Cách làm CANH KHOAI LANG SƯỜN NON

Món canh có hương vị nhẹ nhàng, ngọt mát, bổ dưỡng sẽ làm cho mâm cơm nhà bạn thêm phần hấp dẫn và đầy đủ.

Nguyên liệu:

– Sườn non: 3 lạng

– Khoai lang: 1 củ to

– Đậu Hòa Lan: 1,5 lạng

– Hành lá, ngò, gia vị

Cách làm:

Bước 1:

– Sườn chặt vừa ăn, rửa sạch rồi cho vào nồi nước nấu sôi, hớt bọt.

Bước 2:

– Khoai gọt vỏ, rửa lại với nước rồi xắt miếng vừa ăn. Đậu Hòa Lan rửa sạch, để ráo nước.

Bước 3:

– Nồi nước nấu sườn nấu được chừng 30 phút thì trút khoai lang vào nấu chung.

Bước 4:

– Nêm thêm muối, hạt nêm cho vừa ăn. Nấu tới khi khoai lang chín, sườn vừa đủ mềm thì cho tiếp đầu Hòa Lan vào nấu chung khoảng 5 phút nữa.

Bước 5:

– Tắt bếp, rắc hành ngò thái nhỏ vào, ăn nóng với cơm.

theo Cún Khang

Cách làm BÁNH TRUNG THU KHOAI TÍM không dùng lò nướng

Bánh trung thu khoai tím là món bánh ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng, nhưng cách làm thì rất đơn giản.

 

Nguyên liệu:

  • – Khoai tím: 4,5 lạng
  • – Hột sen tươi: 2 lạng
  • – Đường: 700g
  • – Dầu ăn: 1 muỗng canh
  • Ngoài ra bạn cần có khuôn làm bánh trung thu mua ở chợ.

Thực hiện:

Bước 1:

– Hột sen rửa sạch, tách đôi, bỏ tim rồi đem hầm nhừ. Sau đó trộn với 700g đường rồi đem xay nhuyễn.

Bước 2:

– Bắc chảo lên bếp làm nóng rồi cho nhân hột sen lên xào tới khi dẻo đặc lại, cho tiếp 1 muỗng canh dầu ăn vào, đảo luôn tay. Sau đó nhắc ra để nguội.

Bước 3:

– Khoai hấp chín, bỏ vỏ, nghiền nát. Ép khoai qua rây để bỏ xơ (chỉ lấy bột khoai nhuyễn). Sau đó cho khoai nghiền vào tủ mát 30 – 60 phút.

Bước 4:

– Nhân sen vo thành những viên nhỏ bằng nhau. Khoai chia ra thành từng phần bằng nhau (một phần khoai to gấp hai phần hạt sen.

 

– Ép phần khoai cho dẹt, sau đó đặt viên nhân hạt sen vào giữa, gấp khoai lại cho kín, vo tròn rồi cho vào khuôn ép tạo hình bánh trung thu.

Vậy là xong món bánh trung thu khoai tím nhân sen. Rất đơn giản mà lại ngon miệng!

Bảo Tố

Cách nấu CHÈ TRÔI NƯỚC KHOAI TÍM

Món chè trôi nước quen thuộc trông thật hấp dẫn với màu tím nhẹ nhàng, và khi ăn thử thì bạn sẽ còn bất ngờ hơn đấy.

Nguyên liệu:

  • – Khoai lang màu tím: 2-3 củ
  • – Bột nếp: 2 lạng
  • – Đường nâu: 1/4 chén
  • – Gừng: 1 nhánh
  • – Mè rang vàng thơm
  • – Nhân: 2 lạng đậu xanh không vỏ, nửa muỗng cafe muối, 1 muỗng súp đường cát trắng, hành khô
  • – Nước cốt dừa pha (tùy thích): 200 ml nước cốt dừa, xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe bột năng.

Thực hiện:

Bước 1:

– Khoai lang mua về rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín rồi nghiền thật nhuyễn.

Bước 2:

– Trộn khoai với bột nếp. Không cần thêm gia vị. Đổ nước ấm vào hỗn hợp bột. Vừa đổ vừa nhồi cho tới khi tay thấy mịn dẻo vừa phải thì ngưng.

