẩm độc lạ và không gian mua bán nhộn nhịp. Tuy vậy, cũng như các nơi chợ trời khác, bạn cần kỹ năng thương lượng và kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm: Lượng sản phẩm khổng lồ đủ chủng loại được nhập vào hàng ngày, đa số là đồ cũ, đồ tồn kho hoặc thậm chí đồ bỏ đi, nhưng nếu tìm kiếm kỹ bạn có thể mua được món đồ có giá trị với giá cả phải chăng.

Phù hợp: Những ai yêu thích sự đa dạng và muốn săn đồ độc đáo để làm điểm nhấn decor.

Tổng Kết

Mỗi địa chỉ đều có những điểm mạnh riêng, phù hợp với từng nhu cầu cụ thể. Tùy theo phong cách trang trí và ngân sách, bạn có thể lựa chọn địa điểm phù hợp nhất để biến không gian của mình trở nên độc đáo và đậm chất hoài niệm.

Thu Ba (tổng hợp)

Cách làm CHÈ TRÔI NƯỚC NHÂN VỪNG ĐEN món ngon gây nghiện


Bát chè trôi nước nóng hổi, bột bánh dai dai, thêm phần nhân vừng đen thơm bùi sẽ là món quà vặt hấp dẫn trong tiết trời lạnh những ngày này. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách làm chè trôi nước nhân mè đen hấp dẫn, đơn giản mà đúng chuẩn.

Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món CHÈ TRÔI NƯỚC NHÂN MÈ ĐEN:

  • Phần nhân: 1 lạng mè (vừng) đen rang chín rồi giã nhỏ. 2 thìa mật ong, 2 thìa đường, 50ml nước.
  • Phần vỏ: 1 lạng bột nếp, 20g bột năng, 130ml nước cốt dừa hâm nóng (hoặc nước ấm nếu không thích mùi dừa)
  • Phần nước nấu chè: 500ml nước lọc, 1 lạng rưỡi đường vàng, vani hoặc tinh dầu bưởi, gừng thái sợi, chút muối
  • Phần rắc kèm: dừa nạo, đậu phộng rang, mè đen rang

Hướng dẫn Cách làm Bánh trôi nhân vừng đen

Bước 1: Nặn bánh:

 

a/ Làm nhân:

– Chuẩn bị cái nồi, cho đường, mật ong và nước vào nồi khuấy đều rồi cho lên bếp nấu nhỏ lửa tới khi nước đường hơi sánh thì cho vừng đen giã nhỏ vào trộn đều lên tới khi nhân dẻo quyện thì tắt bếp.

– Đợi nhân nguội thì vốc ra những viên nhỏ bằng nhau để làm nhân.

 

b/ Làm vỏ:

– Trộn đều bột nếp + bột năng rồi châm khoảng 130ml nước cốt dừa ấm (hoặc nước ấm), dùng tay nhào cho tới khi cảm thấy bột mềm mịn không dính vào tay nữa thì ngưng.

 

– Chia bột ra thành những viên nhỏ bằng nhau, viên to gần gấp rưỡi viên nhân.

Bước 3: Nặn bánh

 

– Lấy viên bột đã vo để làm vỏ ra ấn dẹt rồi cho viên nhân vào giữa, đậy kín lại, lưu ý đậy cho kín không để lọt không khí vào kẻo bánh khi nấu sẽ bị bục. Đậy kín rồi thì vo bánh lại cho tròn đẹp. Làm cho hết bánh và nhân.

Bước 4: Luộc bánh

 

– Bánh nặn xong rồi thì bắc nồi nước sôi, cho từng viên bánh luộc tới khi bánh nổi lên là đã chín hẳn, lúc này bạn vớt bánh ra ngâm vào nước lạnh.

Bước 5: Nấu chè

 

– Tạo hỗn hợp: nước + đường vàng + chút muối, nấu sôi rồi thả gừng thái lát và nước hoa bưởi vào (nếu dùng vani thì đợi nấu xong hẵng rắc). Khi nước đang sôi bạn vớt những viên bánh đã chín ngâm trong nước lạnh ban nãy vào, nấu tiếp lửa vừa khoảng 10 phút cho ngấm nước đường. Vậy là xong món chè trôi nước vừng đen. Khi ăn bạn rắc mè rang, lạc rang và dừa tươi nạo lên ăn kèm.

Bảo Tọa (cách nấu chè ngon)

VỊ QUÊ TRONG MIẾNG CHẢ GÀ TIỂU QUAN


Nhắc đến những món ăn đặc sản của đất Hưng Yên, người ta không thể không nhắc đến chả gà Tiểu Quan. Món ăn dân dã mà độc đáo, được tạo nên từ sự tinh tế, tỉ mỉ của những người dân đất Hưng Yên xưa. Để rồi cho đến nay, miếng chả gà vẫn mang đậm hồn phách của một vùng quê có lịch sử lâu đời.

Tiểu Quan là một thôn thuần nông, nay thuộc xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tại nơi này hiện nay, đến cả các vị cao tuổi nhất trong làng cũng không ai biết được gốc tích của món chả gà nổi tiếng. Họ chỉ biết rằng từ khi còn bé đã thấy những người trong làng tạo nên và thưởng thức món ăn này vào những dịp lễ hay Tết.

Để có được món chả gà ngon, người dân Tiểu Quan phải kỹ lưỡng ngay từ khâu chọn gà. Khác với món chả thịt lợn, chả gà nướng không để miếng mà là thịt gà nạc tinh. Gà thịt để làm chả phải là loại gà trống tơ nặng khoảng 1,2 – 1,5kg, chưa thiến và chưa đạp mái. Gà làm sạch, chọn chỗ thịt nạc nhất, bỏ hết gân xương rồi thái miếng nhỏ con chì, sau đó cho vào cối giã như giã giò lụa truyền thống. Khi thịt gần nhuyễn thì trộn thêm lòng đỏ trứng gà, nước mắm ngon, bột nêm, hạt tiêu, gừng và một chút mỡ lợn thái hạt lựu rồi giã tiếp.

Chả gà Tiểu Quan

Theo những người có kinh nghiệm thì món chả gà truyền thống, thịt phải được giã bằng cối đá. Nhìn cách giã ai cũng tưởng rất đơn giản nhưng nếu không phải là một người khéo léo, tỉ mẩn “có nghề” thì khó có thể làm tròn được công việc này. Từng nhịp chày đều đặn được đưa lên đưa xuống, nhát nào chắc nịch nhát đấy nhưng thịt gà không hề bị bắn ra ngoài cối chút nào. Trong lúc một người đang giã thịt gà, thì một người khác tìm một chiếc mo cau mới rụng, cắt ra thành các miếng nhỏ.

Giã xong lấy miếng mo cau phết thịt lên phên để nướng. Việc phết thịt lên phên cũng không phải dễ dàng, nếu phết quá mỏng thịt sẽ chảy sệ và rơi xuống hoả lò, nếu dày quá thịt sẽ không chín đều. Chả gà Tiểu Quan phải được nướng bằng than hoa (than củi) và nếu có thêm vài quả thông khô vào thì càng tăng thêm độ thơm. Dùng than của những cành hay gốc nhãn khô (một loại cây đặc sản của mảnh đất Hưng Yên) thì có mùi vị thơm ngon nhất

Ăn chả gà cũng là một cách thưởng thức từ tốn như để cảm nhận hết vị ngon trong từng miếng chả nhất là khi được nhấp cùng chén rượu Trương Xá vào ngày trời thổi cơn gió mát.

Nếu ai có dịp qua nơi đây và thưởng thức món chả gà Tiểu Quan ắt hẳn không thể quên được hương vị đậm đà của món ăn này đem lại. Chả gà Tiểu Quan góp phần làm phong phú đa dạng nền ẩm thực Hưng Yên.

 

 

NHỮNG MÓN ĐANG CHỜ BẠN KHÁM PHÁ TẠI XỨ SỞ THÁP CHÀM


Vùng đất Ninh Thuận, với thành phố Phan Rang và những tòa tháp Chàm lộng lẫy, đón bạn với ‘gió như phang, nắng như rang’, với những bãi biển xanh biêng biếc, thảo nguyên thơ mộng nơi có bầy cừu du mục. Và đất Phan Rang cũng đón bạn bằng những món ăn đầy hấp dẫn từ những sản vật phong phú ở nơi đây.

Sau đây là những món ăn bạn nên khám phá nếu có dịp đi đến xứ sở tháp Chàm.

Bánh căn Phan Rang

Bánh căn là món ăn của người Chăm ở Ninh Thuận. Bánh đổ bằng những khuôn đất làm từ làng gốm Bàu Trúc, phía dưới là lò than hồng. Bánh chế biến từ bột gạo pha với nước, để bánh được giòn người ta thường pha thêm ít cơm nguội khi xay bột. Bột phải pha làm sao cho không đặc quá cũng không loãng quá, vì như thế sẽ làm bánh mất ngon. Bạn có thể ăn bánh với nhân trứng hoặc mực, kèm với nước chấm. Người Phan Rang có cách pha nước chấm khác với các nơi. Ngoài nước mắm thấm ra còn có nước mắm đậu phộng hay mắm nêm pha loãng.

Bánh căn là món ăn của người Chăm ở Ninh Thuận.

Bánh xèo Phan Rang

Bánh xèo được đổ trong khuôn như bánh căn. Khuôn bánh được tráng một lớp dầu, khi khuôn nóng thì người ta đổ một lớp bột vừa đủ, thêm nhân tôm, mực hay thịt, ít giá tươi và đợi bánh chín giòn dùng muỗng dẹt cậy bánh ra. Bánh xèo Phan Rang khác với bánh xèo ở những nơi khác là bánh nhỏ chỉ bằng cái lòng chén, khi ăn cho bánh vào chén ngập nước mắm chín. Đó có thể là mắm đậu phộng giã nhuyễn pha với mắm, tỏi, ớt sao cho hơi nhạt, cũng có thể chấm với mắm nêm.

Phan Rang có nhiều quán bánh xèo ngon tạo nên Phố bánh xèo ở gần Hồ Cá, đường Yên Ninh.

