VỊ QUÊ TRONG MIẾNG CHẢ GÀ TIỂU QUAN

Nhắc đến những món ăn đặc sản của đất Hưng Yên, người ta không thể không nhắc đến chả gà Tiểu Quan. Món ăn dân dã mà độc đáo, được tạo nên từ sự tinh tế, tỉ mỉ của những người dân đất Hưng Yên xưa. Để rồi cho đến nay, miếng chả gà vẫn mang đậm hồn phách của một vùng quê có lịch sử lâu đời.

Tiểu Quan là một thôn thuần nông, nay thuộc xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tại nơi này hiện nay, đến cả các vị cao tuổi nhất trong làng cũng không ai biết được gốc tích của món chả gà nổi tiếng. Họ chỉ biết rằng từ khi còn bé đã thấy những người trong làng tạo nên và thưởng thức món ăn này vào những dịp lễ hay Tết.

Để có được món chả gà ngon, người dân Tiểu Quan phải kỹ lưỡng ngay từ khâu chọn gà. Khác với món chả thịt lợn, chả gà nướng không để miếng mà là thịt gà nạc tinh. Gà thịt để làm chả phải là loại gà trống tơ nặng khoảng 1,2 – 1,5kg, chưa thiến và chưa đạp mái. Gà làm sạch, chọn chỗ thịt nạc nhất, bỏ hết gân xương rồi thái miếng nhỏ con chì, sau đó cho vào cối giã như giã giò lụa truyền thống. Khi thịt gần nhuyễn thì trộn thêm lòng đỏ trứng gà, nước mắm ngon, bột nêm, hạt tiêu, gừng và một chút mỡ lợn thái hạt lựu rồi giã tiếp.

Chả gà Tiểu Quan

Theo những người có kinh nghiệm thì món chả gà truyền thống, thịt phải được giã bằng cối đá. Nhìn cách giã ai cũng tưởng rất đơn giản nhưng nếu không phải là một người khéo léo, tỉ mẩn “có nghề” thì khó có thể làm tròn được công việc này. Từng nhịp chày đều đặn được đưa lên đưa xuống, nhát nào chắc nịch nhát đấy nhưng thịt gà không hề bị bắn ra ngoài cối chút nào. Trong lúc một người đang giã thịt gà, thì một người khác tìm một chiếc mo cau mới rụng, cắt ra thành các miếng nhỏ.

Giã xong lấy miếng mo cau phết thịt lên phên để nướng. Việc phết thịt lên phên cũng không phải dễ dàng, nếu phết quá mỏng thịt sẽ chảy sệ và rơi xuống hoả lò, nếu dày quá thịt sẽ không chín đều. Chả gà Tiểu Quan phải được nướng bằng than hoa (than củi) và nếu có thêm vài quả thông khô vào thì càng tăng thêm độ thơm. Dùng than của những cành hay gốc nhãn khô (một loại cây đặc sản của mảnh đất Hưng Yên) thì có mùi vị thơm ngon nhất

Ăn chả gà cũng là một cách thưởng thức từ tốn như để cảm nhận hết vị ngon trong từng miếng chả nhất là khi được nhấp cùng chén rượu Trương Xá vào ngày trời thổi cơn gió mát.

Nếu ai có dịp qua nơi đây và thưởng thức món chả gà Tiểu Quan ắt hẳn không thể quên được hương vị đậm đà của món ăn này đem lại. Chả gà Tiểu Quan góp phần làm phong phú đa dạng nền ẩm thực Hưng Yên.

 

 

Cách làm món GÀ KHÔNG LỐI THOÁT

Gà không lối thoát hay còn gọi là gà bọc xôi, gà bó xôi chiên giòn.Món ăn kết hợp một cách “chặt chẽ” xôi nếp và gà, tuy lạ nhưng rất hấp dẫn và ngon miệng.

Nguyên liệu cho món Gà không lối thoát:

  • – 1 chú gà ta
  • – Gạo nếp nương: 1 ký
  • – 1 bó hành lá, 4 củ hành tím, 1 củ gừng
  • – 1 lon nước cốt dừa. Xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA
  • – Hạt nêm gà, gia vị các thứ .

Cách làm món Gà không lối thoát:

– Gà làm sạch, ngâm nước muối loãng 10 phút rồi rửa lại lần nữa cho kĩ, sạch.
– Bắc chảo cho chút dầu, cho gừng vào phi thơm rồi vớt gừng ra, cho tiếp hành lá thái nhỏ vào phi nhanh. Tắt bếp.
– Nếp đem ngâm nước lạnh ngập mặ, cho thêm lon nước cốt dừa, chút muối, khi nếp ngậm đủ nước thì chắt nước, vớt nếp ra ngoài rổ để ráo.
– Nếp ráo thì đem trộn với gừng phi, bột nêm gà, chút muối.
– Gà ráo rồi thì ướp với 1/2 muỗng cafe tiêu, 1 muỗng cafe bột nêm gà, 1 muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe muối.

– Bắc nồi hấp cách thủy lên bếp, đun cho nước sôi rồi rải nếp dưới đáy nồi, sau đó cho gà lên trên hấp trong 15 phút cho gà chín tới, sau đó gắp gà ra để ráo. Chờ cho nếp chín.

