Cách làm HẾN XÀO LÁ LỐT

Một món ăn kết hợp giữa vị ngọt của thịt hến và mùi thơm hấp dẫn của lá lốt là một lựa chọn hấp dẫn cho mâm cơm gia đình hoặc trong bữa ‘lai rai’ với bạn bè.

Chuẩn bị:

  • – 3 lạng thịt hến (hoặc mua hến sống về gỡ lấy thịt)
  • – 5 cái lá lốt
  • – 1/2 củ hành tây
  • – Hành củ, tiêu, muối, nước mắm, hạt nêm, tương ớt

Thực hiện:

Bước 1:

– Hến nhặt vỏ, sạn cho kĩ. Rửa sạch, để ráo.

Bước 2:

– Lá lốt rửa sạch rồi xắt sợi.

– Hành bỏ vỏ, thái nhỏ.

Bước 3:

– Bắc chảo cho vào 2 muỗng cafe dầu ăn, cho hành củ xắt lát vào phi thơm rồi cho hành tây vào xào chín.

Bước 4:

– Cho hến, tương ớt, 1/2 muỗng cafe muối, chút nước mắm, tiêu, hột nêm vào xào.

Bước 5:

– Xào chừng 5-8 phút là hến sẽ chín tới, ta nêm lại gia vị vừa miệng. Sau đó cho lá lốt vào đảo tới khi lá lốt chín, dậy mùi thơm thì tắt bếp.

– Ăn nóng với cơm hoặc xúc bánh tráng.

Theo mẹ Cún Khang

Cách nấu CANH HẾN DƯA CHUA

Canh hến nấu dưa chua là sự kết hợp giữa vị chua dịu, kết cấu giòn dai của dưa với vị ngọt và độ mềm nhuyễn của hến… thực sự hấp dẫn mọi người trong bữa cơm gia đình.

Nguyên liệu:

  • – 2 lạng thịt hến.
  • – 1,5 lạng cải chua. Xem CÁCH LÀM DƯA CHUA
  • – Hành lá, 1 trái cà chua
  • – Muối, đường, nước mắm.

Cách làm:

Bước 1:

 Hến rửa qua vài lần nước cho sạch, để ráo. Bắc nồi cho vào ít dầu ăn rồi phi thơm hành củ, trút hến vào xào chín rồi trút ra ngoài để đó.

Bước 2:

 Cải chua ngâm nước rửa sạch, vắt rửa vài lần cho bớt chua, xắt miếng vừa ăn.

– Cà chua rửa sạch, thái múi cau.

Bước 3:

 Cho cà chua vào nồi đã dùng xào hến ban nãy để xào chín, ra nước, nêm vào 1 muỗng cafe đường, 1/2 muỗng cafe muối, xào tiếp 2 phút rồi trút vào chừng 2 chén nước lọc để nấu canh.

– Đun nồi canh cho sôi rồi mới trút dưa vào nấu chung từ 4-8 phút.

Dùng lại nồi ở bước 1, cho cà chua vào xào chín, thêm vào nửa thìa nhỏ muối, nửa thìa nhỏ đường, đun khoảng 2 phút thì thêm vào khoảng 2 bát con nước lọc.

 Đun sôi thì cho dưa cải chua vào đun cùng, tiếp tục đun thêm từ 4 đến 8 phút.

Bước 4:

 Nêm nếm vừa miệng, cuối cùng cho hến đã lấy ra ban nãy trở lại nấu cùng cho tới khi nồi sôi lên thì tắt bếp. Ăn nóng với cơm.

Theo Cún Khang

CÁCH CHỌN MUA VÀ LÀM SẠCH NGAO SÒ ỐC HẾN

Ngao sò ốc hến có thể cho ra những món ăn khoái khẩu, nhưng loại động vật này cũng gây khó khăn cho người nội trợ ít kinh nghiệm trong việc chọn mua và chế biến. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách lựa chọn cũng như sơ chế các loại động vật này để chúng trở thành những nguyên liệu sạch sẽ, tươi ngon nhất.

Ngao

Khi mua ngao, nên chọn những con vỏ còn cứng và đóng chặt miệng. Dùng tay tách thử vỏ ngao, nếu có thể dễ dàng tách chúng ra tức là ngao chết. Cũng có những con ngao còn sống mà miệng của chúng lại mở ra. Lúc này, dùng tay chạm vào chúng, nếu thấy ngao di chuyển hoặc miệng khép lại, tức là ngao còn tươi sống.