Bánh canh chả cá Phan RAng

Bánh canh chả cá là món ăn rất phổ biến ở Phan Rang. Sợi bánh được làm bằng bột gạo, nước nấu bằng cá biển và người ta dùng cá này để cho vào tô bánh kèm với chả cá. Chả có hai loại chả hấp và chả chiên, chả vừa dai vừa mềm, vị ngon ngọt của cá còn giữ đậm đà. Nước bánh trong, ít béo, thêm ít hành lá, mắm dầm ớt cay vắt chanh là bạn có tô canh nóng hổi. Ở Phan Rang, bánh canh được bày bán khắp nơi. Người Phan Rang kháo nhau rằng bánh canh ngon nhất vẫn là bánh canh Nhường góc ngã ba Ngô Gia Tự – Tô Hiệu.

Bánh canh hấp dẫn với chả dai, mềm và ngọt.

Bánh tráng nướng mỡ hành

Trên nền chiếc bánh tráng nướng, người dân Phan Rang đã biến tấu thành một món ăn tuyệt hảo, dân dã, khó quên đó là bánh tráng mắm ruốc nướng mỡ hành. Bánh tráng được đặt lên lò than nóng sau khi thoa đều hỗn hợp gồm mắm ruốc, mỡ nước, hành phi, tương ớt và một ít ớt bằm nếu ai thích ăn cay. Sau đó nhanh tay đập vỡ một quả trứng rồi dùng cọ tán đều mặt bánh, rải đều hành lá thái nhuyễn lên. Khi trứng bắt đầu phồng lên nhanh nhẹn kẹp và cuộn tròn bánh lại. Bọc thêm một lớp giấy bên ngoài cho khỏi phỏng tay là bạn có thể vừa thổi vừa ăn. Bánh tráng nướng mỡ hành bán nhiều ở bãi biển hay dọc đường 16-4.

Bún mắm nêm Phan Rang

Bún mắm nêm Phan Rang rất đơn giản. Chẳng phải nấu nướng, chẳng phải chuẩn bị cầu kỳ gì cả: bún tươi, một tô mắm nêm vừa đủ mặn, đủ cay, ít rau sống, cà pháo, thế là xong. Có thể ăn thêm chả cá hay chả lụa tùy sở thích. Chắc nhờ đơn giản mà bún mắm nêm có giá tương đối mềm, chỉ 5.000-7.000 đồng/tô, ở các làng quê còn rẻ hơn nữa. Dễ mua, dễ ăn nên bún mắm nêm không kén bất cứ một thực khách nào. Đến Phan Rang, ở bất cứ con đường nào, dù lớn hay nhỏ bạn đều có thể thưởng thức được món này.

Bánh hỏi lòng heo Ninh Thuận

Đã đến Ninh Thuận mà chưa thưởng thức món bánh hỏi Phước Khánh thì xem như chuyến du lịch xứ nắng Phan Rang chưa trọn vẹn. Đó là món ăn gồm: bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm. Để có được bánh hỏi vừa ý thực khách, người làm bánh phải chọn gạo tốt ngâm với nước lã một đêm, sau đó vo và xả đi xả lại ba bốn lần, rồi qua các công đoạn tỉ mỉ khác để làm ra từng sợi bánh trắng tinh, ráo hỏi.

Món bánh hỏi lòng heo kết hợp tinh tế của các loại hương vị: vị bùi của bánh hỏi, vị béo của lòng heo, vị giòn của tóp mỡ, mát của rau sống và dậy mùi thơm của mắm nêm.

Rượu nho Ninh Thuận

Những trái nho mọng nước Phan Rang đã làm nên thứ rượu nhỏ tuyệt vời.

Rượu nho là đặc sản phổ biến của Phan Rang được làm từ 100%  nước cốt nho nguyên chất, chế biến theo phương pháp cổ truyền dựa trên sự lên men vi sinh tự nhiên mà không sử dụng bất kỳ loại chất bảo quản hay men nhân tạo. Rượu nho Phan Rang có nồng độ vừa phải, có vị chua chua, ngòn ngọt của trái nho, vừa chan chát của hạt nho, trên cái nền dịu ngọt bởi cuộc phối ngẫu giữa nho và đường mía

Có dịp hãy ghé tham quan vườn nho Ba Mọi, bạn sẽ được chủ vườn mời miễn phí ly rượu nho nguyên chất tuyệt vời.

Paka Jatrang


Đậu nành / đỗ tương là loại đậu rất quen thuộc trong đời sống người Việt. Đậu nành là nguyên liệu chính cho những sản phẩm như đậu phụ, sữa đậu nành, tào phớ, các loại tương, xì dầu… Ai cũng biết đậu nành bổ dưỡng, nhưng không phải ai cũng biết công dụng cụ thể của đậu nành với bệnh tật, sức khỏe và sự phát triển của cơ thể.

Đậu nành còn có tên là đậu tương. Nguồn gốc cây này ở Trung Quốc, sau lan sang Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Châu Âu mới biết đến đậu nành từ thế kỷ 18. Từ cổ xưa, đậu nành dùng làm thực phẩm, nhưng gần đây y học thế giới phát hiện ra nhiều tác dụng chữa bệnh của nó.

Đây là kết luận được các chuyên gia Mỹ đưa ra trong hội nghị về khai thác giá trị dinh dưỡng từ đậu nành đối với sức khỏe con người tại Viện Dinh dưỡng thuộc Đại học Columbia (Mỹ).

1. Ngừa ung thư vú ở phụ nữ

Một cuộc khảo sát của các nhà khoa học thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) cho thấy bổ sung đậu nành ở mức độ vừa phải giúp giảm nguy cơ bị ung thư vú. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, dùng 3 khẩu phần đậu nành mỗi ngày đem lại nhiều ích lợi cho phụ nữ có nguy cơ hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú.

Bổ sung 20-133g protein từ đậu nành mỗi ngày có thể giúp giảm 7-10% hàm lượng cholesterol xấu LDL trong cơ thể.

2. Tác dụng trên tim mạch

Theo một cuộc khảo sát, bổ sung 20-133g protein từ đậu nành mỗi ngày có thể giúp giảm 7-10% hàm lượng cholesterol xấu LDL trong cơ thể. “Dùng đậu nành là một phần của chế độ dinh dưỡng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim”, Wahida Karmally – Giám đốc dinh dưỡng tại Viện Nghiên cứu Irving – nói.

Còn theo Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), thêm 25g protein từ đậu nành mỗi ngày có tác dụng giảm lượng chất béo bão hòa, qua đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Các nhà khoa học thuộc Hội mãn kinh ở Bắc Mỹ đã kết luận: Đậu nành và các chất chiết từ đậu nành có tác dụng giảm huyết áp tâm trương, giảm cholesterol toàn phần, giảm cholesterol xấu (tức LDL-cholesterol), ngăn chặn sự tiến triển của các mãng xơ vữa, cải thiện tính đàn hồi của động mạch. Do đó, ở Mỹ, cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc (FDA) từ năm 1999 đã cho phép dùng đậu nành để làm giảm nguy cơ động mạch vành.

3. Cung cấp đủ dưỡng chất

Các chuyên gia dinh dưỡng Mỹ khẳng định chế phẩm từ đậu nành rất giàu dinh dưỡng và ăn một khẩu phần đậu nành mỗi ngày giúp bổ sung đầy đủ dưỡng chất. “Đậu nành cung cấp nhiều chất quan trọng như kali, ma-giê, chất xơ, chất chống ô-xy hóa”, hãng tin New Kerala dẫn lời chuyên gia Katherine Tucker cho biết.

4. Điều trị chứng mãn kinh

Triệu chứng của mãn kinh khởi đầu từ 3-5 năm trước khi mãn kinh thực sự, tiếp tục tăng vào tuổi mãn kinh và 4-5 năm sau mãn kinh, chỉ ngừng khi cơ thể thích nghi với cân bằng hormon mới.Các triệu chứng thường thấy là bốc hỏa, đổ mồ hôi, mất ngủ, trầm cảm, đái dầm, lão hóa da, rụng tóc, bệnh tim mạch, suy giảm nhận thức…

Liệu pháp thay thế hormon có hiệu lực cao nhưng cũng có nhiều tai biến (rối loạn nội tiết, ung thư…) nên không kéo dài quá 5 năm. Phụ nữ phương Đông, so với các nước phương Tây, ít phàn nàn về các rối loạn của mãn kinh. Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy các dân tộc phương Đông dùng nhiều đậu nành với nhiều cách chế biến khác nhau.

Gần đây, người ta phát hiện thấy trong hạt đậu nành có isoflarm còn gọi là estrogen thực vật (phytoestrogen); hoạt chất này góp phần làm cân bằng hormon ở phụ nữ mãn kinh, cải thiện rõ rệt các triệu chứng khác của tuổi mãn kinh như: Bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, trầm cảm, khô âm đạo…

5. Tác dụng chuyển hoá xương

Thống kê dịch tễ học cho thấy: Tỷ lệ gãy xương ở phụ nữ châu Á thấp hơn rõ rệt so với phụ nữ ở các nước phương Tây. Kết quả này có liên quan tới sử dụng nhiều thức ăn chế biến từ đậu nành. SI (isoflarm của đậu nành) làm tăng mật độ khoáng tại các đốt sống 1,2 đến 1,4 lần (so sánh với phụ nữ dùng thức ăn ít có đậu nành). Ở chuột thực nghiệm, SI làm giảm nguy cơ loãng xương do ức chế hoạt tính của hủy cốt bào, nên có tác dụng hiệp đồng chống tiêu xương.

Genistein trong đậu nành làm giảm nguy cơ ung thư bằng cách giảm sự tổn thương tế bào, và chất ức chế Protease BowmanBirk có trong Protein đậu nành,

6. Tác dụng trên các khối u phụ thuộc và hormon

Thống kê dịch tễ học cũng cho thấy một số loại khối u phụ thuộc vào hormon (ở màng trong tử cung, ở vú, buồng trứng…) có tỷ lệ rất thấp ở phụ nữ châu Á. Nhận xét này có liên quan tới chế độ ăn giàu đậu nành ở công dân châu Á. Kết quả nghiên cứu về thực nghiệm và lâm sàng cho thấy SI (isoflarm ở đậu nành) có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư ở tử cung, vú và buồng trứng. Hướng nghiên cứu này đang được tiếp tục.

7. Ung thư

Genistein trong đậu nành làm giảm nguy cơ ung thư bằng cách giảm sự tổn thương tế bào, và chất ức chế Protease BowmanBirk có trong Protein đậu nành cũng có thể ức chế sự khởi phát ung thư. Chất Daidzein trong Protein đậu nành, nếu được sử dụng với liều cao sẽ có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch, để phá hủy những chất có hại cho cơ thể, do đó có tác động lên việc giảm nguy cơ bị ung thư.

8. Xương khớp

Xương muốn chắc khỏe phải nhờ Calcium, nhưng điều quan trọng không phải là lượng Calcium đưa vào cơ thể, mà là cơ thể có giữ được Calcium lại đủ để làm cho xương chắc khỏe không?

Qua nghiên cứu, người ta thấy rằng những phụ nữ dùng nhiều đạm động vật sẽ gây mất Calcium qua nước tiểu, do đó sẽ có nguy cơ gãy xương nhiều hơn là những phụ nữ dùng Protein thực vật. Nghiên cứu cho thấy rằng dùng Protein đậu nành, đặc biệt là Isoflavones có thể có tác động tốt lên đậm độ khoáng trong xương ở những phụ nữ mãn kinh mà không dùng Ostrogen thay thế.

9. Đậu nành dùng trong dinh dưỡng và công nghiệp

Trong dinh dưỡng bột đậu nành trộn với bột ngũ cốc, dùng làm thức ăn cho trẻ sơ sinh, người bị bệnh đái tháo đường, bệnh gút… Trong công nghiệp dược, bột đậu nành dùng trong môi trường nuôi cấy kháng sinh. Thống kê cho thấy trong 100 ngàn tấn acid glutamic dùng trên thế giới, 1/3 do thủy phân đậu nành.

Do có sự cân bằng giữa tác dụng điều trị và độ an toàn, lại dễ sử dụng nên physoestrogen của đậu nành được xếp vào loại “chất bổ dinh dưỡng”, không cần đơn kê của thầy thuốc.

P.L (th)

THƯỞNG THỨC BỮA ĂN SÁNG ĐÚNG ĐIỆU ĐÀ LẠT


Đà Lạt không chỉ nổi tiếng về khí hậu, cảnh quan, mà còn đặc biệt nổi tiếng về những món ăn ngon, nhất là những món ăn vặt. Du lịch tại xứ sở ngàn hoa và thưởng thức ẩm thực quán xá là một thú yêu thích của rất nhiều người. 

Sau đây là một số gợi ý cho bữa ăn sáng của bạn khi đến với thành phố sương mù trong những ngày se lạnh:

 BÚN BÒ ĐÀ LẠT
 (ảnh: Đức Thành)

Ấp Ánh Sáng là nơi để dân tình tìm tới các tô bún bò của Đà Lạt. Bún bò giò Đà Lạt có khẩu vị rất riêng, thanh nhẹ nhưng vẫn rất ngon miệng và hấp dẫn.

Bún bò Đà Lạt ăn kèm với loại rau ‘đặc sản tây nguyên’ là rau sống thái sợi, đảm bảo sự tươi ngon, mềm mại khi thưởng thức chung với bát bún.

 BÁNH CĂN ĐÀ LẠT

Những cái bánh căn giòn, vàng ươm, nóng hổi là lựa chọn quen thuộc cho bữa ăn sáng của người dân xứ lạnh. Món này không dùng dầu mỡ mà được đúc trong loại khuôn riêng bằng đất nung. Bánh căn thường ăn kèm với mắm nêm, hoặc nước mắm, cùng với nguyên liệu tùy chọn là xíu mại, cá kho, tóp mỡ, mỡ hành…BÁNH MÌ XÍU MẠI ĐÀ LẠT

Bánh mì xíu mại là bữa ăn sáng nhẹ nhàng, bình dân nhưng ngon miệng. Một phần bánh gồm bát xíu mai nóng hổi rắc chút hành ngò, ăn cùng bánh mì… Có lẽ chỉ trong không khí lạnh của Đà Lạt người ta mới cảm nhận hết độ ngon của món ăn dân dã này.

Bánh mì cũng được nướng trên lò than để đảm bảo không mất đi cái nóng hổi.( ảnh: Đức Thành)

CÀ PHÊ ĐÀ LẠT

Sau bữa ăn sáng, bạn nên ghé vào một quán cà phê nào đó ở Đà Lạt, thưởng thức bản nhạc Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn,… bên ly cà phê phin nhỏ những giọt cà phê cao nguyên nồng nàn, ấm áp. Đây là một trong những cái thú mà du khách đến Đà Lạt không thể bỏ qua.

‘PIZZA HỦ TIẾU’, MÓN ĂN ĐỘC ĐÁO CỦA ĐẤT TÂY ĐÔ


Nếu bạn đã từng biết đến món ‘Pizza Đà Lạt’ lừng danh xứ sở ngàn hoa, thì bạn cũng nên biết thêm món ‘Pizza hủ tiếu’ do chính du khách tây đặt tên khi thưởng thức qua món bánh hủ tiếu chiên ở đất Cần Thơ.

Cái tên nửa tây nửa ta xuất hiện là do du khách Tây khi đến tham quan lò sản xuất hủ tíu trên đất Tây Đô, sau khi thưởng thức chiếc bánh hủ tíu chiên giòn thơm ngon đã thốt lên cái tên ngộ nghĩnh và độc đáo đó.

Rời trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 4 km (theo hướng đi Cái Răng), đến dưới chân cầu Rau Răm, các bạn rẽ phải dọc theo con đường nhựa dài khoảng 500 m sẽ đến lò hủ tíu của anh Sáu Hoài. Sở dĩ nổi tiếng với khách du lịch trong và ngoài nước bởi cơ sở của anh đã kết hợp cả kinh tế vườn, kinh tế ngành nghề với du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực.

Khách đến nhà anh sẽ được tham quan cơ sở làm hủ tíu truyền thống (từ khâu xay bột, tráng bánh, phơi khô, cắt sợi, vào bao thành phẩm), vườn cây ăn trái và được thưởng thức những món ăn được chế biến từ sản phẩm hủ tíu của lò như: hủ tíu nước thịt heo xương, hủ tíu chiên giòn, hủ tiếu chiên giòn thịt khìa, sữa nước cốt dừa. Trong đó, 2 món được mọi người ưa chuộng nhất khi đến đây vì ngon và lạ, đó là: hủ tíu chiên giòn và hủ tíu chiên giòn thịt khìa, sữa nước cốt dừa.

Phơi khô là một trong những công đoạn làm hủ tíu.

Làm hủ tíu chiên giòn không khó lắm nhưng để cho món ăn được ngon vừa miệng đa số thực khách cần phải có những bí quyết riêng. Trước hết, cho hủ tíu bột lọc ướp với một chút bột nêm cùng một tí tiêu vừa khẩu vị và có mùi thơm. Cho hủ tíu vào ngập trong mỡ (dầu) đang sôi. Dùng xạng trở đều cho 2 mặt chín vàng ươm là vớt ra đĩa. Kế đến, rắc hành lá xắt nhuyễn cùng tương ớt lên, dọn ra bàn là xong.

Chiên hủ tíu.

Bẻ miếng bánh hủ tíu chiên giòn cho vào miệng nhai giòn tan. Vị mặn mặn, béo béo, chua chua, cay cay, lan tỏa trong vòm miệng thất hấp dẫn. Khách du lịch, mỗi khi đến đây, được chủ quán biếu không một đĩa hủ tíu chiên giòn cầm trên tay, vừa đi vừa ăn, vừa dạo quanh khu vườn cây trái xanh tươi rợp bóng.

Riêng món hủ tíu chiên giòn thịt khìa, sữa nước cốt dừa hơi tốn công một chút. Công đoạn chiên giòn hủ tíu cũng giống như ở phần trên (chỉ khác một chút là hủ tíu lạt, không ướp gia vị). Thịt khìa phải chọn loại thịt thăn và khìa với nước dừa xiêm cho có hương vị đậm đà, xắt miếng nhỏ. Nước cốt dừa pha với sữa tươi theo một tỉ lệ nhất định cho nước cốt có độ sệt, vị béo thơm.

Đĩa hủ tíu đầu đủ cả thịt khìa, nước cốt dừa, đậu phụng, rau thơm.

Các công đoạn theo trình tự như sau: Trước hết, hủ tíu khi chiên xong cho vào dĩa. Rắc một ít rau thơm lên trước và kế đến là thịt khìa (hoặc chả chiên), sau cùng là rưới nước cốt dừa sữa, rắc một ít đậu phộng rang giã giập lên. Món này ăn kèm với nước mắm chua cay hoặc tương cay tùy thích. Dùng đũa bẻ một miếng bánh hủ tíu chiên giòn thịt khìa sữa, nước cốt dừa cho vào miệng nhai chậm rãi, bạn sẽ “ngậm mà nghe” cái giòn tan của hủ tíu, vị béo của nước cốt dừa; vị ngọt, dai, đậm đà của thịt thấm dần vào vòm họng như đánh thức mọi giác quan. Giá bán hiện nay: 20.000 – 30.000 đồng/ đĩa.

Nếu có dịp về miền Tây, mời bạn hãy ghé qua lò hủ tíu để tham quan vườn cây ăn trái, phong cảnh sông nước hữu tình và khám phá món “Pizza hủ tíu” đặc sản.

Bài và ảnh: Tương Tâm (VnExpress)


Ăn cá được coi là tốt hơn ăn thịt, nhưng nhiều gia đình vẫn quen tiêu thụ thịt hơn vì e ngại mùi tanh và cách chế biến của cá. Thật ra, nếu làm đúng cách, cá có thể trở thành những món ăn tuyệt vời, hấp dẫn.

Sau đây là những bí quyết để tạo ra những món cá thơm ngon cho gia đình:

1. Cá phải còn tươi

Quan trọng nhất trong việc chuẩn bị món cá ngon là cá của bạn phải còn tươi. Khi mua cá nguyên con, mắt cá phải rõ ràng, mang phải có màu đỏ tươi và các vảy cá phải thật sáng bóng. Khi mua cá phi lê cách tốt nhất để kiểm tra độ tươi của cá là ngửi nó. Thịt cá phải trắng có độ đàn hồi tốt, nếu là cá ngừ thì phải đỏ không phải là màu nâu.

2. Kiểm tra bên ngoài

Không chỉ tiếp xúc với cá để biết nó có tươi không, chỉ cần nhìn bạn cũng phần nào đánh giá được. Nếu cá tươi ngon thì con cá vẫn phải vùng vẫy trong bể nước, không có dấu hiệu bơi lờ đờ hoặc không bơi, vẩy và vây cá phải còn nguyên. Nếu là cá đóng hộp thì phải đảm bảo bao bì ghi chi tiết, cụ thể và còn nguyên tem mác.

3. Bảo quản cá đúng cách

Cá tươi có thể giữ trong tủ lạnh 2-3 ngày sau khi mua, nhưng tốt hơn hết là nên chế biến ngay khi mua về. Đối với phần cá được giữ lại thì nên để vào ngăn đông của tủ lạnh. Các loại cá phi lê nên bỏ ra ngoài trước khi chế biến vài giờ.

4. Xử lý xương cá

Không ai thích một miếng thịt cá với đầy xương. Hãy nhờ người bán cá lọc lấy phần phi lê còn phần xương sống bỏ riêng ra, nếu không bạn có thể dùng một con dao sắc để lọc loại bỏ phần xương sống của cá. Sau đó chỉ cần dùng nhíp để rút những chiếc xương hom còn lại dọc theo thớ thịt. Nếu muốn nấu cả xương cho ngọt nước thì sau khi nấu xong bạn cũng có thể loại bỏ xương cá trước khi ăn.

5. Rán cá đúng cách

Khi chiên một miếng phi lê cá hãy luôn chắc chắn là chào đã được làm nóng hoàn toàn vì khâu này sẽ tránh cho bạn bị cá dính vào chào. Tốt nhất là kết hợp cả dầu và bơ để chiên (bơ cho hương vị và dầu để ngăn bơ khỏi bị cháy). Phi lê cá nên ướp với chút muối, hạt tiêu và gia vị cùng với một chút bột khô trước khi chiên. Trung bình 5 phút sẽ chín 1cm thịt cá, nhưng bạn cũng phải chú ý kỹ trước thời gian dự định vì cá rất nhanh chín. ngừ thì nên để chín ở mặt còn vẫn hơi đỏ bên trong vì như thế mới không bị mất chất.

6. Bí quyết làm cá tẩm bột ngon

“Fish and Chips” món ăn truyền thống của Anh tưởng là đơn giản nhưng để làm nó ngon không hề đơn giản. Muốn có món cá tẩm bột giòn ngon bạn nên thay thành phần nước trộn bột bằng nước soda hoặc sữa. Sử dụng một chảo sâu lòng, đổ thật nhiều dầu và phải để dầu sôi kỹ trước khi chiên. Đây không chỉ là mẹo nấu ăn dành riêng cho món cá mà còn cho các món chiên ngập dầu khác. Để xem dầu đã đạt độ chưa bằng cách thả một khối lập phương ruột bánh mì vào, nếu sau 60 giây bánh mì vàng rộm thì lúc đó có thể bắt đầu chiên cá.

7. Nướng cá thơm ngon

Khi nướng cá chắc chắn phải quét nước xốt thường xuyên để tránh cho cá bị khô cũng như để cho phần gia vị có thể thấm sâu vào trong phần thịt. Thêm nữa, để tránh phần cá tiếp xúc với vỉ nướng bị dính hãy lót giấy bạc trước khi nướng nhé! Nếu là một con cá to nhớ khía vài đường trên thân cá để đảm bảo cá chín đều.

Theo Bepvadoisong

NHỮNG MÓN ĂN “CỰC ĐỘC” CỦA TRUNG QUỐC


Khám phá ẩm thực Trung Quốc, bạn sẽ bất ngờ khi thấy bên cạnh những món ngon nổi tiếng, cũng có những món rất khó làm quen, hoặc những món mang trên mình cái tên rất ‘oái oăm’, như Bánh bao chó không thèm, bún qua cầu, mì ôm gái đẹp.

Trứng luộc nước tiểu

Món ăn làm nhiều người ‘hoảng hồn’ từ cái tên gọi này đã có từ hàng ngàn năm và được ưa chuộng ở Chiết Giang, Trung Quốc như một món ăn chữa bệnh. Món này được làm từ trứng luộc trong nước tiểu của em trai dưới 10 tuổi trong 10 giờ. Sau thời gian dài luộc, nước tiểu sẽ ngấm vào trứng tạo nên màu sắc đậm đà và hương vị mặn mà tự nhiên.

Mì ôm gái đẹp

Mì ôm gái đẹp là đặc sản của tỉnh Hải Nam. Nó là một loại mì sợi to ăn cùng với thịt bò, rau thơm, đậu phộng và nước sốt. Sợi mì trắng tươi mềm mại uốn lượn trong bát, bên những nguyên liệu khác, khiến nó mang cái tên hấp dẫn: mì ôm gái đẹp.

Bánh bao “chó không thèm”

“Cẩu bất lý bao tử” (狗不理包子) là một loại bánh bao nhân thịt ở Thiên Tân, tên của nó dịch nghĩa là: bánh bao chó cũng không thèm. Tuy có cái tên quái đản, nhưng món bánh này khá phổ biến và được ưa chuộng ở Trung Quốc, đến mức mà Từ Hi Thái Hậu cũng đã phải thốt lời khen: “Cao lương mỹ vị, chim trời cá nước đều không sánh được với loại bánh này, thật là món ăn trường thọ!”.

Dân gian truyền rằng ngày xưa có một người tên Cao Quý Hửu, tên ở nhà thường gọi “Cẩu tử”, anh này làm bánh bao rất ngon, đẹp như bông hoa, thơm ngào ngạt, cắn vào là tan ra đầu lưỡi. Vì bánh ngon, hàng đông khách, nên Cẩu Tử lo làm lo bán, không phục vụ hết khách được. Vậy là khách trêu anh ta là “Cẩu Bất Lý” (Cẩu Tử chẳng màng tới khách”, dần dần, cái tên lại được hiểu thành “chó cũng không thèm”.

Tôm xỉn rượu

Đây là một món ăn hấp dẫn nhiều người. Tôm tươi sống cắt bỏ râu và chân, sau đó ngâm vào rượu mạnh ít nhất 15 phút cho tôm “xỉn” rượu. Sau đó có hai cách để chế biến: hoặc là chao tôm qua dầu nóng khoảng 30 giây cho vỏ chuyển sang hồng rồi sử dụng, hoặc là châm trực tiếp lửa vào bát rượu ngâm tôm, chờ rượu cháy hết, tôm cũng vừa chín là có thể ăn ngay. Món này rất ngon ngọt lại phảng phất mùi rượu.

Bún qua cầu

Một món ăn nổi tiếng ở Vân Nam. Tương truyền vào đời Thanh, ngoại thành Mông Tự có một nơi phong cảnh đẹp, có hòn đảo giữa hồ là nơi một chàng tú tài thường đến đọc sách. Tới giờ ăn, người vợ thường mang một bát bún chồng ưa thích đến với đảo này, phải đi qua một cây cầu nhỏ… Nên món bún này được gọi là “bún qua cầu”.

Bún qua cầu được dọn ra với khá nhiều bát đĩa, mỗi bát đĩa đựng một thứ, người sử dụng sẽ tự tay xếp đặt các nguyên liệu vào bát canh nóng hổi, và các nguyên liệu sẽ chín sau chưa đầy một phút để bắt đầu thưởng thức.

Gà không lối thoát

Có lẽ người Việt không lạ gì với món gà không lối thoát. Cách làm gà rất đơn giản, gà làm sạch, tẩm một ít gia vị, bọc bằng xôi nếp hấp chín rồi đem chiên hoặc rán. Làm đơn giản như vậy nên gà giữ vị ngọt ngon tự nhiên, thịt dai, mềm và nóng hổi, trong khi miếng xôi bọc ngoài giòn thơm, vàng ươm bắt mắt.

Lẩu phân bò

Đây là một đặc sản của vùng Đài Châu, Trung Quốc. Món ăn này có thể khiến bạn liên tưởng tới món Nậm Pịa ở Việt Nam. Món này làm từ phần thức ăn chưa tiêu hóa hết ở dạ dày con bò (hay còn gọi là phân non). Cầu kỳ hơn: con bò được cho ăn cỏ thơm, cỏ thuốc trước khi giết. Phân non được lấy từ dạ dày bò, vắt lấy dịch rồi nấu thành món lẩu với các loại thịt, mật, lá thuốc… Tuy rằng khó làm quen, nhưng ngày nay món ăn trở thành một thứ đặc sản trong menu của nhiều nhà hàng ở Trung Quốc.

Hoa Hạ

NHỮNG MÓN ĐẶC SẢN CỦA VIỆT NAM LÀM DU KHÁCH SỢ


 

Ẩm thực Việt Nam rất phong phú và đa dạng nhờ sự đúc kết kinh nghiệm từ xa xưa cũng như sự giao lưu văn hóa diễn ra liên tục trên đất nước này. Tuy vậy, bên cạnh những món ăn hấp dẫn, chinh phục dạ dày của bao nhiêu du khách thập phương, thì cũng có những món làm những khách du lịch ít kinh nghiệm cảm thấy hoảng sợ.

Sau đây là danh sách 5 món đặc sản Việt Nam đáng sợ được liệt kê trên Huffington Post:

Hột vịt lộn

Hột vịt lộn là món khoái khẩu của phần đông người dân Việt Nam cũng như một số nước châu Á, tuy vậy, chỉ một ít khách du lịch là cảm nhận được vị ngon tuyệt vời này. Món ăn làm từ vịt phôi, có đủ chân đủ cánh nhưng chưa đến kì nở. Hột vịt lộn được ăn dưới dạng luộc hoặc xào me, chiên giòn. Tuy ngon miệng, nhưng người nhìn thấy món này lần đầu sẽ e ngại vì hình dáng của con vịt con bên trong. Người Việt Nam thường ăn món này vào sáng sớm hoặc chiều tối, không chỉ để thưởng thức vị ngon, món này còn được coi là một loại thuốc bồi bổ sinh lực rẻ tiền và hiệu quả.

Đuông

Không phổ biến như hột vịt lộn và chỉ có ở miền Tây nam bộ, nhưng đuông lại tạo cảm giác ấn tượng hơn vì hình dạng và cách ăn của chúng: những con sâu múp míp còn ngọ nguậy trong chén nước mắm, hoặc chiên giòn, nướng mọi. Du khách lần đầu dù mạnh vía cũng không khỏi hoảng hốt khi nhìn thấy món này.

Tuy vậy, đuông được coi là một món ăn rất ngon và bổ. Đuông có giá khá đắt: 500 ngàn đông/ ký đuông ở nơi khai thác và giá tăng cao khi đến với nhà hàng. Thông thường người ta ăn đuông dừa, tức là những con ấu trùng trong củ hủ dừa, nhưng có một loại đuông sang trọng hơn và cũng đắt tiền hơn đó là đuông chà là.

Rượu ngâm động vật

Ở Việt Nam, rượu còn là một loại thuốc bổ truyền thống. Người ta ngâm trong rượu các loại thảo dược và đặc biệt hơn, ngâm cả các loài động vật. Phổ biến là rắn, bọ cạp, tắc kè, … với quan niệm rằng những tinh túy trong cơ thể con vật sẽ ngấm vào rượu, mang lại sự bổ ích cho người thưởng thức. Tuy vậy, hình dạng nguyên một con vật trong thẩu rượu luôn làm những du khách mới tới phải e dè, sợ hãi.

Thực tế thì rượu ngâm thuốc của Việt Nam cũng có những tác dụng tích cực cho sức khỏe như chữa bệnh, tốt cho tiêu hóa, bồi bổ cơ thể, tất nhiên là dùng một cách chừng mực và chế biến an toàn.

Thịt chuột

Thịt chuột có mặt ở hầu khắp các làng quê Việt Nam, nhất là khu vực miền Tây nam bộ, nơi có những cánh đồng lúa rộng bạt ngàn, và cũng có những con chuột béo căng nhờ phá hoại lúa thóc. Ăn thịt chuột là cách tiện cả đôi đường: vừa ngon, vừa rẻ, mà lại còn có ích cho hoa màu. Tuy vậy, đối với khách du lịch, thì con chuột vẫn được coi là con vật đáng sợ thay vì ngon lành.

Tuy nhiên, về hương vị thì thịt chuột được đánh giá rất cao nhờ độ săn chắc và vị ngọt như thịt gà. Những con chuột được tẩm ướp kĩ, loại bỏ chất hôi, và nướng lên tỏa một mùi thơm hấp dẫn. Chuột được ăn thường là chuột đồng, vì vậy không thể nói là dơ bẩn.

Tiết canh

Tiết canh là món ăn cổ truyền của Việt Nam, nói một cách dễ hiểu, thì đó là máu tươi của động vật, sau đó được đánh cùng với các loại gia vị, nguyên liệu khác cho bớt mùi tanh và tăng hương vị. Tiết canh làm nhiều người sợ sệt vì nó trông chẳng khác gì một chén máu. Tiết canh tại Việt Nam chủ yếu làm từ vịt, lợn… và có mặt ở khắp các quán ăn. Theo quan niệm xưa, tiết canh giúp giải độc ruột, tăng sức đề kháng, chịu đựng của cơ thể và ngăn ngừa lão hóa. Tuy vậy ngày nay các nơi làm tiết canh thường không đảm bảo vệ sinh, lại dùng nguyên liệu nhiễm bệnh, có thể gây nguy hiểm cho người ăn, điều này cũng khiến người dân bản địa e ngại dần đối với món ăn độc đáo này.

Tào Nhân (lược thuật từ HuffingtonPost.com)

TRỨNG GÀ VÀ TRỨNG VỊT, TRỨNG NÀO TỐT HƠN?


Trứng gà, trứng vịt là hai loại trứng được dùng nhiều nhất thế giới. Ắt hẳn bạn cũng sử dụng chúng thường xuyên trong bữa cơm gia đình. Xét về độ ngon, có vẻ trứng gà nhỉnh hơn một tí về hương vị, trong khi trứng vịt có ‘lợi thế’ hơn về khối lượng, nhưng còn xét về lợi ích cho sức khỏe thì sao?

Câu hỏi “trứng gà hay trứng vịt bổ hơn?” là câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra rồi bỏ quên mất. Về điều này, các nhà khoa học đã có giải đáp.

Nhưng trước tiên, chúng ta hãy đến với những thông tin về tác dụng dinh dưỡng tuyệt vời của hai loại trứng này với sức khỏe:

Tác dụng của trứng với cơ thể

Có một sự thực ít người biết là trước đây trứng được xem là loại thực phẩm… không tốt cho sức khỏe. Vì chúng chứa nhiều cholesterol, và các chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng nên tránh ăn lòng trắng của trứng vì chúng chứa nhiều cholesterol hơn lòng đỏ.

Tuy nhiên, mới đây, BBC dẫn nghiên cứu của Anh cho thấy một quả trứng có chứa khoảng 100 mg cholesterol, tức tương đương 1/3 nhu cầu 300 mg cần có cho cơ thể hằng ngày. Vì vậy, trừ trường hợp bạn đang có vấn đề về cholesterol thì nên mới cần thiết tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, còn không có vấn đề gì về cholesterol thì có thể ăn mỗi ngày thoải mái.

Trứng cũng chứa nhiều lợi ích khác, chẳng hạn như: rất giàu các chất dinh dưỡng thúc đẩy sức khỏe tim mạch như betaine và choline. Trong thời gian mang thai và cho con bú, cung cấp đủ choline là điều đặc biệt quan trọng, vì choline rất tốt cho sự phát triển trí não.

Nếu bạn đang ăn trứng trong quá trình mang thai, nên đảm bảo lòng trắng và lòng đỏ đều đã chín.

Trong  y học cổ truyền Trung Quốc, trứng giúp tăng cường máu và năng lượng cơ thể thông qua việc giúp nâng cao chức năng của hệ tiêu hóa và thận.

Trứng cũng chứa nhiều vitamin D, giúp bảo vệ xương, ngăn ngừa loãng xương và bệnh còi xương. Trứng dùng cho bữa ăn sáng có thể giúp giảm cân nhờ hàm lượng protein cao giúp ta cảm thấy no lâu hơn, từ đó giảm các lượng thức ăn thu nạp trong ngày.

Theo đó, các loại trứng cần được xem như là một phần không thể thiếu của một chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng.

Tuy nhiên, câu hỏi thú vị nhất được đặt ra là trứng gà và trứng vịt, loại nào tốt hơn?

Trứng gà, trứng vịt, trứng nào tốt hơn?

Theo chuyên gia dinh dưỡng người Anh Jo Lewin, làm việc tại Tổ chức phi lợi nhuận về dinh dưỡng Food Partnership (Anh), trứng vịt có nhiều protein hơn và giàu dinh dưỡng hơn trứng gà, và cũng có hàm lượng chất béo cao và nhiều cholesterol hơn.

Kết quả một số công trình nghiên cứu liên quan cũng cho biết, trứng vịt cung cấp một lượng vitamin A và B-12 đáng kể.

Cụ thể, các vitamin A trong chế độ ăn của chúng ta thúc đẩy việc sản sinh tế bào mới để giữ cho các mô khỏe mạnh và giúp duy trì tốt thị lực. Một quả trứng vịt có chứa 472 đơn vị vitamin A – trong đó, 1/5 lượng hằng ngày được khuyến cáo cho phụ nữ và 16% cho nam giới. Ngoài ra, Vitamin B-12 trong trứng vịt giúp dây thần kinh khỏe mạnh và tăng cường chức năng tế bào hồng cầu, theo  Livestrong.

Ngọc Lam (Thanhnien)

 

8 THỰC PHẨM CHO TÓC KHỎE ĐẸP TỪ BÊN TRONG


Mái tóc là góc con người. Một mái tóc đẹp giúp bạn quyến rũ và trẻ trung hơn, góp phần tạo sự tự tin trong giao tiếp. Trước tới nay cứ nói chuyện chăm sóc tóc người ta thường nghĩ tới các loại dầu gội và chất dưỡng tóc, mà ít ai quan tâm tới việc “bồi bổ” tóc từ bên trong, tức là qua đường ăn uống.

Sau đây là những thực phẩm giúp tóc bạn khỏe mạnh, bóng mượt và nhanh chóng phục hồi:

Lòng đỏ trứng

Không chỉ chứa lượng lớn chất Omega-3 với công dụng được kể trên, chất biotin có trong trứng cũng là một chất giúp cho tóc mọc nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý, tuy biotin có trong cả lòng trắng lẫn lòng đỏ, nhưng nếu ăn nhiều lòng trắng sẽ làm phản tác dụng vì các chất của lòng trắng trứng sẽ ngăn cơ thể hấp thụ chất biotin.

Hạnh nhân

Cũng như trứng, hạnh nhân chứa rất nhiều chất biotin giúp cho tóc mọc nhanh và dày hơn. Chỉ cần bạn ăn 1/3 ly hạnh nhân mỗi ngày là đã nạp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mình. Bạn sẽ thấy được kết quả bất ngờ đối với tóc của mình chỉ từ 1 đến 2 tháng thôi.

Ớt vàng

Bạn có biết ớt chuông vàng chứa một lượng Vitamin C lên đến gấp 5,5 lần một quả cam không? Ngoài ra, ớt chuông vàng còn chứa khá nhiều chất oxy hoá. Với lượng lớn chất oxy hoá và Vitamin C, ớt chuông vàng sẽ giúp tóc thêm khoẻ mạnh, đặc biệt là bề mặt sợi tóc và da đầu. Ớt chuông cũng sẽ giúp ngăn ngừa rụng tóc và chẻ ngọn.

Hàu

Thiếu hụt chất sắt trong cơ thể sẽ khiến cho da đầu trở nên yếu ớt và tình trạng rụng tóc trở nên tồi tệ hơn. Hàu sẽ cung cấp cho bạn thật nhiều chất Zinc khi chỉ cần 85gr hàu đã có thể cung cấp cho bạn đến tận 493% lượng Zinc bạn cần cung cấp cho cơ thể mỗi ngày.

 

Hạt hướng dương

Chỉ cần 1 ít hạt hoa hướng dương thôi là cũng đủ cung cấp cho bạn một lượng Vitamin E cực lớn, giúp máu lưu thông đến da đầu tốt hơn và giúp tóc mọc nhanh hơn nữa. Hạt hoa hướng dương còn có công dụng cung cấp oxy cho da đầu, giúp tóc chắc khoẻ và giữ màu tự nhiên cho tóc.

Củ khoai lang

Khoai lang thường chứa khá nhiều beta carotene, kết hợp cùng với vitamin A sẽ tạo nên một “bộ đôi” giúp da đầu khoẻ hơn và giúp tóc mọc nhanh hơn. Tuy nhiên bạn nên cẩn thận với liều lượng beta carotene nạp vào cơ thể vì “bộ đôi” này khi đi cùng nhau với một liều lượng quá nhiều thì sẽ trở thành độc dược.

Cá hồi

Nhờ vào lượng lớn các chất dinh dưỡng, trong đó có Vitamin D và protein sẽ giúp da đầu thêm khoẻ mạnh, ngăn ngừa rụng tóc và giúp tóc mọc nhanh hơn. Ngoài ra, khoảng 3% sợi tóc được hình thành từ chất béo Omega-3, một chất có trong cá hồi mà cơ thể người không tự tạo ra được.

Nếu bạn không thể ăn được cá hồi thì hãy tìm những loại thực phẩm giàu chất Omega-3 khác như cá thu, cá mòi, bơ, hạt bí đỏ, hạt óc chó và thực phẩm chức năng để giúp tóc mọc khoẻ hơn.

Quả bơ

Nhờ vào một lượng lớn chất acid béo có trong thành tế bào của quả bơ mà loại thực phẩm này có khả năng tái tạo ra collagen và tăng độ đàn hồi của da đầu. Hãy trộn quả bơ cùng với kem chua (sour cream) và sử dụng hỗn hợp này như là mặt nạ cho tóc.

 

Thy Nguyễn

Theo Trí Thức Trẻ

3 BÀI THUỐC TRỊ SỎI THẬN TỪ DỨA


Sỏi thận là hiện tượng khi khoáng chất trong nước tiểu lắng lại trong thận, lâu ngày hình thành nên viên sỏi. Sỏi thận có thể ra ngoài theo đường tiểu nếu sỏi còn nhỏ, nhưng nếu sỏi càng lớn sẽ càng gây những trở ngại cho người bị mắc.

Khi bệnh ở thể nặng, bệnh nhân phải chịu những cơn đau quặn thắt hành hạ, và nếu không được chữa kịp thời, có thể dẫn đến suy thận.

Có nhiều phương pháp trị liệu căn bệnh này theo tây y và cả đông Y. Trên thực tế, nhiều trường hợp đã thoát khỏi căn bệnh này từ một loại quả rất quen thuộc đó là quả dứa.

Trong Đông y, dứa (thơm, khóm) không chỉ là một món ăn, mà còn là bài thuốc bổ và chữa bệnh, trong đó đáng kể là bệnh sỏi thận. Quả dứa vị chua, tính bình, giúp giải khát, sản sinh tân dịch, tốt cho hệ tiêu hóa. Nước ép từ dứa có tác dụng nhuận trường, tiêu tích trệ. Trong khi đó, nõn dứa giúp thanh nhiệt, giải độc. Rễ dứa giúp lợi tiểu, chữa sỏi đường tiết niệu, giúp thông tiện.

Theo lương y Vũ Quốc Trung, có những bài thuốc rất đơn giản từ dứa, dễ dàng thực hành nhưng lại có hiệu quả rất tốt trong việc trị sỏi thận:

Cách 1:

Lấy 1 quả dứa, gọt bỏ vỏ đi, khoét lỗ trong thân dứa rồi cho vào khoảng 0,3g phèn chua, sau đó cho dứa vào nồi với nước, đậy nắp lại hầm trong 3 tiếng. Hầm xong thì ăn cả dứa lẫn nước. Dùng 7 ngày sẽ thấy tác dụng tốt.

Ngoài ra còn những bài trị sỏi thận từ dứa trong dân gian được nhiều người áp dụng như sau:

Cách 2:

Dứa 1 quả, gọt vỏ, bỏ mắt, cắt đầu, khoét lỗ cỡ 3cm rồi đổ ít phèn chua vào, gắn đầu quả dứa vào đậy lại. Bỏ quả dứa này vào lò nướng hoặc đem nướng than cho chín vàng, cũng có thể đem nấu chín, sau đó vắt lấy nước.

Uống 1 ly nước này trước khi đi ngủ, sẽ giúp sỏi trong thận và bàng quan mềm ra. Sáng dậy uống tiếp 1 ly nữa, để sạn thận tan ra rồi bài tiết ra ngoài.

Cách 3:

Dứa nguyên quả đem nướng cho cháy vỏ rồi gọt bỏ vỏ và mắt đi, ép dứa lấy nước rồi trộn với 1 hột gà đánh nhuyễn. Uống mỗi lần một ly, ngày 2 lần, 1 liệu trình là 3 ngày.

Trên đây là 3 cách bài sỏi thận theo dân gian và y học cổ truyền, được nhiều người áp dụng và cho ra kết quả tốt.

Bảo Toàn (tổng hợp)

NẤU SỮA ĐẬU NÀNH NGON CHỈ TRONG 30 PHÚT


Sữa đậu nành thường đứng hàng đầu trong danh sách những thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng cho cơ thể. Tuy vậy không phải ai cũng dễ dàng mua được sữa đậu nành ngon và an toàn, hay mua một máy làm sữa đậu nành. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm sữa đậu nành một cách dễ dàng chỉ cần 30 phút.
Nguyên liệu:
140g đậu nành, 2 lít nước sôi để nguội, máy xay sinh tố, xoong nồi, vải màn, ly.

Đầu tiên là ngâm đậu nành trong nước sôi để nguội từ 6-12 tiếng (qua đêm)

.

Ngâm xong thì xả đậu qua nước lạnh vài lần cho sạch và không còn mùi chua.

Sau đó cho đậu vào máy xay, châm nước rồi xay trong 3 phút cho nát.

Trộn đậu lên cho đều rồi châm thêm 1 lít nước lạnh, xay 3 phút cho mịn.

Dùng vải thưa trải lên một cái thau rồi chế đậu nành vào để lọc lấy nước.

Nước sữa lọc ra rồi thì đem đun sôi rồi chờ tiếp 5 phút cho đậu nành chín hẳn, không còn chất độc.

Bây giờ bạn đã có thể pha sữa với đường hoặc sữa tươi, lá dứa, nước cốt dừa để uống, bổ sung dinh dưỡng cho một ngày làm việc.

MẸO LÀM HOA QUẢ CHÍN NHANH HƠN


Bạn đã biết rằng tủ lạnh là nơi tiện lợi để hoa quả lâu chín, thì chúng ta cũng có những cách dễ dàng để làm cho hoa quả chín nhanh hơn.

Đặt gần các loại quả đã chín

Đặt hoa quả xanh gần các loại hoa quả đã chín rồi cho vào trong túi kín, hoa quả chín sẽ giúp thúc đẩy hoa quả xanh chín nhanh hơn. Lý do là khi chín, hoa quả phát ra chất ethylene – chất này có tác dụng thúc đẩy hoa quả mau chín hơn. Cách này giúp rút ngắn thời gian làm chín của hoa quả, tuy không quá nhiều.

Cho vào túi giấy nâu

Túi giấy đựng thực phẩm bạn thường được cho khi mua đồ ăn nhanh là nơi để “ủ” chín trái cây hoàn hảo. Khi cho trái cây vào túi này rồi buộc hơi lỏng miệng túi, túi sẽ ngăn ethylene không thoát ra ngoài, khiến trái cây nhanh chín. Túi nên để ở nơi thoáng mát, không tiếp xúc nắng trời, đặt giữa nhiệt độ phòng để tránh hư hỏng ngoài ý muốn.

Trùm vải bông

Hãy trải một miếng vải bông hoặc lanh ra mặt phẳng, sau đó đặt các loại hoa quả mềm và có vỏ mềm như mận, đào… lên đó, xoay phần cuống xuống dưới và chừa khoảng cách giữa các quả. Rồi gói chúng lại bằng chiếc khăn đó, hoặc nếu không đủ lớn thì dùng cái khăn khác phủ lên cho kín toàn bộ hoa quả bạn cần ủ. Cách này sẽ làm hoa quả mau chín hơn rất nhiều.

Đặt trong thùng gạo

Gạo có chức năng giữ ethylene rất hiệu quả, và thùng gạo cũng là phương pháp dân gian để ủ các loại hoa quả như bơ, chuối… mau chín. Bạn càng vùi kín quả vào trong lớp gạo thì quả sẽ chín càng nhanh hơn.

Đặt gần một quả táo, cà chua, hoặc một quả chuối chín

Một cách thú vị để làm hoa quả nhanh chín hơn, đó là đặt nó chung với quả táo, một quả cà chua hoặc quả chuối, rồi trùm lại hoặc cho vào túi giấy, túi nylon. Hai quả này có khả năng giải phóng ethylene mạnh mẽ hơn các loại hoa quả khác, nó làm “lây” chín nhanh hơn đối với các quả nằm chung túi với nó.

Làm chín hồng giòn

Hồng ngâm (hồng giòn) có cách làm chín đặc biệt: ngâm nó vào chậu nước lã.

Ướp chung với khói nhang

Chúng ta biết rằng chuối để trên bàn thờ có thắp hương đều đặn sẽ rất mau chín. Còn nếu không muốn làm chín trên bàn thờ, bạn có thể cho các loại hoa quả như chuối vào túi rồi đặt một bát cắm nhang vào trong đó cho khói nhang vận vào mình chuối. Nhang cháy hết thì lấy bát nhang ra, cột miệng túi lại, như vậy sẽ làm chuối rất nhanh chín.

Lưu ý

Không phải loại quả nào cũng nên dùng các cách ủ chín này. Những loại quả hợp với các phương pháp vừa nêu bao gồm: bơ, chuối, xoài, đào, mận, lê, na, sapoche, đu đủ, cà chua, dứa…

Còn đối với táo, cherry, việt quất, dâu tây, lựu, nho, mâm xôi, cam, chanh, quýt, bưởi, dưa hấu… thì bạn nên mua loại chín sẵn, và bảo quản ngay trong tủ lạnh sau khi mua về. Vì không thể áp dụng các cách làm chín tại nhà được.

Tú Nhi (Tổng hợp)

‘TẢ PÍN LÙ’ LÀ MÓN ĂN RA SAO?


10 LÝ DO VÌ SAO BẮP CẢI ĐƯỢC GỌI LÀ ‘THUỐC QUÝ’


Bắp cải không chỉ là một thực phẩm lành mạnh, nó còn mang lại nhiều lợi ích bất ngờ cho cơ thể. Ngoài giúp phòng chống ung thư, bắp cải còn giúp phòng và trị nhiều bệnh thường gặp khác.

Sau đây là 10 công dụng khiến cho bắp cải luôn được coi như một vị thuốc quý:

1. Bảo vệ hệ tiêu hóa, chữa loét dạ dày, tá tràng

Các chuyên gia Ấn Độ chứng minh qua nội soi rằng một số hoạt chất trong bắp cải tươi có tác dụng tích cực cho sự hình thành một lớp màng giúp che chở, tái tạo niêm mạc ở dạ dày. Qua đó, nước ép bắp cải được khuyên sử dụng để cho mau lành chứng loét ở dạ dày, tá tràng. Một nghiên cứu trên 40 bệnh nhân loét dạ dày tá tràng cho thấy những người uống mỗi ngày một ly nước ép bắp cải (1/4 lít) trong 3 tuần, vết loét sẽ nhanh chóng được phục hồi.

2. Phòng đái tháo đường và béo phì

Các chất trong bắp cải có tác dụng làm giảm quá trình đồng hóa glucid và giảm đường huyết, vì thế có tác dụng phòng bị tiểu đường tuýp 2. Mặt khác, rau bắp cải có tác dụng ngăn chặn glucid chuyển hóa thành lipid (chất béo) là một trong những nguyên nhân gây tăng cân, béo phì.

3. Phòng chống ung thư

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tất cả các loại rau cải đều có tác dụng phòng chống ung thư, trong đó rau bắp cải nổi trội hơn cả.

Nghiên cứu cho thấy, mỗi tuần ăn rau bắp cải 3  đến 4 lần có tác dụng giảm nguy cơ ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư bàng quang và ung thư tiền liệt tuyến.

Điều lưu ý bắp cải chứa một lượng chất goitrin, chất này có tác dụng chống ô-xy hóa nhưng không tốt đối với rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ vì thế, với những người này nên hạn chế ăn rau bắp cải.

Phòng ung  thư vú: Nghiên cứu mới nhất của nhà khoa học Mỹ cho thấy, phụ nữ mỗi tuần ăn 2 – 3 lần rau bắp cải dưới dạng luộc, ăn sống, sẽ làm giảm nguy cơ ung thư vú 20% so với những người chỉ ăn loại rau này vài lần/tháng. Lý do, trong rau bắp cải còn chứa hoạt chất indol có tác dụng phòng chống ung  thư vú. Tại Ba Lan, trung bình mỗi phụ nữ ăn khoảng 12kg rau bắp cải/1 năm, trong khi đó phụ nữ Mỹ chỉ tiêu thụ 4,5kg/năm đó cũng là một trong những nguyên nhân vì sao tỉ lệ phụ nữ Mỹ mắc ung thư vú cao hơn phụ nữ Ba Lan.

Bắp cải giúp phòng chống nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư vú.

4. Diệt khuẩn, giảm ngứa

Nếu ai hay bị mắc các căn bệnh ngoài da thì có thể yên tâm bổ sung bắp cải vào thực đơn hàng ngày bởi bắp cải có chứa một lượng lớn lưu huỳnh và tác dụng chính là diệt vi khuẩn và giảm ngứa. Chính vì vậy mà nếu ngay từ nhỏ, chúng ta ăn nhiều bắp cải sẽ giúp bé có được làn da đẹp sau này.

5. Cải thiện tâm trạng, tinh thần

Bắp cải có chứa tryptophan, một thành phần của protein. Thành phần hóa học có thể làm dịu các dây thần kinh và thúc đẩy việc sản xuất serotonin, đó là một loại hoóc môn hạnh phúc. Ngoài ra, cũng chứa selen không chỉ là nguyên tố vi lượng mà còn có tác dụng cải thiện cảm xúc của con

6.Chống viêm, giảm đau

Giống như thuốc, bắp cải không chỉ có thể làm giảm các triệu chứng đau khớp mà còn có thể ngăn ngừa và điều trị đau họng do cúm. Do đó những bệnh nhân bị viêm khớp thường có thể ăn bắp cải. Đồng thời, để ngăn chặn sự viêm cổ họng do cúm, bạn có thể ăn bắp cải nhiều hơn.

7. Phòng chữa táo bón

Nếu bạn đang bị chứng táo bón hành hạ thì hãy bổ sung rau bắp cải vào chế độ ăn hàng ngày. Bắp cải rất nhiều chất xơ, một loại chất đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa. Vì vậy mà bắp cải là loại thực phẩm trị chứng táo bón hiệu quả.

8. Giảm cân

Bắp cải là sự lựa chọn tuyệt vời đối với những người đang giảm cân. Một chén cải bắp nấu chín chỉ chứa 33 calo. Chính vì vậy, mà bạn có thể ăn thật nhiều cải bắp để tránh cảm giác đói. Ăn cải bắp vừa giúp bạn không tăng cân lại vừa giúp bạn tránh tình trạng thiếu chất.

9. Tăng cường hệ miễn dịch

Bắp cải giàu vitamin C. Hàm lượng của vitamin C chứa trong 200 gam bắp cải là gấp hai lần vitamin C chứa trong cam. Ngoài ra, bắp cải cũng có thể cung cấp một số nhất định chất chống oxy hóa, trong đó có một vai trò quan trọng trên cơ thể con người, chẳng hạn như vitamin E và tiền vitamin A (β-carotene). Những chất chống oxy hóa có thể bảo vệ cơ thể khỏi những thiệt hại của các gốc tự do và có thể thúc đẩy việc cập nhật của các tế bào.

10. Đẩy lùi cơn ho

Theo Đông Y, cải bắp vị ngọt tính hàn, làm mát phổi, thanh nhiệt, trừ đàm thấp, giải độc vì thế có thể trị ho, nhất là ho có đờm. Cách làm: Dùng 80-100g cải bắp, nửa lít nước, sắc còn 1/3, cho thêm mật ong uống trong ngày, kết hợp ăn bắp cải sống.

Bảo Trung (suckhoedoisong)

MÓN TIẾT CANH CƯỚP ĐI MẠNG SỐNG CỦA HÀNG CHỤC NGƯỜI


Tiết canh là món ăn độc đáo của Việt Nam, tuy vậy tình trạng người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn từ món ăn này hiện đang ở mức báo động.

82 người nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh, 10 người tử vong tính từ đầu năm đến nay, theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

Riêng tại Hà Nội có đến 17 ca mắc liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh, 2 người đã chết. Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều người dân cho rằng lợn sạch, lợn nhà nuôi thì không sợ bệnh nên thoải mái ăn tiết canh, thịt lợn tái… Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng con lợn đó không mang liên cầu khuẩn. Rất nhiều bệnh nhân ăn thịt lợn chưa nấu chín kỹ, tiết canh do lợn nhà nuôi nhưng vẫn bị bệnh liên cầu khuẩn.

Để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân không nên ăn tiết canh, lòng, tim, gan chần tái. Ảnh:N.P. 

Khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, ngoài ra do ăn nem chạo sống và số ít người nhiễm từ việc chăn nuôi lợn bệnh. Một khảo sát năm 2014 trên VnExpress.net “Bạn có ăn tiết canh không” cho thấy trong số hơn 1.000 người thì có đến 7% trả lời ăn thường xuyên, 45% thỉnh thoảng và 48% không ăn.

Người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, đến 40%.

Tiến sĩ Bắc khuyến cáo, bệnh xảy ra rải rác quanh năm, nhưng vào những tháng gần cuối năm gắn liền với Tết âm lịch thường có xu hướng gia tăng. Để phòng bệnh, người dân không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…); không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…

Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bệnh cũng có biểu hiện tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng.

Ngoài mầm bệnh liên cầu lợn, ăn thịt lợn chưa chế biến kỹ còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán, giun xoắn… Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) từng tiếp nhận một bệnh nhân có khoảng 50 ổ sán trên não. Bệnh nhân này thường xuyên ăn lòng lợn tiết canh và rau sống.

Nam Phương (VnExpress.net)

10 MÓN ĐẶC SẢN ‘ĂN QUÊN SẦU’ CỦA TỈNH HẬU GIANG


Hậu Giang là tỉnh mới tách ra từ Cần Thơ vào năm 2004. Từ lâu nay, Hậu Giang vẫn được biết đến như một trong những trung tâm lúa gạo, thủy sản sông nước lớn của miền Tây Nam bộ. Đất Hậu Giang con người chất phát, mộc mạc, là nơi mang lại cho du khách những sản vật ngon quý, những món ăn dân dã mà đậm đà khó quên.

1. Cháo lòng Cái Tắc

Cháo lòng Cái Tắc là món ăn đơn giản, phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long như cháo lòng Cái Tắc (huyện Châu Thành A) lại mang những hương vị độc đáo, đặc trưng của vùng đất này mà những ai một lần thử qua đều rất ấn tượng. Cũng vẫn là tim, gan, phèo, phổi, gia vị, gạo nhưng mỗi cửa hàng lại có cách nêm nếm khác nhau tạo nên sự hấp dẫn của món ăn này. Một tô cháo lòng thơm lừng, nóng hổi ăn kèm với rau đắng biển, bắp chuối, giá sống, chanh ớt tạo nên một bản hòa ca mùi vị mà du khách khó có thể cưỡng lại khi một lần dùng thử.

2. Chả cá thác lác Hậu Giang

Món chả cá thác lác hầu như ở khu vực nào cũng có nhưng từ khi món chả các thác lác cườm ở Hậu Giang xuất hiện thì nó nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của món ngon này. Cách làm đơn giản nhất là cá thác lác được chiên với sả ớt, cá được đánh sạch vảy, khứa nhẹ nhiều khứa theo chiều ngang ướp với bột ngọt, sả giã nhuyễn và chiên cá ngập trong chảo dầu. Khi các bốc mùi thơm là du khách có thể thưởng thức được, chả cá ngon nhất là chấm với nước mắm ăn kèm với các loại rau sống cho đỡ ngán. Chả cá thác lác đặc sản Hậu Giang quả thực là một món ngon hấp dẫn du khách.

3. Bưởi Năm roi Phú Hữu

Tại Hậu Giang du khách phải thưởng thức bưởi năm roi Phú Hữu, loại trái cây ngon nhất của tỉnh. Chất lượng bưởi năm roi Phú Hữu được khẳng định từ nhiều năm nay. Muối bưởi đều đặn, không hạt, tép bưởi ráo, vị ngọt thoảng, chua thanh. Ăn bưởi năm roi Phú Hữu phải chấm với muối tiêu sọ hoặc muối ớt cay thì du khách mới cảm nhận hết được hương vị thơm ngon của loại trái cây nổi tiếng này.

4. Bún gỏi già

Nếu một lần ghé thăm Hậu Giang du khách có thể thưởng thức món bún gỏi già, nhìn sơ qua thì du khách có thể nhầm với món mắm bởi nguyên liệu chính cho món ăn này là mắm cá linh. Bún gỏi già phải nấu chung với me mới cho ra vị chua chua ngọt ngọt ăn không ngán và điều đặc biệt là bún gỏi già phải ăn chung với tép thì mới thưởng thức trọn vẹn hương vị của tô bún. Những con tép, tôm luộc đỏ au cùng với màu xanh bắt mắt của các loại rau ăn kèm như: rau muống bông chuối làm cho tô bún vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.

5. Cá thác lác cườm

Nhiều người nói rằng: “Đi du lịch Hậu Giang mà không ăn được cá thác lác cườm coi như thiếu sót lớn”. Ở hầu hết các nhà hàng, tiệm ăn lớn ở Hậu Giang đều có các món ăn được chế biến từ cá thác lác. Người dân Hậu Giang lâu nay coi cá thác lác là món đặc sản rất đáng tự hào của tỉnh nhà.

Đơn giản và dễ làm nhất là thác lác chiên sả ớt. Cá được làm sạch, khứa nhẹ rồi ướp muối, bột ngọt, ớt, sả băm nhuyễn cho thấm, sau đó cho vào chảo rán giòn. Khi mặt cá chuyển sang màu vàng ươm, mùi thơm quyện cùng sả, ớt bốc lên là chín. Ngoài ra, món cá thác lác nướng cũng có vị ngọt lan tỏa nơi đầu lưỡi cùng cảm giác cay nồng và vị thơm của sả, ớt.

6. Sỏi mầm

Tên món ăn dễ làm người nghe liên tưởng đến mầm đá của Trạng Quỳnh. Tuy không phải vậy nhưng sỏi mầm – đặc sản Hậu Giang – cũng có cách thưởng thức rất khác biệt. Lần đầu tiên nhìn thấy cách bài trí món ăn hẳn ai cũng phải ngạc nhiên.

Bởi thay vì nồi niêu hay bếp, thì lại có 3 hoặc 4 viên sỏi được nung thật nóng đặt trên đĩa, xung quanh bày rau sống và cải bắp thái nhỏ, rau thơm, ớt tươi, còn thịt heo rừng ướp sẵn gia vị được bày riêng. Người ăn gắp thịt heo rừng mỏng dính để lên hòn sỏi đang nóng rẫy cho đến khi mùi thơm tỏa lan, vàng săn là đạt. Sau đó, gắp thịt từ trên sỏi cùng rau sống và chấm nước mắm chua ngọt rồi thưởng thức.

Cái ngon của sỏi mầm là tổng hợp từ cả vị thịt heo rừng dai thơm, ngọt, rau xanh mát, nước chấm đậm đà với sự thích thú của thực khách khi chờ đợi thịt chín trên sỏi, nghe tiếng thịt reo xèo xèo ngay trước mặt dù không có bếp. Một món ăn đặc biệt như thế này tất nhiên không nên bỏ qua khi thăm thú Hậu Giang.

7. Khóm (dứa) Cầu Đúc

Có nguồn gốc từ Thái Lan, khóm Cầu Đúc dần trở thành loại cây đặc sản của Hậu Giang. Thuộc giống Queen, khóm ở xã Hỏa Tiến, thị xã Vị Thanh này có vị ngọt thanh, ngon nổi tiếng. Vẻ ngoài của khóm cũng đẹp và bắt mắt, quả nào quả nấy to đều, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu. Bổ ra thấy thịt khóm màu vàng đậm, ít xơ, ít nước. Đặc biệt, riêng trái khóm có thể để khoảng 10 – 15 ngày vẫn không bị hỏng.

Khóm Cầu Đúc có thể chế biến thành nhiều món ăn đậm hương vị đồng quê như canh chua khóm cá rô đồng, thịt ba rọi xào khóm chua ngọt, hay khóm kho cá… Hiện nay, khóm Cầu Đúc còn được xuất khẩu sang nước ngoài và trở thành nguyên liệu sản xuất nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế như nước khóm ép, khóm sấy khô không tẩm đường, kẹo, mứt, rượu, nước giải khát có ga… rất được ưa chuộng.

8. Ốc len xào dừa

Ốc Len còn được gọi là Linh Hoa vốn là loài ốc biển tự nhiên, chỉ có ở các rừng ngập mặn hay các bãi bồi ven biển. Thường thì ốc Len không quá to chỉ bằng ngón tay trỏ, có màu nâu xen lẫn vân trắng, thân xù xì. Ốc len xào dừa là món ăn quen thuộc của người dân Hậu Giang, để làm món ăn này đúng điệu, đúng vị người Hậu Giang cũng khá tỉ mỉ chứ không hề đơn giản. Vì phổ biến nên rất dễ để tìm được hàng bán ốc len xào dừa ở Hậu Giang nhưng tìm một cửa hàng ăn ngon, đúng điệu lại là việc khác. Những cửa hàng này đều giữ kỹ bí quyết riêng của mình mà chỉ có người trong gia đình mới nắm được.

9. Đọt choại

Đọt choại là một loại rau thuộc họ dương xỉ, mọc nhiều ở vùng vũng như Đồng Tháp Mười, Vị Thanh, Hậu Giang. Đọt choại có hình dáng rất lạ mặt, trên đầu uốn cong, thân mảnh, nếu mới nhìn chắc ít ai có thể nghĩ đây là nguyên liệu để làm nhiều món ăn ngon như vậy. Đọt choại có thể chế biến thành nhiều món nhưng ngon nhất là đọt choại xào. Bởi sự dân dã, bình dị, mang đậm nét quê nên đọt choại được các bà nội trợ miệt vườn chế biến thành rất nhiều món rất đa dạng không chỉ làm hấp dẫn cho bữa cơm gia đình mà còn không thể thiếu trong ẩm thực Hậu Giang.

10. Cá ngát

Cá ngát là loài cá rất tinh ranh chỉ sống ở những nơi nước sâu, thậm chí có khi cá khoét hang sâu tận 2-3m để trú ngụ. Vì thế, việc khai thác cá cũng khá khó khăn.

Có nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ cá ngát như: nấu canh chua,  nướng bẹ chuối, kho tộ, hấp, hoặc làm món khô ăn với củ kiệu… Tuy nhiên, chế biến đơn giản và dân dã nhất chính là cá ngát cuốn vào bẹ chuối hột, nướng trên bếp than hồng để giữ nguyên vị ngọt của cá đồng thời thơm ngon hơn. Khi cá chín có thể ăn kèm với các loại rau, chấm muối ớt. Món cá ngát kho tộ là món ăn thường nhật của người dân mộc mạc vùng sông nước miền Tây. Sau khi được làm sạch, thì cá được tẩm ướp với nước mắm ngon, thêm chút đường, hạt tiêu, ớt, bột ngọt và đun trên lửa liu riu để cá thấm đều.

Thanh Xuân (tourdulichmientay)

 

Cách làm TÔM SỐT CHANH kiểu Thái


TÔM SỐT CHANH CHUA NGỌT kiểu Thái là món ăn hấp dẫn với vị chua ngọt cay thơm đặc trưng của ấm thực Thái, quyện trong miếng tôm sần sật ngọt ngào.

 

Nguyên liệu làm món tôm sốt chanh chua ngọt

  • 1/2 ký tôm tươi
  • 3 muỗng cafe nước sốt cà
  • 3 chiếc lá chanh tươi thái nhuyễn
  • 1 quả chanh
  • 1 thìa canh tương ớt
  • 1 thìa canh nước mắm
  • 1 cục đường thốt nốt, hoặc 2 thìa nhỏ đường
  • 3 thìa canh nước cốt dừa
  • ngò rí (mùi tàu), tỏi

Cách làm tôm sốt chanh chua cay ngọt kiểu Thái

Tôm chẻ dọc sống lưng bỏ chỉ đen, bỏ vỏ, chỉ lấy phần thịt tôm. Rửa sạch rồi để thật ráo nước.

Ướp tôm với sốt cà + lá chanh + nước cốt 1 trái chanh + tương ớt + nước mắm + đường, ướp trong ít nhất 30 phút.

Tỏi đập dập, bỏ vỏ, băm nhuyễn. Bắc chảo cho chút dầu rồi phi thơm tỏi. Sau đó trút tôm đã ướp vào đảo nhanh và đều cho tôm ngấm gia vị.

Nấu chừng 3 phút thì tôm gần chín, ta cho nước cốt dừa vào, vừa đảo vừa đun sôi.

Sôi thì cho ngò rí thái nhỏ vào đảo cùng, tắt bếp.

Múc tôm ra dĩa, rưới sốt còn lại trong chảo lên. Ăn nóng với cơm hoặc mì ống.

Kim Nhi (dịch)