Cách làm hai món CHÂN GÀ ngon lai rai mãi không chán

Hai món chân gà sau đây rất thích hợp để “bồi dưỡng” cho fan bóng đá, những người phải hoạt động rất nhiệt tình vào lúc đêm khuya, lúc hàng quán phố xá đã ngủ say…Một món ăn ngon trong lúc này sẽ giúp bạn thưởng thức trọn vẹn những trận cầu đinh hấp dẫn.

Món thứ nhất: CHÂN GÀ HẤP HÀNH

changahh

Chân gà hấp hành với vị ngọt tự nhiên của chân gà, cái vỏ ngoài mềm mềm, phía trong dai lực xực khi cắn…sẽ làm bạn thích thú không kém gì xem Messi đi bóng.

Để làm món này, bạn cần chuẩn bị:

  • Chân gà sạch: 500g (tùy sức ăn), nên chọn loại chân gà nhỏ, thịt chắc.
  • Hành lá: 1 bó
  • Rượu trắng
  • Dầu ăn, tiêu, muối, bột nêm.
  • Chanh

Cách làm: Xem : Cách làm Chân Gà Hấp Hành ngon

Món thứ hai: CHÂN GÀ MUỐI CHUA (ngâm dấm, sả ớt)

mav192

Chân gà muối chua có vị chua, giòn chắc hơn chân gà hấp hành. Điểm khác biệt nữa là món này có thể để giành lâu dài, ăn lai rai hết mùa bóng lăn mà không sợ bị hỏng, nếu bạn có một cái tủ lạnh tốt.

Để làm món này, bạn cần chuẩn bị: 

  • Chân gà: 1kg (tùy sức ăn, nhưng nên làm nhiều vì ăn nhiều lần)
  • 20g phèn chua
  • Sả: 6 nhánh, xắt thành khúc 15 phân rồi chẻ thành cọng mỏng
  • Ớt đỏ, gừng, tiêu đập dập, tỏi băm, muối, đường, rượu trắng, dấm trắng

Cách làm: Xem Cách làm CHÂN GÀ MUỐI CHUA

Với hai món này đảm bảo việc thưởng thức bóng đá của bạn / ông bà xã bạn sẽ trở nên trọn vẹn hơn bao giờ hết.

Bảo Tố

 

NGƯỜI ĂN NHIỀU HÀNH TỎI: ÍT BỊ UNG THƯ

Hành tỏi từ lâu đã được coi là vị thuốc quý đối với sức khỏe. Một số nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng những người có  thói quen ăn hành tỏi sẽ tránh được nguy cơ mắc một số ung thư phổ biến.

Tỷ lệ mắc ung thư thực quản, tử cung và vòm họng ở những người cao tuổi có thói quen ăn hành thường xuyên thấp hơn nhiều so với mức trung bình của xã hội, Viện Nghiên cứu dược lý Mario Negri (Italy) khẳng định.

Một số nghiên cứu trước đây đã đưa ra kết luận tương tự, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi. Họ cho rằng đối tượng tham gia nghiên cứu là người Trung Quốc nên không thể chắc chắn rằng hành, tỏi có thể giúp ngăn ngừa ung thư ở người phương Tây. Với phát hiện này, có thể khẳng định rằng người phương Tây cũng được hưởng lợi từ tác dụng chống ung thư của hành, tỏi.

Theo tiến sĩ Carlotta Galeone, trưởng nhóm nghiên cứu, thì chưa thể khẳng định rằng hành, tỏi trực tiếp ngăn chặn ung thư. Ông cho rằng có thể những người thích hành, tỏi theo đuổi chế độ ăn nhiều rau quả và chính điều đó giúp họ giảm được nguy cơ mắc ung thư.

Mặc khác, những nghiên cứu trên động vật và thử nghiệm trong phòng thí nghiệm với tế bào ung thư cho thấy, các hợp chất có trong hành, tỏi có thể kìm hãm sự phát triển của các khối u. Chẳng hạn, những hợp chất của sulfur trong tỏi và flavonoid, tác nhân chống ôxy hóa trong hành, là một trong những chất có khả năng bảo vệ tế bào khỏi sự xâm nhập của ung thư.

