Cách làm BÁNH NƯỚNG TRUNG THU

Bánh nướng là loại bánh không thể thiếu trong những món bánh ngon mùa Trung thu.  Bánh nướng nhân thập cẩm là kiểu bánh truyền thống, sau này có thêm trứng muối và thêm bớt một số nguyên liệu khác, giúp cho món bánh trở nên gần gũi với khẩu vị hiện nay hơn.

Làm bánh trung thu trải qua khá nhiều công đoạn, tuy vậy bạn chỉ cần chu đáo, cẩn thận thì việc làm nên một chiếc bánh ngon và an toàn cho gia đình không phải là khó.

1. Nguyên liệu:

  • * Vỏ bánh: (Cho 12 cái bánh 100g hoặc 10 cái 150g)
  • – 200g nước đường đã nấu (xem cách làm ở dưới)
  • – 50ml dầu ăn
  • – 1/4 thìa cà phê baking soda
  • – 1 thìa cà phê nước tro tàu
  • – 320g bột mỳ

4 nguyên liệu trên (trừ bột mỳ) trộn đều với nhau, để nghỉ ít nhất là 4 tiếng trước khi làm bánh

* Nhân bánh thập cẩm (Cho 12 cái bánh 100g hoặc 10 cái 150g):

  • – 120g hạt điều rang chín
  • – 120g vừng trắng rang chín
  • – 120g hạt dưa bóc nõn, rang chín
  • – 120g lạp xường loại ngon
  • – 120g mứt bí
  • – 120g mứt sen
  • – 100g mỡ đường (xem cách làm ở dưới)
  • – Lá chanh vài lá

* Nước sốt trộn nhân

  • – 50g đường xay
  • – 50g nước lọc
  • – 50g mật ngô (corn syrup)
  • – 1 thìa cà phê hắc xì dầu (dark/black soy sauce)
  • – 10ml dầu mè
  • – 20ml rượu Mai quế lộ / rượu trắng loại ngon
  •  – 50g bột nếp rang chín (bột bánh dẻo)

Trộn đều 6 nguyên liệu trên (trừ bột bánh dẻo), khuấy cho tan đường.

2. Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm:

* Phần nhân bánh:

Bước 1:

Làm mỡ đường:

– Xắt hạt lựu 100gr mỡ gáy, rửa sạch rồi đem luộc, nước sôi khoảng 3 phút thì vớt mỡ ra cho ráo nước.

– Trộn đều mỡ với 3 thìa đường, để một lúc cho ngấm.  Đem phơi ở nơi có gió đến khi mỡ trong là được (tốt nhất là bạn nên làm mỡ đường trước 1 ngày).

Bước 2:

– Xắt hạt lựu các loại mứt sen, mứt bí.

– Rửa sạch lá chanh rồi thái sợi, thái nhỏ lạp xưởng.

– Rang chín hạt điều, vừng trắng

– Hạt dưa bóc nõn, rang chín.

Bước 3:

– Cho tất cả các nguyên liệu phần nhân vào trộn đều trong một chiếc tô lớn, rót nước sốt trộn nhân đã làm vào. Tiếp đó rắc đều từng thìa bột bánh dẻo, trộn thật đều.

– Dùng tay thử xem có độ kết dính chưa, nếu chưa thì bạn thêm vào một ít corn syrup (mật ngôi) hoặc rượu, nếu ướt quá thì thêm một ít bột bánh dẻo, canh đến khi nào các nguyên liệu kết dính lại thành một khối là được.

 

* Phần vỏ bánh nướng:

Bước 1:

Cách làm nước đường (cho ra được khoảng 1L nước đường):

– 1 kg đường vàng/đỏ

– 600ml nước

– 1 thìa mạch nha (30g)

– Nước cốt của 1 quả chanh

– 1 thìa cà phê nước tro tàu

– Cho đường và nước vào nồi, khuấy tan rồi đun sôi, khi đường sôi không được khuấy nữa, vặn lửa nhỏ.

– Đun nước đường thêm khoảng 20 phút thì bạn đổ mạch nha và nước cốt chanh vào cùng, lưu ý là vẫn không nên khuấy đường.