 

– Trải lên mặt phẳng lớp màng thực phẩm hoặc nylon, giấy bạc, sau đó trải xôi đã chín lên, bề dày khoảng 1,5 phân, dàn cho đều, ép cho chặt.

– Quết hành lá đã phi lúc đầu lên mặt xôi. Sau đó đặt gà vào giữa mặt xôi rồi bọc kín gà bằng xôi theo cách của bạn. Nhớ bọc cho kín, chặt.

– Tháo bỏ màng bọc. Chờ cho xôi nguội.

– Cho gà bó xôi vào nướng ở nhiệt độ 2000độ C, nướng trong vòng 10 phút, nhớ trở đều các mặt.

– Bắc chảo cho dầu vào vừa đủ ngập gà (hoặc ngập phân nửa), rán nhanh tay cho gà vàng đều các mặt.

– Vậy là đã xong món “Gà không lối thoát” hay còn gọi là Gà bó xôi. Khi ăn bổ phần vỏ xôi ra rồi lấy miếng xôi ăn kèm miếng gà bên trong.

 

Bảo Tọa

Cách làm GÀ CUỘN NƯỚNG GIẤY BẠC

Bạn có thể tự làm gà nướng giấy bạc tại nhà mà không sợ thua kém ngoài hàng theo công thức sau đây:

Nguyên liệu

– Nửa kí thịt gà + 3 cây boa rô + rượu trắng, mật ong, xì dầu, tiêu.

 

Cách làm gà cuộn nướng giấy bạc:

Bước 1: Gà rửa sạch, róc thịt lọc bỏ tất cả xương xẩu ra rồi dùng tăm nhọn đâm thủng mặt da gà (để cho gà dễ thấm gia vị), để thịt thật ráo rồi ướp gà với 2 muỗng cafe xì dầu, 1/2 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe tiêu trong 20 phút..

Bước 2: Boa rô rửa sạch thái cây cỡ 5-6cm. Trải giấy bạc lên mặt phẳng, cho gà lên rồi cho cây boaro ở giữa, cuộn giấy bạc lại rồi quấn chặt 2 đầu.


Bước 3:  Pha 1 muỗng canh mật ong với 2 muỗng canh xì dầu, nêm nếm lại cho vừa miệng (để làm sốt nướng, bạn có thể mua loại sốt làm sẵn). Bật lò 200 độ C rồi cho gà vào nướng 20 phút, lấy ra, phết sốt ướp lên rồi lại cuộn lại cho gà vào nướng tiếp ở 180 độ.

Bước 4: Gà chín lấy ra ngoài, cắt thành khoanh. Rắc tiêu lên ăn nóng.

Bảo Tố

BÍ QUYẾT LUỘC GÀ CHÍN ĐỀU, SĂN CHẮC, MỀM NGỌT

Luộc gà là hình thức chế biến gà đơn giản như bao sự “luộc” khác, tuy nhiên để luộc gà được ngon mà không phải do may mắn, chúng ta cần đến rất nhiều kinh nghiệm. Sau đây là một số kinh nghiệm để có món gà săn, chắc, chín đều và mềm ngọt.

Để thịt gà được ngọt tự nhiên, chắc thịt, mà vẫn giữ được độ mềm, dai của gà, quan trọng là thịt gà phải chín tới và chín đều.

Luộc gà chín đều:

Gà tươi sau khi rửa sạch, cho vào nồi, ngập nước, thêm một dúm muối nhỏ. Đun sôi ở nhiệt độ bình thường (không quá to hoặc quá nhỏ lửa). Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa liu riu, đun thêm 15 phút là tắt bếp. Tiếp tục để nguyên gà trong nồi thêm 10 phút (nhớ đậy nắp) rồi bắc vào đĩa cho ráo. Lúc chặt ra, bạn đã có một đĩa gà ngon vừa chín tới.

Nếu luộc 10 phút, hãy để om gà trong nồi thêm 15 phút hoặc ngược lại, bạn sẽ không bao giờ lo gà luộc bị quá sống hoặc quá chín. Ảnh: sybaritica.

– Nếu là gà tơ hoặc gà cỡ nhỏ, bạn chỉ cần đun sôi 10 phút trên bếp, sau đó tắt và để nguyên gà trong nồi nước nóng thêm 15 phút. Bắc ra và chặt gà.

– Mẹo này cũng áp dụng tương tự với vịt, ngan.

– Nếu bạn chỉ luộc nửa con gà hoặc vịt, bạn hãy rút ngắn thời gian đun xuống còn 7 phút, và để om nguyên trong nồi thêm 10 phút.

– Trường hợp luộc con gà quá to, hoặc quá dầy mình, khi chặt ra bên trong còn hơi đỏ, hãy gắp các miếng thịt đỏ này vào đĩa rộng vành, bọc màng thực phẩm (chuyên dùng cho lò vi sóng), và cho vào lò vi sóng quay ở chế độ rã đông thêm vài phút. Thịt sẽ chín đều như bình thường.

– Nếu bạn đổ không ngập nước, thì trong quá trình luộc và om trên bếp, nhớ trở gà 1-2 lần.

Cho gừng vừa đủ sẽ làm gà ngọt, ngon hơn, nhưng đừng cho quá tay.

