Ăn cá được coi là tốt hơn ăn thịt, nhưng nhiều gia đình vẫn quen tiêu thụ thịt hơn vì e ngại mùi tanh và cách chế biến của cá. Thật ra, nếu làm đúng cách, cá có thể trở thành những món ăn tuyệt vời, hấp dẫn.

Sau đây là những bí quyết để tạo ra những món cá thơm ngon cho gia đình:

1. Cá phải còn tươi

Quan trọng nhất trong việc chuẩn bị món cá ngon là cá của bạn phải còn tươi. Khi mua cá nguyên con, mắt cá phải rõ ràng, mang phải có màu đỏ tươi và các vảy cá phải thật sáng bóng. Khi mua cá phi lê cách tốt nhất để kiểm tra độ tươi của cá là ngửi nó. Thịt cá phải trắng có độ đàn hồi tốt, nếu là cá ngừ thì phải đỏ không phải là màu nâu.

2. Kiểm tra bên ngoài

Không chỉ tiếp xúc với cá để biết nó có tươi không, chỉ cần nhìn bạn cũng phần nào đánh giá được. Nếu cá tươi ngon thì con cá vẫn phải vùng vẫy trong bể nước, không có dấu hiệu bơi lờ đờ hoặc không bơi, vẩy và vây cá phải còn nguyên. Nếu là cá đóng hộp thì phải đảm bảo bao bì ghi chi tiết, cụ thể và còn nguyên tem mác.

3. Bảo quản cá đúng cách

Cá tươi có thể giữ trong tủ lạnh 2-3 ngày sau khi mua, nhưng tốt hơn hết là nên chế biến ngay khi mua về. Đối với phần cá được giữ lại thì nên để vào ngăn đông của tủ lạnh. Các loại cá phi lê nên bỏ ra ngoài trước khi chế biến vài giờ.

4. Xử lý xương cá

Không ai thích một miếng thịt cá với đầy xương. Hãy nhờ người bán cá lọc lấy phần phi lê còn phần xương sống bỏ riêng ra, nếu không bạn có thể dùng một con dao sắc để lọc loại bỏ phần xương sống của cá. Sau đó chỉ cần dùng nhíp để rút những chiếc xương hom còn lại dọc theo thớ thịt. Nếu muốn nấu cả xương cho ngọt nước thì sau khi nấu xong bạn cũng có thể loại bỏ xương cá trước khi ăn.

5. Rán cá đúng cách

Khi chiên một miếng phi lê cá hãy luôn chắc chắn là chào đã được làm nóng hoàn toàn vì khâu này sẽ tránh cho bạn bị cá dính vào chào. Tốt nhất là kết hợp cả dầu và bơ để chiên (bơ cho hương vị và dầu để ngăn bơ khỏi bị cháy). Phi lê cá nên ướp với chút muối, hạt tiêu và gia vị cùng với một chút bột khô trước khi chiên. Trung bình 5 phút sẽ chín 1cm thịt cá, nhưng bạn cũng phải chú ý kỹ trước thời gian dự định vì cá rất nhanh chín. ngừ thì nên để chín ở mặt còn vẫn hơi đỏ bên trong vì như thế mới không bị mất chất.

6. Bí quyết làm cá tẩm bột ngon

“Fish and Chips” món ăn truyền thống của Anh tưởng là đơn giản nhưng để làm nó ngon không hề đơn giản. Muốn có món cá tẩm bột giòn ngon bạn nên thay thành phần nước trộn bột bằng nước soda hoặc sữa. Sử dụng một chảo sâu lòng, đổ thật nhiều dầu và phải để dầu sôi kỹ trước khi chiên. Đây không chỉ là mẹo nấu ăn dành riêng cho món cá mà còn cho các món chiên ngập dầu khác. Để xem dầu đã đạt độ chưa bằng cách thả một khối lập phương ruột bánh mì vào, nếu sau 60 giây bánh mì vàng rộm thì lúc đó có thể bắt đầu chiên cá.

7. Nướng cá thơm ngon

Khi nướng cá chắc chắn phải quét nước xốt thường xuyên để tránh cho cá bị khô cũng như để cho phần gia vị có thể thấm sâu vào trong phần thịt. Thêm nữa, để tránh phần cá tiếp xúc với vỉ nướng bị dính hãy lót giấy bạc trước khi nướng nhé! Nếu là một con cá to nhớ khía vài đường trên thân cá để đảm bảo cá chín đều.

Theo Bepvadoisong

10 MÓN NGON CHỮA BỆNH TỪ CÁ ĐIÊU HỒNG

Cá điêu hồng (còn gọi là cá diêu hồng, cá rô phi đỏ) là loại cá khoái khẩu của nhiều người bởi vị ngọt, thịt dày không lẫn xương. Theo Đông Y, cá này lành tính, nhiều dinh dưỡng, khoáng chất, và đặc biệt có nhiều tác dụng trị bệnh.

Cá điêu hồng có thịt trắng, giàu dinh dưỡng và protein như vitamin A, B, D, cùng các khoáng chất như iot, phốt pho. So với thịt, cá ít chất béo, dễ tiêu hóa hơn. Theo Y học cổ truyền, thịt cá Điêu hồng có vị ngọt ngon, tính bình, không độc, có tác dụng lợi ngũ tạng, bổ khí huyết, ích tỳ vị…Cá thích hợp để bồi dưỡng cho người bị hư hao, suy nhược, trẻ em còi cọc chậm phát triển thể chất…

Sau đây là những món ăn bài thuốc trị bệnh từ cá điêu hồng:

Cá diêu hồng nấu cháo: cá diêu hồng, gạo mới, hành hoa, tía tô, gừng tươi, mắm muối gia vị vừa đủ nấu cháo. Bằng cách thịt cá chao mỡ hành chín thơm, cháo chín nhừ múc ra tô cho cá và rau gia vị ăn nóng. Công dụng: bổ chính khử tà, giải biểu. Chữa ngoại cảm phong hàn.

Cá diêu hồng nấu ngót: cá diêu hồng, cà chua, hành tây, cần tây, ớt, gừng, hành ngò mắm muối gia vị vừa đủ nấu ăn. Công dụng: bổ tâm tỳ ích khí bổ huyết. Chữa ăn ngủ kém, tim hay bị hồi hộp.

