Cách làm DƯA GÓP chua ngọt ăn Bún chả

Cách làm này sẽ đem lại hương vị thanh nhẹ của dưa góp miền Bắc, chứ không chua ngọt đậm như kiểu miền Trung hay miền Nam. Loại dưa góp này thích hợp với các món như Bún chả, bánh rán mặn, bánh gối, phở cuốn…

Nguyên liệu:

  • Su hào (hoặc củ cải, đu đủ)
  • Cà rốt
  • Muối tinh
  • Đường vàng
  • Dấm hoa quả (dấm thường cũng được nhưng mùi hơi nặng).
  • Chút tỏi băm.

Cách làm:

– Các loại củ gọt vỏ. Sau đó xắt lát mỏng. Nếu để bỏ vào nước chấm bún chả, bánh gối này nọ… thì xắt bản to bằng đồng xu 1000 – 2000đ (tròn hay tam giác, vuông tùy bạn). Ăn với gà nướng vịt quay gì đó thì xắt lát to mỏng dài cắn cho sướng.

– Cho củ quả vào tô, thêm chút giấm và muối vào trộn lên, ngâm khoảng 15 phút rồi chắt nước đổ đi. Rửa lại bằng nước rồi vắt nhẹ cho ráo.

– Cho vào cái tô, trộn với đường, ớt, dấm, chanh, chút tỏi băm. Nêm nếm lại vừa miệng chua ngọt là được. Nếu làm để thả vào nước chấm (ăn bún chả, bánh rán, bánh gối…) thì làm lạt lạt một chút. Nếu làm dưa góp ăn kèm với gà quay, cút quay thì làm chua ngọt đậm hơn tí.

– Để khoảng 20 phút là ăn được rồi.

Bé Thúi.

Bún Chả, Hột Vịt Lộn được bầu vào top 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Bún chả Hà Nội lại thêm một lần được vinh danh trên diễn đàn ẩm thực thế giới.

Các độc giả của tờ National Geographic trên facebook đã bầu chọn cho món ăn Việt Nam lọt vào top 10 danh sách các món ăn đường phố ngon nhất. Bên cạnh Bún Chả, một món khác cũng có ở Việt Nam là Hột vịt lộn, tuy vậy, trong danh sách này thì hột vịt lộn thuộc về Phillippines.

Cùng xem qua danh sách 10 món ăn rất hấp dẫn này:


Bún Chả (Việt Nam):

Món ăn phổ biến ở phố cổ Hà Nội, bạn có thể nhận ra tiệm bán món này nhờ vào những vỉ nướng thịt được đặt ở vỉa hè, ngay sát bên hông bạn. Xem thêm CÁCH LÀM BÚN CHẢ



Nasi Lemak (Mã Lai):

Món cơm sữa dừa phủ tương này đã hấp dẫn nhiều du khách thập phương. Nasi Lemak thường ăn kèm trứng, cà ri Mã Lai, hoặc mực sốt cà ri cay.



Bacalhau (Bồ Đào Nha):

Món salad làm từ cá tuyết, khoai tây, trứng, hành, gia vị và rau thơm, thường ăn kèm bánh mì và phô mai.


Bánh Doubles (Trinidad & Tobago):

Món bánh với lai lát bánh làm từ bột mì, kẹp ở giữa một hỗn hợp nhân bao gồm đậu, tương ớt, dừa, tiêu.



Đồ ăn tại chợ đêm Chiang Rai, Thái Lan.

Nơi đây rất được du khách ưa thích vì có nhiều món ăn ngon, hấp dẫn và có khẩu vị đầy kích thích của ẩm thực Thái Lan.



Dahi Vada (Ấn Độ).

Món ăn là sự kết hợp giữa bánh đậu, sữa chua và sốt cay đã trở thành một ấn tượng ẩm thực khó quên đối với nhiều người đã đi qua chợ Chandni Chowk, Ấn Độ.