– Tiếp tục đun thêm khoảng 15 phút thì cho nước tro tàu vào cùng, đun thêm 5 phút là được, tắt bếp, để nguội , bảo quản trong lọ nơi thoáng mát.

– Bạn nấu càng lâu thì màu nước đường sẽ càng đậm, vỏ bánh sẽ lên màu rất đẹp. Nên được thì bạn chuẩn bị nước đường đã nấu khoảng trước 1 tháng khi làm bánh hoặc lâu hơn nếu có thể, không thì làm trước khoảng 1 tuần.

Bước 2:

– Từ từ rót nước đường đã chuẩn bị vào trộn đều với 320gr bột mì, dùng tay trộn cho đến khi bột thành khối dẻo, mịn.

– Ủ kín bột lại và để bột nghỉ 30 phút.

Bước 3:

– Cân trọng lượng nhân bánh với vỏ bánh theo tỷ lệ 2:1. Ví dụ, làm bánh 150gr thì cân 100gr nhân và 50gr bột. Lấy một lượng bột tương ứng, ve tròn.

– Vo viên phần nhân thật chặt.

 

 

* Cách đóng bánh:

Bước 1:

– Rắc một lớp bột áo mỏng vào khuôn bánh.

Bước 2:

– Cán mỏng viên bột vỏ bánh, dày khoảng 2-3mm. Đặt viên nhân vào giữa, khéo léo bọc kín lại rồi ve tròn sao kho vỏ ôm khít nhân bánh.

– Lăn bánh qua một lớp bột áo rồi đặt vào khuôn, nén chặt. Như thế bánh sẽ chắc hơn và có họa tiết sắc nét đẹp mắt.

Bước 3:

Lót vào khay giấy nến, gỡ bánh ra khỏi khuôn và xếp vào khay nướng.

 

 

* Nướng bánh:

Bước 1:

Làm hỗn hợp trứng để quét lên mặt bánh nướng: 5ml nước + 1 lòng đỏ trứng, khuấy đều hỗn hợp.

Bước 2:

– Làm nóng lò nướng 10 phút ở nhiệt độ 200 – 210 C.

– Xếp bánh lên khay đã quét qua dầu ăn.

– Nướng bánh trong 5 phút, khi bánh có mùi thơm và bắt đầu vàng là được.

– Lấy nhanh bánh ra khỏi lò, xịt một chút nước lọc lên bánh rồi để bánh nghỉ 5 phút.

– Sau đó lấy chổi quét hỗn hợp lòng đỏ trứng lên mặt bánh.

 

Bước 3:

– Vặn lò nướng ở 220 độ C và nướng tiếp 3 phút.

– Khi bánh ngả màu vàng đậm thì tắt bếp, lấy bánh ra.

– Chú ý, nếu sau khi nướng lần 1, thấy bánh bị cứng thì nhúng bánh vào nước lạnh rồi vớt ra, để bánh nghỉ 10 phút mới nướng tiếp lần 2.

– Bánh để khoảng 2 ngày sẽ mềm và lên màu rất đẹp mắt.

 

 

 

 

Chúc các bạn thành công!

 Theo Bếp Thu Trang

 

Cách làm BÁNH TRUNG THU RƯỢU VANG

Những chiếc bánh trung thu rượu vang đẹp mắt và lạ miệng sẽ là điểm nhấn hấp dẫn cho bữa tiệc trung thu nhà bạn. Bánh này làm rất nhanh chóng và dễ dàng.

Nguyên liệu (cho 4 cái):

Phần vỏ:

  • – 2 lạng bột nếp rang (bột làm bánh dẻo)
  • – 320ml rượu vang
  • – nửa lạng đường
  • – 50g dầu ăn

Phần nhân:

  • -450g hột sen hấp nhừ nghiền nhuyễn
  • – 450g hột sen hấp nhừ nghiền nhuyễn trộn với nước ép hoa hồng hoặc đậu đỏ nghiền, để cho có màu hồng.