Cá diêu hồng kho nấm mèo: cá diêu hồng, mộc nhĩ, nấm hương, gừng, dầu ăn, hành tím, đường, tiêu, gia vị vừa đủ kho ăn. Công dụng: bổ tâm tỳ, dưỡng khí huyết. Chữa chóng mặt do khí huyết hư.

Canh cá diêu hồng nấu hoa thiên lý: cá diêu hồng, hoa lý, gừng, hành ngò, mắm muối gia vị vừa đủ nấu ăn nhiều lần. Công dụng: bổ tâm tỳ, an thần… Chữa mất ngủ thể tâm tỳ hư.

Cá điêu hồng nấu canh rau má: cá điêu hồng, rau má, mắm muối gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ huyết thanh thấp nhiệt. Chữa viêm gan, vàng da, thấp nhiệt.

Cá điêu hồng nấu rau răm: cá diêu hồng, cà chua, rau răm, thì là, gia vị vừa đủ nấu ăn. Công dụng: bổ tỳ bình can, điều hòa tỳ vị. Dùng cho người đau dạ dày, hông sườn, ăn kém.

Cá diêu hồng om dưa: cá diêu hồng, dưa chua, cà chua, hành tây, hành gừng, mắm muối gia vị vừa đủ om nhừ ăn. Công dụng: kiện tỳ, dưỡng huyết, thanh thấp. Tốt cho người viêm đại tràng, táo bón.

Cá điêu hồng chưng tương: cá diêu hồng, nấm mèo, hành tây, đậu phụ, cần tây, hành lá, cà chua, bún tàu, tương hột, gia vị vừa đủ nấu chưng ăn. Công dụng: bổ huyết, kiện tỳ thận. Chữa huyết hư (thiếu máu).

Cá diêu hồng nấu rau nhút: cá diêu hồng, rau nhút, khoai sọ gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ khí huyết, khu phong trừ thấp. Chữa đau khớp, phong thấp.

Cá diêu hồng hấp cuốn bánh tráng rau thơm: cá diêu hồng, hành, rau mùi, húng quế, ngò tàu, kinh giới, tía tô, mắm, chanh, bánh tráng. Cá diêu hồng hấp lấy thịt quấn rau ăn. Công dụng: bổ khí huyết, khử hàn trừ thấp. Chữa tay chân tê mỏi.

Theo Lương y Minh Phúc

Cách làm CHẢ CÁ CHIÊN kiểu Thái

Chả cá kiểu Thái sẽ hấp dẫn gia đình bạn nhờ kết cấu dai và hương vị thơm ngon của chả cá hòa quyện với các gia vị như lá chanh, ngò rí, đậu…

Nguyên liệu:

  • –    6 lạng phi lê cá (cá rô phi hay cá thát lát, có thể mua xay sẵn)
  • – 4 lá chanh (chanh Thái càng tốt)
  • – 4 trái đậu đũa hoặc đậu đỗ (cove), chọn trái non
  • – 4 cọng ngò rí (mùi tàu), chỉ lấy phần cứng gần rễ, bỏ lá
  • – Bột năng, gia vị
  • – Đậu phộng rang giã sơ
  • –  Tương chua ngọt của Thái.

Cách làm:

Bước 1:

– Cá làm sạch, để ráo, ướp với 1mcf muối trong 15 phút.

Bước 2:

– Ngò rí rửa sạch, bỏ rễ, xắt nhỏ. Lá chanh thái vụn. Đậu tước bỏ xơ, băm nhuyễn.

Bước 3:

– Băm nhuyễn cá rồi xay thật mịn, trộn với lá chanh, ngò rí, đậu đũa + 2 muỗng canh bột năng + 2 muỗng canh dầu ăn + 1 muỗng canh nước măm + 2 mcf hạt nêm + tiêu, quết nhuyễn cho chả được dai.

– Dùng màng thực phẩm đậy lại, bỏ vào ngăn đá 30 phút.

Bước 4:

– Tay xoa chút dầu ăn, múc 1 muỗng hỗn hợp chả cá rồi cho vào tay nắn dẹt để tạo hình chả. Làm cho hết hỗn hợp.

Bước 5:

– Bắc nồi nhỏ cho dầu ăn vào rồi cho chả cá vào rán ngập dầu trên lửa vừa. Khi chả vàng ngoài thì bên trong cũng chín tới. Ta gắp ra dĩa có lót giấy.

– Cho chả cá ra dĩa, Rắc đậu phộng rang lên mặt, Ăn nóng với cơm, chấm tương chua ngọt của Thái.

Theo Cún Khang

Cách làm CÁ NỤC CHUỐI KHO HÚNG QUẾ

Những con cá nục thơm ngon mặn mòi kho cùng lá húng quế tạo nên món ăn đậm đà hấp dẫn cho bữa cơm gia đình. Rau húng rất tốt để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, ngoài ra nó còn có tác dụng lợi sữa cho bà mẹ.

Nguyên liệu:

  • – Cá nục chuối (còn gọi là cá nục suôn): khoảng 4 lạng
  • – Húng quế: 1 bó
  • – Màu điều, hành củ, ớt, gia vị…

Cách làm:

Bước 1:

– Rau húng nhặt rửa sạch, để vô rổ cho ráo nước. 

Bước 2:

– Cá bỏ ruột, rửa sạch, để ráo nước rồi ướp cùng 1/2 muỗng cafe muối trong 15 phút. 

Bước 3:

– Chuẩn bị nồi hoặc tộ kho, xếp rau húng dưới đáy nồi một lớp rồi xếp cá lên, rồi xếp một lớp húng quế, nếu còn cá thì xếp cá tiếp rồi lại xếp lớp trên cùng bằng lá húng quế. 

Bước 4:

– Hành tỏi lột vỏ băm nhỏ.

– Cho hành, tỏi, ớt trái, 2 muỗng cafe dầu màu điều, 2 muỗng súp nước mắm, 2 muỗng súp đường, xóc đều để gia vị bám vô cá. Đậy nắp ướp 1 tiếng cho gia vị ngấm vô cá. 

Bước 5:

– Bỏ nồi lên bếp, vẫn đậy nắp, nấu sôi chừng 15 phút thì mở nắp, vặn nhỏ lửa cho cá ngấm.

Bước 6:

– Sau 30-45 phút, nêm nếm lại vừa miệng, kho tới khi nước cá queo lại thì tắt bếp, rắc tiêu.

– Ăn với cơm.

