5 LOẠI GIA VỊ QUEN THUỘC CÓ TÁC DỤNG NGỪA UNG THƯ

Nhiều loại gia vị được dùng vô cùng phổ biến, bên cạnh đó nó còn có tác dụng ngăn ngừa căn bệnh ung thư vô cùng hiệu quả.

Ớt

Ớt chứa nhiều capsaicin, một hợp chất có tác dụng giảm đau, trị viêm, góp phần giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn dễ dàng, ngăn ngừa sự hình thành khối u trong ruột. Nghiên cứu cũng khẳng định, ớt chứa nhiều vitamin A, C mang lại khả năng tăng cường hệ miễn dịch, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tiền liệt tuyến.

Thì là

Người ta thường dùng lá, quả và hạt để làm hương liệu, chế biến thức ăn, dùng lá thìa là làm rau hoặc gia vị, nhất là các món như canh cá, canh lươn, ốc, cháo cá… vừa thơm ngon vừa át được mùi tanh.

Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy chất anethole đặc biệt có trong cây thì là có thể làm giảm viêm nhiễm và có khả năng ngăn ngừa ung thư.

Tỏi

Tỏi là gia vị phổ biến trong các bữa ăn của người Việt, có tác dụng kháng viêm hiệu quả. Bên cạnh đó, chuyên gia sức khỏe khẳng định, sử dụng tỏi thường xuyên là cách đơn giản ngăn ngừa sự hình thành, phát triển của tế bào ung thư vú, phổi.

Muối

Vũ khí hiệu quả tiếp theo để chống lại căn bệnh ung thư là muối. Theo các nhà nghiên cứu, muối xâm nhập vào các tế bào ung thư và “tiêu diệt” chúng.

Nghệ

Nghệ là một trong những gia vị phổ biến nhất trong ẩm thực Ấn Độ, được dùng như một vị thuốc trong y học cổ truyền. Gần đây, các nhà khoa học phát hiện nghệ chứa chất có khả năng ức chế sự phát triển khối u. Khi sử dụng, loại gia vị này mang lại khả năng ngừa ung thư ruột kết, u da ác tính hiệu quả nhất.

Theo PHUNUTODAY.VN (http://phunutoday.vn/suc-khoe/5-loai-gia-vi-la-than-duoc-ngan-ngua-ung-thu-vo-cung-tot-63532.html)

NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT KHI NÊM NẾM GIA VỊ

Hành, tỏi, đường, muối, tiêu… là những gia vị hết sức quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam. Sử dụng gia vị đúng cách sẽ giúp cho các món ăn ngon miệng và bổ dưỡng hơn, bớt đi độc tính, bảo vệ sức khỏe của bạn.

DẦU ĂN: Dầu ăn là thành phần không thể thiếu của hầu hết các món ăn. Tuy vậy, hãy nhớ nếu dầu quá nóng, trên 200 độ C sẽ tạo ra một loại khí độc hại là acrolein, làm tạo ra một lượng lớn peroxide có thể gây ung thư. Dầu quá nóng còn làm mất chất dinh dưỡng của món ăn. Vậy, với các món chiên xào, nên cho thức ăn vào khi dầu vừa bắt đầu nóng.

ĐƯỜNG: Đường giúp tăng hương vị của các món chiên, nướng. Tuy vậy, bạn chỉ nên dùng một lượng nhỏ, vì đường có thể dễ dàng làm món ăn bị cháy khét. Đường cháy còn mang đến vị đắng cho món ăn.

BỘT NGỌT: Bột ngọt (mì chính) chỉ nên nêm khi thức ăn đã chế biến gần xong. Nếu là món trộn, nên hòa tan bột ngọt rồi mới cho vào trộn. Nếu nêm bột ngọt trong nước nóng quá sớm, bột ngọt sẽ tạo ra vị nhẫn đắng, lại còn không tốt cho sức khỏe.

NƯỚC MẮM: Nước mắm để lại một hương vị tuyệt hảo, nhưng chỉ nên nêm khi món ăn sắp hoàn thành, vì vị của nước mắm dễ bị biến đổi khi nấu lâu trong nhiệt độ cao, ngoài ra lượng đạm và các vitamin trong nước mắm cũng dễ bị hao hụt nếu nấu lâu trên bếp.

XÌ DẦU: Xì dầu hay nước tương cũng mang lại hương vị khác lạ cho món ăn, nhưng cũng như nước mắm, không nên nấu lâu ở nhiệt độ cao để giữ chất dinh dưỡng và không biến đổi hương vị.