– Luộc 1 con tại gia đình: ấn tay xem gà già hay non, nồi luộc dày hay mỏng từ đó sẽ căn nhiệt độ luộc, vệ sinh thật sạch trong ngoài con gà, cho nước ngập gà, chút bột canh hoặc nước mắm, để tẩy mùi hôi và tăng vị ngọt, có thể cho thêm mẩu gừng đập dập (nướng sơ cũng tốt), không cho nhiều gừng sẽ làm hỏng nước luộc – đun gần sôi khoảng 90 độ thì vặn bếp để thật lăn tăn 5 phút gà non, 10 phút gà già (có thể đun sôi) sau đó tắt hẳn bếp ngâm 20-30 phút, nồi dày thì đun ở nhiệt độ thấp hơn nồi mỏng, sau khi ngâm thấy nước luộc thơm, trong là gà đã chín

– Luộc nhiều con: phân loại gà non, gà già và luộc riêng, cho vào nồi to luộc, chỉ luộc một lớp, điều chỉnh nhiệt như cách luộc 1 con nhưng để nhiệt độ thấp hơn – do nồi lớn nhiệt lượng lớn nếu để bằng nhiệt ở cách luộc 1 thì gà sẽ bị chín quá.

Chú ý: trong thời gian vặn lửa luộc ko được làm việc khác, phải hết sức tập trung chỉ sao nhãng một phút có thể hỏng, không bao giờ để nước luộc sôi to, trong trường hợp sôi to thì cho thêm nước lạnh để giảm nhiệt, nước sôi to sẽ làm bay chất dinh dưỡng của gà ăn không còn ngon

Bí quyết cho da gà vàng mọng

Để gà luộc da vàng trông mọng, màu da vàng tươi tắn, sau khi vớt ra, nên nhúng ngay vào nồi nước sôi để nguội, nên nhớ nước lạnh càng tốt. Đến lúc gà nguội hẳn các bạn mới lấy ra đĩa. Nếu không làm như vậy, da gà sẽ bị khô và xỉn màu không đẹp. Sau đó, để thịt ráo nước một chút, dùng dùng 1 củ nghệ gọt vỏ rồi giã nhỏ vắt lấy nước trộn với phần mỡ gà đã chiên lên ra mỡ quét một lớp lên da gà, chúng ta sẽ có món gà luộc màu vàng bóng và căng mượt.

 

Xem thêm: MẸO LUỘC GÀ NGON BẰNG NỒI CƠM ĐIỆN

Cách nấu món GÀ KHO MĂNG TƯƠI

Gà kho với măng tươi sẽ là món mặn hấp dẫn và ‘đắt hàng’ trong mâm cơm nhà bạn.

Nguyên liệu:

– Thịt gà: 3-4 cái ức hoặc đùi

– 1,5 lạng măng tươi

– Hành lá, hành củ, tỏi, dầu điều, gia vị…

Cách làm:

– Gà làm sạch, rửa lại với nước pha tí muối rồi để ráo nước. Sau đó chặt thành miếng vừa ăn.

– Ướp gà với hành củ băm, 1 muỗng cafe nước mắm, 1/2 muỗng hột nêm, chút tiêu… ướp trong 1 giờ đồng hồ cho ngấm.

– Măng bỏ chỗ già, xắt khúc vừa ăn. Sau đó cho măng vào nước lạnh nấu sôi từ 5-10 phút cho ra chất chua, chất độc. Nấu xong thì xả lại nước lạnh, để ráo.

– Bắc nồi cho 2 muỗng cafe dầu điều vào, phi tỏi cho thơm rồi trút gà vào chiên vàng mặt.

– Sau đó trút măng vào, châm nước lạnh xâm xấp. Nêm 1 muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe hạt nêm, chút ớt bột. Đậy nắp, vặn nhỏ lửa kho tới khi gà và măng chín mềm, nước cạn đặc lại thì nêm nếm lại lần nữa cho vừa miệng.

– Tắt bếp, rắc hành lá thái nhỏ và tiêu vào. Ăn nóng với cơm.

Theo Cún Khang

Cách làm GÀ XÀO LÁ LỐT

Các món ăn với lá lốt thường dậy mùi thơm hấp dẫn. Không chỉ vậy, lá lốt còn có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể, nhất là người đang bị đau nhức xương. 

Nguyên liệu:

– Đùi gà: 3-4 cái

– 10 lá lốt

– Hành củ, ớt, tỏi, các gia vị thông thường.

Thực hiện:

Bước 1:

– Gà mua về rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Nếu không muốn ăn béo thì gỡ da bỏ đi.

– Hành củ lột vỏ băm nhuyễn.

– Ướp gà với hành băm, 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe tiêu, 1 muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cafe đường. Ướp trong 2-3 giờ đồng hồ cho ngấm.

Bước 2:

– Lá lốt rửa sạch, bỏ cuống, xắt sợi.

Bước 3:

– Bắc chảo cho ít dầu vào làm nóng rồi cho gà vào chiên vàng đều.

Bước 4:

– Vớt gà ra dĩa có giấy thấm dầu. Chắt bớt dầu ra khỏi chảo.

– Cho tỏi băm vào phi thơm, cho thêm 2 muỗng cafe nước mắm, ớt bột, 1 muỗng cafe đường, chút nước lọc, hòa cho đều, nấu cho sôi.