Thực hiện:

– Trộn các nguyên liệu làm vỏ bánh lại với nhau, nhồi cho thật dẻo, để khoảng 15 phút sau đó chia bột ra thành 4 viên bằng nhau.

 

– Viên hột sen nghiền thành 4 viên bằng nhau. Hột sen trộn nước hoa hồng  cũng viên thành 4 viên bằng nhau.

 

– Bóp dẹp hột sen trộn hoa hồng, cho viên hột sen nghiền màu vàng vào giữa rồi bọc kín lại.

Sau đó ép viên bột làm vỏ cho dẹt rồi cho viên nhân vào trong, đậy kín lại.

– Cuối cùng cho vào khuôn rồi cho vào lò nướng 200 độ C, nướng tới khi bánh cứng, chín là được.

Bảo Tố 

Bộ ảnh tết Trung Thu xưa (phần 2)

Tết Trung Thu là một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của mỗi người. Theo thời gian, mọi thứ đều thay đổi và không khí của ngày hội tuổi thơ xưa nay chỉ còn trong những bức ảnh hiếm hoi còn sót lại. Mời các bạn xem tiếp bộ ảnh về Trung Thu xưa, nguồn ảnh sưu tầm:

Một cửa hàng điện tử tại thị xã Cao Bằng bày bán thêm đèn ông sao và đồ chơi Trung thu. Ảnh được chụp năm 1994.

Phá mâm cỗ Trung thu luôn là khoảng thời gian được các em thiếu nhi mong chờ nhất.

Cửa hàng bán đồ Trung Thu đầu thế kỷ 20.

Một đại gia đình tề tựu đông đủ bên mâm cỗ Trung Thu (đầu thế kỷ 20).

Trẻ em vui sướng bên đèn Ông Sao (1989)


Hà Nội thập niên 1990, một cô bán đèn lồng đang “chào hàng” với một bé gái bên quán nước.


Một chợ Trung thu Hà Nội, năm 1987.


Đồ chơi Trung thu xưa gắn với truyền thống dân tộc (đầu thế kỷ 20).


Anh sửa lồng đèn cho em, hình ảnh không thể quên với tuổi thơ 8x trở về trước.


Sài Gòn mùa Trung thu xưa (thập niên 1990).


Bánh Trung Thu Đông Hưng Viên nổi tiếng Sài Gòn, ảnh chụp trước 1975.

Xem tiếp:
Bộ ảnh tết Trung Thu xưa (phần 1)
Bộ ảnh tết Trung Thu xưa (phần 3) 

Mỹ Mạnh TỔNG HỢP (MAV.vn)

LƯU Ý KHI ĂN BÁNH TRUNG THU

Trung thu là tết cổ truyền có từ lâu đời và đến nay tết trung thu không chỉ là của trẻ em và cả người lớn cũng vẫn mong đợi ngày này. Trung thu đến trẻ con háo hức chờ đợi được mua quà, người lớn biếu nhau hộp bánh để tỏ tấm lòng.

Tuy nhiên bánh trung thu không có lợi cho sức khoẻ bởi độ béo, độ ngọt và độ mặn của nó. Một số người mắc bệnh tiểu đường, tăng mỡ máu, cao huyết áp hay bệnh mạch vành cần thận trọng khi dùng bánh nướng, bánh dẻo. không nên ăn nhiều bánh trung thu vì:

Thành phần chính của bánh trung thu là bột, đường, bơ, mỡ lợn. Vỏ của các loại bánh trung thu truyền thống cũng như các loại nhân đậu, nhân hạt sen… đều được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường. Chính vì vậy bánh trung thu có độ béo và ngọt rất cao.

Trứng muối và các loại hạt trong nhân bánh cung cấp một lượng cholesterol đáng kể. Hàm lượng muối cao trong bánh cũng có thể trở thành gánh nặng cho thận và hệ tim mạch. Bánh nướng, bánh dẻo là thứ quà ngon nhưng xét về mặt sức khỏe, đây không phải thực phẩm bổ dưỡng và chỉ nên thưởng thức một cách chừng mực.

