Cách làm món GÀ KHÔNG LỐI THOÁT

Gà không lối thoát hay còn gọi là gà bọc xôi, gà bó xôi chiên giòn.Món ăn kết hợp một cách “chặt chẽ” xôi nếp và gà, tuy lạ nhưng rất hấp dẫn và ngon miệng.

Nguyên liệu cho món Gà không lối thoát:

  • – 1 chú gà ta
  • – Gạo nếp nương: 1 ký
  • – 1 bó hành lá, 4 củ hành tím, 1 củ gừng
  • – 1 lon nước cốt dừa. Xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA
  • – Hạt nêm gà, gia vị các thứ .

Cách làm món Gà không lối thoát:

– Gà làm sạch, ngâm nước muối loãng 10 phút rồi rửa lại lần nữa cho kĩ, sạch.
– Bắc chảo cho chút dầu, cho gừng vào phi thơm rồi vớt gừng ra, cho tiếp hành lá thái nhỏ vào phi nhanh. Tắt bếp.
– Nếp đem ngâm nước lạnh ngập mặ, cho thêm lon nước cốt dừa, chút muối, khi nếp ngậm đủ nước thì chắt nước, vớt nếp ra ngoài rổ để ráo.
– Nếp ráo thì đem trộn với gừng phi, bột nêm gà, chút muối.
– Gà ráo rồi thì ướp với 1/2 muỗng cafe tiêu, 1 muỗng cafe bột nêm gà, 1 muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe muối.

– Bắc nồi hấp cách thủy lên bếp, đun cho nước sôi rồi rải nếp dưới đáy nồi, sau đó cho gà lên trên hấp trong 15 phút cho gà chín tới, sau đó gắp gà ra để ráo. Chờ cho nếp chín.

 

– Trải lên mặt phẳng lớp màng thực phẩm hoặc nylon, giấy bạc, sau đó trải xôi đã chín lên, bề dày khoảng 1,5 phân, dàn cho đều, ép cho chặt.

– Quết hành lá đã phi lúc đầu lên mặt xôi. Sau đó đặt gà vào giữa mặt xôi rồi bọc kín gà bằng xôi theo cách của bạn. Nhớ bọc cho kín, chặt.

– Tháo bỏ màng bọc. Chờ cho xôi nguội.

– Cho gà bó xôi vào nướng ở nhiệt độ 2000độ C, nướng trong vòng 10 phút, nhớ trở đều các mặt.

– Bắc chảo cho dầu vào vừa đủ ngập gà (hoặc ngập phân nửa), rán nhanh tay cho gà vàng đều các mặt.

– Vậy là đã xong món “Gà không lối thoát” hay còn gọi là Gà bó xôi. Khi ăn bổ phần vỏ xôi ra rồi lấy miếng xôi ăn kèm miếng gà bên trong.

 

Bảo Tọa

10 MÓN NGON CHỮA BỆNH TỪ CÁ ĐIÊU HỒNG

Cá điêu hồng (còn gọi là cá diêu hồng, cá rô phi đỏ) là loại cá khoái khẩu của nhiều người bởi vị ngọt, thịt dày không lẫn xương. Theo Đông Y, cá này lành tính, nhiều dinh dưỡng, khoáng chất, và đặc biệt có nhiều tác dụng trị bệnh.

Cá điêu hồng có thịt trắng, giàu dinh dưỡng và protein như vitamin A, B, D, cùng các khoáng chất như iot, phốt pho. So với thịt, cá ít chất béo, dễ tiêu hóa hơn. Theo Y học cổ truyền, thịt cá Điêu hồng có vị ngọt ngon, tính bình, không độc, có tác dụng lợi ngũ tạng, bổ khí huyết, ích tỳ vị…Cá thích hợp để bồi dưỡng cho người bị hư hao, suy nhược, trẻ em còi cọc chậm phát triển thể chất…

Sau đây là những món ăn bài thuốc trị bệnh từ cá điêu hồng:

Cá diêu hồng nấu cháo: cá diêu hồng, gạo mới, hành hoa, tía tô, gừng tươi, mắm muối gia vị vừa đủ nấu cháo. Bằng cách thịt cá chao mỡ hành chín thơm, cháo chín nhừ múc ra tô cho cá và rau gia vị ăn nóng. Công dụng: bổ chính khử tà, giải biểu. Chữa ngoại cảm phong hàn.

Cá diêu hồng nấu ngót: cá diêu hồng, cà chua, hành tây, cần tây, ớt, gừng, hành ngò mắm muối gia vị vừa đủ nấu ăn. Công dụng: bổ tâm tỳ ích khí bổ huyết. Chữa ăn ngủ kém, tim hay bị hồi hộp.

Cá diêu hồng kho nấm mèo: cá diêu hồng, mộc nhĩ, nấm hương, gừng, dầu ăn, hành tím, đường, tiêu, gia vị vừa đủ kho ăn. Công dụng: bổ tâm tỳ, dưỡng khí huyết. Chữa chóng mặt do khí huyết hư.

Canh cá diêu hồng nấu hoa thiên lý: cá diêu hồng, hoa lý, gừng, hành ngò, mắm muối gia vị vừa đủ nấu ăn nhiều lần. Công dụng: bổ tâm tỳ, an thần… Chữa mất ngủ thể tâm tỳ hư.

Cá điêu hồng nấu canh rau má: cá điêu hồng, rau má, mắm muối gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ huyết thanh thấp nhiệt. Chữa viêm gan, vàng da, thấp nhiệt.

Cá điêu hồng nấu rau răm: cá diêu hồng, cà chua, rau răm, thì là, gia vị vừa đủ nấu ăn. Công dụng: bổ tỳ bình can, điều hòa tỳ vị. Dùng cho người đau dạ dày, hông sườn, ăn kém.

Cá diêu hồng om dưa: cá diêu hồng, dưa chua, cà chua, hành tây, hành gừng, mắm muối gia vị vừa đủ om nhừ ăn. Công dụng: kiện tỳ, dưỡng huyết, thanh thấp. Tốt cho người viêm đại tràng, táo bón.

Cá điêu hồng chưng tương: cá diêu hồng, nấm mèo, hành tây, đậu phụ, cần tây, hành lá, cà chua, bún tàu, tương hột, gia vị vừa đủ nấu chưng ăn. Công dụng: bổ huyết, kiện tỳ thận. Chữa huyết hư (thiếu máu).

Cá diêu hồng nấu rau nhút: cá diêu hồng, rau nhút, khoai sọ gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ khí huyết, khu phong trừ thấp. Chữa đau khớp, phong thấp.

Cá diêu hồng hấp cuốn bánh tráng rau thơm: cá diêu hồng, hành, rau mùi, húng quế, ngò tàu, kinh giới, tía tô, mắm, chanh, bánh tráng. Cá diêu hồng hấp lấy thịt quấn rau ăn. Công dụng: bổ khí huyết, khử hàn trừ thấp. Chữa tay chân tê mỏi.

Theo Lương y Minh Phúc

KHOAI LANG TÍM CÓ THỂ KHIẾN CÁC TẾ BÀO UNG THƯ ‘TỰ HỦY DIỆT’

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Hoa Kỳ đã phát hiện ra khả năng tiêu diệt và ngăn chặn sự lan truyền của ung thư, từ những hợp chất trong củ khoai lang tím.

Qua đó, kết luận loại khoai này có tác dụng tốt trong việc phòng chống ung thư ở cấp độ 1 và 2.

Khoai lang tím ít phổ biến hơn các loại khoai vàng, trắng. Khoai tím có phần ruột màu tím từ nhạt đến đậm. Đây là loại khoai chứa nhiều protein, đồng thời có tới 18 loại acid amin tốt cho hệ tiêu hóa, 8 loại vitamin cần thiết cho cơ thể và các khoáng chất như sắt, phốt pho… Từ trước tới nay khoai lang tím được coi như loại thực phẩm tốt giúp cơ thể chống lại sự mỏi mệt, tốt cho máu, cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp giảm cân, ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến tim mạch, dạ dày và đường ruột.