Bước 5:

– Cho gà vào trở lại chảo, đảo đều cho mọi thứ trong chảo bám vào thịt gà, nêm nếm cho vừa miệng. Cuối cùng cho lá lốt vào xào cho chín tới, tắt bếp. Ăn nóng với cơm.

Theo  Cún Khang

Cách làm CÁNH GÀ KHO COCA

Cánh gà kho coca là món ăn đơn giản, dễ làm nhưng sẽ là một món ăn ngon cho bữa cơm gia đình bạn.

Chuẩn bị:

– Cánh gà: 9 lạng

– Nước tương: 45ml

– 1 muỗng cafe Tỏi băm

– 1 muỗng cafe Tiêu xay

– 1 muỗng cafe hắc xì dầu

– 2,5ml rượu gạo

– 1 chai coca cola 250ml hoặc 1 lon coca

– Hành lá, dầu ăn

Thực hiện:

Bước 1: Thịt gà mua về rửa sạch, thấm cho ráo rồi cho vào bát, ướp với rượu, xì dầu, hắc xì dầu, tỏi băm, tiêu xay, trộn đều lên rồi dùng màng thực phẩm bọc lại, ướp trong 1-2 tiếng (có thể cho vào tủ lạnh)

Bước 2: Bắc chảo dầu, cho tỏi băm vào phi thơm, rồi xếp cánh gà đã ướp vào xào săn.

 

 

Trở qua trở lại cho vàng đều.

Tiếp theo trút coca cola vào, vặn lửa nhỏ kho tới khi cánh gà ngấm coca chuyển màu nâu cánh gián. Khi nước rút còn 1/3 nhớ nếm lại cho vừa miệng.

Tiếp tục kho cho nước keo hết là xong. Rắc hành lá lên, dọn ra ăn nóng với cơm.

mav856

 theo Như Lan (Boriville)

Cách làm CANH GÀ NẤU NGÔ

Thịt gà và ngô ngọt là hai nguyên liệu hợp nhau, khi phối hợp trong nồi canh sẽ cho ra hương vị đậm đà, hấp dẫn tự nhiên. Đây cũng là món canh rất bổ dưỡng.

1. Nguyên liệu

– 1 cái đùi gà

– 2 trái ngô ngọt (bắp Mỹ)

– 1 củ cà rốt

– 1 lạng ngao

– Một ít nhãn khô

– 1,5l nước lọc

– Muối, tiêu
2.Thực hiện

– Bắp mua về lột vỏ, bỏ râu, chặt làm khúc vừa ăn (1 trái chặt làm 3 làm 4 là vừa)

– Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, xắt miếng vừa miệng.

– Long Nhãn khô rửa sạch, ngâm cho nở mềm

– Ngao rửa sạch, ngâm nước muối + ớt cho nhả hết chất bẩn, sau đó cọ rửa vỏ lại cho sạch (có thể dùng ngao đã tách vỏ).

 

– Bắc nồi nước đủ nấu canh, cho gà vào nấu sôi, vặn nhỏ lửa, hớt bọt cho nước trong. Tiếp theo cho tất cả các nguyên liệu còn lại vào nồi, đun sôi lần nữa rồi vặn lửa nhỏ, ninh trong 1 tiếng cho gà mềm (có thể hầm nồi áp suất, chỉ khoảng 15p)

– Nêm nếm gia vị lại cho vừa miệng, ăn nóng với cơm.

Tao Đàn (theo tapchiamthuc)

Cách làm món CHẢ GÀ LÁ LỐT

Món chả hấp dẫn với hương vị và kết cấu đặc trưng của thịt gà hòa lẫn trong mùi thơm của lá lốt sẽ khiến nó trở thành món ăn “đắt khách” trong mâm cơm nhà bạn.

Nguyên liệu:

– 4 lạng thịt gà, lóc lấy thịt xay hoặc băm nhuyễn
– 8 lá lốt
– 3-4 nấm mèo
– Bột năng (hoặc bột mì), hành củ, các loại gia vị thông thường.

Cách làm:

Bước 1:

– Gà ướp với 1 muỗng súp dầu ăn, 1 muỗng súp bột năng, 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe bột nêm, chút tiêu, 1 muỗng súp nước mắm, 1 muỗng cafe đường trắng.

Bước 2:

– Nấm mèo ngâm nước ấm cho nở rồi rửa sạch, cắt bỏ chân, thái vụn.

– Lá lốt nhặt rửa sạch, thái sợi.

Bước 3:

– Lấy cái tô cho thịt gà, lá lốt, nấm mèo vào trộn đều, lấy muỗng quết cho thịt mịn, dai. Sau đó dùng miếng bọc thực phẩm bịt kín miệng tô lại rồi cho tô vào ngăn đá tủ lạnh 30 phút.

Bước 4:

– Sau 30 phút lấy ra, xoa chút dầu ăn trên tay rồi múc 1 nắm hỗn hợp (vừa ăn), vê thành viên tròn dẹt. Làm lần lượt cho hết.

Bước 5:

– Bắc chảo dầu cho chả gà lá lốt vào rán chín vàng, trở đều hai mặt cho chín đều. Khi rán tỏa ra mùi thơm rất hấp dẫn.

– Ăn nóng với cơm hoặc dùng làm món ăn vặt.