Phát hiện của Galeone và các cộng sự là kết quả phân tích 8 công trình nghiên cứu về tác dụng của tỏi, hành được tiến hành ở Italy và Thụy Sỹ. Các công trình này so sánh mức độ dùng tỏi trong khẩu phần giữa những người khỏe mạnh cao tuổi với những người mắc ít nhất một dạng ung thư. Các nhà nghiên cứu đã hỏi những người tham gia về chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và thói quen khác của họ.

Đối với ung thư thực quản, nhóm của Galeone phát hiện ra rằng phụ nữ và nam giới ăn hành 7 lần trở lên trong tuần giảm được một nửa nguy cơ mắc bệnh so với những người không ưa rau. Tương tự, những người ăn tỏi ít nhất 7 lần trong tuần có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn những người không bao giờ dùng tỏi trong khẩu phần khoảng 25%. Những người thích tỏi và hành cũng có nguy cơ mắc ung thư vòm họng, miệng, thận và tử cung thấp hơn.

Theo Galeone, với những gì đã biết về các đặc tính sinh hóa của các hợp chất có trong hành và tỏi, sẽ là một ý tưởng hay nếu bạn thêm hai thứ rau này vào khẩu phần ăn hàng ngày. Tuy nhiên, cách khôn ngoan nhất là trộn chúng với nhiều loại rau khác.

Một số nghiên cứu trước đây khẳng định rằng tỏi và cà chua có tác dụng chống ung thư, Galeone cho biết. Ông nhấn mạnh rằng, nói chung, các chuyên gia đều khuyên mọi người ăn nhiều loại rau quả khác nhau trong khẩu phần ăn hằng ngày để có một cơ thể khỏe mạnh.

Việt Linh – VNexpress.net (theo Reuters)

NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT KHI NÊM NẾM GIA VỊ

Hành, tỏi, đường, muối, tiêu… là những gia vị hết sức quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam. Sử dụng gia vị đúng cách sẽ giúp cho các món ăn ngon miệng và bổ dưỡng hơn, bớt đi độc tính, bảo vệ sức khỏe của bạn.

DẦU ĂN: Dầu ăn là thành phần không thể thiếu của hầu hết các món ăn. Tuy vậy, hãy nhớ nếu dầu quá nóng, trên 200 độ C sẽ tạo ra một loại khí độc hại là acrolein, làm tạo ra một lượng lớn peroxide có thể gây ung thư. Dầu quá nóng còn làm mất chất dinh dưỡng của món ăn. Vậy, với các món chiên xào, nên cho thức ăn vào khi dầu vừa bắt đầu nóng.

ĐƯỜNG: Đường giúp tăng hương vị của các món chiên, nướng. Tuy vậy, bạn chỉ nên dùng một lượng nhỏ, vì đường có thể dễ dàng làm món ăn bị cháy khét. Đường cháy còn mang đến vị đắng cho món ăn.

BỘT NGỌT: Bột ngọt (mì chính) chỉ nên nêm khi thức ăn đã chế biến gần xong. Nếu là món trộn, nên hòa tan bột ngọt rồi mới cho vào trộn. Nếu nêm bột ngọt trong nước nóng quá sớm, bột ngọt sẽ tạo ra vị nhẫn đắng, lại còn không tốt cho sức khỏe.

NƯỚC MẮM: Nước mắm để lại một hương vị tuyệt hảo, nhưng chỉ nên nêm khi món ăn sắp hoàn thành, vì vị của nước mắm dễ bị biến đổi khi nấu lâu trong nhiệt độ cao, ngoài ra lượng đạm và các vitamin trong nước mắm cũng dễ bị hao hụt nếu nấu lâu trên bếp.