Gần đây, các nhà nghiên cứu tại viện Ung thư Hershey Penn State, Hoa Kỳ, đã phát hiện ra khả năng tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn sự lan truyền nó. Theo khoa học gia Jairam KP Vanamala (thuộc nhóm nghiên cứu trên): “Mỗi khi vi khuẩn hấp thu các chất tinh bột từ củ khoai tím, chúng có khả năng tự biến đổi thành một loại acid béo có lợi như acid butyric – loại acid làm điều tiết khả năng miễn dịch của đường ruột, ức chế triệu chứng viêm mãn tính, và làm cho các tế bào ung thư tự hủy diệt”.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đưa những chiết xuất từ củ khoai lang tím nướng chín vào các tế bào ung thư, và họ nhận ra các tế bào này bị ức chế phát triển. Thử nghiệm trên chuột bị ung thư, họ thu được kết quả rất khả quan.

Các nhà khoa học đã khẳng định rằng khoai tím rất có ích trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư ở cấp độ 1 và 2, trong khi không gây ra tác dụng phụ, nó còn tốt về mọi mặt cho cơ thể. Nhóm khuyến cáo mỗi người nên ăn một củ khoai tím cỡ vừa trong những bữa trưa hoặc ăn đêm. Hoặc tốt hơn, một củ khoai lang tím to hàng ngày để khỏe mạnh và chống ung thư.

Tiêu Ký (Theo phys.org)

NGUYÊN NHÂN KHIẾN TỬU LƯỢNG CỦA BẠN KÉM ĐI

Có những người uống tì tì mãi mà không có dấu hiệu say, trong khi một số người lại cảm thấy muốn nằm vật ra chỉ sau vài ngụm bia rượu. Hãy cùng nhau xem những lời giải thích cho hiện tượng này.

 

Thiếu ngủ

Nếu không được ngủ đủ giấc trong một thời gian, tửu lượng của bạn sẽ giảm đi trông thấy. Thiếu ngủ kéo theo sự mệt mỏi, trì trệ của hệ thống thần kinh, khiến bạn lừ đừ, suy nghĩ và phản ứng chậm chạp hơn, trong khi say xỉn thì lại nhanh hơn.

Đổi múi giờ

Việc di chuyển từ múi giờ này sang múi giờ khác khiến cho đồng hồ sinh học và quá trình trao đổi chất bị biến đổi theo. Việc này khiến gan của bạn làm việc kém hiệu quả hơn, khiến bạn mau say dù uống ít. Hiện tượng này sẽ mất sau một vài ngày, khi bạn đã quen với múi giờ mới.

Cảm sốt

Các chứng bệnh bởi virus hay chứng cảm lạnh khiến cho cơ thể bạn mất nước, gây nên hiện tượng thiếu chất lỏng để hóa giải rượu. Điều này khiến cho nồng độ cồn tăng nhanh trong máu. Một số loại thuốc cảm có chức năng chống buồn ngủ, nếu dùng với rượu chúng có thể khiến bạn choáng, dễ say hơn.

Lười vận động

Tập thể dục nhiều, cơ thể bạn sẽ tăng trưởng cơ bắp và dự trữ nước tốt hơn. Ngược lại, lười vận động khiến cho cơ thể bạn thiếu nước, không pha loãng rượu hiệu quả.

Sút ký

Việc sút ký kéo theo giảm lượng nước trong cơ thể. Và kết quả là giống như khi bạn bị cảm, lười vận động: dễ say rượu hơn.

Quá tuổi 25

Ở độ tuổi 25, bạn bắt đầu thấy cơ thể mình bớt khỏe mạnh đi. Bạn có thể nhận thấy điều này khi uống bia rượu: nó dễ say hơn bình thường.

Bảo Tọa (theo Mensheath.com)

Cách làm CHẢ CÁ CHIÊN kiểu Thái

Chả cá kiểu Thái sẽ hấp dẫn gia đình bạn nhờ kết cấu dai và hương vị thơm ngon của chả cá hòa quyện với các gia vị như lá chanh, ngò rí, đậu…

Nguyên liệu:

  • –    6 lạng phi lê cá (cá rô phi hay cá thát lát, có thể mua xay sẵn)
  • – 4 lá chanh (chanh Thái càng tốt)
  • – 4 trái đậu đũa hoặc đậu đỗ (cove), chọn trái non
  • – 4 cọng ngò rí (mùi tàu), chỉ lấy phần cứng gần rễ, bỏ lá
  • – Bột năng, gia vị
  • – Đậu phộng rang giã sơ
  • –  Tương chua ngọt của Thái.

Cách làm:

Bước 1:

– Cá làm sạch, để ráo, ướp với 1mcf muối trong 15 phút.

Bước 2:

– Ngò rí rửa sạch, bỏ rễ, xắt nhỏ. Lá chanh thái vụn. Đậu tước bỏ xơ, băm nhuyễn.

Bước 3:

– Băm nhuyễn cá rồi xay thật mịn, trộn với lá chanh, ngò rí, đậu đũa + 2 muỗng canh bột năng + 2 muỗng canh dầu ăn + 1 muỗng canh nước măm + 2 mcf hạt nêm + tiêu, quết nhuyễn cho chả được dai.

– Dùng màng thực phẩm đậy lại, bỏ vào ngăn đá 30 phút.

Bước 4:

– Tay xoa chút dầu ăn, múc 1 muỗng hỗn hợp chả cá rồi cho vào tay nắn dẹt để tạo hình chả. Làm cho hết hỗn hợp.

Bước 5:

– Bắc nồi nhỏ cho dầu ăn vào rồi cho chả cá vào rán ngập dầu trên lửa vừa. Khi chả vàng ngoài thì bên trong cũng chín tới. Ta gắp ra dĩa có lót giấy.

– Cho chả cá ra dĩa, Rắc đậu phộng rang lên mặt, Ăn nóng với cơm, chấm tương chua ngọt của Thái.

Theo Cún Khang

KHÁM PHÁ ‘THIÊN ĐƯỜNG’ HẢI SẢN NGON RẺ Ở HÒN ĐẢO NGOẠI Ô SÀI GÒN

Dân Sài Gòn không cần phải đến Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang mới có thể thưởng thức hải sản. Ở tại một hòn đảo nằm ở ngoại ô Sài Gòn, thậm chí người ta còn tìm được rất nhiều món hải sản ngon, lạ với giá còn rẻ hơn các điểm du lịch trên.

Đảo Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ chính là nơi để bạn làm được điều đó. Sau đây là những món ăn ngon bạn có thể ăn xả láng trên đảo này với giá không thể bình dân hơn:

 

Ốc mỡ

Ốc mỡ trên đảo khá to và béo. Có duy nhất hàng bán hải sản đã luộc sẵn, bán ốc mỡ hấp sả với giá 40.000 đồng một kg. Nếu muốn thử nhiều món, bạn nên gọi đĩa nhỏ với giá chỉ 10.000 đồng mỗi loại. Còn nếu có nhu cầu chế biến các món ngon hơn như ốc mỡ xào sả ớt, ốc mỡ cháy tỏi… bạn hãy mua ốc tươi sống tại chợ trên đảo với giá 25.000 đồng một kg và nhờ chế biến ở nhà người dân.

Ốc cà na

Cũng như ốc mỡ, ốc cà na hấp sả có bán sẵn với giá 80.000 đồng một kg. Nếu muốn cầu kỳ hơn với món ốc cà na xào bơ hay rang phô mai, bạn nên chuẩn bị nguyên liệu mang theo từ đất liền, mua ốc tươi sống ở chợ và nhờ người dân chế biến. Ốc cà na hấp sẵn có giá 16.000 đồng một đĩa.

Nghêu hấp

Món nghêu trên đảo Thạnh An khá ngon, khi ăn cảm nhận được vị ngọt đậm. Nghêu hấp chấm nước mắm tỏi ớt là món ăn đơn giản nhưng không thể bỏ qua khi lên đảo. Giá nghêu sống là 15.000 – 20.000 đồng một kg.