BỘT CÀ RI: Không cần phải nấu cà ri mới dùng bột này. Ướp thịt (lợn, bò, gà, vịt) với chút cà ri sẽ giúp hương vị món ăn thêm đậm đà hấp dẫn.

TIÊU: Nên hạn chế ướp tiêu ngay từ đầu, vì khi tiêu tiếp xúc với nhiệt độ cao, sẽ dễ dàng sản sinh ra độc tố gây ung thư. Nên rắc tiêu sau khi món ăn đã hoàn tất.

GỪNG: Ướp gừng trước khi kho thịt, cá (nhất là cá biển) giúp tăng hương vị cho món ăn. Ngoài ra chất phân giải protein trong gừng còn có tác dụng hóa giải độc tố và khả năng gây dị ứng của thực phẩm. Gừng cũng giúp làm thịt mau mềm.

TỎI: Tỏi là gia vị tốt cho sức khỏe. Tuy vậy không nên cho quá nhiều vào thức ăn vì vị tỏi rất mạnh, có thể lấn át hương vị của nguyên liệu, nhất là gà, vịt. Khi xào tỏi với rau, không nên xào từ đầu để tránh khỏi bị cháy khét.

HÀNH: Hành củ thái nhỏ có thể cho vào nồi kho từ giai đoạn đầu. Với món cá hấp, lót hành dưới rồi xếp cá lên, sẽ làm cho cá thơm hơn nhiều.

MUỐI: Muối là gia vị không thể thiếu trong ẩm thực. Khi nấu thịt, nên cho muối từ đầu để thịt được đậm đà. Còn khi nấu canh, muốn cho canh có vị ngọt của xương thì nên nấu xương cho nhừ rồi mới nêm muối. Khi xào thức ăn, cho muối vào từ đầu cùng với dầu, bạn đợi khoảng 1 phút sau rồi mới cho thức ăn vào xào nấu, như thế có thể loại bỏ hầu hết các chất độc aflatoxin trong muối.

DẤM: Giấm có tác dụng khử béo, khử tanh, tăng hương vị cho món ăn. Dấm còn có tác dụng làm mềm chất xơ trong rau củ, ngăn chặn sự hòa lẫn vitamin trong nguyên liệu khi nấu ở nhiệt độ cao, vì vậy với món có sử dụng giấm, nên ướp ngay từ đầu.

TRÀ: Trà xanh và trà đen ngoài việc tạo hương vị đặc biệt cho món ăn, trong chúng đều có chất làm mềm tự nhiên, thích hợp để làm mềm thịt. Pha trà thật đậm đặc, chờ nguội rồi ướp với thịt ngay từ đầu cùng với các loại gia vị khác, thịt khi nấu sẽ mềm thơm, tốt cho sức khỏe.

Bé Thúi tổng hợp (MAV.vn)

Sử dụng gia vị đúng cách

Không nên nêm mì chính vào lúc thức ăn đang sôi ở nhiệt độ cao, chỉ tầm 70 – 80 độ C là vừa phải.

Tỏi, hành

Đây là gia vị có mùi hăng nên bạn cần cẩn thận về liều lượng khi dùng. Nếu ướp hành, tỏi quá tay bạn sẽ làm mất mùi vị đặc trưng của thực phẩm.

Khi rán trứng với hành, các bà nội trợ thường trộn đều hành với trứng rồi đổ cùng lúc vào chảo rán. Thói quen này sẽ không tận dụng được mùi thơm của hành, làm trứng và hành chín không đều. Cách làm đúng là cho hành, tỏi vào dầu trước, xào đến khi hành tỏa mùi thơm rồi cho trứng vào sau.

Không nên dùng hành tây, tỏi tây để trang trí món ăn. Chỉ dùng nấu chung với các nguyên liệu khác để tận dụng hết mùi thơm.

Giấm

Giấm giúp khử mùi và tăng hương vị cho món ăn. Một số người làm món sườn xào chua ngọt hay cho giấm vào sớm. Như thế, mùi giấm sẽ át mất vị ngọt, thơm đặc trưng của thịt và đường khi rán vàng. Chỉ pha giấm với nước sốt cà và rưới lên sườn đã chín vàng, đun sôi vài phút, nhấc xuống.

Khi chế biến các món nộm gỏi, trộn có thịt, bạn nên dùng chanh thay giấm.

Quế và hồi

Khi dùng dạng cây, bạn cho chúng vào lúc ướp nguyên liệu và lúc nấu để tận dụng hết hương thơm. Nếu dùng dạng bột, bạn nên hòa với một ít nước.

Không cho quế, hồi vào dầu đang nóng vì sẽ gây cháy, món ăn có mùi hăng và vị đắng.

Hạt tiêu

Các bà nội trợ hay ướp tiêu vào thức ăn trước khi chế biến để tạo mùi thơm. Tuy nhiên, hạt tiêu nấu ở nhiệt độ cao sẽ mất mùi thơm đặc trưng. Tốt nhất, chúng ta chỉ nên rắc hạt tiêu khi thức ăn đã chín.

Ngoài ra, trong hạt tiêu có một lượng dầu rất nhỏ để giữ hương thơm. Tiêu xay sẵn sử dụng tiện lợi nhưng sẽ bị mất mùi nhanh chóng. Do đó, các bà nội trợ muốn giữ tiêu dùng lâu dài nên để nguyên hạt, cất nơi khô thoáng. Khi cần dùng mới lấy tiêu ra xay nhuyễn. Như vậy, tiêu sẽ đảm bảo thơm ngon.

Mật ong

Trong mật ong có nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe như carbohydrate, chất chống ôxy hóa, axít béo, axít amin, các vitamin và khoáng chất. Các chất này dễ bị phân hủy khi ta đun nóng, chưng cất mật ong ở nhiệt độ cao. Chỉ nên pha mật ong vào nước ấm, trà hoặc sữa ở khoảng 40 độ C trở xuống.

Khi bảo quản mật ong, nên để trong lọ thủy tinh, nơi tránh nắng. Không nên để trong lọ kim loại vì dễ bị biến chất và có thể gây ngộ độc khi dùng. Khi thấy trong lọ mật có nhiều bọt khí nghĩa là đã biến chất, nên bỏ đi.

Gừng

Gừng thường được dùng để ướp thịt, cá và khử mùi tanh. Trong gừng có chứa men zingibai làm thịt mau mềm. Khi sử dụng, bạn nên rửa sạch và để cả vỏ vì có tác dụng chữa bệnh và tăng hương vị.

Không nên dùng những củ gừng để lâu vì có chứa độc tố lưu huỳnh gây hại cho gan.

Mù tạt

Gia vị này giúp khử mùi tanh của thủy hải sản và kích thích vị giác. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên dùng mù tạt để ướp thực phẩm hoặc làm sốt cho các món trộn vì chất enzyme tạo mùi của mù tạt rất dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Bạn không nên dùng mù tạt thay ớt khô hoặc ớt bột trong các món lẩu cay.

Đường, mì chính (bột ngọt)

Khi thực hiện các món rán và nướng, bạn chỉ nên dùng ít đường để ướp thực phẩm. Nếu dùng nhiều, món ăn rất dễ cháy khét, bị sậm màu gây mất thẩm mỹ và có vị đắng.

Khi nêm mì chính, chúng ta không nên cho vào lúc thức ăn đang sôi ở nhiệt độ cao. Theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, chỉ nên cho mì chính vào khi thức ăn để khoảng 70 – 80 độ C. Đồng thời, người nội trợ nên nêm một lượng nhỏ mì chính vừa đủ để kích thích vị giác. Không nên cho quá nhiều loại gia vị này vào thức ăn vì một số người dị ứng với bột ngọt có thể bị đau đầu, chóng mặt, thậm chí bị ngộ độc.

NS

Nêm gia vị sao cho đúng cách?

TS Phan Thị Sửu (Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm) cho biết, đến nay chưa có nghiên cứu nào nói việc nêm gia vị không đúng lúc sẽ gây bệnh cho con người.

 

 

Nêm gia vị làm sao để làm cho món ăn được ngon hơn là mối quan tâm của nhiều bà nội trợ. Bởi vì, nêm gia vị không chỉ cần vừa tay mà còn phải đúng thời điểm để hòa quyện vào thực phẩm. Vậy có hay không chuyện nêm gia vị không đúng lúc sẽ gây bệnh?

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Phan Thị Sửu (Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn Vệ sinh thực phẩm) cho biết: “Gia vị có nhiều loại như muối, nước mắm, mỳ chính, hạt tiêu, hành tỏi… Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào nói việc nêm gia vị không đúng lúc sẽ gây bệnh cho con người. Việc nêm gia vị sớm hay muộn là tùy vào món ăn, cách nấu của bà nội trợ. Tuy nhiên, việc cho gia vị đúng thời điểm cũng có thể góp phần giúp cho món ăn được ngon hơn”.

Muối, bột canh: Cho vào ướp hoặc nêm khi nấu canh

Có một số thông tin cho rằng, với các món xào, thì nên cho muối vào cùng với dầu ăn, rồi mới cho thực phẩm vào sau một phút để xào. Cách làm này sẽ giúp loại bỏ đến 95% độc tố aflatoxin có trong muối.

Trước thông tin đó, PGS. TS Phan Thị Sửu, cho rằng điều này không đúng và không có cơ sở khoa học. “Bởi vì, alflatoxin chỉ tạo thành ở các hạt có dầu bị mốc như lạc, hạt điều chứ không thể có alflatoxin trong muối. Muối có thể cho vào khi ướp thực phẩm, nêm nếm trong khi đun nấu hoặc khi đã xào, nấu xong”.

Theo PGS. TS, ngày nay người nội trợ thường dùng bột canh thay muối trắng. Bột canh cho vào các thực phẩm để kho, rán, thường cho vào ướp cùng thịt, cá để ngấm vào thực phẩm làm tăng vị đậm đà. Khi luộc rau cho một chút bột canh vào nước đun sôi (vì nhiệt độ sôi của nước muối cao hơn) sẽ làm cho rau luộc được xanh hơn. Tương tự khi nấu canh cũng nên cho muối trước khi cho rau vào nấu để cho rau đậm đà và xanh hơn.

Nước mắm: Không nên nấu hoặc ninh kỹ quá

Nước mắm có vị ngọt của các các axit amin tạo ra trong quá trình muối chượp (nguyên liệu thuỷ sản – thường là cá ướp muối – đang phân huỷ dùng để làm nước mắm). Nếu nấu hoặc ninh kỹ quá có thể làm mất đi các axit amin nên chỉ nấu ở một thời gian thích hợp đảm bảo đủ chín thực phẩm. Nước mắm có thể cho vào thực phẩm khi ướp hoặc trước khi nấu.

Đường: Nên để lửa ở nhiệt độ vừa phải

Đường vừa tạo vị ngọt vừa tạo màu cho thức ăn. Đối với món kho hoặc chiên, rán thường ướp thực phẩm với đường. Nếu chiên rán thì chỉ để lửa 170 độ C – 200 độ C, thực phẩm sẽ có màu nâu cánh gián vừa phải rất hấp dẫn. Song, nếu để nhiệt độ cao hơn, đường sẽ bị caramen hóa làm cho thực phẩm có màu  nâu đen, làm mất đi vẻ đẹp của món ăn.

Hành, Tỏi: Ướp thực phẩm hoặc phi thơm đều được

Hành có thể cho vào khi ướp thực phẩm, hoặc cho vào mỡ để phi lên trước khi xào. Khi xào rau muống hay ngọn bí, nên lấy một ít tỏi phi với dầu mỡ cho thơm rồi cho rau vào xào, gần chín cho thêm một ít tỏi, giã nhỏ vào sẽ có một món rau xào thơm ngon dậy mùi tỏi.

Hạt tiêu: Cho vào sau khi xào xong

Hạt tiêu có chất tạo vị cay và tinh dầu, khi đun lâu thì tinh dầu bay hơi, chất cay vẫn còn. Khi kho thịt cá thì nên cho hạt tiêu xay không mịn (còn từng mảnh), có thể dùng hạt tiêu đã rang chín hoặc hạt tiêu sống đều được. Với các món xào, dùng hạt tiêu rang chín và xay mịn để cho vào sau khi đã xào xong.

Ngoài ra, TS Phan Thị Sửu lưu ý người nội trợ không nên dùng các phẩm màu tổng hợp. Nên tận dụng cách tạo màu tự nhiên như màu xanh từ lá riềng, màu đỏ từ quả gấc, hạt điều nhuộm, từ quả cà chua, màu vàng từ quả dành dành, củ nghệ.

Dầu ăn: Tuyệt đối không dùng dầu chiên đi chiên lại

TS Phan Thị Sửu còn chia sẻ, “Trong khi đun nấu, đáng lo ngại nhất là việc dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần. Vì, nếu dùng dầu chiên đi chiên lại sẽ tạo ra chất trans fat có thể gây ung thư. Vì vậy, tuyệt đối không dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần”.

Với mì chính, một điều cần lưu ý nữa là đối với một số người có cơ địa dị ứng với mì chính (bột ngọt) thì không nên dùng thức ăn có nêm nhiều mì chính.

 

Anh Minh (Khampha.vn)