Theo Cún Khang

Cách làm CÁ BỐNG KHO CỦ KIỆU

Một món ăn dân dã, hao cơm, thích nhất là ăn vào những ngày trời mưa, lạnh.

Nguyên liệu:

– Cá bống cát: 3 lạng

– Củ kiệu tươi: 1/4 chén (có thể dùng kiệu ngâm)

– Dầu điều, gia vị

– Ớt trái, tỏi, hành củ, tiêu xanh.

Cách làm:

Bước 1:

– Cá mua về đánh sạch vảy, móc bỏ mật, rửa kĩ rồi để ráo nước, sau đó ướp với 1/2 muỗng cafe muối trong 15 phút.

– Cho tiêu xanh, tỏi, hành củ vào cối, giã nhuyễn.

Bước 2:

– Kiệu mua về bỏ rễ, rửa sạch, để ráo. Nếu dùng kiệu ngâm thì rửa nhiều lần nước cho bớt mặn, bớt chua.

Bước 3:

– Bắc nồi kho, cho vào 1 muỗng súp nước mắm + 1 muỗng súp đường nấu sôi cho đường chuyển màu cánh gián, lại cho chỗ tỏi – hành – tiêu giã nhuyễn ban nãy vào nồi trộn đều.

Bước 4:

– Gắp từng con cá cho vào nồi, xếp ngay ngắn. Xóc nồi đều nhẹ cho gia vị bám khắp cá. Đậy nắp nồi, tắt bếp để ướp tiếp cá trong 30 phút.

Bước 5:

– Ướp xong thì lại bật bếp, chan vào nồi cá một muỗng súp nước mắm, 1 muỗng cafe dầu màu điều, vài trái ớt. Đậy nắp lại nấu cho sôi 10 phút rồi mở nồi, vặn nhỏ lửa đun riu riu cho cá thấm.

Bước 6:

– Kho lửa nhỏ 25-30 phút rồi cho kiệu vào kho cùng, lắc đều cho ngấm. Nêm nếm lại cho vừa miệng. Lưu ý kho cá không cho thêm nước lọc kẻo tanh cá.

Bước 7:

– Để nắp he hé (vì kho kiệu nếu đậy nắp sẽ làm kiệu mất độ giòn) kho tiếp tầm 10-15 phút cho nước cá cạn bớt, tắt bếp. Gắp ra dĩa, rắc hành lá lên cá, ăn với cơm.

Theo Cún Khang

MẸO CHỌN MUA HẢI SẢN TƯƠI NGON

Món ăn từ hải sản không chỉ ngon mà còn mang lại nhiều dinh dưỡng quý báu cho cơ thể. Tuy vậy, ngày nay hải sản nhiễm hóa chất, tẩm ure… đã xâm nhập vào thị trường hải sản, khiến cho việc chọn mua hải sản không còn là điều đơn giản.

Sau đây là những mẹo hay để người nội trợ chọn mua được những nguyên liệu tươi ngon nhất cho món ăn hải sản của mình:

Mẹo chọn mua cá biển

Nhìn mắt cá: cá tươi mắt lồi và trong, giác mạc có độ đàn hồi khi ấn vào. Cá không tươi hoặc ươn mắt lõm, màu đục, giác mạc nhăn nhúm hoặc rách rưới.

Nhìn mang cá: Mang cá tươi có màu đỏ hồng, dính chặt với hoa khế, không hôi, không nhớt. Cá ươn mang màu xám, lỏng lẻo không dính chặt hoa khế, thường có nhớt và mùi hôi.

Nhìn vảy cá: Cá tươi vảy đẹp óng ánh, bám chặt, không có niêm dịch và mùi hôi. Cá ươn vây thường mờ, dễ tróc, màu không óng ả, thường có mùi hôi.

Nhìn hậu môn cá: Cá tươi hậu môn thường thụt vào trong, màu trắng nhạt, bụng cá lép. Cá ươn hậu môn thường có màu hồng hoặc bầm đỏ, lồi ra, bụng cá thường trương phình.

Nhìn miệng cá: Cá tươi thường ngậm kín miệng, cá ươn ôi miệng luôn hé mở.

Ấn vào mình cá: Cá tươi thịt chắc, ấn vào sẽ đẩy ra (đàn hồi), không để lại vết lõm. Cá ươn thì ngược lại.

Mẹo chọn tôm ngon

Muốn mua được tôm ngon, nên lựa con thân săn chắc, vỏ cứng, trắng trong chứ không ngả màu đục, vàng hoặc đỏ. Đầu tôm phải dính chắc vào mình, các càng tôm còn nguyên càng tốt. Ngoài ra ngửi thử nếu tanh lạ, hôi hôi thì không nên mua.

Ngoài ra ngày nay có “công nghệ” bơm tạp chất vào tôm sú cho tôm mập, nặng ký, để tránh tôm bơm tạp chất, nên chọn tôm có thân cong, hơi mềm (không cứng thẳng đơ vì đó là tôm đã bị bơm), đầu và thân dính chặt không dễ tách rời. Tôm bị bơm thường phù đầu, vểnh gai, đuôi xòe ra. Nên tránh kẻo tiền mất tật mang.

Mẹo chọn sò tươi 

Với các loại sò, chỉ cần chọn sò tươi. Nên chọn chỗ nào bán sò có nhiều con thè lưỡi ra ngoài. Nếu sò đã ngậm miệng, hửi thử coi hôi thì đừng nên mua. Sò ngon là sò cỡ vừa, không to quá không nhỏ quá, vì nhỏ quá thì bị teo hết thịt, to quá thịt dễ bị dai.

Mẹo chọn mua mực

Mực ngoài thị trường có nhiều loại như mực ống, mực nang, mực sim… Thông thường mực tươi con sẽ to, thịt dày chắc, màu trắng trong. Mực nang tươi luôn có lớp màng nâu phủ quanh. Mực ổng chọn con đầu dính chặt mình, túi mực chưa vỡ, thịt màu sáng hồng hào.

Mực không tươi hoặc ươn là mực có màu ngả xanh, thịt mềm nhão, đầu không dính chặt thân, mùi rất tanh.

Mẹo chọn cua ngon

Thông thường ngoài chợ có bán 3 loại cua: cua nước, cua thịt, cua gạch. Cua gạch và cua thịt mỗi thứ ngon một kiểu, đều bổ cả. Muốn chọn mua cua tươi ngon, đầu tiên ấn vào yếm cua, nếu yếm cứng chắc là cua dày thịt, ăn ngon. Nếu thường lựa cua bạn có thể ngó vào que càng của cua, nếu thấy mọng nước thì cua thịt xốp không ngọt không ngon.

