Những món bánh truyền thống ngon của miền Bắc

Bánh cuốn:

Bánh cuốn được làm rất công phu. Bột làm bánh phải làm từ thứ gạo ngon, được xay thật nhuyễn thì bánh mới không nồng, sắc bánh mới trắng.

Nồi tráng bánh phải rửa thật sạch, thường giống như chiếc nồi đồ xôi, bên dưới đựng nước, bên trên để tráng bánh. Tráng bánh phải mỏng như tờ giấy, mướt như mạ non, mỡ thoa phải đều tay cho mướt mặt bánh để khi nếm vào thì thanh nhẹ, mát rượi. Phết nhân bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo sao cho bánh không thô, nhân đều từng cái.

Sau khi xếp lần lượt hết vào đĩa, một ít ruốc tôm sẽ được rắc lên trên các miếng bánh cuốn và trên cùng điểm vài cọng rau thơm như rau bạc hà, rau mùi…

Nước chấm được pha đủ vị chua, cay, ngọt… (có pha thêm chút nước sôi nên bao giờ cũng nóng). Chả ăn kèm với bánh cuốn cũng có vị rất đặc biệt, không giống với bất kỳ loại chả phổ thông nào bày bán ngoài thị trường, bởi nó vừa beo béo, vừa giòn, ngọn lịm, lại thơm phưng phức. Khi ăn bánh cuốn sẽ kèm theo 1 đĩa nhỏ rau thơm bày ra bàn ăn.

Bánh cuốn Thanh Trì

Bánh cuốn Thanh Trì được làm từ gạo gié cánh, tám thơm, tráng mỏng như tờ giấy. Món ăn ấy đã trở thành đặc sản được yêu thích nhất của vùng ngoại thành này.

Gọi là bánh cuốn mà chẳng cuốn thứ gì hết, ấy là bánh cuốn Thanh Trì. Đó chỉ thuần là những lá bánh được tráng mỏng như tờ giấy, mướt như mạ non, xếp gọn gàng ngay ngắn từng lớp từng lớp trong lòng một chiếc thúng, trên phủ tờ lá sen hay lá chuối, lá dong. Bánh cuốn Thanh Trì không bao giờ nằm tòng teng trên hai đầu quang gánh. Người bán luôn đội thúng bánh trên đầu, ve vẩy đôi tay mà đi khắp ba mươi sáu phố phường Hà Nội.

Bánh tẻ Phú Nhi

Bánh tẻ có nơi còn gọi là bánh răng bừa, là thứ bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng, ít nhiều khác nhau. Có thể kể ra một số loại bánh tẻ nổi tiếng như bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh), bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Tây), bánh tẻ ở Văn Giang, Hưng Yên (hay còn gọi là bánh răng bừa), bánh lá ở Khoái Châu, Hưng Yên. Ở Mỹ Đức, Hà Tây cũng có bánh tẻ nhưng ít nổi tiếng hơn.

Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gói bằng lá dong hay lá chuối và được luộc cho chín. Bánh tẻ chấm với nước mắm rắc hạt tiêu xay hoặc chấm với tương. Ở một số nơi thực khách còn dùng thêm món chả gà và một ít dầu cà cuống cho vào nước mắm để tăng thêm hương vị của món bánh.

Bánh Gio

Có nơi còn gọi là bánh Gio, thứ bánh làm bằng gạo nếp gói lá dong, có màu vàng trong suốt như hổ phách, ăn thấy mát và dẻo. Muốn làm loại bánh này phải lựa loại gạo nếp ngon, nhặt hết các hạt tẻ lẫn trong gạo rồi để ráo. Điều thiết yếu nhất trong bánh này là gạo phải ngâm với nước gio mới thành bánh gio được.

Gạo nếp ngâm với nước gio qua một đêm vớt ra để ráo rồi gói lại bằng lá dong non đã luộc chín. Có thể gói thành bánh dài, ghép hai mép lá với nhau rồi gấp hai đầu lại buộc lạt cho vào nồi luộc chín.

Bánh gio thơm, thoang thoảng mùi vôi, vị ngọt thanh và mát. Ngoài bánh gio ở Phủ Từ còn có bánh gio Yên Thái cũng là những nơi có tiếng làm bánh gio ngon nhất đất kinh thành xưa.

Ngày nay bạn có thể qua chợ Hôm Đức Viên, cổng ra phía phố Huế có bày bán rất nhiều thứ bánh dân dã này. Và ở đây bạn sẽ được thưởng thức vị ngọt mát của mật mía.

Bánh đúc

Chỉ cần một lần được thưởng thức là đã biết bánh đúc có phong vị đặc trưng rất riêng rồi. Cái vị ngon của bất cứ loại bánh đúc lạc hay bánh đúc dừa, bánh đúc chay, bánh đúc om chua, bánh đúc sốt cũng đều phải khởi đầu là thứ bột xay thật nhuyễn, nước vôi gia vừa tay, bánh khuấy thật kỹ để nguội ăn không bị nồng và bẻ ra từng tấm bánh thì giòn dai mà không cứng.

Bánh đúc khuấy khéo ăn trơn tuột, khi nhai thấy thơm ngát, thi thoảng sậm sựt một vài sợi dừa bùi hoặc miếng lạc. Muốn cho đậm đà thì chấm bánh đúc với muối vừng hay nước tương cũng rất thi vị.

Bánh gai

Bánh gai là một loại bánh ngọt truyền thống của miền Bắc, bắt nguồn từ vùng Đồng bằng Bắc bộ ở Việt Nam. Vỏ bánh làm bằng gạo nếp xay mịn cán mỏng rồi cắt thành từng mảng vuông đều nhau và đặt nhân vào giữa mảng bột, vo lại bao kín lấy nhân. Sau đó lăn lên lớp vừng rang đã xát vỏ rắc sẵn trên măt mâm. Lăn vừng xong là gói bánh. Bánh có dạng hình vuông, màu đen, gói trong lá gai xám.

Khi ăn bánh gai có vị ngot hao hao của mùi bánh dẻo mềm kết hợp với vị ngọt mát của nhân đỗ xanh đồ chín giã nhuyễn nấu với đường ính. Ngoài ra còn có vị bùi béo của cùi dừa nạo nhỏ nhai giòn và mét bí vụn cùng với mứt sen bở tan trong vị ngọt thơm cùng với vị béo ngây của miếng mỡ thái vuông nhỏ hạt lựu có pha thoang thoảng mùi thơm dầu chuối khiến cho người thưởng thức đã ăn một lại muốn ăn thêm hai.

Bánh khúc

Bánh khúc hay còn gọi là xôi khúc là loại bánh có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, đươc làm từ lá rau khúc, gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt lợn mỡ. Bánh thường ngon nhất là làm vào mùa có rau khúc – dịp tháng 2, tháng 3 Âm lịch.

Ở Hà Nội, bánh thường được rao bán vào các buổi tối, người bán (thường là nam) đội thúng bánh trên đầu đi dọc các phố và rao “Khúc đê…” với một âm điệu rất đặc biệt.

Nguyên liệu chủ đạo làm nên hương vị đặc trưng của món bánh này là lá khúc. Lá khúc tươi non được hái từ buổi sớm rồi giã nhuyễn trộn với bột gạo để làm vỏ bánh. Vào mùa không có rau khúc, có người dùng lá su hào để thay lá khúc, nhưng bánh làm từ lá su hào không thể có được hương thơm đặc trưng của bánh làm từ lá khúc.

Nhân bánh được làm từ đậu xanh bỏ vỏ, ngâm nước cho bở, đồ chín tới, giã thật mịn, viên lại bằng quả trứng gà cùng với thịt ba chỉ thái hạt lựu, rắc thêm chút hạt tiêu cho dậy mùi.

Bánh trôi, bánh chay

Bánh trôi – bánh chay, xuất phát từ bánh Trung Quốc [1] là hai loại bánh cổ truyền tại miền Bắc Việt Nam. Hai loại bánh này thường đi liền với nhau, phổ biến nhất trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, còn gọi là “ngày bánh trôi bánh chay”.

Nhưng riêng ở Hà Nội thì “tục” đó đã kéo dài trong suốt một năm bởi bánh trôi bánh chay đã liệt vào hạng quà ở Hà Nội. Người Hà Nội ăn thứ bánh này vào bất kỳ lúc nào trong ngày cũng được. Nhìn viên bánh trôi trắng muốt xếp hàng liền nhau trên chiếc đĩa con con phảng phất mùi nước hoa bưởi làm dậy lên sự ham muốn được thưởng thức thứ bánh ngon, ngọt, mềm dẻo này.

Bánh cốm

Bánh cốm là một trong những đặc sản Hà Nội. Trước năm 1945 đã có nhiều nhà làm bánh cốm nhưng giới sành ăn thường kém bánh cốm Nguyên Ninh.

Bánh cốm Nguyên Ninh được kén từ nguyên liệu cốm đặc biệt của làng Vòng. Nên khi đã mua được cốm rồi thì đem giã cốm cho nhuyễn, hồ nước lá riềng, lá mây cho có màu xanh lá mạ rồi đem xào với đường trắng. Nhân bánh làm từ đậu xanh đồ chín giã nhuyễn điểm thêm những sợi dừa tươi trắng muốt nên khi ăn bánh có vị ngọt đậm lại có vị bùi ngây của dừa và thoang thoảng mùi thơm quyến rũ của vị cốm non.