XÌ DẦU: Xì dầu hay nước tương cũng mang lại hương vị khác lạ cho món ăn, nhưng cũng như nước mắm, không nên nấu lâu ở nhiệt độ cao để giữ chất dinh dưỡng và không biến đổi hương vị.

BỘT CÀ RI: Không cần phải nấu cà ri mới dùng bột này. Ướp thịt (lợn, bò, gà, vịt) với chút cà ri sẽ giúp hương vị món ăn thêm đậm đà hấp dẫn.

TIÊU: Nên hạn chế ướp tiêu ngay từ đầu, vì khi tiêu tiếp xúc với nhiệt độ cao, sẽ dễ dàng sản sinh ra độc tố gây ung thư. Nên rắc tiêu sau khi món ăn đã hoàn tất.

GỪNG: Ướp gừng trước khi kho thịt, cá (nhất là cá biển) giúp tăng hương vị cho món ăn. Ngoài ra chất phân giải protein trong gừng còn có tác dụng hóa giải độc tố và khả năng gây dị ứng của thực phẩm. Gừng cũng giúp làm thịt mau mềm.

TỎI: Tỏi là gia vị tốt cho sức khỏe. Tuy vậy không nên cho quá nhiều vào thức ăn vì vị tỏi rất mạnh, có thể lấn át hương vị của nguyên liệu, nhất là gà, vịt. Khi xào tỏi với rau, không nên xào từ đầu để tránh khỏi bị cháy khét.

HÀNH: Hành củ thái nhỏ có thể cho vào nồi kho từ giai đoạn đầu. Với món cá hấp, lót hành dưới rồi xếp cá lên, sẽ làm cho cá thơm hơn nhiều.

MUỐI: Muối là gia vị không thể thiếu trong ẩm thực. Khi nấu thịt, nên cho muối từ đầu để thịt được đậm đà. Còn khi nấu canh, muốn cho canh có vị ngọt của xương thì nên nấu xương cho nhừ rồi mới nêm muối. Khi xào thức ăn, cho muối vào từ đầu cùng với dầu, bạn đợi khoảng 1 phút sau rồi mới cho thức ăn vào xào nấu, như thế có thể loại bỏ hầu hết các chất độc aflatoxin trong muối.

DẤM: Giấm có tác dụng khử béo, khử tanh, tăng hương vị cho món ăn. Dấm còn có tác dụng làm mềm chất xơ trong rau củ, ngăn chặn sự hòa lẫn vitamin trong nguyên liệu khi nấu ở nhiệt độ cao, vì vậy với món có sử dụng giấm, nên ướp ngay từ đầu.

TRÀ: Trà xanh và trà đen ngoài việc tạo hương vị đặc biệt cho món ăn, trong chúng đều có chất làm mềm tự nhiên, thích hợp để làm mềm thịt. Pha trà thật đậm đặc, chờ nguội rồi ướp với thịt ngay từ đầu cùng với các loại gia vị khác, thịt khi nấu sẽ mềm thơm, tốt cho sức khỏe.

Bé Thúi tổng hợp (MAV.vn)

ĂN HÀNH: GIẢI ĐỘC CƠ THỂ, PHÒNG UNG THƯ

Hành có thuộc tính phòng bệnh và kháng khuẩn làm sạch giải độc cơ thể, giúp phòng ngừa nhiều bệnh hiểm nghèo như tim mạch, ung thư, hen suyễn, tiểu đường.

Với hơn 100 hợp chất chứa lưu huỳnh là nguyên nhân gây cay chảy nước mắt, hành có thể giúp dự phòng và điều trị nhiều bệnh như tiểu đường và bệnh tim nếu ăn hàng ngày.

Hành có tác dụng kháng histamine nhờ có quercetin, một chất chống oxy hóa đóng vai trò giống như chất kháng histamine và chống viêm. Trong ống nghiệm, quercetin cho thấy có khả năng ngăn ngừa các tế bào miễn dịch giải phóng histamine, là các chất gây phản ứng dị ứng. Dựa trên quan sát này, các nhà nghiên cứu tin rằng những chất chống oxy hóa có thể giảm histamine và chất gây dị ứng hoặc gây viêm khác trong cơ thể và là một phương pháp điều trị bệnh hen đầy hứa hẹn.

