Cách làm CHÈ MÈ ĐEN

Chè mè đen (xí mà phủ) là món chè không chỉ ngon mà còn là vị thuốc giúp xanh tóc, bổ da. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm món chè mè đen thật đơn giản:

 

Nguyên liệu:

–  1,5 lạng mè đen

– 4 muỗng súp đường trắng

– 1 muỗng súp bột sắn dây

Cách làm chè mè đen:

Bước 1:

– Mè đãi nhiều lần cho sạch, để cho thật ráo.

Bước 2:

– Mè ráo nước rồi thì cho vào chảo rang nhỏ lửa 3-5 phút cho thơm. Tắt bếp.

Bước 3:

– Bột sắn dây hòa chút nước cho tan.

Bước 4:

– Mè rang rồi thì đem cho vô máy xay sinh tố, xay cùng 1/2 chén nước lọc cho thật nhuyễn.

– Bắc nồi cho mè đã xay vào, châm thêm nước lọc, đường trắng, nấu nhỏ lửa cho đường tan. Nêm nếm lại vừa miệng.

Bước 5:

– Cuối cùng cho sắn dây đã hòa tan vào, khuấy nhẹ cho tới khi quyện đều sánh đặc, tắt bếp,

– Ăn nóng là ngon nhất.

Theo Cún Khang

LÝ DO ĐỂ SỬ DỤNG VỪNG ĐEN THƯỜNG XUYÊN HƠN

Trong Đông y, Mè đen gọi là Chi ma, hồ ma, có tác dụng bổ gan thận, ngũ tạng, dưỡng huyết, nhuận trường, tăng khí lực, sáng mắt, phát triển cơ bắp…nên được coi là vị thuốc bổ đối với cơ thể.

Nhờ những chất dinh dưỡng giàu có trong hạt mè, những lợi ích của mè đen còn được khoa học công nhận, trong đó đáng kể là những tác dụng sau:

Ngăn ngừa hen suyễn

Trong mè có magnesium làm ngăn các rối loạn hô hấp, giảm nguy cơ hen suyễn.

Giảm cholesterol

Trong mè đen có chứa phytosterol, có thể giúp điều hòa insulin, glucose đồng thời giảm cholesterol trong cơ thể.

Ngừa tiểu đường

Trong mè đen có magnesium cùng nhiều dưỡng chất có thể ngăn ngừa tiểu đường, giúp cải thiện đường huyết. Mè có tác dụng điều hòa nồng độ insulin, chống lại các triệu chứng của tiểu đường.

Giúp tim khỏe hơn

Trong mè có nhiều chất chống viêm và chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giúp tim khỏe, ngừa đột quỵ, đau tim. Mè đen chứa nhiều magie, là chất có thể làm giảm huyết áp. Mè cũng giúp tim hoạt động tích cực, ngăn ngừa các bệnh về tim.

Tốt cho tiêu hóa

Tác dụng này có được là nhờ lượng chất xơ cao trong mè. Đây là vị thuốc giúp bạn tránh xa táo bón, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.

Bổ sung sắt

Người thiếu máu nên ăn mè, vì mè rất giàu chất sắt là chất giúp tăng lượng máu.

Giúp da căng mịn

Ăn mè, da bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn trước tia cực tím, mè còn giúp ngăn chặn lão hóa, giúp da bạn trông trẻ hơn.

Ngừa loãng xương

Trong mè có phốt pho, kẽm, calci có thể giúp tăng mật độ xương, cho xương khỏe ,chắc, ngừa loãng xương. Nếu bạn bị chấn thương xương, mè cũng giúp xương mau lành.

Phòng chống ung thư

Việc có mè đều đặn trong khẩu phần mang lại nhiều tác dụng tích cực lâu dài, trong đó có chống ung thư nhờ vào các hợp chất acid phytic, phytosterol, magie.

Bảo Tố (theo BOLDSKY.com)

Cách làm BÁNH MÈ PHỈ THÚY

 

Mè là loại hạt bổ dưỡng, tính bình, vị ngọt, kích thích vị giác. Ăn mè giúp bổ phế, ích khí, bổ máu, đặc biệt tốt cho người bị mất ngủ.