Tôm tít

Nếu đi chợ sớm trên đảo, bạn sẽ mua được tôm tít rất to, một kg chỉ có 2 – 3 con. Sau 9h sáng, chợ tan dần, một số nhà dân có bán tôm tít loại vừa cho du khách, có dịch vụ hấp sả hoặc nấu lẩu hải sản luôn nếu muốn. Giá dao động 80.000 – 150.000 đồng một kg tôm tít tùy loại.

Hải sản nướng

Gần đây, một vài hộ dân trên đảo mở dịch vụ nướng hải sản phục vụ khách đến đảo rất đông, đặc biệt là dịp cuối tuần. Bạch tuộc, mực và tôm là những món hải sản nướng dễ thấy. Với 30.000 – 50.000 đồng một người là bạn có thể ăn hải sản nướng thoải mái trên đảo.

Chân gà nướng, xiên que

Món ăn vặt cũng rất phong phú và giá rẻ. Chân gà nướng và xiên que giá 3.000 đồng một chiếc. Ngoài ra còn có bánh tráng nướng, cá bò, cá chỉ vàng nướng, chuối nếp nướng… với mỗi thứ chỉ có giá 2.000 – 5.000 đồng.

Hủ tiếu, bánh canh

Trên đảo có một quán hủ tiếu trước đây chỉ bán ăn sáng phục vụ dân đảo, nay mở đến 4h chiều phục vụ khách đến thăm. Hủ tiếu có nước lèo ngọt đậm đà, thêm cả tôm bóc vỏ…. giá 15.000 đồng một tô.

Bánh mì nướng

Là vùng nuôi trồng và đánh bắt hải sản, đảo Thạnh An có rất nhiều tôm tươi, tôm khô… Người dân trên đảo đã sáng tạo ra món bánh mì nướng, nhân là tôm khô rang mỡ hành, chấm nước mắm chua cay. Đây là món ăn vặt bán từ trưa đến chiều, giá 3.000 –  5.000 đồng một đĩa.

Nước sâm

Nước sâm lạnh là thức uống thanh nhiệt, được nấu từ mía lau, rễ tranh, rong biển, râu ngô, nhãn nhục, lá dứa, đường phèn… Trên đảo có bà cụ bán nước sâm hơn 10 năm, 2.000 đồng một cốc, được “khuyến mãi” thêm những chỉ dẫn tận tình về việc đi lại, ăn uống trên đảo nếu bạn muốn hỏi thông tin.

Để đến Thạnh An, cách duy nhất là đi tàu từ bến Cần Thạnh (thị trấn của huyện Cần Giờ). Nếu đi xe buýt, bạn bắt xe số 20 – Bến Thành – phà Bình Khánh, sau đó bắt xe số 90 tới Cần Thạnh. Các chuyến tàu từ đây ra đảo lúc 6h30, 9h, 10h30, 12h, 14h, 17h. Các chuyến tàu về lại đất liền lúc 6h30, 7h30, 10h30, 12h, 14h, 17h. Giá vé 10.000 đồng một chiều. Tuy nhiên, giờ tàu có thể thay đổi tùy vào tình hình thời tiết, thủy triều…

Thạnh An chưa có dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ. Nếu bạn đi nhóm đông, hãy mua đồ tươi sống rồi ghé nhà dân nhờ chế biến đồng thời xin nghỉ trọ.

Theo depplus

ĐẬU ĐEN: ‘THẦN DƯỢC’ ĐỂ GIẢI ĐỘC CƠ THỂ

Đậu đen là loại hạt quen thuộc trong dân gian ta. Đậu đen thường dùng làm các món xôi, chè, kho cá… Từ lâu dân gian đã coi loại đậu này là thuốc bổ. Ngày nay, những nghiên cứu khoa học cũng cho thấy những công hiệu quý báu của đậu đen trong việc trừ khử độc tố ra khỏi cơ thể.

Theo Đông y, đậu đen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ thận thủy, hoạt huyết giải độc, khứ phong lợi thủy, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ chỉ hãn, dưỡng can, làm sáng mắt…

Y học hiện đại cũng cho rằng đậu đen có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều vitamin A, B, C, PP, protid, glucid, lipid, muối khoáng. Hàm lượng axít amin cần thiết cho cơ thể trong đậu đen rất cao như lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, alanin, valin, leucin…

Dưới đây là những công dụng quý giá của đậu đen mà có thể bạn chưa biết:

– Giải độc cơ thể:

Trong đậu đen có chứa một lượng khoáng chất vi lượng molypden – một thành phần của enzyme sulfile oxidate nên có tác dụng rất tốt trong việc khử độc sulfates (sunfit) cho cơ thể.

Sulfates (sunfit) là hóa chất có nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn không có lợi cho con người, làm tăng nhịp tim, gây đau đầu hoặc rối loạn chú ý. Một bát đậu đen có chứa tới 172% nhu cầu khoáng chất molypden cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.

Tuy nhiên, cách tốt nhất là bạn nên thường xuyên ăn đậu đen với một lượng vừa phải để có tác dụng thanh lọc cơ thể.

– Bổ sung chất xơ:

Trong đậu đen có chứa rất nhiều chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan có ích cho quá trình chuyển hóa glucose ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, giúp hấp thụ nước trong dạ dày và hình thành ra loại gel làm giảm quá trình chuyển hóa carbohydrate.

Đồng thời lượng chất xơ có trong đậu đen còn giúp làm giảm cholesterol, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh táo bón, rối loạn tiêu hóa và các chứng bệnh khó chịu có liên quan.

– Cung cấp chất chống oxy hóa:

Đậu đen rất giàu anthocyanins – một chất chống oxy hóa. Đậu càng đen càng giàu chất này, thậm chí còn cao gấp 10 lần có trong nho, quả mâm xôi, dâu tây – những siêu thực phẩm.

– Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch:

Đậu đen là cung cấp chất xơ, folate và magie giúp làm giảm hormocystein, một loại acid amino hay còn gọi là sản phẩm trung gian không có lợi cho quá trình chuyển hóa và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ.

– Giúp ổn định đường huyết:

Chất xơ hòa tan có trong đậu đen có tác dụng ổn định lượng đường trong máu. Trường hợp cơ thể kháng insulin mắc bệnh đái tháo đường thì nên tăng cường ăn đậu đen, nó sẽ giúp cơ thể tiêu thụ năng lượng một cách chậm hơn và ổn định lượng đường huyết.

– Giúp bổ sung chất sắt và măng-gan cho cơ thể:

Đậu đen có tác dụng rất tích cực trong việc làm tăng năng lượng và hồi phục hàm lượng sắt đồng thời cung cấp tới 38% vi lượng măng-gan/1 bát đậu đen cho cơ thể.

Chính vì thế, loại thực phẩm này rất hữu ích cho nhóm người bị mất máu bởi chấn thương, hoặc cho phụ nữ giai đoạn hành kinh cũng như cho nhóm người tuổi vị thành niên đang trong giai đoạn phát triển.

theo Trí Thức Trẻ

Cách làm THỊT BA RỌI XÀO BẮP

Thịt xào bắp là món ăn lạ miệng. Để làm món này bạn nên chọn bắp Mỹ (ngô ngọt), để cho hạt được chắc và ngọt.

Nguyên liệu:

  • – 1- 2 trái bắp Mỹ (bắp vàng, ngô ngọt)
  • – 2 lạng thịt ba rọi
  • – Hành củ, hành lá, gia vị

Cách làm:

Bước 1:

– Bắp tách lấy hạt.

Bước 2:

– Thịt rửa sạch, xắt lat vừa ăn, ướp với 1/2 muỗng cafe muối, ít tiêu trong 15 phút.

Bước 3:

– Bắc chảo cho dầu và hành củ xắt lát vào phi thơm, rồi cho thịt vào xào chín tới.

Bước 4:

– Rắc thêm ớt bột cho cay và có màu đẹp.

Bước 5:

– Sau đó cho tiếp bắp vào xào chung, khoảng 5-7 phút là bắp chín, nêm nếm lại vừa miệng. Tắt bếp, rắc hành lá vào. Ăn với cơm hoặc bánh phồng tôm.