Bước 3:

– Đậy bột cho kín, ủ chừng 30 phút cho nở.

Bước 4:

– Đậu xanh mua về đãi qua nhiều nước cho sạch, sau đó đem hấp chín, nghiền hoặc xay thật mịn.

Bước 5:

– Bắc chảo cho vào chút dầu ăn, cho hành khô băm vào phi thơm rồi trút đậu xanh, muối, đường vào xào cho tới khi đậu xanh se khô lại.

Bước 6:

– Tắt lửa, đợi cho đậu xanh nguội thì xoe đậu thành từng viên tròn nhỏ.

Bước 7:

– Bột khoai sau khi ủ thì lấy ra ngoài. Bẹo một nắm nhỏ bột vo tròn, rồi ép cho bẹp, đặt nhân vào giữa, đậy mí bột kín lại rồi xoe lại lần nữa cho tròn. Làm lần lượt cho hết bột và nhân.

Bước 8:

– Bắc nồi nước đun sôi, cho từng viên bột khoai bọc nhân đậu xanh vô luộc cho tới khi viên bột (chè) nổi lên mặt nước là đã chín, ta vớt ra để ra rổ.

Bước 9:

– Bắc nồi khác cho hai chén nước lạnh + đường nâu + gừng xắt sợi vào nấu sôi.

Bước 10:

– Đường tan thì thả từng viên chè khoai vào nồi, ninh lửa nhỏ tới khi khoai thấm đường, nếm nước thấy vừa miệng thì tắt bếp.

Bước 11:

– Nước cốt dừa hòa với muối, bột năng, bỏ lên bếp vừa đun vừa khuấy tới khi nước dừa đặc lại

Bước 12:

– Khi ăn, múc chè ra chén, rưới nước cốt dừa lên và rắc một ít mè rang (có thể thêm đậu phộng rang giã dập). Ăn nóng là ngon nhất.

Cún Khang

Cách làm CHÈ KHOAI LANG MIẾNG

Bản thân khoai lang đã ngon lắm rồi, nên những món ăn nấu từ khoai lang thường không cần quá cầu kì. Chè khoai lang miếng nấu gừng là một món chè giữ được kết cấu và hương vị của khoai lang, nhấn nhá thêm chút vị đường, gừng rất hấp dẫn.

Chuẩn bị:

  • – Khoai lang: 1-2 củ (loại vỏ đỏ ruột vàng)
  • – Gừng: 1 nhánh
  • – Đường nâu hoặc đường vàng.

tuy1-835089-1368124104_500x0.jpg

Cách làm

– Khoai mua về rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước muối loãng 10 phút để khoai không bị thâm. Sau đó xắt thành miếng vừa ăn. Để ra rổ cho ráo nước.

– Gừng rửa sạch, thái sợi nhỏ (đối với gừng, giữ nguyên vỏ sẽ bổ dưỡng hơn).

– Đường đun với nước, nêm nếm sao vừa miệng (ngọt nhẹ), cho gừng vào đun cùng tới khi đường tan thì trút khoai lang vào. Đun lửa liu riu cho tới khi khoai chín mềm (đừng để nát). Nêm nếm lại lần nữa.

– Ăn nóng mới ngon.

Bảo Nhân

Cách nấu CHÈ BÍ ĐỎ KHOAI TÍM

Bên cạnh cái dẻo thơm của khoai, nếp, bí, thì màu tím của khoai lang và màu vàng của bí đỏ càng khiến món chè thêm hấp dẫn.

Chuẩn bị:

  • 1 lạng bí đỏ (bí ngô, bí rợ), 1 củ khoai tím
  • Nửa chén yến mạch, nửa chén bột nếp
  • 1 nhánh gừng

Bước 1:

Bí mua về gọt bỏ vỏ, hấp cho chín mềm rồi nghiền nhuyễn.

– Khoai lang tím mua về gọt vỏ, xắt miếng cỡ quân cờ.

– Yến mạch ngâm nước cho nở mềm, sau đó gạn bỏ nước đi.