1. Hen suyễn

Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu trên người để kiểm tra xem nó có hiệu quả hay không. Hành được cho là giúp giảm bệnh hen vì nó hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng quercetin mở rộng hệ thống phế quản của đường hô hấp.

2. Ung thư

Hành có thể giúp giảm nguy cơ ung thư khi được kết hợp với nghệ, nhờ các chất hóa học được tìm thấy trong 2 loại gia vị này. Một nghiên cứu được đăng trên tờ Clinical Gastroenterology and Hepatology năm 2006 chỉ ra rằng kết hợp hành và nghệ tạo ra một tác dụng hiệp đồng làm giảm cả kích thước và số lượng vật chủ tiền ung thư trong ruột, nhờ đó giảm nguy cơ ung thư đại tràng.

Hơn nữa, thường xuyên ăn hành có thể giúp đào thải các chất sinh ung thư tiềm ẩn vì hành chứa hợp chất organosulfur. Những hợp chất này được tìm thấy trong thành tế bào của hành và được giải phóng khi nó được cắt nhỏ hoặc nhai.

3. Bệnh tiểu đường

Ăn nhiều hành có thể giảm lượng đường huyết. Tinh dầu hành, allyl propyl disulphide được cho là tạo ra tác dụng này và giảm mức đường huyết bằng cách tăng lượng insulin tự do sẵn có.

Một nghiên cứu được công bố năm 1975 trên tờ Clinica Chimica Acta; International Journal of Clinical Chemistry chỉ ra rằng tinh dầu hành làm giảm đáng kể lượng đường huyết và tăng đáng để hàm lượng huyết thanh insulin sau khi được sử dụng trên 6 người tự nguyện bình thường sau khi nhịn ăn 12 giờ.

4. Bệnh tim

Khi kể đến thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim, hành thường không được nghĩ đến. Nhưng theo một nghiên cứu năm 2007 trên tờ The Journal of Nutrition quercetin, hành làm giảm đáng kể chỉ số huyết áp ở những người trưởng thành bị cao huyết áp.

Hơn nữa, loại rau củ này được coi là có khả năng bảo vệ tim cao hơn rượu vang đỏ. Hành có liên quan tới việc duy trì huyết áp bình thường, ngăn chặn xơ cứng động mạch và duy trì sự đàn hồi mạch.

5. Sâu răng

Hành sống có thể khiến hơi thở của chúng ta có mùi, nhưng trên thực tế chúng có thể cải thiện sức khỏe đường miệng. Chỉ cần nhai hành sống có thể làm răng khỏe hơn và loại trừ các vi khuẩn gây sâu răng. Theo tờNaturalsociety, nhai hành 2 đến 3 phút có thể giết chết hầu hết vi khuẩn trong miệng.

Hải Ngân (Theo Medicaldaily)

Sử dụng gia vị đúng cách

Không nên nêm mì chính vào lúc thức ăn đang sôi ở nhiệt độ cao, chỉ tầm 70 – 80 độ C là vừa phải.

Tỏi, hành

Đây là gia vị có mùi hăng nên bạn cần cẩn thận về liều lượng khi dùng. Nếu ướp hành, tỏi quá tay bạn sẽ làm mất mùi vị đặc trưng của thực phẩm.

Khi rán trứng với hành, các bà nội trợ thường trộn đều hành với trứng rồi đổ cùng lúc vào chảo rán. Thói quen này sẽ không tận dụng được mùi thơm của hành, làm trứng và hành chín không đều. Cách làm đúng là cho hành, tỏi vào dầu trước, xào đến khi hành tỏa mùi thơm rồi cho trứng vào sau.

Không nên dùng hành tây, tỏi tây để trang trí món ăn. Chỉ dùng nấu chung với các nguyên liệu khác để tận dụng hết mùi thơm.