Theo Cún Khang

SÀI GÒN: THỰC KHÁCH MÚC ĐƯỢC CHUỘT CHẾT TRONG NỒI LẨU

Thông tin một nhóm thực khách đi ăn lẩu cua phát hiện nguyên con chuột chết trong nồi đang gây xôn xao cộng đồng mạng.

Trên Facebook đang lan truyền rất nhanh những hình ảnh kèm theo trạng thái bức xúc của một người dùng Facebook tên T.L.H.T, khi cô gái này cho biết người thân của mình đã ăn phải món “lẩu chuột chết” trong một nhà hàng ở quận Phú Nhuận.

Kèm theo một bài kể khá chi tiết là những hình ảnh, trong đó có ảnh một con chuột nằm trong tô lẩu bún, khiến nhiều người rùng rợn.

Chuột trong nồi lẩu

Theo cô gái này, tối 20-11, gia đình cô dẫn họ hàng từ ngoài Bắc vào đi ăn một quán lẩu trên đường H.L, quận Phú Nhuận. Khi ăn gần hết nồi lẩu, “cạn nước, hết cua, hết rau”, mọi người mới tá hỏa khi phát hiện nguyên một con chuột chết nằm dưới đáy nồi.

Status của T.L.H.T.

Vụ việc đang rất nóng hổi trên Facebook. Bên cạnh những ý kiến chỉ trích nhà hàng bất cẩn trong khâu chế biến, thì cũng có nhiều ý kiến rằng họ cảm thấy nghi ngờ về con chuột. “Không hiểu sao họ lại có thể ăn hết nồi lẩu mới phát hiện ra con chuột”, “Con chuột nằm trong nồi lẩu tới cuối bữa ăn, mà vẫn còn nguyên vẹn thế kia thì thật lạ”…

Cô T.L.H.T cho biết, tuy rằng cô không phải người trực tiếp chứng kiến vụ việc, nhưng sau khi được nghe người thân kể lại và gửi hình ảnh, cô đã quyết định lên tiếng:

Mình viết bài này vì muốn đánh động xã hội hiện trạng vệ sinh thực phẩm. Nếu khách ăn im lặng thì những quán kiểu này vẫn tồn tại, và bao nhiêu người đã bị đầu độc. 1 tiệm đóng cửa thì những tiệm khác mới làm ăn đàng hoàng”.- Cô gái cho biết.

Nhà hàng nói gì?

Sau khi vụ việc gây sốt trong dư luận, đại diện nhà hàng đã đứng ra xác nhận vụ chuột trong nồi lẩu là có thật. Theo nhà hàng, có thể chuột rơi từ trần nhà vào nồi lẩu, chứ không do sơ suất của nhà hàng. Tuy nhiên, nhà hàng cũng đã nói lời xin lỗi và cam kết không để vụ việc lặp lại.

Bảo Nhân (tổng hợp)

Cách làm CÀ RI TÔM SÚ

Cà ri tôm sú kết hợp vị hăng nồng của cà ri với vị ngon của tôm và các loại rau củ kèm theo sẽ là món ăn hấp dẫn trong bữa cơm, bữa tiệc nhà bạn.

Nguyên liệu:

– 1 ký tôm sú

– Xương ống heo: 1kg

– 3 muỗng cà phê bột cà ri, 1 muỗng canh cà ri dầu

– 2 lạng đậu bắp, 3 lạng khoai môn, 1 trái cà tím, 1 củ hành tây, vài củ hành tím, vài trái ớt đỏ, tỏi.

– 1 chén Nước cốt dừa

Cách làm:

– Tôm luộc chín, bóc vỏ, để riêng.

– Xương ống chần qua nước sôi rồi rửa lại, bắc nồi nước khác (2 lít nước) cho xương vào hầm 1 giờ trong nồi áp suất để lấy nước xương.

– Tỏi, hành tây, hành tím bằm nhuyễn. Khoai môn xắt miếng vừa ăn, rán vàng.

– Cà tím cắt miếng to rồi cho vào nồi nước sôi trụng chung với đậu bắp trong 2 phút. Vớt ra xả lại nước lạnh.

– Bắc chảo cho dầu vào nấu sôi rồi cho bột cà ri vào đảo nhanh tay cho bột sẫm màu, tiếp tục cho tỏi, hành tây, hành tím (đã băm) vào đảo chung. Sau đó cho tôm sú luộc đã lột vỏ vào đảo cùng. Nêm 1 muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe muối, cho cà ri dầu vào đảo đều cho tôm ngấm gia vị, tắt bếp.

– Nước dùng đã ninh ban nãy đem hòa với 1 chén nước cốt dừa rồi nấu sôi. Sau đó trút chảo tôm cà ri đã xào ban nãy vào chung, nấu 10 phút rồi trút khoai môn, cà tím vào nấu chừng 2 phút nữa. Nêm nếm lại vừa miệng.

– Cho cà ri ra tô, xếp tôm, ớt đỏ, tiêu, ngò, đậu bắp vào ăn cùng bánh mì hoặc bún, cơm.

Bảo Thoa

Cách làm GÀ CUỘN NƯỚNG GIẤY BẠC

Bạn có thể tự làm gà nướng giấy bạc tại nhà mà không sợ thua kém ngoài hàng theo công thức sau đây:

Nguyên liệu

– Nửa kí thịt gà + 3 cây boa rô + rượu trắng, mật ong, xì dầu, tiêu.

 

Cách làm gà cuộn nướng giấy bạc:

Bước 1: Gà rửa sạch, róc thịt lọc bỏ tất cả xương xẩu ra rồi dùng tăm nhọn đâm thủng mặt da gà (để cho gà dễ thấm gia vị), để thịt thật ráo rồi ướp gà với 2 muỗng cafe xì dầu, 1/2 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe tiêu trong 20 phút..

Bước 2: Boa rô rửa sạch thái cây cỡ 5-6cm. Trải giấy bạc lên mặt phẳng, cho gà lên rồi cho cây boaro ở giữa, cuộn giấy bạc lại rồi quấn chặt 2 đầu.


Bước 3:  Pha 1 muỗng canh mật ong với 2 muỗng canh xì dầu, nêm nếm lại cho vừa miệng (để làm sốt nướng, bạn có thể mua loại sốt làm sẵn). Bật lò 200 độ C rồi cho gà vào nướng 20 phút, lấy ra, phết sốt ướp lên rồi lại cuộn lại cho gà vào nướng tiếp ở 180 độ.

Bước 4: Gà chín lấy ra ngoài, cắt thành khoanh. Rắc tiêu lên ăn nóng.

Bảo Tố

BÍ QUYẾT LUỘC GÀ CHÍN ĐỀU, SĂN CHẮC, MỀM NGỌT

Luộc gà là hình thức chế biến gà đơn giản như bao sự “luộc” khác, tuy nhiên để luộc gà được ngon mà không phải do may mắn, chúng ta cần đến rất nhiều kinh nghiệm. Sau đây là một số kinh nghiệm để có món gà săn, chắc, chín đều và mềm ngọt.

Để thịt gà được ngọt tự nhiên, chắc thịt, mà vẫn giữ được độ mềm, dai của gà, quan trọng là thịt gà phải chín tới và chín đều.

Luộc gà chín đều:

Gà tươi sau khi rửa sạch, cho vào nồi, ngập nước, thêm một dúm muối nhỏ. Đun sôi ở nhiệt độ bình thường (không quá to hoặc quá nhỏ lửa). Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa liu riu, đun thêm 15 phút là tắt bếp. Tiếp tục để nguyên gà trong nồi thêm 10 phút (nhớ đậy nắp) rồi bắc vào đĩa cho ráo. Lúc chặt ra, bạn đã có một đĩa gà ngon vừa chín tới.

Nếu luộc 10 phút, hãy để om gà trong nồi thêm 15 phút hoặc ngược lại, bạn sẽ không bao giờ lo gà luộc bị quá sống hoặc quá chín. Ảnh: sybaritica.

– Nếu là gà tơ hoặc gà cỡ nhỏ, bạn chỉ cần đun sôi 10 phút trên bếp, sau đó tắt và để nguyên gà trong nồi nước nóng thêm 15 phút. Bắc ra và chặt gà.