Bước 2: Khoai tím cho vô nồi nhỏ với nước, nấu sôi. Nước sôi thì vặn nhỏ lửa đun chừng 20 phút là vừa. Vớt khoai ra để ráo.

Bước 3: Bí nghiền, bột nếp và yến mạch đã ngâm ta trộn đều thành hỗn hợp bột nhuyễn.

Bước 4: Vo hỗn hợp bột bí thành những viên tròn vừa ăn.

Bước 6:

– Bắc nồi để nấu chè, cho nước vào nấu sôi, rồi thả từng viên bột bí trộn vào nấu tới khi chúng nổi hết lên mặt nước là được. Ta vớt hết viên bí ra ngoài và chuyển ngay vô tô nước đun sôi để nguội.

– Cho khoai lang vào trong nồi, nấu cho chín mềm. Thả vào nồi vài lát gừng đập sơ và lượng đường vừa đủ ăn. Khuấy nhè nhẹ cho đường tan. Tắt bếp.

– Ăn nóng hoặc nguội, thêm đá tùy thích.

 

CÁCH LÀM BÁNH DONUT KHOAI LANG

Bản thân khoai lang đã là một nguyên liệu ngon lành, còn khi kết hợp với các loại bột, sữa để trở thành bánh donut, thì kết quả lại càng thêm hấp dẫn.

Nguyên liệu:

  • – Khoai lang: khoảng 3 lạng rưỡi
  • – Bột gạo tẻ: 4 lạng
  • – Bột mì: 70g
  • – Đường: 50g
  • – Sữa tươi nóng: 300ml
  • – Chút muối, chút bột nở, dầu ăn.
  • Lớp đường lăn ở ngoài:
  • – Đường cát + chút bột quế.

Thực hiện:

– Khoai lang luộc chín, bỏ vỏ rồi nghiền thật nhuyễn.

Bột gạo, bột mì, đường, chút bột nổi, chút muối –> đem trộn với nhau. Sau đó cho khoai lang nghiền vào hỗn hợp này nhào lên cho đều.

 

Sữa tươi hâm nóng rồi rót từ từ vào hỗn hợp bột khoai, vừa rót vừa trộn cho hỗn hợp ngấm nước, sánh mịn.


Nhào đến khi nào thấy bột vàng đều,  chắc mịn . Sau đó vo thành từng viên nhỏ vừa ăn.

Bắc chảo dầu đun nóng, rồi cho từng viên bột vào chiên.

Vừa chiên vừa trở, nhỏ lửa, đến khi bánh vàng đều các mặt.

Bánh vàng đều các mặt thì vớt ra, để ráo dầu. Trong lúc đó trộn hỗn hợp đường + bột quế làm áo bánh.

Lăn bánh qua hỗn hợp đường + bột quế, vậy là xong món donut khoai lang.

mav089

Theo Beyond Kimchee

Cách làm CHÈ BÀ BA

Món CHÈ BÀ BA với “đủ thứ” nguyên liệu, được nhiều người rất ưa thích bởi vị ngọt bùi của nước cốt dừa hòa quyện với cái giòn của đậu phộng, dai của phổ tai, nấm mèo, bở của khoai lang, khoai sắn…Công thức sau đây sẽ giúp bạn có được nồi chè bà ba ngon chiêu đãi người thân.

Nguyên liệu:

  • Đậu phộng (lạc): nửa chén (có thể dùng đậu phộng tươi hoặc khô)
  • Củ sắn (khoai mì) 1 củ nhỏ, bỏ vỏ, ngâm nước muối qua đêm để loại bỏ độc tố
  • Khoai lang: 2 củ nhỏ, gọt vỏ, ngâm nước muối vài tiếng cho ra bớt nhựa
  • Đậu xanh cà: 1 chén
  • Hột sen khô: nửa chén
  • Đường cát trắng: 3 lạng
  • Nước cốt dừa: 1 lon (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
  • Bột năng: 3 muỗng canh
  • Bột báng: 2 muỗng canh
  • Lá nếp (lá dứa): 1 bó
  • Phổ tai khô (hoặc nấm mèo): 1 ít, ngâm mềm, rửa sạch rồi thái sợi

Phổ tai sau khi thái sợi:

Cách làm:

Bước 1:

– Đậu phộng, đậu xanh, bột báng đem ngâm trong nước qua một đêm (đậu phộng tươi thì không cần ngâm). Hôm sau rửa lại các loại đậu cho sạch.

– Trút đậu xanh vào nồi, đổ nước ngập mặt đậu rồi nấu trên lửa nhỏ đến khi đậu nhừ, múc ra chén.

Bước 2:

– Đậu phộng ngâm xong cho vào nồi với nước, luộc chín tới, rồi múc ra để riêng.

– Hột sen rửa sạch, cho vào nồi nước hầm mềm kỹ, sau đó vớt ra để riêng.

Bước 3:

– Khoai mì và khoai lang xắt thành miếng vuông nhỏ.

 

Bước 4:

– Chuẩn bị nồi, cho chừng 2 lít nước vào nấu với lon nước cốt dừa. Nước sôi thả bó lá dứa vô nấu chung, đến khi sôi kỹ thì cho tiếp củ sắn, khoai lang vào nấu chung.

– 2 loại khoai chín mềm nhừ, thì cho tiếp hột sen, bột báng, đậu phộng đã nấu lúc nãy vào nấu chung. Nấu tới khi nào bột báng chín đổi qua màu trắng trong nổi lềnh bềnh trên mặt nồi chè là ăn được rồi. Lúc này bạn nêm thêm đường cho vừa ngọt. Cuối cùng cho phổ tai vô, quậy đều rồi tắt bếp.

– Chè này ăn nóng rất ngon.

Bảo Tố

CÁCH LÀM MỨT KHOAI LANG DẺO

Mứt khoai lang dẻo dẻo, bùi bùi, ngọt dịu là món ăn ưa thích của nhiều người trong dịp Tết. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm món này một cách đơn giản và đảm bảo sạch sẽ an toàn.

Nguyên liệu:

  • 1,5 kg khoai lang vàng, chọn được củ nhỏ, dài, thẳng thì tốt.
  • 50g đường
  • 1 ống vani
  • 2 muỗng cafe phèn chua
  • 1 cục nhỏ vôi trắng

Cách làm:

– Khoai lang gọt vỏ buổi trưa, đem ngâm nước có hòa 1 muỗng cafe phèn chua. Tới tối thì vớt khoai ra xả với nước cho sạch phèn. Để ráo rồi cắt khoai thành miếng nhỏ vừa ý, gọt bớt cạnh để khi sên chín khoai không bị bể.
– Lóng nước vôi trong rồi ngâm khoai vào trong 1 đêm.
– Hôm sau vớt khoai ra, để vào rổ thưa cho ráo nước.
– Bắc chảo, cho nước vào nấu hơi sôi rồi cho muỗng cafe phèn chua còn lại vào hòa tan. Sau đó trút khoai vào nước sôi lăn tăn trụng qua rồi vớt ra ngay, cho vào rổ để ráo.
– Bắc chảo nấu sôi đường trong 1/2 chén nước, đường tan thì trút khoai vào xên với lửa liu riu khoảng 30 phút, tắt lửa. Để nguyên nồi khoai trong 8-10 tiếng cho ngấm nước đường.
– Tiếp tục sên nồi khoai cho tới khi đường cạn queo, rắc vani, đảo đều tay. Sau đó nếu có đồ sấy thì cho khoai vào sấy khô. Không có thì để cái vỉ gác ngang chảo, sau đó gắp từng miếng khoai để lên đó (tức là không cho khoai đụng chảo nhưng vẫn ở trên mặt chảo) hong cho khoai khô trên lửa riu riu, khoai khô hẳn, để nguội là ăn được.

Bảo Tố

10 THỰC PHẨM TẨM BỔ TỐT NHẤT CHO MẸ SAU SINH

Bà mẹ sau sinh thường phải đối mặt với nhiều vấn đề, như là cân nặng, da dẻ hay là lượng sữa cho con bú. Những thực phẩm sau đây sẽ góp phần hỗ trợ sản phụ giải quyết các vấn đề đó.

Gan động vật: Gan gà, gan cá, gan lợn… là những nguồn sinh tố A dồi dào và dễ kiếm, giúp bà mẹ sáng mắt và lợi sữa.