Bánh Donut mật ong (Peru):

Món bánh donut với nguyên liệu chính là khoai lang, bí đỏ, ăn kèm với nước sốt chancaca có nguyên liệu chính từ mật ong.



Bánh Momo (Nepal)

Khá giống món điểm tâm của người Trung Quốc, nhưng có nhân thịt, rau hoặc phô mai Chhurpi. Bánh được hấp lên ăn với nước sốt làm từ cà chua, ớt, rau gia vị xay. Món ăn có lớp vỏ dai, nhân hấp dẫn và nhất là giá rẻ.



Hột vịt lộn (Phillippines):

Tại Phillippines, hột vịt lộn được gọi là Balut, một món ăn đơn giản làm từ hột vịt đã có phôi, luộc chín và ăn kèm với rau thơm.


Bao tử (Trung Quốc)

Bánh Bao bột mì hấp của Trung Quốc vốn dĩ nổi tiếng trên thế giới với phần nhân xá xíu, trứng cút được tẩm ướp gia vị.

Bánh Quy – Theo  National Geographic Food

 

Cách làm Bún Chả

Bún chả là món ăn nổi tiếng của miền Bắc Việt Nam. Bún chả khá giống bún thịt nướng ở miền Trung và Nam bộ, vì cùng là bún ăn với thịt nướng, khác biệt ở chỗ vị nước chấm của bún chả thanh dịu hơn, về nguyên liệu và cách ăn, có thể thấy là đặc điểm của bún thịt nướng là ở sự pha trộn mạnh mẽ các nguyên liệu, còn ở bún chả, là sự kết hợp nhẹ nhàng của các hương vị.

Công thức làm bún chả thì lúc nào nhìn vào cũng thấy dài dòng, nhưng thật ra làm rất đơn giản.

 

Nguyên liệu:

  • Bún: 1kg
  • Thịt ba rọi: 500gr, bỏ bì, xắt miếng mỏng
  • Thịt nạc vai xay nhỏ: 500gr
  • Cà rốt, su hào (hoặc đu đủ) số lượng tùy thích
  • Chanh
  • Sả băm
  • Hành củ, hành lá, tỏi, sữa đặc, nước mắm, nước hàng, đường, gia vị
  • Rau xà lách, rau húng, tía tô, kinh giới…để làm rau sống ăn kèm.

Cách làm:

Chuẩn bị:

  • Sả băm hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước, chia làm hai phần.
  • Hành củ và tỏi băm nhuyễn.
  • Hai loại thịt xay và thịt miếng để ra hai cái tô riêng. Mỗi loại ướp với một phần nước sả, 1 muỗng cafe tiêu, 2 muỗng cafe sữa đặc, hành tỏi đã băm, 1 muỗng cafe muối, 2 muỗng cafe đường, 1 muỗng canh dầu hào, 2 muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cafe nước hàng (click vào xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG), nếu có mật ong thì thêm 1 muỗng mật ong.
  • Ướp thịt trong khoảng 30 phút (nếu có điều kiện thì ướp qua đêm sẽ ngon hơn nhiều). Sau đó xắt 1 miếng chanh, vắt mỗi loại thịt 1 nửa miếng chanh để thịt nướng mềm hơn.
  • Ướp tiếp trong vòng 30 phút. Trong khoản thời gian này thì lo chuẩn bị làm đồ chua và nước chấm.