Bánh dày Quán Gánh

Bánh dày Quán Gánh đã từ lâu nổi tiếng ngon thơm, mềm dẻo, có màu sắc hương vị rất riêng. Tấm bánh hinh tròn và dẹt chỉ to bằng một khoanh cam. Vỏ bánh dày làm từ gạo nếp cái giã mịn, mượt mà, giữa ở mờ mờ nổi lên màu vàng nhạt của nhân đậu xanh. Mỗi chiếc bánh đều có một vòng lá chuối tươi xanh mướt nhẵn bóng lót dưới. Mỗi lần bóc lá bánh ta đều phải nhẹ nhang, tước lần lượt từng mảnh nhỏ để cho bánh khỏi dính.

10 món đặc sản tuyệt vời ở Quảng Ninh

Du khách đến Quảng Ninh thường chỉ biết các thông tin về vịnh Hạ Long, về những buổi khám phá hang động và tàu ngủ đêm trên vịnh…

Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung có rất nhiều đặc sản ẩm thực đặc sắc, mang hương vị mặn mòi của biển cả.

1. Xôi trắng chả mực

Đĩa xôi trắng bốc khói với những lát chả mực vàng ruộm trông thật bắt mắt. Xôi được đồ từ nếp mới, vừa thơm vừa dẻo; chả mực vừa dai vừa giòn sừn sựt, vị vừa ăn. Những người bán chả mực ở Hạ Long nói rằng mực thì biển nào cũng có nhưng để làm chả mực ngon thì nhất định phải là mực tươi, mới được đánh bắt trong khu vực biển của Hạ Long, thịt mới thơm và dậy mùi.

Người ta giã mực bằng tay để chả vừa dai vừa giòn. Chả mực rất kén lửa, vì vậy khi rán phải giữ lửa đều, không quá to cũng không quá nhỏ. Miếng chả ngon là miếng chả tỏa mùi thơm nức mũi ngay từ phút đầu được thả vào chảo dầu. Chả được rán cho đến vàng thì vớt ra để ráo dầu. Chả mực ăn ngon nhất khi chấm với nước mắm nguyên chất có rắc hạt tiêu bởi như thế mới cảm nhận hết hương vị của nó.

Mỗi suất xôi trắng chả mực hoặc bánh cuốn chả mực ở các hàng bình dân có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng. Mua theo cân, chả mực có giá khoảng 250.000 đồng/kg.

2. Bánh cuốn chả mực

Cũng là những chiếc bánh cuốn thịt tráng mỏng tang, nhìn rõ miếng thịt bằm, nấm, mộc nhĩ bên trong, nghi ngút khói bay hương thơm của ruốc, hành phi. Người ăn gắp một miếng bánh cuốn, kèm chút rau mùi, một miếng chả mực vừa chiên cũng đang nóng hổi vàng ruộm, tất cả nhúng vào bát nước chấm màu hổ phách sóng sánh khoanh ớt đỏ. Sự kết hợp tuyệt vời của bánh cuốn đã quen thuộc với chả mực Hạ Long làm nên một món ăn hương vị biển rất hấp dẫn.

Du khách có thể nếm bánh cuốn chả mực tại quán cạnh rạp Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, giờ phục vụ từ sáng đến trưa; hay bánh cuốn chả mực bà Ngân phố Cây Tháp, Hồng Gai, thành phố Hạ Long.

3. Sam Quảng Yên

Từ nguyên liệu chính là thịt sam biển, người ta có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn khác nhau, như: tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá nốt, sam hấp, sam bao bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến… Các món ăn từ thịt sam biển rất thơm ngon, du khách đến Quảng Ninh không nên bỏ lỡ đặc sản này.

Bạn có thể thưởng thức các món sam tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh hoặc ra quán sam trên đường 25 tháng 4, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

4. Món ngán

Ngán có thể chế biến được nhiều món như: Nướng, hấp, nấu cháo, xào với mì hay rau cải. Nói chung gọi là ngán nhưng ko ngán chút nào. Với các du khách nam thường khoái khẩu món rượu ngán. Rượu ngán có mùi thơm rất riêng của biển.

Các món từ ngán khá phổ biến tại các nhà hàng, quán ăn tại Hạ Long, Quảng Ninh.

5. Sá sùng

Một loài đặc sản hy hữu và khá đắt đỏ là sá sùng, chỉ có ở đảo Quan Lạn – Minh Châu (Vân Đồn, Quảng Ninh). Sá sùng tươi xào với tỏi tươi là một món ăn dân dã đặc sắc của người dân vùng biển Hạ Long. Sá sùng khô đem rang, khi chín có màu vàng, mùi rất thơm, một hương thơm nồng ngậy đậm đà của biển. Sá sùng rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau diếp cá, rau thơm và uống với bia thì thật là tuyệt…

Sá sùng khá hiếm, nếu có giá cũng rất cao, một kg tính tiền gần 4 triệu.