Theo Cún Khang

Cách làm GỎI GÀ RAU MÁ

Gỏi gà rau má là món ăn hấp dẫn và ngon miệng. Với phần nước luộc gà, bạn có thể nấu canh hoặc làm nên món cháo ăn kèm rất thích hợp.

Nguyên liệu

  • Gà ta: con khoảng 1,5kg
  • Gạo: 2 lạng (nếu ăn kèm cháo)
  • Rau má: 500g
  • Hành tím: vài củ
  • Hành lá: một nắm
  • Chanh: 2 trái
  • Gia vị các thứ.

Thực hiện

Làm gỏi gà rau má:

– Rau má nhặt rửa sạch.

– Hành tím xắt lát nhỏ, phi vàng với chút dầu ăn.

– Gà mua về làm sạch, thấm cho thật ráo nước.

– Bắc nồi nước nấu sôi rồi cho gà vào (ngập con) luộc kèm với một nắm hành lá, vặn lửa nhỏ lại. Khi nấu nhớ hớt bọt cho nước được trong. Phần nước này chút nữa để nấu cháo.

– Kiểm tra gà chín bằng cách dùng đũa đâm vào chỗ thịt dày nhất của gà, nếu dễ đâm thì gà đã mềm. (Nếu muốn ăn gà dai thì vớt ra sớm hơn).

– Gà chín, vớt ra ngâm vào nước lạnh cho gà mau nguội và da săn. Gà hơi nguội thì xé phay thành miếng hoặc sợi vừa ăn. Phần xương cho lại vào nồi chút nữa nấu cháo.

– Làm nước trộn: Nước cốt của 2 trái chanh + 3 thìa súp đường + 1 thìa cà phê muối + 1/2 thìa cafe bột ngọt + 2 thìa cafe nước mắm + 1/2 thìa cafe tiêu, khuấy đều, nêm nếm lại vừa miệng.

– Bỏ rau má vô cái tô lớn rồi rưới nước trộn lên, chan tiếp hành phi (cả dầu lẫn hành) vào, trộn cho kĩ, ngấm đều. Sau mới cho tiếp thịt gà xé vào trộn chung.

– Khi ăn rắc tiêu, hành phi lên mặt.

Nấu cháo:

– Nếu ăn kèm cháo, bạn nấu luôn với nồi nước luộc xương gà còn chừa lại ban nãy.

– Đầu tiên lấy 2 lạng gạo rang sơ cho gạo ngả màu trắng đục. Đừng rang lâu quá gạo vàng có mùi. Sau đó vo lại cho sạch, rồi trút gạo vào nồi nước gà, ninh với lửa liu riu cho tới khi cháo nhừ (giai đoạn đầu nhớ canh hớt bọt cho kĩ).

– Gạo nhừ thành cháo rồi thì nêm nếm lại vừa miệng. Rắc ít hành lá thái nhuyễn ăn kèm.

 

 

Theo CHÂU THÀNH

Cách nấu món GÀ SỐT CAM TƯƠI

 

Gà sốt cam có cách làm đơn giản, nhờ đó hương vị của gà vẫn giữ nguyên, hòa quyện cùng vị chua ngọt thơm của sốt cam sẽ khiến cho cả nhà thích thú và ăn không ngừng đũa.

Chuẩn bị nguyên liệu  (cho 4 người)

Phần gà:

  • – 500g ức gà
  • – Lòng trắng trứng: 2 cái
  • – 30ml dấm gạo
  • – 60g bột bắp
  • – 3g men nở
  • – Dầu ăn
  • – Muối

Phần sốt cam:

  • – 300ml nước xương gà (hoặc nước lọc)
  • – 30ml nước cam, 70ml nước cốt chanh
  • – 15g vỏ cam
  • – 100ml giấm gạo
  • – 50g đường cát, 50g đường nâu
  • – 2 quả ớt
  • – 30g bột bắp
  • – 30ml nước
  • – 5g gừng bào nhuyễn
  • – Xì dầu, dầu mè
  • – Hành lá, vừng trắng (trang trí)

Thực hiện:

– Bước 1:

– Gà rửa sạch, thái miếng vừa ăn, xong cho vào bịch đựng thực phẩm. Trộn hỗn hợp lòng trắng trứng + bột bắp + giấm gạo + men nở + chút muối cho đều rồi ướp cùng gà trong bịch.

Bước 2:

– Khóa túi lại ướp trong 30 phút. Lúc này chuẩn bị làm sốt.

Bước 3:

– Cạo vỏ cam (không vứt nhé!), vắt lấy nước

 

Bước 4:

Cho vỏ cam đã cạo cùng với gừng vào trong chảo dầu nóng, phi thơm.

Bước 6:

– Cho tất cả nguyên liệu làm sốt còn lại vào chảo trừ hành lá và mè ra, nấu tới khi hỗn hợp sốt đặc lại.

Bước 6:
– Bắc chảo khác chiên gà đã ướp trong ngập dầu tới khi gà vàng nâu các mặt, sau đớ vớt ra để ráo.
Bước 7:- Sốt còn nóng cho gà vào trộn, nhắc ra khỏi bếp, rắc hành lá thái cọng và mè trắng lên trang trí.

 

 

 

Bảo Tố

Cách nấu món GÀ XÀO CAY

Thịt gà xào săn với vị cay ngọt thơm lừng nóng hổi sẽ là một lựa chọn tuyệt vời trong thực đơn của những ngày mưa.

