5 ĐỊA CHỈ BÁN BÁNH TÉT NGON TẠI SAIGON

Dịp Tết cổ truyền của người Việt không thể thiếu những đòn bánh Tét trên mâm cỗ cúng gia tiên. Nhưng hiện nay, nhiều gia đình không có điều kiện tự tay gói bánh, để tìm được một địa chỉ bán bánh Tét đảm bảo chất lượng, ngon, sạch, chính gốc lò truyền thống cho năm mới này thì đừng bỏ qua 5 địa chỉ dưới đây:

  1. Tiệm Bánh Tét Mẹ Quê

Tiệm Mẹ Quê là nơi hội đủ thứ đặc sản ba miền cần thiết cho dịp Tết Nguyên Đán, từ bánh kẹo, giò chả đến các loại mứt tết nhà làm… Đặc biệt nhất là Bánh Tét Truyền Thống ở đây được khách rất ưa chuộng và tin cậy bao năm qua. Bánh làm theo tiêu chí ngon – sạch – bổ – dưỡng, gói chính gốc từ các lò truyền thống lâu đời nhất Trà vinh hay lò dòng họ Huỳnh danh tiếng Cần Thơ. Bánh ở đây có đủ nhân mặn, ngọt với phần nếp dẻo thơm, màu sắc đẹp mắt từ rau củ, phần nhân ướp đậm đà hợp với khẩu vị người Việt. Những ngày cận Tết khách tới tiệm rất đông, đây là một địa chỉ uy tín tại Saigon để sắm đồ ăn Tết nói chung và mua bánh tét nói riêng. 

Có 4 loại bánh tét để khách tới lựa tùy sở thích:

  • Bánh tét Trà Cuôn truyền thống: 90.000 đồng/đòn 800 gram
  • Bánh tét Trà Cuôn ngũ sắc: 110.000 đồng/đòn 800 gram
  • Bánh tét lá cẩm Cần Thơ: 110.000 đồng/đòn 800 gram
  • Bánh tét chuối: 80.000 đồng/đòn 800 gram

Địa chỉ: 167 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1.

Điện thoại: 0938348988 – 0901204804

FB: Mẹ Quê

Website: meque.vn

Mở cửa: 8h30 – 22h.

Bánh tét trà cuôn ngũ sắc Trà Vinh đặc sắc với 3 màu nếp tự nhiên từ lá ngót, quả gấc, lá cẩm đẹp mắt.
  1. Bánh Tét Miền Tây 

Tại cửa hàng có bán những loại bánh tét miền Tây chính gốc, thơm ngon với đủ các loại nhân như bánh tét nhân thịt, bánh đậu nhân mỡ, bánh tét nhân đậu chay, nhân hột vịt muối lá cẩm, nhân chuối,…với kinh nghiệm làm bánh tét lâu đời và nguyên vật liệu được chọn lọc, nếp dẻo nhập từ miền Tây sông nước. Khách tới đây mua bánh tét có thể yên tâm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Một đòn bánh tét ở của hàng được gói với khối lượng 600g chắc tay, cẩn thận, khách có thể mua về để thưởng thức hằng ngày hay chưng mâm vào các dịp lễ, Tết.

Các loại bánh Tét cửa hàng có:

  • Bánh tét nhân đậu chay ngọt miền Tây: 40.000 đồng/600 gram
  • Bánh tét nhân đậu chay mặn miền Tây: 40.000 đồng/600 gram
  • Bánh tét nhân chuối miền Tây: 30.000 đồng/600 gram
  • Bánh tét nhân đậu mỡ miền Tây: 40.000 đồng/600 gram

Địa chỉ: 103 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phú, quận 7

Điện thoại: 0934 08 6660 – 067 299 4100

Bánh tét nhân chuối thơm ngon

3. Bánh Tét Cần Thơ 

Cửa hàng bánh tét lá cẩm Cần Thơ được rất nhiều khách hàng biết đến và ghé mua. Bánh ở đây chỉ chuyên dùng loại nếp thơm ngon để gói. Bên trong có đầy đủ các loại nhân như bánh tét lá cẩm nhân đậu xanh, thịt, bánh tét lá cẩm nhân chuối, bánh tét đậu đen, bánh tét lá dứa thập cẩm,… Nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của người thợ nên đòn bánh được gói rất đẹp và chắc tay, kích thích vị giác. 