Món bánh mè phỉ thúy có cách làm thật đơn giản. Bánh ngon mắt, lại ngon miệng và bổ dưỡng, rất thích hợp để làm món ăn vặt tẩm bổ cho gia đình.

Chuẩn bị:

– Bột nếp: 3 lạng
– Rau bina (Cải bó xôi): 2 lạng
– Mè trắng: 2 lạng
– Đường trắng: 1 lạng

Cách làm:

– Cải bó xôi rửa sạch, cắt nhỏ rồi ép lấy nước.
– Bột nếp cho vào tô cùng với nước ép cải, đường trắng, nhào thật đều.
– Ngắt ra một miếng bột đã trộn cho vừa ăn, vo tròn rồi ép lại cho hơi dẹp.
– Lăn bánh qua một lớp mè. Làm lần lượt cho hết bột.
– Cuối cùng đem hấp chín là xong.

Bảo Tố

12 THỰC PHẨM GIÀU CHẤT SẮT MẸ BẦU NÊN ĂN

Phụ nữ mang thai dễ đối mặt với tình trạng thiếu máu, điều này tạo nên nhiều nguy cơ cho cả mẹ lẫn thai nhi. Việc bổ sung sắt vào giai đoạn này luôn là ưu tiên hàng đầu trong chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu.

Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng cơ thể không có đủ lượng sắt cần thiết để tạo hemoglobin – một protein quan trọng của hồng cầu. Thiếu máu là hiện tượng phổ biến khi mang thai. Thống kê cho thấy tỉ lệ phụ nữ mang thai thiếu máu thiếu sắt lên đến 50%. Bị thiếu máu không chỉ ảnh hưởng không tốt đến thai phụ mà còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho bé sau này. Thiếu máu trong thai kỳ có thể gây nguy cơ sinh non và trẻ sinh nhẹ cân. Chính vì vậy việc duy trì hemoglobin trong giới hạn bình thường là rất quan trọng vì protein này có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến thai nhi.

Trong thai kỳ, các chuyên gia luôn khuyến cáo mẹ bầu cần bổ sung sắt đầy đủ trong chế độ ăn uống hàng ngày. Ngoài ra, chị em cũng cần bổ sung thêm vitamin C để quá trình hấp thụ sắt được tốt hơn. Bạn cũng cần tránh xa những loại thực phẩn có thể làm giảm sự hấp thu của sắt vào cơ thể như trà, cà phê. Canxi trong sữa cũng có thể làm giảm sự hấp thụ sắt.

Dưới đây là top những thực phẩm dồi dào sắt, mẹ bầu không nên bỏ qua trong thai kỳ:

Chuối

Chuối là nguồn thực phẩm dồi dào sắt và khoáng chất cần thiết cho mẹ bầu. Ăn chuối vào bữa sáng là sự lựa chọn hoàn hảo để điều trị và ngăn ngừa tình trạng thiếu máu cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, chuối còn giúp chị em giảm triệu chứng táo bón hiệu quả.

Các loại hạt

Các loại hạt sấy khô như hạnh nhân, hướng dương, hạt bí, óc chó, hạt lanh… là nguồn chất sắt dồi dào để ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Bạn nên ăn những loại hạt này thay cho đồ ăn vặt hàng ngày.


Các loại hạt sấy khô như hạnh nhân, hướng dương, hạt bí, óc chó, hạt lanh… là nguồn chất sắt dồi dào để ngăn ngừa bệnh thiếu máu. (ảnh minh họa)

Cháo bột yến mạch

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bột yến mạch có công dụng ngăn ngừa thiếu máu trong thai kỳ. Yến mạch là nguồn dự trữ tuyệt vời các chất xơ hòa tan, protein và các vitamin nhóm B, thiamin, riboflavin và B6. Ngoài ra, yến mạch còn cung cấp sắt, canxi, magie, selen và phốt pho. Không chỉ ngăn ngừa thiếu sắt, bột yến mạch còn rất có lợi cho hệ tiêu hóa của mẹ bầu.