Người bị bệnh tiểu đường, thừa cân, tăng mỡ máu, cao huyết áp, bệnh mạch vành nên hạn chế hoặc tốt nhất là tránh dùng bánh trung thu. Ăn cùng lúc quá nhiều bánh trung thu có thể khiến bệnh xơ vữa động mạch trở nên tồi tệ hơn, gây đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Trẻ nhỏ và người già cũng không được lợi khi dùng món quà này.

Bánh trung thu không có lợi cho sức khỏe như nhiều người tưởng

Chẳng những không tốt cho sức khỏe nói chung, bánh trung thu còn khiến bạn tăng cân. Trung bình một chiếc bánh tròn cỡ 10×4 cm cung cấp 800-1.200 calo (càng nhiều lòng đỏ trứng, năng lượng càng cao), 5-12 g protein, 60-90 g cacbohydrat và 30-45 g chất béo. Một mẩu bánh trung thu nhân trứng muối nặng 60 g cung cấp khoảng 200 calo. Một phụ nữ cân nặng 55 kg cần đi bộ một giờ để đốt cháy phần năng lượng này.

Để dễ hình dung, có thể lấy ví dụ nam giới độ tuổi 31-50 hoạt động thể lực mức trung bình cần 2.400-2.600 calo mỗi ngày, nữ giới độ tuổi này cần 2.000 calo. Ăn một chiếc bánh trung thu là bạn đã nhận đủ năng lượng cần thiết cho một bữa ăn chính. Tốt nhất là nên chia bánh thành nhiều phần nhỏ và cùng ăn với bạn bè, gia đình, ăn chậm và hạn chế.

Trà là thức uống tốt nhất đi cùng bánh trung thu. Trà xanh hay trà ô long hợp với bánh có vị mặn và trà hoa cúc hợp hơn với bánh có vị ngọt. Những loại trà này chứa axit acetic, giúp tiêu hóa và phân giải chất béo tốt hơn. Tránh dùng cà phê hoặc trà quá đặc khi ăn bánh vì những thức uống này rất giàu caffein. Đồ uống chứa cacbohydrat như cola lại chứa nhiều năng lượng và đường, càng làm trầm trọng thêm tác dụng gây béo của bánh trung thu.

Benh.vn(Theo Bs. Trần Thu Thủy-VNE)

Nguyên liệu: (Cho 10- 12 cái bánh) 

1) Vỏ bánh:
– 600grs bột bánh dẻo loại đặc biệt (bột bánh dẻo
loại ngon được làm bằng nếp trên sàng, rang chín
rồi xay mịn như phấn thoa mặt)
– 500grs đường loại trắng tinh thượng hạng.
– 1 thìa canh nước hoa bưởi.
– 450 ml nước.
2) Nhân bánh: có thể chia làm 2 loại nhân

*Nhân thập cẩm 

– 200grs đậu xanh cà.
– 200grs đường cát.
– 100grs mứt bí xắt vuông nhỏ như hạt lựu. (có bán sẵn ở hàng phụ liệu làm bánh)
– 100grs hạt dưa bóc vỏ. (có bán sẵn)
– 100grs mứt sen trần. (có bán sẵn)

*Nhân đậu xanh trứng

– 300grs đậu xanh cà.
– 300grs đường.
– 12 trứng muối.
– 1/2 chén rượu trắng.
– 1 nhánh gừng nhỏ.
– 12 cái hộp nhựa trong để chuyên đựng bánh dẻo.

Cách làm: 

Bạn nấu nước đường từ ngày hôm trước để đến ngày hôm sau mới bắt đầu làm.Cứ 500grs đường trắng nấu với 450ml nước cho sôi đều lên và nhắc xuống đổ vào lọ thủy tinh.

*Chuẩn bị nhân thập cẩm 

Đậu ngâm 1 đêm, đãi vỏ và đem nấu với một ít sâm sấp nước, nấu thật khéo sao cho đậu nhừ và chín bằng hơi nóng nhiều hơn là bằng nước thì đậu sẽ dẻo, ráo, không nên dùng loại đậu đã đãi vỏ sẵn sẽ không còn mùi thơm.Khi đậu đã chín bạn bắc nồi đậu xuống, dùng muỗng cán dài đánh nhuyễn đậu lúc còn nóng, bạn cho đường vào đánh tiếp (100grs đậu xanh sống cần 90grs đường). Sau đó bạn bắc nồi đậu lên bếp lửa nho nhỏ, đảo nồi đậu luôn tay bằng đũa cả, cho tới khi thấy nặng tay, đậu ráo và đứng ngọn thì cho chút vanille và nhắc xuống, lúc này đậu đã có một mầu vàng sẫm tự nhiên rất đẹp, bạn đợi cho đậu nguội hẳn rồi mới làm tiếp.
– Hạt dưa đem sàng sẩy sạch rồi cho vào nồi rang vàng.
– Mứt sen xắt làm tư mỗi hạt.
– Nếu bạn thích làm thêm hạt điều thì tách đôi hạt điều lau bụi ở giữa rồi xắt nhỏ tùy thích.
Cho tất cả mứt bí, hạt sen, hạt điều, hạt dưa vào nồi đậu xanh trộn đều các loại, lấy cân chia mỗi phần nhân khoảng 80grs vo tròn.

*Chuẩn bị nhân đậu xanh trứng 

– Đậu xanh cũng làm như cách trên.
– Gừng đem giã vắt lấy nước trộn với rượu trắng, đập 12 trứng muối, lấy lòng đỏ đem ngâm vào nước rượu gừng chừng 10′ sau đó vớt ra đem hấp cách thủy cho lòng đỏ chín.
Khi đậu và trứng muối đã nguội hằn thì lấy cân chia mỗi phần khoảng 6 đến 70grs đậu, cho lòng đỏ trứng vào giữa và vo tròn từng viên nhân.

*Trộn bột, gói nhân:

Nước đường trong veo bạn đã nấu từ ngày hôm trước, để thau nhựa lên cân, chế vào thau 90grs nước đường, cho vào 1/3 thìa cafe nước hoa bưởi, bạn đừng cho nước hoa bưởi nhiều quá sẽ gây nồng hắc, chỉ cho thoảng nhẹ mùi hoa bưởi là vừa. Bạn cân sẵn bột vào chén, mỗi chén 70grs, để rây lên phía trên thau nước đường, đổ bột vào rây lắc nhẹ cho bột xuống hết dưới thau, dùng cây trộn bột khuấy đều cho bột và nước đường quyện dẻo lại.
Bàn cán bánh bạn đã chuẩn bị sẵn, rây lót bàn một khoảng bột áo, lấy đồ vét bột cho khối bột ra bàn chỗ bột áo, rắc lên mặt thêm một chút bột để chày cán bột không bị dính, bạn cán nhanh tay, gấp miếng bột lại rồi cho thật đều, cuối cùng bạn cán miếng bột dày khoảng 3 ly, cắt đôi miếng bột, mỗi miếng bạn cho vào giữa 1 viên nhân, giáp mí lại vo tròn và tiếp tục trộn bột rồi gói nhân cho đến hết nước đường.

*Ra bánh:

– Khuôn rây nhẹ một lớp bột mỏng đều, cho viên bột vào giữa khuôn, phần giáp mí để lên trên, dùng tay ấn mạnh viên bột xuống khuôn để có hoa văn sắc cạnh trên mặt bánh, ấn đều các góc để bánh được đứng và có cạnh đẹp. Chuẩn bị một mâm Inox sạch, úp khuôn bánh xuống mâm, lần lượt gỡ khuôn ra, tiếp tục in bánh khác cho đến hết.
Nếu khuôn có chỗ bị dính bột, bị sát phải xử lý ngay bằng cách bóc sạch chỗ bột bị dính và trước mỗi lần cho nhân vào in thì đều rây nhẹ một lớp bột mỏng, bạn nhớ nếu rây nhiều bột quá bánh sẽ không trong mà các hoa văn của bánh cũng không sắc nét vì bột đã che lấp.
Làm xong bạn để bánh trong mâm sau 24 tiếng cho bánh trở trong dần, sau đó đem xếp vào hộp và dùng trong vòng 3 tuần.