Các loại bánh tét được bày bán:

  • Bánh tét lá cẩm tôm khô: 100.000 đồng/đòn/800 gram
  • Bánh tét lá cẩm hột vịt muối: 80.000 đồng/đòn/600 gram
  • Bánh tét lá cẩm nhân chuối: 60.000 đồng/đòn/600 gram
  • Bánh tét lá cẩm nhân đậu mỡ: 60.000 đồng/đòn/600 gram
  • Bánh tét lá cẩm nhân đậu chay: 60.000 đồng/đòn/600 gram
  • Bánh tét lá cẩm nhân thịt: 25.000 đồng/đòn/150 gram

Cửa Hàng: 176H Nguyễn Thị Minh Khai, Ninh Kiều, Cần Thơ

Điện thoại: 0932911956 – 0932911957

Bánh tét nhân thịt thơm ngon

4. Shop bánh tét Ngon

Shop nằm ngay trên đường Cách Mạng Tháng Tám, gần công viên Lê Thị Riêng. Ở đây có bán rất nhiều loại bánh chứ không riêng gì bánh tét. Khi đến đây, khách được tha hồ lựa chọn những loại bánh khác nhau như: bánh tét lá cẩm, bánh bà lai, bánh bò thốt nốt, rất đa dạng và hấp dẫn, ngon miệng.

Các loại bánh và giá tham khảo

  • Bánh tét lá cẩm: 130.000 đồng/đòn
  • Bánh tét lá dứa: 130.000 đồng/đòn
  • Bánh tét chuối nếp cẩm: 120.000 đồng /đòn.

Địa chỉ: 493/7 Cách Mạng Tháng 8, Tp. HCM.

Mở cửa: 10:00 – 20:00

Bánh tét lá dứa

5. Bánh chưng Ngọc Bích

Cửa hàng Bánh chưng Ngọc Bích cũng có bán đủ loại bánh tét chuẩn vị miền Tây cho khách với đủ nhân mặn, ngọt thơm ngon. Hiện nay của hàng đã nhận đặt bánh tét lá cẩm Cần Thơ và bánh tét Trà Vinh để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Khách có thể tới chọn mua bánh với mức giá dao động từ 80,000 đồng tới 110.000 đồng. Nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của người thợ nên đòn bánh được gói rất đẹp và chắc tay, kích thích vị giác. Ở cửa hàng còn có thêm bánh chưng, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô như chà bông, khô gà, khô bò, muối ớt Tây Ninh, sate tỏi… rất đa dạng.

Các loại bánh Tét hiện có:

  • Bánh tét chuối: 80.000 đồng/ 700 gram
  • Bánh tét đậu chay: 80.000 đồng/ gram
  • Bánh tét ba rọi vịt muối (nếp ngót): 120.000 đồng/ 950 gram
  • Bánh tét ba rọi vịt muối (nếp cẩm/gấc/ngũ sắc): 130.000 đồng/ 950 gram
  • Bánh tét đậu đen nếp không: 110.000 đồng/ 1200 gram
  • Bánh tét đậu ngọt: 110.000 đồng/ 1200 gram
  • Bánh tét đậu mỡ: 110.000 đồng/ gram
  • Bánh tét chuối: 110.000 đồng/ 1200 gram
  • Bánh tét đậu chay: 110.000 đồng/ 1200 gram

Địa chỉ: 49/60 Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận Bình Thạnh