Làm đồ chua (dưa góp), nước chấm:

  • Su hào, cà rốt gọt vỏ, xắt miếng mỏng, nhỏ như đồng xu 1000 là vừa, sau đó cho 1 nhúm muối vào trộn lên cho ra bớt nước. Rửa lại bằng nước. Để ráo. Cho vào cái tô, trộn với đường, chanh, dấm, ớt, chút tỏi băm, sao cho vừa đủ mặn, ngọt, chua là được, đừng trộn lạt quá vì chút nữa lại bỏ vô nước chấm.
  • Trong khi chờ đồ chua ngấm, thì làm nước chấm.
  • Chuẩn bị một tô to, thêm vào 1,5 chén nước lọc (nếu có thời gian chuẩn bị, thì nên dùng nước xương gà, bấm vào đây >>> Xem cách làm nước chấm bún chả công phu hơn), 1/2 chén nước mắm, 3 muỗng canh đường, 2 miếng chanh, chút tỏi ớt, bột ngọt… rồi hòa ra cho đều. Vừa pha vừa nếm, nêm lại cho vừa ăn, Nên pha các nguyên liệu kia trước rồi mới châm nước mắm sau cùng, như vậy dễ điều tiết được vị mặn. Lưu ý nước chấm bún chả miền Bắc không giống nước chấm bún thịt nướng ở miền Nam, mà nên làm cho vị được thanh nhẹ, chua dịu, ngọt dịu, không nặng mùi mắm như nước bún thịt nướng.

Nướng chả:

  • Lúc này thịt đã ngấm, ta lấy thịt băm ra vo viên to vừa ăn, kích cỡ tùy thích. Sau đó bắt đầu nướng: Có thể nướng bằng lò nướng, nhưng không ngon bằng nướng than. Trong lúc nướng lật đều tay, thỉnh thoảng quết 1 lớp dầu ăn lên thịt để thịt khỏi khô. Khi thịt sắp vàng, quết 1 lớp mật ong (nếu có), chờ tí cho vàng đều rồi lấy xuống.
  • Tiếp tục nướng hết phần thịt còn lại.

Măm măm:

  • Trước khi ăn, đem nước chấm hâm lên cho vừa nóng (đừng hâm nóng quá). Múc nước chấm ra tô, thả thịt nướng, đồ chua làm lúc nãy vào đó. Bún để riêng trong một dĩa khác. Rau sống cũng riêng một dĩa.
  • Khi ăn, thường là gắp 1 miếng bún chấm qua nước chấm rồi ăn kèm với chút thịt, rau sống. Ai làm biếng thì đổ bún vào nước chấm húp ăn xùm xụp như ăn bún riêu luôn, nhưng cách này không ngon, vì bún ngâm lâu ăn dễ ngán.

Bé Thúi (MAV.vn)

Xem thêm:

Cách làm nước dùng bún chả, bún nem

Nước chấm bún có nhiều cách tùy mỗi nhà. Muốn cho nhanh nhẹn thì pha nước với mắm đường tỏi ớt, nếm lại cho vừa miệng. Nhưng nếu có thời gian, thì làm kĩ hơn, hương vị cũng sẽ ngon hơn.

Nguyên liệu:

  • Nước xương gà: 1 bát
  • Nước dừa: 1 bát
  • Nước mắm: 2/3 bát
  • Nước hàng: 2 muỗng cafe (xem Cách làm nước hàng)
  • Đường: 3 muỗng canh
  • Chanh: 1 miếng
  • Muối: 1 chút
  • Tỏi, ớt, bột ngọt

Cách làm:

  1. Nước xương, nước dừa, nước hàng, đường, muối đem bỏ vào 1 cái nồi, nấu sôi, nhớ hớt bọt.
  2. Sau khi sôi thì nhắc ra ngâm vào nước lạnh, chờ cho nguội, bắt đầu châm nước mắm vào. Châm từ từ cảm thấy vừa ăn thì ngưng, đừng đổ hết 1 lúc có khi mặn, tại nước mắm tùy loại có loại mặn lè có loại lạt nhách.
  3. Sau khi thấy vừa miệng, vắt thêm miếng chanh. Rồi cho tỏi, ớt vào quậy lên cho đều.
  4. Nước chấm này nếu dùng cho bún nem, bún chả, thì trước khi ăn cần phải hâm nóng lại. Còn dùng với các món khác thì tùy bạn.

Bé Thúi (MAV.vn)

Xem thêm: