Cách làm MỰC XÀO DƯA CHUA

Hãy thay đổi hương vị cho món mực xào bằng cách xào cùng dưa chua, bạn sẽ mang lại một bữa ăn mới lạ, ngon lành cho gia đình.

Nguyên liệu:

– Mực ống: 300g

– Dưa chua: 150g xem CÁCH LÀM DƯA CẢI CHUA

– Cà rốt: 1 củ

– Hành củ, hành lá, tiêu, gia vị…

Cách làm:

Bước 1:

– Mực mua về bỏ túi, nội tạng rồi rửa sạch, cắt khoanh vừa ăn, để ráo. Ướp mực cùng 1/2 muỗng cafe hột nêm, 1/2 muỗng cà phê muối trong 15 phút.

Bước 2:

– Dưa chua rửa vài lần nước cho đỡ vị mặn chua, cắt khúc vừa ăn, bóp nhẹ cho ra nước. Để ráo.

– Cà rốt gọt vỏ, xắt khoanh vừa ăn.

Bước 3:

– Bắc chảo cho vào ít dầu ăn đun nóng rồi phi thơm hành củ băm, cho mực vào xào vừa chín tới thì trút mực và hành tây ra tô để riêng. Lưu ý không xào mực lâu kẻo bị nhũn ăn dở.

Bước 4:

– Cũng cái chảo đó ta cho cà rốt vào xào cùng chút nước mắm.

Bước 5:

– Cà rốt chín thì trút dưa vào xào chung khoảng 8-10 phút cho ngấm và chín đều thì lại trút mực vào, vặn lửa lớn, xào nhanh tay cho mực vừa đủ nóng thì nêm nếm lại cho vừa miệng. Tắt bếp. Rắc hành lá, tiêu vào.

– Ăn nóng với cơm.

theo Cún Khang

MẸO CHỌN MUA HẢI SẢN TƯƠI NGON

Món ăn từ hải sản không chỉ ngon mà còn mang lại nhiều dinh dưỡng quý báu cho cơ thể. Tuy vậy, ngày nay hải sản nhiễm hóa chất, tẩm ure… đã xâm nhập vào thị trường hải sản, khiến cho việc chọn mua hải sản không còn là điều đơn giản.

Sau đây là những mẹo hay để người nội trợ chọn mua được những nguyên liệu tươi ngon nhất cho món ăn hải sản của mình:

Mẹo chọn mua cá biển

Nhìn mắt cá: cá tươi mắt lồi và trong, giác mạc có độ đàn hồi khi ấn vào. Cá không tươi hoặc ươn mắt lõm, màu đục, giác mạc nhăn nhúm hoặc rách rưới.

Nhìn mang cá: Mang cá tươi có màu đỏ hồng, dính chặt với hoa khế, không hôi, không nhớt. Cá ươn mang màu xám, lỏng lẻo không dính chặt hoa khế, thường có nhớt và mùi hôi.

Nhìn vảy cá: Cá tươi vảy đẹp óng ánh, bám chặt, không có niêm dịch và mùi hôi. Cá ươn vây thường mờ, dễ tróc, màu không óng ả, thường có mùi hôi.

Nhìn hậu môn cá: Cá tươi hậu môn thường thụt vào trong, màu trắng nhạt, bụng cá lép. Cá ươn hậu môn thường có màu hồng hoặc bầm đỏ, lồi ra, bụng cá thường trương phình.

Nhìn miệng cá: Cá tươi thường ngậm kín miệng, cá ươn ôi miệng luôn hé mở.

Ấn vào mình cá: Cá tươi thịt chắc, ấn vào sẽ đẩy ra (đàn hồi), không để lại vết lõm. Cá ươn thì ngược lại.

Mẹo chọn tôm ngon

Muốn mua được tôm ngon, nên lựa con thân săn chắc, vỏ cứng, trắng trong chứ không ngả màu đục, vàng hoặc đỏ. Đầu tôm phải dính chắc vào mình, các càng tôm còn nguyên càng tốt. Ngoài ra ngửi thử nếu tanh lạ, hôi hôi thì không nên mua.

Ngoài ra ngày nay có “công nghệ” bơm tạp chất vào tôm sú cho tôm mập, nặng ký, để tránh tôm bơm tạp chất, nên chọn tôm có thân cong, hơi mềm (không cứng thẳng đơ vì đó là tôm đã bị bơm), đầu và thân dính chặt không dễ tách rời. Tôm bị bơm thường phù đầu, vểnh gai, đuôi xòe ra. Nên tránh kẻo tiền mất tật mang.

Mẹo chọn sò tươi 

Với các loại sò, chỉ cần chọn sò tươi. Nên chọn chỗ nào bán sò có nhiều con thè lưỡi ra ngoài. Nếu sò đã ngậm miệng, hửi thử coi hôi thì đừng nên mua. Sò ngon là sò cỡ vừa, không to quá không nhỏ quá, vì nhỏ quá thì bị teo hết thịt, to quá thịt dễ bị dai.

Mẹo chọn mua mực

Mực ngoài thị trường có nhiều loại như mực ống, mực nang, mực sim… Thông thường mực tươi con sẽ to, thịt dày chắc, màu trắng trong. Mực nang tươi luôn có lớp màng nâu phủ quanh. Mực ổng chọn con đầu dính chặt mình, túi mực chưa vỡ, thịt màu sáng hồng hào.

Mực không tươi hoặc ươn là mực có màu ngả xanh, thịt mềm nhão, đầu không dính chặt thân, mùi rất tanh.

Mẹo chọn cua ngon

Thông thường ngoài chợ có bán 3 loại cua: cua nước, cua thịt, cua gạch. Cua gạch và cua thịt mỗi thứ ngon một kiểu, đều bổ cả. Muốn chọn mua cua tươi ngon, đầu tiên ấn vào yếm cua, nếu yếm cứng chắc là cua dày thịt, ăn ngon. Nếu thường lựa cua bạn có thể ngó vào que càng của cua, nếu thấy mọng nước thì cua thịt xốp không ngọt không ngon.

Cua ngon có thể nhìn thấy bằng mắt thường: vỏ xám đục, yếm to.

Mẹo chọn ghẹ ngon

Cách chọn ghẹ không giống cách chọn cua. Muốn mua ghẹ tươi nên chọn ghẹ có yếm màu đỏ, chân co lại. Ghẹ thịt thì ấn ngón tay vào sát cái yếm dưới ức, gần chân mái chèo của ghẹ, nếu cảm thấy lõm thì đó là ghẹ óp ăn rất chán.

Cuối cùng, bạn nên nhớ tránh mua ghẹ, tôm, cua vào những ngày rằm hoặc gần rằm (giữa tháng âm lịch), vì lúc đó hải sản không được ngon.

Bảo Thoa (tổng hợp)

Cách làm CANH MỰC NẤU DƯA

 

Tô canh chua dịu hấp dẫn sẽ là món ăn ưa thích cho bữa cơm gia đình bạn.

Chuẩn bị:

– 200g mực
– Dưa chua: 1 chén
– Cà chua, ớt, tỏi, gừng, cần tây

Cách làm
Sơ chế
– Mực rửa sạch, bỏ mắt, yếm, để ráo nước.
– Dưa rửa qua vài lần với nước cho bớt chua. Vắt lấy nước.
– Tỏi gừng đập dập, cà chua bổ múi cau
Thực hiện
– Bắc nồi lên bếp cho vào ít dầu ăn rồi phi thơm tỏi, trút cà chua vào xào sơ rồi trút mực vào xào thật nhanh tay cho mực săn, nêm chút nước mắm và gia vị.
– Đổ vào nồi lượng nước đủ nấu canh rồi đổ tiếp nước dưa chua vào. Nấu tới khi dưa chín mềm.
– Nêm đường vào cho vừa đủ chua ngọt. Xắt thêm vài lát ớt nếu ăn cay.
– Cuối cùng cho gừng và cần tây vào, múc ra tô ăn nóng với cơm.

 

Bảo Tọa (ảnh: Eva.vn)

MẸO DỄ NHỚ GIÚP NẤU MỰC LUÔN NGON

Mực là món ngon, bổ dưỡng và có thể nói những con mực ngon, lớn sẽ là thứ nguyên liệu khá “sang” trong mâm cơm hàng ngày.

Cũng như mọi loại sinh vật biển khác, món mực càng làm đơn giản càng ngon. Tuy vậy không phải lúc nào người ta cũng làm được những món mực như ý.

Mực ngoài chợ mua thường có 2 loại: mực nang là loại mực lớn, có  xương (nang) bên trong thân. Mực ống là loại mực nhỏ, có ống mực.

Mực nào cũng có kết cấu và hương vị đặc trưng của mực. Để giữ cho kết cấu và hương vị của nó tự nhiên và ngon lành nhất, đồng thời loại bỏ những phần dở, hôi, ta có thể sơ chế theo các bước:

Khi sơ chế:

– Khi mua mực về, bỏ nang. Tách đầu ra khỏi thân.

– Phần đầu: bỏ mắt mực, lột bỏ lớp màu đen, bỏ phần ruột mực đi.

– Phần thân: lột bỏ lớp đen quanh thân.

– Tiếp theo, ngâm mực vào nước lã pha chanh hoặc dấm độ 10 phút.

– Vớt mực ra rửa lại bằng nước lã, sau đó vớt mực ra để ráo. Bước này để làm mực trắng giòn.

Khi chế biến:

– Chế biến mực có nhiều cách nhưng nếu mực ngon, đắt tiền thì đem hấp hoặc xào có lý hơn là làm chả hay nhồi thịt, vì hấp, xào là cách chế biến giữ lại tối đa kết cấu và hương vị tuyệt vời của mực.

– Khi nấu mực, bất kể kiểu gì, chỉ nên nấu chín tới, mực sẽ vừa đủ mềm, giòn, ngọt, ngon. Nếu xào lâu mực bị nhũn hoặc dai, ăn cũng không còn ngọt.

Khi thưởng thức:

– Mực hấp sẽ rất ngon nếu ăn với nước mắm gừng hoặc nước sốt chua cay ngọt.

Thái Anh

Cách làm CANH RÂU MỰC NẤU NGÓT

Canh râu mực nấu ngót là món ăn dễ làm, dễ thưởng thức. Canh có vị thanh nhẹ, miếng râu mực giòn ngọt hấp dẫn sẽ chinh phục tất cả mọi người.

Nguyên liệu

– Đầu mực (3 lạng)

– Nấm kim châm: 1 lạng

– Cà chua: 3 trái

– Cần tàu: 30g

– Ớt, hành lá, các gia vị thông thường.Thực hiện:

Sơ chế:

– Mực mua về làm sạch, xắt nhỏ vừa ăn rồi ướp với 1 muỗng cà phê nước mắm, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 1/2 muỗng cà phê tiêu. Để 20 phút cho ngấm.

– Nấm rửa sạch, bỏ rễ, tách nhỏ.

– Cà chua lấy 2 trái rửa sạch, thái múi cau. Trái còn lại xắt hột lựu.

– Cần tàu xắt khúc nhỏ.Nấu canh:

– Bắc chảo cho phần cà chua thái lựu vào xào nhừ, nêm 1 muỗng cà phê đường, chút muối, sau đó trút  chảo sốt cà này ra riêng.

– Trút mực đã ướp vào xào chín tới.

– Bắc nồi cho 1 lít nước vào nấu sôi, sau đó trút cà chua, mực vào, cho thêm 2 trái ớt hiểm nếu ăn cay. Tiếp tục trút cà chua xắt múi cau, nấm. Nước sôi thì nhỏ lửa, Nêm 2 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê đường, 1  muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê hột nêm, nếm lại cho vừa miệng.

– Cho cần tàu và hành lá vào đảo đều rồi tắt bếp.

– Ăn nóng với cơm.

 

Bảo Nhân (theo Bếp Lửa)

Cách làm MỰC HẸ XÀO DẦU HÀO

Mực xào hẹ là món ăn ngon với vị giòn ngọt của mực hòa trong hương thơm hấp dẫn của lá hẹ. 

Chuẩn bị:

  • – 1 lạng mực tươi
  • – 1 muỗng cà phê muối
  • – 1 muỗng cà phê gừng băm
  • – Lá hẹ, cà rốt (tùy ăn)
  • – 1 muỗng canh rượu trắng
  • – 1 muỗng canh dầu hào
  • – Boa rô, tỏi

Cách làm:

Bước 1: Mực làm sạch, để ráo, dùng dao béng khứa mặt như trong ảnh. Sau đó xắt thành miếng vừa ăn.

Bước 2: Chần mực qua nước sôi rồi vớt ra ngoài cho mực hơi co lại.

Bước 3: Bắc chảo cho ít dầu, cho chút tỏi băm vào phi thơm sau đó cho tỏi tây, cà rốt vào xào.

Bước 4: Tiếp theo trút mực vào xào chung. Cho luôn hẹ, muối, rượu, dầu hào, gừng băm vào đảo đều trên lửa lớn.

Mực chín, cho ra dĩa ăn nóng.

 Theo Mimi, Khám phá

Cách làm MỰC ỐNG NHỒI THỊT SỐT CÀ

Mực ống nhồi thịt là kiểu làm quen thuộc ở các hàng cơm. Đây là món ăn hấp dẫn đối với mọi người, sự kết hợp đầy thích thú giữa thịt, hải sản và rau quả.

Nguyên liệu:

  • – 4 con mực ống
  • – Thịt lợn xay: 2 lạng
  • – Tôm: 2 lạng, bóc vỏ, giã nhuyễn
  • – Bún tàu, nấm mèo: ngâm nở, bún tàu xắt cọng nhỏ, nấm mèo xắt vụn
  • – Hành củ băm, tỏi băm, củ năng băm, gừng băm.
  • – Dầu hào, dầu ăn, xì dầu, ngũ vị hương
  • – Hành tím, hành lá thái nhỏ, cà chua xắt nhỏ, rượu gạo, nước mắm, tiêu hạt màu trắng
  • – Rau ăn kèm: thìa là, húng lủi.

Cách làm:

– Mực mua về làm sạch, rửa với nước rồi để qua một bên cho ráo. Cắt phần đầu mực với thân mực ra riêng.

– Bắc chảo phi thơm 1 muỗng cafe hành củ băm, 1 muỗng cafe tỏi băm, 1 muỗng cafe gừng băm. Tiếp đó trút củ năng băm, xì dầu, dầu hào, nấm mèo, bột ngũ vị vào đảo đều sơ rồi trút ra ngoài. Để nguội. Trút hỗn hợp vào tô cùng với tôm, thịt, bún tàu, hành lá thái nhỏ, trộn lên cho đều.

– Sau đó nhồi hỗn hợp trên vào thân từng con mực cho vừa căng. Sau đó nhét một phần đầu mực vào để bịt lại (để xoay tua mực ra ngoài cho giống con mực bình thường), dùng tăm xiên qua để giữ phần đầu mực.

– Cho mực đã nhồi thịt lên xửng nước sôi, hấp cách thủy chừng 15 phút. Nhắc mực xuống để qua một bên.

– Bắc chảo cho chút dầu ăn rồi cho hành vào phi thơm, tiếp đến cho cà chua xắt nhỏ vào xào đến khi cà nát thành nước sốt. Bây giờ ta châm thêm 1/3 chén nước, chút rượu gạo, nước mắm, tiêu, nếm lại vừa đủ chua ngọt mặn, thì thả mực vào, vặn nhỏ lửa đun tới khi nào mực chín, nước sánh lại sền sệt là được.

– Gắp từng con mực ra dĩa, rút bỏ tăm, xắt khoanh tròn rồi rưới nước sốt còn trong chảo lên trang trí.

– Ăn nóng với cơm.

Bảo Tố

SAI LẦM NHIỀU NGƯỜI MẮC KHI ĂN HẢI SẢN

Hầu như ai cũng thích vị ngon ngọt tự nhiên của hải sản. Tuy vậy, đôi khi hải sản lại trở nên độc hại, ít thì gây khó chịu, nhiều thì gây ngộ độc nặng, đó là vì người ăn đã vấp phải những sai lầm sau đây.

Ăn hải sản xong uống trà

Ăn xong hải sản không nên uống trà vì trong lá chè có acid tannic, đồng thời chất canxi trong hải sản khi kết hợp với trà gây khó khăn cho tiêu hóa, từ đó tăng cơ hội kết hợp tương tác giữa acid tanic và canxi gây sỏi.

Vì vậy, khi ăn hải sản tốt nhất không nên uống trà, “để dành” trà cách 2 tiếng sau mới uống.

Hải sản với bia

Ăn hải sản, uống bia vốn rất phổ biến bởi tôm, cua sản sinh ra axit uric (nguyên nhân gây bệnh Gout, sỏi thận…) và khi uống đồng thời với bia sẽ đẩy nhanh tốc độ hình thành của acid uric.

Ăn cùng hoa quả có tanin

Cá, tôm, cua …đều có giá trị dinh dưỡng canxi và protein cao. Nhưng trong hoa quả lại có rất nhiều tanin, nếu sau khi ăn hải sản lập tức ăn hoa quả, không những ảnh hưởng đến sự hấp thụ đối với protein mà chất canxi trong hải sản sẽ kết hợp với tannin của hoa quả, làm cho canxi khó dung hòa, từ đó gây kích thích cho đạ dày, đường ruột, thậm chí gây đau bụng, buồn nôn, nôn mửa vv.

Tốt nhất nên ăn hoa quả sau 2 tiếng.

Độc tố gây bệnh trong sò ốc rất nhiều 

Bản thân sò ốc luôn kèm theo lượng khuẩn khá cao, protein phân giải cũng rất nhanh. Một khi sò ốc chết đi, đại lượng vi khuẩn phát triển mạnh, sinh ra độc tố. Đồng thời trong đó cũng chưa acid béo không bão hòa dễ gây ô xy hóa. Sò, ốc không tươi còn sinh ra nhiều chat độc hại khác đe dọa lớn đến sức khỏe.

Sau khi mua sò ốc sống, về nhà không nên để lâu, cố gắng hấp, nấu ăn ngay. Người có cơ địa dị ứng nên đặc biệt chú ý, bởi vì dị ứng có thể do quá trình phân giải protein hải sản gây ra.

Hải sản đông lạnh không nên hấp, luộc

Bất kỳ hải sản tươi nào đều có thể làm món hấp, luộc.

Đồ hải sản không giống với thịt, bản thân hải sản kèm theo rất nhiều vi khuẩn chịu nhiệt thấp và độ phân giải protein rất nhanh. Nếu để trong tủ lạnh nhiều giờ, lượng vi khuẩn trong tôm sẽ tăng lên, một phần protein cũng biến chất, sinh ra chất dạng amin, ăn như thế nào cũng không đạt đến cảm giác, mùi vị ngon miệng thật sự và an toàn như ăn hải sản tươi, chính vì vậy không thích hợp với hấp luộc.

Hải sản nấu không chín

Một số loại vi khuẩn gây bệnh trong hải sản có tính chịu nhiệt khá mạnh, phải trên 80℃ mới chết. Ngoài vi khuẩn kèm theo trong nước, trong hải sản còn có thể tồn tại nhiều trứng ký sinh trùng và các chất ô nhiễm độc hại và vi khuẩn trong khi sơ chế.

Thông thường, luộc trong nước sôi 4-5 phút mới có thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn trong hải sản. Vì vậy, khi ăn cua, nhím biển, nên chú ý nấu chín tới mức độ nhất định, ăn gỏi cá cũng cần đảm bảo độ tươi ngon và vệ sinh của cá.

Cố gắng không ăn đầu tôm, đầu cá

Nguyên tố kim loại nặng dễ tích tụ ở phần đầu hải sản, vì vậy cố gắng không ăn đầu tôm, đầu cá.

Lưu ý: Ăn 50 quả táo Tây hoặc 30 quả lê hoặc 10 quả cam hoặc ăn sống trên 1,5kg rau xanh mỗi lần mới gây ra sỏi thận khi ăn cùng hải sản.

Tùng Đan

Theo people

Nguồn: Dân Trí

Cách làm Chả Mực

Chả Mực là món ăn ngon ở các tỉnh miền biển, trong đó nổi tiếng nhất là chả mực Hạ Long, Quảng Ninh với phần nguyên liệu tuyển chọn và bí quyết chế biến gia truyền. Chả mực có nhiều cách làm, sau đây là một trong những cách làm chả mực đơn giản nhất, chỉ cực ở đoạn giã mực.

Nguyên liệu:

  • Mực nang tươi: nửa ký
  • 100g mỡ gáy heo xay sẵn.
  • Rau thì là.
  • 1 quả trứng gà
  • Nước mắm, tiêu, tỏi băm, dầu ăn.

Mực: chọn con còn tươi sống, mập dày, râu mực còn bám vào tay, da mực còn sáng óng ánh là mực ngon.

Thực hiện:

– Mực làm sạch, lột da, bỏ ruột, dùng dao cạo bỏ phần nhầy, rửa với nước muối cho sạch rồi rửa lại với chút rượu pha rừng cho hết tanh. Dùng giấy thấm dầu thấm cho khô hết nước trên mực. Sau đó chia ra, râu mực để riêng, xắt nhỏ. Thân mực và đầu mực xắt nhỏ.

– Rau thì là thái nhỏ.

– Cho đầu và thân mực vào chung 1 cái cối rồi dùng chày giã nhuyễn. Giã từng ít một, không vội vàng (có máy xay thì cho vào xay cho khỏe, nhưng không ngon bằng giã tay).

– Giã xong thì cho râu mực và mỡ gáy vào, nêm thêm 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cafe tỏi băm, 1 muỗng cafe tiêu xay, chút dầu ăn, đập quả trứng gà vào chén đánh cho tan rồi trút vào theo luôn. Cho thêm 1 ít (khoảng 1 muỗng canh) rau thìa là thái nhỏ để có hương thơm thì là, nhớ đừng cho nhiều quá ảnh hưởng đến mùi mực. Đeo bao tay nilon bóp nhuyễn, trộn đều lên. Sau đó để yên trong 5-10 phút cho gia vị ngấm.

– Trộn xong thì nặn chả thành mấy miếng dẹt dẹt vừa ăn.

– Bắc chảo dầu, khi dầu hơi nóng thì bắt đầu thả chả mực vào chiên vàng từng mặt. Dùng chảo to thì có thể chiên tất cả 1 lúc, tiết kiệm thời gian.

Chả chín là có thể ăn được. Pha nước mắm tỏi ớt chua ngọt + vài cọng thìa là, hoặc đơn giản là chấm tương ớt. Ăn với cơm, xôi, hoặc bún.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách làm Mực tươi nướng

Mực tươi nướng ngọt vị mực, mặn mòi vị biển, thơm thơm mùi sa tế, một khi được bày lên bàn nhậu, sẽ làm tất cả mọi người quên đi những chữ “ngại ngần”, “từ chối” trong đầu.

Nguyên liệu:

  • 1 ký mực tươi (nang hoặc ống)

Gia vị ướp:

  • 1 muỗng canh sa tế
  • 1 muỗng canh đường
  • 1/2 muỗng canh muối
  • 1 muỗng cf tiêu
  • 1 muỗng cf bột ngọt
  • 1 muỗng cf xì dầu
  • Hành củ, tỏi, 1 cây sả

Cách làm:

  1. Hành củ, tỏi, sả đem băm nhuyễn, đem trộn với tất cả gia vị ướp ở trên.
  2. Mực lột da, bỏ mắt và răng, ngâm vào nước muối 5 phút cho hết nhờn.
  3. Rửa lại mực cho sạch, để ráo rồi trải ra thớt, xắt ra mấy miếng nhỏ tầm 3X6cm cho dễ ăn, rồi khía ca rô xéo 1 mặt trên thân mực.
  4. Gia vị khi nãy đem thoa đều lên 2 mặt của mực, ướp ít nhất 45 phút cho ngấm gia vị.
  5. Nướng mực trên lò than hoặc lò điện180 độ. Do mực mau chín nên nướng tới khi mực vừa vàng, khô mặt vừa phải là ok.
  6. Ăn nóng ngay sau khi nướng, kèm với rau răm, muối tiêu chanh hoặc tương xí muội.

Bé Thúi (MAV.vn)