– Mẹo này cũng áp dụng tương tự với vịt, ngan.

– Nếu bạn chỉ luộc nửa con gà hoặc vịt, bạn hãy rút ngắn thời gian đun xuống còn 7 phút, và để om nguyên trong nồi thêm 10 phút.

– Trường hợp luộc con gà quá to, hoặc quá dầy mình, khi chặt ra bên trong còn hơi đỏ, hãy gắp các miếng thịt đỏ này vào đĩa rộng vành, bọc màng thực phẩm (chuyên dùng cho lò vi sóng), và cho vào lò vi sóng quay ở chế độ rã đông thêm vài phút. Thịt sẽ chín đều như bình thường.

– Nếu bạn đổ không ngập nước, thì trong quá trình luộc và om trên bếp, nhớ trở gà 1-2 lần.

Cho gừng vừa đủ sẽ làm gà ngọt, ngon hơn, nhưng đừng cho quá tay.

– Luộc 1 con tại gia đình: ấn tay xem gà già hay non, nồi luộc dày hay mỏng từ đó sẽ căn nhiệt độ luộc, vệ sinh thật sạch trong ngoài con gà, cho nước ngập gà, chút bột canh hoặc nước mắm, để tẩy mùi hôi và tăng vị ngọt, có thể cho thêm mẩu gừng đập dập (nướng sơ cũng tốt), không cho nhiều gừng sẽ làm hỏng nước luộc – đun gần sôi khoảng 90 độ thì vặn bếp để thật lăn tăn 5 phút gà non, 10 phút gà già (có thể đun sôi) sau đó tắt hẳn bếp ngâm 20-30 phút, nồi dày thì đun ở nhiệt độ thấp hơn nồi mỏng, sau khi ngâm thấy nước luộc thơm, trong là gà đã chín

– Luộc nhiều con: phân loại gà non, gà già và luộc riêng, cho vào nồi to luộc, chỉ luộc một lớp, điều chỉnh nhiệt như cách luộc 1 con nhưng để nhiệt độ thấp hơn – do nồi lớn nhiệt lượng lớn nếu để bằng nhiệt ở cách luộc 1 thì gà sẽ bị chín quá.

Chú ý: trong thời gian vặn lửa luộc ko được làm việc khác, phải hết sức tập trung chỉ sao nhãng một phút có thể hỏng, không bao giờ để nước luộc sôi to, trong trường hợp sôi to thì cho thêm nước lạnh để giảm nhiệt, nước sôi to sẽ làm bay chất dinh dưỡng của gà ăn không còn ngon

Bí quyết cho da gà vàng mọng

Để gà luộc da vàng trông mọng, màu da vàng tươi tắn, sau khi vớt ra, nên nhúng ngay vào nồi nước sôi để nguội, nên nhớ nước lạnh càng tốt. Đến lúc gà nguội hẳn các bạn mới lấy ra đĩa. Nếu không làm như vậy, da gà sẽ bị khô và xỉn màu không đẹp. Sau đó, để thịt ráo nước một chút, dùng dùng 1 củ nghệ gọt vỏ rồi giã nhỏ vắt lấy nước trộn với phần mỡ gà đã chiên lên ra mỡ quét một lớp lên da gà, chúng ta sẽ có món gà luộc màu vàng bóng và căng mượt.

 

Xem thêm: MẸO LUỘC GÀ NGON BẰNG NỒI CƠM ĐIỆN

5 TRƯỜNG HỢP BỆNH CẦN KIÊNG TỎI

Tỏi là loại gia vị, đồng thời là loại dược liệu quý cho con người với khả năng phòng chống nhiều bệnh tật. Tuy vậy, không phải ai cũng thích hợp với loại nguyên liệu đặc biệt này.

Cho dù bạn không mắc bệnh đi nữa, thì ăn quá nhiều tỏi cũng không tốt. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, mỗi ngày bạn chỉ nên ăn nhiều nhất 10g tỏi. 

Sau đây là những loại bệnh mà khi mắc phải, bạn cần hạn chế / tránh xa tỏi:

Tiêu chảy

Lúc bạn bị tiêu chảy, hệ tiêu hóa đang bị tổn thương do vi khuẩn xâm nhập. Lúc này ăn tỏi sẽ gây kích ứng, càng dễ làm niêm mạc ruột tổn thương, xung huyết, nghẽn tắc những chất cần được tiêu hóa. Điều này làm bệnh càng trầm trọng hơn.


Bệnh về mắt

Tỏi có thể làm tổn thương mắt người bình thường nếu ăn quá nhiều trong thời gian dài. Còn với người bị thị lực sút kém, hoa mắt, mắc các bệnh về mắt thì nên kiêng tỏi.

Viêm gan

Một số thành phần của tỏi khi vào dạ dày gây kích thích mạnh, ức chế tiết dịch vị ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn. Nếu người ăn có bệnh gan thì điều này sẽ gây triệu chứng buồn nôn.

Hơn nữa, các thành phần dễ bay hơi của tỏi làm giảm hemoglobin có thể dẫn đến thiếu máu, không có lợi cho việc điều trị bệnh gan.

Bệnh thận

Người mắc các bệnh về thận và đang uống thuốc điều trị cần kiêng tỏi vì tỏi làm mất hiệu quả của thuốc, hoặc làm xuất hiện tác dụng phụ của thuốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sức đề kháng yếu:

Ăn tỏi nhiều sẽ tiêu hao khí của con người, đồng thời cũng tiêu hao cả máu. Hơn nữa tỏi hăng, nóng, có độc, sinh đờm động nhiệt, tản khí hao máu. Vì vậy, người có thể chất kém, khí huyết yếu cần chú ý hạn chế ăn tỏi.

Theo Trí Thức Trẻ

ĐẾN HƯNG YÊN KHÁM PHÁ TỪ MÓN DÂN DÃ TỚI MÓN TIẾN VUA

Đất Hưng Yên, xưa gọi Phố Hiến, là vùng đất có nền văn hóa lịch sử lâu đời. Đến với Hưng Yên là để thả mình vào khung cảnh làng quê mộc mạc, phố phường cổ kính, đến với dấu vết của những truyền thuyết Tiên Dung, Chử Đồng Tử hay những di tích lịch sử quan trọng. Đến Hưng Yên, du khách còn được thưởng thức những món ăn cổ truyền rất độc đáo, trong đó có những món được liệt vào hàng “thượng phẩm” dâng Vua, có những món lại rất dân dã mà đậm đà tình quê.

Sau đây là những món đặc sản du khách có thể tìm ăn khi ghé thăm Hưng Yên:

 

Từ xa xưa tương Bần Hưng Yên là thứ sản vật ngon dùng để tiến vua. Ngày nay, tương Bần vẫn nổi tiếng khắp nơi và trở thành một loại nước chấm đặc sản khiến nhiều người “mê mẩn”. Chỉ cần gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối là đã có thể làm tương. Ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và phơi tương (ủ tương). Tương Bần Hưng Yên có hương vị khó diễn giải. Cái vị ấy ẩn dưới độ sánh rất đậm đà, chìm trong vị ngọt ngon đặc trưng.
Cùng với tương Bần, nhãn lồng trở thành niềm kiêu hãnh của mảnh đất Hưng Yên. Mùa tháng 7, tháng 8 đang là mùa nhãn lồng Hưng Yên chín rộ. Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước, bóc một lớp vỏ mỏng láng để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà, bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai.

Nhắc đến đặc sản Phố Hiến, phải nói đến bún thang lươn. Bát bún như một thang thuốc quý bồi bổ cho sức khỏe và như bức tranh nghệ thuật sống động với đủ màu sắc của bún, lươn, trứng, giò, hành, răm… Người thưởng thức ẩm thực sành điệu sẽ tấm tắc khi cảm nhận vị ngọt đậm đà của nước dùng.
Nhắc đến đặc sản Hưng Yên, người ta sẽ nghĩ ngay đến món giò nổi tiếng – giò bì phố Xuôi. Giò bì có độ giòn và dai đặc trưng nên rất thích hợp để nhâm nhi trên bàn tiệc.
Chè sen long nhãn là sự kết hợp tinh túy giữa hương vị trời và đất, vị ngọt thơm của long nhãn quyện lẫn vị bùi của hạt sen, tạo thành hương vị riêng biệt.
Sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến một món ăn đậm đà hương quê – chả gà Tiểu Quan. Gắp miếng chả gà giòn thơm, nhấp thêm chút rượu cay thực khách sẽ không quên món ăn dân dã này.
Là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo còn được gọi là gà chân voi đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch. Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Gà Đông Tảo có thể được nấu thành nhiều món, nhưng độc đáo nhất là món “vảy rồng hầm thuốc bắc” làm từ đôi chân to quá khổ của chúng.
Không nổi tiếng bằng bánh cuốn Thanh Trì, không ồn ào như bánh cuốn trứng Cao Bằng, bánh cuốn Phú Thị lặng lẽ hơn nhưng đã nếm thử thì không thể quên. Lớp vỏ bánh không bóng bằng nơi khác vì nó không được bôi một lớp mỡ mỏng. Lớp nhân cuộn bên trong lá bánh cũng đặc biệt với thịt lợn nạc băm nhỏ xào với hành khô. Bát nước chấm thêm một chút nhân thịt băm trở nên đậm đà và đẹp mắt hơn. Ăn một lần sẽ nhớ mãi miếng bánh mềm mịn cùng với vị bùi thơm.
Từ bao đời nay, bánh dày làng Gàu đã được xếp ngang với tương Bần. Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, gạo vo kỹ, ngâm với nước sạch và đồ chín. Nhân bánh là đỗ xanh đãi sạch vỏ, thổi chín, giã nhuyễn, nắm thành từng nắm nhỏ. Nếu làm bánh mặn thì dùng nhân thịt nạc, làm bánh ngọt, trộn đỗ xanh với đường cát.
Người Hưng Yên rất tự hào với đặc sản cá mòi. Dù đi làm xa hay khách ẩm thực ở các tỉnh, thành lân cận cứ tháng Hai, tháng Ba âm lịch hàng năm lại tìm về Hưng Yên để được thưởng thức món đặc sản hấp dẫn này.

“Đi thì nhớ vợ cùng con/ Về nhà lại nhớ ếch om Phượng Tường”. Những chú “gà đồng” này có thể dùng để chế biến thành hai món là ếch om và ếch mọc. Nhưng món ếch om mới ngon và làm được nên thương hiệu ở Hưng Yên.

 

theo LINH AN (doisongphapluat)

Cách làm BÁNH MOUSSE DÂU TÂY

Món bánh mousse dâu tây xinh xắn hấp dẫn có thể được tạo ra mà không cần lò nướng. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm một chiếc bánh ngon để ăn hoặc tặng người thân.

Nguyên liệu:

  • – Ổ bánh bông lan cỡ 15cm (mua ngoài tiệm làm bánh)
  • – Dâu tây: 3 lạng
  • – Sữa tươi: 1 muỗng súp
  • – Kem sữa tươi: 200ml
  • – Gelatin bột: 7g (hoặc 3 cái gelatin dạng lá)
  • – Đường trắng: 70g (điều chỉnh tùy theo độ chua của dâu)
  • Làm phần thạch bề mặt: 2g gelatin (hoặc 1 lá gelatin)
  • – Hoa quả trang trí.

Cách làm:

Bước 1:

– Dâu rửa sạch, bỏ cuống, xắt miếng vừa ăn.

Bước 2:

– Rắc đường vào dâu, ướp 10 phút.

Bước 3:

– Xay nhuyễn dâu đã ướp đường cùng với 1 muỗng súp sữa tươi.

Bước 4:

– Lấy rây lọc bỏ bã, giữ lại phần dâu ép nhuyễn.

– Múc 3 muỗng súp dâu ép ra chén riêng để làm thạch lát bề mặt. Phần dâu còn lại cho vào nồi, vặn lửa nấu sôi lăn tăn.

Bước 5:

– Gelatin hòa với tí nước ấm cho tan, sau đó cho vào nồi dâu tây khuấy cho tan hoàn toàn. Tắt bếp, để nguội.

Bước 6:

– Kem sữa tươi cho ra đồ đựng, dùng máy đánh trứng đánh nổi bông nhẹ.

Bước 7:

– Nồi hỗn hợp dâu tây – gelatin ban nãy nguội thì ta cho kem đã đánh vào trộn cho thật đều.

Bước 8:

– Xẻ ngang ổ bánh bông lan ra làm 2 hoặc 3 lát.

Bước 9:

– Xếp 1 lát bánh vào đáy khuôn, lấy miếng nhựa chèn vào để chút nữa dễ lấy bánh ra.

Bước 10:

– Đổ lên lớp bánh một lớp mỏng hỗn hợp dâu – kem (mousse)đã trộn ban nãy. Sau đó chồng một lớp bánh lên, rồi lại đổ 1 lớp mousse lên… cứ làm cho hết bánh. Cuối cùng đổ lên một lớp mousse cho kín. Sau đó cho ổ bánh này vào tủ lạnh 5-6 tiếng cho bánh chắc lại.

Bước 11:

– Bắc nồi cho vào 3 muỗng súp dâu ép để giành ban nãy vào, hòa với 50ml nước lọc, nấu sôi. Sau đó hòa tan gelatin trong nước ấm rồi cho vào nồi, khuấy nhẹ cho hòa tan đều. Chờ cho hỗn hợp nguội.

Bước 12:

– Sau đó đổ hỗn hợp thạch này lên trên cùng ổ bánh (đã bỏ tủ lạnh 5-6 tiếng cho đông cứng). Tráng 1 lớp xong thì lại cho vào tủ lạnh 3-4 tiếng cho thạch đông chắc lại.

Bước 13:

– Bánh và thạch đông rồi thì đã hoàn tất. Bây giờ lấy khỏi khuôn, trạng trí hoa quả gì tùy bạn. Bánh được bảo quản trong tủ lạnh trước khi ăn.

theo Cún Khang

NHỮNG MÓN ĐẶC SẢN KHÔNG THỂ KHÔNG THỬ KHI ĐẾN SƠN LA

Đến với “xứ Thái” Sơn La, là dịp để bạn tham thú cảnh quan xinh xắn hữu tình của những bản làng, ruộng vườn, nhà sàn…cũng là dịp để khám phá nét ẩm thực nổi tiếng là ngon và độc đáo của đồng bào Thái cũng như những dân tộc miền cao khác.

Sau đây là 9  món đặc sản Sơn La du khách không thể bỏ qua:

Nộm da trâu


Da trâu rất dày, cứng và dai nên thường là nguyên liệu để làm mặt trống. Ở mảnh đất Sơn La, da trâu lại là một món ăn đặc sản vô cùng lạ miệng và độc đáo. Món ăn nổi tiếng của người Thái ở Sơn La là món thấu da trâu và nộm ra trâu.

Người dân Sơn La thường phải sơ chế qua nhiều giai đoạn như hơ qua lửa, ngâm nước lã rồi khéo léo lọc da thật mỏng, thật đều tay mới có thể làm mềm nguyên liệu khó chiều này.

Người vùng cao không dùng chanh hay giấm để bóp nộm mà kết hợp da trâu với nước măng chua tạo thành hương vị khác lạ. Khi thưởng thức, bạn sẽ có cảm nhận, da trâu sần sật, đanh đanh, có hương thơm củ rau mùi tàu, mùi ta, vị bùi bùi của đậu phộng cùng vị chua thanh của măng rừng ngâm ngấu rất thú vị. Nộm da trâu là món nhắm rượu tuyệt vời ở nơi vùng cao này.

Pa pỉnh tộp


Nếu một lần lên Sơn La mà chưa thưởng thức món cá nướng gập, thì cuộc hành trình của bạn thật sự chưa trọn vẹn. Nhiều người thích món cá nướng nổi tiếng này không chỉ bởi giá trị ẩm thực của nó mà còn bởi bàn tay khéo léo của người chế biến.

Để chế biến được món pa pỉnh tộp, người ta cho rất nhiều các loại gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng và nhất thiết không được thiếu mắc khén, một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Cá chép, cá trắm hoặc cá trôi khoảng vài lạng được mổ dọc sống lưng để nguyên nội tạng, bỏ mật và nhồi vào bụng cá cùng các loại gia vị vào tẩm ướp cho ngấm đều. Sau đó, người ta gập đôi lại, cho cá vào một đoạn tre để kẹp chặt, nướng trên than củi đã hồng.

Người nướng cá phải rất khéo léo để làm sao cho cá chín, không bị ám khói mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên. Miếng cá chín vàng đều, tỏa mùi thơm cay cay của mắc khén, vị béo ngọt của cá, vị cay của các loại gia vị nơi đầu lưỡi khiến du khách ăn một lần mà nhớ mãi.

Thịt gác bếp


Món thịt gác bếp vốn là đặc sản của vùng núi Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Đến với Sơn La, bạn có thể được thả mình trong không khí trong lành, dễ chịu. Vào những buổi sáng tươi mát hay buổi tối lạnh se, cả mảnh đất chập chờn trong sương, bên ngọn lửa bập bùng, thưởng thức những miếng thịt gác bếp ngòn ngọt, dai dai, vẫn còn ngai ngái mùi khói thật thú vị.

Thịt gác bếp sơ chế không quá cầu kỳ. Thịt dùng để hun khói chủ yếu là trâu, bò hay heo được thả rông trên các sườn núi, sườn đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Khi thịt đã thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, vương vấn trong từng thớ thịt vậy mà chẳng gây khó chịu. Chính mùi khói ấy đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của món ăn trên vùng núi, cao nguyên quanh năm sương phủ, mây mù này.

Cơm lam


Với những người yêu Tây Bắc, không ai lạ lẫm gì món cơm lam, một món ăn đặc trưng của vùng cao. Cơm lam ngon phải được chế biến từ gạo nương, ngon nhất là gạo cẩm và nếp cái hoa vàng sau khi thu hoạch lúa xong vào tháng 9, tháng 10 âm lịch. Gạo cho thêm một chút muối, gừng được ngâm ủ qua đêm, đãi sạch rồi cho vào ống tre, thêm chút nước và nút lại bằng lá chuối, sau đó cho lên bếp lửa đốt.

Khi ăn, người ta nhẹ nhàng tách từng phần tre bó chặt vào từng cây cơm trắng nõn. Mùi thơm của gạo nếp nương mới, lẫn với chút hương vị của tre, của khói bếp, làm cho miếng cơm thật sự mang hương vị của núi rừng.

Cũng tùy từng sở thích của mỗi người mà người ta chọn châm cùng muối vùng hay chẳm chéo, món ăn đặc trưng của dân tộc Thái. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của nước ống nứa, vị thanh thanh lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ.

Cháo mắc nhung

Sau mùa gặt, quả mắc nhung gieo vãi trên nương bắt đầu chín mọng, bà con hái đem về rửa sạch, thêm gừng xả, trộn với gạo tấm, tưới ít nước đủ chín, túm vào lá chuối buộc chặt vùi trong tro bếp nóng, hoặc đồ xôi, chỉ 30 phút sau sẽ có ngay một món ăn sền sệt, ngăm ngăm đắng, thơm cay là lạ đầy hấp dẫn và chấm với xôi rất hợp khẩu vị.

Ngày nay, cháo mắc nhung đã trở thành món ăn đặc sản được mọi người ưa chuộng. Để có món cháo mắc nhung (tiếng Mường gọi là plải ngố), người chế biến phải biết chọn loại tẻ thơm, nếu được tấm đầu vụ gặt non (như cốm) thì càng tốt. Dùng thịt sương sườn lợn nướng khô hay hun khói, băm nhỏ nấu nhuyễn với cháo tấm. Khi cháo chín tới cho quả mắc nhung vào, đập dập củ gừng, ớt nướng và xả cả củ bỏ vào đáy nồi cháo, khuấy đều. Vài phút sau, đã có ngay món cháo mắc nhung đặc sản thơm nồng, đặc sánh.

Chẳm chéo

Với mùi vị đặc trưng của rất nhiều loại gia vị chỉ có ở núi rừng Tây Bắc, chẳm chéo là một món chấm cổ truyền của người Thái luôn mang đến cho du khách một cảm giác lạ lẫm khi thưởng thức. Đây được coi là “linh hồn ẩm thực của vùng Tây Bắc”.

Người Thái ở Sơn La sử dụng chẳm chéo trong bữa ăn hàng ngày, ngoài ra họ còn dùng để tiếp khách. Nó là món ăn dân dã nhưng cũng là đặc sản của vùng núi rùng.

Chế biến chẳm chéo khá đơn giản với nhiều nguyên liệu quen thuộc như: tỏi, ớt tươi, vài lá tỏi tươi, rau mùi, mắm, đường… và nhất là không thể thiếu bột mắc khén, loại gia vị đặc trưng của người Thái. Tất cả được giã nhuyễn trộn đều vào nhau thành một loại nước chấm sền sệt với dư vị đặc biệt.

Canh mọ

Ngày lễ Tết của người Khơ Mú không thể thiếu được món canh mọ, được chế biến từ các loại thịt chuột, chim, sóc sấy khô băm nhỏ trộn với hoa chuối, các loại rau thơm, ớt chỉ thiên, mắc khén, tấm gạo nếp cho vào ống tre, bương bánh tẻ, đổ nước vào đem đốt (như đốt cơm lam). Khi sôi lấy que tre vót nhọn sọc liên tục đến khi nhuyễn. Khi đổ ra bát nó sền sệt, sánh dùng xôi nếp nắm chấm quệt ăn rất thơm ngon.

Ngoài ra, người Thái cũng thường hay làm món mọ gà, được chế biến từ cổ, cánh, bộ lòng mề gà, băm nhỏ, mắc khén, ớt khô, củ sả giã nhỏ, bột gạo nếp trộn với nhau cho vào lá chuối túm lại bỏ vào chõ xôi sôi lên. Khi chín, vớt ra ta có một món canh đặc sánh, sền sệt, ăn với xôi hoặc cơm lam thì tuyệt vời biết mấy…

Nậm pịa

Nếu như người Mông có món thắng cố được coi là món ăn đặc trưng thì người Thái có món nậm pịa. Vì vậy đến Sơn La, bạn đừng quên thưởng thức món nậm pịa nổi tiếng.

Để chế biến được món này cần có ruột non của con trâu, bò, dê. Người ta đem tuốt hết phần ruột bên trong, dùng vải bông sạch lọc nước lấy từ ruột non sau đó đập gừng, xả, mắc khén, ớt, lá chanh băm thêm một ít thịt bạc nhạc, thái thêm ít tiết tươi, đuôi, dạ dày, cuống tim… của bò hay dê cho vào nồi đun sôi khoảng 5 phút tạo thành món ăn sền sệt.

Nậm pịa thưởng thức khi nóng sẽ rất ngon. Du khách nào mới ăn sẽ thấy có vị đăng đắng nơi cổ họng, nhưng lúc sau lại thấy ngòn ngọt và thơm thơm của mắc khén, của các loại gia vị như xả, lá chanh, gừng, ớt.

Người ta thường thưởng thức nậm pịa với thịt bò hoặc dê luộc, khi chấm những miếng thịt luộc vào bát nậm pịa sẽ cảm nhận được hương vị của các loại gia vị lan tỏa ngào ngạt, tạo nên một món ăn hấp dẫn.

Ốc Suối Bàng

Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt, chúng thường bò ra để ăn lá cây. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất. Ốc này thường chỉ có ở những khu rừng rậm, nhiều cây cối, ẩm thấp, vì vậy, lên Sơn La được thưởng thức món ốc Suối Bàng béo ngậy trong ngày rét mướt thì không gì tuyệt bằng.