Nguyên liệu 

Cho 2 người ăn:

  • – Đùi gà: 1 cái to
  • – Ớt ngâm băm: 30g
  • – Gừng: 1 mẩu
  • – Vài tép tỏi, vài cọng hành lá
  • – Rượu trắng, nước tương, đường.

Thực hiện:

Bước 1:

– Gà rửa sạch, lóc xương rồi cắt ra thành miếng vừa ăn.

– Gừng xắt lấy 3 miếng mỏng.

Bước 2:

– Bắc nồi nước, 3 lát gừng và rượu vào nấu sôi, sau đó cho gà vào luộc sơ 2 phút.

Bước 3:

– Tỏi và phần gừng còn lại băm nhỏ. Hành lá thái nhỏ.

Bước 4:

– Bắc chảo cho tí dầu làm nóng rồi cho gừng, tỏi băm vào phi thơm ,tiếp đến cho ớt băm vào xào cùng.

 

Bước 5:

– Cho gà vào xào chung, nêm thêm đường, xì dầu. Xào lửa lớn cho tới khi nước keo lại, thì tắt bếp. Dọn ra ăn nóng.

 

 

 

Theo Vy Trân / MASK Online

Cách làm GÀ HẤP RƯỢU

Thay vì đem hấp bia thì ta có thể làm món gà hấp rượu cho đậm đà. Món ăn này rất đơn giản nhưng có lẽ nhờ sự đơn giản đó mà vị ngon đặc trưng của thịt gà ta lại càng thêm nổi bật.

Nguyên liệu:
– Gà ta: con chừng 1,5 kg.
– Rượu trắng: 200ml.
– Hành củ.
– Cà chua: 2 trái.
– Bột ngô, dầu vừng.
– Gia vị: Xì dầu, tiêu xay, nước mắm.

Cách thực hiện:

– Gà nói người bán làm giùm, đem về nhà rửa lại bằng muối cho sạch rồi chặt gà từng miếng vừa ăn cỡ bằng hộp diêm. Ướp gà với hành tím băm, với 1 thìa canh nước mắm + 1 thìa cà phê bột ngọt, trộn đều để 20 phút cho ngấm gia vị.
– Cà chua rửa sạch thái hạt lựu.
– Xếp từng miếng gà ra đĩa tạo thành hình nguyên con, đổ 200 ml rượu trắng vào đĩa rồi đem đi hấp cách thủy khoảng 45 phút.
– Làm nước sốt để chấm: Bắc chảo lên bếp, cho 2 thìa cà phê dầu mè vào đun nóng rồi cho cà chua vào đảo đều đến khi cà chua nát ra thì cho tiếp 1 thìa cafe nước tương và bột bắt vào quấy đều là được.
– Cho đĩa gà ra, rưới nước sốt lên trên cho bắt mắt.

 

 

Cách nấu món GÀ VIÊN SỐT CÀ

Món thịt gà viên sốt cà với vị chua ngọt rất dễ ăn sẽ làm cho bữa cơm gia đình bạn thêm phần hấp dẫn.

Chuẩn bị:

  • – Thịt gà xay: 3 lạng
  • – Cà chua chín: 2 trái, bổ múi cau
  • – Hành lá: vài nhánh, thái nhỏ
  • – Bột năng: 2 muỗng cafe, hòa với chút nước cho tan
  • – Tỏi, dầu ăn, các gia vị thông thường.

Thực hiện:

– Gà đem trộn đều với 2 muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe bột nêm, 3 muỗng cafe dầu ăn, chút tiêu, bột năng đã hòa tan. Sau đó cho vào tủ đá cho thịt xốp lại.

– Thịt đông xốp rồi thì lấy ra, dùng cái muỗng lớn quết thịt cho kĩ, nhuyễn để dai thịt (hoặc cho vào máy xay xay mịn).

– Vê thịt thành từng viên tròn.

– Bắc chảo dầu nóng, lần lượt cho thịt vào chiên sơ cho thịt vàng, sau đó gắp ra ngoài.

– Chắt bớt dầu trong chảo, chừa lại một ít, cho tỏi băm vào phi thơm sau đó cho cà chua vào xào cho nhừ để làm sốt cà. Muốn cà chua mau nhừ thì cho vào 1 muỗng cafe muối xào chung.

– Sau đó cho gà viên vào trở lại chảo, châm thêm chút nước lạnh ngập nửa mặt thịt. Đậy nắp, vặn nhỏ lửa nấu tới khi thịt chín. Lúc này nêm vào 1 muỗng cafe muối , 1 muỗng cafe đường, nếm lại cho vừa miệng.

– Thịt chín, nước queo lại thì tắt bếp, rắc hành lá lên trên. Ăn nóng với cơm.

Theo Cún Khang

Cách làm CÁNH GÀ KHO CỦ CẢI

Phần thịt cánh gà mềm ngọt mà không quá béo sẽ rất phù hợp để làm các món kho với rau củ.

Chuẩn bị:


  • – Củ cải: 500g
  • – Gừng: 1 mẩu, xắt lát mỏng
  • – Cánh gà: 9 cái, rửa sạch, thấm thật khô
  • – 2 quả trứng luộc chín, lột bỏ vỏ
  • – Dầu ăn, muối, nước lọc
  • – Gia vị: 3 muỗng cafe rượu sake [ hoặc rượu trắng], 2 muỗng cafe rượu mirin [hoặc 1 muỗng cafe đường], 1 muỗng cafe đường, 3 muỗng cafe xì dầu.