Quả chà là

Không chỉ dồi dào sắt, chà là còn chứa nhiều potasium, magnesium, canxi, selenium, các sinh tố nhóm B và có nhiều chất xơ như các loại quả khô khác. Chà là được biết đến là loại trái cây có công dụng sản xuất hemoglobin. Chị em có thể ăn như một món ăn ngọt hàng ngày ngắm tăng sản xuất hồng cầu. Quả chà là rất phổ biến trong các món mứt dịp tết nguyên đán ở Việt Nam.

Súp lơ xanh

Bông cải xanh (súp lơ xanh) là loại rau lá xanh thẫm được khuyến khích sử dụng nhiều nhất trong thời gian mang thai. Bông cải xanh có giá trị dinh dưỡng rất lớn, là nguồn thực phẩm rất giàu sắt, protein, canxi, crom, carbohydrate, vitamin A và vitamin C.


Bà bầu nên bổ sung thịt bò vào chế độ ăn hàng ngày để ngăn ngừa
tình trạng thiếu máu. (ảnh minh họa)

Thịt bò

Mỗi phần thịt bò chứa 2,5-3mg sắt. Sắt từ động vật được coi là heme-sắt (cơ thể dễ hấp thu hơn). Phần nạc của thịt bò thường giàu sắt hơn phần chứa gân hoặc chất béo. Vì thế, nên loại bỏ gân – mỡ bò trước khi chế biến. Bà bầu nên bổ sung thịt bò vào chế độ ăn hàng ngày để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu. Sắt từ nguồn động vật cũng dễ dàng hấp thụ hơn từ thực vật.

Rau bina (cải bó xôi)

Các mẹ có biết rằng chỉ ½ bát rau bina nấu chín có chứa đến 3,2 mg sắt và nhiều dưỡng chất có lợi khác như beta-carotene, folate, vitamin C và canxi. Rau bina rất dễ chế biến và hầu như phù hợp với khẩu vị ăn của tất cả mọi người. Chị em có thể xào loại rau này với thịt sẽ rất ngon miệng đấy.

Mật ong

Nếu bạn bị thiếu máu trong thai kỳ, đừng quên bổ sung mật ong vào chế độ ăn hàng ngày nhé. Mật ong rất có lợi trong việc ngăn ngừa thiếu máu khi mang thai đấy.

Bí ngô

Thành phần dinh dưỡng  trong bí ngô khá đầy đủ với nhiều protein, carotene, vitamin, amino axit, canxi, sắt… Nghiên cứu gần đây cho thấy, kẽm trong bí ngô trực tiếp ảnh hưởng tới chức năng thành thục của hồng cầu; chất sắt lại là nguyên tố vi lượng cơ bản tạo ra hemoglobin giúp bổ sung lượng máu cho cơ thể, giúp mẹ bầu tránh được bệnh thiếu máu.


Thành phần dinh dưỡng  trong bí ngô khá đầy đủ với nhiều protein, carotene,
vitamin, amino axit, canxi, sắt… (ảnh minh họa)

Lòng đỏ trứng gà

Trứng gà là nguồn thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng như protein, canxi, photpho, sắt, chất khoáng, các men, hormone và nhiều vitamin có lợi cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe bà bầu. Đặc biệt hầu như các chất dinh dưỡng trong quả trứng gà đều tập trung ở lòng đỏ. Ngoài ra, lòng đỏ trứng có cả các vitamin tan trong nước (B1, B6) và vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, K) rất tốt cho bà bầu. Mỗi tuần mẹ bầu có thể ăn từ 3-4 quả trứng gà.

Ngao

Chị em có biết rằng trong 100g ngao có tới 23mg sắt. Do đó, ngao được chế biến chín thành soup ngao, ngao hấp, ngao xào sả ớt… là món an toàn và bổ dưỡng cho bà bầu.

Nước cam

Nước cam là nguồn thực phẩm dồi dào vitamin C, giúp cơ thể hấp thụ sắt tối đa. Chính vì vậy, sau khi bổ sung sắt, chị em hãy uống thêm một ly nước cam nhé.

Theo Minh Phương (Khampha.vn)

Cách nấu CHÈ HỘT ME NẤU NẾP

Chè hột me là món ăn rất dân dã của khu vực miền Nam Trung bộ và Nam bộ, tuy vậy ngày nay hiếm thấy món chè này trong các gánh chè. Chè hạt me có hương vị rất riêng, hấp dẫn nhờ kết cấu dẻo  bùi của hạt me, béo thơm của nước cốt dừa.

Nguyên liệu:

  • 100g Hột me già (vỏ nâu cứng)
  • 1/2 chén Nếp
  • Đường cát trắng
  • Nước cốt dừa, bột năng, chút muối, đường (nếu thích ăn kèm nước cốt dừa). Xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA
  • Tro bếp

Thực hiện

Làm nước cốt dừa:

– Bột năng pha với tí nước cho loãng, sau đó hòa chung với nước cốt dừa, cho thêm tí muối, tí đường, rồi cho lên bếp vừa nấu vừa dùng muỗng khuấy cho hỗn hợp đặc lại.

Làm chè:

– Hột me rửa sạch, rang vàng. Để ra ngoài cho nguội, sau đó lấy vật cứng (chày) đập cho bể vỏ, chỉ lấy phần nhân trắng bên trong.

– Nếp vo vài lần cho sạch, ngâm với nước pha chút muối qua đêm.

– Cho nhân hạt me vào chậu sứ ngâm cùng nước tro ấm qua đêm (7 -8 tiếng).

– Ngâm xong đổ hạt ra rổ, xả bằng nước lạnh cho sạch tro. Để thật ráo.

– Bắc nồi nước, cho hạt me vào rồi vặn lửa nấu sôi, hạ lửa nhỏ riu riu đun 2-3 giờ cho tới khi hạt me mềm, rồi vớt ra, để ráo.

– Đổ nước cũ đi, cho nếp vào, cho thêm nước vào cùng với nếp (mực nước cao hơn mực nếp 3 lóng tay), nấu nhừ như cháo, trong khi nấu nhớ khuấy đều cho khỏi dính nếp. Nếp nhừ thì cho đường vào khuấy tan, cho từ từ để nếm vừa miệng.

– Cho hột me trở lại vào nồi nấu cùng với nếp. Khuấy đều. Chè hột me nấu hơi loãng không nên nấu đặc như chè đậu trắng ăn dễ ngán.

– Múc ra chén ăn ấm hoặc nguội với đá, trước khi ăn rưới nước cốt dừa nếu thích.

*** Chè này làm khá cực, nhất là công đoạn bỏ vỏ hột me, bạn cần kiên trì loại bỏ hết lớp vỏ nâu nếu không chè sẽ bị chát.

Bảo Tố

Cách làm CÚT LỘN XÀO ME – VỊT LỘN XÀO ME

Vịt lộn xào me, cút lộn xào me là những món ăn mới phổ biến trong vài năm trở lại đây, nhưng rất hấp dẫn đối với nhiều người bởi hương vị hòa trộn rất tuyệt diệu của nó.

Nguyên liệu:

  • 30 quả trứng cút lộn (hoặc 10 hột vịt lộn)
  • 1 lạng me chín
  • Đậu phộng rang giã sơ
  • Rau răm
  • Tỏi băm nhuyễn
  • Hành củ: một phần băm nhuyễn, một phần thái lát.
  • Đường, nước mắm, gia vị
  • Mẩu gừng và chút ớt, giã nhuyễn

Cách làm:

– Hành củ thái lát đem phi vàng với ít dầu rồi để ráo, chờ khi ăn mới dùng đến.
– Me cho vào chén với chút nước ấm, dằm cho ra nước me rồi bỏ xác và hột đi.
– Cút lộn /vịt lộn rửa cho sạch vỏ. Sau đó luộc chín trong nước.
– Trứng chín rồi thì nhẹ nhàng lột vỏ trứng.
– Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành tỏi băm rồi cho trứng lộn chín vào xào săn.
– Tiếp đó cho nước cốt me vào, xào tới khi sôi được vài phút thì nêm đường, nước mắm và các gia vị khác cho vừa miệng (quan trọng là nêm đủ đường để cân bằng vị chua ngọt).
– Cho tiếp gừng giã nhuyễn vào, nấu tiếp vài phút nữa là xong.
– Tắt bếp, múc trứng lộn xào me ra dĩa, rưới sốt me trong chảo lên rồi rắc đậu phộng, rau răm. Ăn không hoặc chấm bánh mì đều ngon.

