Cách làm THỊT KHO KHOAI SỌ

 Thịt kho khoai sọ sẽ là món ăn đổi vị giàu dinh dưỡng cho bữa cơm gia đình bạn.

Chuẩn bị:

– 4 lạng nạc vai

– Khoai sọ: 2-3 củ

– Ngò, hành củ, đầu hành lá, nước dừa (hoặc nước lọc)

– Gia vị, ớt bột

Cách làm:

Bước 1:

– Thịt mua về rửa sạch, chần qua nước sôi rồi xả lại nước lạnh cho sạch. Sau đó thái thành từng miếng vừa miệng.

– Ướp thịt với 1mcf nước mắm, 1/2mcf tiêu, 1/2mcf muối, trong 1 tiếng.

Bước 2:

– Khoai gọt vỏ, cắt vừa ăn rồi ngâm vào nước pha tí muối, tiếp đó rửa lại cho sạch.

Bước 3:

– Bắc nồi kho cho vào 1 muỗng cf dầu điều, cho hành củ xắt lát vào phi thơm rồi cho thịt vào đảo 5-7 phút cho săn thịt.

Bước 4:

– Tiếp đến cho khoai vào nấu cùng với thịt, chan vào nồi thêm 1/2 muỗng canh nước mắm, đậy nắp nấu sôi.

Bước 5:

– Trút nước dừa hoặc nước lọc cho ngập 2/3 thịt. Cho tiếp ớt bột, vặn nhỏ lửa đun cho thịt chín, thấm gia vị. Khi đun thỉnh thoảng đảo nhẹ tay.

Bước 6:

– Nêm gia vị vừa miệng, sau đó đun tiếp tới khi thịt mềm, ngấm thì tắt bếp. Cho ngò, đầu hành rồi rắc tiêu vào. Ăn nóng với cơm.

Theo bếp Cún Khang

CÔNG DỤNG CHỮA BỆNH CỦA KHOAI SỌ

Khoai sọ là loại củ không hiếm gặp trên các bữa ăn gia đình. Bạn có biết, ngoài việc là nguyên liệu cho các món ăn phong phú, khoai sọ còn được coi như là một vị thuốc rất tốt trong việc phòng chống nhiều bệnh tật.

Các món ăn từ khoai sọ như: canh cua khoai sọ rau rút, bánh khoai, chè khoai… dân dã mà khoái khẩu, rất được ưa thích, nhất là trong những ngày đông. Ngoài giá trị dinh dưỡng, khoai sọ còn có nhiều công dụng phòng trị bệnh.

Bộ phận dùng làm thuốc của khoai sọ là củ, lá. Theo Đông y, củ có vị cay ngọt; vào tỳ thận. Lá và bẹ lá vị cay, tính bình; có tác dụng liễm hãm, chỉ tả, tiêu thũng độc. Củ khoai sọ ích khí bổ thận, phá huyết tán kết, khu phong, chỉ thống, trừ đàm tiêu thũng. Dùng cho các trường hợp phát ban dị ứng mẩn ngứa, sa trực tràng, lỵ mãn tính, viêm sưng hạch (lao hạch), chấn thương đụng giập, gãy xương chảy máu do chấn thương, viêm sưng khớp do phong thấp, đau dạ dày, mụn nhọt, rắn cắn, lao phổi, bướu giáp…

Một số cách dùng khoai sọ làm thuốc:

Hoạt huyết tiêu viêm: Khoai sọ 120g, hành sống 3 củ giã nghiền nát, thêm chút rượu khuấy cho nhuyễn đều, bôi đắp qua gạc mỏng trên chỗ đụng giập chấn thương kín có sưng nề bầm tím.

Chữa tiêu chảy, lỵ: Lá khoai sọ 30g, củ cà rốt 30g, tỏi 1 củ. Sắc nước uống.

Chữa mụn nhọt đầu đinh: Củ khoai sọ và giấm, liều lượng bằng nhau. Luộc chín sau đó nghiền nát để đắp.

Chữa rắn cắn, ong đốt: Lấy lá tươi giã nát đắp.

Chữa mày đay: Bẹ lá khoai 60g, rễ cây tai chuột 30g, hồng táo 30g, đường đỏ 30g. Sắc uống. Có thể kết hợp nấu bẹ khoai sọ tươi với sườn lợn.

Thông hầu họng kháng độc, dùng cho bệnh nhân bị u bướu vùng hầu họng: khoai sọ 6 – 12g, củ khởi (rễ kỷ tử) 50g (có thể thêm thất diệp nhất chi hoa 5g, tân di 12g). Sắc trong 2 giờ, gạn lấy nước trong, uống ngày 1 lần. Dùng liên tục 60 ngày.

Một số món ăn – bài thuốc có khoai sọ:

Xương lợn hầm khoai sọ: Khoai sọ 60g, xương cẳng hoặc xương sống lợn 100g. Khoai sọ gọt vỏ rửa sạch, xương lợn chặt thành đoạn ngắn, thêm muối, nước, gia vị. Đun nhỏ lửa trong 2 giờ, ăn ngày 2 lần, có tác dụng khu phong trừ thấp. Dùng cho các trường hợp nổi ban dị ứng, đau nhức tay chân.

Củ khoai sọ nấu với cá quả hay cá diếc có tác dụng điều hòa nội tạng, hạ khí đầy, chữa hư lao yếu sức.

Canh cua khoai sọ rau rút: Cua đồng 200g, khoai sọ 60g, rau rút 1 mớ. Cua đồng rửa sạch, bỏ yếm và mai, giữ lại gạch cua, giã nát, lọc lấy nước, cho mắm muối vừa ăn; khoai sọ cạo bỏ vỏ, rửa sạch bổ miếng vừa ăn, rau rút lấy phần lá, cọng non, bỏ rễ và bấc, rửa sạch. Cho khoai vào nước cua, nấu đến khi khoai chín nhừ, cho rau rút vào, đun vừa chín là được. Ăn trong ngày; dùng liền 2 – 3 ngày. Món này dùng rất tốt cho người tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ.

Lưu ý: Khi chế biến khoai sọ, phải nấu chín kỹ để tránh ngứa do nhựa của khoai sọ.

Benh.vn (Theo SKDS)