Rau ngót: Rau ngót chứa một lượng lớn sinh tố A, B, C, Canxi, phốt pho, sắt, chất béo, protein…được coi là siêu thực phẩm cho bà mẹ. Rau ngót còn giúp bà mẹ lợi sữa bởi những tác động nội tiết của các hợp chất sterols có tính estrogen. Rau ngót còn tốt cho hệ miễn dịch, giảm khả năng viêm nhiễm, giúp mau lành vết thương, bổ mắt, đẹp da… và nhiều công dụng tuyệt vời khác.

Rau ngót gây nguy cơ sẩy thai ở thai phụ, tuy vậy lại rất bổ dưỡng cho sản phụ

Thịt bò: Thịt nạc bò, ngoài là nguồn cung cấp sắt, protein và năng lượng, thịt bò còn chứa kẽm và sinh tố B12, giúp ích cho việc sản xuất sữa của các bà mẹ.

Gạo lứt: Gạo lứt là loại thực phẩm đồng hành với việc giảm cân của bà mẹ sau sinh, với tác dụng bù đắp năng lượng, dinh dưỡng. Đây còn là loại thực phẩm lợi sữa tuyệt vời.

Rau xanh: Rau đay, bông cải xanh, cải bố xôi, rau muống… là những món cung cấp sắt, protein và chất xơ cần thiết cho phụ nữ sau sinh. Những món này cũng có tác dụng lợi sữa.

Cam: Cam, quýt, bưởi đều tốt cho phụ nữ sau sinh, nhưng cam là nổi bật hơn cả với hàm lượng cao sinh tố C và Kali, tốt cho hệ thống miễn dịch.

Đậu: Nếu không ăn thịt, bạn có thể chọn đậu làm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng chính cho mình. Các loại đậu cũng có tác dụng lợi sữa, cung cấp chất sắt, chất xơ, mà lại có lượng cholesterol thấp.

Trứng: Ngoài những lợi ích mà chúng ta đã biết, trứng còn là nguồn vitamin D tự nhiên rất tốt cho hệ xương của bé.

Thịt gà: Thịt gà cũng là lựa chọn ngon lành và bổ dưỡng đối với bà mẹ sau sinh, với hàm lượng khá nhiều các chất dinh dưỡng như canxi, phốt pho, protein.

Đu đủ chín: Đu đủ nên tránh ăn vào giai đoạn hoài thai, nhưng khi sinh con xong rồi, thì ngoài việc là một món ăn lợi sữa nổi tiếng, nó còn có tác dụng làm đẹp cho da, giảm cân. Nhưng không nên ăn quá nhiều kẻo bị vàng da.

Khoai lang: Đây là nguồn tinh bột, năng lượng, vitamin A quý giá cho tất cả mọi người, đặc biệt là những bà mẹ sau sinh.

: Trong bơ có nhiều sinh tố E, magiê, kali và chất xơ. Đây là món ăn hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ, mà còn giúp bà mẹ tái tạo lại vẻ đẹp trên làn da của mình sau khi sinh.

 Mỹ Mạnh (MAV.vn)

 

NHỮNG LÝ DO ĐỂ BẠN BẮT ĐẦU ĂN KHOAI LANG MỖI NGÀY

Khoai lang là thực phẩm hấp dẫn, không chỉ thế, loại khoai này còn được coi là bổ dưỡng và lành tính đối với cơ thể. Việc bổ sung khoai lang trong khẩu phần hàng ngày sẽ mang lại cho bạn những lợi ích tuyệt vời.

Khoai lang là thực phẩm phổ biến, hữu ích cho sức khỏe con người do chứa nhiều chất xơ, carotene, các vitamin và chất chống oxy hóa…

1. Khoai lang có vị ngọt nhưng không làm tăng lượng đường huyết, mệt mỏi hay tăng cân. Đường tự nhiên trong khoai lang sẽ từ từ thẩm thấu vào máu, giúp cân bằng nguồn năng lượng cho cơ thể.