Mở cửa:  08:00 – 22:00

Bánh tét nhân trứng muối

Mỹ Huyền

Chợ lá dong Ngã ba Ông Tạ


Như tên gọi, chợ nằm ở ngay ngã ba ông Tạ, tức là chợ chồm hổm, chợ trời.
Đây là chợ bán Lá Dong lớn nhất Sài Gòn và chỉ tồn tại từ khoảng giữa tháng Chạp cho tới thật gần ngày Tết. Vào những ngày này, một đoạn đường Cách mạng tháng Tám chỗ giao cắt với Phạm Văn Hai lại được khoác lên một màu xanh mướt mắt của lá dong, xen kẽ với những bó lạc trắng nõn nà. Người ta phải thích thú với điều này, vì trải qua mấy chục lần họp chợ, nghĩa là mấy chục năm qua, chợ đã trở thành một dấu hiệu dễ hiểu nhất của Tết. Sâu xa hơn nữa, chợ còn là bằng chứng cho sự tồn tại của tục gói bánh chưng, bánh tét ở Sài Gòn, ở đây nhấn mạnh chữ “gói”, nghĩa là tự làm lấy, chớ không phải đi mua.

Không thể chấp nhận được nếu Tết Việt Nam mà không có bánh chưng, bánh Tét. Bánh chưng được cho là món quà của Lang Liêu tặng cho dân tộc, không biết ở thời Vua Hùng nó được gói bằng gì, nhưng trong những thứ lịch sử ta nhìn thấy được, thì nó được gói bằng lá dong. Vô miền Trung, miền Nam, bánh chưng có bạn đồng hành là bánh Tét, và thường gói bằng lá chuối, có lẽ vì dễ tìm hơn. Nhưng lá chuối, muôn đời chỉ là phương án hai, dùng tạm khi không có lá dong. Người miền Nam tính khí dễ dãi, có lẽ đã chấp nhận dùng tạm trong một thời gian rất dài, mãi cho tới khi người miền Bắc vô Nam trong thập niên 1950, tập trung ở khu vực chợ ông Tạ.

Người Bắc kỹ tính, thịt chó phải ăn với củ riềng, thuốc lào phải hãm bằng trà Thái Nguyên, thì bánh chưng phải gói bằng lá dong. Theo truyền miệng, và có lẽ là đúng, thì chợ lá dong ông Tạ xuất hiện ở Sài Gòn cùng lúc với sự định cư của những người gốc Bắc.

May mắn cho người gốc Bắc và cho cả bánh chưng, vì lá dong trồng tốt ở Nam bộ. Lá dong bán ở chợ ông Tạ không phải là thứ lá dong tha phương, mà được hái ngay tại Sài Gòn, đó là lá dong Bà Điểm, nhích ra một chút thì có lá dong Phương Lâm, lá dong Long Khánh, lá dong Gia Kiệm ở tỉnh bạn Đồng Nai. Chỉ nhích ra một chút, vậy mà đã có sự phân chia giai cấp rõ ràng: lá dong Bà Điểm được ưa chuộng hơn, vì lá mềm, giữ màu xanh tốt sau khi luộc chín, các loại lá ở Đồng Nai cứng, đậm màu, sau khi luộc không được tươi tắn, nên người ta không mê bằng. Giá cả của từng loại cũng được định đoạt theo tiêu chí đó. Lá dong Bà Điểm vốn cao giá nhất, mỗi năm giá lại càng lên cao, phần là bởi miền đất Mười tám thôn Vườn Trầu đang đô thị hóa rất nhanh, đất trồng lá, dù là lá trầu hay lá dong, cũng dần dần khan hiếm.

Giá cao thì mặc giá cao, có người làm bộ nhăn mặt trả giá, nhưng trong lòng luôn sẵn sàng đầu hàng người bán, vì mỗi năm chỉ có một lần và mỗi đời chỉ có vài chục lần thôi. Có khi chưa tới vài chục lần, vì biết đâu mai đây thôi, phố phường nhiều chiều vắng quê hương, đất trồng lá đi vào sách đỏ.

Chợ lá dong ông Tạ, vì nhu cầu, vì tình cảm, vì ý thức của người mua, nên nó luôn hút hàng. Chợ họp từ giữa tháng Chạp, ban đầu lác đác vài người ngắm nghía, hỏi han, rồi mỗi ngày mỗi đông khách, cho tới sau ngày tiễn ông Táo, thì người mua đã nhiều hơn người ngó, tới những ngày cuối cùng, chỉ còn lá xấu, lá nhỏ, lá bị chê, được bán với giá thanh lý, thì lại xuất hiện lứa khách hàng khác, những người dễ tính hoặc tiết kiệm. Nói chung là chợ luôn luôn nhộn nhịp, luôn luôn Tết.

Lá dong được bán theo bó, mỗi bó được tính theo số lượng lá. Mỗi sạp lưu động như vậy, phải có tới vài ngàn lá. Bán kèm với lá dong là lạc, thường được chẻ sẵn thành cọng, bó thành từng bó. Tuy hình bóng của bó lạc nhỏ nhoi, không được nêu trong tên chợ, nhưng xét cho kỹ thì lạc cũng là một thành phần tối quan trọng. Không cần nói nhiều về ưu điểm của việc gói bánh bằng lạc, chỉ cần nghĩ tới một cái bánh chưng, dù gói bằng lá dong hảo hạng vài trăm ngàn một bó đi nữa, mà được buộc bằng dây nilon, ta đã cảm thấy có gì đó thất lễ.

Và như thế, chợ sống vui từng ngày, từng tháng, từng thế kỷ…

Chợ lá dong ông Tạ, chợ lá dong ông Tạ, chợ lá dong ông Tạ, người Sài Gòn sẽ nhắc nhau nhớ mãi cái tên hơi bị khúc khuỷu này. Cũng như nhắc nhau về cội nguồn dân tộc, về bản sắc dân tộc, về tinh hoa dân tộc, những thứ dễ dàng lẩn trốn trước vẻ hào nhoáng của các vấn đề trong thời công nghiệp, thời hội nhập. Nhắc để làm, để giữ, nhưng cũng để một khi không giữ được, không làm được, thì cũng còn một chút gì để nhớ, để thương.

Nhưng khoan hãy lan man chóng mặt, ta hãy ghé chợ trời lá dong ở ngã ba ông Tạ một lần, vào một dịp xuân thì, để mua, để thấy, để sờ, để cảm nhận, sướng trước đã tính sau.

 Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Bánh chưng, bánh dày vào top món ăn lễ hội thế giới


(TNO) Tạp chí du lịch nổi tiếng National Geographic (Mỹ) vừa công bố danh sách 10 món ăn truyền thống lễ hội đặc trưng trên thế giới, trong đó có bánh chưng và bánh dày của Việt Nam.

Bánh chưng Việt Nam được xếp vào danh sách 10 món ăn truyền thống đặc trưng trên thế giới, do tạp chí uy tín National Geographic bình chọn – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

National Geographic nhận định Tết là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt Nam, đánh dấu một năm mới với mùa Xuân và những kỳ vọng mới.

Đây là dịp để người Việt đoàn tụ với gia đình và cùng quây quần bên mâm cỗ mà không bao giờ có thể thiếu món ăn truyền thống là bánh chưng, với nhân thịt và đỗ xanh, xung quanh là gạo nếp, tạp chí Mỹ bình luận.

Tất cả được gói trong những chiếc lá dong, tạo nên chiếc bánh hình vuông, tượng trưng cho đất, cũng như bánh dày được làm từ nếp trắng giã mịn, hình tròn, tượng trưng cho trời, theoNational Geographic.

Trong danh sách 10 món ăn truyền thống của National Geographic còn có món “Bánh mì của người chết” của Mexico, một loại bánh cho “Ngày của người chết”, món Hákarl dùng trong lễ hội mùa đông của Iceland, món bánh trung thu cho ngày Tết Trung thu của Trung Quốc.

Ngoài ra còn có bánh Hamantaschen dành cho lễ hội Purim của người Do Thái, bánh Vua trong ngày hội Mardi Gras của Mỹ, bánh Besan Burfi có trong lễ hội ánh sáng Diwali ở Ấn Độ, bánh Kahk cho ngày hội Eid al-Fitr của Ai Cập, món Haggis dùng để thưởng thức trong lễ hội Burn của Scotland và món “Bánh cho ngày Cách mạng tháng 5” của Argentina.

Hoàng Uy (thanhnien.com.vn)