Thực hiện:

Gọt vỏ củ cải, xắt lát dày cỡ 1,5cm

Nếu củ cải của bạn có phần lá, thì rửa sạch phần này sau đó cắt khúc 10cm, trụng qua nước sôi có pha muối.

Cho chút dầu ăn vô nồi rồi xếp cánh gà vào chiên sơ 2 mặt.

Tiếp theo xếp củ cải và gừng xắt lát vô nồi.

Đổ tiếp rượu sake, xì dầu vào.

Cuối cùng châm 1/2 ly nước lọc vào rồi cho trứng luộc vào cùng.

Đậy nắp nồi, kho nhỏ lửa cho tới khi nào trứng ngấm, gà và củ cải chín mềm đều, lên màu cánh gián đẹp mắt (có thể dùng nồi áp suất hoặc nồi ủ). Ăn nóng với cơm. Nhớ xếp lá củ cải vào ăn kèm.

Tú Trân (Theo www.justonecookbook.com/)

Cách làm GÀ OM CAY

Món gà om cay với vị ngọt của gà, hương thơm của gừng, ớt, tỏi đủ làm cho ai nấy cảm thấy thích thú, ngon miệng.

Nguyên liệu:

  • – Gà: nửa con
  • – Hành tây: 1 củ, bỏ vỏ, cắt thành miếng vừa ăn
  • – Hành tím: 5 củ
  • – Tỏi: 4 tép
  • – Gừng: 1 mẩu, thái lát mỏng
  • – Hành lá: vài cọng, cắt khúc nhỏ
  • – Ớt khô: 5-6 trái
  • – Nước luộc gà: 200ml
  • – Gia vị ướp: Rượu gạo, xì dầu, dầu mè, đường, mỗi thứ một chút.

 

Cách làm:

Bước 1: Gà mua về rửa sạch, để ráo, chặt miếng vừa ăn, ướp với 15ml rượu gạo; 15ml xì dầu; 5ml dầu mè trong 20 phút cho ngấm.

 

Bước 2: Bắc chảo dầu nóng, cho tỏi, gừng, hành tím, ớt vào phi thơm rồi cho hành tây vào xào mềm. Tiếp theo cho gà vào xào săn.

 

Bước 3: Chuẩn bị nồi kho (hoặc tộ), cho gà vào, châm nước luộc gà xâm xấp mặt gà, nấu sôi rồi vặn nhỏ lửa. Đun riu riu 10-15 phút cho gà chín hẳn, nước quánh lại. 

 

Bước 4: Nêm nếm lại vừa miệng, đun tiếp vài phút rồi tắt bếp. Ăn nóng với cơm.

 

 

Theo Như Lan (DDC) (Khám phá)

Cách làm GỎI BƯỞI THỊT GÀ

Gỏi bưởi thịt gà là món ăn hấp dẫn và bổ dưỡng với sự kết hợp giữa vị ngọt, độ dai của gà ta và vị chua ngọt của bưởi. Món này rất thích hợp trong bữa cơm gia đình ngày nóng, cũng có thể cho lên bàn tiệc.

Nguyên liệu:

  • Gà ta: 1/2 con
  • Tôm khô: 1 lạng
  • Đậu phộng rang giã nhuyễn
  • Bưởi: 1 trái cỡ 1 kg
  • Tắc (quất, hạnh): 2 lạng
  • Đường, muối, hột nêm, tiêu xay, nước mắm.
  • Hành phi
  • Hành lá
  • Ớt
  • Lá chanh thái chỉ (hoặc rau răm)

Thực hiện:

– Gà mua về đem rửa sạch rồi nấu chín với tí muối và 1 nắm hành lá (cho khỏi hôi), sau đó lóc lấy thịt, xé sợi.


– Trái bưởi lột vỏ, lấy phần cùi thịt tách thành nhiều miếng nhỏ.

– Làm nước trộn gỏi: Tắc vắt lấy nước, trộn với 4 muỗng cafe đường, 1.5 muỗng cafe bột nêm, 1 muỗng cafe tiêu xay, 2 muỗng cafe nước mắm, ớt tùy ăn. Trộn lên cho đều. Nếm coi vừa miệng chua ngọt chưa, nếu mặn hoặc chua quá thì châm nước, vì chút nữa lại trộn bưởi vào.

– Trộn gà, bưởi, đậu phộng rang, hành phi và nước trộn gỏi cho đều. Trộn nhẹ tay kẻo nát bưởi. Nếm lại lần nữa nếu chua thì pha chút nước đường vào trộn. Sao cho hương vị chua ngọt thơm vừa vặn là được.

– Trước khi ăn rắc chút lá chanh thái chỉ hoặc trộn rau răm cho dậy mùi.

Bảo Tố

Cách nấu SÚP GÀ NẤM HƯƠNG

Canh gà nấm hương là món ăn đơn giản, dễ làm nhưng rất ngon miệng và bổ dưỡng, thích hợp để bồi bổ cho người ốm, đây cũng là món canh có tác dụng giải cảm.