Yêu cầu kỹ thuật :

Bánh có màu trắng trong, hoa văn sắc nét, vỏ bánh ăn dai, dẻo, nhân ráo, có mùi thơm đặc trưng và nhẹ nhàng. Mỗi dịp Lễ Trung Thu, Bánh Dẻo thông thường thưởng thức kèm chung với Bánh Nướng Trung Thu. Chúc bạn thành công mỹ mãn để cùng người thân đón ánh trăng rằm trung thu một cách thú vị và hạnh phúc nhất !

 

BÁNH TRUNG THU NHÂN ĐẬU, DỪA

 
Nguyên liệu:

600 gr bột mì
400 gr nước đường
250gr dầu ăn

– Nhân đậu (đen, đỏ,xanh, sen)
1kg đậu, 700 gr đường, 250 gr mỡ, 100gr bột bánh dẻo,
150 gr bột mì

.- Nhân dừa 
1kg dừa, 800 gr đường, 200gr mỡ, 200 gr bột bánh dẻo,
50gr bột mì, 50 gr hột dưa, vani một chút.


Cách làm bánh trung thu nhân đậu, dừa:

Cách nấu đường
1kg đường, cho ½ chén nước nấu lửa nhỏ khoảng 5 tiếng, cứ để trên bếp, giữ không cho đường trở lại bằng cách thêm nước chút chút, cho 100 gr mạch nha, nấu thêm 5 tiếng nữa, nước đường sệt lên màu hổ phách rất đẹp, cân lại đường vừa đúng 1kg100 gr, để đường này càng lâu càng tốt
(1 năm).

Cách làm bánh 
Bột đổ núi, cho đường dầu vào giữa, trộn nhẹ tay, để bột nghỉ 1tiếng mới bắt bánh.

Cách làm nhân 
Đậu ngâm mềm rửa xẩy cho hết mắt đậu (đen, đỏ) nấu mềm xay nhuyễn, trộn đường khuyấy trên bếp, cho mỡ, bột.
Lòng đỏ hột vịt muối, hấp cách thủy, cho rượu trắng và dầu mè để át mùi trứng.

Đóng bánh
40gr bột, 110 gr nhân = một bánh

Lò nướng 325 độ F – cho bánh vào nướng, nhớ dùng tăm xâm để bánh không bị nổ mặt. Sau khoảng 25 phút, mở lò lấy cọ, phết lòng đỏ trứng lên mặt bánh cho đẹp. Nướng thêm 15 phút nữa là xong. 

(theo Ngô Đồng – dactrung.net)

BÁNH NHÂN THẬP CẨM

Nguyên liệu: 

1) Vỏ bánh :
– 400grs bột mì.
– 300grs nước đường.
– 60grs dầu ăn.
– 100grs bột áo.
– 2 lòng đỏ trứng vịt.
– 1 thìa cafe nước tro tàu.

2) Nước đường :

-1kg đường trắng tinh.
-1kg nước.
-2 thìa cafe nước tro tàu.

3)Thoa mặt bánh :

-1 lòng đỏ trứng vịt.
-1 thìa cafe nước lạnh.
-1 thìa cafe dầu ăn.
-Vài giọt nước màu dừa.

4)Nhân bánh gồm có :

-Hạt dưa, hạt điều, mứt sen, mứt bí, lạp xưởng, jambon, rượu trắng, mè, đường xay, mỡ, bột bánh dẻo, tất cả các loại kể trên mỗi thứ 100grs, 50grs mứt chanh, 50grs mứt gừng, 12 lòng đỏ trứng vịt muối, 1 thìa cafe ngũ vị hương.

Cách làm :

1)Vỏ bánh :

Cho dầu ăn , nước đường, lòng đỏ trứng , nước tro tàu hòa chung quấy cho thật đều, lấy rây lược lại. Rây bột mì vào hỗn hợp trên nhồi cho đều rồi ủ yên bột chừng 30’.

2)Nước đường :

Cho đường và nước vào nồi bắc lên bếp cho đường sôi, để lửa nhỏ cho từ từ nước tro tàu vào, khi đường sôi bùng lên thì tắt bếp, để yên nồi đường không được quấy sẽ bị lại đường, nước đường này để càng lâu mới làm thì vỏ bánh càng mềm.

3)Thoa mặt bánh :

Lòng đỏ trứng vịt, nước , dầu ăn, vài giọt nước màu trộn đều rồi đem lược qua rây để khi phết mặt bánh mịn đều không bị lợn cợn.

4)Nhân bánh :

-Hạt dưa , mè sàng sẩy sach đem rang vàng.
-Hạt điều, mứt bí, sen xắt hạt lựu.
-Mứt gừng , chanh xắt sợi dài 2cm.
-Mỡ heo luộc chín xắt hạt lựu rồi ướp đường đem phơi nắng cho mỡ trong veo.
-Lạp xưởng luộc chin rồi chiên qua cho thơm, đem xắt chỉ.
-Jambon xắt chỉ rồi xào với chút dầu , bột ngọt và hạt tiêu.
-Lòng đỏ trứng (xem bài bánh dẻo )
Cho tất cả những thứ “Nhân bánh gồm có” vào trộn đều, rưới từ từ vào hỗn hợp nhân này khoảng 100grs rượu trắng, khi thấy dẻo vừa nắm là được, cân từng viên nhân nặng 100grs, cho lòng đỏ vào giữa viên nhân rồi vo tròn cho đên hết nồi nhân.

5) Đóng và nướng bánh :

-Lấy thau bột ủ ra, cân từng viên bột 50grs, rây lớp bột áo ra bàn, để miếng bột lên cán thành miếng hơi tròn đủ để bao gọn viên nhân, cho nhân vào gói lại, xoa thêm lớp bột áo bên ngoài rồi đặt vào khuôn đóng giống như bánh dẻo, đóng đủ số bánh đặt vào lò rồi thì dùng kim xâm khoảng chục lỗ đều trên mặt bánh để lúc nướng bánh không bị nứt mặt.
-Mở lò nóng 10’ trứoc khi cho bánh vào, sau 10’ lấy ra, thật nhanh tay xúc từng cái bánh nhúng vào thau nước lạnh lấy ra ngay, xếp lại vào vỉ nướng, lấy cọ phết đều hỗn hợp thoa măt, cho bánh vào lò trở lại nướng tiếp cho tới khi bánh thấy vàng non là bánh đã chín, đem ra khỏi lò và nguội dần bánh sẽ vàng hơn (nếu để bánh vàng đều mới đưa ra khỏi lò thì bánh bị già lửa). Chúc các bạn cho ra lò những chiếc bánh nướng với hoa văn thật sắc sảo, có màu vàng óng và thơm nức mũi.
Bánh nướng có thời hạn bảo quản gấp đôi lần bánh dẻo.
-Nếu bạn thích ăn vị đặm đà hơn thì làm thêm gà quay và thịt chà bông rồi cho vào là đã có vị gà quay xá xíu (gà quay bạn mua thăn gà nạc rồi làm tương tự như thịt chà bông
vậy)

 

 

Cách làm BÁNH PÍA SẦU RIÊNG từng bước một

Chiếc bánh mang hương vị sầu riêng thoang thoảng, từng lớp vỏ mỏng mềm cộng thêm vị bùi có chút mặn của trứng muối thật hấp dẫn.

Trước đây, muốn được ăn bánh pía mang hương sầu riêng hấp dẫn, bạn phải nhờ người quen đặt mua từ trong miền Nam. Dần dần, ở ngoài Bắc cũng đã có bánh pía bán. Tuy nhiên, nếu thích, ngay tại nhà bạn cũng có thể làm món bánh ăn thơm ngon này để đãi cả nhà hoặc đem tặng người thân hay bạn bè.

Nguyên liệu:

Cho phần vỏ bột nước: (3 cái lớn):

  • – 120 gr bột mì
  • – 25 gr đường
  • – 50 ml dầu
  • – 40 ml nước

Cho phần vỏ bột dầu:

  • – 100 gr bột mì
  • – 50 ml dầu

Cho phần nhân:

  • – 150 gr đậu xanh
  • – 150 gr sầu riêng tán nhuyễn
  • – 50-70 gr đường tùy theo khẩu vị các bạn
  • – 1/5 muỗng cà phê muối
  • – 40 ml dầu ăn
  • – 25 gr bột nếp rang
  • – 10 gr bột mì + 10 ml dầu ăn
  • – 1/3 chén mỡ heo đã xào ngọt
  • – 3 trứng vịt muối ngâm chút rượu có gừng và nướng 10 phút ở nhiệt độ 190 độ C
  • – Nếu bạn không thích mỡ heo thì làm mứt bí nhé

Nguyên liệu mực – đóng dấu: Lấy 1 miếng màng bọc thực phẩm bọc lên miệng đĩa. Lấy 1 miếng giấy thầm dấu gấp làm 4 để lên mặt đĩa rồi đổ màu phẩm đỏ lên. Con dấu thì bạn dùng con dấu nào cũng được.

Cho phần trứng: Thoa mặt bánh: Lòng đỏ trứng đánh hơi nổi với 1 muỗng dầu mè, 1 muỗng nước lã  với 1/2 muỗng cà phê nước màu kho cá và 1 giọt màu vàng thực phẩm.

Cách làm:

Thực hiện phần bột nước:Cho tất cả nguyên liệu vào 1 cái âu, và bắt đầu nhồi cho bột dẻo mịn (phần bột này không quá khô nhé các bạn). Nhồi xong để bột nghỉ 30 phút.

Thực hiện phần bột dầu: Cho bột và dầu vào âu và nhồi bột quyện lại 1 khối. (Bột sẽ rất mềm). Cũng để bột nghỉ 30 phút.

Thực hiện phần nhân:

Bước 1: Đậu xanh ngâm vài tiếng, sau đó vo sạch nấu chín. Cho đậu xanh, đường vào máy xay nhuyễn.

Bước 2: Cho đậu xanh vào chảo không dính cùng với dầu, bột nếp rang sên với lửa nhỏ khoảng 15 phút thì cho sầu riêng, chén bột mì dầu vào tiếp tục sên cho đến khi nhân quyện thành 1 khối không dính chảo thì cho mỡ heo hay mứt bí vào sên thêm 5-7 phút nữa là tắt bếp.

Thực hiện phần cán bánh:

Bước 1: Chia phần bột nước làm 3 phần. Chia phần bột dầu làm 3 phần, cân nhân 120gr kể cả lòng đỏ trứng vịt muối vo tròn.

Bước 2: Đè dẹp viên bột nước, cho viên bột dầu vào vo tròn lại.

Bước 3: Cán dài viên bột, rồi cuộn tròn lại.

Tiếp tục cán dọc 1 lần nữa. Sau đó cuộn tròn lại.

Bước 4: Bạn cứ tiếp tục làm 2 phần bột còn lại. Vì bột nước và bột dầu nên khi cán bạn sẽ thấy các lớp bột tách rời nhau. Đó là thành công bạn nhé.

Bước 5: Bây giờ bạn cán tròn cục bột và cho nhân vào giữa túm các mép lại. Xếp bánh vào khay nướng, dùng lòng bàn tay đè nhẹ cho phần phộ dẹp xuống 1 chút cho đẹp.

Bước 6: Mở lò 160 – 170 độ C trước 10 phút. Cho khay bánh vào ngăn giữa nướng 16 phút. Qua 16 phút lấy bánh ra. Lấy con dấu nhúng vào mực đỏ ấn nhẹ vào giữa mặt bánh.

Sau đó cho bánh vào lò nướng tiếp 5 phút nữa. Qua 5 phút lấy khay bánh ra để 2 phút rồi mới quét trứng lên (để 2 phút mới quét trứng thì mực sẽ không bị lem). Cho khay bánh trở vào lò nướng thêm 6 phút nữa là bánh chín. Tắt lò lấy khay bánh ra để nguội.

Với công thức này bánh pía vừa nướng xong ăn đã ngon rồi mà để qua 1 ngày ăn lại càng ngon hơn.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với bánh pía nhân sầu riêng thơm ngon nhé!

(Theo eva.vn)