Sò huyết

Sò huyết ngon là con phải lớn vừa ăn, không quá to cũng không quá nhỏ. Con nhỏ quá khi chế biến sẽ bị teo lại (nhất là nướng sò, con nhỏ quá thịt teo lại chẳng còn được là bao), còn con lớn dễ bị dai. Muốn lựa sò còn tươi, các bạn chú ý những rổ sò có nhiều con sò thò lưỡi ra ngoài là mẻ sò đó còn tươi sống. Nếu có thời gian bạn nên lựa từng con. Nếu sò ngậm miệng, các bạn vẫn có thể biết được sò sống hay chết bằng cách ngửi sò, nếu có mùi hôi thì tuyệt đối không mua.

Muốn lựa sò còn tươi, các bạn chú ý những rổ sò có nhiều con sò thò lưỡi ra ngoài là mẻ sò đó còn tươi sống. Ảnh: blogspot.
Ốc

Ốc ngon có mày nằm sát bên ngoài, khi đụng tay vào, mày khép lại. Ngược lại, mày thụt sâu vào trong là ốc không ngon. Ốc chết có mùi rất khó chịu.

* Cách làm sạch

Đối với ngao, hến

Một trong những cách đơn giản để rửa ngao thật sạch là rửa ngao với muối và ớt. Sau khi mua ngao về chúng ta rửa sạch ngao bằng nước lạnh, sau đó lấy một chậu nước có pha thêm muối trắng, bỏ thêm 2 quả ớt đã được thái nhỏ vào. Tiếp đến bỏ ngao vào dung dịch trên ngâm trong khoảng 1 – 2 tiếng, ngao sẽ nhả hết cát và sạn ra. Sau đó rửa lại thật sạch và chế biến. Cách này được dùng tương tự với nghêu, hến.

Rửa và ngâm ngao bằng dung dịch gồm muối và ớt sẽ giúp ngao nhả hết cát và sạn ra ngoài. Ảnh: blogspot

Đối với ốc

Đối với ốc bạn có thể làm sạch bùn bằng cách ngâm ốc trong một thau bằng kim loại có chứa ít nước, đồng thời thả một số đồ dùng bằng kim loại vào như: dao thái rau, môi, đũa, thìa… vào khoảng chừng 2-3 tiếng, khi ốc ngửi phải các đồ dùng bằng kim loại này chúng sẽ nhả bùn ra rất nhanh và sạch.

Hoặc theo cách của người dân vùng đồng bằng sông nước hay dùng là sử dụng nước vo gạo ngâm lấy phần ốc mua từ chợ về hoặc được bắt từ dưới sông lên khoảng 1 – 2 tiếng, tất cả chất bùn trong miệng ốc sẽ tự động nhả ra và vón thành từng mảng chất nhầy, sau đó bạn chỉ cần rửa lại với nước sạch và chế biến bình thường.

Đối với sò

Thường thì sò là loài khá “cứng đầu”. Hãy nhỏ vài giọt dầu mè vào thau nước, chúng sẽ từ từ nhả chất bẩn ra. Nếu bạn không thích chất nhớt và nấu những món có thể tách hẳn phần thịt và xát muối khi rửa để loại bỏ hết chất nhờn.

Trần Quỳnh tổng hợp

9 LỢI ÍCH TUYỆT VỜI CỦA VIỆC ĂN HẾN

Hến là món ăn ưa thích của nhiều người. Ngoài việc là một nguyên liệu để chế biến các món rất ngon như canh hến, cơm hến, hến xúc bánh tráng… hến còn được coi là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh.

Bồi dưỡng cơ thể

Hến có vị rất ngon, lại chứa protein, mỡ, đường, muối vô cơ, vitamin A, vitamin B2,  i ốt… Vì vậy, những người đang trong độ tuổi thanh xuân, phụ nữ thai nghén, người lao động khỏe mạnh đều nên ăn để bồi dưỡng cơ thể.

Hến hỗ trợ cường dương

Nghiên cứu khoa học đã cho thấy các cơ quan sinh dục yếu là do thiếu kẽm. Riêng với chất kẽm, không nên uống thuốc mà chỉ bổ sung bằng thức ăn. Hãy làm một đĩa hến luộc chấm mắm gừng hay hến xào thì là chẳng hạn, thịt hến có chứa rất nhiều kẽm nên làm mạnh tình dục hơn mà bạn khó ngờ tới.

Hến trị đái tháo đường

Hến rất thuận lợi trong thực đơn người bệnh đái đường vì nó thanh nhiệt, no lâu mà lại ít chất bột. Tuy nhiên, cũng đừng vì vậy mà ăn quá nhiều. Bởi hến sống ở nước nên rất có khả năng hấp thụ thủy ngân, thuốc trừ sâu, và các chất thải công nghiệp khác.

Hến lợi tiểu

Thịt hến vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng dưỡng âm, lợi tiểu, hoạt tràng, thông khí, thanh nhiệt và giải độc. Bạn hãy thưởng thức bát canh chua hến nấu với me và xem tác dụng tuyệt vời của món ăn ngon này nhé.

Hến dưỡng âm, nhuận ngũ tạng

Hến tính nhuận ướt, có ích cho tân dịch, có khả năng nhuận dưỡng ngũ tạng. Hãy làm món ăn món ăn từ hến bằng cách nấu với cà rốt, khoai tây, và xuyên khung. Sự kết hợp bởi cà rốt, khoai tây- giàu chất tăng cường sức khỏe, xuyên khung- giúp tăng cường hoạt động máu và hến sẽ tăng cường trí lực, nâng cao sức khỏe, phòng trừ suy nhược thần kinh.

Dùng hến cho người bị bướu cổ

Hến có hàm lượng i- ốt cao, nên những người có bệnh bướu cổ do suy tuyến giáp thì rất nên dùng. Tuy nhiên, do thịt hến non mềm, lượng i- ốt lại dễ bị phân hủy nên cần nhớ không được luộc lâu.

Chữa lao phổi 

Người lao phổi hay bị sốt về chiều, đêm hay ra mồ hôi thì hãy dùng thịt hến hầm với sò biển để ăn.

Hến có thể hỗ trợ người có bệnh thiếu máu

Hến là một loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B12 và sắt, rất tốt cho những người bị thiếu máu.

Hến thích hợp với những người có bệnh tim mạch

Hến cũng ít chất béo, ít cholesterol và nhiều axit béo omega – 3 nên là món ăn tích cực cho những người có bệnh tim mạch.

theo Phụ nữ today

 

(MAV) Văn hóa Việt Nam có cội nguồn từ nền văn minh lúa nước, vì thế, sự phổ biến của các món cơm là điều dễ hiểu. Ngoài món cơm trắng ăn hàng ngày, cơm còn được chế biến ra thành nhiều món ăn khác nhau. Trong số đó, có những món mai một dần, có những món ngày càng trở nên phổ biến, và hơn nữa, trở thành “đặc sản” tiêu biểu cho cả một vùng miền.

Cơm tấm:

Cơm tấm là món ăn có gốc miền Tây Nam bộ, nhưng hiện nay, có thể thấy nó là món ăn nổi tiếng nhất, có thể xem như đặc sản của đất Sài Gòn. Cơm tấm nấu từ hạt gạo tấm, xưa là loại gạo thứ phẩm, thường cho gà ăn, nhưng đến khi người ta khám phá được sự ngon miệng của loại cơm này, thì nó đã nhanh chóng được đưa lên hàng đỉnh cao ẩm thực. Cơm tấm truyền thống thường ăn với các nguyên liệu sườn, bì, chả, trứng, và nước mắm ngọt…. ngày nay nhiều tiệm cũng mở rộng danh mục món, có cả thịt kho tàu, gà, mắm chưng… Thường được xem là món ăn sáng ngon miệng, chắc bụng, nhưng trong những năm gần đây, cơm tấm cũng trở thành một món ăn đêm phổ biến.

 

Cơm âm phủ:

Chỉ có ở Huế. Món cơm nghe tên khá dị này, thực ra lại bao gồm toàn những nguyên liệu quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, đó là cơm trắng, chả, thịt, nem, dưa leo, tôm, gà… tùy theo nơi làm. Nhưng nhìn chung, cơm Âm phủ là sự phối hợp của nhiều loại thức ăn với nhau, ăn với nước mắm chanh đường. Ngày nay cơm âm phủ thường được bán ở các nhà hàng Huế, khá đắt tiền, nhưng xưa kia, nó là món cơm bình dân bán cho những người lao động khuya, với thành phần là thức ăn thừa ban ngày đem kết hợp lại.

 

Cơm hến.

Lại một món ăn nữa của Huế. Nhưng cơm Hến ngon nhất không phải ở nhà hàng như cơm âm phủ, mà là ở vỉa hè Huế, trong các quán nhỏ, rẻ tiền. Cơm Hến đặc trưng vị Huế, với mắm ruốc mặn mòi, cơm nguội khô rời, nước hến ngọt, miếng ớt cay xè, chát chát của bông chuối, chua chua của chanh, bùi bùi của đậu phộng, nhưng tất cả phối hợp lại, thì trở nên một món ăn, một hương vị không thể lẫn lộn đi đâu, nên cũng không thể quên được. Nếu đi Huế, nên ghé đường Hàn Mặc Tử bên kia đập đá, là nơi nổi tiếng với nhiều quán cơm Hến ngon.

 

Cơm cháy ninh bình.

Một trong 10 món đặc sản Việt Nam được công nhận kỉ lục châu Á. Món ăn do một người Ninh Bình tên là Đinh Hoàng Thăng sáng tạo. Cơm cháy Ninh Bình là loại cơm cháy đít nồi giòn tan, mỏng đều, khi ăn thì chiên cho giòn, rồi ăn với thịt dê hoặc bò, có thể dùng nội tạng lợn như tim, cật, xào với các loại rau củ…Để cho cơm cháy được ngon nhất, người ta thường dùng rượu nếp Hương. Đến Ninh Bình mà chưa ăn cơm cháy, nhậu rượu kim sơn, thưởng thức dê núi, thì coi như chưa đến Ninh Bình.

 

Cơm chiên Dương Châu:

Một món ăn nổi tiếng tại Việt Nam, nhưng mang tên một địa danh Trung Quốc, đó là cơm chiên Dương Châu. Đây là món cơm nổi tiếng thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc. Cơm chiên được làm công phu hơn bình thường, với các nguyên liệu rau, đậu, tôm, thịt thái nhỏ và chiên trong chảo với cơm. Cơm chiên Dương Châu tại Việt Nam đã được điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị người Việt. Thường dùng ăn sáng, ăn thường ngày và ăn tiệc, có khi kèm với các món bánh. Tại Việt Nam, món này phổ biến nhất ở Sài Gòn, nơi có vùng Chợ Lớn rất đông người hoa sinh sống.

 

Cơm lam:

Đưa chân anh qua đồi / Cơm lam đem theo người / Lên cao anh ôm trời / Để dòng suối lẻ loi…(Phạm Duy trong Con đường Cái Quan). Cơm Lam là một món ăn đặc trưng của các dân tộc miền cao Việt Nam, đặc biệt là ở Tây Bắc. Cơm là loại gạo, thường dùng gạo nếp, ôi khi trong gạo có trộn lẫn vừng, dừa, khoai, ngô… Điểm đặc sắc của cơm lam là được nướng chín bằng ống tre nứa, nên rất thơm ngon. Cơm lam ăn kèm muối vừng là phổ biến, sang hơn thì có thịt lợn rừng, thịt gà… Cơm lam rất tiện lợi để vận chuyển đối với người đi trận mạc ngày xưa, hay rừng núi ngày nay… Tại miền xuôi, cơm lam là món đặc sản khó kiếm, muốn ăn phải lên các tỉnh vùng cao, hoặc vào nhà hàng.

 

Cơm gà:


Cũng như nhiều nước trên thế giới, người Việt Nam có món cơm gà rất được ưa thích. Cơm gà nổi tiếng, ở mức đặc sản, thì phải kể đến cơm gà Hội An, cơm gà Tam Kỳ, cơm gà Phan Rang, Cơm gà Hải Nam (kiểu Trung Quốc)… Và gần đây là cơm gà xối mỡ, cơm gà chiên giòn. Mỗi món có một vị ngon riêng vì cách chế biến cũng khác nhau. Trong khi cơm gà Hội An thường là cơm ăn với gỏi gà, gỏi đu đủ, thì cơm gà Hải Nam ăn với gà luộc, cơm gà Phan Rang nổi tiếng với chất lượng gà ta, cơm gà chiên thì thường thơm mùi nước mắm, dùng gà công nghiệp cho mềm, béo, dễ ăn hơn.

 

Mỹ Mạnh (MAV.vn)