*** Món này chế biến nhanh và ăn ngay lúc nóng để không tanh, cho nên khi nào gần ăn thì mới bắt đầu làm.

Bảo Tố

10 LỢI ÍCH TUYỆT VỜI KHI ĂN ME

Me là loại quả hấp dẫn đối với nhiều người. Ngoài việc là món ăn vặt, me còn là một vị thuốc bổ với nhiều tác dụng quý.

pic1933

Ngừa táo bón (hàm lượng chất xơ 20%)

Có lẽ bạn không ngờ rằng me chứa lượng chất xơ cao nhất trong các loại hoa quả. Chất xơ giúp điều hòa nhu động ruột, làm nhuận trường, ngăn táo bón mà không gây tác dụng phụ nào.

Tốt cho hệ thần kinh (hàm lượng thiamin 29%)

Nếu thường bị tê bắp chân, mỏi chân, cảm giác bị kim châm ở gan bàn chân, chuột rút… thì có lẽ bạn đã thiếu thiamin, một loại vitamin B thiết yếu cho những hoạt động của cơ bắp và dây thần kinh. Thiếu chất này, các màng myelin của dây thần kinh sẽ dễ dàng bị tổn thương, gây nên những triệu chứng kể trên. Và me là nguồn cung cấp thiamin dễ tìm nhất cho bạn.

Tăng cường miễn dịch (hàm lượng protein 6%)

Me là loại quả giàu protein. Protein trong me giúp tạo ra kháng thể chống virus, vi khuẩn có hại cho cơ thể.

Điều hòa huyết áp (hàm lượng kali 18%)

Lượng kali trong me cao gấp đôi trong chuối, vì vậy nó kiểm soát huyết áp không thua gì chuối. Ăn me giúp kiểm soát những tác động của natri trong bạn, ngăn việc natri tăng cao làm tăng huyết áp.

 Ngăn thiếu máu (hàm lượng sắt 16%)

Trong me có hàm lượng sắt cao giúp ngăn chặn thiếu máu do thiếu sắt. Đây là loại quả hấp dẫn và thích hợp cho phụ nữ mang thai.

Kiểm soát cholesterol ( hàm lượng niacin 10%)

Niacin là một loại vitamin B quan trọng cho cơ thể với khả năng làm tăng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu.

Tăng năng lượng (hàm lượng riboflavin 9%)

Me ngọt là món ăn có hiệu quả tức thì khi bạn đang uể oải, mệt mỏi. Chất riboflavin giúp chuyển hóa carbonhydrate trong cơ thể thành năng lượng. Vì chức năng cung cấp năng lượng mà không gây béo, me có thể dùng trong giảm cân.

Tốt cho cơ chế đông máu (hàm lượng calcium 7%)

Calci trong me (với sự hỗ trợ của vitamin K) rất quan trọng trong việc đông máu. Nếu bạn gặp vấn đề về đông máu, ăn me là cách để đưa hoạt động đông máu trở lại ổn định.

Chắc răng khỏe nướu (hàm lượng vitamin C 6%)

Vitamin C trong me sẽ giúp bạn tránh việc chảy máu nướu, lung lay răng do thiếu vitamin C.

Giúp xương chắc khỏe (hàm lượng magnesium 23%)

Trong quả me có nhiều magie và kali tự nhiên, và ăn me là cách để bổ sung magie, kali – những chất giúp tăng mật độ xương, giúp xương chắc khỏe.

Tú Anh (tổng hợp)

Cách làm CUA RANG ME

Hầu hết mọi người đều có thể bị quyến rũ bởi món ăn chua chua ngọt ngọt lại nồng nàn vị cua này.