Món ốc luộc của người Sơn La được chế biến rất đơn giản, nhưng vị ngon ngọt của nó sẽ khiến người ăn một lần nhớ mãi. Ốc rửa sạch, không cần phải hấp cùng lá chanh hay gừng, sả. Nước chấm cũng chỉ cần cho vài lát ớt xanh đỏ, cũng đã đủ tạo nên một món ăn hấp dẫn. Con ốc đá béo ngậy khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy giòn giòn. Ăn ốc đá nên nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, vị thơm độc đáo.

Mimi tổng hợp (NGOISAO.NET)

Cách nấu món GÀ KHO MĂNG TƯƠI

Gà kho với măng tươi sẽ là món mặn hấp dẫn và ‘đắt hàng’ trong mâm cơm nhà bạn.

Nguyên liệu:

– Thịt gà: 3-4 cái ức hoặc đùi

– 1,5 lạng măng tươi

– Hành lá, hành củ, tỏi, dầu điều, gia vị…

Cách làm:

– Gà làm sạch, rửa lại với nước pha tí muối rồi để ráo nước. Sau đó chặt thành miếng vừa ăn.

– Ướp gà với hành củ băm, 1 muỗng cafe nước mắm, 1/2 muỗng hột nêm, chút tiêu… ướp trong 1 giờ đồng hồ cho ngấm.

– Măng bỏ chỗ già, xắt khúc vừa ăn. Sau đó cho măng vào nước lạnh nấu sôi từ 5-10 phút cho ra chất chua, chất độc. Nấu xong thì xả lại nước lạnh, để ráo.

– Bắc nồi cho 2 muỗng cafe dầu điều vào, phi tỏi cho thơm rồi trút gà vào chiên vàng mặt.

– Sau đó trút măng vào, châm nước lạnh xâm xấp. Nêm 1 muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe hạt nêm, chút ớt bột. Đậy nắp, vặn nhỏ lửa kho tới khi gà và măng chín mềm, nước cạn đặc lại thì nêm nếm lại lần nữa cho vừa miệng.

– Tắt bếp, rắc hành lá thái nhỏ và tiêu vào. Ăn nóng với cơm.

Theo Cún Khang

Cách làm CANH KHOAI LANG SƯỜN NON

Món canh có hương vị nhẹ nhàng, ngọt mát, bổ dưỡng sẽ làm cho mâm cơm nhà bạn thêm phần hấp dẫn và đầy đủ.

Nguyên liệu:

– Sườn non: 3 lạng

– Khoai lang: 1 củ to

– Đậu Hòa Lan: 1,5 lạng

– Hành lá, ngò, gia vị

Cách làm:

Bước 1:

– Sườn chặt vừa ăn, rửa sạch rồi cho vào nồi nước nấu sôi, hớt bọt.

Bước 2:

– Khoai gọt vỏ, rửa lại với nước rồi xắt miếng vừa ăn. Đậu Hòa Lan rửa sạch, để ráo nước.

Bước 3:

– Nồi nước nấu sườn nấu được chừng 30 phút thì trút khoai lang vào nấu chung.

Bước 4:

– Nêm thêm muối, hạt nêm cho vừa ăn. Nấu tới khi khoai lang chín, sườn vừa đủ mềm thì cho tiếp đầu Hòa Lan vào nấu chung khoảng 5 phút nữa.

Bước 5:

– Tắt bếp, rắc hành ngò thái nhỏ vào, ăn nóng với cơm.

theo Cún Khang

7 MÓN ĂN ‘TUYỆT CHIÊU’ GIÚP THANH LỌC, GIẢI ĐỘC CƠ THỂ VÀO MỖI SÁNG

Để cho cơ thể đạt được trạng thái tươi mới, khỏe khoắn, ít bệnh tật, detox là một giải pháp được nhiều người lựa chọn. Sau đây là 7 “tuyệt chiêu” đơn giản giúp bạn detox cơ thể vào mỗi buổi sáng:

Nước ép rau củ giúp thanh lọc cơ thể đồng thời mang lại cho cơ thể những dưỡng chất quý tùy theo từng loại bạn sử dụng. Cải xoong, rau bina, chanh là những loại rau có thể sử dụng hiệu quả để ép thành một loại nước detox.

Trà

Thay vì uống cà phê, hãy uống trà vào buổi sáng. Điều này sẽ giúp gan khỏe mạnh, thúc đẩy việc tạo ra các enzim giải độc trong cơ thể.

Yến mạch vào buổi sáng giúp ruột bạn nhẹ nhàng, cơ thể được thanh lọc. Có thể thay yến mạch bằng các loại ngũ cốc nguyên cám khác.

Măng tây là loại thực phẩm bổ dưỡng và độc đáo. Bên trong loại măng này có một loại vi khuẩn giúp bảo vệ hoạt động  của hệ tiêu hóa. Măng tây cũng cung cấp chất xơ, giúp cải thiện tình trạng thừa cân. Một bữa sáng lý tưởng cho bạn: măng tây hấp chín, bánh mì ngũ cốc và trứng luộc.

Giấm táo rất tốt cho tiêu hóa đồng thời giúp tăng cường năng lượng. Giấm táo kết hợp với mạn việt quất có thể mang lại cho bạn một món thức uống ngon và bổ dưỡng.

Hạt chia rất bổ dưỡng vì chứa nhiều chất xơ và omega 3, rất tốt cho tim mạch, giúp bạn no bụng mà không sợ tăng cân. Uống nước hạt chia sau khi ngủ dậy hoặc dùng khi ăn điểm tâm là cách để cơ thể khỏe mạnh và thanh lọc.

Hoa quả tươi cho buổi sáng là cách để giải độc cơ thể hữu hiệu. Bạn sẽ đạt trạng thái khỏe khoắn, tươi mới nếu có thói quen dùng một bát hoa quả trộn mỗi khi thức dậy.

7 LOẠI NƯỚC ÉP CHO CƠ THỂ KHỎE – ĐẸP

Không chỉ là nước giải khát, những loại nước ép sau đây hoàn toàn có thể mang đến cho bạn những kết quả khả quan nhờ tăng cường đề kháng, thanh lọc cơ thể và đẩy lùi bệnh tật.

Nước ép rau xanh: giảm béo

Hỗn hợp nước ép với thành phần 10g cải xoăn, 5g cải bó xôi, 5g dưa leo, 5g rau xà lách pha với nước cho loãng, sẽ có tác dụng làm giảm mỡ eo và đùi nếu uống đều đặn vào lúc sáng sớm khi dạ dày trống rỗng.

Nước ép nho xanh – cải xoăn: cho xương chăc khỏe

Trong loại nước ép này có nhiều sắt và vitamin K tốt cho hệ thống xương và lưu thông máu.

Nước ép cà rốt: kiểm soát cholesterol

Trong loại nước ép này có chứa potassium và magnesium, giúp giảm cholesterol trong máu, hỗ trợ điều trị cao huyết áp, kiểm soát đường huyết. Đây là loại nước ép khuyên dùng cho người bị cao huyết áp và tiểu đường.

Nước ép củ cải: giảm acid uric

Các tinh thể của acid uric nếu tích lũy trong khớp có thể gây đau đớn, tấy đỏ, sưng ngứa… Dùng nước ép cà củ cải, có thể pha cùng cà rốt và dưa chuột sẽ là cách làm giảm acid uric trong máu, giúp giảm viêm đau.

Nước ép rau củ: chống lão hóa

Có một cách làm chậm quá trình lão hóa da, ngăn sự xuất hiện của nếp nhăn, đốm đen, đó là sử dụng loại nước ép từ 5g bắp cải, 4g cà rốt, 3g ớt đỏ. Đây là loại nước ép tốt cho nhiều mặt trong đó có làm chậm tiến trình già đi.

Nước ép dưa leo – xà lách: giảm căng thẳng

Đây là loại nước ép tốt để làm thần kinh của bạn dịu đi, giảm lo lắng, căng thẳng.

Nước ép cải xoong: chữa rụng tóc

Nếu ép rau cải xoong thành nước và bôi lên tóc, đầu, để đó 15 phút rồi rửa lại sạch với nước ấm, bạn sẽ giảm thiểu được chứng rụng tóc.

Huyền Trân (theo boldsky.com)