Giấm

Giấm giúp khử mùi và tăng hương vị cho món ăn. Một số người làm món sườn xào chua ngọt hay cho giấm vào sớm. Như thế, mùi giấm sẽ át mất vị ngọt, thơm đặc trưng của thịt và đường khi rán vàng. Chỉ pha giấm với nước sốt cà và rưới lên sườn đã chín vàng, đun sôi vài phút, nhấc xuống.

Khi chế biến các món nộm gỏi, trộn có thịt, bạn nên dùng chanh thay giấm.

Quế và hồi

Khi dùng dạng cây, bạn cho chúng vào lúc ướp nguyên liệu và lúc nấu để tận dụng hết hương thơm. Nếu dùng dạng bột, bạn nên hòa với một ít nước.

Không cho quế, hồi vào dầu đang nóng vì sẽ gây cháy, món ăn có mùi hăng và vị đắng.

Hạt tiêu

Các bà nội trợ hay ướp tiêu vào thức ăn trước khi chế biến để tạo mùi thơm. Tuy nhiên, hạt tiêu nấu ở nhiệt độ cao sẽ mất mùi thơm đặc trưng. Tốt nhất, chúng ta chỉ nên rắc hạt tiêu khi thức ăn đã chín.

Ngoài ra, trong hạt tiêu có một lượng dầu rất nhỏ để giữ hương thơm. Tiêu xay sẵn sử dụng tiện lợi nhưng sẽ bị mất mùi nhanh chóng. Do đó, các bà nội trợ muốn giữ tiêu dùng lâu dài nên để nguyên hạt, cất nơi khô thoáng. Khi cần dùng mới lấy tiêu ra xay nhuyễn. Như vậy, tiêu sẽ đảm bảo thơm ngon.

Mật ong

Trong mật ong có nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe như carbohydrate, chất chống ôxy hóa, axít béo, axít amin, các vitamin và khoáng chất. Các chất này dễ bị phân hủy khi ta đun nóng, chưng cất mật ong ở nhiệt độ cao. Chỉ nên pha mật ong vào nước ấm, trà hoặc sữa ở khoảng 40 độ C trở xuống.

Khi bảo quản mật ong, nên để trong lọ thủy tinh, nơi tránh nắng. Không nên để trong lọ kim loại vì dễ bị biến chất và có thể gây ngộ độc khi dùng. Khi thấy trong lọ mật có nhiều bọt khí nghĩa là đã biến chất, nên bỏ đi.

Gừng

Gừng thường được dùng để ướp thịt, cá và khử mùi tanh. Trong gừng có chứa men zingibai làm thịt mau mềm. Khi sử dụng, bạn nên rửa sạch và để cả vỏ vì có tác dụng chữa bệnh và tăng hương vị.

Không nên dùng những củ gừng để lâu vì có chứa độc tố lưu huỳnh gây hại cho gan.

Mù tạt

Gia vị này giúp khử mùi tanh của thủy hải sản và kích thích vị giác. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên dùng mù tạt để ướp thực phẩm hoặc làm sốt cho các món trộn vì chất enzyme tạo mùi của mù tạt rất dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Bạn không nên dùng mù tạt thay ớt khô hoặc ớt bột trong các món lẩu cay.

Đường, mì chính (bột ngọt)

Khi thực hiện các món rán và nướng, bạn chỉ nên dùng ít đường để ướp thực phẩm. Nếu dùng nhiều, món ăn rất dễ cháy khét, bị sậm màu gây mất thẩm mỹ và có vị đắng.

Khi nêm mì chính, chúng ta không nên cho vào lúc thức ăn đang sôi ở nhiệt độ cao. Theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, chỉ nên cho mì chính vào khi thức ăn để khoảng 70 – 80 độ C. Đồng thời, người nội trợ nên nêm một lượng nhỏ mì chính vừa đủ để kích thích vị giác. Không nên cho quá nhiều loại gia vị này vào thức ăn vì một số người dị ứng với bột ngọt có thể bị đau đầu, chóng mặt, thậm chí bị ngộ độc.

NS