Nguyên liệu:

  • – Thịt gà: 500g
  • – Nấm đông cô (nấm hương): 1 lạng
  • – Các gia vị thông thường, Hành lá

Cách làm SÚP GÀ NẤM HƯƠNG:

– Gà chặt miếng nhỏ vừa ăn, trụng qua nước sôi rồi xả lại bằng nước lạnh cho sạch sẽ, ướp với chút mắm, muối trong 20 phút.

– Nấm ngâm nước ấm cho nở mềm, rửa sạch đất cát, bỏ chân nấm, xắt làm đôi.

– Cho thịt và nấm vào nồi, chế tiếp nước vào ngập hơn mặt thịt một tí, nấu lửa lớn cho sôi rồi hạ nhỏ, đun cho tới khi thịt gà chín kĩ, mềm.

– Nêm nếm lại gia vị, đun thêm 2-3 phút nữa rồi tắt bếp. Múc ra tô, rắc hành lá thái nhỏ lên trên. Ăn nóng một mình hoặc ăn với cơm.

 

Bảo Tố

Cách làm GÀ HẤP MUỐI HỘT

Thịt gà ta của Việt Nam vốn đã ngon ngọt, khi nấu chỉ cần dùng những biện pháp “ban sơ” nhất để giữ lại nhiều vị ngon của gà, thì bạn đã có một bữa ăn tuyệt ngon cho gia đình.

Nguyên liệu:

  • 1 con gà ta, lựa gà non hoặc chưa già
  • Muối hạt
  • Rau răm, lá chanh, lá chuối

Cách làm:

– Gà nói người bán làm sạch, mua về rửa lại rồi để ráo, lau khô. Lưu ý là với gà để hấp, khi mổ nên mổ moi, không mổ phanh, để gà giữ được nước ngọt khi hấp.

– Rau răm lặt rửa sạch, để cho ráo. Lá chanh rửa sạch. Lá chuối cũng rửa sạch, lau khô nhẹ nhàng, đừng để rách.

– Rắc muối vô nồi hấp (nếu hấp bằng nồi đất càng ngon), sau đó đậy lên mặt muối một lớp lá chuối (cốt để gà không đụng vào muối), sau đó đặt con gà nằm giữa, xếp rau răm và lá chanh xung quanh gà. Dùng lá chuối còn lại đậy kín con gà.

– Đậy nắp nồi, hấp gà trong khoảng 20 phút là được, ăn nóng với cơm. Dọn thêm muối tiêu chanh để chấm kèm.

Bảo Tố

7 THỰC PHẨM TỐI KỴ ĐUN ĐI NẤU LẠI NHIỀU LẦN

Để tiết kiệm chi phí cũng như thời gian chuẩn bị món ăn, nhiều người nội trợ đã quen với kiểu nấu một món ăn thật nhiều rồi đun, xào lại cho bữa ăn sau. Cách làm này có vẻ tiện lợi, nhưng nhiều khi nó mang lại tác hại cho sức khỏe, nhất là khi bạn đun đi đun lại những thực phẩm sau:

1. Thịt gà

Theo Boldsky, khi hâm nóng thịt gà, các protein trong thịt sẽ biến đổi và có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa. Bạn nên mua lượng thịt vừa đủ và ăn hết trong một bữa.

Nếu bắt buộc, bạn lấy thịt đông lạnh, để rã đông tự nhiên vài giờ trước khi ăn.

2. Khoai tây

Khoai tây là một loại tinh bột bổ dưỡng, nếu để lâu ngày, chúng sẽ mọc mầm và gây hại cho sức khỏe. Khi bạn dùng khoai tây hâm nóng lại nhiều lần, các chất dinh dưỡng mất hết, thậm chí chúng có thể gây rối loạn tiêu hóa.

3. Củ cải đường

Đun lại món củ cải đường sẽ khiến các gốc nitrat và chất dinh dưỡng bay hơi hết. Nếu muốn sử dụng củ cải đường bảo quản trong tủ lạnh, bạn có thể để nó tan giá tự nhiên vài giờ trước khi sử dụng.

4. Nấm

Nấm là thực phẩm chỉ nên ăn lúc còn tươi và không bao giờ đun lại nhiều lần. Nhiệt độ cao có thể khiến các protein trong nấm thay đổi và trở nên nguy hiểm đối với cơ thể con người.

5. Trứng

Các protein trong trứng sẽ bị phá hủy nếu bạn đun lại nó lần thứ 2. Thậm chí, trứng có thể biến đổi thành phần dinh dưỡng thành chất gây hại và gây rối loạn tiêu hóa.

Bạn không nên hâm lại món trứng để đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình.

6. Rau bina

Món rau bina được hâm lại nhiều lần có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Do nhiệt độ khiến các gốc nitrat trong rau bina biến đổi thành nitrit – một hợp chất gây ung thư.

Tốt nhất, bạn nên sử dụng rau bina ngay sau khi chế biến để hấp thụ hiệu quả chất dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe.

7. Cần tây

Rau cần tây là một loại gia vị quan trọng trong các món súp, xào… Việc hâm nóng loại rau này có thể sinh ra chất nitrit gây ung thư nguy hiểm.

Nếu muốn hâm lại món súp chứa cần tây, bạn hãy loại bỏ hết loại rau này trong món ăn trước khi tác động nhiệt.

Theo Thu Hoài –  Zing.vn