2. Khoai lang là nguồn cung cấp chất xơ rất tốt, giúp duy trì đường huyết ở mức cân bằng.Dưới đây là những lý do các bà nội trợ không nên bỏ qua loại củ tuyệt vời này trong chế độ ăn của gia đình, theo Care2.

3. Cứ 100 g khoai lang nghiền cung cấp 86 calo, thấp hơn nhiều so với mức 118 calo trong 10 0g củ từ.

4. Khoai lang là thực phẩm giàu protein. Protein trong khoai lang rất đặc biệt do khả năng ức chế ung thư ruột kết và trực tràng ở người. Hàm lượng protein trong khoai lang càng cao thì khả năng ức chế hoạt động của tế bào ung thư càng lớn.

5. Hàm lượng vitamin B6 cao chứa trong khoai lang làm giảm homocysteine trong cơ thể. Homocysteine có liên quan đến các bệnh lý thoái hóa và tim mạch. Nồng độ homocysteine trong máu cao làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.

6. Khoai lang là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp ngăn ngừa cảm lạnh và virus cúm. Đồng thời, vitamin C cũng rất cần thiết cho xương và răng, tốt cho hệ tiêu hóa và quá trình hình thành các tế bào máu. Ngoài ra, vitamin C còn góp phần chữa lành vết thương, tạo ra collagen giữ cho làn da luôn tươi trẻ, giảm stress và bảo vệ cơ thể khỏi những độc tố có nguy cơ gây ung thư cao.

7. Vitamin D trong khoai lang có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch và tăng cường sức khoẻ tổng quát. Vitamin D góp phần giữ cho hệ xương, tim mạch, thần kinh, răng, da và tuyến giáp khỏe mạnh.

8. Vi chất sắt trong khoai lang cung cấp năng lượng cho cơ thể, giảm stress, thúc đẩy sản xuất hồng cầu, bạch cầu, tăng cường miễn dịch và chuyển hoá protein.

9. Khoai lang cũng là nguồn cung cấp magie rất tốt. Magie không những là khoáng chất quan trọng chống căng thẳng mà còn có ý nghĩa then chốt cho sự phát triển khỏe mạnh của cơ xương, tim mạch và các chức năng thần kinh.

10. Kali là chất điện ly quan trọng giúp kiểm soát nhịp tim và các tín hiệu thần kinh. Cũng như các chất điện ly khác, kali đảm nhiệm nhiều chức năng thiết yếu trong đó có thư giãn co thắt cơ, giảm sưng, bảo vệ và kiểm soát hoạt động của thận. Khoai lang chính là nguồn cung cấp kali tuyệt vời mà bạn không thể bỏ qua.

11. Màu cam trên vỏ khoai lang là dấu hiệu cho thấy mức carotene rất cao của loại củ này. Nhóm chất carotene giúp tăng thị lực, thúc đẩy hệ miễn dịch, chống oxy hóa và ngăn ngừa lão hóa. Một nghiên cứu do ĐH Harvard (Mỹ) thực hiện trên 124.000 người cho thấy, những người tiêu thụ thức ăn giàu carotene trong chế độ ăn uống thường xuyên của mình giảm tới hơn 32% nguy cơ ung thư phổi.

Ngoài ra, những phụ nữ có nồng độ carotene cao nhất có nguy cơ tái phát ung thư vú thấp nhất. Đây là kết luận được các nhà khoa học từ WHEL (Women’s Healthy Eating and Living) đưa ra sau khi tiến hành nghiên cứu trên những phụ nữ hoàn tất giai đoạn đầu điều trị căn bệnh này.

12. Beta carotene là tiền chất của vitamin A trong cơ thể người. Vitamin A duy trì đôi mắt sáng và làn da khỏe mạnh. Đồng thời, beta caroten được chứng minh là có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây ung thư. Đây cũng là một dưỡng chất dồi dào trong khoai lang.

13. Mới đây, các nhà khoa học đã khám phá ra nhóm chất dinh dưỡng trong khoai lang có tên là batatoside có khả năng chống lại các đặc tính của vi khuẩn và nấm.

14. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, chất cyanidins và peonidins trong khoai lang có khả năng giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của kim loại nặng tới sức khỏe con người.

Thu Hiền (VNExpress.net)