Cua ngon có thể nhìn thấy bằng mắt thường: vỏ xám đục, yếm to.

Mẹo chọn ghẹ ngon

Cách chọn ghẹ không giống cách chọn cua. Muốn mua ghẹ tươi nên chọn ghẹ có yếm màu đỏ, chân co lại. Ghẹ thịt thì ấn ngón tay vào sát cái yếm dưới ức, gần chân mái chèo của ghẹ, nếu cảm thấy lõm thì đó là ghẹ óp ăn rất chán.

Cuối cùng, bạn nên nhớ tránh mua ghẹ, tôm, cua vào những ngày rằm hoặc gần rằm (giữa tháng âm lịch), vì lúc đó hải sản không được ngon.

Bảo Thoa (tổng hợp)

Cách nấu CANH CÁ CHỈ VÀNG

Để giữ được vị ngọt ngon của cá chỉ vàng, món canh này chỉ phối hợp với một vài loại rau quả có vị thanh nhẹ… Món canh rất dễ ăn sẽ mang lại cho gia đình bạn bữa cơm ấm áp.

Chuẩn bị:

– Cá chỉ vàng tươi: 500g

– Cà chua: 2 trái, bổ múi cau

– Dứa mới chín tới: 1/4 trái, xắt lát nhỏ

– 1 vắt nhỏ me chua

– Hành lá cắt khúc, ớt thái lát, gia vị

Thực hiện:


– Cá làm sạch, để ráo nước.

– Me cho vào chén, chế nước sôi vào dằm lấy nước cốt chua. Chắt nước ra để nấu canh, bỏ phần bã và hột me đi.

– Bắc nồi cho phần trắng của hành vào phi thơm tiếp đến cho cà chua vào xào sơ.

– Trút cá vào, nêm một ít gia vị rồi xào cho cá săn lại. Tiếp đến trút lượng nước đủ nấu canh vào.

– Nấu cho nước sôi rồi vặn lửa vừa nấu tới khi chín cá, trút dứa và một ít nước cốt me vào. Cho thêm đường để trung hòa vị chua, ngọt. Nếm lại vừa miệng.

– Cuối cùng cho hành lá, ớt vào.

– Khi ăn dọn chung với chén nước mắm ớt. Canh này ăn nóng với cơm rất ngon.


theo Khánh Hòa

Cách làm CÁ BỐNG TRẮNG KHO NƯỚC DỪA

Món ăn dân dã nhưng rất đưa cơm, ngon nhất khi ăn vào những ngày mưa trong bữa cơm gia đình.

Nguyên liệu:

– Cá bống trắng: 3 lạng
– Nước dừa tươi: 1 trái
– Màu dầu điều, hành lá, hành củ, nước mắm

– Gia vị

Cách làm:

Bước 1:

– Cá mua về bỏ đầu, moi ruột bỏ đi, rửa sạch rồi để ráo. Cho vào cá 1/2 mcf muối xốc đều, ướp 15 phút cho ngấm.

Bước 2:

– Bắc nồi kho, cho vào 2 mcf dầu điều, cho hành củ xắt lát vào phi thơm, chan vào nồi 2 muỗng súp nước mắm, 1 muỗng súp đường, khoảng 200ml nước dừa. Cho thêm ớt bột hoặc quả ớt nếu ăn cay. Nấu cho sôi.

 Bước 3:

– Sôi rồi thì ta cho cá vào, vặn lửa thật nhỏ để cá kho không bị nát .

 Bước 4:

– Đun tới khi nào cá săn, thấm gia vị. Khi đun thỉnh thoảng lắc, đảo nhẹ cho cá quyện đều.

Bước 5:

–  Kho khoảng 45-60 phút thì nêm nếm lại cho vừa miệng, tiếp tục kho tới khi nước queo lại, cá cứng thịt thì tắt bếp. Rắc hành lá.

– Ăn với cơm.

Theo mẹ Cún Khang

Cách làm CÁ XÀO LĂN

Món CÁ XÀO LĂN hấp dẫn với nhiều hương vị hòa quyện, sẽ mang lại cho gia đình bạn một bữa ăn ngon miệng và thỏa mãn.

Nguyên liệu:

  • – Phi lê cá (cá tươi ngon, có thể dùng cá lóc, cá đuối, cá basa, cá sấu…): 7 lạng
  • – Rau thìa là: 1 bó, rửa sạch, cắt khúc 5cm
  • – Bột nghệ: 1 thìa cafe
  • – Bột mì: 1 thìa canh
  • – Nước cốt dừa: 150ml
  • – Hành tây: 1 củ, thái múi cau
  • – Ớt sừng đỏ: bỏ hột, xắt lát
  • – Tỏi băm: 1 muỗng cafe
  • – Hành băm: 1 muỗng cafe
  • – Hành lá: cắt khúc 3cm
  • – Sả băm: 1 thìa canh
  • – Nước mắm: 1 thìa canh
  • – Đường: 2 thìa cafe
  • – Đậu phộng rang giã dập: 50g

Cách làm:

– Cá rửa sạch, thấm cho thật ráo nước. Xắt thành miếng nhỏ vừa ăn, ướp với chút muối, 1 thìa cafe bột nghệ, 1 thìa canh bột mì trong 15 phút.

– Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào nấu nóng rồi cho cá vào chiên chín vàng, vớt ra ngoài.

– Cho tỏi, hành, sả vào phi thơm, rồi cho cá vào trở lại, xào nhẹ tay. Tiếp theo cho nước cốt dừa, đường, nước mắm, muối, nấu cho nước cốt dừa sắp ráo thì trút ớt, hành lá, thìa là vào xào chung cho nóng. Nêm nếm lại vừa miệng. Tắt bếp.

– Trước khi ăn rắc lạc rang giã dập lên. Ăn nóng với cơm.

Bảo Tố

ĂN BAO NHIÊU CÁ MỖI TUẦN LÀ ĐỦ?

Mọi người thường được khuyên tăng lượng cá, giảm lượng thịt trong thực đơn để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật, nhưng ăn bao nhiêu mới là đủ?
Cá là nguồn tốt nhất cung cấp omega-3, dưỡng chất có ích cho sức khỏe giúp giảm nguy cơ trầm cảm, đau tim và suy giảm nhận thức. Nhìn chung nên ăn khoảng 340 g cá mỗi tuần. Cá hồi, cá ngừ và cá tuyết là lựa chọn tốt nhất.

Cụ thể hơn, có những khuyến nghị dành riêng cho từng loại cá.

Cá béo

Cá béo bao gồm cá hồi, cá ngừ, cá sardine, cá trích, cá thu… Cá béo rất giàu omega-3 giúp phòng chống bệnh tim mạch và là nguồn dồi dào cung cấp vitamin D. Cá sardine và cá hồi đóng hộp tăng canxi và phốt pho bởi bạn có thể ăn cả xương cá.

Mỗi người nên ăn ít nhất 140 g cá béo một tuần. Phụ nữ sắp hoặc đang có thai, cho con bú không nên ăn quá 280 g. Đàn ông và phụ nữ không mang thai có thể ăn tối đa 560 g cá béo mỗi tuần.

Cá thịt trắng

Cá thịt trắng là những loại như cá tuyết, cá bơn, cá chim, cá rô phi… Cá thịt trắng ít béo và cung cấp omega-3 song hàm lượng ít hơn cá béo.

Thường thì bạn có thể ăn bao nhiêu cá thịt trắng tùy thích, nhưng với cá nhám và cá cờ thì lưu ý không ăn quá 140 g. Trẻ em, phụ nữ có thai hoặc muốn có thai nên tránh hai loại cá này vì chúng chứa nhiều thủy ngân hơn các loại khác.

Ngoài ra tôm, cua, sò, trai, hàu… chứa nhiều selen, kẽm, i ốt và ít béo. Vì thế bạn có thể tiêu thụ các loài thủy sản này thoải mái.

Minh Nguyên (Theo Good House KeepingNHS)

Nguồn: http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/dinh-duong/an-bao-nhieu-ca-mot-tuan-tot-cho-suc-khoe-3257990.html

CÁ TRÔI: MÓN NGON CHỮA ĐƯỢC NHIỀU BỆNH

CÁ TRÔI là loại cá quen thuộc trong đời sống ẩm thực của dân ta. Cá trôi có vị ngon ngọt, béo, làm được nhiều món ngon từ canh chua đến hấp, kho…đặc biệt thích hợp trong tiết trời nóng nực. Cá trôi còn được coi là một vị thuốc vì chữa được nhiều loại bệnh.

 

Cá trôi chứa nhiều protein, lipid, các sinh tố A, B1, B2, các chất khoáng, Ca, P, Fe, creatin, creatin phosphat…Theo Đông y, cá trôi vị ngọt, tính bình, không độc; vào tỳ, can và thận, có công năng ích khí dưỡng huyết, kiện cân cốt, hoạt huyết, hành khí, trục thủy, lợi thấp. Dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược, mệt mỏi, mất sức, vàng da phù nề, tiểu buốt, tiểu dắt. Xin giới thiệu một số món ăn – bài thuốc từ cá trôi.
Cá trôi kho khô: cá trôi 500g và các gia vị. Cá trôi bỏ ruột, rửa sạch, thêm nghệ, tương, hành, xả (hoặc riềng và cả lá gừng), muối; cho nước lượng thích hợp kho nhỏ lửa cho chín khô và nhừ. Dùng cho người cao tuổi, sản phụ, trẻ em, các trường hợp suy nhược cơ thể.

Cá trôi kho: Canh cá trôi, sâm linh, sơn dược, ý dĩ: cá trôi 1 con (200 – 300g), đảng sâm 18g, phục linh 16g, ý dĩ 16g, sơn dược 16g. Cá trôi làm sạch bỏ ruột. Sắc các vị thuốc lấy nước, bỏ bã, dùng nước thuốc nấu cá, khi cá chín nhừ thêm gia vị ăn. Dùng cho các trường hợp phù nề vàng da, tiểu buốt, tiểu dắt.

 

Canh cá trôi: cá trôi 1 – 2 con, xuyên tiêu 15g, rau mùi, lá lốt, gừng, hành, dấm bỗng rượu và gia vị thích hợp. Nấu ăn như nấu canh cá bình thường. Dùng cho các trường hợp phù nề, đặc biệt là các thể phù do thiểu dưỡng, do viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư.

 

Canh cá trôi, đậu đỏ: cá trôi 1 – 2 con (300 – 500g), đậu đỏ 50g, các gia vị: hành gừng, ớt, tỏi, tương, muối, rượu dấm vừa đủ. Cá làm sạch, ướp hành, ớt, tiêu, tương, muối, sau 15 – 20 phút, đem chiên vàng. Đậu đỏ ngâm, rửa sạch, ninh kỹ; cho cá trôi đã chiên vào. Đun sôi, ninh đến khi đậu nhừ; thêm gia vị vừa đủ. Dùng cho bệnh nhân viêm gan vàng da, phù chân, tiểu dắt.

Cá trôi hầm thuốc bắc:

Cách 1: cá trôi 1 – 2 con (300 – 500g), đảng sâm 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, bạch thược 12g. Cá trôi mổ bỏ ruột, rửa sạch; các vị thuốc sắc lấy nước. Bỏ cá vào nước thuốc, thêm 5 – 8 lát gừng. Đun lửa nhỏ đến khi cá chín mềm, thêm mắm muối vừa miệng là được. Thuốc có tác dụng bổ tỳ, kiện vị, lợi tiểu, khứ thấp, mạnh xương khớp, tăng cường sinh lực. Dùng cho người già suy nhược cơ thể, tiểu tiện không thông, chân tay phù thũng, xương khớp sưng đau, thắt lưng ê mỏi.

Cách 2: cá trôi 1 con (khoảng 200 – 400g), xích tiểu đậu 50g, trần bì 6g, ớt đỏ sào 6g, thảo quả 6g. Cá làm sạch, cho các vị thuốc vào bụng cá, thêm gừng, hành, muối, tiêu và nước. Nấu trong khoảng 1 giờ, cho thêm hành thái lát, rau tươi, đun sôi, cho ăn khi còn nóng. Dùng cho các trường hợp phù nề, vàng da, tiểu dắt, buốt, bệnh đái tháo đường.Kiêng kỵ: Người âm hư, ho suyễn không dùng. 

Theo BS. Tiểu Lan (Sức khỏe & Đời sống)

Cách làm CÁ ĐIÊU HỒNG HẤP TƯƠNG, món ngon đậm đà hương quê

Nói về thứ cá ngọt ngon có lẽ không thể bỏ qua cá điêu hồng. Cá điêu hồng chưng với tương hột lại mang thêm một hương vị mới…Món ăn sang ở miền quê này gắn liền với tuổi thơ nhiều người.

Nguyên liệu:

  • – CÁ ĐIÊU HỒNG: con tầm 7 – 8 lạng
  • – Tương hột: nửa lạng
  • – Bún tàu, mộc nhĩ, nấm hương, hành lá, ớt
  • – Cà chua: 2 trái. Hành tây: 1 củ.
  • – Các loại gia vị thông thường.

Cách làm:

– Cà chua, hành tây bổ múi cau. Hành lá rửa sạch cắt khúc.

– Bún tàu ngâm nước cho nở. Nở rồi thì cắt khúc tầm 3-4 phân.

– Nấm mèo và nấm hương ngâm cho nở, rửa sạch bằng nước ấm…Sau đó xắt làm hai làm ba.

– Cá mua về đánh vẩy, làm ruột, rửa cho sạch rồi để ráo nước.

– Tương hột đem xay cho hơi nát. Nêm thêm 1 muỗng cafe hột nêm, nửa thìa cafe đường, nửa thìa cafe tiêu. Lấy muỗng đánh lên cho đều, rồi thoa vô mình cá, nhớ bôi cả mặt trong của con cá. Ướp trong khoảng 15-20 phút cho thấm.

– Bún tàu, nấm mèo trải lên dĩa làm lớp lót dưới cùng, rồi để cá lên trên. Trải hành tây, cà chua, nấm hương, hành lá lên chung quanh.

– Cuối cùng đem cá hấp cách thủy tầm 30 phút là chín. Ăn nóng với cơm, bún hoặc cuốn bánh tráng đều rất ngon.

Theo Trâm Phạm – Sài Gòn ẩm thực.

Cách làm CÀ PHÁO MUỐI CHUA giòn ngon

Cà muối (dưa cà) ăn với mắm tôm là món ăn độc đáo của Việt Nam. Món ăn hấp dẫn từ vẻ ngoài cho đến kết cấu, hương vị, món ăn cũng tốt cho tiêu hóa nữa. Vào những ngày hè nóng nực, chỉ cần bát cà pháo, tô canh với chén mắm tôm hoặc nước mắm pha là đủ cho một bữa ăn hoàn thiện.

Cách làm Cà muối

Nguyên liệu:

  • Cà pháo: 1 ký (chỉ nên muối tầm 1kg  ăn hết muối tiếp không nên để lâu)
  • Tỏi đập dập, 1 mẩu riềng
  • Muối hột (không phải muối iot)

Cách làm:

Cà pháo chọn quả vừa phải, không quá to hoặc quá nhỏ. Mua về để nguyên quả đem phơi ngoài nắng tầm 3-4h cho cà hơi héo.

 

Đem vào nhà cắt bỏ cuống, lưu ý cắt vừa hết cuống không cắt lẹm vào quả.

 

Ngâm cà pháo qua nước muối thật mặn để ra hết nhựa màu. Ngâm rồi xả, thay nước ngâm, tầm 2-3 lần đến khi thấy nước ngâm xong trong veo là được. Vớt cà ra ngoài để ráo. Ngâm kỹ như vậy để nhựa cà và những chất độc trong cà trôi ra hết.

 

Bắc nồi nước đun sôi, trong lúc đun thì xếp cà:

 

Chuẩn bị keo, hũ hay vại bằng thủy tinh hoặc sành sứ, rửa sạch, tráng qua nước nóng rồi để cho khô ráo. Rắc một lớp muối hột mỏng dưới cùng, rồi trải một lớp cà, rồi lại rắc muối, trải cà cho đến khi hết cà thì rắc tiếp một lớp muối lên trên cùng.

 

Lúc này nước đã sôi thì tắt bếp chờ cho còn âm ấm (tầm 40 độ C) thì pha với 1,5 muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe muối). Quậy đều cho đường muối tan.

 

Tiếp theo trút nước vào vại sao cho ngập hết cà. Sau đó thả tỏi và riềng đập dập lên mặt trên cùng.

 

Bước cuối cùng là dùng một cái dĩa nhỏ hoặc một túi nilon nước cột kín đè lên trên mặt cà , bước này quan trọng để cho cà luôn chìm dưới nước không nổi khỏi mặt nước.

 

Để cà muối trong mát khoảng 2-5 ngày là ăn được. Lưu ý khi cà để lâu đã nổi váng trắng thì đổ đi không ăn nữa vì rất độc hại.

Bảo Tố

Cách làm CÁ BA SA KHO TÀU

Một chút biến đổi từ món thịt kho tàu để trở thành món cá ba sa kho tàu. Kho làm sao cho cá cứng lại, ăn rất ngon và có lẽ là khó ngán hơn thịt kho tàu, nhất là trong những ngày trời nóng như thế này.

Chuẩn bị: 

  • – Cá ba sa (đừng lộn với cá sa ba): 400g
  • – Thịt ba rọi: 100g (cho vào ít thịt cho béo)
  • – Nước của 1 trái dừa xiêm hoặc 1 chén nước dừa. (Không có nước dừa thì dùng nước lọc, chịu khó nêm nếm gia vị và cho thêm chút nước hàng để cho đẹp mắt. Xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG KHO CÁ)
  • – Trứng cút hoặc trứng vịt hoặc trứng gà, luộc chín kỹ, lột vỏ: 10 quả (cút) hoặc 3 quả (vịt)
  • – Hành lá phần đầu màu trắng: 4 cái, rửa sạch rồi xắt cọng khoảng 3-4 phân.
  • – Hành củ băm, ớt trái, ớt bột, các gia vị thông thường.

Sơ chế

– Cá rửa sạch với muối, xát tro bếp lên rồi rửa lại cho cá bớt nhầy (bước này để loại bỏ chất nhớt trên mình cá). Nếu không có tro thì rưới nước ấm lên mình cá rồi lấy dao cạo sạch nhớt.

– Chặt cá thành lát dày khoảng 2 phân. Ướp cá với chút muối và mẩu gừng giã dập trong 10 phút cho bớt tanh. Sau đó bắc chảo cho tí dầu chiên sơ cho cá rám vàng 2 mặt.