  • Chuẩn bị:

Tùy theo ăn được bao nhiêu mà tăng thêm nguyên liệu nhé! Ở đây ăn 2 con thì…

  • 2 con cua thịt
  • 1 vắt me chua chín.
  • 1 củ hành tây
  • 5 tép tỏi
  • 1 muỗng cà phê bột năng hoặc bột bắp
  • Đường, muối, gia vị
  • Tiêu, gừng (miếng bằng đầu ngón út)
  • Đậu phộng (lạc) rang

Các loại rau ăn kèm & trang trí: Xà lách (rau diếp), cà chua, ớt sừng…tùy thích.

  • Sơ chế:

– Me cho vào cái chén, chế thêm nước nóng cho ngập rồi dùng cái muỗng dằm kỹ cho ra nước me. Vớt bỏ hột và bã.
– Hành tây xắt múi cau rồi gỡ ra từng miếng, hoặc thái quân cờ tùy ý.
– Tỏi, gừng băm nhuyễn
– Bột năng hòa vào nước lạnh cho tan.
– Đậu phộng giã sơ.

  • Làm cua:

– Cua mua về dùng bàn chải chà rửa cho sạch (đừng bỏ xà phòng nha!). Nếu cua còn sống thì lấy cái dao đâm ngược từ dưới đít nó lên cho nó duỗi hai hàng chân cẳng ra rồi thì xử lý tiếp, không là nó kẹp rất đau.
– Lật ngược con cua lên, dùng ngón tay cái bẻ yếm cua đem bỏ. Sau đó tách ngược mai cua ra, móc hết gạch cua cho ra riêng một cái chén.
– Phần thân cua dùng kéo cắt ra làm tư hay làm hai tùy theo con to hay nhỏ, cốt để dễ cho người ăn.
– Phần càng cua dùng vật cứng đập cho rạn, để dễ ăn và khỏi nổ khi chiên.
– Ướp cua và mai cua với 1 muỗng muối, 1/2 muỗng cafe bột ngọt, 1 muỗng cafe dầu ăn, 1/2 muỗng cafe tiêu trong 30 phút.

  • Rang gạch & cua:

– Bắc cái chảo khác, bật lửa nung cho nóng rồi đổ chút xíu dầu vào, phi tỏi thơm rồi đổ gạch cua vào xào chút cho chín, nêm chút nước mắm cho vừa miệng rồi trút hết ra cái chén.
– Cũng cái chảo đó, cho thêm dầu ăn vào (nhiều hơn khi nãy) rồi phi thơm tỏi. Sau đó bỏ cua và mai cua đã ướp vào chiên vài phút cho chín đỏ rồi vớt ra ngoài để ráo.

  • Làm Sốt me:

– Bắc một cái chảo khác nung nóng rồi cho dầu ăn vào, phi thơm tỏi băm, rồi trút hành tây + chén nước me + 1/2 muỗng cafe muối + 1 muỗng cafe bột ngọt + 3 muỗng canh đường cát trắng + 1 muỗng cafe bột năng + chút nước lọc vào, nấu sôi.
– Nhỏ lửa, nêm nếm lại cho chua chua ngọt ngọt, hơi mằn mặn là được, vừa nêm vừa quấy cho gia vị hòa đều.

***Phần nước sốt này làm sao cho hơi sánh là ngon, đừng lỏng hoặc sệt quá.

– Tiếp theo, cho cua và mai cua đã ráo và gừng băm vào nấu khoảng 8-10 phút, xóc cho nước sốt ngấm đều vào cua.

  • Trình bày:

– Xêp mấy miếng xà lách ở dưới đĩa.
– Cho cua lên trên xà lách, xếp hình thân con cua lại như cũ, rồi rưới một lớp nước sốt lên, sau đó úp mai vào, rưới tiếp nước sốt lên mai. Trang trí hành tây đã xào và một ít lát cà chua xắt mỏng xung quanh cho nó có nhiều màu. Rồi rắc đậu phộng giã sơ lên.
– Ăn nóng ngay sau khi làm xong.

Bé Thúi.