6. Canh hà Quảng Yên

Một đặc sản khác của Hạ Long mà người Yên Hưng rất tự hào, đó là con hà. Canh hà Quảng Yên, đặc biệt là giống hà cồn sống ở sông Chanh đem nấu canh chua ăn rất ngon và có cả bốn mùa, nhưng thú vị nhất vẫn là được ăn vào những ngày hè nóng bức. Ngoài ra, hà có thể đem tẩm bột rán ăn rất béo.

7. Bánh “gật gù”

Cách làm bánh gật gù về hình thức giống như cách làm bánh cuốn. Cũng là bột được xay từ gạo ngon, ngâm từ trước. Bí quyết với bánh gật gù là khi xay gạo, chủ nhà sẽ cho thêm một ít cơm nguội để bánh ngon hơn. Khi ăn nhúng miếng bánh vào chén nước chấm đặc biệt cùng với một miếng khâu nhục (thịt kho tàu) được tẩm ướp kỹ càng.

Cảm giác mát, mềm của bánh, vị ngọt bùi, thơm, ngậy của miếng khâu nhục có thể chiều lòng được cả những thực khách khó tính. Bánh gật gù nổi tiếng nhất là ở Tiên Yên. Tuy nhiên trên khắp các vùng của Quảng Ninh đều có thể tìm được món bánh gật gù vừa ngon vừa độc đáo này

Địa chỉ: Nhà bà Tuyết số 32 phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên. Nếu mua số lượng nhiều cần đặt trước.

8. Nem chua, nem chạo thị trấn Quảng Yên

Nguyên liệu làm nem đều là những thứ bình dân. Bì lợn được bào nhỏ, trắng như cước, thính làm bằng đỗ hay gạo rang và lạc rang giã dập, tất cả được trộn đều với nhau thật tơi. Chỉ đơn giản thế, nhưng qua bí quyết chế biến, trộn đều và pha nước chấm, hàng quà quê mùa trở nên lạ miệng, hấp dẫn. Những hàng nem chua, nem chạo là niềm tự hào của người dân thị trấn Quảng Yên, Quảng Ninh.

9. Cà sáy Tiên Yên

Cà sáy là vịt lai ngan, hương vị có cả hai và qua bàn tay người Tiên Yên chế biến trở nên thơm ngon gấp bội. Người Tiên Yên làm thịt cà sáy, chế biến món nước chấm chuyên dùng của nó hết chỗ chê. Một thứ nước chấm có vị thơm của nước mắm Cái Rồng, Vạn Yên, Cát Hải, lại có vị ngọt ngào nồng ngậy của xá xị Quảng Tây cùng với vị cay dịu của gừng Tiên Yên trồng trên đất quê nhà.

10. Rượu nếp ngâm Hoành Bồ

Rượu được chế tạo từ loại gạo nếp đặc sản của địa phương. Gạo nếp không giã, được nấu chín đưa vào ủ. Khi đã lên men và đến độ ngấu thì người ta cho vào ngâm cùng với thứ men lá lấy từ trong rừng Hoành Bồ, sau một thời gian chuyển thành rượu. Rượu được chắt ra đựng trong hũ, lọ để uống dần, mỗi bữa một vài chén. Rượu nếp ngâm Hoành Bồ có vị chua ngòn ngọt, có tác dụng kích thích tiêu hoá, giải khát rất tốt, nhất là vào mùa hè.

Lưu ý:- Du khách đi nhóm đông đúng có thể thử cảm giác thưởng thức hải sản trên các nhà bè: Ở Hòn Gai ghé ăn nhà bè Hồng Đậm, ở Cầm Phả ăn nhà hàng Quảng Hiền, ở Quảng Yên ăn nhà bè Hải Quân (đi qua doanh trại Hải Quân).- Các loại ốc hương, ốc đĩa, ốc gai nướng, ốc đá ở Quảng Ninh bán giá khá đắt, khoảng 100.000 VND/ 1 đĩa bé bé. Ốc rẻ hơn thì có ốc dạ (nhưng loại ốc này các địa phương khác cũng có sẵn, không nên ăn). Bạn có thể nếm thử ốc điếu xào, rẻ hơn nhiều so với loại kể trên. Ốc này khi ăn thì hút bằng miệng chứ không phải lấy kim khều .- Khi đi ăn uống nên tìm nơi có niêm yết giá rõ ràng, hoặc phải hỏi giá trước. Nếu có dân địa phương dẫn đi ăn là tốt nhất.

– Muốn mua chả mực, mực khô, cá khô về làm quà thì ra chợ Hạ Long 1.Mua chả mực thì tìm hàng chả mực tên Thoan (rất nổi tiếng).

– Buổi tối có thể đến ăn uống tại chợ đêm Thanh Niên ở khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long

 

Theo Ivivu