– Thịt ba rọi xắt lát nhỏ. Sau đó cho thịt với cá ở chung, ướp cùng 1,5 muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cf hột nêm, 1 muỗng cf hành củ băm, 1 muỗng cà phê ớt bột, chút gừng đập dập.

Thực hiện:

– Bắc nồi kho lên bếp, cho cá, thịt, trứng luộc vào nồi, bỏ thêm 3-4 trái ớt hiểm nếu bạn thích ăn ớt, rồi đổ nước dừa vô ngập hoặc sâm sấp mặt nguyên liệu (nếu ít thì châm thêm nước). Kho lửa hơi nhỏ tới khi nào nước còn 1/3 ban đầu thì nêm nếm nắm muối cho vừa miệng. Trút phần đầu hành cắt khúc vào kho tiếp 2 -3 phút rồi tắt bếp.

– Múc cá kho tàu ra dĩa rắc tí tiêu rồi ăn với cơm nóng.

Bảo Tố

Cách nấu CANH CHUA CÁ BÔNG LAU

CANH CHUA NAM BỘ với vị chua ngọt đậm đà đặc trưng là món ăn nổi tiếng. Canh chua có thể nấu với cá lóc, cá ba sa, cá bông lau…hoặc không cần cá như món canh chua chay. Trong bát canh chua có những loại ra đặc trưng, quan trọng như bạc hà, rau om, cà chua…

Nguyên liệu:

  • Cá Bông Lau: 1 con cỡ vừa
  • Đậu bắp: 5-10 trái tùy ăn
  • Bạc hà: 2 cây
  • 1 trái Me chín
  • 2 Trái ớt chín
  • 1 nhúm giá sống
  • Vài cọng Rau om
  • 3 Trái cà chua chín
  • 2 tép hành lá, 1/2 củ hành tây hay vài củ hành ta bằm nhỏ
  • Muối , nước mắm, đường
  • 1/2 trái thơm chín

Chuẩn bị:

  • Cá : Làm sạch chặt ra từng lát
  • Đậu bắp: rửa sạch xắt xéo vừa ăn
  • Bạc Hà : Tước vỏ, xắt miếng xéo dày độ 5 ly, bóp chút muối, rửa lại vắt ráo( nếu khg làm vậy khi ăn có khi bị tê lưỡi )
  • Ớt : Xắt từng khoanh mỏng
  • Rau om: Lặt, rửa sạch, xắt nhỏ
  • Cà chua: Xắt làm 6, dọc theo trái cà
  • Thơm chín chia ra 2 phần, 1 phần băm nhuyễn, 1 phần xắt lát

Thực hiện:

1. Cho 2 muỗng canh dầu ăn vô nồi, khi dầu nóng, cho thơm vào xào cho ra nước, tiếp tục bằm nhỏ nửa củ hành tây vào xào thơm. Sau đó cho vào 1 lít nước ,cho chút muối. Khi nước sôi, cho cá vào.

2. Hớt bọt cho trong. Sau đó cho cà chua vào. Nêm nước đường, muối gần vừa ăn (để giành chút nữa nêm thêm nước mắm). Vặn lửa vừa.

3. Me chín cho vào tô, lấy chút nước sôi trong nồi canh chế vào tô me. Lấy muỗng dằm cho me ra hết chất chua. Lược nước me chua đổ vào nồi canh.

4. Sau khi thả cá và cà chua vào đun sôi chừng 10 phút thì cá chín.

5. Cho trái thơm xắt lát + bạc hà + đậu bắp vào.

6. Đun thêm 3 phút nữa thì nhắc xuống, sau đó mới cho giá sống + nước mắm + ớt chín vào, nếm lại đủ chua cay mặn ngọt đậm đà thấm thía. Múc ra tô , cho rau om + hành lá xắt nhỏ lên mặt. Chuẩn bị thêm dĩa nước mắm ớt để chấm cá.

Cách làm CÁ TRÍCH KHO RỤC

Món CÁ TRÍCH KHO RỤC hầu như ai cũng mê, phần vì hương vị mộc mạc đậm chất quê, phần vì kết cấu mềm ngon và hương vị khó quên của nó.
Cá trích là một trong những loại cá tốt nhất cho cơ thể. Cá trích ít mỡ nhưng ăn có vị béo vì chứa nhiều dầu omega 3 tốt cho trí não, phòng bệnh tim, huyết áp. Cá trích còn có tác dụng phòng chống ung thư nhờ selen, kẽm… bên trong thịt cá.

Nguyên liệu:

  • Cá trích: 7 lạng
  • Nước dừa xiêm: Nửa lít
  • Tỏi băm, ớt (bỏ hạt) băm, hạt tiêu
  • Các loại gia vị thông thường

Cách chế biến món cá trích kho rục

– Cá trích làm sạch vảy, bỏ đầu, đuôi, rạch bụng moi ruột, làm sạch sẽ… xong để cho ráo nước.

– Đem cá trích ướp với 1/2 muỗng cafe muối, 2 muỗng súp nước mắm, 2 muỗng cafe hột nêm, 1  muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe tỏi băm, một ít ớt băm tùy khẩu vị…  Ướp trong ít nhất 15 phút cho cá ngấm.

– Nước dừa tươi cho vào nồi đun sôi.

– Bắc nồi khác, xắp cá vào ngay ngắn sau đó rưới lên cá 2 muỗng canh dầu ăn, bật lửa nấu sôi chừng 15 phút thì đổ nước dừa tươi vào nồi, vặn nhỏ lửa nấu riu riu tới khi nước còn 1/3 thì nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Cuối cùng rải lên cá chút tiêu xay rồi tắt bếp. Đoạn kho cá này nếu kho càng lâu thì càng ngon vì xương cá sẽ mềm rục, thịt cá chắc hơn, ăn rất sướng.

– Cá ăn nóng với cơm.

Bảo Tố

Cách làm CÁ RÔ KHO THỊT BA CHỈ

Cá rô kho chín mềm, thấm thía với mấy miếng thịt beo béo sẽ là một món rất hấp dẫn cho gia đình bạn.

Nguyên liệu:

  • – Cá rô: 2con: làm sạch, đánh sạch vảy.
  • – Thịt ba rọi: 1 lạng: rửa sạch, xắt lát vừa ăn
  • – Sa tế: 2 muỗng cafe
  • – Đầu hành lá: thái cọng mỏng
  • – Đường, hột nêm, nước mắm, ớt tươi

Thực hiện:

– Cá rô đem rửa với rượu trắng, sau đó rửa lại qua nước sạch. Dùng khăn hoặc đồ thấm khô cá. Sau đó đem ướp với đường, nước mắm, ớt trái, tiêu, bột nêm trong ít nhất 15 phút cho ngấm. Xóc đều lên, rồi cho vào nồi kho cùng lúc với thịt.

– Châm thêm ít nước lọc vào cá, đợi nước sôi ta cho thêm 2 muỗng sa tế vào. Chuyển thịt, cá qua nồi đất kho đến khi nào thịt chín mềm, nước cạn sánh lại là xong.

Theo Khánh Hòa (VNexpress.net)

Cách làm CÁ RÔ SỐT RAU QUẢ

Món CÁ RÔ PHI SỐT RAU QUẢ là lựa chọn thích hợp cho những ngày trời nóng nực. Bạn chỉ cần làm duy nhất 1 món này là đủ cho 1 bữa cơm chất lượng và ngon lành rồi.

Nguyên liệu:

  • Cá rô phi 500g
  • Cà chua 150 – 200g
  • Đậu phụ 1 – 2 bìa
  • Cà chua, củ cải, mướp đắng khối lượng tùy ý
  • Rau thơm: hành răm, thìa là, hành củ, ớt, gừng, nghệ vàng tươi
  • Bột nêm, bột ngọt, dầu ăn

Cách làm:

Bước 1

Rau thơm rửa sạch, để ráo, thái nhỏ.

Đậu phụ cắt miếng. Có thể rán qua hay để sống cho mát tuỳ sở thích.

Bước 2

Cá rô phi làm sạch, để ráo. Có thể chiên rán qua. Có thể để sống nếu bạn có mỡ máu cao, hoặc hệ tim mạch hệ tiêu hoá không tốt bạn có thể để cá sống cho mát.

Phi hành cà chua cho nhừ, thêm nước nấu sôi. Thả cá, nêm bột canh cho vừa. Cho gừng, nghệ đập dập vào, thêm ớt vào.

Bước 3

Cá sôi một dạo thả củ cải vào.

Cá chín thả đậu phụ vào nấu thêm 2 – 5 phút cho đậu phụ ngấm.

Thả mướp đắng, rau thơm vào rồi thả tiếp đậu bắp rồi bắc xuống. Nếu bạn muốn ít nhớt thì bắc nồi cá xuống hãy thả đậu bắp vào rồi múc ra bát.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

BACSI.com (Theo Xinhxinh)

Cách làm LẨU CÁ HỒI

Một bữa LẨU CÁ HỒI sẽ rất thích hợp để đổi  vị trong những ngày cuối tuần oi bức. Lẩu có vị cay thơm của s a tế, chua của cà chua rất dễ ăn.

Nguyên liệu:

  • Cá hồi: 1 con
  • Xương hầm: 0,5 kg (xương gà hoặc heo)
  • Đậu hũ Nhật: 1 hộp
  • Sa tế: 1 lọ
  • Đường: 10 g
  • Cải thảo: 0.5 kg
  • Cải xanh: 1 kg
  • Nấm hương: 20g
  • Gừng: 30 g
  • Cà chua: 100g
  • Bún: 1 kg
  • Tiêu , muối, bột ngọt, xì dầu

Cách Làm:

– Xương nấu với 2 lit nước sạch, lọc kỹ.
– Cá hồi làm sạch, bỏ da, phi lê, cắt thành từng miếng vừa ăn.
– Đậu hũ cắt nhỏ.
– Cải thảo, cải xanh, cà chua rửa sạch.
– Nấm hương ngâm nước vo gạo, rửa sạch, cắt chân.
– Đun sôi lại nước dùng, sau đó cho sa tế, gừng thái chỉ, nêm nếm với xì dầu, đường, muối, bột ngọt (tùy ý) cho vừa miệng.
– Cho cá vào nấu sôi ít phút. Sau đó thả nấm hương và cà chua cắt 4 vào.
– Xếp rau ra đĩa, nấu sôi lẩu, trụng rau và ăn kèm với bún. 

 

Mẹo làm giảm độ mặn của Cá khô, thủy sản khô

Hải sản khô là loại thực phẩm ưa thích của nhiều người, nó còn được dùng làm nguyên liệu trong chế biến các món ăn khác. Tuy vậy, việc đầu tiên khi đưa hải sản khô vào xào nấu là xử lý độ mặn của nó. Và đây là 4 mẹo bạn có thể áp dụng:
Ngâm đồ khô trong nước vo gạo

Sau khi vo gạo nấu cơm xong, bạn hãy giữ lại nước vo gạo đó để ngâm đồ khô. Nước vo gạo sẽ có tác dụng giúp làm giảm lượng mặn đáng kể. Bạn hãy ngâm chúng khoảng 30 phút rồi vớt ra để khô.

Ngâm đồ khô trong nước chanh loãng

Nước chanh được pha theo tỉ lệ 1 chén nước + 1/3 nước cốt canh sẽ giúp làm giảm lượng mặn trong đồ khô. Ngâm trong 30 phút rồi vớt ra để ráo.

Nếu nước chanh làm ảnh hưởng đến vị của món ăn bạn chế biến sau đó, bạn có thể pha nước chanh loãng hơn.

Ướp nguyên liệu với gia vị chua, ngọt

Trước khi nấu, bạn hãy ướp đồ khô với ít đường cùng vài giọt chanh hoặc giấm để làm giảm vị mặn của chúng.

Thời gian ướp khoảng 15 phút để gia vị được ngấm vào trong nguyên liệu. Bạn có thể thay đường bằng mật ong để cân bằng vị cho chúng.

Ngâm đồ khô trong nước muối loãng

Ngâm đồ khô khoảng 30 phút trong nước muối pha loãng, sau đó bạn rửa đi và làm lại như thế lần nữa sẽ có tác dụng làm giảm độ mặn của món ăn. Nồng độ muối cao trong đồ khô sẽ lan sang nước muối pha loang để hòa tan nên sẽ giúp đồ khô của bạn giảm được lượng mặn đáng kể.

Những mẹo nhỏ trên sẽ giúp bạn gạt bỏ được nỗi lo đồ khô quá mặn ảnh hưởng đến món ăn khi chế biến của bạn.

(Theo Xinh xinh )